Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

TRIẾT GIA QUÂN TỬ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG



TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA MINH TRIẾT

Tọa đàm khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh

                                (1909 - 2019)

Hà Nội ngày 19 tháng 9 năm 2019
  

Ban giám đốc trung tâm văn hóa Minh Triết


cùng một số cựu sinh viên và thân hữu của giáo sư
Nguyễn Mạnh Tường, họp mặt tưởng niệm
nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày mất (1997 - 2019)


TÍNH KHOA HỌC

TRONG LÝ LUẬN GIÁO DỤC CHÂU ÂU

CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG

                                            Pgsts. NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH

Cựu sinh viên khóa I (1956-1959)

                Khoa Ngữ Văn,  ĐH Tổng Hợp- Hà Nội

       Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) là người Việt đầu tiên và duy nhất đỗ hai bằng Tiến sĩ Văn học và Luật học tại đại học Sorbonne – Paris ở tuổi 22. Và mãi cho đến nay, trên đất Pháp – kể  cả người Pháp - cũng  chưa có  ai vượt qua được đỉnh cao ấy! Ông cũng là người Việt đầu tiên được chính quyền bảo hộ Pháp phong học hàm giáo sư đại học Đông Dương.

      Vốn quan tâm đến việc đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước, ông đã viết cuốn Lý luận giáo dục châu Âu (Nxb Giáo dục.HN.1995-450 tr) nhằm giới thiệu - thuyết minh bước phát triển nền giáo dục châu Âu, thành tựu vĩ đại của tiến trình phát triển nền văn minh nhân loại, mà ở  nước ta  bao năm qua chưa được nghiên cứu đầy đủ. Có lẽ những ai chịu trách nhiệm hoạch định chính sách giáo dục hiện đại của đất nước nên tìm đọc, tuy cuốn sách đã ra mắt khá lâu…

     Nét nổi bật đầu tiên của công trình nghiên cứu này là tính hệ thống chặt chẽ trong biện luận, với điểm nhìn biện chứng lịch sử đặt nền giáo dục gắn bó mật thiết với quá trình phát triển xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo… của châu Âu  thời bấy giờ.

       Khảo sát về nền giáo dục châu Âu thế kỷ XVI - ở chương III- khi đề cập đến Vấn đề con người mới - tác giả đã làm nổi bật:

      Thời đại Phục hưng mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử châu Âu. Dĩ nhiên cái mới không xuất hiện toàn bộ trong một khoảnh khắc nào đó như một phép huyền bí  hay một trò ảo thuật. Nó thoát thai từ cái cũ,trong một quá trình lâu dài với cái cũ. Nó có bước tiến, bước lùi lại, kế tiếp một bước tiến mới. Thế kỷ XVI là một giai đoạn đầy mâu thuẫn, trong đó những xu hướng trái ngược xung đột nhau kịch liệt…” (NMT / tr 56)

        Tuy viết về thời đại Phục hưng đã cách xa thời nay hơn bốn thế kỷ, nhưng tác giả vẫn chú ý khảo sát theo quan điểm lịch sử. Dù đứng ở góc độ nào, mỗi khi bàn về giáo dục thì bất kỳ thời đại nào cũng đều lấy.Con người là đối tượng trung tâm. Vì con người vốn là tổng hòa của mọi quan hệ xã hội, không tách rời với cộng đồng, với thiên nhiên, càng không thể tách rời phong tục tập quán, nếp sống và đạo đức của xã hội thời đó.

        Đẻ sáng tỏ vấn đề giáo dục con người mới thời Phục hưng, tác giả chú

ý làm nổi bật các luận điểm của Rabelais (1494- 1553) - nhà giáo dục vừa là nhà văn Pháp lỗi lạc từng viết về hình tượng Con người mới Gargantua trong tiểu thuyết mang tên Gargantua và Pantagruel (1532-64) – “ Rabelais đáp ứng được yêu cầu của thời đại và của giai cấp tư sản xây dựng con người mới, một con người toàn diện , có đầu óc thiết thực và thực tiễn, đủ khả năng và điều kiện  không những sống trong xã hội mới, mà còn thúc đẩy xã hội ấy tiến lên”….

     “ Vinh dự của Rabelais là đã có mơ ước …và hình dung được một xã hội    trong sạch, trong đó con người là mục đích cuối cùng và cao quý của xã hội và cuộc đời của mỗi người là lao động và thỏa mãn các nhu cầu cao thượng nhất của loài người”. (NMT-tr. 90).

       Phân tích quan điểm giáo dục của nhà phục hưng Pháp, tác giả đánh giá rõ ràng Rabelais đã “ nhìn xa hơn thời đại ông” … “ Nội dung giáo dục, ngoài trí dục còn có đức dục. Đức dục đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giáo dục của Rabelais. Trí dục nhằm biến con người thành một nhà bác học, kiến thức thâm uyên như một vực thẳm. Nhưng chỉ có kiến thức thôi, nhất điịnh không thể nào đủ được, vì “  kiến thức mà không có lương tâm thì chỉ tàn phá tâm trí, đẩy tâm trí vào chỗ tiêu vong”.

      Ngược lại kiến thức không thể nào truyền nhập vào một tâm trí tràn đầy những “ tả khuynh”, do đó không có tác dụng làm cho con người tinh khôn thêm được phần nào. (…)  Trí dục sẽ vô dụng nếu không được đức dục chỉ đường và soi sáng tạo điều kiện cho trí dục phát huy hiệu lực”.(NMT-tr.73)

      Qua lời bình trên, người đọc thấy rõ tác giả đã có điểm nhìn khách quan và đặt giáo dục trong mối tương quan biện chứng của thời phục hưng nhằm mục đích học tập những kinh nghiệm quý từ quá khứ hướng tới việc góp phần phát triển nền giáo dục hiện đại của nước nhà.

      Những luận điểm trên mang tính lịch sử còn có những  nét khác biệt so với  yêu cầu của nền giáo dục khoa học kỹ thuật của thời đại mới. Song vè cơ bản vẫn đậm nét tương đồng là ở chỗ nền giáo dục của mọi thời đại bao giờ cũng xoay quanh ván đề làm sao cho Con Người  được hưởng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn...

       Tiếp tục điểm nhìn khoa học như vậy , Giáo sư Nguyễn khảo sát nền giáo dục châu Âu thế kỷ XVIII, đặc biệt giới thiệu quan điểm tiến bộ của nhà văn hóa lớn Jean Jacques Rousseau (1712- 1778) Nhà giáo dục vĩ đại của nước Pháp khẳng định: - ” Mục tiêu giáo dục là huấn luyện Con người”(former les hommes)  Giáo dục là nghệ thuật xây dựng con người. giáo dục đạt mục tiêu ấy bằng cách cung cấp cho con người cái mà mới sinh ra con người không có, nhưng lại rất cần khi lớn lên. Sinh ra trong xã hội, từ lúc lọt lòng mẹ con người đã sa vào vòng nô lệ, vì thế nên mục tiêu giáo dục là khôi phục lại tự do cho con người xây dựng : -con người tự do. Tự do là gì”

        Người thực sự tự do chỉ muốn cái gì mình có thể đạt được và làm cái gì mình muốn. Đó là nguyên lý cơ bản theo tôi, nay chỉ  cần vận dụng nó vào tuổi trẻ; các nguyên tắc giáo dục xuất phát từ đó” (J.J Rousseau).Muốn trở thành con người tự do như thế, cần phải có lý trí. Rousseau còn nhấn mạnh: “ Nếu nền giáo dục xây dựng được một người có ly trí thì đạt được một kiệt tác “

      Trên cơ sở dó, Gs. Nguyễn  bàn rộng thêm: “ Lý trí là lẽ phải, dụng cụ phổ biến nhất của loài người (…) Có lý trí sẽ hiểu tự do, từ đó tiến tới hạnh phúc, mục đích cuối cùng và cao nhất của loài người….Hạnh phúc ở chỗ mình tự do và tự chủ. (…) Tóm lại giáo dục có nhiệm vụ xây dựng con người có lý trí,  con người tự do, tự chủ, sinh sống trong một hạnh phúc cao qúy đòi hỏi “ đấu tranh bản thân, thắng bản thân, hy sinh lợi ích riêng của mình cho lợi ích chung”(..) Yêu nhân loại là yêu công lý”. Rousseau  nhấn  mạnh  Tất cả cái gì ta không có khi sinh ra đời và ta cần dùng khi ta trưởng thành  đều là do giáo dục  cấp cho ta cả”. Bắt nguồn từ các luận điểm của Rousseau, tác giả mong muốn  vận dụng vào mục tiêu giáo dục thời hiện đại; “Mục tiêu giáo dục là hạnh phúc và hạnh phúc cũng biến chuyển theo từng lứa tuổi, mỗi tuổi phải hưởng hạnh phúc trực tiếp, tức khắc.Hạnh phúc là quyền lợi thiêng liêng của con người không thể nào biến nó thành lời hứa suông thuộc phạm vi tương lai (…) Hạnh phúc chỉ có thể thực hiện được trong cuộc đấu tranh giữa lý trí và dục vọng. nhằm làm dục vọng thích nghi với khả năng và số phận, khiến con người tự do và tự chủ; đồng thời đòi hói nhất trí và lợi ích riêng tư và lợi ích chung, sự  hy sinh cá nhân cho tập thể. Quan niệm như vậy, hạnh phúc là biểu hiện cao quý nhất của thiên nhiên, con người, mà một nền giáo dục hoàn toàn có nhiệm vụ phát hiện và phát huy” (NMT-tr439)

       Không tách rời mục tiêu, trong phần bàn về phương pháp giáo dục,, với điểm nhìn vạn vật tươg quan, Rousseau chi  rõ: “ Trong mọi tuổi đời  bao  giờ  cũng phải là mình và đừng đấu tranh chống lại thiên nhiên“.(Rousseau-“Em phải làm người”. Cũng từ đó Gs Nguyễn mở rộng: “ Thiên nhiên chủ yếu là con người thiên nhiên, nghĩa là con người còn duy trì được trong bản thân các đức tính trong sạch cao qúy của trạng thái thiên nhiên không bị các ảnh hưởng tai hại của xã hội làm hoen ố hư hỏng đi ”. Tác giả còn khảo sát rộng thêm về lĩnh vực “ Thâm nhập thực tế, học nhưng phải hành, và hành lúc này là đi sâu vào thực tế xã hội, tìm hiểu và cọ xát với mọi người; - con người bản chất thì tốt, nhưng bị xã hội làm hư hỏng, do đó cần kính nể cá nhân từng người(..) Dĩ nhiên căn bản là tìm hiểu con người cùng  thời, nhưng cũng nên tìm hiểu con người muôn thuở qua môn sử. Các nhân vật thường đeo mặt nạ trước quần chúng, phải phát hiện bản chất thiên nhiên từ họ qua những chi tiết trong tác phong và  sinh hoạt của họ ”.(NMT-tr.436)

        Tác giả đã rất có lý khi thẳng thắn nhìn nhận phẩm chất của mỗi con người phải căn cứ vào thực tế hành động của họ, chứ không dựa vào những lời nói bề ngoài, bởi lẽ môi trường sống thường làm méo mó “ nhân chi sơ, tính bản thiện” của mỗi cá thể trên đời. Khảo sát về quá trình phát triển giáo dục từ thế kỷ XVI-XVII đến XVIII, điểm nhìn của tác giả mang đậm nét biện chứng lịch sử nhằm soi sáng các hình thái:: “ Bản chất các lý luận giáo dục dưới các hình vẻ khác nhau của nó là gì?...Tất cả các lý luận giáo dục trong mỗi thế kỷ nêu lên một lý tưởng con người mới: - nhà nhân văn chủ nghĩa trong thế kỷ XVI:- Người lịch thiệp (honnette homme-NM ) trong thế kỷ XVIi; Triết gia trong thế kỷ XVIII. Nhưng bản chất tât cả lý luận đó là chung : nó cụ thể hóa mơ ước và yêu cầu của giai cấp trong từng giai đoạn , nó tập trung vào hình tượng một con người mẫu mực, những mục tiêu chiến thuật mà giai cấp tư sản hướng tới trong qúa trình  tiến lên của nó”.(NMT-tr.445)

      Nhìn một cách khái quát tác giả cuốn sách –với cách nhìn khoa học- đã khẳng định vai trò của Lý luận giáo dục châu Âu trong quá trình vận động của giai cấp tư sản đang tiến lên thực hiện vai trò cách mạng của chính nó nhằm lật đổ chế độ và hệ ý thức phong kiến đang ngự trị xã hội châu Âu từ bao thế kỷ, mà không dễ gì vượt qua những chướng ngại đó để bước sang một giai đoạn tiến bộ hơn trước. Kết thúc công trình nghiên cứu, Gs. Nguyễn  đã vận dụng luận điểm biện chứng quan trọng của nhà tư tưởng lỗi lạc Các Mác đã trình bày trong bản tham luận của Người, đọc tại Đại hội Quốc tế Cộng  sản làn thứ nhất ( 10-8-1869) để nhận biết rõ ràng hơn vai trò quan trọng của giáo dục qua ba thế kỷ trước:

     “ Một mặt, muốn sáng chế một hệ thống giáo dục đúng đắn cần thiết phải có sự đổi thay các điều kiện xã hội; và mặt khác, muốn có thể đổi thay các điều kiện xã hội, cần thiết phải có một hệ thống giáo dục đúng đắn”.




GIÁO SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG

 NHỮNG ĐIỀU CẢM NHẬN

TRẦN HINH
                                             Khoa Văn học, trường ĐHKHXH & NV  
     
     Tôi không có may mắn được là học sinh, cũng chưa một lần diện kiến giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, nhưng ngay từ khi chính thức là thành viên của bộ môn Văn học nước ngoài, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội (tôi nhớ vào khoảng tháng 9 năm 1976, thời điểm Văn học nước ngoài còn gồm cả ba nhóm Nga, Phương Tây và Trung Quốc), tên tuổi và những giai thoại về ông, với tôi, luôn là một trong những ký ức hấp dẫn và ấn tượng nhất. Ấn tượng trước tiên với tôi, một “kẻ hậu sinh” trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu văn học nước ngoài, có lẽ trước tiên ở tài năng đáng nể của ông: ngay từ năm 23 tuổi, Nguyễn Mạnh Tường đã đậu tới hai bằng tiến sĩ Pháp (mà là tiến sĩ quốc gia - docteur d’État hẳn hoi, chứ không phải tiến sĩ mới - docteur nouveau ngày nay, mà nhiều người có thể đạt được). Thành tích của ông “chói sáng” đến mức khiến cho cả những người Pháp lúc bấy giờ cũng phải ngạc nhiên. Clément Vautel, một nhà bình luận bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng thời ấy đã từng có những “lời cảnh báo” trên một tờ báo Pháp về hiện tượng Nguyễn Mạnh Tường như sau: “Người Pháp nên cẩn thận: để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”. Ấn tượng thứ hai về giáo sư Nguyễn Mạnh Tường thuộc về một nét cá tính, mà suy cho cùng thường chỉ có ở những người giàu lòng tự tin và bản lĩnh, có may mắn được hít thở nền giáo dục dân chủ phương Tây, thấm nhuần tinh thần duy lý của Descartes , nhà triết học Pháp thế kỷ XVII (“Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại” - Je pense donc je suis). Từng có một thời gian rất dài, chúng tôi những học trò khoa Văn thường lan truyền với nhau giai thoại về một ông thầy “tự kiêu”. Một cựu học trò của ông, giáo sư Trần Thanh Đạm, đã từng kể câu chuyện thú vị về “ông thầy tự kiêu” ấy của mình như sau: “Hồi dạy chúng tôi ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa thỉnh thoảng thầy nói: Tôi thật sự là một cái quái thai. Các anh nghĩ có phải cái quái thai không?. Học trò đang ngơ ngác, thầy bảo: Ai như tôi, 23 thuổi mà đậu hai bằng tiến sĩ. Thầy tự hào mà nói ra như thế, học trò thì bảo: Thầy kiêu ngạo một cách thật thà, hồn nhiên”. Đại loại là như vậy, những câu chuyện về giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, cũng như của không ít những giáo sư nổi tiếng khác một thời của Đại học Văn khoa Hà Nội đã từng làm cho nhiều thế hệ học trò chúng tôi suốt nhiều năm sau vẫn không hết tự hào. Quả thật, sẽ còn lâu lắm, dù khoa học có đi lên bằng “tàu vũ trụ”, tôi vẫn tin rằng, chúng ta khó có thể tìm lại được một đội ngũ những nhà khoa học xã hội và nhân văn tài năng và ấn tượng như thế. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường là một trong những vị giáo sư ấn tượng hiếm hoi đó.

Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16 tháng 9 năm 1909 trong một gia đình công chức phố Hàng Đào, thành phố Hà Nội. Thực ra, quê chính của ông thuộc làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Một cách ngắn gọn ta có thể biết những trang tiểu sử ngắn gọn của ông  như thế này: Hồi nhỏ, ông học trường Paul Bert, sau tiếp tục học trường Albert Sarraul, năm 26 tuổi ông đỗ tú tài triết học hạng ưu, nhờ đó đã nhận được học bổng du học tại Pháp. Từ năm 1927 đến 1933, bằng sự thông minh chói sáng của mình, Nguyễn Mạnh Tường đã có một cuộc thăng tiến kỳ diệu: ông lần lượt vượt qua các chương trinh trình cử nhân luật và văn chương, rồi sau đó đậu luôn hai bằng tiến sĩ thuộc hai lĩnh vực này. Tất nhiên, sự “thăng tiến kỳ diệu” của Nguyễn Mạnh Tường ngoài sự thông mình bẩm sinh, còn có một sự khổ học thật sự. Chính ông đã bộc bạch: “Từ lớp 6 cho tới Tú tài, tôi có thói quen mỗi tuần đọc 2 cuốn tiểu thuyết Tây […]; và nhất là do cật lực làm việc: suốt 5 năm dài, mỗi sáng tôi thức dậy từ 4 giờ, học và viết tới 8 giờ thì đi lớp, chiều lại học tới khuya”. Tháng 5 năm 1932 ông trở về nước, nhưng sau đó quay trở lại Pháp, du lịch và nghiên cứu tại một số quốc gia châu Âu (Tây Ban Nha, Ý, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, Hy lạp). Đến 1936, ông mới chính thức trở về Việt Nam và tham gia nhiều công việc khác nhau: được cử giảng dạy khoa Văn chương phương Tây, ngay sau khi Đại học Văn khoa được thành lập (1945); năm 1946, được chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị trù bị Đà Lạt. Cùng năm, khi đang tham dự một phiên tòa tại Hải Phòng, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngay lập tức ông gia nhập đoàn quân kháng chiến: lên chiến khu Việt Bắc, vào liên khu III và IV, được cử làm luật sư tại các Tòa án quân sự, Tòa án Đại hình và thành viên Ban giám đốc Đại học dự bị, khi đó ở Thanh Hóa và Nghệ An. Mặc dù vậy, điều không may mắn với giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, có lẽ do hoàn cảnh đất nước kháng chiến khó khăn bộn bề, những công việc dành cho một trí thức được đào tạo bài bản như ông, để ông có thể cống hiến, thật sự không nhiều. Thêm nữa, con đường sự nghiệp của Nguyễn Mạnh Tường tại Đại học Văn khoa thời điểm ấy lại rất ngắn, chỉ trong khoảng 3 năm, từ 1954 đến 1957 với vai trò giám đốc khoa Luật và phó giám đốc Văn khoa Sư phạm. Khoảng tháng 10 năm 1957, do một “tai nạn” nghề nghiệp, ông vĩnh viễn rời bục giảng đại học. Bản thân ông cũng không ngờ rằng “tai nạn” bất ngờ ấy đã khiến cuộc đời của ông bước sang một ngã rẽ khác hẳn. Ông buộc phải “gác lại” vô thời hạn hai công việc vô cùng yêu thích từ hồi còn trẻ của mình: nghiên cứu giảng dạy văn chương và thực hành pháp luật. Với một người trí thức, điều đó chẳng khác nào một cuộc “lưu đày”…

Phải tới tận năm 1994, sau một thời gian dài “đứt đoạn”, Nguyễn Mạnh Tường mới có điều kiện quay trở lại công việc chuyên môn quen thuộc của mình: tham gia biên soạn xuất bản một số công trình tài liệu thuộc cả hai lĩnh vực văn chương và giáo dục. Ba cuốn sách Lý luận giáo dục châu Âu thế kỉ XVI, XVII, XVIII, từ Erasme đến Rouseau (NXB GD, 1994), Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp (NXB GD, 1994), Viergile và anh hùng ca La Tinh (NXB KHXH, 1996) có thể được coi là khát vọng hồi sinh “giấc mơ văn chương” của Nguyễn Mạnh Tường. Thực ra, nếu nhìn toàn diện hơn, sự nghiệp của Nguyễn Mạnh Tường gồm 18 đầu sách, báo, bao gồm cả dịch thuật, nghiên cứu, sáng tác bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp thuộc các lĩnh vực xã hội, văn học, luật học và giáo dục. Mảng sách viết bằng tiếng Pháp của ông đa phần đều chưa được in ra, ngay cả tại Pháp. Trong số những cuốn sách chưa được in đó, theo tôi biết, còn có tập bài giảng in rô nê ô Văn hóa và văn học Phục hưng phương Tây (đã từng được lưu giữ tại Phòng tư liệu khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội), vốn được sử dụng làm giáo trình giảng dạy chính thức tại khoa từ những ngày đầu. Rất tiếc, tập tài liệu này cho đến nay vẫn chỉ tồn tại ở dạng lưu hành nội bộ…

     Từ một tiểu sử và sự nghiệp có phần “đứt đoạn” như thế, cùng với những nhận xét chưa bao giờ thống nhất về Nguyễn Mạnh Tường, để dựng lại một bức chân dung đầy đủ và chính xác về ông, với một kẻ hậu sinh như tôi quả là rất khó. Cái khó trước tiên đến từ nguyên do, một thời gian dài, mặc dù không có bất cứ sự cấm đoán chính thức nào, nhưng những phát ngôn chân thực về ông lại rất ít cơ hội được dăng tải công khai để nhiều người cùng biết. Thêm lý do nữa, do nước ta một thời gian dài có chiến tranh, tất cả mọi nguồn lực đều tập trung cho công cuộc thống nhất đất nước, việc “khôi phục” danh dự cho một người trí thức như ông khó được ưu tiên. Rồi lâu dần nó bị rơi vào quên lãng. Đến khi người ta kịp nhớ ra thì đã quá muộn màng. Chuyện của ông bỗng nhiên trở thành “dĩ vãng”. Rồi còn có lý do khác nữa, Nguyễn Mạnh Tường vốn là một ông thầy “cá tính”, trong suốt thời gian “gặp nạn” và cả sau này, ông không bao giờ tỏ ra “hối hận” để mong được “giảm án”. Mối quan hệ giữa ông với bạn bè và học trò cứ thế vắng dần. Cả những người bạn tốt cũng “ngại” gặp gỡ ông dần. Trong khi không ít kẻ bên ngoài vốn chẳng “yêu” gì ông, nhưng vẫn lợi dụng “hình ảnh” của Nguyễn Mạnh Tường “khuấy tung” nguồn dư luận không đáng có nhằm vào những mưu đồ thiếu “trong sáng”.

     Thật may mắn, tình cờ một lần nhân kỷ niệm 35 năm thành lập khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội (17/11/1991), giáo sư đương nhiệm chủ nhiệm khoa thời đó là Nguyễn Kim Đính đã có sáng kiến đề xuất mời “thầy Nguyễn Mạnh Tường” về dự và phát biểu ý kiến. PGS Phạm Quang Long hồi ấy là phó khoa, kể rằng, chính ông đã trực tiếp đến tận nhà thầy Nguyễn Mạnh Tường tại 34, phố Tăng Bạt Hổ, “trịnh trọng” đưa ông tới Hội trường 17, Lê Thánh Tông bằng chiếc xe máy “cà tàng” của mình. Nhiều thầy cô giáo và sinh viên khoa Ngữ văn ngày ấy bỗng nhiên bất ngờ được diện kiến hình ảnh “ông thầy của hai bằng tiến sĩ” nổi tiếng một thời của Văn khoa Tổng hợp. Giáo sư Nguyễn Kim Đính thì nhắc lại rằng, khi ra đón thầy Tường bước lên từ bậc tam cấp phía cửa chính Hội trường, ông đã nhìn thấy ông thầy năm xưa của mình run run, xúc động. Thầy nói: “Đã hơn 30 năm nay tôi mới được quay lại trường, lại khoa của mình”. Rõ ràng là không ai khác mà chính khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, cái nôi ban đầu của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã làm một “cuộc chiêu tuyết” kỳ diệu cho ông. Bởi lẽ cho đến tận lúc này theo tôi được biết, danh dự của ông từ tận ngày ấy vẫn chẳng có tổ chức chính thức nào đứng ra “đính chính”. Trong khi, sự kiện lịch sử mà vì nó Nguyễn Mạnh Tường gặp “tai nạn” thì về sau đã chính thức được công nhận là “sai lầm”. Bản thân Nguyễn Mạnh Tường, dù có tới hai bằng tiến sĩ, trong đó có tiến sĩ Luật, trái lại không một lần được công khai tự bào chữa cho mình[1]. Đôi điều nói về ông công bằng và khách quan lúc này, nhân 110 năm ngày sinh, là thật sự cần thiết.

Trước tiên, tôi xin được khẳng định: cho dù ý kiến về Nguyễn Mạnh Tường từ trước tới nay có khác nhau thế nào, và dù bản thân ông từng để lại những phát ngôn “gai góc khó nghe” (qua những trang viết đã và chưa được công bố), nhưng về mặt nhân cách, ông hoàn toàn là con người chân thành, trung thực và ngay thẳng. Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày một “tai nạn nghề nghiệp” ngẫu nhiên giáng xuống đầu, mọi ước mơ, sự nghiệp của vị giáo sư tài hoa bỗng bất ngờ lở dở. Tất cả cũng chỉ xuất phát từ đức tính ngay thẳng, trung thực vốn có của mình. Do trong đời sống riêng tư và cá tính có phần “gai góc”, lại từng được đào tạo trong môi trường giáo dục cởi mở phương Tây, những “phản biện” xã hội thẳng thắn của Nguyễn Mạnh Tường không dễ dàng được chấp nhận ở nước ta thời ấy. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Thực ra, bản thân ông là một người yêu nước, thiết tha với sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. Không phải chỉ đến bây giờ, khi mọi sự thật về ông đã dần được sáng tỏ, mà ngay cả khi “sự thật và bóng tối” quanh ông còn chưa thật rõ ràng, tình cảm, tư tưởng  của Nguyễn Mạnh Tường vẫn luôn thẳng ngay, minh định. Bản thân ông bao giờ cũng mong muốn những điều tốt đẹp cho dân, cho nước. Báo chí, dư luận cả phía “yêu ông” và “ghét ông” đều gặp gỡ nhau ở vấn đề này. Mặc dù từng có thời gian dài chịu đựng “sự bất công, ghẻ lạnh” không đáng có, những năm cuối đời, khi có điều kiện được tự do bày tỏ, Nguyễn Mạnh Tường không bao giờ  làm trái lý tưởng đặt ra từ thời trẻ của mình. Để kiểm chứng điều này, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo một số bài viết gần đây về chuyến trở lại nước Pháp những năm cuối đời hồi tháng 12 năm 1987, của ông. Trong một cuộc gặp gỡ, giao lưu với một số bạn bè, trí thức ở Pháp, một số phóng viên báo chí ở đây đã bất ngờ “tấn công” ông: “Thưa ngài, ngài thấy chủ nghĩa cộng sản bây giờ thế nào?”. Nguyễn Mạnh Tường bình tĩnh trả lời: “Trước hết các ông đừng lẫn lộn chủ nghĩa cộng sản với những người đã thực hiện nó”. Hỏi tiếp: “Vậy ngài thấy các lãnh tụ cộng sản thế nào?”. Vị “giáo sư của hai bằng tiến sĩ” vẫn sáng suốt trả lời: “Cũng như vậy, các ông chớ xếp chung các lãnh tụ cộng sản vào một gói. Làm sao có thể đặt ngang hàng Ceaucescu với Hồ Chí Minh. Các ông đều biết cụ Hồ Chí Minh khi chết vẫn chỉ có bộ quần áo kaki đã sờn và đôi dép cao su đã vẹt gót”[2].  Về một số sự kiện “dân chủ” diễn ra ở một số nước Đông Âu lúc bấy giờ, ý muốn liên hệ với Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường kiên quyết thẳng thắn: “Tôi là một luật sư quen bào chữa, chứ không phải một công tố viên, quen lên án. Hơn nữa, ngụ ngôn Pháp có câu: Cú đá của con lừa (Le coup de pied de l’âne) để nói về những kẻ hèn hạ thừa cơ người khác gặp khó khăn mà lợi dụng. Các ông đừng ép tôi làm con lừa ngu ngốc ấy”. Một câu chuyện khác, biết thời gian này Nguyễn Mạnh Tường thực sự có những khó khăn trong đời sống (cả vật chất lẫn tinh thần), một số người tỏ ý muốn ông ở lại nước Pháp. Với khí chất của một sĩ phu, ông cũng nhất quyết trả lời: “Tôi là người trí  thức Việt Nam, tôi có lòng tự trọng của mình. Tôi không thể vì miếng cơn manh áo mà bỏ đất nước nghèo ra đi” (dẫn theo Kiều Mai Sơn, Nguyễn Mạnh Tường – Người luật sư yêu nước: Lòng tự trọng của người trí thức). Nhà sử học Pháp George Boudarel trong một bài viết về ông đã khẳng định không hề sai rằng: “Dù hết sức ngưỡng mộ Paris và nước Pháp (khó có thể làm hơn), nhưng tới giờ phút quyết định, Nguyễn Mạnh Tường trong sâu thẳm của tâm hồn, vẫn là người Việt. Dường như ông nghĩ, mình chỉ trung thành với những lý tưởng hun đúc ở Paris: độc lập, tự do, nhân quyền và dân quyền. Năm 1945, cùng toàn bộ thành phần ưu tú của dân tộc, ông đi theo chính phủ Hồ Chí Minh”. Những năm cuối đời, khi vấn đề Nguyễn Mạnh Tường được công khai nhắc lại, cũng từng có kẻ xấu cố ý “đào bới” một vài trang viết tự truyện có tính chất “phản biện” của ông để khẳng định “những hình phạt” dành cho ông và một số trí thức thời ấy là đúng. Bản thân tôi cũng nhận thấy, quả có một số điều, vì “bất bình” và không “cam chịu”,một vị trí thức cương trực và giàu bản lĩnh như Nguyễn Mạnh Tường buộc phải lên tiếng, thật khó mà khá được. Tất cả lại cũng lại vì sự thẳng thắn, khảng khái dường như đã hòa tan trong máu và huyết quản của người trí thức. Những “va dập” đó đã gây tổn hại cho hình ảnh cá nhân của ông, đã đành, nó còn làm tổn hại đến cả nền giáo dục và khoa học trong nước. Cả hai ước mơ giảng dạy văn chương và hành nghề luật sư trên chính đất nước mình của “ông thầy có hai bằng tiến sĩ” vì thế đã không có cơ thực hiện.

Ở một phương diện khác, “nỗi đau” của nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường, đó là sự dang dở trong chuyên môn, sự nghiệp. Với ông, đó đó là “nỗi đau” lớn nhất. Bởi lẽ suy cho cùng, ước mơ duy nhất khi trở về nước của ông chỉ là để làm chuyên môn: giảng dạy văn chương để truyền giảng cái đẹp cho mọi người; làm nghề luật sư để thực thi công lý. Thật tiếc, những mộng ước ấy của Nguyễn Mạnh Tường đã không thành, chính xác hơn, nó có quá nhiều dang dở. Kể từ sau khi trở về nước, do hoàn cảnh chiến tranh, công việc thường xuyên bị gián đoạn, phần lớn các công trình, sáng tác của Nguyễn Mạnh Tường bằng tiếng Pháp không có điều kiện được dịch và in ra. Những gì chúng ta, những người Việt đương thời và hậu thế có cơ hội tiếp xúc chỉ gồm 4 đầu sách, trong đó 3 cuốn được xuất bản tại Việt Nam (bằng tiếng Việt) từ khoảng năm 1994 đến 1996, một cuốn bằng tiếng Pháp nhưng chưa được dịch và in ở Việt Nam (L’Annam dans la littérature francaise, Jules Boissière). Chừng ấy chưa đủ để đánh giá hết sự đóng góp của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cho nền khoa học nước nhà. Thêm nữa, “kho tàng trí tuệ” của vị giáo sư hai bằng tiến sĩ lại “bị phân tán”, mở rộng sang quá nhiều lĩnh vực: văn chương và luật học, triết học và giáo dục, khảo cứu và sáng tác, biên soạn và dịch thuật…, nên rất khó đạt đến độ chuyên sâu. Do không hiểu nhiều về mảng luật học, tôi xin không được “lạm bàn”. Còn nói riêng về văn học, sở trường của Nguyễn Mạnh Tường chính là mảng văn học Pháp, Hy Lạp và La Mã. Ở cả ba mảng văn học này, Nguyễn Mạnh Tường đã có sách được in ra, dù chưa thể coi là xuất sắc. Từ thực tế ấy, việc đánh giá về ông cả ở hai khuynh hướng đề cao đến mức “siêu phàm” lẫn “phủ nhận sạch trơn”, tôi cho rằng đều thiếu chính xác và công bằng. Đúng là ở thời điểm nền đại học Việt Nam còn rất ít thành tựu và thiếu kinh nghiệm (thập niên 40 của thế kỉ trước), một tài năng được đào tạo bài bản như Nguyễn Mạnh Tường không được”khai thác triệt để” là một điều hết sức đáng tiếc. Nhưng dẫu biết vậy, ta vẫn phải thừa nhận, điều “hết sức đáng tiếc” đó chủ yếu thuộc về phần lỗi của lịch sử. Mà lịch sử đôi khi vẫn có “cái lý riêng” của nó. Đến thời điểm này, sự bàn cãi quá nhiều về sự đóng góp của ông cho nền học thuật nước nhà thiết tưởng đã không còn cần thiết. Chúng ta chỉ có thể khẳng định, sau hơn 70 năm ra đời của Đại học Tổng hợp Văn khoa (1945), bởi những lý do lịch sử, sự đóng góp “khiêm tốn” của Nguyễn vẫn là niềm tự hào của trường, của khoa. Con người và sự nghiệp “khiêm tốn” đó vẫn rất đáng được trân trọng.

Sự “trân trong” đó nên được hiểu từ góc độ nào? Như trên đã nói, công bằng mà xét, những công trình khoa học Nguyễn Mạnh Tường để lại (trong cả tiếng Việt và tiếng Pháp, đã in hoặc chưa in), ở cả thời kỳ đầu lẫn thời gian trở lại sau này, chưa có được sự  ảnh hưởng sâu rộng đến nền khoa học xã hội và nhân văn trong nước. Hay đúng hơn, vì bản thân ông đã từng bị “quên lãng” quá lâu, nên khi quay trở lại với chuyên môn khoa học, những cuốn sách ông công bố không còn được nhiều người chú ý. Phần viết tiếng Pháp chưa được dịch thì không phải ai cũng đọc được. Phần viết bằng tiếng Việt được công bố ở thời điểm tên tuổi của ông không còn “hót” nữa, thậm chí đã bị “lãng quên”. Bản thân ngành nghiên cứu xã hội và nhân văn trong nước lúc đó cũng đã bắt đầu có sự đổi mới. Quả thật rất khó cho một nhà nghiên cứu rơi vào “hoàn cảnh đặc biệt” như Nguyễn Mạnh Tường. Dù vậy, vốn là người bản lĩnh và trung trực, Nguyễn Mạnh Tường rất ít khi thay đổi. Ngay từ những ngày đầu tiên mới bước vào nghề, dù làm luật học hay văn chương, giáo dục hay những vấn đề xã hội, thiên hướng nhất quán của Nguyễn Mạnh Tường trong các trang viết và hành xử đều luôn hướng đích đến là con người.Chính xác  hơn, đó là con người cá nhân. Đây là nét nổi bật của nền khoa học nhân văn ở đất nước ông từng được đào tạo. Đó là Tự do, Bình đẳng, Bác ái, và cao nhất là Hạnh phúc với con người. Với văn chương đó là là niềm hạnh phúc được thỏa mãn cái Đẹp. Và luật học đó là Công lý và sự Công bình. Nội dung chính trong bản luận án tiến sĩ luật của ông, L’individu dans la vieille cite annamite (cá nhân trong xã hội Việt Nam cổ), về mặt lý thuyết là đi theo hướng đó. Trong khi trên phương diện thực tế, sau này khi trở về Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường đã từng tham dự nhiều phiên tòa trong tư cách luật sư, và theo giáo sư Nguyễn Kim Đính kể lại, vốn là người “khẩu khí”, ông luôn có ý thức bênh vực những người ở “vị trí thấp kém” và nghèo khổ. Con người Nguyễn Mạnh Tường là như vậy, cho dù không phải có khi bản thân ông cũng “tự mâu thuẫn’ với chính mình, nhưng trong mọi hành xử cuộc sống và khoa học, ông giàu tính nhân văn và nhất quán. Nhìn vào bảng thư mục các đầu sách văn chương của ông, chúng ta dễ dàng thấy Nguyễn Mạnh Tường dành khá nhiều cho mảng sách hư cấu, sáng tác, phần nghiên cứu còn lại, chính xác, chỉ gồm 4 đầu sách như chúng tôi đã dẫn ở trên: Essai sur la valeur  dramatique du théâtre d’Alfred (Khảo cứu giá trị tính kịch trong kịch/sân khấu của d’Alfred Muset), Luận án tiến sĩ văn chương, 1932, tiếng Pháp trong nguyên bản, chưa in [1], Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp, NXB GD, Hà Nội, 1996 [2], Viergile và anh hùng ca La Tinh, NXB KHXH, Hà Nội, 1996 [3], L’Annam dans la littérature francaise, Jules Boissières, chưa dịch [4]. Trong số các công trình này, chỉ duy nhất Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp là được viết mới. Cuốn sách thể hiện rất rõ năng lực chuyên môn cơ bản của ông. Tuy nhiên, người đọc Việt Nam không có cơ hội tiếp xúc nhiều với những cuốn sách kiểu này. Cũng có lẽ vì những công trình đã viết (bằng tiếng Pháp) không được dịch sang tiếng Việt, trong khi những công trình bằng tiếng Việt lại quá ít. Tuy nhiên, có thể khẳng định, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, văn chương, luật học hay giáo dục, vị “giáo sư của hai bằng tiến sĩ” này cũng đều hướng mối quan tâm thường trực của ông vào vấn đề con người (trong tư cách cá nhân) và giá trị nhân văn của con người cá nhân đó. Không phải ngẫu nhiên, cả ba công trình quan trọng nhất của ông, hai bản luận văn tiến sĩ văn chương và luật học, cùng cuốn Giáo dục châu Âu, đều toát ra nội dung cơ bản đó. Quả là căn cứ trên những nhận xét này, chúng ta chưa thấy có sự cân xứng giữa tài năng thực và kết quả vị giáo sư này để lại. Cũng có thể chúng ta quá kỳ vọng vào ông. Nhưng như trên đã nói, điều đáng tiếc đó không thuộc về ông mà thuộc về lịch sử. Nhân 110 năm ngày sinh của “vị giáo sư của hai bằng tiến sĩ”, dù không phải là thế hệ học sinh trực tiếp của thầy, tôi vẫn dám quả quyết, Nguyễn Mạnh Tường là một nhà khoa học tài ba, một nhà hoạt động xã hội tâm huyết, bản lĩnh và một công dân yêu nước.






NHỚ BÁC NGUYỄN MẠNH TƯỜNG

                                            Tiến sĩ NGUYỄN NGUYÊN HY



     Năm 2019 là kỉ niệm 110 năm sinh bác Nguyễn Mạnh Tường, một con người đặc biệt, một thần đồng sống đến gần 90 tuổi với số phận viên mãn mà chính bác tự coi là “an nhiên tự tại”, bất chấp những vùi dập của đời thường. Với lòng một người Việt yêu quí bậc trí thức hiếm có của đất nước, tôi xin viết đôi dòng kí ức về bác coi như một nén hương kính dâng lên anh linh bác. Tôi sống gần nhà bác (34 Tăng Bạt Hổ) và quen với mấy người con bác từ thuở bé (anh Nguyễn Tường Hưng, các chị Nguyễn Dung Nghi và Nguyễn Dung Trang) cho đến già, nên hay sang nhà bác, được nói chuyện với bác. Kí ức về bác tuy không nhiều nhưng với tôi vẫn rất sâu đậm.

     Những năm 1960 hai bác Nguyễn Mạnh Tường và Tống Lệ Dung đều còn trẻ đẹp, sống hiền hòa trong ngôi biệt thự tư – tài sản hiếm hoi ở một Hà Nội nhếch nhác sau năm 1954. Bác có phòng khách đầy sách vở, và lúc nào cũng cặm cụi viết lách. Những năm 1980 một số bạn cần học thêm tiếng Pháp nâng cao để đi dạy đại học ở Algeria, tôi đều dẫn sang nhà bác Tường xin học bác. Một số người không theo được lịch dạy hàng ngày của bác thì tôi dẫn sang nhà giáo sư Vũ Như Canh ở 27 Nguyễn Gia Thiều, một giáo sư được Pháp phong hàm, cử về Việt Nam làm phó hiệu trưởng đại học Đông Dương năm 1952. Ông là một người thích kể chuyện về bác Tường và rất phục tài năng tiếng Pháp của bác.  

     Vào năm 1988-1989,  phục vụ đề án giới thiệu du lịch cho Cổ Loa  ở Đông Anh-Hà Nội, giáo sư Trần Quốc Vượng, người đang quan tâm nghiên cứu di tích thành Cổ Loa và Thục Phán An Dương Vương. đã giúp tôi viết một bài tản văn rất hay về Cổ Loa. Tôi bèn mang sang nhờ bác Tường chuyển ngữ sang tiếng Pháp để gửi cho UNESCO. Vài ngày sau bác đích thân sang nhà đưa lại và cho tôi bài MÉDITATION SUR CỔ LOA, Archéologie au Vietnam. Bài viết tiếng Pháp kí tên đầy đủ học vị tiến sĩ Luật khoa và tiến sĩ Văn khoa (Docteurès Lettres et en Droit). Nhưng khoảng một tháng sau, bác Tường lại sang nhà tôi nói:

     - Cái bài báo ấy không đăng được nữa đâu anh Hy ơi. Mỵ Châu Trọng Thủy chúng nó hòa nhau rồi anh!

 Tôi chẳng biết nói sao. Bản photocopy bài ấy tôi đã gửi đi UNESCO rồi. Và tôi cũng chẳng nhận được phản hồi gì của họ. Bác bảo “- Đành mặc kệ thôi. Tôi tặng anh bài ấy, giữ lại, biết đâu sau này có lúc đắc dụng”.

     Vào năm 2015, nhân dịp chuẩn bị 20 năm ngày mất của bác, tôi đã gửi bài ấy cho người quen, một học giả bút danh Thiếu Khanh, nhờ anh gửi đăng ở cộng đồng Pháp ngữ. Rồi tôi cũng gửi tặng lại bản thảo do đích thân bác Tường đánh máy cho người con gái bác là chị Nguyễn Dung Nghi. Chị Nghi nói đã chuyển cho người cậu chị ấy ở Pháp (cậu Lung hay cậu Cường tôi không nhớ rõ). Bài văn ấy giờ đã được đưa lên trang Viet-studies ngày 14-12-2010” http://tuvietfr.com/meditation-sur-co-loa-nguyen-manh-tuong/.

     Tôi vui mừng vì bài viết công phu về một sự kiện lịch sử văn hóa người Việt của bác Nguyễn Mạnh Tường, còn lưu trữ, và nay lại có dịp được ban tổ chức kỷ niệm của Trung tâm văn hóa Minh Triết tìm đọc, khiến cho hậu thế có văn bản, xem và suy ngẫm, chia sẻ với bác.

     Những ngày tháng năm 1990 tuổi Nguyễn Mạnh Tường đã cao, nhưng vẫn rất minh mẫn. Có lần bác kể cho tôi nghe về một số công trình của bác :

     - Tôi muốn cho anh xem những ghi chép của tôi; suốt hơn 40 năm về Nền dân chủ pháp trị Hy Lạp, La Mã bằng cả ba thứ tiếng: Pháp, Anh và tiếng Việt… Gốc rễ ở đó là tinh thần pháp lí vị nhân bản, chứ không vị thân thế, quí tộc hay công dân thường….Tòa án không được kết tội ai chỉ theo lời khai, kể cả lời tự thú của nghi can, mà phải căn cứ vào “chứng cứ” không thể bác bỏ, dù nghi can không chịu công nhận …Bộ Luật hình Napoleon thế kỷ XVIII thực chất là bắt nguồn từ đó.

     Lần khác, nghe tôi thắc mắc “vì sao tiếng Pháp của bác hay đến mức người Pháp thực thụ (kể cả quan chức cao cấp Pháp) nghe bác nói chuyện đều cảm phục, ca tụng”. Bác giải thích không phải do trí thông minh. Thời trẻ bác từng nổi tiếng thần đồng, mà là do may mắn bác được học cả hai thứ cổ ngữ là chữ Hy Lạp và chữ La Tinh; vốn là cội nguồn ngôn ngữ của tiếng Pháp hiện đại. Bác đọc hay nghe tiếng Pháp không cần dung từ điển, mà hầu như mọi ẩn dụ sâu xa và ý tứ thâm thúy bác đều hiểu rõ. Từ đó, có thể nói bác đã năm vững cái hồn của tiếng Pháp, nhất là tiếng Pháp parisien, một ngôn ngữ đỉnh cao thời cận-hiện đại.

      GS Vũ Như Canh từng kể rằng, tại một buổi thuyết trình của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường ở Hội Khai Trí Tiến Đức tại Hà Nội trước năm 1939 - chủ đề rất khó về pháp chế Cộng hòa La Mã -  các giáo sư Pháp của đại học Đông Dương, quan toàn quyền Đông Dương đều lắng nghe và hết lời khen ngợi. Giaso sư Canh còn nói rằng, khi ông học và dạy tại đại học Montpellier - nơi ông bảo vệ tiến sĩ và được phong giáo sư (docteur d’état và professeur titulaire) -  những năm 1940- 1952, tức 20 năm sau tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường cũng học và dạy tại đây, ông đã nghe nhiều người Pháp có danh vọng đương thời nhắc đến và ca tụng tài năng chói sáng của chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Tường thời trẻ. Và phải kể thêm rằng sau năm 1999, tức hơn 70 năm sau “ngôi sao lưỡng quốc tiến sĩ” Nguyễn Mạnh Tường vẫn tỏa sáng ở đại học Montpellier.

     Con trai tôi từ đại học Bách khoa Hà Nội, sang thực tập ở trường ấy, nhiều người, nhất là giới Việt Kiều còn tự hào kể chuyện về bác Nguyễn Mạnh Tường như một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

     Tưởng nhớ bác Nguyễn Mạnh Tường, tôi rất tâm đắc và nhớ mãi buổi bác nói chuyện tại Câu lạc bộ Thời sự - Khoa học (53 Nguyễn Du – Hà Nội); sau chuyến đi thăm lại nước Pháp năm 1989 sau 40 năm. Bác đã dành thời gian kể lại cuộc đời thăng trầm, biến đổi và trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Le Monde – một tờ nhật báo lớn ở Paris. Nhà báo tập trung vào vấn đề chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và gắn với tình hình Việt Nam. Trong đó có đoạn tâm sự của bác – một lời đúc kết rất hay của cả một thân phận trí thức cương trực và quả cảm của:

      Con người có những thăng trầm. Tôi không thoát khỏi định luật chung đó. Ba mươi năm dài tôi đã sống và đau khổ. Cuộc đời có lúc mình cảm thấy thất vọng muốn điên lên được. Tôi đã thấy những giờ phút đó. Bằng cách dốc toàn lực vào nghiên cứu, vào việc thực hiện những ý tưởng của mình, tôi đã hoàn toàn thỏa mãn về cuộc đời, vì mọi ước mơ của tôi đều đã thành đạt. Tôi mơ làm giáo sư văn chương Tây thì tôi đã là giáo sư. Tôi mơ trở thành trạng sư cãi những vụ nổi tiếng, tôi đã là trạng sư. Tôi mơ một cuộc sống thật gần gũi người dân, nghề giáo và trạng sư đã giúp tôi cảm thông và sống được với những nỗi niềm của người dân bình dị. Tôi mong được nhiều người thương, thì đâu đâu cũng gặp tình cảm thân thương. Việc tôi sang đây chứng tỏ hùng hồn tình cảm và sự giúp đỡ to lớn của các bạn trí thức dành cho tôi.

     Cuối cùng, tôi muốn đóng góp chút gì ích quốc lợi dân, thì tôi đã hoàn thành những tác phẩm như  mong muốn. Sang đây gặp gỡ nhiều bạn trẻ, thấy ai cũng thao thức về quê hương, đất nước, tôi mừng và an tâm. Thế hệ chúng tôi được lòng yêu nước thôi thúc. Thế hệ ngày nay cũng được lòng yêu nước nuôi dưỡng. Chúng ta gặp gỡ trong tâm tình. Tôi chỉ xin cầu chúc các bạn: “Hãy luôn sống đúng danh dự của người trí thức. Hãy vun trồng không nguôi lòng yêu nước và luôn nuôi dưỡng việc nghiên cứu và hướng nó về quê hương”.

     Khi qua thăm nước Pháp, một số học trò bên đó mời tôi ở lại vì thấy tôi đến già vẫn sống đạm bạc. Nhưng tôi từ chối: “ - Tôi là người trí thức Việt Nam, tôi có lòng tự trọng của mình. Tôi không thể vì miếng cơm, manh áo mà bỏ đất nước nghèo ra đi”.

     Một ít ngày sau khi bác mất (13 tháng 6 năm1997), tang lễ bác được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Nhân Tông, Hà Nội. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển - vừa được cử vào trung ương dự khuyết, chức Đảng cao hơn bộ trưởng sắp nghỉ - làm trưởng ban lễ tang. Anh thứ trưởng giải thích anh phải đến đây là do lệnh bằng điện thoại của cụ Đỗ Mười, lúc đó làm tổng bí thư. Anh cũng thắc mắc tại sao cụ lại quan tâm thế. Tôi thưa rằng, nhà cụ  ở số 11 Phạm Đình Hổ, gần cạnh nhà bác Tường; hai cụ nói chuyện với nhau hàng ngày qua ban - công phía sau!

    Ấy là chưa kể, cụ Đỗ Mười đã từng trải qua chục năm “yếu thần kinh” (1960-1970), hay đi lang thang quanh phố xá, có bận bịu “đệ tử con sen” hay đại sự gì đâu mà chả thích “chuyện vãn” với bác Tường hàng xóm. Nói chơi vậy chứ đằng sau chuyện ấy là “bồ tâm sự” của vị “đại thần công nông” ở “giới anh kiệt” quốc gia. Hai cụ tỏ rõ lập trường là một chuyện, nhưng “cảm vì nghĩa khí, trọng vì tài hoa” lại là chuyện khác, nên cả hai cụ ít khi đề cập. Theo chiều ngược lại, người bị tham chính khi thất sủng, sống như thế nào mà giữ được khí tiết cho người ta trọng, thật không phải chuyện dễ.

     Với giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, cuộc đời của bác để lại một bài học đáng giá cho nhiều trí thức hậu thế là ở chỗ đó. Và như lời chính bác đã nói với Câu lạc bộ Thời sự - Khoa học (năm 1989): “Chúng ta gặp gỡ trong tâm tình. Tôi chỉ xin cầu chúc các bạn: Hãy luôn sống đúng danh dự của người trí thức. Hãy vun trồng không nguôi lòng yêu nước và luôn nuôi dưỡng việc nghiên cứu và hướng nó về quê hương”.

                                  Hà Nội – tháng 8 năm 2019







TẤM GƯƠNG KẺ SĨ CHÓI NGỜI



VŨ THẾ KHÔI

     Hôm nay, ngày 13 tháng 6 năm 2019, ngày giỗ thứ 22 của bậc đại trí thức Việt Nam thời hiện đại – cố GSTS. Luật sư NGUYỄN MẠNH TƯỜNG (1909 - 2019) – “lưỡng khoa tiến sĩ”người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công ở đại học nước Pháp; với 2 bằng tiến sĩ liền trong một năm, thời gian chỉ cách nhau một tháng: Tháng 5/1932 – luận án tiến sĩ luật khoa và tháng 6/1932 – luận án tiến sĩ văn chương, khi mới 23 tuổi. Báo chí nước Pháp thời bấy giờ đồng loạt ca ngợi chàng thanh niên từ xứ thuộc địa Đông Dương đã làm nên chuyện chưa từng một thanh niên “mẫu quốc” nào làm nổi từ khi có học vị “docteur d’État” (tương đương tiến sĩ khoa học ở ta bây giờ).

     Cầm một tấm bằng tiến sĩ, chắc chắn chính quyền thực dân đã chèo kéo vào bộ máy cai trị, huống hồ giật hai bằng liền, nên họ ra sức “chiêu hiền”, nhưng ông nghè kép kiên quyết khước từ tham chính, chỉ làm hai nghề tự do là giáo sư và trạng sư. Cuối đời cụ Nguyễn bộc lộ với một ký giả: “Tôi không hề tham gia Mặt trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, luôn luôn ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền”.

     Cha tôi - Vũ Đình Hòe - năm 1996, khi đang tạm trú ở thành phố Hồ Chí Minh nghe tin cụ Hoàng Xuân Hãn mất, từng tâm sự: “Cụ Hãn, cụ Tường là bậc đàn anh của thế hệ chúng tôi, treo hai tấm gương kẻ sĩ chói ngời”, rồi cụ dẫn câu nói nổi tiếng của Mạnh Tử mà thuở tôi học chữ Nho với ông nội từng được nghe cắt nghĩa: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” Cụ Hãn thì thoát bần tiện (vì tỉnh táo hơn chăng?) chứ cụ Tường thì từng phải trải nghiệm nghèo túng (“bần tiện”) thực sự, bị nhà đương cục Hà Nội bỏ đói. Nhưng có lay chuyển được (“bất năng di”) cụ đâu!”
     Cha tôi kể chuyện hồi sửa sai CCRĐ Mặt trận có chủ trương bằng văn bản kêu gọi các tổ chức quần chúng (hai đảng Dân chủ và Xã hội cũng là hai tổ chức quần chúng thôi mà!) đóng góp ý kiến. Bên Dân chủ có văn bản kiến nghị hẳn hoi gửi lên TW Đảng Lao Động. Kết quả của “đóng góp” là bác Đức, bác Dục và tôi bị đưa ra hội nghị mở rộng của TW Dân Chủ để đấu tố và hạ bệ. Bên Xã Hội diễn biến thế nào tôi không rõ, nhưng bác Tường bị đấu còn ghê gớm hơn: đưa ra giảng đường đại học Lê Thánh Tông cho mấy học trò trẻ ranh nhảy ra xỉa xói thầy! Trời đất quỷ thần! Không còn một chút đạo lý, liêm sỉ gì!”

     - Con nghe nói do bác Tường vi phạm quy định không tiết lộ ý kiến ra ngoài, bị địch lợi dụng.
    Cha tôi trừng mắt:
    - Cậu nghe ai nói?! Tôi đã có lần trực tiếp hỏi, ông Tường bảo đánh máy hai bản, giao hết cho Ban thư ký, từ đâu bay ra ngoài, chính ông không biết!... Đấu tố không khuất phục được ông, người ta đuổi ra khỏi biên chế để cắt sổ gạo!!! Chưa thôi. Bán hết đồ quý giá trong nhà lấy tiền đong gạo nuôi vợ chỉ tần tảo nội trợ và ba đứa con, ông xoay ra dạy tư tiếng Pháp kiếm sống, thì công an xộc đến tận nhà: Cấm!”

     Sao không nhớ đến những lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc chạy đến cậy nhờ!

     GS Hoàng Xuân Hãn có viết trong hồi ký về vai trò của luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong phái đoàn của Chính phủ ta năm 1946 lên  đấu tranh bảo vệ nền Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Cha tôi trước khi mất ít lâu còn kịp kể cho nhà báo Kiều Mai Sơn về việc trong thời Kháng chiến chống Pháp Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được chỉ định làm trạng sư cãi cho Bảo Đại trong phiên tòa xét xử tội phản quốc của ông vua đào nhiệm. Tôi hỏi sao cha không viết về cụ Tường trong hồi ký của mình, thì ông trả lời: vấn đề nhân vật này còn “tế nhị” hơn ba tên “chống cộng” Đức-Dục-Hòe. Một tháng trước khi mất ở tuổi thọ bách niên, cụ Hòe gọi tôi vào giúp cụ làm những bài cuối cùng: “Bỏ hết việc, vào đi, làm những bài anh nhắc. Thời gian của tôi sắp hết rồi!”. Chỉ kịp làm hai bài về các cụ Đỗ Đức Dục và Hoàng Văn Đức. Bài về cụ Nguyễn Hữu Đang đang làm dở dang thì cụ Hòe  đột ngột ra đi…

Năm 2004 cha mẹ tôi cùng ở TP Hồ Chí Minh ra chủ trì hôn lễ của đứa cháu đích tôn, xong việc, bảo tôi đưa đến thăm bà Tống Lệ Dung ở 34 Tăng Bạt Hổ. Bức ảnh cưới mà tôi trình các bạn, là bà Lệ Dung tặng vào dịp đó. Hôm kia, tôi được gọi đến dự Giỗ cụ Nguyễn Mạnh Tường do gia đình cùng trung tâm Minh Triết tổ chức tại nhà riêng. Ở đó, tôi đã được diện kiến các đàn anh trong khoa học mà tôi luôn kính trọng  như GS Nguyễn Đình Chú, GS Nguyễn Kim Đính, GS Hoàng Trọng Phiến … đều từng là học trò của cụ Nguyễn Mạnh Tường. Trung tâm Minh Triết dự định cùng với họ tiến hành một cuộc tọa đàm về Nhà văn hóa Nguyễn Mạnh Tường vào tháng 9 năm nay, nhân kỷ niệm 110 ngày sinh (16/09/1919 – 16/09/2019) của Cụ. Tôi, vô danh tiểu tốt, cũng được đề nghị viết tham luận. Tôi hy vọng gặp lại ở đây một vị GS NGND thuộc thế hệ học trò các bạn đồng môn của tôi, từng giữ chức khá cao – “hậu sinh khả úy” mà! - trong ngôi trường cụ Tường đã giảng dạy, lại là hàng con cháu thân thuộc, nhưng tôi đã thất vọng: anh ta không đến. Nhưng tôi lại được gặp tay bắt mặt mừng với người học trò tiếng Nga năm xưa của tôi, chẳng GS-TS gì ráo, mà gặp duyên nên thành cháu ngoai của cụ Giáo sư Tiến sĩ kép. Chính là với anh, tôi đã hứa sẽ đưa tấm ảnh cưới và bài về ông ngoại của anh lên tường cá nhân của tôi.

NGƯT Vũ Thế Khôi

(Đêm 13 rạng 14/09/2019)



[1] . Chính xác hơn, căn cứ vào thư mục 18 đầu sách của Nguyễn Mạnh Tường, có 3 cuốn, đã in và chưa in đề cập đến vấn đề này: Kẻ bị mất phép thông công (Un Excommunie), in tại Pháp 1992,  L’Armes et sourrires d’une vieilesse (Nước mắt và nụ cười của một ông già)  tự truyện, 3 tập, chưa in, và Palinodies (Phủ nhận), chưa in


[2] . Theo Ngô Trần Đức, Hồn việt 1/2011, tr.63

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét