Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

HÀO KIỆT LAM SƠNTHƯỢNG THƯ BỘ LỄ BÙI Ư ĐÀI

                                                                                                  BÙI XUÂN TÍCH

                               Chủ tịch BCH CĐ họ Bùi

 huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

Nhà thờ dòng họ Bùi ở làng Bách Cốc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

      Truyền thuyết làng Bách Cốc kể rằng, vào đời Trần Anh Tông có 12 vị tổ các họ Bùi xuống khai phá đất hoang, lập ra chòm xóm cư dân. Gia phả họ Bùi Doãn còn ghi rõ: Thủy tổ là Bùi Doãn Nguyên thuộc chi ba họ Bùi Văn ở xã Ngọc Nhuận, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, gốc cùng họ với tộc trưởng Bùi Mộ ở làng Hưng Giáo, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Hai anh em họ Bùi Mộ và Bùi Doãn Nguyên cùng đậu Hương cống, đều nổi tiếng văn chương. Hai anh  em đi thi Thái học sinh khoa Giáp Thìn đời Trần Anh Tông (1304). Bùi Mộ đậu Bảng nhãn, “Bùi Doãn Nguyên không trúng, đã phẫn chí bỏ làng đi nơi xa, đến xã Bách Cốc dạy học, ôn luyện để nuôi chí làm nên nghiệp lớn”(1). Ông đưa vợ từ Ngọc Nhuận là bà Nguyễn Thị Bình cùng về Bách Cốc. Ông bà sinh một con trai là Bùi Quang Gia, được cha nuôi nấng, dạy dỗ Bùi Quang Gia học hành tấn tới. Năm Giáp Dần (1374) đời Trần Duệ Tông, đậu Hương Cống. Bùi Quang Gia cũng không ra làm quan, tiếp tục ở nhà dạy học. Bùi Quang Gia sinh hai con trai là Bùi Doãn Trung (tức Bùi Ư Đài) và Bùi Doãn Hậu. Hai anh em đều học giỏi nhưng đều ở ẩn, chờ thời cơ giúp nước, nghĩ cách cứu dân. Khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Thanh Hóa, Bùi Ư Đài cùng con trai là Bùi Doãn Thái lặn lội tìm đường vào Lam Sơn, tham gia khởi nghĩa.

     Mùa xuân năm Đinh Mùi (1427), Lê Lợi cùng đại quân tiến ra Đông Đô bao vây chặt giặc Minh trong thành, bức Vương Thông phải đầu hàng. Lê Lợi đóng đại bản doanh tại Bồ Đề  (bờ sông Hồng thuộc địa phận Gia Lâm Hà Nội), trực tiếp chỉ huy việc giải phóng Đông Đô. Chiến thắng sắp đến, Lê Lợi chuẩn bị xây dựng chính quyền dân tộc độc lập. Lê Lợi cử Nguyễn Trãi làm thượng thư Bộ lại và Bùi Ư Đài là Thượng thư Bộ Lễ, giúp Lê Lợi xây dựng bộ máy chính quyền Trung ương và các địa phương.Vua Lê lại chia nước ra làm 5 đạo, cử Bùi Ư Đài kiêm tri Đồng tri bạ tịch Bắc đạo (Quan đứng đầu trông coi công việc hành chính quân sự ở vùng đồng bằng ven biển Bắc bộ). Năm 1428, khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, Lê Lợi ban thưởng cho các tướng sỹ. Song, biên giới phía Bắc còn có nhiều điểm ở vùng dân tộc ít người tình hình diễn ra phức tạp. Lê Lợi cử Bùi Ư Đài sang kiêm tri Bắc đạo quân dân bạ tịch, nhằm ổn định tình hình kinh tế chính trị xã hội vùng biên giới. Ông làm quan thanh liêm, nhân ái đoàn  kết được các dân tộc miền núi, làm cho vùng biên giới yên ổn. Vì thế, sau này ông qua đời, dân vùng Lạng Giang ghi nhớ công ông, đã tạc tượng, lập đền thờ tướng công Bùi Ư Đài.

Ngày 22 tháng 8 (nhuận) năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà ở Chính Tẩm, Lê Thái Tông lên ngôi ngày 8 tháng 9 năm 1433, tôn xưng Thái Tôn Văn hoàng Đế, đặt niên hiệu Thiệu bình (1434 - 1439) Đại Bảo (1439 - 1442). Sau khi  Lê Thái Tổ mất, vua mới còn trẻ tuổi, Bùi Ư Đài thấy trời sinh nhiều tai dị; Bùi Ư Đài đã dâng sớ tâu bày bốn điểm cần làm ngay, giúp vua lo việc hưng thịnh, củng cố đất nước, chống lại gian thần:

Điều thứ nhất: Xin bệ hạ bên trong thì chọn những bậc hoàng huynh (2) quốc hữu (3) già lão, am hiểu điển xưa, lưu làm nhập thị để khuyên răn nhắc bảo cho mình, ngoài thì đặt chức sư phó, để làm cột đá của nước, chỉ huy trăm quan.

Điều thứ hai: Các quan viên văn võ và quân dân trước đã bị tội đồ lưu ở các nơi là tiên đế có ý trừng răn, nay lại thấy trọn về làm quan, giữ chức coi quân trị dân, thế là trái ý tiên đế, không hợp với đạo trời đất ...

Đại Tư Đồ Lê Sát đọc nội dung bản tấu sớ giận lắm, sai người chép hai điều ấy tự tay cầm lên dâng vua và nói:

 - Tiên đế cho bọn thần là bề tôi cũ lâu đời, vả lại đã cùng với tiên đế vất vả trong mười năm, ra vào chốn muôn chết một sống để lập nên triều đình, tiên đế vốn biết bọn thần là hạng chất phác ngu độn cho nên đến khi sắp băng, đem bệ hạ ký thác cho bọn thần. Nay Ư Đài nói thế, có ý ngờ bọn thần làm bậy, chuyên quyền mà xui bệ hạ tìm người thân thuộc khác để phòng giữ, xin giao xuống cho ngục quan xét hỏi việc chém không tha.

Vua ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Câu nói của Ư Đài tuy có thiệt hại, nhưng đâu đến thế!

Lê Sát tâu đi tâu lại vài bốn lần, Vua đều không nghe. Bọn Thiên Hựu, Cẩm Hồ lại tâu rằng:

- Ư Đài khuyên Bệ hạ không nên tin dùng đại thần, thế là lời di chiếu của Tiên đế mà gây càn hiềm khích, không thể không xét tội”. Hữu Bật và Lê Văn Linh cần tờ sớ đến tâu, Vua nói cho xét. rồi sử tội  Ư Đài lưu đi Viễn Châu.

 Bọn quyền thần quyết hãm hại ông tìm cách buộc vua phải trị tội ông, xử ông lưu đày viễn xứ. Ba năm sau, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) vua Lê Thái Tông trị tội bọn quyền thần phạm nhiều tội lộng quyền, hãm hại các công thần. Bùi Ư Đài được minh oan, phục chức, cho Bùi Ư Đài giữ chức Đồng tri môn hạ Tử tư sự, tước trí tự kiêm chức Tham tri quân dân bạ tịch Tây đạo (nay thuộc Hà Nội, Hòa Bình,Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tây Bắc).

Bùi Ư Đài làm quan trải qua ba triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Cuối đời, tuổi cao sức yếu, ông về nghỉ hưu dưỡng tại quê nhà. Ông mất ngày 22 tháng 8 năm Tân Tỵ (1461), niên hiệu  Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông. Ngày 15 tháng 10 năm đó, vua Lê Thánh Tông ban chiếu truy tặng Bùi Ư Đài là Bình Ngô khai Quốc Bảo chính công thần Thái phó Bình quận Công. Và chiếu chỉ cho Bùi Ư Đài là thành hoàng làng Bách Cốc để muôn đời  dân được hương lửa phụng thờ.

Nội dung chiếu có đoạn đánh giá công lao to lớn của ông.

“ Như Rồng ngâm, như hổ phục, suốt đời làm tôi trung phụng sự quân Vương, nét Phụng vẻ Rồng thật là con người phi thường, con người hiếm có. Thái phó Bình quận công Ư Đài, như phúc tinh ở phương Đông, chính khí ở Nam, hội ngộ Lũng Nhai như duyên ưa cá nước, chiến đấu ở Chi Lăng dũng mãnh như hổ báo, làm tả tướng cho  vua Thái Tổ bình thiên hạ, đời vua Thái Tông được thanh bình, làm quan trải qua ba đời vua, tài kiêm văn võ, trải nghiệm qua nhiều việc lớn, lúc yên, lúc nguy, có nhiều công lớn với nước nhà, cháu con cùng hưởng lợi.

Nay tặng phong Uy linh dũng lược trung đẳng thần để nêu gương sáng làm tôi thờ vua tốt”

Đền thờ của ông tại làng Bách cốc (nay thuộc xã Thành Lợi huyện Vụ Bản), có đôi câu đối thờ:

                 Lê sử lưu truyền Thái phó Quận công phúc trạch viễn

                 Cốc từ hiển đạt Dân khang vật phụ khánh trùng hưng

Nghĩa là:

                   Sử Lê truyền lại Thái phó quận công phúc trạch viễn

                   Đền Cốc rỡ ràng dân yên vật phụ thật mừng vui.

Tướng quân Bùi Ư Đài chỉ có một người con trai là phó vệ uý Bùi Doãn Thái, cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Bùi Doãn Thái không có con trai, cũng chỉ có một con gái là Bùi Thục Viên, là vương phi của cung vương Lê Khắc Xương (anh của Lê Thánh Tông) là tổ mẫu của họ Bùi đặc ân ở Thượng Trưng (nay thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Thái phó Bình quận công được vua ban xạ điền, nay là cánh đồng Xạ phía đông nam làng Bách Cốc.

 

 

(1) Bùi Văn Tam, Trích gia phả Bùi Doãn làng Bách Cốc – lưu tại nhà thờ.

 (2).Hoàng huynh: anh vua.   

(3):Quốc hữu: Bố đẻ của vợ vua, hoặc là cậu vua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét