Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

MINH TRIẾT CỦA NGUYỄN TRÃI, NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỀ KINH DOANH

 NGUYỄN KHẮC MAI

  1. Quan niệm kinh tế của Việt Nam và Phương Đông rất minh triết.

          Những người có đôi chút hiểu biết về tư tưởng cổ truyền của Việt nam và Phương Đông đều nhận ra được hai chữ kinh tế, thật sự là rút gọn từ quan niệm “kinh bang tế thế”. Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh định nghĩa hai chữ “Kinh tế” như sau:

          “Nguyên là chữ kinh bang tế thế, là sửa nước cứu đời, hoặc kinh thế, tế dân, là trị đời giúp dân. Sau người Nhật Bản dùng về nghĩa mới để dịch chữ économie của Tây. Ngày nay phàm cái gì có quan hệ đến việc lợi dụng hậu sinh(1) đều gọi là kinh tế”

          Như vậy trong quan niệm của văn hiến Việt Nam, hai chữ kinh tế, hoặc khái niệm kinh tế có cái hồn, cái cốt, cái tinh hoa minh triết giúp nước, cứu đời, cứu dân. Cái ích, cái lợi của kinh tế là hướng tới những mục tiêu dân tộc, xã hội và người dân. Không thể và không chỉ là hoạt động sinh lợi đơn thuần, hoặc chỉ là đạt tới sự sản xuất vật phẩm dồi dào, của cải tuôn trào như nước.

          Vì thế, ngày nay người ta đang chê trách các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thị trường, toàn cầu hoá là những nền kinh tế thiếu vắng đạo đức. Còn những nền kinh tế “tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” một thời và cả hiện nay là những nền kinh tế bỏ rơi con người.

          Ở nước ta hiện nay, sự yếu kém về kỹ thuật, về nghệ thuật quản lý kinh tế ở cả tầm vĩ mô cả tầm vi mô cùng với sự sa đoạ đạo đức trong kinh tế, trong kinh doanh đang gây những tác hại không nhỏ cho Đất nước, cho Đời, cho Dân.

          Việc thấm nhuần trở lại cái hồn mạch minh triết trong kinh tế, kinh doanh là lợi nước, lợi dân, lợi xã hội ở tầm vĩ mô người ta sẽ vượt qua được những triết thuyết giáo điều, những thứ “chủ nghĩa” còn rất mơ hồ không chính xác, chẳng hạn như coi thường tư hữu của Dân, của xã hội, nhăm nhăm đề cao công hữu lạc hậu(2), thực hiện một chế độ “vừa làm bà đỡ vừa làm bà đẻ” !

Đạt tới minh triết ấy người ta dễ dàng vượt qua giáo điều, máy móc và độc đoán để nhanh chóng kiếm tìm mọi giải pháp, cởi trói những ràng buộc khiến Dân tộc và xã hội chỉ được giẫm chân đi những bước ngắn hoặc “ắc, ê” thụt tới rồi thụt lui.! Chỉ cần phân tích vì sao nửa thế kỷ rồi, từ 1960 đến nay nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa vượt khỏi giới hạn GDP 1000$ (Xem sơ đồ phát triển kinh tế từ 1960 đến 2004 của các nước châu Á và Đông Nam Á – Havard), hẳn sẽ thấy rõ sự khấp khểnh của phương châm “Kinh tế là trung tâm” mà đã coi nhẹ những mối quan hệ xã hội khác. Chúng ta đang chứng kiến những nghịch lý từ trong kinh tế, kinh doanh khiến con người nghèo đi tương đối, xã hội suy đồi về đạo đức, môi trường, núi rừng, sông biển bị hãm hại.

          Nếu người lãnh đạo, người vạch đường lối, định chính sách, người quản lý thiếu cái chất minh triết, thiếu cái tính sáng, cái tâm vô ngã, họ rơi vào trạng thái như bài thơ Cảm thời cổ ý - Cảm cái ý cổ xưa của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

                                         Phú gia cần hữu toán,

                                         Kinh quốc tiếu vô thuật.

                                         Dục thắng lý tự tiêu,

                                         Khí kiêu chí tuỳ dật.

          Giải nghĩa:

                               Đạo cần mẫn của nhà giàu là biết tính toán

                               (Thế mà) cười cho kẻ trị nước lại không có chước thuật

                               Dục vọng thắng thì lẽ phải tiêu vong

                               Tính khí kiêu ngạo thì chí hướng cũng phiêu dạt.

          Họ không thể hài hoà 3 lợi ích lớn: lợi ích của nước, của xã hội, của con người, họ tự đánh mất cái ý chỉ của minh triết tiền nhân trong khái niệm làm kinh tế là dựng nước, giúp đời, cứu dân, độ thế.

          Ở tầm vi mô, họ chỉ biết nhăm nhăm kiếm lợi, chỉ biết cái lợi nhỏ, cái lợi vật chất trước mắt mà quên mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội với con người, với thiên nhiên, với văn hoá lịch sử, mà người xưa, (Kinh Dịch) gọi là mỹ lợi, đại lợi.

          Chúng ta hi vọng khi trở lại minh triết dựng nước, giúp dân trong quan niệm kinh tế trong mỗi hành vi kinh tế sẽ thấm đượm tính người, lẽ thiện. Trong mỗi nhà doanh nghiệp lớn, nhỏ là một con người văn hóa, tài hoa, biết làm giàu cả vật chất cả tính người.

          Đó là tính sáng, tính người mà chúng ta cần vun trồng, chắc chắn sẽ là chất lượng mới của xã hội, là hành trang để dân tộc ta tiến vào thế kỷ mới.

2. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi trọng minh triết về mối quan hệ Con người trong kinh tế.

     Trong kinh tế có nhiều mối quan hệ, Quan hệ với đồng vốn ( tư bản); quan hệ với khoa học, kỹ thuật, công nghệ; quan hệ với thiết chế xã hội (luật pháp – đạo lý – phong tục ...); quan hệ với thiên nhiên, môi trường; quan hệ với văn hoá lịch sử. Nhưng mối quan hệ với Con người là quan trọng nếu người ta biết nhìn nhận con người không duy chỉ như là một nguồn lực, một công cụ.

          Trong kinh tế, trong kinh doanh thì con người cần lao, tạo ra của cải trong cả bốn khâu. Bốn lĩnh vực sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng, con người có công nhất.

          a. Minh triết của Nguyễn Trãi

                                         Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày 

          Trong xã hội cổ truyền Việt Nam “dĩ nông vi bản” thì kẻ cấy cày chính là lực lượng xã hội lớn nhất làm nên của cải. Ngày nay chúng ta phải hiểu “kẻ cấy cày” là các lực lượng con người xã hội tham gia tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho đất nước. Lộc ngày nay phải hiểu là mọi thụ hưởng, mọi thu nhập của mỗi người hoặc từ lương, từ thưởng, từ lãi, từ kế thừa ... Và ta có cái triết lý rất hay phải được làm nền cho việc vạch chính sách hay chế độ đãi ngộ đối với người cần lao. Đáng tiếc điều này chưa được thể hiện tốt đẹp khiến cho đồng lương hiện nay đã làm mất đi cái chất đạo lý. Sự đền đáp không đúng, không tốt khiến cho lao động mất giá trị đạo đức, đưa  tới sự rối loạn các hệ giá trị trong xã hội! Chính sách lương trở thành tội lỗi (Xem Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Khắc Mai trong Luận cứ khoa học nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ).

          Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày đã giải thích mọi nguồn của cải đều do con người, trước hết là người cần lao. Cho nên người làm ra của cải vật chất hay giá trị tinh thần đều phải được đánh giá, trả ơn đầy đủ, đúng đắn. Mọi người trong xã hội không trừ ai đều chịu ơn “kẻ cấy cày” tức là những người tạo ra của cải giàu có về vật chất và tinh thần cho xã hội.

          Đó là một minh triết cần thấm hiểu và làm theo.

          b. Minh triết Nguyễn Bỉnh khiêm.

          Trong kho tàng tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những giá trị minh triết đẹp đẽ về lĩnh vực này. Bạch Vân quốc ngữ thi có 4 bài thơ đề cập đến những vấn đề cực kỳ tinh tế, càng nghiệm càng thấy rõ tính “kim nhật kim thì”, như mối quan hệ người giàu và người nghèo, như lối sống (làm ăn) của người giàu, đạo cần, đạo nhân nghĩa, tình thương ...

          b.1. Kẻ khó, kẻ giàu ơn ích lẫn nhau   

          Bài số 59 trong Bạch Vân quốc ngữ thi, có hai câu:

                                         Kẻ khó nhờ ơn có kẻ giàu

                                         Làm chi đua cãi mất lòng nhau.

          Bài 189 với đầu đề Giới dĩ phú lăng bần (Răn kẻ giàu lấn áp kẻ nghèo).

                                         Kẻ khó thường làm ích kẻ giàu

                                         Ở thì phải ngẫm biết nhường nhau.

                                         Bán kia, chẳng nỡ mua cho rẻ,

                                         Vay nọ, xin đừng lấy lãi đau.

                                         Bớt nỗi sai đời làm độc khổ,

                                         Thôi thì đã trả hãy cơ cầu.

                                         Nặng lòng nhân nghĩa hay thương khó,

                                         Giàu ấy hầu toan mấy được lâu.

          Nếu bài trước Nguyễn Bỉnh khiêm đặt mối quan hệ “Kẻ khó nhờ ơn có kẻ giàu” thì bài sau ông lại nhấn mạnh: “Kẻ khó thường làm ích kẻ giàu”. Đó là quan hệ biện chứng tương liên, tương quan, tương hỗ. Đó là luật đời. Là phương thức tư duy minh triết, khác xa với “ý thức hệ” đấu tranh giai cấp ai thắng ai, một mất một còn. Thiên hạ thời nay chí lý khi cùng với Lloyd Bruce (Anh quốc) nhận định rằng: “Nếu những người lãnh đạo không hiểu và không biết dùng minh triết, họ sẽ trả giá đắt cho sự vô minh của mình”. Sự vô minh đối với minh triết trong phạm trù mối quan hệ “kẻ giàu”, “kẻ nghèo” của những người lãnh đạo thời hiện đại đã làm cho Dân tộc phải trả giá đắt như thế nào mà đến nay di hoạ vẫn chưa hết thì quá rõ.

          b.2. Phú gia cần hữu toán.

          Trong Bạch Vân Am thi tập (Thi tập viết bằng chữ Hán) Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ: Cảm thời cổ ý:

 

                                         Phú gia cần hữu toán

                                         Kinh quốc tiếu vô thuật.

                                         Dục thắng lý tự tiêu,

                                         Khí tiêu chí tuỳ dật.

          Ông nêu một chân lý, một quy luật cái đạo kẻ giàu là phải cần mẫn và biết tính toán. Siêng năng, hoạt động, hay lo (một người hay lo bằng kho người hay làm), đó là phẩm chất, là tố chất của kẻ giàu (nhà kinh doanh).

          Điều rất lý thú và sâu sắc là bài có 4 câu, 20 chữ nhưng hàm chứa nhiều nội dung, nhiều ý tứ. Nếu chỉ nói trong lĩnh vực kinh tế, bài thơ đã nói tới hai loại người hết sức quan trọng trên đời xưa cũng như nay. Nhà kinh doanh (Phú gia) ở tầm vi mô và cả người trị nước (kinh quốc) ở tầm vĩ mô. Cái năng lực của kẻ giàu là cần (cần mẫn, năng động) và toán, biết tính toán, hay lo. Nhưng nếu để cho dục vọng (xấu) và khí kiêu lấn át thì cả lý cả chí tức là sự nghiệp ắt tiêu vong, mất mát. Ở tầm vi mô, cơ sở mà như thế, ở tầm vĩ mô những kẻ điều hành kinh tế, làm giàu mạnh cho Đất nước (kinh quốc) thì sao? Nguyễn Bỉnh Khiêm hạ một chữ Tiếu (cười cho) thật mỉa mai, thật căm giận, thật lo buồn. Nhãn tiền chúng ta chứng kiến những gì mà 500 năm trước Nguyễn Bỉnh Khiêm từng lo âu cho hôm nay của chúng ta.

          b.3 Đạo lý trong bán, mua, cho vay.

          Bán, mua, cho vay là 3 lĩnh vực, 3 quá trình hoạt động kinh doanh. Trong bài 189 (Bạch Vân quốc ngữ thi) Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ:

                                         Bán kia chẳng nỡ mua cho rẻ

                                         Vay nọ, xin đừng lấy lãi đau.

          Có một thời “bán như cho, mua như cướp” cũng là không đạo lý. Cần có những công thức, những giải pháp để cho, bán, mua, vay (tín dụng), mhững hoạt động cơ bản của kinh doanh có sự hài hòa để thực hiện cho được một tiến bộ xã hội, để “ Bớt nỗi sai đời làm độc khổ”. Bớt sai, bớt khổ là mong ước, là sự phấn đấu của con người, của xã hội trong đó nhà kinh doanh, nhà quản lý kinh doanh phải có được trong trí, trong tâm, trong đức của mình.

          Nguyễn Bỉnh Khiêm còn khuyên trong kinh doanh phải biết “cả tiêu”, tiêu nhiều và tiêu vào việc nghĩa, vào việc “dung đãi”. “Cho nên của ít nghĩa thì nhiều / Nghĩa nhiều vì bởi hay dung đãi”. “Dung đãi” trong quan hệ nội bộ là lương, thưởng tử tế. “Dung đãi” ngoài xã hội là những việc công ích. Ngày xưa chúng ta từng biết nhiều phú hào bỏ tiền xây cầu đắp đường, tế bần, từ thiện, xây dựng chùa miếu, xây dựng văn chỉ thờ các tiên hiền ... Nhiều nhà doanh nghiệp ngày nay đang cố gắng làm theo. Tuy nhiên xã hội cũng lấy làm ngờ đối với những người, những trường hợp đã lợi dụng những việc tốt đó để “rửa tiền” là chính.

          Ông còn khuyên phải biết chắt chiu, biết nhiệm nhặt (cẩn thận, chặt chẽ trong chi tiêu) biết sân siu (đem chỗ này bù chỗ khác ...). Nếu làm được như thế thì:

                                         Bốn mùa đều hưởng thiên nhiên lộc

                                         Thong thả ngồi chơi cõi Thuấn Nghiêu.

          b.4. Nhân nghĩa và tình thương trong kinh doanh.

          Về nhân nghĩa và tình thương Nguyễn Bỉnh Khiêm nói:

                                         Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần

          Hoặc:                     

                                         Chớ có hại người mà ích kỷ

          Và:

                                         Nặng lòng nhân nghĩa hay thương khó

                                         Giàu ấy hầu toan mới được lâu.

          Trong tư tưởng cổ truyền của Việt Nam, có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm là người nêu ra đạo lý trong những mối quan hệ cơ bản của kinh doanh. Mối quan hệ kẻ giàu, kẻ nghèo, nhà kinh doanh và người lao động; mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp; mối quan hệ giữa doanh nghiệp với xã hội; mối quan hệ đạo đức, nhân nghĩa và kinh doanh.

          Từ những minh triết của người xưa nói về kinh tế, về kinh doanh, chúng ta có thể soi chiếu những hiện thực đáng mừng, cũng như tình trạng đáng lo, đáng giận của sự chụp giật, man rợ, ích kỷ, hại người, hại cả thiên nhiên cả xã hội đang diễn ra. Điều đáng hy vọng là những minh triết của tiền nhân đang được sống và làm theo trong những doanh nhân văn minh, tử tế và nhân hậu.

          Xin chép lại nguyên văn những bài thơ đầy tính minh triết của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm để tặng những nhà doanh nghiệp cùng những nhà quản lý kinh tế, kinh doanh hôm nay.

          Nguyễn Trãi:                   

Quốc âm thi tập, Bài 19.

                                         Sinh đấng trung, đà phúc đức thay,

                                         Chẳng cao, chẳng thấp, miễn qua ngày.

                                         Ở yên thì nhớ lòng xung đột,

                                         Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày.

                                         Nhiều của, ấy chẳng qua chữ nghĩa,

                                         Dưỡng người cho, kẻo nhọc chân tay.

                                         Trời đã có kho vô tận,

                                         Dành để nhi tôn khỏi bợ vay.

 

          Nguyễn Bỉnh Khiêm:      

Bạch Vân quốc ngữ thi tập,

 Bài 59

          Kẻ khó nhờ ơn có kẻ giàu,

                                         Làm chi đua cãi mất lòng nhau.

                                         Người hơn, ta thiệt thì dầu vậy,

                                         Đấy thẳng, đây chùng, chẳng đứt đâu.

                                         Dại nọ chưa đo âu đã đắn,

                                         Khôn thì thốt trước lại lo sau.

                                         Thế gian hễ sự lành càng dữ,

                                         Hễ thấy ai han hãy lắc đầu.

                               Bài 80.

                                         Trời sinh trời ắt đã dành phần,

                                         Tua hãy cho hiền dạ có nhân.

                                         Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ,

                                         Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần.

                                         Bạo hung chỉn đã gươm mài đá,

                                         Phúc đức đành hay có đượm xuân.

                                         Chớ có hại người mà ích kỷ,

                                         Giấu người khôn giấu được linh thần.

                               Bài 81.

                                         Khéo kiếm song le lại cả tiêu,

                                         Cho nên của ít, nghĩa thì nhiều!

                                         Nghĩa nhiều vì bởi hay dung đãi,

                                         Của ít nhân chưng biết chắt chiu.

                                         Vốn tính chẳng quen từng nhiệm nhặt,

                                         Nghĩ mình đã trải sự sân siu.

                                         Bốn mùa đều hưởng thiên nhiên lộc,

                                         Thong thả ngồi chơi cõi Thuấn Nghiêu.

 

                               Bài 189.  Giới dĩ phú lăng bần

                                         (Răn kẻ giàu lấn áp người nghèo)

                                         Kẻ khó thường làm ích kẻ giàu,

                                         Ở thì phải ngẫm biết nhường nhau.

                                         Bán kia, chẳng nỡ mua cho rẻ,

                                         Vay nọ, xin đừng lấy lãi đau.

                                         Bớt nỗi sai đời làm độc khổ,

                                         Thôi thì đã trả hãy cơ cầu.

                                         Nặng lòng nhân nghĩa hay thương khó,

                                         Giàu ấy hầu toan mới được lâu.

 

                                         Bạch Vân Am thi tập

                                                   Cảm thời cổ ý

                                         Phú gia bần hữu toán,

                                         Kinh quốc tiếu vô thuật.

                                         Dục thắng lý tự tiêu,

                                         Khí kiêu chí tuỳ dật.

          Dịch nghĩa:

                               Đạo cần mẫn của nhà giàu là biết tính toán,

                               Cười cho kẻ trị nước mà lại không có chước thuật.

                               Dục vọng thắng thì lẽ phải tự tiêu vong,

                               Khí kiêu ngạo thì chí hướng trôi dạt./. 

TB.Thôn Minh Triết,có Giáp Kinh để đàm đạo về những vấn đề kinh tế.Thôn cũng đã cho đăng bài về Kinh tế Minh triết.Ở Giáp này cuộc đàm đạo về  lĩnh vực kinh tế chưa nhiêu .Chúng tôi sưu tầm lại bài tham luận này được trình bày ở cuộc Hội thảo”Minh Triết trong Kinh Doanh”tổ chức ở TP HCM năm 2009 để hầu chuyện  các quý độc giả. KÍnh cẩn.KM



(1) Hậu sinh: sự dồi dào của đời sống

(2) Chế độ công hữu là chế độ của thời cộng đồng nguyên thuỷ, của tư tưởng phong kiến “dưới gầm trời đâu cũng là đất của vua”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét