Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

CÓ MỘT VẠN XUÂN KIẾN QUỐC KHÁNG THIÊN THU


                                                                  Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân
     Trong suốt chiều dài giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam, Lý Bí (503-548) nổi lên như một mốc son chói lọi. Bởi ông là người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế, đặt quốc hiệu nước Vạn Xuân và niên hiệu riêng Thiên Đức. Không chỉ là sự kết tinh đỉnh cao của ý thức tự cường độc lập dân tộc, mà còn là một lời khẳng định đanh thép của nước Nam trong tư thế đối trọng ngang hàng với thế lực phương Bắc. Cuộc khởi nghĩa của ông trở thành bài học và động lực cho những cuộc khởi nghĩa sau này của Mai Thúc Loan, Phùng Hưng. Đồng thời, việc dựng nước Vạn Xuân của Lý Bí chính là tiền đề cho nhà nước tự chủ của nhà Đinh, nhà Lý sau này. Tiếp nối mạch nguồn của hai tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (Nxb Hội nhà văn, 2015, Nxb Văn học tái bản năm 2018) và Ngô Vương (Nxb Văn học, 2019), nhà văn Phùng Văn Khai gần đây đã công bố tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân (Nxb Văn học, 2020) xoay quanh công cuộc khởi nghĩa và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí.  
     Với Nam Đế Vạn Xuân, nhà văn Phùng Văn Khai vẫn trung thành với thể loại trường thiên tiểu thuyết, theo bố cục chương hồi cùng tuyến nhiều nhân vật, như đã làm với hai tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương, Ngô Vương trước đó. Đây là một lối tiếp cận truyền thống và an toàn, bởi như ở Trung Quốc, những tiểu thuyết trường thiên - dã sử như Tam quốc diễn nghĩa hay Phong thần diễn nghĩa, hay như Hoàng Lê nhất thống chí ở Việt Nam đều lôi cuốn độc giả bởi cách kể chuyện đơn tuyến hấp dẫn, kịch tính, dễ đọc dễ nhớ. Chiến lược tiểu thuyết của Phùng Văn Khai khai triển từ một nhân vật trung tâm là Lý Bí (tức Lý Nam Đế), cùng tuyến nhân vật vệ tinh được xây dựng xung quanh Lý Bí như Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa… từ đó vẽ lên bức tranh lịch sử của cả một giai đoạn kéo dài gần 60 năm trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của nước ta. Truyện bắt đầu từ lúc Lý Bí còn thiếu thời, vào chùa tu tập cho tới khi trở thành Giám quân ở Cửu Đức, sau đó tập hợp các tù trưởng, hào trưởng, người tài giỏi các vùng miền theo về dấy quân khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, năm 544 lập nước Vạn Xuân.

Ngay từ những trang đầu của Nam Đế Vạn Xuân đã thấm nhuần tính tôn giáo trang nghiêm sâu sắc, đồng thời mang màu sắc huyền bí của truyền thuyết, của dân gian. Yếu tố Phật giáo đã được hội tụ và kết tinh ở nhân vật Từ sư phụ, một nhân vật bản lề và đắt giá trong tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân, người có vai trò rất lớn cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến những quyết định sau này của Lý Bí. Từ một chi tiết lưu truyền về việc Lý Bí được một vị thiền sư xin về chùa nuôi dạy, và có lẽ phần nào được tác giả lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử có thật sau này là sư Vạn Hạnh, Phùng Văn Khai đã kiến tạo nên hình tượng nhân vật Từ sư phụ là thầy truyền đạt chữ nghĩa, Phật pháp và lòng yêu nước cho hai học trò là Tinh Thiều và Lý Bí. Bằng cách sử dụng nhân vật này, Phùng Văn Khai đã khéo léo lý giải và chắp nối mối liên hệ giữa các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết. Phần lớn các nhân vật như Tinh Thiều, Lý Thiện (Lý Thiên Bảo), Lý Bí, Điền Công, Điền Thái, Phùng Thanh Hòa đều có một “gốc” chung, xuất thân được thâu nạp làm đệ tử ở cửa Phật, học thông kinh Phật, binh pháp võ nghệ và văn bút thi thư. Và ở họ đều có chung một tư tưởng khuyến thiện trừ tà, thương xót và căm phẫn trước cảnh dân chúng bị đàn áp bóc lột bởi thế lực cai trị ngoại xâm.

Cổ trấn Luy Lâu, địa danh gắn liền với Sĩ Nhiếp, trung tâm kinh tế thương mại và văn hóa - tôn giáo lớn của Việt Nam xưa, chính là nơi châm ngòi và bùng nổ sự kiện bước ngoặt của tiểu thuyết, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Vùng đất cổ xưa là nơi hai nhân vật lịch sử có công lao không nhỏ đến sự phát triển văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam từng đặt chân đến. Đầu tiên, Luy Lâu là nơi chứng kiến Sĩ Nhiếp mở trường lớp dạy chữ và văn hoá Hán, truyền dạy thi thư và lễ nhạc vào thế kỷ II. Sau này, đến thế kỷ thứ VI, Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang truyền bá Phật giáo vào nước ta đã cư trú tại chùa Pháp Vân. Bởi những lý cớ đó, Luy Lâu còn là nơi trung tâm hỗn dung giữa Nho giáo và Phật giáo. Dường như qua hai chi tiết Tiêu Tư giả làm thương lái đến Luy Lâu dâng hương cửa thánh rồi gây chuyện giết người, và sau đó bốn hồi ra lệnh thảm sát bảy mươi ba hương trưởng tại lễ dâng hương lễ Phật cũng tại Luy Lâu, Phùng Văn Khai muốn tạo ra một ẩn dụ hàm ý sự xung đột tôn giáo giữa Hán Nho và Phật giáo, hay cũng chính là biểu trưng cho sự xung đột Bắc - Nam, không chỉ đơn thuần là xung đột lãnh thổ mà còn là xung đột về tư tưởng ý thức hệ.

Điều hấp dẫn ở một tiểu thuyết lịch sử đối với bạn đọc, nằm ở khả năng của tác giả trong việc kết hợp hài hòa giữa các yếu tố chính sử, dã sử, đồng thời giữ một biên độ hư cấu hợp lý để không đánh mất tính trung thực lịch sử. Chọn một đề tài lịch sử thuộc giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Phùng Văn Khai ưu tiên các dẫn liệu chính sử để làm xương sống cho Nam Đế Vạn Xuân. Bên cạnh đó, nhà văn sử dụng huyền tích một cách vừa phải không thừa thãi, chủ yếu nhằm tạo ra sự dị biệt đặc thù cho nhân vật lịch sử, điển hình như tình tiết hổ vàng rơi lệ ở hồi một. Cùng với đó là những chi tiết mang yếu tố truyền thống dân gian vùng Bắc Bộ để tăng tính thuần Việt cho tiểu thuyết, đơn cử là những màn giao đấu trên các sới Vật. Nhà văn thậm chí để ý cả đến những chi tiết nhỏ như phong tục cha đưa mẹ đón, tang cha chống gậy tre đi sau quan tài, tang mẹ chống gậy vông đi lùi phía trước trong tang ma truyền thống Việt (“Đi trước chiếc xe gỗ ậm ạch chở quan tài, ba cậu nhỏ cao thấp khác nhau toàn thân quấn vải trắng trên đầu đội mũ rơm chống chiếc gậy tre non thập thững bước lùi…” tr 22). Việc mở rộng ra các chủ đề văn hóa, cụ thể là văn hóa thuần Việt, như văn hóa chính trị, văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian, văn hóa làng xã, sẽ đi đến một sự biểu đạt của nghệ thuật nhìn từ văn hóa, khiến nhà văn không đơn thuần chỉ còn là một tiểu thuyết gia, mà trở thành một nhà văn có nghệ thuật vị văn hóa.

Các nhân vật lịch sử thông qua ngòi bút nhà văn trở thành hình tượng văn học với cá tính phẩm chất riêng. Ở Nam Đế Vạn Xuân, Phùng Văn Khai đã thể hiện sự tiến bộ nhuần nhuyễn trong bút pháp của mình, qua lối kể chuyện hấp dẫn cùng mạch truyện uyển chuyển, với nhiều tình tiết đan xen nhưng vẫn trên một trật tự tuyến tính, không bị đứt gẫy. Nghệ thuật đối sánh được tác giả nhuần nhuyễn sử dụng nhằm tô điểm và phản chiếu sự đối lập giữa hai nhân vật, vừa là đối thủ vừa là đối trọng. Một bên là Tiêu Tư, thứ sử Giao Châu đầy cơ mưu gian hùng, đại diện cho thế lực phương Bắc xâm lược bành trướng. Bên kia là Lý Bí, được xây dựng hình tượng văn võ song toàn, khí độ hơn người, có khả năng đồng thanh liên tài, đại diện cho nước Nam bất khuất tự chủ. Tiêu Tư càng hiếu sát hiểm ác bao nhiêu, thì Lý Bí lại càng đức độ chính nghĩa chói ngời bấy nhiêu. Nhờ vậy, độc giả cảm nhận chiến thắng của Lý Bí trước Tiêu Tư càng trở nên thỏa đáng và mãn nguyện.

Theo tác giả, Nam Đế Vạn Xuân là cuốn mở đầu của Bộ tiểu thuyết lịch sử về thời tiền Lý dự kiến bốn cuốn: Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương Phục quốc; Đào Lang Vương; Bá thuật vong quốc. Nhà văn Phùng Văn Khai mười mấy năm nay rất mê đi đình đền chùa miếu. Viết Phùng Vương, ông đi ngót trăm đình đền của bảy tỉnh có điểm thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. May mắn thay, ông toàn đi với các nhà nghiên cứu lịch sử cỡ Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, nhà nghiên cứu Tạ Đức, Trương Sĩ Hùng, nhà văn Hoàng Quốc Hải, Đặng Văn Sinh, Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Hữu Sơn, Giáo sư Trần Ngọc Vương,… thành thử những gì cần ngọn ngành bia bảng cả một đội ngũ đầu ngành khơi khơi trao đổi bàn luận ông Khai cứ thế ghi vào trong trí óc nên thuận tiện về tư liệu lắm. Chưa kể là, hễ chỗ nào tồn nghi, ông lập tức mời bạn bè bất chấp nắng mưa lên đường khảo cứu. Khi viết Nam Đế Vạn Xuân, có một vị tướng công an rất giỏi lịch sử đã về hưu nhất quyết bảo rằng quê cụ Lý Bí phải là ở Thái Bình. Phùng Văn Khai phản biện bằng cách lên đường đi tìm chùa Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên theo kết luận của Hội thảo Khoa học về Vương triều tiền Lý và quê hương Lý Bí. Nơi đồi gò hoang hóa tiêu điều, ngôi chùa cũng nhỏ nằm nép dưới những tầng cây cổ thủ tưởng như chính quyền đã bỏ quên chẳng có sư trụ trì chỉ loáng thoáng một bà vãi và hai người đàn ông phiêu bạt từ miền Trung quét dọn trông coi.

Phùng Văn Khai không nghịch đảo lịch sử hay lật ngược quan niệm, không tìm cách tạo dư luận cho tiểu thuyết của mình bằng việc đề ra một vấn đề gai góc gây tranh cãi. Ví dụ như ở Nam Đế Vạn Xuân, nhà văn đã có thể lựa chọn đào sâu một vấn đề còn nhiều tồn nghi là nguồn gốc quê hương của Lý Bí để tập trung. Nhưng suy cho cùng, tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai vẫn trung thành thể hiện tinh thần của tác giả, mang tư tưởng yêu nước, ý thức độc lập tự cường sâu sắc và khẳng định chủ quyền dân tộc, cũng như quan niệm tiểu thuyết nên là khúc ca bi tráng của quần hùng chiến bại. Với bút lực trường văn của mình, Phùng Văn Khai không giấu giếm dự định hoàn kết 50 năm còn lại của nhà nước Vạn Xuân qua một trường thiên tiểu thuyết tiếp nối.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét