ĐẠO ĐỨC TRONG TƯ TƯỞNG
PHẬT GIÁO
PHẠM
VĂN THÙY
Trong
cuốn sách nhỏ này tôi muốn giới thiệu với các bạn phạm trù Đạo Đức trong tư
tưởng Phật giáo. Tư tưởng sinh ra hành vi, hành vi đó tốt hay xấu lại dựa vào
nhận thức của con người với quy luật tự nhiên của vũ trụ. Tôi xin trích dẫn một
vài thuật ngữ Phật giáo để chúng ta có sự nhìn nhận thấu đáo về tính quy luật
của Đạo Đức.
1.
Ở chốn sinh tử có những điều ghê sợ Bồ Tát nên nương vào đâu?
-
Bồ Tát nương vào sức công đức của Như Lai.
2.
Muốn nương vào sức công đức của Như Lai thì trụ vào đâu?
-
Nên trụ vào việc độ thoát tất cả chúng sinh.
3.
Muốn độ thoát chúng sinh nên từ bỏ những gì?
-
Nên từ bỏ những phiền não của mình.
4.
Muốn từ bỏ những phiền não nên làm những gì?
-
Nên thực hành chính niệm.
5.
Thực hành chính niệm như thế nào?
-
Thực hành lẽ chẳng sinh chẳng diệt.
6.
Pháp nào chẳng sinh, pháp nào chẳng diệt?
-
Pháp bất thiện chẳng sinh, pháp thiện chẳng diệt.
7.
Pháp thiện và bất thiện lấy gì làm gốc?
-
Lấy thân làm gốc.
8,
Thân lấy gì làm gốc?
-
Tham dục làm gốc.
9. Tham dục lấy gì làm gốc?
- Phân biệt, hư vọng làm gốc.
10.
Phân biệt, hư vọng lấy gì làm gốc?
-
Tư tưởng điên đảo làm gốc.
11.
Tư tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?
-
Không có chỗ trụ làm gốc.
12.
Không có chỗ trụ lấy gì làm gốc?
-
Không có chỗ trụ thì không có gốc.
*Chú
giải:
1. Bồ Tát: là những người
có trí tuệ và lòng từ bi, có năng lực giúp chúng sinh vượt qua đau khổ trong
thực tại.
2. Từ bi: lòng yêu thương
rộng lớn mà không cần sự đền trả.
3. Chúng sinh: những
người còn sống trong ưu bi khổ não.
4. Phiền não: do tham, do
sân giận và ngu tối tạo ra.
5. Chính niệm: nhận thức
được sự có mặt của tâm tại nơi thân (làm việc gì thì tập trung cao độ vào việc
đó).
6. Pháp thiện: làm việc
lợi mình, lợi người, lợi xã hội.
7. Pháp bất thiện: làm
việc lợi mình, bất lợi cho người, bất lợi cho xã hội; làm việc lợi người, lợi
xã hội, bất lợi cho mình.
8. Tham dục: những mong
muốn sai lầm.
9. Điên đảo: rối loạn
nhận thức, nhận thức những thứ không có thực.
Chỗ
trụ là gốc vậy thì gốc của quy luật là gì?
Đối
với giáo lý Phật thì vạn vật do nhân duyên hòa hợp sinh, nhân duyên chia ly
diệt (nhân duyên là những yếu tố hợp thành), diệt rồi lại hòa hợp sinh ra, sinh
ra rồi lại diệt đi, cứ như vậy liên tục cho nên không có kết thúc và không có
đầu mối được gọi là luân hồi hay nói theo vật lý là: Tổng năng lượng trong vũ
trụ là không đổi, vật chất không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi, nó
chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Cho nên, không có một đấng nào sinh ra
con người và vạn vật. Và không có một đấng nào có quyền ban phước và giáng tội.
Phật giáo chỉ nói nhân và quả (nguyên nhân và kết quả).
Trong
cuộc sống này, chúng ta sinh sống và làm việc (tức là chúng ta bỏ ra như thế
nào thì một năng lượng tương ứng sẽ trở lại với chúng ta như thế đó). Không một
đấng nào có thể biến hóa việc xấu thành việc tốt và việc tốt thành việc xấu
được.
Vạn
vật trong vũ trụ được tạo thành là do bảy yếu tố (nhân duyên): Đất, nước, gió,
lửa, không gian, kiến, thức.
Ví
dụ: đối với con người
1.
Xương thịt rắn chắc như đất gọi là Địa.
2.
Máu, nước tiểu… là Thủy.
3.
Nhiệt độ 37°C … là Hỏa.
4.
Hơi thở là Gió (Phong).
5.
Khoảng cách các bộ phận trong cơ thể là Không.
6.
Kiến: Thấy.
7.
Thức: Sự phân biệt (ý căn).
Đối với vạn vật: một vật như viên gạch, để tạo ra viên gạch cũng cần có bảy yếu
tố:
1.
Đất.
2.
Nước để nhào trộn.
3.
Gió phơi khô.
4.
Lửa để nung.
5.
Khoảng không để chứa.
6.
Kiến: vạn vật đều có tính thấy của nó và nó kết giao với tính thấy của con người
7.
Thức: sự phân biệt (có sự phân biệt nên có tên là viên gạch)…
Mọi
ví dụ khác cũng chứng minh được như vậy.
Con
người và vạn vật do bảy yếu tố đó sinh ra và trụ một thời gian, rồi biến dạng
và diệt đi, cứ liên tục như vậy hết triệu năm này sang triệu năm khác, hết tỷ
năm này sang tỷ năm khác, không có đầu mối và không có cuối cùng. Vì không hiểu
được quy luật luân hồi đó nên người ta hay trách bản thân và trời đất tại sao
người hiền lành thì hay khổ, người ác độc lại giàu có, sung sướng?
Tôi
giới thiệu sơ lược giáo lý căn bản của Phật giáo như vậy để chúng ta đi vào khái niệm “Đạo Đức” 道德
道 chữ
Đạo
Chữ “Đạo” là con đường, hay đường đi hàm ý ở
đây là mang khái niệm trừu tượng về con đường, phương hướng dẫn dắt con người
đi đến mục tiêu lý tưởng của Đạo đó.
Chữ
“Đạo” là con đường nhanh nhất, là cái lẽ mà nhất định ai cũng phải tuân theo
mới duy trì được cuộc sống tốt lành trong quy luật của vũ trụ.
Tôi
diễn giải về tính tượng hình của chữ Đạo như sau:
之 Đất, nước, sông, núi.
\ / Hai
khí âm, dương.
一 Phân
định trời đất.
目 Mắt 二 Tượng trưng cho hai mí mắt.
囗 Bốn phía Đông, Tây, Nam,
Bắc tức là sự quan sát bốn phương kỹ lưỡng.
Như vậy chữ Đạo bao gồm không gian, thời gian và vạn vật
trong đó, người học Đạo phải suy xét cho tận cùng.
德 chữ
Đức
Làm nên vẻ đẹp của con
người, Đức luôn luôn đồng nghĩa với những điều tốt đẹp (đạo đức con người).
Những
điều tốt đẹp mà con người tạo nên cho não bộ được thăng hoa.
Đức
quyết định năng lực lớn nhỏ, mức độ của hạnh phúc và là hướng đi theo thứ bậc
của luân hồi.
Đức
là phải cho đi, phải buông xả.
Tôi
diễn giải về tính tượng hình của chữ Đức như sau:
彳 Giống như ba khớp xương:
đùi, bắp chân, bàn chân, ý là đi từng bước nhỏ.
十目 Mười phương đều có con mắt dõi theo.
心 Tâm chỉ nhận thức và tâm
tính con người (ý chỉ sự tinh tấn của người tu luyện).
Đức không phải là chạy, không phải là
đi tản bộ trên đất phẳng cũng không phải dậm chân tại chỗ mà là từng bước một
(tích đức). Muôn vật đều tôn trọng Đạo và quý trọng Đức, vì vậy không có Đạo
thì không thể sinh, không có Đức thì không thể thành, mọi vật có thể sinh
trưởng và phát triển đều bắt nguồn từ sự dưỡng dục của Đạo Đức. Đức là một loại
vật chất có năng lượng cao mà không thể nhìn thấy, sờ thấy, nhưng lại thực sự
tồn tại (có Đức mặc sức mà ăn).
Như
vậy Đạo Đức là vô cùng quan trọng đối với sự sinh tồn và phát triển của nhân
loại. Đạo Đức bao gồm cả vũ trụ quan và nhân sinh quan chứ không đơn thuần chỉ
là nhân sinh quan. Đạo Đức mà con người đặt ra phần lớn chỉ là sự ứng và đối xử
giữa con người với con người chưa có giữa con người với trời đất.
Sự
đề xuất của các nhà khoa học về vấn đề môi trường chỉ là tầm nhìn trên phương
diện khoa học chứ không phải phạm trù Đạo Đức. Chính vì vậy rất nhiều hội nghị
bàn về biến đổi khí hậu nhưng không thành, bởi lẽ không có nền tảng Đạo Đức của
“vũ trụ” thì không thể bàn được. Nền tảng Đạo Đức trong vũ trụ là tính thanh
tịnh bản nguyên của nó. Trong giáo lý Phật, thuật ngữ tính thanh tịnh bản nguyên được hiểu là không tham, không sân giận,
không ngu tối.
Vấn
đề đặt ra với các nước phát triển là tại sao ở những xứ sở đó vẫn mờ tối? từ đó
sinh ra tham, rồi theo trình tự đó sẽ cho mình một cái quyền hạn lớn và sinh ra
sân giận? Câu trả lời bởi lẽ rất chân thật là con người có phần; một phần là
vật chất, một phần là tinh thần.
Vật
chất thì luôn phát triển và tàn hoại. Còn tinh thần là mãi mãi là thực tại đó
chính là quy luật của luân hồi.
Thế
giới mà chúng ta đang sống đã phát triển vật chất lên tầng cao của con người
nhưng văn minh tinh thần thì chúng ta chưa đạt đến. Nó được thể hiện thực tế là
sự nỗ lực, cố gắng trong phát triển kinh tế, phát triển khoa học hiện đại để
được hưởng thụ, để được sung sướng và hạnh phúc… nhưng thực trạng đang cho thấy
trên toàn cầu là tỷ lệ trầm cảm càng ngày càng nhiều; tự kỷ tăng cao, tự kỷ ở
giới trẻ phổ biến trên một số quốc gia; giới trẻ ở một số quốc gia phát triển
và đang phát triển đại đa số sống không cần biết ngày mai, tính ích kỷ càng
ngày càng phổ biến…
Một câu hỏi đặt ra cho tất cả những vấn đề nêu
trên là nguyên nhân xuất phát từ đâu? Câu trả lời chỉ có một, đó chính là do
chúng ta chưa có được nền tảng Đạo Đức. Cụ thể là: trời đất sinh ra con người
và vạn vật để cung cấp cho con người sinh tồn và phát triển. Vậy mà chúng ta đã
làm là tàn phá rừng (lá phổi xanh của trái đất); làm ô nhiễm và hủy hại nguồn
nước; phát triển kinh tế quá mức đã phá hoại tầng ozon và ô nhiễm không khí;
khai thác tài nguyên khoáng sản quá mức làm mất cân bằng hệ sinh thái…
Một
số ví dụ đó đủ cho chúng ta thấy, chúng ta không có Đạo Đức với chính hệ sinh
thái sinh ra và nuôi dưỡng mình thì đó là cái “Nhân”, nay con cháu mình nó bất
cần đời không quan tâm đến tốt xấu là cái “Quả”. Hiện nay sự bức xúc và lo lắng
của các bậc cha mẹ với con mình ngày càng gia tăng, nhưng thực trạng cho thấy
là cả xã hội đang không giải quyết được các vấn nạn mà các vấn nạn càng ngày
càng lan rộng và không ngừng phát triển. Để giải quyết được thực trạng này
chúng ta phải xây dựng được nền tảng Đạo Đức của Đạo giáo. Tôi theo Phật nên đề
xuất với các bạn nền tảng Đạo Đức của Phật giáo.
Nền tảng Đạo Đức của Phật
giáo
Bốn
sự thật để diệt khổ
Đức
Thích ca Mâu Ni bậc giác ngộ chân lý đã để lại cho chúng ta bốn sự thật để diệt
khổ, hay nói theo quan điểm của tôi đó là Văn Minh Tinh Thần.
1. Khổ:
là phải chịu đựng những cảnh mình không thích, gặp những người mình không ưa,
không thích nghe những điều mà mình không yêu thích.
2. Tập:
nguyên nhân của khổ, những thứ mà mình thu nạp vào và phát ra là những tư tưởng
và hành vi bất thiện.
3. Diệt:
kết thúc, làm cho hết khổ. Muốn có được việc này thì phải có Đạo.
4. Đạo:
phải có sự dẫn đường để diệt khổ đó chính là toàn bộ ngành giáo lý Phật
Bốn
sự thật này sẽ là từng bước một dẫn chúng ta vượt qua sự khổ đau .
Đạo
Phật nói về chân lý
Chân
là thật. Lý là lẽ. Chân lý là toàn bộ lẽ thật có trong vũ trụ, trong khi đó tại
Việt Nam chúng ta có câu nói dân gian
truyền miệng lại bao thế hệ vẫn đang dùng và cả tin dùng: “Sự thật mất lòng”.
Đây
là một câu nói vô cùng tai hại, hệ lụy của nó vô cùng to lớn đối với văn hóa
một dân tộc. Sự thật mà mất lòng thì
ngược lại con người mình sống với nhau chỉ trong giả dối.
Tiêu
chuẩn làm người của Nho giáo: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Tiêu
chuẩn làm người trong Phật giáo:
1.
Không giết người.
2.
Không lừa gạt (nói dối).
3.
Không trộm cắp.
4.
Không dùng nhiều độc tố trong rượu.
5.
Không tà hạnh. (Tà hạnh: Vấn đề tình dục mà làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia
đình của người khác.)
Vậy
chúng ta lấy chữ Tín + Không lừa gạt (nói dối) thì thấy ngay câu nói “sự thật mất lòng” ác hiểm như thế nào
đối với văn hóa truyền đời của nhiều thế hệ.
Ví
dụ trên đã cho chúng ta thấy một sự thu nạp quan điểm ngược với chân lý và đó
là nguyên nhân tạo ra bao nhiêu cảnh ngộ không đáng có.
Tôi
xin lấy một ví dụ nữa: “Con cháu phải
nghe lời cha mẹ mới ngoan”. Đây là câu nói không hoàn toàn đúng. Ông bà cha
mẹ có kiến thức, có đạo đức dạy con cháu nghe là điều tốt, còn ông bà cha mẹ
không có kiến thức, không có đạo đức, rượu chè, cờ bạc, lười lao động dạy mà
con cháu phải nghe thì quả là nguy hại cho gia đình và xã hội.
Không
có một cái gì lạc hậu và cổ hủ được gọi là văn hóa, không có một nền văn minh
nào mà lại có quá nhiều người trầm cảm, tự kỷ, stress. Theo một cuộc khảo sát
gần đây nhất trên thế giới có 36 quốc gia giàu có và phát triển thì có 25 nước
trong số đó có tỷ lệ đói nghèo tăng cao so với các nước đang phát triển. Tỷ lệ
đói nghèo tại Đức là 15,7%.
Sự
giả dối của một và quốc gia đã đưa trên 200 quốc gia lâm vào tình cảnh dịch
bệnh tăng cao, người chết vô số và kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, đó là do
không có nền tảng Đạo Đức. Nó ứng với câu “Có
đức thì có lành, không đức thì có họa”.
Phật
nói: “Tâm an thì vạn sự an”. Chữ Tâm ở đây không phải là con tim, không
phải là tấm lòng mà là nhận thức. Khi có nhận thức tốt về quy luật thì con
người sẽ có những hành vi theo trật tự của nó: từ nhận thức không có sự may
rủi, không có trông chờ từ một đấng thần linh nào đó thì chúng ta sẽ được an
trú trong đó và các hành động của chúng ta sẽ có kết quả tốt lành. Nhân nào qủa
ấy, mình không thể trồng lúa mà ra khoai được, không thể trồng rau mà ra xoài
được. Không một ai, không một đấng thần linh nào biến hóa từ vật này sang vật
khác được.
Phật
tại tâm
Phật
là giác ngộ. Tâm là nhận thức. Nguyên nghĩa của câu: Giác ngộ được là do nhận
thức của mình chứ không phải do người khác cho mà mình lại chờ đợi. Phật không
phải là một đối tượng, Phật là giác ngộ - đó là tính giác của vũ trụ. Đó chính
là câu nói “Cầu Phật là cầu ở nơi mình”,
tức là tìm sự giác ngộ là tìm ở trong chính bản thân mình. Ngoài thân tìm Phật
là tà đạo. Đạo Phật là đạo của tỉnh thức Budda, thức là cái phân biệt, tỉnh
là tỉnh táo không mê lầm. Tất cả sự phân biệt của mình là không trong tình
trạng mê lầm. Đạo Phật là Đạo vô thần, chỉ nói về Nhân và Quả. Trong đời sống
tinh thần thì chúng ta lại dựa vào Nho giáo và niềm tin vào Phật giáo chứ không
đi sâu vào học tập giáo lý để tự bản thân mình trải nghiệm sự mầu nhiệm của nó,
ngược lại chúng ta chỉ cầu cúng, van xin và chờ đợi những điều tốt lành đến với
mình mà không cần lao động mà có.
Thực
tế, điều đó lại đang ngày càng phát triển, nếu chúng ta không có nhận thức rõ
ràng và khẩn trương thì đây sẽ là một vấn nạn cho nhân dân mình.
Tôi
lấy một vài ví dụ:
Người
nông dân cấy lúa, chăn nuôi. Cấy lúa có số mét vuông, chăn nuôi có số lượng con
tùy thuộc vào đầu tư vốn, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật chăn nuôi, kinh nghiệm
đoán định thời tiết và theo dõi dự báo thời tiết để quyết định xuống giống vào
đúng thời điểm để có kết quả cao nhất. Vậy mà, đầu năm mới ai cũng đi xem bói
xem năm nay có lộc không? đi cầu xin cúng lễ để cho năm nay có nhiều lộc. Trong
kinh Phật chỉ nói nhân và quả chứ không tìm được “lộc” ở bất kỳ cuốn kinh nào.
Người
công nhân: có lương tháng cố định, làm thêm giờ thì thêm tiền, nhưng đầu năm
vẫn đi xem bói, đi cầu cúng để xin “lộc”.
Thương
nhân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, cán bộ công chức, viên chức… cũng đều làm như
vậy.
Khi
được hỏi, nhiều người có nhận thức cho rằng cầu xin là không được nhưng đi xin
sức khỏe. Thiết nghĩ: sức khỏe là do ăn uống, ngủ nghỉ, rèn luyện thể dục thể
thao để duy trì và bảo vệ sức khỏe chứ không một ai cho mình được sức khỏe từ
sự cầu xin cúng lễ và mong đợi những điều ốt đẹp đến với mình như vậy. Tôi sẽ
cho các bạn thấy những nghịch cảnh nực cười của xã hội:
Làm
nghề bác sĩ mà đi cầu tài cầu lộc thì vô hình dung bác sĩ mong muốn nhân dân bị
bệnh nhiều.
Làm
nghề cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì mong cháy nhà nhiều. Cho nên có câu
chuyện chủ tịch Hồ Chí Minh chúc tết các chiến sĩ cảnh sát PCCC năm mới “chúc các chú năm nay thất nghiệp”.
Làm
nghề dịch vụ tang lễ khi mà thu nhập kém người ta tự hỏi sao năm nay chết ít
thế nhỉ ?…và ...
Những
ví dụ trên cho ta thấy một nhận thức sai lầm tai hại như vậy mà chúng ta vẫn
ngày càng phát triển mạnh. Từ những sai lầm trong nhận thức như vậy chúng ta đã
vô tình đánh mất đi đạo đức của mình mà không hề hay biết. Tác hại hơn nữa
nhiều người lại cho rằng đây là văn hóa tâm linh, đấy là đức tin của họ. Trong
giáo lý Phật nói : Trong vũ trụ không có
cái gì độc lập tự sinh, không có cái gì độc lập tự tồn. Mọi vật được sinh ra là
do nhân duyên hội tụ, nương gá vào nhau để sống.
Một rừng cây có những cây gỗ 200-300
năm tuổi rất giá trị nhưng không để độc lập tự tồn được. Chỉ cần thiếu một
duyên như nước, ánh nắng mặt trời, đất, núi đá vôi thì chết ngay. Những cây to
thì che bóng cho cây thấp, cây thấp sống được là nhờ cây to, cây thấp bé chết
đi lại làm dinh dưỡng cho cây to phát triển.
Con
người cũng vậy dù có tài giỏi đến mấy thì không có nước là chết; không có
khoảng không là chết; không có lúa, ngô, khoai, tôm cá, rau quả thì cũng hoại
diệt. Giữa con người với con người cũng vậy. Người tài giỏi thì giúp ích cho
những người thấp kém được hưởng khoa học kỹ thuật, người thấp kém lại lao động
nặng nhọc để cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người tài giỏi và giàu
có. Ý đức Phật muốn dạy do vạn vật nương gá vào nhau cho nên con người ta phải
mở lòng yêu thương, tôn trọng nhau để được hưởng những giá trị của quy luật hòa
hợp sinh trong hòa bình và hạnh phúc.
Trong
vũ trụ không có cái gì cao nhất và không có cái gì thấp nhất, không có gì tốt
nhất và không có gì xấu nhất, chỉ có con người có biết cách sử dụng nó một cách
an lành hay không thôi.
Cây
thuộc phiện mình đem sử dụng vào y học là tiên dược. Nếu mình bào chế gây
nghiện là việc xấu.
Rượu
dùng để xoa bóp, để ngâm thuốc, để dùng trong tiệc vui, nếu mình dùng nó để
nghiện thì phá hủy hệ thần kinh.
Cây lá ngón người ăn vào thì chết nhưng con dê
ăn thì không chết. Dạ dày nó chứa lá ngón mà đem bào chế thuốc thì lại đem lại
lợi ích cho người
Con
chó nuôi để trông nhà, con mèo để bắt chuột nhà, con rắn bắt chuột ngoài đồng.
Mình giết thịt nó thì việc còn lại mình phải làm.
Vậy
mình muốn huân tập những điều tốt lành thì phải có tri thức của Đạo. Chúng ta
phải học giáo lý, tìm hiểu giáo lý và thực hành nó. Nếu chỉ học hỏi mà không
thực hành thì lý thuyết chỉ là giả thuyết.
Tôi
xin đề cập vấn đề cả xã hội quan tâm mà chưa có hiểu biết rõ ràng về nó, đó là
sau khi chết các thần thức ở cõi giới nào, ăn tiêu bằng gì, làm công việc gì và
có thể giúp đỡ hay không thể giúp đỡ người còn đang sống.
Tôi
xin giới thiệu một số thuật ngữ Phật giáo:
Bát
thức tâm vương
Tám
món nhận thức này tự chủ, tự tại như vị quốc vương nên gọi là tâm vương.
1.
Mắt (Nhãn thức): Cái biết của con mắt. Nó khơi ra tác dụng phân biệt về vật
chất (sắc trần).
2.
Tai (Nhĩ thức): Cái biết của lỗ tai: Nó khơi ra tác dụng phân biệt âm thanh
(thanh trần).
3.
Mũi (Tỵ thức): Cái biết của mũi, nó khơi ra tác dụng phân biệt về mùi hương
(hương trần).
4.
Lưỡi (Thiệt thức): Cái biết của lưỡi, nó khơi ra cái biết về vị (vị trần).
5.
Thân thức: Nó khơi ra tác dụng phân biệt về xúc chạm (xúc trần).
6.
Ý thức (não căn): Cái biết của ão bộ để đánh giá và phân biệt mọi thứ do năm
thức trước thu nạp.
7.
Mạt na thức: Là cái bảo vệ chính mình sau khi sàng lọc và phân biệt tốt xấu từ
sáu thức trước.
8.
Alại da thức: Là cái kho tàng chứa tất cả sự phân biệt tốt xấu của bảy thức
trước và tàng chứa vĩnh viễn trong hư không (chứ không chỉ ở trong khi con
người còn sống).
Tôi
xin lấy ví dụ để các bạn hiểu:
Đặt
một cốc nước đun sôi: Thức sơ khai ban đầu khi ta muốn uống; động tác lấy tay
cầm cốc nước lên và uống, khi uống vào thấy nóng bỏng miệng thì ta nhổ ra. Tôi
xin nói về quy trình của nó:
Khi
khát nước mình muốn uống nước nhưng chưa có sự phân biệt nên thấy nước là uống.
Khi cầm cốc nước uống: tay cầm thấy nóng (thân thức xúc chạm). Mắt nhìn thấy nó
bốc hơi (nhãn thức) phân biệt, khi uống vào bỏng rát nhổ ra (thiệt thức) phân
biệt rồi tiếp theo ý thức phân biệt đánh giá đó là việc không có lợi, rồi đến
thức thứ bảy sàng lọc và ra thông báo là không tốt cho bản thân mình (bảo vệ)
và đánh dấu nó cho vào kho chứa (alại da thức) để sử dụng. Đến lần sau khi muốn
uống nước mà theo sự quan sát của các giác quan thấy được các dữ liệu như đã
đưa vào kho chứa là lập tức theo phản xạ tự nhiên là con người không uống ngay.
Chính vì vậy, người lớn khi dạy con trẻ khi chúng còn nhỏ cũng từ quy trình đó
rồi đến cốc nước nóng, cốc nước lạnh và quá lạnh.
Khi
mình ăn canh rau đay với cà pháo. Trong ví dụ này, tôi chỉ muốn nói về việc
thấy ngon miệng và đưa vào bộ nhớ (alại da thức) và lần sau khi ăn canh rau đay
thì người ta nghĩ ngay đến cà pháo cho ngon. Và tất cả các món ăn khác cũng
vậy, con người mất rất nhiều thời gian để có được kinh nghiệm lợi ích mang lại
cho con người.
Sang
ví dụ của bản thân mình với người khác . Mình đối diện với người cao, người
thấp, người như mình, da đen, da trắng, da màu gần đây người ta phát hiện ra
người da xanh, mắt đen, tô màu tóc đen, xám, mắt đen, năng lực rồi từ đó tám
thức mới phân biệt và đưa vào tàng thức để ứng dụng vào cuộc sống những gì tốt
đẹp nhất và từng bước loại bỏ những gì xấu nhất và bất lợi đi.
Mình là người da vàng thấy người da trắng đẹp
mà mình tìm tòi những chất liệu trang điểm cho da mặt trắng lên cho đẹp, thấy
màu tóc của họ đẹp thì mình nhuộm tóc thấy họ mặc đẹp thì mình thiết kế mẫu
theo họ...
Trong
quá trình sinh sống thấy mình và người khác làm nhiều việc như lừa đảo, giết
người, sống bất nhân thì mình và con cháu mình đều có kết quả không tốt trong
cuộc sống. Khi thấy không tốt như vậy thì thức thứ bảy (mạt na thức) là cái thức
bảo vệ cho sự tốt đẹp của mình. Nó cảnh báo để mình không đi vào những việc ác
đó nữa thì mới tốt đẹp hơn được.
Một vài ví dụ trên đã chỉ cho chúng ta thấy rõ
ràng đó là quy trình tiến hóa của con người do bằng mất rất nhiều thời gian
chúng ta mới tiến hóa được bởi vì phải trải qua (thực chứng) chứ không có một
sự biến hóa nào. Không có một thế lực nào có thể thực hiện việc đó cũng như
việc con người trên thế gian chặt phá rừng thì lũ lụt xảy ra làm ô nhiễm nguồn
nước ngọt và dịch bệnh, xả thải nhiều thì làm trái đất nóng dần lên, tan băng
... Tất cả nguyên nhân đó do nhận thức thấp kém tạo ra thì con người phải chịu.
Không có đấng nào, thần linh nào biến hóa tất cả mội thứ nguy hại đó trở thành
tốt lành được. Chỉ có sau một tai họa, con người ta mới nhận thức lại và hành
động có lợi hơn, như đại dịch toàn cầu hiện nay. Sau khi dịch được khống chế và
chấm dứt, con người ta mới nhận thấy rõ ràng hơn giá trị vật chất và giá trị
tinh thần. Vật chất thì luôn phát triển và tàn hoại, còn tinh thần thì mãi mãi
tồn tại bởi vật chất thì luôn chuyển từ dạng này sang dạng khác còn tinh thần
(tâm thức) thì được lưu trữ và tiếp tục Phật giáo gọi là luân hồi.
Trước
đây triết học cổ phương Tây chỉ tìm ra sáu thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
nên họ cho rằng sau khi chết là hết. Những năm gần đây trên toàn cầu thấy được
những hiện tượng siêu nhân, siêu nhiên họ bắt đầu quan sát và nguyên cứu
và thấy được rằng sau khi chết là không
hết. Các hiện tượng như cậu bé Sao Hỏa, các trẻ nhỏ có thể nói được nhiều ngoại
ngữ, khả năng tìm mộ người chết, những kiếp kế tiếp của Đạt Lai Lạt Ma, những
nhà tiên tri…
Trong
nội dung ngắn này tôi tạm chia Bát Thức Tâm Vương ra làm hai phần mặc dù không
chính xác giáo lí nhưng mục đích chỉ cần hiểu nên tôi chia ra:
(Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân): thân thức
(Ý, mạtna thức, alại da thức): tâm thức
Một
phần là thể xác, một phần là tinh thần. Nhân duyên hòa hợp thì sinh ra con
người, nhân duyên chia ly (chết). Chứ không phải như Nho giáo nói: có sinh,
gia, bệnh, chết bởi vì sau khi sinh ra có người một tuổi chết, có người mười,
Ba mươi, Năm mươi, Chín mươi, Một trăm tuổi chết…
Sau
khi chết đi mất cái thân còn cái tâm (thần thức) thì tàng chứa mãi mãi trong hư
không và đó là tiền đề cho kiếp kế tiếp bằng toàn bộ ác, thiện đã tạo chứ không
có một số mệnh nào do trời định cả, không có đấng nào sinh ra cả, quy luật cảu
vũ trụ là vận động, con người là vật chất trong vũ trụ này được vận động theo
nó mà sinh tồn được, khi đó tướng số, tử vi hay xem bói là nói về số cố định
như vậy ngược với quy luật. Ngược với quy luật thì không tốt. Khi có Đạo thì có
đức tin, có đức tin thì chúng ta sẽ hướng tới những việc tốt lành nhất, còn
không có Đạo thì đại đa số sẽ sống bằng bản năng, do không phân biệt được thiện
ác nên bản năng đó càng ngày càng nhiều tai họa.
Tôi xin trích dẫn câu nói của Albert Einstein: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn
cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáp điều và thần học, tôn giáo ấy bao quát
cả phương diện tự nhiên, lắm siêu nhiên, dựa trên căn bản ý thức của đạo lí xuất
phát từ kinh nghiệm. Tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy, đủ
ý nghĩa, Phật giáo sẽ đáp ứng được cái điều kiện đó. Phật giáo không đòi hỏi
phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học, Phật
giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì nó bao gồm khoa
học cũng như vượt qua khoa học”.
Giáo
lý Phật nói: Vô biên phiền não chướng, Có vô lượng pháp môn tu.
Vậy
phiền não là gì? Căn bảo tạo lên phiền não? Tham, sân (giận), si, mạn (kiêu
mạn), nghi (nghi ngờ), ác kiến (tà kiến).
Phiền
não là những trạng thái của nhận thức con người đối với những độc tố (tham,
sân, si, mạn nghi, ác kiến) nó khiến cho con người mãi bị trói buộc trong đau
khổ và luân hồi. Vậy tại sao sáu thứ trên được gọi là độc tố như khái niệm
thiện ác tôi đã nói ở phần đầu thì sáu yếu tố trên đều đem lại bất lợi cho
mình, cho người, cho xã hội, như vậy là tạo lên ác nghiệp và từ đó sinh ra đau
khổ và luân hồi mãi không thôi.
Vô
lượng pháp môn tu là bao nhiêu pháp môn?
Chữ
tu ở đây có nghĩa là sửa chữa những
lỗi lầm trong quá khứ đã tạo nhưng trong tâm thức của chúng ta cứ nói đến chữ tu là mọi người có biểu hiện tâm lí rõ
ràng không thích hoặc né tránh, đó là một nhận thức rất sai lầm là tu thì phải xa rời cuộc sống, xa rời thế
gian, rồi phải mặc quần áo nâu, phải ăn chay, phải cạo đầu trọc...
Chiếc áo không làm lên
thầy tu
Tu không nhất thiết phải
trọc đầu
Từ
bát
thức tâm vương ở trên chúng ta thấy do quá trình tiến hoá nên phải cần
rất nhiều nhiều đời người mới dần tiến bộ được, những gì mình đã làm trong quá
khứ chưa tiến bộ, nó đem lại hậu quả xấu cho mình nay dựa vào Đạo học, tư duy
rồi thực hành các thiện pháp để có cuộc sống tốt lành hơn như vậy là tu, tu là
tu tại tâm chứ không phải là tại tướng bởi lẽ tướng là do tâm sinh, tướng do
tâm diệt. Pháp môn tu ở đây không phải là Tông phái mà là những phương pháp phù
hợp với từng căn cơ mà đặt ra để sửa lỗi lầm đều có hiệu quả tốt, cũng là tâm
thức của hàng tỉ người khác nhau tạo ra hàng tỉ hành vi khác nhau và nghiệp quả
khác nhau và trong hướng tu phải có trí tuệ chỉ cho phật tử những cách thức tu
tập hiệu quả nhất chứ không phải dùng công thức chung cho mọi người được
Pháp môn tu niệm Phật
Chữ
niệm: nhớ. Phật: giác ngộ. Tu niệm Phật: Luôn nhớ sự giác ngộ của mình mà bỏ ác
làm thiện. Tâm con người nó chạy như con ngựa, nhảy như con vượn không bao giờ
yên, từ không yên thì sinh ra vọng động, để cho tâm của mình trụ vào một chỗ mà
không suy nghĩ thì Phật giáo hướng dẫn cách thức tôn kính một vị Phật hay Bồ
Tát mà niệm danh hiệu của người đó trong những khoảng thời gian nhất định thì
được định tâm nó dẫn theo năm tháng và sức định ngày càng cao hơn thì bất trừ
vọng động, từ đó sinh tâm an lạc và như vậy là có hiệu quả và đơn giản nhất đó
là pháp môn tu cho những người bình dân lao động nông nghiệp xưa chứ không phải
như chúng ta hiểu cứ đọc tên một vị Phật nào đó rồi ngài đó sẽ cho mình được
bình an hạnh phúc.
Pháp
môn tu thiền
Tu
thiền, không phải ngồi thiền là tu. Chữ thiền là tư duy tu và nó chia ra làm
các giai đoạn, giai đoạn đầu là toạ thiền và thực hành quán hơi thở để ngăn trừ
vọng động. Sau đó tâm thức được trống rỗng thì bắt đầu tư duy sự vật hiện tượng
để nhận ra thật tướng của nó rồi từ đó hành theo nó mang lại lợi ích cho mình
và cho xã hội.
Như
vậy, trong cuốn sách bỏ túi này tôi chỉ muốn thưa với các bạn trong phạm trù
“Đạo Đức” trong góc nhìn Phật giáo là mình phải hiểu rõ sự thật của sự vật hiện
tượng không huyễn hoặc các tướng trạng của nó và không bị rơi vào giả nhận thức
và mình phát triển nó lên thì để lại hệ luỵ rất nguy hại cho các thế hệ kế
tiếp. Trong khi ước muốn của mình thì lại rất cao đẹp. Sự tốt đẹp cho con người
được làm lên từ chữ Đức, Đức lấy Đạo làm gốc, gốc càng lớn càng chắc, thì bóng
cây càng rộng mới che mát được cho nhiều người, Đạo Đức là vốn cốt lõi mà con
người không thể không có, nó mang lại nguồn ánh sáng rộng khắp và vô tận để chỉ
đường, để chỉ đường dẫn lối cho chúng ta theo đúng mong muốn và ước mơ để có
được an lạc, hạnh phúc.
NÉT
ĐẸP NHÂN VĂN TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC PHẬT GIÁO
TRẦN THỊ BĂNG
THANH
Trước hết, cũng cần có một giới thuyết về khái niệm “văn học Phật giáo”.
Nhớ rằng cách đây hơn hai mươi năm (khoảng năm 1992), giới văn học từng đã đặt
câu hỏi: “Việt Nam có một dòng văn học Phật giáo hay không?” Trong quan sát của
mình, ngày ấy, người viết bài này từng quan niệm rằng trong văn học Việt Nam có
một bộ phận tác phẩm mang đậm dấu ấn tư tưởng, triết học Phật giáo, lấy việc
truyền thụ triết thuyết Phật Giáo, cách tu tập, phản ánh sinh hoạt… làm đối
tượng, gợi cảm hứng sáng tạo, có hành trình trong suốt lịch sử văn học, có
thành tựu, tạo được những đặc sắc riêng mặc dù có thăng trầm, và vì vậy nên coi
bộ phận văn học ấy là văn học Phật giáo, tất nhiên đấy là một thành phần của
văn học nước nhà. Ngày nay, khái niệm “văn học Phật giáo” đã được chấp nhận và
văn học sử có nhu cầu nhìn nhận diện mạo, thành tựu và đặc điểm nghệ thuật của
bộ phận văn học này. Bài viết của tôi xin làm một khảo sát nhỏ trong thành tựu
mà tôi nghĩ rằng khá đồ sộ ấy.
Trong quan sát thực tế, tôi cho rằng có hai mạch sáng tác trong dòng văn
học Phật giáo. Một làm nhiệm vụ truyền thụ giáo hóa, hai là chịu ảnh hưởng,
được gợi cảm hứng từ tư tưởng, triết thuyết và không gian sinh hoạt Phật giáo.
Bài này xin tìm hiểu một số điều trong bộ phận văn học truyền giáo. Khó nói
rằng, một tác phẩm văn học Phật giáo nào lại không truyền bá tư tưởng Phật
giáo, nhưng căn cứ để phân chia là ở mục đích sáng tác và liều lượng vấn đề
được thể hiện trong tác phẩm. Trên quan niệm như thế, chúng tôi coi tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông là tác
phẩm “truyền giáo” rõ nét nhất trong văn học Phật giáo đời Trần. Ở đây Trần
Thái Tông không những giảng về lý thuyết lại còn chỉ dẫn cả phương pháp tu tập,
sinh hoạt, cầu nguyện... Trong tác phẩm này có “phổ thuyết”, có giới, định, có
niệm Phật,có chỉ dẫn cách cúng dường và phát nguyện, sám hối (“lục thì sám
hối”), cùng con đường hướng thượng... Có lẽ trong văn học Phật giáo Việt Nam, Khóa hư lục là tác phẩm truyền dạy cẩn
thận, đầy đủ và bài bản nhất, đã được nhiều người tìm hiểu, bình giảng. Nhưng Khóa hư lục thuộc loại văn học bác học,
không dễ dàng tiếp cận với đối tượng đông đảo và ngày nay cũng chưa thống kê
được mức độ ảnh hưởng, phổ cập trong sinh hoạt cộng đồng, cũng là điều đáng
tiếc. Bên cạnh đó có một số tác phẩm được phổ biến khá rộng rãi trong dân gian,
được sáng tác bằng quốc âm, tức là tiếng Việt, được ghi lại bằng chữ Nôm, theo
thể văn vần và chủ yếu là thơ lục bát. Những tác phẩm này quy mô sáng tác, đối
tượng thưởng thức và tuổi thọ không đồng đều. Có những tác phẩm ngắn hoặc chưa
được hoàn thiện, chỉ thuyết giảng một ý tưởng, kể lại một Phật thoại, được
truyền bá chủ yếu bằng phương thức truyền khẩu, nhất là qua các vãi đi chùa.
Những tác phẩm này có lẽ xuất hiện khá sớm, ít được để ý sưu tập, nghiên cứu và
có thể đã sớm bị mai một. Nhưng cũng có những tác phẩm lớn, được xếp vào dòng
truyện thơ Nôm, phần nhiều đã được in ấn, còn trở thành nguồn của nhiều bộ môn
nghệ thuật khác, như chèo, cải lương, ngâm vịnh, cả văn chầu… Bài viết này xin
thử điểm qua vài tác phẩm tiêu biểu trong thể loại văn Nôm đó.
Trước hết nói về hai tác phẩm tạm gọi là “chưa hoàn thiện”.
Tôi được biết có một tác phẩm chủ đích khuyên các tín đồ đi chùa, lễ
Phật cúng dường, chấp tác… phải có lòng thành, thực tâm tu tập làm việc thiện,
thực tâm cầu giác ngộ, để thành người tốt (“thiện nhân”), mà không phải đem
tiền của đi “mua phúc” tranh giành, với mục đích cầu lợi. Tác phẩm được viết
dưới dạng truyện ngụ ngôn. Bốn nhân vật, bốn bà vãi quê mùa dân dã, được mượn
hình hài từ cây lá, vật dụng gần gũi ngay trong cảnh chùa: Bà Đa, bà Đề, bà
Mít, bà Thông. Tính nết các bà đều mượn từ đặc tính của mỗi thứ cây để khắc
họa. Bà Đa giàu có “Thóc gạo cũng lắm bạc
đầy chan chan” cậy của, cúng dường thật nhiều, tin chắc sẽ được Phật độ
trước; bà Đề a dua “phe phảy cũng theo”.
Riêng bà Mít nhà nghèo nhưng kiên tâm, thành thực, khó khăn cũng không bỏ cuộc
chỉ mong đắc đạo, chứ không cầu xin gì khác; còn bà Thông vô tư, có lòng cảm thông,
biết an ủi bạn cả trong những hoàn cảnh tưởng chừng vô vọng: “Lòng thành chẳng lọ ít nhiều / Bà cứ vui đều
bà cứ vui tươi”. Thời gian tuần tự qua đi, rồi “Đến tuần hai chín ba mươi”, như là ngày phán quyết, các bà lên
chùa, kết quả thật không ngờ: “Ai như Bà
Mít đang ngồi Tòa sen” (tượng Phật đặt trên tòa sen được tạc bằng gỗ mít);
còn bà Đa bà Đề sau đó chỉ được đứng ở cổng chùa (mỗi chùa thường trồng cây đa,
cây đề ngoài cổng); riêng bà Thông được đứng reo vui ở đầu núi. Phật đã chứng
quả, bốn bà vãi đã nhận rõ hạnh nghiệp của mình. Câu chuyện được viết bằng một
dọng văn quê quê, rất dễ hiểu, nhưng đạt tới vẻ đẹp chất phác, dí dỏm, vui
tươi:
Bà Đa, bà Mít, bà Đề
Ba bà ra về lại gặp bà Thông.
Bốn bà trò chuyện nhau cùng,
Bà Thông nức lòng vỗ tay liền reo.
Bà Đề phe phẩy cũng theo,
Lại thương Bà Mít nhà nghèo lắm
thay.
Bà Mít tính nết cũng hay,
Nhà cửa khốn khó cũng hay lên chùa.
Lên chùa trong bụng còn lo,
Lấy gì mà cúng trên chùa hôm nay?
Bà
Thông nghe nói thương thay…
Và tác phẩm đã chuyển tải được một cách giản dị tư tưởng nhân văn sâu
sắc của đạo Phật về mối quan hệ giữa người với người, giữa các đạo hữu, nhân
cách và đức tin.
Một câu chuyện khác dạy, khuyên người tu hành phải có lòng nhân ái, và
“nhẫn nại”. Nhẫn là một yêu cầu rất
quan trọng đối với người tu hành, thể hiện ý chí tu tập, giúp vượt qua những
thử thách cam go để giữ vững đức tin và thành chính quả. Câu chuyện lấy nội
dung từ truyện Sự tích chim tu hú, chắc
chắn nguồn gốc xa xôi cũng là một Phật thoại. Một vị sư tu hành khổ hạnh nhiều kiếp nhưng chưa được chứng quả vì
ông tính tình nóng nảy. Ông hứa với Phật quyết tâm sửa đổi tâm tính, lên núi
ngồi thiền định. Có đôi chim chích sắp đẻ con đến làm tổ trên đầu ông. Ông vẫn
ngồi thiền, chịu đựng mọi sự phiền hà, bẩn thỉu do chúng gây ra, để cho chúng
có nơi nương náu. Đôi chim sống yên bình, sinh nở được 4 con. Chúng chia nhau
chăm con và đi kiếm mồi nuôi con. Một ngày kia, vợ thương chồng nằn nì xin đi
thay, chẳng may cả ngày không kiếm được gì; mãi đến tối trông thấy một chú nhện
đang chăng tơ trong đóa sen, chim mái mừng quá, sà vào bắt. “Nào ngờ sen cũng như quỳ/ Tối thì cụp lại
sáng thì nở ra”, chim mái bị nhốt trong đóa hoa sen, đến sáng mới về được.
Đến nhà, con đói kêu khóc, chồng vừa lo vừa nghi ngờ, nổi giận, vợ phân trần
thế nào cũng không nghe. Chúng cãi nhau inh ỏi, suốt buổi sáng không thôi. Vị
sư không nhẫn nhịn được nữa, thò tay lên đầu giật tổ chim vứt toẹt xuống đất!
Thế là cả nhà chim chết, vị sư không được chứng quả. Vị sư còn chịu vài lần thử thách nữa, ông vẫn không đủ
nghị lực khắc phục nhược điểm, và có thể nguyên nhân chính là ông không đủ lòng
nhân ái để nhẫn nhịn, vị tha, luôn thất bại ở phút trót, cuối cùng đành chịu
kiếp tu hành dở dang, hóa thành “chim tu hú”… Tác phẩm cũng được viết với một
giọng văn rất dân dã, nhưng rất trữ tình, phác họa được cảnh sống đầm ấm của
một gia đình nghèo vợ chồng hòa thuận thương yêu, bảo ban nhau chăm chỉ làm
lụng nuôi con:
Nhỏ nhoi chẳng dám nhờ ai,
Vợ chồng ấp nở
hôm mai một mình.
Bốn con
tư túi sơ sinh,
Chồng về dặn vợ tấm tình khúc nhôi.
Thương
con chớ có bỏ dời,
Hết mồi anh lại
tìm mồi cho ăn.
Chim
mái vật nài ra đi…
Hoàn cảnh gia đình nhà chim phảng phất tình cảnh của biết bao gia đình
người dân nghèo Việt Nam. Họ là những người lương thiện, trọng nghĩa tình,
trọng danh dự, nhưng quả thực cuộc sống bấp bênh, tai họa ập đến tan nát cả gia
đình bất cứ lúc nào!
Những tác phẩm này tôi được nghe các vãi ở làng Cựu Hào huyện Vụ Bản,
tỉnh Nam Định hát kể hạnh trong những tối sáng trăng tụ hội ngồi kéo sợi tại
sân nhà một gia đình khá giả trong làng, được gọi là “cụ Đồ Đồng” vào năm 1947,
cách đây gần 70 năm. Tôi chưa thấy những tác phẩm ấy được thu thập, có lẽ chúng
chưa được hoàn thiện và cũng đã mai một cùng với cái nghề thủ công của một thời
kinh tế tự cấp tự túc, thật là phí! Có lẽ những tác phẩm ấy được sáng tác rất
sớm, có thể trước cả những truyện thơ Nôm kể sự tích hai đức Phật bà Quan Âm,
sau này đã được in ấn, nhờ vậy được phổ cập rộng rãi kể cả theo đường truyền
miệng, và cũng đã được nghiên cứu định giá, được nhiều bộ môn nghệ thuật khác
dùng làm nguồn để chuyển thể.
Sau đây xin quan sát tiếp về hai truyện Nôm kể sự tích hai đức Phật bà.
Hai truyện Phật Bà Quan Âm cũng đều có gốc từ Phật thoại và đều đã được
nhiều nhà nho Trung Quốc viết thành truyện bằng văn xuôi chữ Hán. Hiện có thể
biết đến các truyện: Hương Sơn Đại Bi Bồ
tát truyện của Tưởng Chi Kỳ ra đời khoảng năm Nguyên Phù thứ 2 (1099), Nam Hải Quán Âm Bồ Tát truyện được viết
trong khoảng thời Minh, Quán Thế Âm Bồ Tát Bản Hạnh Kinh
còn gọi là Đại
Thánh Pháp Bảo Hương Sơn Bảo Quyển của Thiền
sư Thiên Trúc Phổ Minh giảng soạn khoảng niên hiệu
Sùng Ninh (1102-1106) đời Tống, Trung Quốc. Phật bà Nam Hải Quan Thế Âm
được truyền vào nước ta từ bao giờ chưa xác định được rõ, nhưng dấu vết trong
điêu khắc thì thấy xuất hiện khoảng thế kỷ 16. Còn Chùa Hương, được coi là nơi
tu hành đắc đạo của Chúa ba Diệu Thiện tức Phật bà Quan Âm Nam Hải ở Việt Nam
thì có 2 nơi: Hương Tích cổ tự ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trên
dãy Hồng Lĩnh, được coi là xây dựng từ đời Trần; và chùa Hương ở động Hương
Tích, thuộc huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Tây. Chùa Hương ở huyện Mỹ Đức được dựng
lên vào năm Chính Hòa (1687) cũng có công đức của hai bà vợ chúa Trịnh Đào Thị
Cư và Đào Thị Niên (chùa này được biết đến nhiều hơn và nhờ đó sự tích Chúa
Diệu Thiện cũng được phổ cập nhiều hơn). Các truyện về sự tích Phật Bà ở Việt
Nam cũng có nhiều người diễn âm, hiện còn biết đến một truyện Nôm khuyết danh,
được coi là ra đời khoảng thế kỷ 18, có tên là Nam Hải Quan Thế Âm sự tích diễn ca, cũng gọi là Quan Âm chân kinh diễn nghĩa, thường gọi
tắt là Sự tích Bà Chúa Ba, trước đó,
theo chỉ dẫn của Kiều Oánh Mậu còn có bản của Vũ Thạch, bản của sư Chân Nguyên,
và sau đó, năm 1909, chính Kiều Oánh Mậu lại có bản dịch mới, đã được khắc in,
có tên là Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh
tân dịch, căn cứ vào tác phẩm của Thiên Trúc
Phổ Minh thiền sư. Trong bài viết này chúng tôi chỉ quan sát bản Sự tích diễn ca đã khá phổ biến trong
sinh hoạt các chùa từ rất lâu.
Truyện
Nôm Nam Hải Quan Thế Âm sự tích diễn ca
mở đầu bằng mấy câu nêu rõ ý nghĩa tôn chỉ của truyện:
Chân như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ
hiếu niệm đầu chữ nhân.
Hiếu là
độ được đấng thân,
Nhân là vớt khỏi
trầm luân mọi loài1.
Thần
thông nghìn mắt nghìn tay,
Cũng trong một
điểm linh đài hóa ra.
Rằng
trong bể nước Nam ta,
Phả môn có đức
Phật Bà Quan Âm.
Niệm
người là niệm tại tâm,
Ngẫm xem sự tích
ca ngâm cho tường.
Khác với những tác phầm “chưa được hoàn thiện” tính chất dân dã, tính
chất tôn giáo rõ nét, không gian truyện hẹp, chủ đề giản dị, tập trung (như đã
dẫn), Sự tích diễn ca là một câu
chuyện hoàn chỉnh về hành trạng Phật Bà, dung lượng nội dung phong phú lồng
ghép nhiều vấn đề, không gian truyện rộng lớn, nhân vật đông đảo. Dù là có gốc
ở Phật thoại nhưng truyện được viết vào lúc nho giáo đã có vị trí vững chắc ở
Việt Nam nên đạo lý nho gia đã được dung hợp trong những nội dung chính của tác
phẩm. Chúa Ba Diệu Thiện đi tu là để thoát khỏi khổ hải, cứu vớt chúng sinh
nhưng trước hết cũng là báo hiếu cha mẹ. Nội dung chữ hiếu, chữ nhân, cả chữ
trung của nho gia đã lồng vào trong nội dung tu hành. Những triết lý cao sâu
của Phật giáo không được nhắc, bàn bạc đến như ở tác phẩm Tham đồ hiển quyết, hay cả ở Khóa
hư lục. Ở tác phẩm này nổi lên những vấn đề của cuộc sống đời thường, của
các mối quan hệ xã hội, sự truyền nối vương vị, quan hệ vua tôi, cha con, và
con đường tu hành để thành đạo. Người tu hành ở đây vắng cái tư thế “cư trần
lạc đạo” hay “đắc thú lâm tuyền” đời Trần mà là xuất gia, giũ bỏ cõi trần ta
bà, con đường tu tập vô vàn gian nan, khổ ải, có khi phải chịu cả nhục hình.
Người tu hành phải có đức nhẫn, nhẫn là một yêu cầu và một sự thử thách lớn,
nhẫn để chịu đựng được sự đau đớn về thể xác, và cả giày vò về tinh thần. Tuy
vậy ở tác phẩm này, những vấn đề của Phật giáo cũng đã được thêm vào, hay nói
đúng hơn, “chỉnh” theo quan niệm nho giáo, chẳng hạn như quan niệm về báo hiếu.
Từ tình cảm tự nhiên con cái yêu thương cha mẹ, mong muốn cứu vớt cha mẹ khỏi
sa địa ngục, được giải thoát, trong đạo Phật đó là một vấn đề lớn, có hẳn một
ngày lễ riêng – lẽ Vu lan, nhưng tác giả cũng đã tìm thấy sự dung hợp với nội
dung chữ hiếu của nho gia:
Giữ
chi hiếu nhỏ tầm thường
Giữ
điều hiếu lớn mới đường báo
ân.
Chính vì thế nên Phật Bà Quan Âm đi
tu là để:
Trên thì báo hiếu người thân,
Dưới thì nhân cứu
cõi trần cõi ma.
….
Không thể không thấy nội dung truyền giáo đậm đặc trong tác phẩm Kinh
thể hiện qua từ những tình tiết như mười cảnh địa ngục, những hình phạt khốc
liệt của vua cha dành cho chúa Ba (tức Phật Bà Quan Âm Nam Hải), những nguy
hiểm thiên nhiên rình rập và sự che chở của đức Phật…thử thách lòng tin và đức
nhẫn người tu hành, đến kết thúc truyện tác giả còn nhấn mạnh thêm mục đích
nhằm đến đối tượng “người ít chữ”:
Cho nên Phật hiệu làm
vầy:
‘Nghe tiếng người khấn, ứng ngay cứu liền’
‘Nghe tiếng người khấn, ứng ngay cứu liền’
Chỉn vì ngu tục
chẳng tin,
Tin mà thành ít thì duyên phúc nào.
Ai hay tín kính trông vào,
Chữ Nhân, chữ Hiếu
chẳng nao tấm lòng
Dẫu khi có chút ngại ngùng,
Khấn cầu Ngài đã ứng trong khấn cầu.
Trăm năm dẫu đến mai sau,
Có người chứng quả, chẳng lo não phiền
Dẫu khi có chút ngại ngùng,
Khấn cầu Ngài đã ứng trong khấn cầu.
Trăm năm dẫu đến mai sau,
Có người chứng quả, chẳng lo não phiền
Dẫu cho lên Phật,
lên Tiên,
Xiết bao là phúc, là duyên muôn đời.
Nôm na xin diễn tích Ngài.
Cho người ít chữ nhớ lời kính tin.
Xiết bao là phúc, là duyên muôn đời.
Nôm na xin diễn tích Ngài.
Cho người ít chữ nhớ lời kính tin.
Là một tác phẩm
phục vụ cho nhiệm vụ giáo hóa nên chắc chắn nhiều nhu cầu “mỹ văn” bị bỏ qua,
nhưng dù vậy thì trong tác phẩm cũng có nhiều chương đoạn đã được viết với
giọng văn tha thiết, lột tả được sâu sắc tình cảm cha mẹ con cái,
chị em rất chân thực. Ngay cả nhân vật Trang
Vương, được xây dựng thành thế lực cản trở con đường hành đạo của chúa, là một
vị vua u mê, vị kỷ, độc đoán, thậm chí ác độc nhưng trong ông vẫn ẩn náu những phần của con người thiện lương. Nhà vua cũng
biết nghĩ lại những việc đã làm, biết sám hối:
Hay vì giặc giã đâu đâu
Mà ta giết nó bấy lâu đã nhiều.
Phép binh như lửa cháy đều
Há không oan uổng luống tiêu mệnh người.
Vì
không tin đạo Phật, cho rằng tu hành chỉ là “Đi theo các vãi dông dài xấu xa”, lại ở
cương vị một ông vua phải
giữ quyền trừng phạt những kẻ dám trái mệnh, nhưng trong ông vẫn
còn một người cha như bao người cha bình thường khác, đày đọa con mà lòng ông lại xót xa:
Rằng: “Đày công chúa đã lâu,
Nhớ con trẫm những âu sầu chẳng yên”.
Đặc biệt Hoàng
hậu, thì đúng là một bà mẹ tiêu biểu, dù bất kỳ tình huống nào bà vẫn thương
con, lo từ miếng ăn đến giấc ngủ, từ nơi ăn chốn ở đến tính mạng con khi con đã không còn trong tầm
gìn giữ của minh... Những câu thơ viết về tình cảm mẹ con thật da diết làm xúc động
lòng người:
Trong
truyện cũng gặp những đoạn quan niệm về “sắc không” không chỉ thể hiện nội hàm
triết lý Phật giáo mà còn như đượm sắc thái cảm khái trữ tình của xu thế tư
tưởng thế kỷ 18:
Thưa rằng : “Sắc vẫn là không
Thử suy giấc mộng, ngắm trong đời người.
Đua danh, đua lợi tơi bời,
Như đem trò rối, làm chơi là thường.
Dù ba mươi sáu tàn vàng,
Tuổi ngoài ba vạn sáu ngàn ngày thôi…”
Huống chi kẻ tục trần ai,
Lại có luân hồi mấy kiếp mà thương.
Phu thê là đạo cương thường
Trăm năm chung được chén vàng mãi ru...
Những đoạn trữ tình đằm thắm trên đây trong bản
“tân dịch” của học giả Kiều Oánh Mậu đều không có. Kiều Oánh Mậu dịch rất sát
với “chân kinh”, ông nói rằng: Từ Chân kinh chuyển
dịch, tuy toàn diện của Hương Sơn chưa thể lột tả hết, nhưng chân kinh, chân
tướng, thì chắc hẳn không đến nỗi bị vẻ tinh hoa của lâm uy làm cho lỗ tai bị
quở trách”2. Như vậy có phần chắc tác giả Nam Hải Quan Thế Âm sự tích diễn ca này đã không dịch. Tác giả đã “diễn nghĩa” chuyển
tải câu chuyện đạo bằng một khúc
ca, trong đó gửi gắm không ít tình cảm, sự chiêm nghiệm thế tình của bản thân
mình, khiến cho cách nghĩ, cách hiểu và khung cảnh truyện rất đậm chất dân dã
Việt Nam. Nhờ đó mà Chúa Ba Diệu Thiện, người nước Hưng Lâm tận Thiên Trúc xa xôi đã trở thành một vị Phật rất thân thiết, vị Phật
của tín đồ Việt Nam, nhất là những người dân quê chân thật và sùng đạo. “Chân kinh”, bắt nguồn từ một phẩm của Kinh Pháp Hoa Ấn Độ,
qua các nhà nho Trung Hoa, đến tay các nhà nho Việt Nam đã được tạo tác thành một truyện Nôm có một vẻ
đẹp riêng, một nhánh riêng trong dòng truyện Nôm của nền văn học Việt Nam.
Nhưng tác phẩm thành công hơn trong
nhánh truyện Nôm này phải kể đến truyện Quan Âm tân truyện. Khác với nhiều
truyện Nôm khác, Quan Âm tân truyện, thường
gọi là Quan Âm Thị Kính là một truyện
do tác giả Việt Nam sáng tác, dài 786 câu, bằng nửa dung lượng truyện Phật Bà
Quan Âm Diệu Thiện. Hiện có hai thuyết về tác giả truyện. Một, theo cụ Hoa
Bằng, tác giả là Nguyễn Cấp, người huyện Thọ Xương, nay thuộc nội thành Hà Nội,
sống vào nửa đầu thế kỷ 19; và hai, theo Gia phả họ Đỗ ở Bắc Ninh thì tác giả
là người của dòng họ, Đỗ Trọng Dư (1786-1868), người xã Đại Mão, huyện Siêu
Loại, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Cả hai người đều có chuyện oan khuất trong quan
trường, Nguyễn Cấp còn bị bắt giam xuýt bị xử giảo, phải trốn ngục, được Nguyễn
Công Trứ che chở mới
thoát rồi chán nản cắt tóc
đi tu; còn Đỗ trọng Dư cũng bị bãi chức phải về quê dạy học3. Các tài liệu
viết về hai ông đều nói tác giả viết truyện Quan
Âm Thị Kính trong thời gian bị oan khuất này. Theo GS Nguyễn Huệ Chi (Từ điển Văn học Bộ mới) thì
hiện nay cũng chưa đủ chứng cứ để xác quyết ai là tác giả “bản diễn ca”, song hiện có
hai bản in mà bản chép tay có ghi tên Đỗ Trọng Dư thì có niên đại muộn hơn bản
in đời Tự Đức đến gần mười năm. Từ điển
Văn học có ý cho rằng Nguyễn Cấp và Đỗ Trọng Dư đều có liên quan đến việc sáng tác
Quan Âm tân truyện nhưng Đỗ Trọng Dư
là người đến sau. Hãy
đành gác lại vấn đề tác giả, Truyện Quan
Âm Thị Kính đúng là một tác phẩm về tôn giáo. Ngay đầu tác phẩm, mục tiêu
khuyến miễn tu hành đã được nêu rõ:
Nhân sinh thành Phật dễ
đâu,
Tu hành cứu khổ rồi sau
mới thành.
Ai hay bền dạ làm lành,
Chứng minh trong chốn
minh minh cũng tường.
Rằng Ngô Thị tụng Kim
cương,
Chân thân còn để tượng
vàng nghìn thu,
Rằng Địa Tạng dốc lòng
tu,
Độ
cho cũng được khỏi tù đấng thân.
Nhẫn (“Bền dạ” ) và oan là điều được nhấn trong tác phẩm. Oan có thể do
nguyên nhân ngẫu nhiên, nhưng sâu xa chính là do Phật đặt ra để thử thách đạo
hạnh người tu hành. Trong Nam Hải Quan
Thế Âm sự tích diễn ca chuỗi sự kiện xảy ra đều được chỉ rất rõ bàn tay sắp
xếp nhiệm màu của Phật. Quan Âm Thị Kính
theo lời “đại ý” ở đầu tác phẩm, cũng vậy, đây là câu chuyện tu thân để độ
thân. Ngài Quan Âm vốn là “đấng nam nhi” mộ đạo, dốc lòng tu từ nhỏ và đã được
chín kiếp: “Bụi trần giũ sạch, thói tà
rửa không”. Nhưng đức Mâu Ni vẫn muốn “thử lòng”, cho hiện ra một “ả tư
dong mĩ miều” đến “ép dấu nài yêu”. Trong một phút dao động, Quan Âm từ chối
thiếu nữ với một chút lưu luyến:
Người rằng: “Vốn đã lánh điều trăng hoa,
Có chăng kiếp khác họa
là,
Kiếp này sợi chỉ trót
đà buộc tay”.
Phép Phật rất nghiêm, thế là ngài phải trải qua kiếp thứ mười, suốt đời
bị đọa đày thống khổ nữa mà vẫn còn là để “thử xem sao”! Câu chuyện là thế, theo
lời tác giả, vốn là một chuyện xảy ra ở nước Cao Ly, một chuyện tu hành. Thị
Kính là một người con gái nhà lành, xinh đẹp nết na, nàng là một người dâu
thảo, vợ hiền. Nàng có một cuộc sống gia đình êm đẹp như muôn nhà người dân
bình thường, thế nhưng bỗng dưng săn sóc chồng mà bị buộc cho cái tội “định
giết chồng vì tư tình với trai” và chịu quyết án “trả về cho cha mẹ”. Thị Kính
chịu một vụ án oan, không được điều tra, không được điều trần, cũng không cần
một cơ quan tư pháp nào xét xử. Thậm chí ngay lúc ấy người “tố cáo” đã biết là
sự việc có nhiều nghi vấn cũng vẫn không
chịu xét lại án! Thị Kính và gia đình nàng phải chịu sự cáo buộc hồ đồ và phán
quyết vô lý của bố mẹ Thiện Sĩ, chỉ vì họ là nhà chồng. Thị Kính biết với một
tội danh như thế nàng khó có chỗ đứng trong xóm làng; cùng đường, nàng tìm đến
cửa Phật, mong rằng:
Độ trì nhờ đức Thế Tôn,
Lỡ
làng thuở trước vuông tròn mai sau.
Nghiêm
từ dành phước về sau,
Họa
đền nghĩa nặng ơn sâu nghìn trùng.
Nhưng vì phận gái má đào đã không dễ chống
chọi với các thế lực xã hội lại thêm cái án tày đình “thất tiết” thì không thể
có đất dung thân nên Thị Kính đã giả trai để đi tu. Nhưng lần này nàng lại mắc
cái án oan khác và người phạt vạ tiểu Kính Tâm là cả một Hội đồng hương lý của
làng. Cách xử của Hội đồng Hương chính cũng không khác gì cha mẹ Thiện Sĩ, chỉ
nghe một lời khai rồi buộc tội, nhưng Hội đồng còn là giới quyền hành hợp pháp
trong hương thôn nên được phép tra khảo để ép cung. Lần nữa Kính Tâm lại chịu
thêm một án oan. Kính Tâm bị đuổi ra ở ngoài tam quan chùa, bị cả làng khinh
bỉ, nhưng tiểu vẫn kiên tâm tu trì. Đến khi Thị Mầu sinh con, không biết đi
đâu, lén đem lên chùa thì Kính Tâm “mặt dạn mày dày” chủ động nhận nuôi đứa
trẻ: “Chân chân rằng: trả con đây mà về”.
Thị Kính nhịn nhục nuôi đứa con hoang của Thị Mầu, ngoài tấm lòng hiếu sinh “Dù xây chín bậc phù đồ / Không bằng làm phúc
cứu cho một người” cũng còn vì tấm lòng người con hiếu thảo ước mong trả
nghĩa sinh thành: “ Nghĩ đến lời đôi nơi
ly biệt, nuôi nấng gọi là một chút, viếng thăm họp mặt lúc thần hôn” (Bức thư để lại). Thị Kính đã đạt đến
đỉnh cao của sự nhẫn, đã chịu sự giày
vò cả về thể xác lẫn tinh thần (thân thể bị đòn roi, tình cảm, hạnh phúc, danh
dự,.. đều mất hết), nàng đã vượt qua và đã đắc đạo, không những độ được cho
mình mà còn độ được cho cả người thân. Trong đám tang tiểu Kính Tâm, đức Thiên
Tôn đã hiện ra phán quyết:
Truyền cho nào Tiểu Kính tâm,
Phi
thăng làm Phật Quan Âm tức thì.
Lại
thương đến đứa tiểu nhi,
Lên
tay cho đứng liền khi bấy giờ.
Kìa
như Thiện Sĩ lờ đờ,
Cho
làm con vẹt đứng nhờ một bên.
Độ
cho hai khóm xuân huyên,
Ra
tay cầm quyết bước lên trên tòa.
Siêu
thăng thoát cả một nhà,
Từ
đây phúc đẳng hà sa vô cùng.
Câu chuyện về tu hành đã hoàn tất, tấm
gương Quan Âm đức hạnh sẽ được ghi để truyền đời. Người thành tâm tu hành chắc
chắn sẽ hiểu:
Thật là lành lại gặp lành,
Nam
mô Di Phật tu hành thì coi.
Thế nhưng dường như truyện lại còn đem đến cho người đọc những cảm nhận
có những phần “lạc” ra ngoài tích truyện. Gây ra nỗi oan và xử oan Thị Kính thủ
phạm đích thực chính là những luật lệ khắt khe vô lý của chế độ phụ quyền và đám
người có quyền thế ỷ vào lệ luật, vừa vô trách nhiệm vừa tham lam hồ đồ. Ở
trong con người họ không có tình thương, chỉ rình rập những cơ hội để tỏ rõ oai
quyền kiếm chác phạt vạ. Cuộc đời Thị Kính trầm luân, đầy oan trái “Thuở làm gái chồng ngờ thất tiết, giả làm
trai gái đổ oan tình” đơn độc gánh chịu, lề thói của làng quê, lòng nghi kỵ
và cả hội chứng đám đông vô cảm, khiến không có ai dám ra tay cứu giúp, minh
oan cho nàng. Thị Kính đầu hàng số phận, nàng trút hơi thở cuối cùng khi như
con tằm đã nhả hết tơ cho nghĩa vụ làm mẹ, thanh thản thấy con đã “sởn sơ” và
cũng với tâm trạng người con đã có được một chút báo đền công ơn cha mẹ. Cái
kết thúc có hậu của truyện dường như chỉ để cho mọi người “trông thấy rành
rành” mà thôi, còn Thị Kính dường như “đứng ngoài” cuộc, tác giả không để nhân
vật chính bộc lộ cảm xúc gì trước kết cục viên mãn cả nhà đoàn viên trên “cõi
thọ” này. Lá thư để lại của nàng biểu lộ tâm trạng đầy u uất: “Phận liễu bồ mười đấy cũng là không, sống
cũng tủi chết thì cũng tủi”, quả là đúng như sự tổng kết rất sâu sắc của
Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà/
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” (Nguyễn Du – Văn chiêu hồn). Cái bức tranh đoàn viên cuối cùng của truyện, bên cạnh cái nhìn tôn giáo
“phúc đẳng hà sa”, cũng có thể gợi ra một cảm nhận hiện thực trần thế: thực
chất cuộc đoàn viên này chỉ là sự “đá hóa” những con người vốn có đầy đủ cuộc
sống tâm linh phong phú, để thành một nhóm tượng quần thể. “Cõi phúc” bình yên
(Tu là cõi phúc tình là dây oan- Đoạn trường tân thanh), nhưng không còn
sức sống, sức hấp dẫn, niềm rung động, mê say, với những con người thực cùng
những niềm vui có thực. Có thể tác giả Truyện
Quan Âm Thị Kính cũng có phần đồng cảm với nhiều văn nhân cùng thời: Con
người tài hoa thuở ấy chịu sự bủa vây của số phận, chưa tìm được lối thoát, kể
cả việc tìm đến cửa Phật. Truyện Quan Âm
Thị Kính đa tuyến hơn Sự tích Nam hải
Quan Thế Âm diễn ca, giàu tính thế sự hơn tính giáo huấn, gần gũi sinh hoạt
đời thường hơn sinh hoạt tôn giáo. Có lẽ chính vì vậy mà những tác phẩm “phái
sinh”, như Chèo Quan Âm Thị Kính đã
có những điểm nhấn “lạc” ra ngoài ý tưởng nguyên tác, ví như nhân vật Thị Mầu,
màn Xã trưởng Mẹ Đốp, mang ý nghĩa phê phán xã hội nhiều hơn, cảm thương thân
phận nhiều hơn, quan niệm về cuộc sống nhuốm màu Lão trang cũng nhiều hơn, vì
thế ý nghĩa khuyên răn nhẫn nhịn tu hành cũng có phần ẩn khuất đi… Đặc biệt,
văn chương đã được chú ý trau chuốt, đậm chất trữ tình hơn, nhất là khi diễn tả
tâm trạng. Ví như đoạn Thị Kính từ biệt chồng:
Vì đâu phút hợp phút li,
Kiếp
này đã dở, chắc gì kiếp sau.
Uổng
công ô thước bắc cầu,
Chàng
Ngưu Ả Chức giã nhau từ rày.
Ngập
ngừng đến lúc chia tay,
Đôi
bên sùi sụt bốn mày châu chan.
Hoặc tâm trạng Thiện Sĩ hối hận, nhớ
vợ:
Duyên này mà đã dở dang,
Còn
nên gảy khúc cầu hoàng nữa sao!
Lưu
tô sương gió lọt vào,
Đem
phèn mà rã vương giao hẳn rày.
Phấn
kia còn dấu bình đây,
Hương
kia còn ướp áo này chưa phai.
Xanh xanh khóm liễu Chương Đài,
Tiếc
thay đã để cho ai vin cành.
Những đoạn văn trên không xa gì văn chương
những truyện giai nhân tài tử cùng thời.
Nhìn chung những tác phẩm
“truyền bá giáo hóa” đạo Phật sáng tác bằng quốc âm lưu truyền trong dân gian
ngoài giá trị giáo hóa tín đồ đạo Phật tu nhân tích đức, có lòng vị tha, chăm
làm việc thiện, chân thực, trừ bỏ tham sân si, trở thành những bậc chân tu,
những con người thiện lương, còn đạt đến những giá trị mĩ văn. Ở đấy thể hiện
sâu sắc sự cảm thông, chia sẻ những “nỗi đau nhân tình” trong cõi đời còn rất
nhiều nhiễu nhương ngang trái, phần nào nó cũng cất
lên tiếng nói phản kháng, bênh vực những số phận đơn côi, nhỏ bé, gián
tiếp và trực tiếp gửi gắm nhiều điều cho hậu thế. Đó là bộ phận văn học còn cần
dành sự quan tâm sưu tập nhiều hơn, khai thác, nghiên cứu nhiều hơn. Bởi chúng
là một bộ phận quan trọng làm phong phú kho tàng văn học, văn hóa, lịch sử tư
tưởng và nền minh triết nước nhà.
Hà Nội thánh 10 năm 2016
Nguồn tài liệu:
1.
Nam Hải Quan Thế Âm sự tích diễn ca của Quang Minh trên intenet. Những
dẫn chứng trong bài về “sự tích diễn ca” đều theo tư liệu này.
2. Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch của Kiều Oánh Mậu,
trong sách Kiều Oánh Mậu, cuộc đời và tác phẩm, Nguyễn Xuân Diện, NXB
Thế giới, Hà Nội, 2016.
3. Quan Âm Thị Kính, Đoàn Trung Còn, NXB Văn NGhệ TP. HCM, 2001.
4. Từ điển văn học, Bộ mới, NXB Thế giới, Hà Nội, 2004
5. Những nghĩ suy từ văn học trung đại, Trần Thị Băng Thanh,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
Chú
thích:
1. Bốn câu này, trong bài Thử phân định hai nạch cảm hứng trong dòng
văn học Việt Nam mang đậm dấu ấn Phật giáo thời trung đại, trong sách Những nghĩ suy từ văn học trung đại,
tr.435, ghi nhầm là tác phẩm Truyện Quan Âm tân truyện.
2. Lời Tự tựa tác phẩm Hương Sơn chân kinh tân dịch của Kiều Oánh Mậu, Quang Minh biên dịch.
3. Xin xem mục từ Quan Âm tân truyện do Nguyễn Huệ Chi
viết trong Từ điển văn học bộ mới (sách
đã dẫn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét