Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

DI CHỈ CỒN CỔ NGỰA VÀ VẤN ĐỀ TIỀN SỬ NGƯỜI VIỆT


                               (THẢO LUẬN VỚI TIẾN SỸ MARC OXENHAM)

                                                            HÀ VĂN THÙY
Chúng tôi biết đến Tiến sỹ Marc Oxenham của Đại học Quốc gia Úc vào mùa Xuân năm 2005, khi ông công bố trên BBCNews kết quả khai quật di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình với nhận định gây tranh cãi: “Nông nghiệp từ phương Bắc đưa xuống.” Nay đọc bài Giữa tìm kiếm thức ăn và canh tác: phản ứng chiến lược đối với tăng nhiệt tối đa Holocene ở Đông Nam Á*, chúng tôi cảm phục tác giả vì sự gắn bó lâu dài với khảo cổ học Việt Nam. Trong bài báo của mình, ông đã mổ xẻ tới tận cùng di chỉ Cồn Cổ Ngựa rồi đưa ra những nhận định:

1.“Quá trình thuần hóa lúa gạo phát triển đồng thời và độc lập ở Đông Á, ở Thung lũng Trung và Hạ Dương Tử từ 9000 trước, mặc dù phải đến 6000 năm, có lẽ muộn nhất là 5000 năm cách nay ở vùng hạ lưu thung lũng Yangtze, thay vì săn bắn hái lượm, đã phát triển.”

2.“Cùng thời với quá trình thuần hóa kéo dài hàng thiên niên kỷ này là sự tập trung của những người hái lượm ở phía nam thung lũng Yangtze. Những quần thể này là hậu duệ của người đã vào Đông Nam Á, Melanesia, Úc và miền nam Trung Quốc thông qua tuyến đường phía nam sớm nhất là 65 000 năm trước.”



5. Việc chôn cất tại khu vực đá mới của Mán Bạc ở miền bắc Việt Nam cho thấy rằng người dân bản địa và người nhập cư thời kỳ đồ đá mới đã cùng sinh sống và trao đổi cả gen và kỹ năng sống.


7. Họ sống ở vùng khí hậu ấm áp hơn bây giờ, có lẽ ủng hộ sự phát triển và lan rộng của các loại cây có giá trị kinh tế, như Canarium, cao lương và cây lấy củ, với số lượng có thể duy trì dân số săn bắn hái lượm lớn. Cho dù một số hình thức văn hóa thuần chay hoặc quản lý thực vật hoang dã đã xảy ra vẫn chưa được biết, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nó có thể xảy ra.


Từ nhận định trên, hai vấn đề được đặt ra:                                                                      

I. Khảo cổ học có vai trò ra sao trong khám phá tiền sử người Việt?


Những năm cuối thế kỷ XX, bùng nổ thông tin gây chấn động: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi 200.000 năm trước. Khoảng 60.000 năm trước, theo ven biển Ấn Độ Dương, người từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Nghỉ lại ở đây 10.000 năm để gia tăng nhân số, 50.000  năm trước, người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh Ấn Độ. 40.000 năm trước, do khí hậu phía Bắc được cải thiện, người từ Việt nạm đi lên khai phá Hoa lục. 30.000 năm trước, từ Siberia vượt qua eo Bering, chinh phục châu Mỹ.” (1) Giới khảo cổ học choáng váng. Tuy nhiên, khám phá từ DNA không thể nghi ngờ! Như vậy, thực tế cho thấy, con người đã có mặt tại Việt Nam từ 70.000 năm trước. Nhưng thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt đã xóa đi mọi dấu vết của họ, khiến cho 40.000 năm chìm vào bóng đêm!

Người từ châu Phi tới Việt Nam là ai? Chưa bao giờ di truyền học trả lời câu hỏi rất quan trọng này. Dựa trên bằng chứng khảo cổ là những cốt sọ, nhân học đưa ra lời đáp: “Thoạt kỳ thủy, trên đất Việt Nam xuất hiện hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid. Sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư. Người Australoid biến mất khỏi đất này không hiểu do di cư hay đồng hóa?”(2) Hơn 20 năm, những dòng chữ nằm im lìm trong cuốn sách in bằng thứ giấy bổi đen và hầu như không được trích dẫn! Tuy nhiên, đây là khám phá quyết định chiều hướng của lịch sử: những con người được sinh ra ở Việt Nam 70.000 năm trước làm nên dân cư và văn minh phương Đông!

Điều không bình thường là, gần hết thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, chưa có bất cứ nghiên cứu nào về khoảng thời gian 40.000 năm ngoài vòng khảo cổ! Tổ tiên Việt đã sống thế nào trong suốt thời gian dằng dặc ấy? Không giải được câu hỏi này, không thể nói gì về tiền sử người Việt! Khi không có hiện vật khảo cổ, là lúc trí tưởng tượng bắt đầu. Có thể là kịch bản như thế này:

70.000 năm trước, trên đường sang phương Đông, một dòng người châu Phi theo bờ Tây của đảo Borneo, bước vào đồng bằng Sundaland, rồi đi lên hướng Bắc. Lúc này đang Thời Băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét. Đông Nam Á là lục địa mênh mông. Không hiểu vì sao họ không tỏa ra chiếm lĩnh vùng đất màu mỡ này mà đi tiếp tới miền Trung Việt Nam rồi dừng lại. Chúng tôi đoán, chỉ đoán thôi, có khoảng 2000 đến 3000 người thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid tới được Việt Nam. Sau hành trình 15.000 năm gian nan, tới đây họ đã gặp “địa đàng ở phương Đông” với khí hậu ấm áp, rừng cây xanh tươi, nhiều muông thú, hoa trái, sông suối nhiều ốc, sò, tôm, cá… Những nhóm nhỏ khoảng 15-20 người gặp nhau khi cùng săn bắn và hái lượm. Tình yêu đến và những đứa trẻ ra đời. Theo năm tháng, dân số tăng lên. Một số ít sống trong hang động còn phần lớn dựng những túp lều bằng cây lá dưới tán rừng.

Ban đầu, theo tập tục truyền lại từ tổ tiên, họ đập vỡ những hòn sỏi, chế tác những chiếc búa đá cũ dùng cho săn hái. Nhưng rồi, từ cuộc sống định cư, vào thời gian rảnh rỗi, người phụ nữ bắt đầu chăm sóc những vạt rau đầu tiên bằng cách nhặt bỏ cỏ dại, tưới nước, bón phân. Họ cũng chọn rồi chăm sóc những cây cho quả bằng cách chặt dây leo, tỉa bớt cành và cây dại xung quanh, cho cái cây “của mình” nhận được nhiều ánh sáng hơn. Người hái lượm phát hiện ra khoai sọ, một loại cây cho củ ngon, lành mà lại dễ trồng, rồi kê, cao lương… Cứ như thế, từng chút một, những vạt rau, những vườn cây quả, những luống khoai lang khoai sọ ra đời, bổ sung lượng thức ăn quan trọng vào cuộc sống săn hái.

Không phải khảo cổ mà di truyền học khám phá, trong quá khứ có hai lần số lượng lớn người rời Việt Nam chiếm lĩnh thế giới. Lần đầu vào 50.000 năm trước, đi ra các đảo Đông Nam Á và Ấn Độ. Đợt sau, 40.000 năm trước, đi lên Hoa lục rồi sang châu Âu và qua eo Bering chinh phục châu Mỹ. Di cư là kết quả của bùng nổ dân số. Vậy thì nguyên nhân nào làm nên hai cuộc bùng nổ dân số vĩ đại trên? Cố nhiên không phải do lượng thú hoang tăng đột biến, cung cấp nguồn dinh dưỡng lớn. Chỉ có thể là lượng thức ăn lớn nhận được từ những cây trồng “bán thuần hóa” đã tạo ra năng lượng cho cuộc bùng nổ dân số! Vậy là, trong 40.000 năm âm thầm ấy, người Việt không chỉ săn bắn hái lượm mà sở hữu số lớn thực vật “bán thuần hóa”tạo ra khối lượng thức ăn quan trọng.

Khám phá cuộc di cư lần thứ nhất, di truyền học phản bác quan niệm của khảo cổ và nhân học cho rằng “1.500 năm TCN, người Arian xâm lăng Ấn Độ, đẩy người Indonesian từ đất Ấn sang xâm chiếm Đông Dương.” Khám phá cuộc di cư thứ hai, di truyền học bác bỏ quan niệm định hình của thế kỷ XX “người từ Trung Quốc đi xuống làm nên dân cư và văn hóa Việt Nam.”

Năm 2013, nhờ thành tựu kỳ diệu của di truyền học, khoa học tìm ra chủ nhân hang Điền Nguyên, xác nhận việc người Việt đặt chân tới bờ Nam Hoàng Hà 40.000 năm trước. Trong khi đó, khảo cổ học, từ khai quật hàng chục di chỉ trên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà, khám phá 20.000 năm trước, người Việt chế tác công cụ gốm đầu tiên và 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước… Công cụ đá mới, đồ gốm, kê, lúa, rồi gà, chó, lợn… theo chân người Việt đi lên lưu vực Hoàng Hà, sáng tạo những văn hóa khảo cổ nổi tiếng Giả Hồ, Ngưỡng Thiều... Tại Ngưỡng Thiều, người Việt cổ mã di truyền Australoid hòa huyết với người Mongoloid sống du mục trên bờ Bắc, sinh ra người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà…

Đúng là, từ giữa thiên niên kỷ III TCN, người lưu vực Hoàng Hà di cư xuống phía Nam. Nguyên nhân sự kiện này từ đâu? Hầu hết học giả thế giới cho rằng, đó là sự mở rộng của nông nghiệp. Vậy, động cơ nào thúc đẩy con người làm việc đó? Phải chăng là để thực hiện giấc mơ “khai hóa văn minh?” Hoàn toàn không có chuyện lãng mạn như vậy! Phải hiểu thực chất của vấn đề, là nguyên nhân lịch sử. Sau 40.000 năm làm chủ Hoa lục, người Việt tạo dựng nhà nước Lương Chử hùng mạnh với nền văn hóa rực rỡ. Hơn ai hết, họ mong muốn cuộc sống hòa bình. Nhưng rồi chiến tranh khốc liệt xảy ra khi vào năm 2698 TCN, khi những bộ lạc du mục hung hãn trên bờ Bắc Hoàng Hà do họ Hiên Viên cầm đầu, đánh vào Trác Lộc, chiếm giang sơn của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Hàng triệu người mất đất, phải rời bỏ ruộng vườn chạy về phía nam. Cuộc chiến khốc liệt và dai dẳng đã hằn lên những nếp nhăn trong Kinh Thư, cuốn sử mở đầu của Trung Quốc: “Phạt Tam Miêu, đầy Tam Miêu tam phục, ngũ phục…” Lời vua Nghiêu dạy bề tôi: “Ngươi phải ghi nhớ, không được để Tam Miêu quấy rối Trung Quốc!” Cuốn Kỳ môn độn giáp đại toàn thư ghi: “Tích nhật Hoàng Đế chiến si Vưu, Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu.”(Ngày trước Hoàng Đế đánh Si Vưu, trận Trác Lộc đến nay chưa chấm dứt.) Thư tịch cũng chép: vua Thuấn đánh bại bộ tộc Đan Chu (丹朱-người Việt đã bị chinh phục) ở Trung Nguyên và bộ tộc Hoan Đâu (驩兜) người Miêu Man (苗蠻) (người Việt tự do ngoài vương quốc) rồi đầy đến vùng suối Đan (丹淵), núi Sùng (崇山). Dân hai bộ lạc di dời về phía nam, cuối cùng đến miền sông Uất (鬱水)-sông Tả (左江)… Đấy là ở thời Nghiêu Thuấn, “thời đại Hoàng Kim”, được ngợi ca là “chúa thánh tôi hiền.” Từ sau thời Chu, hàng triệu người Tiên Ti, Hung nô vào chiếm đất, mặc sức chém giết… đẩy những đợt sóng người Việt chạy về nam tìm đường sống. Hoàn toàn không phải chuyện mở rộng nông nghiệp lãng mạn mà là cuộc chạy trốn cái chết. Một câu hỏi cần đặt ra: phải chăng những người chạy giặc này “đem nông nghiệp xuống phía nam”? Chuyện lầm lẫn, đảo lộn trắng đen dai dẳng hàng thế kỷ. 12.000 năm trước, cây lúa được thuần hóa đầu tiên tại Tiên Nhân Động, Hang Dốc Đứng bên dòng Dương Tử rồi theo chân người mở đất tới Giả Hồ Hà Nam 9000 năm trước. Một sự thật hiển nhiên không ai chối cãi. Vậy mà hơn 6000 năm sau, những người nông dân Hà Nam chạy loạn trở về bên Tiên Nhân Động lại được trao cho cái vinh hạnh “đem nông nghiệp xuống phương Nam!” Tại sao người ta giữ mãi cái ý tưởng sai lầm thô thiển lâu dài đến vậy?

Dù cánh tay của nhà khảo cổ không với tới khoảng thời gian 40.000 năm sâu thẳm chìm trong bóng tối thì khảo cổ học cũng góp công đầu trong việc khám phá tiền sử người Việt. Trong khoảng 150 năm, từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, do độc hành nên khảo cổ học có những bước sai lầm chuệch choạc. Nhưng sang thế kỷ mới, được dẫn dắt bởi di truyền học, khảo cổ đóng góp tuyệt vời cho việc khám phá tiền sử phương Đông.

II. Cồn Cổ Ngựa có vai trò thế nào với tiền sử người Việt?

Trong khi đồng thuận với nhận định 2,4,5,7 chúng tôi xin thảo luận với tác giả những vấn đề sau:

1.    Nhận định thứ nhất: “Quá trình thuần hóa lúa gạo phát triển đồng thời và độc lập ở Đông Á, ở Thung lũng Trung và Hạ Dương Tử từ 9000 trước, mặc dù phải đến 6000 năm, có lẽ muộn nhất là 5000 năm cách nay ở vùng hạ lưu thung lũng Yangtze, thay vì săn bắn hái lượm, đã phát triển.”

Chúng tôi cho rằng nhận định trên không phù hợp với thực tế. Từ nhiều bằng chứng khảo cổ, di truyền và ngôn ngữ học cho thấy, 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên Quảng Đông. Sau khi tăng số lượng, người từ Quảng Đông lan tỏa ra khắp Đông Á. Cây lúa từ Động Người Tiên, Hang Dốc Đứng theo chân người mở đất đi lên Giả Hồ 9000 năm trước, Hà Mẫu Độ, Ngưỡng Thiều 7000 năm trước… Như vậy, cây lúa từ cái nôi ở Nam Dương Tử, lan tỏa ra toàn Đông Á, tới những nơi khác nhau theo thời gian khác nhau. Do được người Lạc Việt thuần hóa đầu tiên ở Tiên Nhân Động rồi mang đi theo bước chân mở đất, cây lúa ở Đông Á phát triển không đồng thời và không độc lập.

2.    Nhận định thứ 3. “Những người nông dân đầu tiên này có kiểu hình (cranio-facally và răng) khác biệt về mặt di truyền với những người hàng xóm săn bắn hái lượm phía nam của họ, và có lẽ là hậu duệ của người hiện đại (AMH) tới từ phía đông Siberia 40000 trước…”

Nhận định này có hai điều sai:

a.     Không phải những người từ miền Trung Hoàng Hà xuống Nam Dương Tử khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN là “nông dân đầu tiên.” Họ là hậu duệ của những nông dân mang lúa, kê, đồ đá mới và gốm từ Nam Dương Tử lên xây dựng kinh tế nông nghiệp tại lưu vực Hoàng Hà 9000 năm trước.

b.    Họ cũng không phải là hậu duệ của người Hiện đại xuất hiện ở “phía đông Siberia 40.000 trước.” Cứ liệu di truyền và khảo cổ học cho thấy, người “phía đông Siberia 40.000 trước” là con cháu của người Điền Nguyên từ Việt Nam lên.

3.    Nhận định thứ 6. “không có sự chuyển đổi tại chỗ từ săn bắn và hái lượm vào nông nghiệp ở miền nam Trung Quốc và miền bắc Việt Nam, mà là sự thay thế của một lối sống và dân số liên quan của nó với người khác.”

Về nhận định này, chúng tôi thấy:  Giống như trong quá khứ lâu dài từ 50.000 - 40.000 năm trước, người Việt vừa săn bắn hái lượm vừa sở hữu “nền nông nghiệp rau, củ, quả bán thuần hóa.” Phương thức sống phức hợp này tạo ra khối lượng thức ăn lớn, góp phần làm bùng nổ dân số. Thuần hóa lúa nước là tiến bộ về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, do được đảm bảo từ nguồn lương thực khác, trồng lúa không phải là nhu cầu sống còn của dân cư phía nam. Vì vậy, trồng lúa chậm được mở rộng. Nhưng từ 4500 năm trước, do khí hậu biến đổi,  số lượng thú săn giảm, hiệu quả săn bắn thấp, nhu cầu lương thực thay thế tăng lên. Cũng lúc này, xuất hiện những người nông dân từ phía bắc xuống. Được trợ lực của những người này, dân săn bắn hái lượm chuyển tới vùng thuận lợi cho trồng lúa. Những khu dân cư kết hợp săn bắn và trồng trọt ra đời. Phương thức sống được thay đổi.

Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là sự thay thế “dân số liên quan của nó với người khác.” Chỉ số đa dạng sinh học cao nhất châu Á của người Việt Nam cho thấy, người Mongoloid phương Nam trở về, chuyển hóa di truyền người Nam Dương Tử và Đông Nam Á từ Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam. Di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình là thí dụ thuyết phục về quá trình như vậy. Đó là sự chuyển hóa di truyền kéo dài mà không phải là thay thế dân cư.

4.    Nhận định 8. Việc chuyển đổi sang canh tác không mang lại lợi ích tương đối cũng như khó khăn cho các cộng đồng cổ đại ở khu vực này trên thế giới.

Theo chúng tôi, nhận định này cũng không phù hợp thực tế. Cồn Cổ Ngựa, Đa Bút… là những đại diện cuối cùng của văn hóa đá mới. Tại đây, nền văn minh đá đã đạt trình độ cao nhất của nó. Những thành tựu quan trong nhất về văn hóa tinh thần của người Việt đã thành tựu. Cụ thể là nguyên lý âm dương, ngũ hành, Dịch lý, thiên văn, địa lý, phong thủy… đã trưởng thành. Nhu cầu về một nền văn minh mới xuất hiện. Việc người vùng Núi Thái-Trong Nguồn trở về, mang nguồn gen mới thay máu cho dân cư cùng với phương thức sống mới năng động đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người trên đất Việt Nam để bước sang nền văn minh kim khí Phùng Nguyên.

Phân tích trên cho thấy, dù là nhà chuyên môn giầu kinh nghiệm, gắn bó lâu dài với khảo cổ Việt Nam thì Tiến sỹ Marc Oxenham cũng mới chỉ thấy cây mà chưa thấy rừng, thiếu cái nhìn quán xuyến về lịch sử văn hóa Việt.

III. Kết luận

 Dù không thể với tay tới tận cùng thời gian tồn tại của người Việt thì khảo cổ học vẫn đóng góp phần công lao to lớn trong việc khám phá tiền sử phương Đông. Nhất là sang thế kỷ mới, được dẫn dắt bởi tri thức di truyền học và sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, khảo cổ học đã thu được những thành tựu tuyệt vời. Trong bối cảnh chung đó, chuyên luận của Tiến sỹ Marc Oxenham cùng đồng nghiệp, giống như việc giải mã trang sách cổ, làm sáng tỏ một giai đoạn vô cùng có ý nghĩa của quá khứ người Việt. Đó là buổi giao thời, khi người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam – lớp con cháu đi làm ăn xa, từ Núi Thái-Trong Nguồn trở về, làm thay máu đồng bào và đổi mới kỹ năng sống, góp phần đưa tộc Việt từ văn minh đá chuyển sang văn minh kim khí của thời đại Phùng Nguyên-Đông Sơn rực rỡ.

Có lý do để nói rằng, sau hơn thế kỷ hoạt động, khảo cổ học dường như đã hoàn thành việc khám phá văn hóa vật thể của người Việt. Nếu không kể “khám phá”: “tiền sử người Việt kéo dài dến 800.000 năm” gây “chấn động” của thày trò giáo sư Phan Huy Lê, thì khó còn điều gì để nói! Tuy nhiên, khảo cổ học đã bất lực trong việc khám phá văn hóa tinh thần - cống hiến lớn lao nhất của người Việt cho nhân loại. Hy vọng sẽ có những nhà văn hóa, những sử gia uyên bác lịch lãm hoàn thành sự nghiệp trọng đại này. Nhân đây chúng tôi xin gửi tới Tiến sỹ Marc Oxenham cùng cộng sự của ông lời cảm ơn chân thành.

                                                                                                       Sài Gòn, 23.10. 2019

* Marc Oxenham. Between foraging and farming: strategicresponses to the Holocene Thermal Maximum in Southeast
 Asiahttps://www.researchgate.net/publication/327171760_Between_foraging_and_farming_Strategic_respOnses

1. Y.J. Chu et al. Genetic relationship of populations in China

 Proceedings of the …, 1998 - National Acad Sciences.

2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB. DH&THCN. H, 1983.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét