Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

GÓP PHẦN THỰC HIỆN NHỮNG GIẢI PHÁP CHỮA TRỊ QUỐC NẠN THAM NHŨNG

   Cảm nhận về bài CHẾ ĐỘ ĐÚT LÓT, HỐI LỘ MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG của nhà văn hóa học, nhà giáo dục xã hội Nguyễn Văn Vĩnh, quản trị trang mạng Tannamtu.com đã viết lời dẫn rất chi tiết, mạch lạc. Rõ ràng là với văn phong bút chiến, cho đến nay, nội dung phản ánh và những giải pháp có thể của tác giả vẫn nóng hổi tính thời sự. TMT trân trọng đăng lại nguyên văn:


      Thưa các quý vị độc giả!

Để đóng góp với xã hội, cùng tham gia vào tiến trình tìm và thực hiện những giải pháp chữa trị quốc nạn tham nhũng, để bổ xung vào kho kiến thức chung, giúp bạn đọc hiểu thêm về lối sống và cách tư duy của người Việt về quan niệm xấu tốt, về thói quen trong sinh hoạt, về tính liên đới trong đời sống cộng đồng… Chúng tôi xin được giới thiệu với các quý vị những suy nghĩ có tính hệ thống về xã hội học, về bản chất xã hội, về nguồn gốc của tham nhũng, hối lộ ở xã hội Việt Nam của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh nêu từ gần 100 năm trước.

Đọc những quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh về các vấn đề xã hội và chính trị, chúng ta sẽ hiểu rõ vì sao nhà cầm quyền đã lo sợ ảnh hưởng của Nguyễn Văn Vĩnh đến mức phải loại bỏ con người này bằng những cách thức tinh vi, tàn ác của cả một bộ máy.
    Các bài viết này được viết bằng tiếng Pháp cách đây đã hơn 80 năm. Đây cũng là các bài viết đã được chúng tôi sắp xếp để in trong tập 9 của bộ sách 14 tập Lời Người Man di hiện đại. Tuy nhiên, vì tính cấp thiết của xã hội hiện nay trước quốc nạn tham nhũng và hối lộ, nên chúng tôi xin giới thiệu trước theo sự đề nghị của một số người quan tâm.

Các bài dịch này là do các con cụ Vĩnh đã dịch từ 25 năm trước, với ý nguyện để giúp các cháu chắt và những người thân của gia đình hiểu hơn về lý tưởng mà Nguyễn Văn Vĩnh đã từng theo đuổi trong lịch sử. Vì mục đích dịch như trên nên chất lượng dịch không hoàn toàn làm thỏa mãn các vị độc giả, chúng tôi thành thật mong các vị độ lượng trong phán xét và chia sẻ với chúng tôi thực tế này.

Các bài viết này khi chính thức đưa in sách, chúng tôi sẽ thuê các dịch giả có chuyên môn cao giúp chuyển ngữ sang tiếng Việt một lần nữa.

Trân trọng!

 Sau khi Nguyễn Văn Vĩnh cho đăng các bài viết này trên báo Nước Nam mới, lên án các cách thức làm tiền, bóc lột những người dân nghèo không có kiến thức của một số quan chức và viên chức ở một số khâu tổ chức trong bộ máy chính quyền, ông đã nhận được rất nhiều phản hồi từ dư luận của xã hội đương thời.
   Ngày 17.3.1932, trên số báo 118 của tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới), Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một bài phản hồi dư luận trước đề tài này. Trong bài viết của mình, ông chia sẻ những khó khăn với một bộ phận viên chức chính quyền sống và làm việc có lương tâm nghề nghiệp. Ông hiểu sâu sắc những nỗi cực nhọc của cuộc sống hàng ngày đối với mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là những người làm nghề luật sư. Ông cũng đánh giá cao một số nội dung cải cách nền hành chính tư pháp của nhà cầm quyền, nhưng theo ông vẫn thiếu tính thực tiễn khi nhìn vào mặt bằng dân trí của đa số người dân, và đó là nguyên nhân sâu xa làm hạn chế kết quả của sự cải cách, đồng thời là kẽ hở cho sự lạm quyền của những viên chức thiếu đạo đức và nhân cách.
   Nguyễn Văn Vĩnh đã thẳng thắn bác bỏ một số ý kiến biện hộ của một bộ phận viên chức đã mếch lòng khi đọc loạt bài này với tuyên bố: “…Nếu ông mà làm quan, ông cũng sẽ làm như họ thôi.
Nguyễn Văn Vĩnh đã khẳng định trong bài viết về lý do ông đề cập những vấn nạn này trong xã hội, và việc nêu những thực tế này hoàn toàn không phải để bôi nhọ hay lên án riêng bất cứ một đối tượng cụ thể nào. Ông xác định: “…Đây chỉ là một việc làm cần thiết nếu chúng ta thực lòng muốn nhà cầm quyền nhanh chóng tìm ra được giải pháp hữu hiệu chữa trị một căn bệnh quá trầm kha của xã hội và căn bệnh đó đã hành hạ cả kẻ khai thác và những kẻ bị khai thác đều phải chịu đựng…”
   Riêng chỉ bốn bài viết về hối lộ và tham nhũng của Nguyễn Văn Vĩnh thôi, cũng đã giúp người đọc hiểu rõ vì sao nhà cầm quyền kinh hãi ngòi bút của ông đến mức phải mặc cả với ông để ông hãy từ bỏ sự nghiệp của mình với miếng mồi Thượng thư (Bộ Trưởng). Chúng ta càng đọc những gì Nguyễn Văn Vĩnh viết, càng thấm thía và trân trọng những việc ông làm và càng hiểu vì sao “họ” không thích

ông!

                                                                                                                          T/M. BBT tannamtu.com

NGUYỄN LÂN BÌNH

                           CHẾ ĐỘ ĐÚT LÓT, HỐI LỘ MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG

( La concussion sous ses différentes forms.

Bài 1: L’Annam Nouveau số 110 ngày 13.2.1932.)

 Để tiến tới việc loại trừ tệ nạn này khỏi xã hội An Nam, mặc nhiên phải biết trấn áp nó một cách có ý thức, tức là phải tính được mức độ nghiêm trọng đối với từng lĩnh vực. Chúng ta không thể theo những quan điểm của người Châu Âu khi nhìn về tính trung thực của lương tâm nghề nghiệp đối với các cơ quan pháp luật và các viên chức nhà nước, vì ở ta, điều này lệ thuộc vào những quan niệm của người dân Á Đông khi xác định về nghĩa vụ và quyền lợi của các cơ quan, công sở đối với việc áp dụng sự trừng phạt về mặt hành chính hay theo tính chất hình sự một cách thỏa đáng.

Ở xã hội Âu Châu, các cơ quan công quyền được phân cấp và tổ chức rất rõ ràng, cụ thể, nhằm giúp cho người dân khi có những công việc liên quan đến những công chức, viên chức thuộc hệ thống của Nhà nước biết cách yêu cầu và đòi hỏi những cá nhân đó thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm theo chức năng của họ được phân công. Một công dân có quyền nghĩ và nói với các viên chức đó nếu thấy cần rằng: “ông được trả lương để phục vụ tôi!”. Người Trung Hoa hiểu ý này là: Dân-bộc (đầy tớ của dân), họ dùng từ ngữ này để chỉ vai trò của những viên chức trong bộ máy của một nhà nước Cộng hòa. Tất nhiên, điều này đòi hỏi mỗi công dân đều phải hiểu được thế nào là quyền và nghĩa vụ của mình. Trước các cơ quan công quyền trong hệ thống hành chính, đồng bào của chúng ta có thể nhận thấy khá dễ dàng như thế. Nhưng trước các cơ quan hành pháp và tư pháp, họ hiểu ở mức nông cạn hơn.

Từ nhiều thế kỷ qua, người dân luôn quen với tâm lý sợ “oai” của một xã hội quân sự luôn dùng vũ khí để áp đặt sự vâng lời, đồng thời hay sợ sự “oai” của các vị quan trong cơ quan tư pháp khi phán việc ai đúng, ai sai và định tội cho những ai phải ra trước vành móng ngựa. Các vị quan này được coi là bậc cha mẹ của dân trong việc đánh giá các sự việc nằm dưới con mắt phán xét của họ. Họ không kết luật theo những quy định của luật pháp như ở các nước văn minh, mà họ đánh giá theo yêu cầu của một trật tự xã hội với nền đạo đức tập thể của một chế độ vương quyền. Họ tự xác định: Trời đặt ra như thế vì hạnh phúc của các thần dân.

Trong các xã hội Á Đông, quyền lực Nhà nước thường theo chế độ chuyên chế. Mỗi viên chức của Nhà nước thường được tập trung kiêm nhiệm tất cả các quyền lực cần thiết để đòi người dân phải biết sợ đức Vua. Sự phân chia chỉ là tương đối và đơn giản trong hệ thống tổ chức bộ máy mà nội dung chẳng liên quan gì đến người dân. Mỗi viên chức thuộc hệ thống quản lý của Nhà nước đều tự thấy mình là người đại diện cho quyền lực, là người có nhiệm vụ và quyền hành đề cao sự giá trị của những quy định của luật pháp và đó chính là uy thế của vương triều.

Hai người An Nam khi có tranh chấp hoặc thắc mắc với nhau, nếu không có điều kiện để thông qua vị một vị quan tư pháp hoặc cơ quan tư pháp, thì họ sẽ mời bất cứ ai mà họ gặp, có thể là một viên cảnh sát, hay một nhân viên của hệ thống chính quyền để phán xử cho mình. Chúng ta đã tốn rất nhiều năm trời để làm cho những người dân ở thành thị, những người có hiểu biết hơn chút ít hiểu được rằng: một viên cảnh sát hay một vị chức sắc được xã hội dựng lên là để bảo đảm cuộc sống an ninh công cộng, những người đó chỉ có thẩm quyền ghi nhận những vi phạm nếu thấy, còn sự phán quyết và trừng phạt phải thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp mà ông cẩm chỉ là cấp trên của họ thôi.

Quyền của một ông cẩm là được quyền xem xét và đánh giá sự vi phạm ở mức độ nào và có thể bỏ qua hay phải chuyển lên tòa án.

Chúng ta nhìn rõ sự lầm lẫn luôn ngự trị trong đầu óc của người nông dân liên quan đến nhận thức về những quyền hạn mới được áp dụng cho các đại diện trong các cơ quan quyền lực. Ở Âu châu hay ở nước ta đều có những định ước về một tầng lớp được gọi là quan, coi họ là cha mẹ của dân, một thứ hiện thân của chế độ Vương quyền và cho rằng đó là đèn trời soi xét, nhiễm nhiên trở thành một thứ quyền lực rộng rãi nằm ở tất cả các lĩnh vực. Cách phân chia xã hội do người Pháp cai trị càng không có cách nào để loại bỏ được những kiểu câu kết giữa các thứ bậc, giữa các chức vụ, ngược lại, nó còn làm cho tất cả các loại công chức và viên chức liên kết lại với nhau.

Sự việc này thực tế đến nỗi đã tạo ra một kiểu lễ độ mà mọi người đã đều nhận thức rằng tất cả các quan lại trong một huyện, một tỉnh đều có thẩm quyền như nhau trước bất cứ một lĩnh vực gì…và cứ được mặc nhiên nhận mãi sự lễ độ này, cứ thế, các quan lại đều tự tin rằng mình có mọi quyền lực.

Vậy nên, trong những việc cần khấn vái, mua chuộc để tìm sự ban ơn của một viên chức, cần phải biết phân biệt đâu là những thẩm quyền thực sự của từng viên chức, tránh những việc đương sự đưa đến nhầm lẫn về quyền hạn của họ. Như thế, mới mong họ sẽ phát huy được thế lực đối với các cơ quan liên quan thực sự có thẩm quyền giải quyết điều mình đề nghị.

Đồng bào của chúng ta hiểu thế nào về việc một viên quan buôn quyền, bán chức để nhận hối lộ? Người châu Âu cũng rất biết loại hình lạm quyền này, song ở mức độ đơn giản hơn nhiều. Đối với ở ta, việc lợi dụng chức quyền và ăn hối lộ trở thành một lợi ích tự nhiên vì nó gắn liền với mọi chức danh trong hệ thống Nhà nước, đồng thời biến các thành viên của nó thành những kẻ được ưu đãi, được các Thần Phật ưu ái và ban cho phúc lộc như phần thưởng với những việc làm cùng phúc đức nhờ kiếp trước dành cho đời này. Họ coi đó cũng là phần thưởng nhờ âm đức của tổ tiên, nhờ Thần Phật để họ được làm quan, trở thành giàu có, đảm bảo cho sự trọng vọng, vàng son của bố mẹ.

Còn theo cách nghĩ đạo đức của những kẻ bình dân, họ phân biệt và quan niệm những lợi lộc ngoài pháp luật của giới quan lại là bình thường và việc nhận được lợi lộc đó là tự nhiên. Họ cho rằng, đó là sự trả ơn, chẳng thiệt hại ai, chẳng vi phạm luật lệ gì về luân lý cũng như những lợi ích chung. Chuyện các quan lại được hưởng lợi lộc bất bình thường ngoài thẩm quyền của họ là do họ tự biết cách tạo dựng mà thôi.

Vấn đề là làm sao dung hòa được những mối lợi ngoài pháp luật với yêu cầu của sự công minh tuyệt đối của người làm tư pháp, cùng với sự công bằng nghiêm túc của những người ở vị trí của kẻ chỉ đạo? Cần phải tin rằng, người Á Đông chúng ta có một quan niệm kỳ khôi về công quyền (pouvoirs publies), chí ít là nó thật sự trái ngược với những quan niệm của người Âu châu, cho dù khi phân tích kỹ hành vi của con người, thì trong sâu thẳm mỗi dân tộc đều có những xu hướng giống nhau. Việc dung hòa giữa những xung khắc của tình cảm và lý trí, giữa những yếu kém có tính cố hữu với bản chất con người, giữa sự ích kỷ cá nhân trước đòi hỏi về sự công bằng mà nó phải là nền móng của một xã hội, giữa phương thức tổ chức xã hội với những tập quán có tính cổ truyền.



CHẾ ĐỘ ĐÚT LÓT, HỐI LỘ MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG

( La concussion sous ses différentes formes

Kỳ 2, L’Annam Nouveau số 111 ngày 21.2.1932)



Các chức sắc làng ở Hà Nội năm 1915

 Vâng, khi đã là ân huệ, cần phải biết hưởng thụ, đừng lạm dụng. Đạo lý của tính thực dụng được thiết lập nhằm mục đích sử dụng những khoản lợi Trời cho này, đó là:

  • Ăn của dân nhưng phải được việc cho dân.
  • Ăn tiền cũng phải có nhân có nghĩa.
  • Ăn nó vừa phải, đúng mức.
  • Ăn cũng phải có nghĩa lý:
Ai đem cho thì xin, không được bóp nặn!

Tài lộc mà có, hãy để tự nhiên nó đến, đừng tìm cách bới ra mà ăn.

Trên đây là những dẫn dụ của cái đạo lý đối với kẻ thực dụng. Ngược lại, những kết luận sâu đây dành cho bọn ăn hối lộ xấu xa thô bỉ:

  • Ăn tiền một cách độc ác, nhẫn tâm.
  • Bất chấp nhân tính, không loại trừ bất cứ ai.
  • Tìm cách bới móc, bóp nặn của người.

Những khoản thu nhập phi pháp này mà người ta gọi là bổng lộc. Có những vị trí xã hội “tốt” bổng, nhưng trái lại cũng có trường hợp chẳng sơ múi gì. Có những thu nhập bên ngoài pháp luật và lại không bị coi là bất chính vì người ta công khai. Đó cũng chính là điều người ta biến thành những lời chúc tụng vào dịp đầu năm mới.

Song, đó là những quan điểm của kẻ được hưởng lợi. Bây giờ chúng ta hãy xem người dân nghĩ thế nào. Người dân thường chấp nhận rằng họ phải lo cho tầng lớp quan lại, các viên chức nhà nước, một số những quyền lợi không nằm trong các quy định, trong luật pháp, trong hệ thống hành chính.

Đầu tiên, một cách đều đặn có tính định kỳ, họ đem quà biếu vào những ngày lễ của tháng Năm và tháng Mười cùng với dịp Tết. Những phần quà đó là hiện vật như: gạo, gà, ngỗng, trứng, hoa quả, chè uống hoặc các sản phẩm của địa phương làm ra, họ dành cho các vị quan thanh liêm vốn vẫn tự bằng lòng với lối sống và tập quán thông thường. Những vị quan đó chỉ mong người dân biểu thị lòng biết ơn chân thành, họ coi đó là những biểu hiện của sự lệ thuộc tương hỗ và sự tôn trọng lẫn nhau.

Có những món quà giá trị hơn được mua ở những cửa hàng ngoại quốc thay vì những sản phẩm thông thường, điều này dành cho những kẻ giàu có khá giả, hoặc bản thân những vị quan tỏ ý không thích nhận những thứ quà linh tinh, vì có nhận rồi cũng không biết dùng làm gì nếu không đem chia lại cho những người thân quen.

Có những vị quan còn tuyên bố một cách thô lỗ, vô liêm sỉ trước những thuộc hạ của mình rằng, chỉ thích nhận quà biếu bằng tiền mặt mà các cơ quan dưới quyền thường chung nhau đem biếu. Với cách này, các vị quan chọn một người trong số thuộc hạ đứng ra thu, sau đó kín đáo đem đến nộp cho vị quan đó.

Có thể cùng xếp vào loại này các sự kiện gần như bắt buộc, đó là: lễ mừng nhậm chức các quan hàng tổng, hàng xã, gia đình các quan có việc hỷ, lễ mừng thọ lục, thập niên của các thân phụ, thân mẫu, lễ hiếu, ngày giỗ v.v… Với vị quan tử tế thì nhận được các lễ vật của người dân đem đến từ tấm lòng, và họ cũng chỉ nhận quà vào lễ nhậm chức, họ coi đó việc mà các thần dân bày tỏ lòng tôn kính theo ý thức tôn ti trật tự.

Có những vị quan đối với các buổi lễ có tính chất vui vẻ của riêng gia đình, họ chỉ mời những đồng sự trực tiếp, có sự gắn bó thân mật kèm theo lời dặn đừng mang quà cho đỡ phải tốn kém tiền bạc. Còn với các đối tượng khác, họ để tự nhiên, không áp đặt. Việc mời mọc đối với các viên chức đến những buổi liên hoan gia đình là một vấn đề rất tế nhị, nó chỉ được mọi người đón nhận và coi trọng nếu vị quan đó là người có lòng tốt một cách rõ ràng và đương nhiên lời mời của ông ta là vì tình thân, muốn làm vui lòng người được mời, chứ không vì có ý lấy cớ để người được mời sẽ phải nghĩ đến chuyện cống nạp những món quà đắt tiền hợp với sở thích riêng cũng như uy thế là bề trên của ông ta.

Có những thói tục phải chấp nhận, thậm chí có tính áp đặt đối với những viên chức, thuộc hạ phải có mặt tại các buổi lễ riêng của gia đình các quan huyện như: tang ma của tứ thân phụ mẫu và người vợ, 2 ngày giỗ (bố, mẹ) của vị quan, đám cưới con trai cả hoặc con gái trưởng nhà quan (với các vị quan có đông con, người lịch sự sẽ không để các thuộc hạ nhất nhất phải tham gia việc cưới hỏi của các con thứ, phải để tùy họ ứng xử).

Ngược lại, rất đáng chê trách các vị quan lạm dụng việc mình quản lý đông nhân viên dưới quyền khi lấy việc gia đình để đòi sự tham góp của họ. Cũng có những vị quan, có những lý do cá nhân, họ tìm cách tổ chức các buổi vui riêng ở những nơi kín đáo, giấu các nhân viên dưới quyền, tránh không để họ phải quan tâm. Thật hay nữa là ông ta chỉ mời dăm ba người thật thân cận và lưu ý họ chỉ nên tặng những thứ giản dị, rẻ tiền nếu vào những dịp mà theo tập quán thường khi đến phải có quà. Việc mời các nhân viên dưới quyền tham gia các buổi vui gia đình và yêu cầu không đem theo tặng phẩm là cách hành xử hết sức văn minh, nhưng cũng chỉ được mọi người chấp nhận khi tất cả đều tin rằng vị quan đó thực lòng. Chẳng dễ để các vị làm sếp thực hiện được.

Còn có kiểu tặng quà khác mà cơ bản là do sự tự nguyện của người tặng. Vào dịp tân gia, cũng là để kỷ niệm một sự kiện quan trọng có tính gắn kết thân tình, để bộc lộ sự quý mến chân thành, các nhân viên cộng sự có tính tập thể muốn để lại dấu ấn bằng một vật kỷ niệm với cách, tặng cấp trên bức tranh thêu mỹ thuật, hoặc bức tranh sơn mài sơn son thếp vàng dùng cho mục đích trang trí trong nhà. Tùy thuộc vào mức độ gần gũi, thân tình của đôi bên cho và nhận, có những bức tranh ghi nội dung viết tặng còn đắt giá hơn vật tặng, có cả những trường hợp ngược lại. Nội dung viết tặng mà đem theo ý nghĩa văn hóa lớn, giá trị hơn hẳn chính cái khung của bức tranh thì người nhận còn bỏ tiền túi ra để mua cái khung khác đắt tiền hơn, có giá trị mỹ thuật hơn thay vào. Điều này chỉ sảy ra khi người nhận tặng phẩm tự thấy vinh dự vì món quà thể hiện sự chân thành. Những kỷ niệm, những biểu hiện của sự quý mến chân thật thường là hiếm thấy, nhất là khi quà tặng được đem đến cho sếp quá nhiều thì cần phải xem xét!

Tuy nhiên, có những loại quà giá trị kinh tế không cao, song lại được diễn ra thường xuyên, có tính tự nguyện và vì thế nó đã tạo ra một nguồn thu nhất định ở các cơ quan thuộc Nhà nước. Đó là các buổi ra mắt (lễ trình diện) khi vào cửa quan và phải nộp tiền. Trước đây, nghi thức này chỉ đơn giản là 2 hộp trà cho mỗi lần vào hầu (trình bày) việc đơn giản, nhưng nếu là việc quan trọng thì sẽ là 8 hộp. Cho dù các quan không có ý định làm giàu cho các nhà buôn trà tầu, nhưng có một nhóm người được lập ra làm việc này ngay trong dinh thự của quan. Một người đầy tớ tin cậy được giao nhiệm vụ đứng ra nhận, đồng thời thống kê những hộp trà nhỏ này và cũng không cần biết bên trong có gì. Những chiếc hộp trà này lại được bán lại ngay cho người lái buôn có cửa hàng ngoài cổng dinh với giá đã xác định, không quan tâm đến chất lượng trong hộp. Người lái buôn này được phép kinh doanh ở vị trí đó theo sự ưu đãi và phải đóng tiền cho nhà quan. Những hộp trà này phải được đánh dấu và sẽ được tiếp tục bán cho khách hàng đến sau, rồi cứ tiếp tục quay vòng như thế. Chúng vào dinh bằng cửa trước và đi ra bằng cửa sau cũng giống như những kẻ đánh bạc, nó chỉ có giá trị khi mua đúng cửa giao dịch được chỉ định.

Dần dà, kiểu “tặng” quà này đã bị loại bỏ vì sự cồng kềnh…và bị mang tiếng khi mọi người nhìn thấy số lượng lớn lên và kiểu cách khi dâng tặng phức tạp thay vì đưa thẳng bằng tiền. Thời gian đầu, những người “nhà quê” còn quan tâm đến một chút về hình thức. Họ chọn những đồng tiền sáng bóng để trên một cái khay và dâng lên bằng hai tay. Vì lý do này, người Tây đã gọi hành vi này của dân ta bằng cụm từ: “Một lạy”. Sau này, họ thấy cái cảnh trên một cái khay to mà chỉ có 50 xu (đúng bằng giá của 2 hộp trà). Thế là, một cách tổ chức khác cái kiểu cách dâng tặng này vì họ cho đó là sự thiếu lịch sự và phiền toái.

Có một người đầy tớ chuyên hầu trà cho quan được biến thành người đứng thu tiền khi vào cửa và theo lệnh là chỉ cho người nào vào sau khi đã nộp tiền, đồng thời sẽ phải biết cộng lại, trình báo với quan khoản tiền thu được. Quan (chủ nhà) cũng ghi chép cẩn thận để cuối ngày kiểm tra, so sánh giữa đôi bên. Họ coi như vậy là nghiêm túc với cách hiểu, người đầy tớ thực hiện vai trò “đón khách” và việc nhận tiền, chỉ là do được khách “bo” cho mà thôi. Quan (chủ nhà) vẫn giữ được danh giá là người “cao thượng” khi có quyền đuổi không tiếp những kẻ dại dột vì không theo “lệ” mới mà vẫn cứ mang theo những hộp trà. Kẻ bị đuổi sẽ tìm gặp ở ngoài cửa ai đó, để rồi sẽ được chỉ dẫn cho họ biết làm theo cái lệ mới.

Tôi không định nhấn mạnh thêm những chi tiết của cái cách tổ chức này, bởi lẽ nó có thể biến hóa vô tận. Như vậy, phương thức này coi như đã được chấp nhận và những khoản thu nhập thông thường của một vị sếp sẽ tùy thuộc vào tính chất công việc mà không liên quan gì tới mức độ quan trọng của nó. Từ thực tế này, các quan muốn có thu nhập nhiều lên trong một tháng thì lệ thuộc vào việc đẩy mạnh hoạt động này đến đâu.

Cả một chuỗi những thủ tục hành chính được tạo dựng nên để buộc những kẻ đi khiếu nại và dân đen khi có việc đến cửa quan phải lần lượt lê qua tất cả các cấp theo một trật tự chặt chẽ nhằm tạo cho các vị trí đều có thu nhập, nhiều hay ít tùy theo tầm quan trọng của những nấc thang đó. Các vị quan lớn mà biết cách tổ chức và điều hành bộ máy làm tiền to lớn này thì, ngoài số tiền qua cửa để xin được gặp, vị quan đó còn nhận được một phần tiền lợi của các bộ phận và nhân viên dưới quyền thu được nhờ chính cái trật tự do vị quan đó sắp đặt. Cuối cùng, nó trở thành một bộ máy làm tiền thật “khoa học” và khéo léo ngang tầm với sự chuẩn hóa các tiêu chuẩn của nước Mỹ.

Đây là sự bắt ép người dân phải mất tiền của vì họ cũng không hiểu rõ và cũng không thấy nguy hiểm gì cụ thể, nhất là đối với dân quê không hề phàn nàn gì khi phải vào cửa quan. Nộp các khoản tiền đó, họ cũng chẳng ta thán mặc dù đều có nhận xét chung rằng, quan hệ với các nhà cầm quyền là quá đắt đỏ và tìm cách tránh đi được trong phạm vi cho phép. Nhưng, các quan lại thạo đời đến mức, họ biết tạo ra cấp số nhân các mối “quan hệ” để đẩy người dân đen phải tìm đến họ. Chính điều này, đồng bào của chúng ta luôn sẵn sàng xếp vào hàng thánh nhân các vị quan biết đơn giản hóa sự việc, giảm được cho người dân các chi phí đến mức thấp nhất, tránh cho họ sự phiền phức khi phải tiếp xúc với cơ quan công quyền.

Những nhân viên, thuộc hạ, đủ loại hình môi giới bám xung quanh vị quan, tìm đủ mọi cách vòi vĩnh, dọa nạt, ăn hiếp những kẻ khốn cùng khi có việc phải đến những nơi ghê tởm này. Một vị quan có đạo đức là người nhận thấy rõ sự khiếp sợ và nỗi gian truân do chính các cận thần của ông ta gây nên đối với những thường dân ngay khi mới đến xin được gặp.

Sự cần thiết phải giữ đôi chút uy tín buộc các nhà quan phải tuyển những nhóm tùy tùng biết nhìn vào đám dân đen mà sống. Vì vậy, các vị quan phải làm ngược lại với cách mà các nhà buôn thường làm, nghĩa là phải biết tránh cho những dân thường việc phải đến gặp quan hay những tùy tùng của mình. Đành rằng, có tùy tùng thì phải có cách nuôi sống họ, nhưng chỉ ở mức tối thiểu cần thiết. Các tùy tùng nhiều khi chẳng ra sao, thậm chí sự tồn tại của họ là phi đạo lý. Bọn người này chỉ thấy sung sướng khi được phục vụ các ông quan vô đạo đức, chúng sẽ kêu ca nếu phải phục vụ một vị quan quá tốt và cho phép người dân tiếp cận ông một cách dễ dãi.

CHẾ ĐỘ ĐÚT LÓT, HỐI LỘ MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG

( La concussion sous ses différentes formes

Kỳ 3, L’Annam Nouveau số 112 ngày 25.2.1932)

Hôm nay chúng ta hãy bàn về sự ăn đút lót mà thông thường được gọi là ăn hối lộ. Đây là việc nói đến một công chức nhận trái phép những khoản tiền hoặc các vật phẩm có giá trị khác khi thi hành những bổn phận của mình để làm lợi cho kẻ đưa hối lộ, hoặc gây hại cho Nhà nước, hoặc hại cho một cá nhân khác, trái với sự công bằng. Việc ăn đút lót cũng có thể sảy ra khi một người cần vị công chức có quyền phải ra một quyết định đúng theo quy định của luật pháp, mặc dù đó là bổn phận của người viên chức đó khi đã được ăn lương của Nhà nước. Để hoàn chỉnh nhận thức này, có thể hiểu, ăn đút lót còn là việc nhận tiền để không thực hiện bổn phận đáng ra họ phải làm, theo cách giả vờ quên, vô tình hay giả như bị nhầm lẫn. Việc nhận quà biếu từ người mang ơn do vị quan tự nguyện thực hiện bổn phận theo lẽ công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật cũng là một loại hình ăn của đút lót, kể cả việc vị quan đó không đòi hỏi.

Việc ăn đút lót thể hiện điển hình nhất là việc các vị quan trong khi xét xử đã đòi các bị can đưa hối lộ để các bị can đó nhận được mức án có lợi cho họ.

Trong lĩnh vực quản lý hành chính, việc ăn đút lót bao gồm: nhận tiền của kẻ này và biệt đãi kẻ kia, đưa ra những khuôn phép quá đáng làm mất lòng dân chúng để moi tiền những kẻ tìm cách lẩn tránh. Thông thường, nhận tiền của kẻ nào thì kẻ đó sẽ nhận được sự ưu ái hưởng sự ngoại lệ, làm sai lệch các kết quả khi thi tuyển vào những vị trí có lợi vì kẻ đó đã chịu chi tiền.

Trên đây là một số cách thức khác nhau của những kẻ bị tính vụ lợi lôi kéo một cách tự nhiên, họ mất khái niệm của một người lãnh đạo với sứ mạng phải là người gương mẫu khi giữ vai trò chỉ huy. Những lối sống này không phải chỉ là hiện thân của ma quỷ. Chính trong lĩnh vực cần phải có tính nghệ thuật cao, sự tinh tế khi điều hành trong công việc, họ lại biến nó thành sự ma quái, đồi bại. Thông thường, chỉ có những kẻ ngu ngơ mới can dự một cách trực tiếp để bị bắt quả tang một cách ngớ ngẩn. Lũ ma lanh, chúng biết tổ chức hoàn hảo cách thức bóc lột, đến mức không những chúng chắc chắn thoát được sự trừng phạt mà còn được đánh giá là những kẻ thông minh và năng động hơn người !

Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu một chút cái kỹ nghệ khôn khéo này. Trước tiên, phải nhớ rằng đây là một nguyên tắc không thay đổi nếu không muốn làm hỏng và phá tan cái chức năng chuyên môn và phải vì chính lợi ích của viên quan phụ trách cùng với các thuộc hạ dưới quyền với những người sẽ kế vị.

Mọi cuộc tiếp xúc đương nhiên phải có tiền và phải thu được cao hơn mức giá quy định. Theo ngôn ngữ thương mại: không được giảm giá và đừng cho khách hàng có thói quen xấu khi quan hệ.

Nếu sếp không biết cách xoay sở, hãy nói ngài giao việc này cho một kẻ thạo đời.

Hãy giữ khoảng cách, tạo sự khó gần. Đừng tiếp bất cứ đối tượng nào nếu chưa có ý kiến của những kẻ trung gian này… Hãy khéo léo lựa chọn các mối quan hệ. Hàng ngày, phải biết kéo về những đối tượng tốt không vụ lợi, không ham ăn chơi. Tránh xa và coi như dịch hạch những bộ mặt hay xin xỏ, thích dắt díu bè phái, bọn này khác với lũ người môi giới vì lợi. Hãy đảm bảo sự thống nhất trong công việc của bộ máy lãnh đạo. Phải biết dựa vào cố vấn và mọi việc nên thông qua anh ta.

Nếu sếp là người tự biết cách xoay sở, đó là chuyện khác. Ngài sẽ chủ động với những chiến thuật của riêng mình, biết tự đánh giá việc trả công và chi theo ý riêng, khôn ngoan tránh được cạm bẫy và tránh những chuyện tai tiếng.

Nguyên tắc trên đây khi được được chấp nhận sẽ chỉ còn việc là làm sao để sinh lời. Muốn để làm được, cần phải có thông tin đầy đủ những gì diễn ra trong khu vực do mình quản lý, kể cả phải có hẳn đội quân trinh sát riêng để xác minh sự trung thực của các báo cáo do cấp dưới chuyển về. Khi thuộc hạ biết ngài nắm rõ tình hình, họ sẽ không dám giấu diếm và mọi sự việc sẽ phải trình bày với quý ông, kể cả những chuyện không nằm trong phạm vi thẩm quyền của ngài do có những quyết định phân công mới.

Việc quán xuyến đầy đủ thông tin, đầu tiên là nó giúp ngài không bị gặp các biến động có tính rủi ro bất ngờ, những âm mưu chính trị tìm cách chống lại ngài trong địa bàn ở địa phương đều có thể dẫn đến ý đồ luân chuyển ngài, một án kỷ luật, cách chức, đôi khi chỉ với lý do là “đồng lõa”. Vấn đề thông tin là vô cùng bức thiết, nhờ đó mà công việc sinh lợi. Khi sếp thực sự thông tỏ tình hình, có thể gây lo lắng cho bất cứ kẻ nào bị ông đặt dù chỉ là một câu hỏi. Bởi lẽ nếu các nhân viên dưới quyền hoàn thành tốt các nhiệm vụ thì ngài đã không phải đi hỏi. Tất cả mọi việc, mọi diễn biến đều phải được báo cáo ngay.

Một chuyện đơn giản thế này, việc đã chậm báo cáo trước một vị chánh tổng hay lý trưởng, ngài có thể dùng tiền để nhận khuyết điểm, nghĩa là dùng một tặng phẩm đắt tiền để xóa đi sự vô ý hoặc là sự ngu dốt nào đó. Đồng thời. yên tâm rằng, kẻ trung gian chuyển quà đó sẽ giữ bí mật, chẳng ai biết. Song việc bề trên có có tha hay không tha cái lỗi đó, lại tùy thuộc vào việc nhìn nhận rằng đương sự có liên quan có còn cần cho ngài ấy nữa hay không?! Việc ngài ấy sẽ tự lo được hay không ở khâu này, sẽ quyết định việc có cần phải thay thế… Việc từ chối lá đơn xin được nhận lỗi là biểu hiện việc sẽ thay đi một tên cận thần xấu. Mọi người sẽ vui lòng nộp tiền cho ngài, khi ngài là một vị quan năng động, biết kiếm tiền và giúp cho các thuộc hạ cũng sẽ làm được như vậy.

Thật là sai lầm khi nhận thức rằng, chế độ bầu cử theo cách bỏ phiếu kín sẽ là triệt tiêu mọi khả năng ăn đút lót. Ở ta cũng như ở các quốc gia theo chế độ đại nghị, chính bản thân cái cơ quan quyền lực có trách nhiệm tổ chức bầu cử, kết quả bầu cử sẽ đạt được hoàn toàn theo ý của người lãnh đạo cơ quan đó khi biết cách sắp đặt. Các ứng cử viên trúng cử thường sẽ phải là những vị được đỡ đầu và các cử tri đi bầu đều sẽ là những người đã được chọn để cử đi. Chỉ có những nhà lãnh đạo bất tài mới để một ứng viên trúng cử ngoài ý muốn!

Một quan chức thạo nghề làm quan có thể bán được giá đắt những chức vị mà ít ai dám mơ đến. Cá nhân tôi (người viết bài này) đã chứng kiến một vị trí chánh tổng được mua với giá cực kỳ đắt vì suốt ba năm liền không ai dám mon men đến cái ghế đó. Với tôi, tôi khâm phục vị quan này. Khi vừa nhậm chức, vị này đã biết rõ tình trạng thảm thương trong tổng, hậu quả để lại của các vị quan tiền nhiệm. Để tránh sự chống đối trong nội bộ, vị quan đã bất ngờ cho gọi một nhân vật là lý trưởng có tiếng là bất lương nhất trong hàng ngũ các lý trưởng của cả tổng, và cũng là người đã từng ra ứng cử làm chánh tổng, sẽ phải nhận trách nhiệm dàn xếp với các lý trưởng khác để không được chống đối và hãy coi đây là cơ hội để được tồn tại. Hiển nhiên, vì sự sắp đặt này, chỉ 8 ngày sau, các lý trưởng khác đã cùng nhau góp tiền để đẩy tên lý trưởng bất nhân này ra khỏi tổng, tránh được chuyện để rơi vào thế bất lợi vì sẽ bị tên lý trưởng này đè đầu đè cổ, loại được một ứng viên bất đắc dĩ mà đã có lúc được tổng giới thiệu trong những lần bầu cử trước.

Hãnh diện khi được bầu một cách mặc nhiên nhưng vẫn phải chi tiền. Đồng thời để mọi người hiểu thế nào là một vị quan thạo đời?

Như vậy, ngoài các công việc theo chức phận, các quan hàng tỉnh còn hài lòng vì những chuyện này trở thành sự làm giá một loại mặt hàng mà người dân chẳng ai cần. Thực tế, mọi người đều biết rằng, với các nguyên tắc mới ban hành, việc bầu các chức danh như lý trưởng và chánh tổng đều phải thông qua vị quan đầu tỉnh, đương nhiên là các ngài sẽ được hưởng lợi. Khi có những vị trí khuyết, các ứng viên phải nộp đơn không phải cho tri phủ hay tri huyện, mà là nộp cho quan tỉnh. Các quan tỉnh sẽ lập hồ sơ và chỉ thị cho các cấp tổ chức việc bầu, nghĩa là, việc bầu cử sẽ chỉ được tổ chức khi các ngài đã chắc chắn xác định được cái giá tiền cho vị trí đó. Thế là, một giá bỏ thầu được định ra và các quan phủ, quan huyện phải làm sao để nâng giá lên ở mức cần thiết để họ phải có phần, cũng như cả những thuộc hạ ăn theo. Đây là một thực tế về cách tổ chức mà chính các quan phủ, quan huyện đã đặc biệt chia sẻ với chúng tôi.

Theo các quy định cũ trước đây, các vị được tự do định đoạt khoản tiền vi thiềng, cao thấp thế nào, tùy thuộc vào vị trí đó có tốt bổng hay không. Nhưng ngày nay, họ phải thừa lệnh các quan hàng tỉnh trong tất cả các cuộc bầu cử, không có ngoại lệ. Ngày nay, chính vì có các quy chế mới. nó đã trở thành việc làm giá cho các chức vị như: chánh hoặc phó tổng và lý trưởng.

Các quan phủ, huyện nấp sau lưng những quyết định từ cấp trên, họ tự thấy mình cũng phải được ăn tiền. Họ bảo: “Tôi không phải đòi cho mình; với tôi, kể cả không có, tôi khỏi cần…nhưng đây là để biếu cụ lớn (quan tỉnh)”. Đó là lý lẽ điển hình thường được nêu lên với những ứng viên khó khăn, không có khả năng chi tiền. Chúng ta cũng thừa nhận những sự việc này là thật. Từ thực trạng này, chúng ta phải kết luận rằng, những vấn đề trong hệ thống hành chính bản xứ trong bối cảnh hiện nay là, một công việc, càng có nhiều người dính vào, càng gây tốn kém cho đương sự. Những điều mà chính quyền vẫn coi là để đảm bảo cho tính hợp pháp, đều bị người dân nhìn nhận là chỉ thêm khó khăn, vô ích và tốn kém. Những người dân ở nông thôn chỉ muốn khi có việc, họ chỉ phải làm việc với các vị quan trong huyện của họ, kể cả có phải chi phí ít nhiều, hoặc không phải chi gì hết tùy theo ý nghĩa và giá trị sự vụ mà họ kiến nghị.

Đa phần, các viên quan đứng đầu các phủ, huyện đều phản đối cái quy định mới liên quan đến các vị trí tổng, lý. Họ không thích thú gì cái cách thức mặc cả tiền bạc để phải đòi từ các ứng viên cho mỗi xuất quan. Có lẽ, họ cũng muốn đem đến một chút công bằng trong việc tổ chức, khai thác cái nguồn lợi được sinh ra từ các cuộc bầu cử.

Tiếp tục, chúng ta sẽ bàn đến những lĩnh vực khác, những vụ việc rắc rối sảy ra ở các địa phương đòi hỏi cần có sự can thiệp của chính quyền. Các vụ việc như: cướp bóc, ăn cắp, tội phạm hình sự, nợ nần dân sự do vô tình hay cố ý gây ra, tất cả những điều đó đều phải báo cáo lên huyện. Trước khi báo cáo lên tỉnh những vụ việc này, quan huyện bao giờ cũng phải tiến hành các cuộc điều tra. Chính các cuộc điều tra này trở thành nguyên nhân tạo ra những mưu mô tìm cách đút tiền để mua chuộc từ phía các đương sự, mục đích để các kết luận điều tra sẽ có lợi cho họ. Vì lẽ đó, họ phải làm cho các cuộc điều tra trở nên quan trọng, gây tâm lý ám ảnh trong nhân dân, làm cho các nhân viên hàng xã lo sợ mơ hồ khi nghĩ đến trách nhiệm của mình. Theo thông lệ, tất cả các điều tra viên của đoàn kiểm tra sẽ phải về sống tại địa phương nơi có vụ việc trong suốt quá trình điều tra. Như thế, thừa phái, lính lệ, lính cơ, thư lại đều sẽ ở trọ ngay tại nhà của nạn nhân hay họ hàng của nạn nhân liên quan, đặc biệt các loại hình vụ việc như trộm cắp, hỏa hoạn hay giết người… Nếu những người có liên quan không có khả năng để thu xếp việc được ở trọ của họ, thì lý trưởng phải đứng ra để thu xếp nhân danh làng xã, rồi sau này sẽ cộng, tính mọi khoản chi phí cho vụ việc, thường là cao hơn số thực chi.

Nếu như địa phương đó được quan huyện, quan phủ chiếu cố, công tác điều tra sẽ được đẩy nhanh, giới hạn, khống chế số lượng các nhân viên điều tra. Điểm này là một sự tiến bộ. Cũng có những địa phương không chịu nổi cách bóc lột như vậy, họ từ chối các nhân viên điều tra được huyện, phủ cử xuống trọ và họ tự thúc đẩy mọi việc liên quan. Tuy nhiên, sẽ khó để địa phương từ chối khi các vị đó xin tiền bồi dưỡng cho số lính hoặc các phái viên về truyền đạt các quyết định có liên quan và họ cũng biết khó đòi được điều gì khác. Các quan trên cũng có thể chơi sỏ theo cách, ngày nào cũng cử các phái viên xuống, nếu như địa phương không biết điều để trình bày, tranh thủ sự quan tâm của ngài ngay từ giai đoạn đầu của vụ việc. Cuối cùng, giữa họ với nhau cũng có thể thương lượng để có một phương án trọn gói theo kiểu hợp đồng nhằm cảnh giác với mọi sự bất trắc, hoặc chấp nhận bị phạt ở mức tối thiểu bằng cách nâng cao một chút giá trị của những vật phẩm sẽ được dùng làm quà tặng vào những dịp lễ tết.

Kết thúc việc điều tra, họ còn phải lo cái báo cáo lên quan tỉnh mà đến nay đó là việc bắt buộc đối với những vụ việc có tính nghiêm trọng. Đây cũng là một cách đảm bảo nữa về quyền lợi cho những quan chức cấp tỉnh.

CHẾ ĐỘ ĐÚT LÓT, HỐI LỘ MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG

(( La concussion sous ses différentes formes

Bài 4, L’Annam Nouveau số 113 ngày 28.2.1932)

Chúng ta tiếp tục nói đến hoạt động của các tòa án bản xứ. Với cách thức tổ chức mới và các thủ tục tố tụng mới, đặc biệt sính các loại giấy tờ văn bản là cơ sở để các viên lục sự được hưởng lợi, thậm chí bản thân quan tòa cũng mất cả quyền hành. Có những thẩm phán chuyên phụ trách việc lấy cung để luận tội có thể làm tiền không khó khi áp đặt câu chữ, ép người viết biên bản vụ án phải làm theo, hoặc sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào viên lục sự là một nhân vật mới, được giữ một vai trò đặc biệt quan trọng và là kẻ có sự hiểu biết hơn người về các thủ tục tố tụng. Ở đây, quan tòa chỉ còn việc tuyên án chiểu theo kết luận điều tra, hệ quả của việc lấy cung luận tội từ các viên lục sự là người lập biên bản của vụ việc. Đây là một sự bảo đảm mới chỉ dành cho những công dân hiểu về quyền lợi của mình khi có được kiến thức và sự hiểu biết về pháp luật, nhưng không phù hợp với những bị can là những người dân bình thường trong chúng ta.

Nói chung, họ không có khả năng ngay cả trong việc trình bày cho rõ ràng lời khai của mình nên đành phó mặc cho sự tùy tiện của các viên lục sự, mà đúng ra các vị đó phải giúp can phạm biết khai những gì phù hợp và có lợi cho họ. Một vai trò đầy sự lo lắng với những người thận trọng và rất dễ kiếm tiền đối với một kẻ hay lợi dụng quyền hạn. Sự lợi dụng này có thể chẳng nguy hại gì cho viên lục sự khi có tranh chấp, vì các biên bản chất vấn đều được đôi bên cùng ký và nhờ chữ ký này, họ vô can. Với cách nghĩ thông thường, đây là điều thực sự gây tai tiếng ở một số địa phương khi người ta thấy các viên lục sự ở tòa án còn quan trọng hơn tất cả các quan tỉnh cộng lại. Các quan buộc phải nể trọng hắn ta để có chút thuận lợi khi muốn can thiệp cho kẻ này hay kẻ kia.

Hơn nữa, họ đành phải có những thương lượng với bộ mặt mới này để chứng tỏ sự khôn ngoan vì có được không khí hòa hợp giữa các thế lực cầm quyền.

Ở ta, có hẳn một đội ngũ những kẻ mồi chài, môi giới trong khối quan lại và các viên chức vụ lợi kết hợp với cả các văn phòng luật sư mà đối với người dân quê ngu ngơ của chúng ta họ luôn coi những cơ sở này mang đầy tính bất ngờ. Còn đối với người dân ở Âu châu hay Phi châu, họ đã quen nhìn những luật gia là những người bảo vệ công lý.

Khái niệm về một viên chức được nhận lương để tham vấn cho những người đi kiện, thay mặt họ bảo vệ tốt hơn các quyền lợi của họ trước tòa án, rất khó trở thành nhận thức trong đầu của những người dân quê ở đất nước An Nam này, họ tin rằng, đã là quan tòa, đó phải là những người sáng suốt thì mới được làm quan tòa. Vốn kiến thức của một luật sư cộng với tri thức của một vị quan tòa, mà luật sư lại là người được nhận tiền công thì hình như họ lại là một loại quan tòa được pháp luật thao túng cho việc buôn bán quyền hạn và được quyền gây ảnh hưởng trước các quyết định của tòa án. Nhìn lại, đây là một công việc không thể chấp nhận theo cách quan niệm bị đơn giản hóa quá mức của chúng ta về công lý.

Công lý, về nguyên tắc phải là tuyệt đối không mất tiền để mua. Mọi sự đòi hỏi bằng tiền ở những người đang phải hầu tòa, cả bên nguyên lẫn bên bị, kể cả khi để phục vụ một công việc cần thiết do sáng kiến của một cá nhân quan trọng, đều không thể không gọi đó là sự thu nhập bất hợp pháp. Vì vậy, nhiều người An Nam ta đã bảo rằng: luật sư là những kẻ buôn bán công lý có môn bài. Thực tế này, đã đặt họ vào sự tự lầm lẫn khi tự cho mình như một người lo dàn xếp các sự vụ, và điểm khác duy nhất, là họ có quyền cãi trước tòa án.

Tôi đã ngộ nhận rằng mình có nghĩa vụ phơi bày cái tâm lý đặc biệt này trong tư duy của những ngài luật sư có lương tâm về vai trò cao quý của mình. Sống ở một xã hội có những nhận thức như đã nói, các luật sư nên tâm niệm việc giúp cho người dân hiểu rõ cái giá trị tốt đẹp của nghề luật sư mới phải. Làm được như thế, bởi cũng vì cái ý nghĩa của một nền cộng hòa tốt đẹp. Nhưng than ôi, ý nghĩa của nó đã thường bị làm xấu đi bởi các vị đồng nghiệp thực dụng quá đáng, hình như họ thấy như vậy thích thú hơn việc chứng minh với các khách hàng là người dân An Nam rằng, sự vinh quang là một lối sống quen thuộc.

Đến đây, chúng ta quay lại với các nhân viên chạy việc ở các văn phòng luật sư mà có nhân viên đã biết lôi kéo được số lượng khách hàng đông đến mức gây sự thèm khát cho những văn phòng đắt hàng nhất.

Không phải bao giờ những kẻ có tước vị cao, có môn bài, tự nhận là kẻ chạy việc cũng sẽ có nhiều việc hơn. Có một bộ phận những hạng người này cũng giống như một số nghệ sỹ, nhà kim hoàn, may mặc, thêu thùa…họ nhận được các đơn hàng lớn mà không cần có cửa hàng, cửa hiệu. Chức vị thật sự của họ, chính là các mối quan hệ mà họ biết cách nuôi dưỡng với các nhân vật có chân ở mọi cấp bậc trong xã hội, giúp và cho phép họ can dự không sợ rủi ro với danh nghĩa bè bạn, và đó chính là các khách hàng.

Để lôi kéo đến nhà mình những mối quan hệ béo bở, họ dùng mọi biện pháp để hấp dẫn như: cờ bạc, chè chén, hú hí với các mỹ nhân, thuốc phiện… Hãy nhớ, cờ bạc và thuốc phiện, vừa đem lại tiền bạc, vừa biến các bạn khách thành những kẻ nhờ vả, móc nối được. Nếu không trực tiếp cậy nhờ được uy danh của họ bằng các hành vi cụ thể, thì chỉ riêng sự có mặt của họ tại nhà riêng cũng đã tạo ra được các cuộc móc nối, chạy chọt, đủ để phục vụ cho việc làm tiền. Chỉ riêng việc có mặt các nhân vật quan trọng tại nhà riêng, cũng đủ để dẫn đến một quyết định hành chính, có thể là tư pháp, là cơ sở để những đương sự trong các vụ việc chấp nhận ứng một khoản tiền lớn với hy vọng trường hợp của họ sẽ có được sự quan tâm. Trước thực tế này, xin khuyên các vị có danh tiếng cẩn thận trọng trong việc chọn lựa các mối quan hệ, đừng để bị lợi dụng trong quan hệ bởi sự “hiếu khách” của chủ nhà.

Chính những kẻ danh nghĩa là người chạy việc của các quan lại, viên chức ăn tiền, lại là người dẫn chính các vị đó đến các văn phòng luật sư như những khách hàng. Những kẻ này có nhiều ưu thế, cái lợi lớn là họ sử dụng được mọi quyền hạn nhờ các mối quan hệ ở mọi cấp, họ có thể tìm những con đường nên đi, theo cách hợp pháp hoặc theo kiểu không chính thức.

Trên tỉnh lỵ, còn có những đội quân là những kẻ chạy việc có địa vị và có cả các loại hình công việc không nhất định. Họ thực hiện mọi yêu cầu mà thiên hạ đưa đến, bằng không, họ rất biết tạo ra việc mà đối tượng là các viên chức đã về hưu, thân hào có tiếng ở các vùng, những người cho vay nặng lãi để nộp thuế theo kiểu ứng trước, các chủ quán ăn nhậu nằm chung quanh các cơ quan văn phòng tỉnh… Họ là những kẻ rất sát dân, hiểu biết cuộc sống sinh hoạt đời thường của dân và biết cách để giúp thiên hạ đi tới kết quả. Để biết rõ thành phần các quan trong tỉnh, ai thanh liêm, ai hay ăn hối lộ, chỉ cần thông qua nhóm người này, vì chính họ đã sống dựa vào các quan lại và các quan cũng lại sống nhờ họ. Những kẻ trung gian này, khi bị thất thế, họ bỏ đi nơi khác hoặc kêu ca phàn nàn rằng, dạo này đói quá.

Có những vị quan thanh liêm nhưng bị dân ghét, đơn giản vì người đó càng cố gắng hành xử chu đáo và công bằng, các vị càng đòi hỏi mọi việc phải đầy đủ chứng cứ, sự việc thành rối, đẩy đương sự nóng ruột đi tìm cố vấn để nhờ cậy bằng tiền. Như thế, sự thanh liêm đơn thuần không đủ để trở thành một vị sếp tốt. Cần rất nhiều sự quan tâm chân thành để tránh cho dân sự phiền muộn và những sự sợ hãi không cần thiết trước pháp luật.

Trái lại, có một kiểu tham nhũng tử tế, nó tạo ra kết quả nhất định vì đã nuôi sống được mọi người trong một phạm vi vừa phải và không gây ra ác cảm với dân chúng. Than ôi, tính cách này chỉ có ở một vài vị quan có thế lực, ông ta cư xử vừa phải với dân, đúng mức với cấp trên, cùng chia sẻ mọi lợi ích, không bị quấy nhiễu nhờ có đội ngũ thuộc cấp khôn khéo.

Tôi xin kết thúc ở đây bằng việc lưu ý các vị quan cùng các nhân viên của họ về một nguồn lợi tiền thu khác. Đó là cả ngàn các sáng kiến mới trong quản lý của chính quyền Pháp về những cuộc điều tra xã hội kèm theo những số liệu thống kê về nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp địa phương, nhân công lao động, chăn nuôi gia súc, dân số, các biến động về nhân chủng học… Kết quả điều tra này sẽ là cơ sở cho một sự hiểu biết đầy đủ nhằm đem lại những lợi ích tất yếu đối với việc quản lý xã hội, nhưng nó lại không phù hợp với trình độ kiến thức của những người nông dân chúng ta, kể cả hàng ngũ chánh tổng và các lý trưởng của họ.

Các mẫu kê khai được in sẵn để phát cho các cơ sở chỉ việc điền vào các cột với những ghi chú hình tượng khó hiểu, đồng thời các lý trưởng phải đến mua và sau đó sẽ được địa phương bù lại tiền cho các vị với giá từ 5 đến 20 đồng bạc. Để tránh những nhầm lẫn vì khai sai vào những bản in khá công phu này, họ thường cậy nhờ các viên thư ký trong dinh (cơ quan tỉnh-n/d) làm giúp và các viên thư ký này lại chính là các nhân viên được các quan giao nhiệm vụ tổng hợp, thống kê từ các tờ khai này. Tiền bo (bồi dưỡng-n/d) cho công việc này không nhỏ, hàng trăm đồng bởi lẽ nó được các xã trong một huyện, các huyện trong một phủ dồn vào và đương nhiên đừng nghĩ những nhân viên thư ký đó sẽ được hưởng món lợi bất ngờ này một mình. Thông thường, họ sẽ chia nhau, trừ trường hợp sếp đặc cách khoán riêng cho một viên thư ký nào đó.

Như vậy, nếu không vì định dành ưu đãi cho riêng nhóm thư ký bàn giấy, lợi dụng sự ngu dốt của người dân để bóc lột họ, thì chính quyền cần tổ chức một các hợp lý công tác điều tra này để có được những số liệu thống kê chính xác. Rất nhiều vấn đề, nếu chỉ nhìn trên giấy tờ cảm thấy nó đơn giản, nhưng với các lý trưởng, họ không thể trả lời bởi lẽ cuộc sống và cách làm việc của người dân An Nam hoàn toàn không được tổ chức như sự tưởng tượng của các cơ quan chính quyền nhà nước. Đối với các quan, tưởng như những câu hỏi sau rất bình thường, nhưng khi hỏi người nông dân: rằng họ đã phải mất bao nhiêu ngày công cho việc cày, bừa, tát nước, gặt…cho một vụ lúa? Họ đã thu hoạch được bao nhiêu tạ thóc, ngô, đậu tương, mía và các sản phẩm khác trong một năm? Tất cả những số liệu được các địa phương cung cấp lên, đều có giá trị bằng vàng, nhưng đều sai toét, sai tuyệt đối.

Cần phải có các nhà chuyên môn, làm việc với tinh thần khoa học nhưng phải thật sự hiểu những phương thức làm ăn và đời sống của người dân bản xứ, từ đó mới có thể có được những số liệu tương đối với những sai số chấp nhận được, làm cơ sở cho những nghiên cứu tổng quát, phục vụ cho việc quản lý và tổ chức xã hội thật sự hữu ích.



 Người dịch: Nguyễn Kỳ, Bùi Tường Trác và Nguyễn Thị Mười.

Hiệu đính kỹ thuật: BBT Tannamtu.com



VŨ TRỌNG PHỤNG dịch NGUYỄN VĂN VĨNH:

THIÊN HÌNH VẠN TRẠNG CỦA NẠN HỐI LỘ

Phần cuối

Bây giờ, ta nên nói đến những việc linh tinh khác, đại loại những việc trong các thôn xã mà quan trên phải can thiệp. Cướp bóc, trộm cắp, án mạng, trọng tội hoặc khinh tội, tai nạn bất ngờ hoặc mưu hại, ngần ấy sự đối với ông quan địa phương đều là có thể nảy ra tiền được cả, vì trước khi bẩm tỉnh, quan địa hạt tất phải mở cuộc điều tra.Ấy chính là nhờ ở cái lệ điều tra ấy mà người dân nào dính líu vào việc đều phải nghĩ cách hối lộ để quan trên lập những biên bản có lợi cho họ. Chỉ vì mục đích kiếm chuyện, người ta đã bầy ra những hình thức hệ trọng để cho dân gian phải khiếp đảm, và để rầy la bọn hương lý tùy theo cái trách nhiệm lớn nhỏ của họ.

Theo những lề thói nghìn năm rất quý hóa, tất cả những nhân viên có phận sự đi điều tra đều được dây máu ăn phần vào cái việc sống trên lưng nhân dân cho mãi đến khi nào bảo là xong việc thì thôi.

Thôi thì đủ mặt: thừa phái, lính lệ, lính cơ, mật thám, thảy đều tổng động binh khi nào có một vụ trộm, hỏa tai, án mạng, đến ăn ở và hạch sách tại nhà khổ chủ. Nếu sự chủ không đủ tư cách tiếp đãi bọn ấy thì ông lý trưởng sẽ phải nhân danh cả xã mà tiếp đãi bọn kia, để rồi sau, tính tiền ba ra tiền bảy cho cả làng phải chịu nữa.

Nếu làng nào được quan thương, thì người ta thỏa thuận nhau ở chỗ phái ít người về làng thôi, và đừng trì hoãn công việc. Như thế, chúng ta phải nhận đó là một bước tiến bộ.

Thảng hoặc cũng có những làng mà người dân cứng cổ không chịu để bóc lột: họ điều tra lấy và không nhận người phái của quan. Nhưng mà khó lòng mà từ chối tiền diêm thuốc của một anh lính đem giấy công văn, mỗi khi biết không thể hạch xách được thì kêu xin lè nhè.

Ông quan phụ mẫu có thể chơi khăm mà cứ mỗi ngày lại có trát đòi ông lên hầu một lần, nếu ông không biết cách mua chuộc lòng quan hay là không biết thủ lễ mà lên hầu ngay khi mới xảy ra việc. Sau cùng, người dân có thể mặc cả trước được để khỏi bị nhũng nhiễu quá, bằng cách đem lên cái “lễ trình” hay cái món “chè đen” đã cắt nghĩa ở một bài trên.

Sau cuộc điều tra, thể nào quan địa phương cũng phải bẩm tỉnh, đó là sự không thể không làm được mỗi khi có một chuyện hơi hệ trọng. Nhà nước tưởng đó là một cách đảm bảo công lý cho dân gian nhưng sự thực, việc bẩm tỉnh ấy chỉ bảo đảm cái bổng lộc thêm cho các quan tỉnh nữa mà thôi.

Xưa kia, ông quan huyện chỉ phải bẩm tỉnh những việc lôi thôi, và có quyền không xét xử những chuyện nhỏ nhặt xảy ra tại các thôn xã. Cho nên bậc dân chi phụ mẫu xứng đáng, là ông quan hết sức hòa giải mọi việc chứ không bẩm tỉnh.

Bây giờ, đối với sự chủ không chịu biện cái lễ trình, người ta đem cái sự bẩm tỉnh ra mà dọa nạt. Thành thử chính phủ bắt bẩm tỉnh tất cả mọi việc, mục đích cốt là trừ nạn hối lộ, mà té ra, lại chỉ đến cái kết quả là ai cũng được ăn hối lộ, mà người dân càng thêm tốn tiền. Vì rằng một khi người dân đã phải lo đến cái biên bản về việc của mình sẽ đệ lên quan tỉnh, thì chẳng ngại gì về sự chạy chọt để làm cho những biên bản ấy có lợi hoặc vô hại cho mình, nghĩa là bỏ tiền ra…

Kể về mặt ấy, sự tập trung quyền hạn vào quan tỉnh không những đã là tai hại cho lương dân, lại còn gây ra bao nhiêu cái lôi thôi về giấy má vô ích.

Tôi rất tán dương cái cách biên sổ nhật ký của các ông phủ, huyện cách đây 20 năm, để mỗi tháng hai kỳ trình lên ông sứ. Trong thứ nhật ký ấy, ông phủ hay ông huyện phải ghi chép rõ ràng những việc lặt vặt và cách khu xử của mình, trong cái nửa tháng ấy.

Thôi thế thì cứ liệu mình cho những ông quan nào gian lận, vì nếu một việc kêu rằng đã xét xử xong rồi mà lại còn vỡ lên đến quan trên, thì các quan tỉnh đã có căn cứ để mà tìm tòi nguyên cớ tại sao người dân lại chưa chịu thôi đi. Không hiểu luật chăng? Điều tra chưa đủ kỹ chăng? Bất công, thiên vị chăng? Các quan phủ huyện tất phải rất thận trọng việc cai trị dân của mình. Như thế, các quan địa phương lợi được chỗ tỏ mình là có quyền hành, và nhân dân cũng đỡ phải chạy tiền, đỡ mất thời giờ lui lới công môn.

Bây giờ, ta nói đến các tòa Nam án. Với cách tổ chức mới mẻ chỉ hết giấy má này đến sổ sách khác như thế, thì chỉ những ngài lục sự là được béo bở. Chính ông quan án thì lại không có quyền gì nữa. Ông quan tư pháp có thể kiếm chác được khi ông biết ngón bắt những người lập hồ sơ phải xoay cán bút để đổi câu văn, hay là ông sẽ ở trong tay viên lục sự là người công chức của cái ngạch mới lập rất có thế lực vì phải thảo ra biên bản và biết cách ấy lắm…

Như thế thì ông quan xử án chỉ còn có việc tuyên án theo hồ sơ biên bản của bọn người dưới mà thôi. Sự cải cách như vậy là chỉ có lợi cho một số rất ít dân thông thạo pháp luật lắm, chứ không ích gì cho cái đại đa số, là những người ù ù cạc cạc mở miệng không nên, không biết khai, phải chịu cho bọn lục sự làm gì thì làm, và phải nhờ cậy họ khai cho, hay là biên chép hộ cái gì có lợi trong sự cung khai.

Đối với những người có lương tâm, đó là một việc rất khó khăn nó sai một ly thì đi một dặm, và đối với kẻ tham nhũng, thì đó là rất béo bở. Bọn tham ô làm cái sự ấy chẳng nguy hiểm gì cả, vì những lời khai báo tất nhiên là tự nó nó cũng mâu thuẫn lẫn nhau rồi, nhất là ở dưới đó lại có chữ ký của bên nguyên và bên bị, thì bọn lục sự chẳng còn có trách nhiệm gì nữa, dẫu rằng về sau có sự phản cung ở nơi tòa án.

Theo cái phương diện nền nếp và phong tục, đó là một điều vô cùng láo lếu khi ta thấy tại một vài tỉnh, viên lục sự lại quyền thế hơn cả các quan. Các ông quan tỉnh phải nể nang người này, những khi muốn lấy tư tình can thiệp vào một vụ kiện. Vả lại, muốn cho công việc trôi chảy, cái người công chức mới ấy thường vẫn phải ăn ở sao cho thuận cảnh, nghĩa là họ biết cách ăn cánh với những ông quan tỉnh mà quyền thế là hữu danh vô thực như thế, một cách rất tinh ranh.

Trong nước này, có cả một đạo binh đông đúc những thầy cò đi kiếm việc hộ cho những quan lại hoặc công chức tham nhũng, và cho cả những phòng luật sư nữa. Đối với con mắt người dân quê An Nam chất phác, bọn thầy cò này là một bọn người thừa hành pháp luật theo một lề lối đặc biệt mà người Tây phương không bao giờ ngờ được, vì đối với người Tây phương, đã gọi là thừa hành pháp luật thì lẽ tự nhiên ai cũng đều tận tâm bênh vực cho lẽ phải cả.

Người dân quê An Nam lấy làm rất khó hiểu làm sao lại cần phải có một ông tai to mặt lớn lấy tiền của sự chủ rồi mới thay mặt họ đem những lý lẽ bầy tỏ được đắc thế trước tòa án; bởi vì đối với họ, đã có ông quan án xử án thì ông quan án tất phải là người minh mẫn, tự một mình mình cũng đủ phân phải trái được.

Nếu trong việc xử kiện, ông quan án thể nào cũng phải nhờ có ông thầy kiện chỉ bảo cho lẽ phải mới xử được công bình, thì có phải rõ rằng ông thầy kiện lấy tiền của một người rồi biện hộ người đó, thì ông thầy kiện tức là một ông quan án đã được luật pháp cho phép đem tài trí và thanh thế ra buôn bán rồi không?

Tóm lại một câu, đó là một nghề không thể dung thứ được, đối với cái óc dung dị của người dân An Nam xưa nay vẫn quen coi sự thực hành công lý như một việc mà người thực hành, đúng lý ra, không được nhận tiền của ai cả.

Cho nên khi một người có việc phải đi thưa kiện mà lại mất liền, thì dẫu cho cái việc của người đó có khó khăn và đáng phải trả tiền công thật đi nữa, tiền công đó cũng liền bị coi là một thứ bổng lộc phi pháp ngay. Chính đó là một cái nguyên nhân nó làm cho dân An Nam bảo rằng những ông thầy kiện là những nhà buôn đã có đóng môn bài để buôn bán công lý. Họ bèn trộn lẫn lộn thầy kiện và thầy cò vào cùng một bị, tuy rằng cũng có phân biệt, là thầy kiện chỉ hơn thầy cò ở chỗ có quyền cãi trước tòa án mà thôi.

Tôi tin rằng tôi ghi ra đây cái tình thế đặc biệt ấy, là rất hợp ý với một số các ông thầy kiện nào rất có lương tâm về chức vụ, thấy nói như thế thì cũng lấy làm áy náy và sẽ lưu tâm đến cách phải làm làm sao cho cái dân An Nam còn quê mùa này có thể hiểu được cái hay, cái tốt ở trong nghề mình.

Nói như thế, chính là muốn bênh vực những điều tốt đẹp trong cái chính thể dân chủ nước Pháp, những điều mà, tiếc thay! một số luật sư khác đã chót làm ô danh, chỉ vì có óc thực tế quá, cho nên đối với người An Nam miễn là làm cách gì lấy được đông khách thì thôi, chứ không cần giữ tiếng.

Bây giờ ta lại nói thêm mấy câu về những ông kiếm việc, có nhiều ông phòng giấy lúc nào cũng đông khách, có thể làm cho những phòng luật sư có danh tiếng cũng phải thèm muốn được.

Phần nhiều, những ông kiếm được nhiều việc nhất lại không phải là những người làm việc quang minh chính đại, nghĩa là đã đóng môn bài hẳn hoi về nghề kiếm việc. Phái người này làm ăn cũng giống như một số nghệ sĩ, thợ kim hoàn hay thợ thêu, thường nhận làm khoán những món hàng to mà không cần mở cửa hàng.

Cái chức nghiệp thật của họ chỉ là sự họ thường đi lại giao thiệp với tất cả mọi người có quyền thể hoặc lớn hoặc nhỏ, nên có thể lấy tư cách là chỗ “thân-tình” với các quan trên mà can thiệp hộ những người quen của họ, tức là các khách hàng vậy. Muốn gây ra những sự quen thuộc có lợi ấy, thì bất cứ những phương pháp hấp dẫn và quảng cáo nào họ cũng đem thực hành tuốt.

Thôi thì đủ thứ: cờ bạc, chè chén, giai gái, hút xách. Cờ bạc và thuốc phiện vừa là những nghề gá chứa có lãi lại vừa làm cho khách hàng thành ra những bạn hữu có ích. Bọn chủ gá dẫu cho có khi chưa làm được xiêu lòng những khách hàng có quyền thế của mình, nhưng một khi mà các ông có thế lực kia đã lai vãng nhà họ, đã để cho người khác trông thấy rằng họ có cơ chạy chọt được việc này việc nọ, thì là đủ cho họ có thể “làm tiền” được rồi, vì lẽ rằng bọn người đang có việc gì cần chạy chọt, cầu khẩn mà lại thấy có người được tiếp đãi trong nhà một vài vị tai mặt nào có thế lực trong sự quyết định của nhà nước hay của tòa án, thì họ không còn trù trừ gì nữa mà bỏ ngay tiền ra để nhờ chạy việc hộ.

Vì lẽ ấy, những người có địa vị to trong xã hội cần phải chọn lọc sự giao du lắm, và đừng để cho chủ những nhà mình hay đến chơi bời có thể lợi dụng tiếng tăm mình được, ngay trong sự đi lại đó.

Chính những kẻ thường vẫn kiếm được cho các quan lại và các công chức tham  nhũng lại cũng là những kẻ hay tiến dẫn khách hàng của họ đến các phòng luật sư. Đối với các quan cũng như đối với các thầy kiện, có thể nói là quyền thế của họ rộng hơn, vì họ có thể săn sóc đến hết các thứ việc, việc nào nên đem ra trước pháp luật, việc nào nên vận động một cách mờ ám, đều là tự ý họ kén chọn lấy con đường tiện lợi nhất.

Tại các tỉnh nhỏ, đều có một số rất đông những tay thầy cò chạy việc như thế, họ ở vào những địa vị và có những lề lốỉ sinh nhai rất khó hiểu, thường thì họ sống bằng những việc mà thiên hạ đem đến cho họ, nhưng khi nào cần, thì họ bới móc cho ra việc cũng có. Hạng người này hoặc là những công chức đã về hưu, bị đuổi hay bị thải, hoặc là những kỳ mục có thế lực trong làng, hoặc là bọn cho vay lãi hút máu hút mủ dân trong những vụ đổ thuế, hoặc nữa là những chủ hàng cơm mà cửa hiệu dọn gần sát ngay bên công đường quan phủ, huyện, toàn là những người cả đời sống đụng chạm với dân quê, hiểu hết những mối ganh tị hay ưu tư của họ, và biết cách vận động cho họ nên công kia việc nọ.

Nếu ta muốn dò xét quan nha ở những chỗ ấy xem là thanh liêm hay tham nhũng, thì ta chỉ cần quan sát kỹ cái hạng người đặc biệt này là hạng người xưa nay vẫn ăn bám vào quan nha và mưu lợi luôn thể cho quan nha nữa. Khi ta thấy những kẻ mối lái kia đông đúc và thịnh vượng, ấy tức là công việc vẫn sầm uất, trót lọt. Trái lại, khi các quan không đem oai quyền ra buôn bán, thì bọn mối giới này rơi ngay vào cảnh thất nghiệp, hoặc là kêu ca ta thán hoặc là đành phải bán sới mà đi.

Cũng có những vị quan rất thanh liêm mà lại bị dân gian căm hờn, bởi cớ rằng cứ nghiêm quá, cẩn thận mọi sự quá, làm cho những việc rất tầm thường cũng hóa ra rắc rối, thí dụ như bó buộc người dân có việc vào hầu phải tốn rất nhiều tiền đi cầu khẩn bọn chạy việc kia chỉ đường chỉ lối cho trước đã. Đây là một thí dụ để cho ta biết rằng muốn làm ông quan tốt, không phải hễ cứ thanh liêm mà đã là đủ. Lại còn phải có trí sáng suốt, có lòng hảo tâm để mà tránh cho đám dân dưới quyền mình khỏi ở trong cái cảnh lúc nào cũng nơm nớp lo có điều gì trái luật.

Đối lại, trong hoạn trường lại có một số người đặc biệt họ biết tham nhũng một cách nhã nhặn, vừa phải, thật là một lối tham nhũng đắc sách lắm, vì nó làm cho tất cả mọi người đều sống được vì nó mà không làm cho dân phải khổ sở quá. Cái thái độ này, than ôi! đã sinh thành nên những ông quan lớn có danh tiếng với cả nhân dân cũng như được lòng cả chính phủ, vì những ông quan lớn ở bực trên nữa cũng có lợi vào cái cách thức ấy, mà lại được yên tâm, không bao giờ phải lo có điều gì phiền nhiễu đến mình, khi thấy những kẻ ở dưới quyền mình đã khôn khéo trăm khoanh như vậy.

Trước khi kết liễu thiên khảo cứu này, tôi còn muốn mời các ngài để ý đến một cái nguồn hối lộ mới mẻ nữa cho các quan lại và những chân tay của họ. Ấy là một trăm nghìn sáng kiến của chính phủ Pháp vừa có từ ít lâu nay, tức là những cuộc điều tra, đòi hỏi về những con số để lập những bản thống kê về nông nghệ, kỹ nghệ, nhân công, mục súc, dân số, cùng những sự di dịch của dân gian, toàn là những điều hữu ích mà nhà nước cần biết rõ, nhưng mà người dân ngu không sao hiểu nổi được, tổng lý cũng vậy.

Nhà nước in ra những mảnh giấy, chằng chịt những cột những dấu để chia lớp, chia đoạn rất khó hiểu, rồi trao cho lý trưởng để viết vào cho đầy, thì mỗi một tờ giấy đó thường các lý trưởng phải tốn kém hàng một hai chục bạc, bỏ ứng ra trước để rồi tính cho cả làng phải chịu sau.

Vì rằng muốn khỏi sợ làm hỏng mất mảnh giấy in trịnh trọng và đẹp đẽ của nhà nước như thế, bọn lý trưởng đã nghĩ thà rằng nhờ quách ngay cái ông phán, ông ký nào đó ở công đường viết hộ còn chắc chắn hơn, mà ông phán hoặc ông ký kia phần nhiều lại chính là người đã được quan cử ra để kiểm soát và nhận những giấy ấy.

Số tiền chè lá của hàng trăm làng trong một địa hạt như thế không phải là nhỏ, cho nên ta chớ tưởng rằng số tiền ấy chỉ riêng một mình ông ký kia được xơi cả thôi đâu. Tất cả các nhân viên trong công đường thường thường được chia nhau chấm mút, trừ ra nếu ông quan lớn không chiếm lấy cả và chỉ để giành cho người ông cử làm việc ấy có một phần nhỏ.

Xem như vậy thì nếu chính phủ Pháp ở đây không muốn khuyến miễn cái sự những viên chức công sở bóc lột đám dân ngu như thế, tất phải tổ chức thế nào cho những cách thức điều tra, dò hỏi nói trên này được hoàn hảo hơn nữa.

Có nhiều câu hỏi, nếu chỉ nhìn trên mặt giấy, thì thấy như là rất dễ, đứa trẻ con cũng làm xong được, vậy mà lý trưởng, chánh hội các làng không biết đàng nào mà đáp, vì rằng cuộc đời và mọi sự cần lao của người dân An Nam xưa nay không hề được có tổ chức phân minh như chính phủ vẫn tưởng lầm.

Vì sự tưởng lầm đó mà các nhà cầm quyền coi như là rất tầm thường, rất tự nhiên việc hỏi nhà nông trong một mùa đã tốn bao nhiêu công cày, bao nhiêu công gặt, bao nhiêu công tát nước, việc hỏi một vụ ngô, một vụ đậu, một vụ mía, hoặc những nông sản nào khác nữa được tất cả là bao nhiêu…

Bao những điều khai báo của hương lý kia, toàn là phải mất nhiều tiền mới có được mà chẳng đúng sự thực một tí nào! Họa chăng phải có một ngạch chuyên môn gồm có những người vừa giàu trí khoa học vừa thấu rõ mọi cách làm ăn của người bản xứ, khi bấy giờ mới mong có thể lập nên những bản thống kê có những con số tiềm tiệm đúng, khả dĩ đem dùng làm tài liệu cho những sự nghiên cứu hoặc những công cuộc  tổ chức có ích lợi thật, về mai sau được.

Sau cùng, lại còn việc kiểm soát các công việc cải lương (cải cách. B/t) hương tục là những công việc đã gây ra biết bao nhiêu sự tranh giành ghê gớm về tư lợi, nhưng về việc này, chúng tôi sẽ nói rõ ràng kỹ lưỡng trong một thiên khảo cứu khác.□
 ● Nguồn: Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số. 27 (13/11/1937), số. 28 (20/11/1937), số. 29 (27/11/1937), số. 30 (4/12/1937) và số. 32 (18/12/1937).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét