Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

THÊM MỘT CUỐN SÁCH VỀ THĂNG LONG HÀ NỘI


LÊ HỒNG LÝ

 


Có một hình ảnh mà tất cả hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội thường thấy, đó là mỗi khi có dịp hội họp, sinh hoạt  hay đi thực tế địa phương tại các di sản văn hóa hay các vùng đất ngoài Hà Nội, nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Tá luôn hăng hái, say sưa tìm hiểu, phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh những di tích,những hoạt động trình diễn dân gian hay tất cả các hiện tượng văn hóa đang diễn ra tại đó. Với dáng cao to, nhìn có vẻ hơi chậm chạp, song sự năng động, tích cực và hăng hái của anh thì mọi người đều phải nể phục.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, một dòng họ nổi tiếng bậc nhất trong các dòng họ khoa bảng ở Việt Nam, dòng họ Hồ Quỳnh Đôi, Nghệ An, song anh lại gắn bó lâu năm với Hà Nội. Anh chưa bao giờ tỏ ra là người dựa dẫm vào danh tiếng của dòng họ và gia đình để thể hiện mình, mà luôn luôn khiêm nhường và chân thành hết mực. Một điều đáng quý hơn là nghề nghiên cứu và viết báo của anh hoàn toàn là nghề tay trái, bởi vì xuất thân anh làm nghề thợ tiện thuộc nhà máy Cơ khí trung quy mô Hà Nội, sau đó chuyển sang Công ty xe đạp Vi Ha.

Từ đây anh phấn đấu vào học đại học Bách Khoa Hà Nội– khoa Cơ khí chế tạo máy rồi trở lại nhà máy cũ làm kỹ sư phòng kỹ thuật, Công ty xe đạp Vi Ha. Thời khói lửa của cuộc chiến tranh ở cả hai biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ Quốc, với truyền thống của một gia đình cách mạng, anh nhập ngũ tham gia đóng góp cho quân đội bảo vệ đất nước. Trong quân đội anh đã được phong đến cấp trung úy, đai đội phó đại đội kỹ thuật - D26 thuộc phòng kỹ thuật, sư 312, quân đoàn I, quân đội nhân dân Việt Nam. Khi tiếng súng tạm thời lắng xuống, năm 1982 anh lại trở về nhà máy cũ của mình là công ty xe đạp Vi Ha. Ít ai có thể ngờ rằng, một người con trưởng trong một gia đình cách mạng của một dòng họ trâm anh thế phiệt lại phải trải qua nhiều vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Lúc khó khăn của thời kỳ bao cấp giữa những năm 80 của thế kỉ trước, anh đã tham gia lao động xuất khẩu ở nước ngoài, làm đội trưởng quản lý lao động hợp tác tại nhà máy sản xuất ô tô YOZ  tại thành phố Ulianop thuộc CHLB Nga, trong gần 10 năm rồi lại trở về nhà máy cũ làm việc và nghỉ hưu từ đây.

     Kể lại tất cả những trích ngang lý lịch trên để nói  một điều: tác giả của cuốn sách này đã có một cuộc đời từng trải không phải dễ dàng. Hơn thế, cái trích ngang tiểu sử ấy cho thấy anh hoàn toàn không được đào tạo gì về việc viết lách, vậy mà anh đã có được một công trình mà bạn đọc đang cầm trên tay, đó là điều rất đáng được khâm phục. Có lẽ cái nguồn mạch của gia đình, dòng họ cùng với những năm tháng bươn trải, lăn lộn với cuộc sống đã làm nên cái hồn nghệ sĩ, sự từng trải làm cho anh đồng cảm, lòng trắc ẩn với số phận con người, niềm yêu quý, trân trọng và ham mê tìm hiểu các di sản văn hóa của cha ông. Hơn thế, Hà Nội dù không phải là quê hương anh, nhưng lại là nơi làm nên con người anh, tạo cho anh vốn sống, niềm say mê như nhiều người xứ Nghệ khác ra đây sinh sống. Bởi vậy anh đã yêu mến nó một cách nhiệt thành vô bờ bến, cho nên thôi thúc anh khám phá, tìm hiểu và viết về nó.

     Để bù lại kiến thức “ngoại đạo” trong nghề viết, anh đã cố gắng học hỏi: ngày 7/3/1996 anh đã tốt nghiệp “Lớp hướng dẫn sáng tác văn học khóa 4” của Hội Liên Hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức. Chủ nhiệm kiêm phụ trách lớp là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, giáo viên gồm những nhà văn nổi tiếng như: Tô Hoài, Lê Lựu, Vũ Cao, Anh Ngọc, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Hữu Nhàn… Ngay trong khi đang ở khóa học, tài năng viết của anh đã bộc lộ với hai bài báo : Những mẩu chuyện viết văn của Lê Lựu , đăng trên báo Thanh Niên và: Nhà thơ Vũ Cao với xuất xứ bài thơ Núi đôi đăng trên báo Hà Nội mới cuối tuần ngày 2/4/2014 anh đã tốt nghiệp khóa  “Bồi dưỡng kỹ năng sáng tác VHNT Khóa III” do Trung tâm Bồi dưỡng sáng tác VHNT Đất Việt tổ chức. Trong Lời mời đón đọc Hà Nội ngàn năm Xuân Kỷ sửu 2009, báo Hà Nội mới chủ nhật ngày 11/1/2009 đã viết : “Nhân dịp đón xuân Kỷ Sửu năm 2009, báo Hà Nội mới ra mắt ấn phẩm Hà Nội ngàn năm số dặc biệt, khuôn khổ 20  x 28,5cm. 100 trang, trình bày đẹp hấp dẫn, với nhiều bài viết đặc sắc của các giáo sư, nhà báo tên tuổi: GS Tương Lai, Đại đức Thich Mạnh Hiền, Nguyễn Văn Dương, Hồ Sĩ Tá, Nguyễn Vinh Phúc, Lê Văn Long, Đỗ Hoàng Giang, Đỗ Minh, Nguyễn Lưu,  Trương Văn Căn, và các Nhà thơ: Lê Bình, Trần Ninh Hồ, Hồng Quang, Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý…Trong số báo này bài Đền Kim Ngưu và các sự tích Trâu Vàng là của anh viết.

     Dấu ấn Thăng Long  là một thành tựu mới, ghi nhận sự trưởng thành về chuyên môn nghiên cứu, sưu tầm của anh. Những ghi chép về đình, đền, chùa, lễ hội, ẩm thực, chợ, phong tục tập quán, danh thắng và những giá trị văn hóa khác của Hà Nội chưa được đưa vào đây còn là những suy tư, trăn trở và là tình yêu thầm lặng, thiết tha của anh đối với Hà Nội. Tất nhiên, với một người không phải chuyên nghiệp, có thể đây đó trong công trình người đọc có thể chưa thỏa mãn, song thiết nghĩ những gì có được trong cuốn sách này là một sự làm việc miệt mài, say mê và đặc biệt là sự chân thành của tác giả trong suốt một thời gian dài với mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

     Xin chức mừng tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.







                                                                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét