Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

CHÂU HỮU QUANG MỘT TRÍ THỨC TRUNG QUỐC CÓ NHÂN CÁCH HOÀN MỸ

 NGUYỄN HẢI HOÀNH


     Châu Hữu Quang (周有光, Zhou Youguang) tên thật là Châu Diệu Bình (周耀平), sinh năm 1906 trong một gia đình khá giả nhưng trải qua ba lần khuynh gia bại sản: vào thời nhà Thanh, sau đó là trong Thế chiến lần thứ hai và cuối cùng là trong Cách mạng văn hóa. 

     Tuy vậy khó khăn không ngăn cản nổi quyết tâm của ông theo đuổi việc học tập. Thập niên 1920 Châu học môn kinh tế tại trường đại học St. John, một cơ sở giáo dục tốt nhất Thượng Hải hồi ấy.

     Sau đó ít lâu ông làm việc cho một ngân hàng Trung Quốc ở Mỹ, « Đó là nhà số 1 phố Wall – trung tâm của chủ nghĩa đế quốc » – ông mỉm cười kể lại khi trả lời phỏng vấn của đài BBC. Nụ cười luôn nở trên môi con người lạc quan này, cho dù cuộc đời ông đầy gian truân khổ ải. 

Năm 1949, nước CHND Trung Hoa ra đời. Châu Hữu Quang quyết định rời Mỹ về Trung Quốc để xây dựng đất nước. Ông được bổ nhiệm làm giáo sư kinh tế trường Đại học Phục Đán nổi tiếng ở Thượng Hải.

     Năm 1955, Ủy ban Ghi âm Hán ngữ mời Châu Hữu Quang tham gia Ủy ban này và lên Bắc Kinh dự Hội nghị Cải cách chữ viết toàn quốc. Cho dù đã mấy lần từ chối tham gia với lý do không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhưng sau khi được một người bạn thân thuyết phục, cuối cùng Châu Hữu Quang đồng ý tham gia và đến dự hội nghị nói trên. May sao quyết định này đã tình cờ cứu ông thoát khỏi cuộc thanh trừng sắp sửa xảy ra.

     Đây là đợt thanh trừng đầu tiên do Mao Trạch Đông phát động vào mấy năm sau đó, gọi là phong trào chống phái hữu ; rất nhiều nhà trí thức ở Mỹ về bị bắt giam trong phong trào này. Châu Hữu Quang nhớ lại : « Trong phong trào chống phái hữu, các giáo sư đại học ở Mỹ về đều bị đấu tố là phái hữu, có người tự tử. Ông bạn thân của tôi cũng vậy… Tôi may mắn thoát khỏi phong trào chống phái hữu ở Thượng Hải. » 

Chẳng những thoát khỏi tai họa bị đấu tố mà Châu Hữu Quang đã có cống hiến lớn cho sự phát triển Hán ngữ.

     Trong lịch sử Trung Quốc đã có rất nhiều lần các học giả thử nghiệm chuyển đổi giữa chữ Hán với chữ cái La Mã, nhưng rốt cuộc chỉ có Phương án Ghi âm Hán ngữ do Châu Hữu Quang và các cộng sự của ông phát minh là thực sự được đa số người Trung Quốc chấp nhận sử dụng và được quốc tế công nhận.

Năm 1958, phương án ghi âm Hán ngữ này được Quốc hội Trung Quốc thông qua. Thời gian 1979-1982 Châu Hữu Quang tham gia Hội nghị Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế, lập thành tích khiến Tổ chức này bỏ phiếu thông qua phương án ghi âm Hán ngữ và Tiêu chuẩn quốc tế về viết chữ Hán (ISO7098) của Trung Quốc. Năm 2007 Châu Hữu Quang được tặng giải đặc biệt của giải thưởng Khoa học nhân văn-xã hội Ngô Ngọc Chương, một giải thưởng cấp cao về nghiên cứu triết học và khoa học xã hội có tính toàn quốc.

Trong Cách mạng văn hóa 1966-1976, Châu Hữu Quang bị chụp mũ « Phái quyền uy học thuật », phải lao động cải tạo tại nông thôn tỉnh Ninh Hạ xa xôi giáp Nội Mông Cổ. Trong thời gian đó cô con gái chưa đầy 6 tuổi của ông bị chết vì viêm ruột thừa mà không được kịp thời chạy chữa.

Nhớ lại quãng đời khổ nhục ấy ông chỉ nói : « Đó chỉ là sự lãng phí thời gian, tôi chẳng làm được những công việc khác. »

     Chỉ vì tin rằng các nhà lãnh đạo đảng cộng sản sẽ đem lại dân chủ cho Trung Quốc mà Châu Hữu Quang từ Mỹ trở về tổ quốc làm việc đến năm 85 tuổi mới nghỉ hưu, sau đó vẫn kiên trì viết sách cho tới bây giờ. Ông hiến dâng cả đời mình cho đất nước, dân tộc. “Chúng tôi đều tin lời Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông ấy nói phải làm dân chủ. Chúng tôi đâu có biết sau khi lên nắm chính quyền, ông ấy lại làm chuyên chế xấu xa nhất…Nhưng tôi không hối hận chuyện về nước. Hối hận để làm gì cơ?” – ông già nở nụ cười nói thêm.

     Châu Hữu Quang là một nhân vật đặc biệt nổi tiếng không những vì tài giỏi và có các cống hiến to lớn cho sự nghiệp cải cách ngôn ngữ Trung Quốc mà còn vì ông dám nói thẳng, nói thật lòng, không giả dối với chính mình, không sợ bị trù dập – điều mà rất ít trí thức Trung Quốc dám làm. 

     Năm 2009, khi trả lời phỏng vấn của đài BBC, Châu Hữu Quang nói: Đảng Cộng Sản nên rút ra khỏi vũ đài Trung Quốc, trong tương lai nước này tất phải rời bỏ chủ nghĩa cộng sản, “ngày nào chưa rời bỏ CNCS thì tiền đồ Trung Quốc chưa thể thoát khỏi đen tối”, nếu không thể hòa bình chuyển sang tự do dân chủ thì sẽ có bạo động cách mạng, “đó là chuyện sớm muộn [mà thôi]”.

     Bình luận về phát biểu nói trên của Châu Hữu Quang, báo Thanh niên Trung Quốc cho rằng từ ngày cải cách mở cửa tới nay, dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, nước này kiên trì đi con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc, chủ trương các nước khác nhau nên căn cứ vào lịch sử, văn hóa và hiện thực tự thân mà phát triển, địa vị cầm quyền của ĐCSTQ được vững chắc lâu dài, điều đó cho thấy đảng này đã làm được việc trước sau như một đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, dốc sức vào việc làm cho quốc gia phát triển và lớn mạnh, thuận theo trào lưu của thời đại, không ngừng tiến hành tự điều chỉnh, tự hoàn thiện và tự đổi mới.

     Năm 2012, tạp chí Khai Phóng (Hong Kong) đăng bài Học giả trăm tuổi Châu Hữu Quang bàn chính trị, nói về sự đánh giá của Châu đối với Marx, Lenin, Yeltsin, Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông, Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ, Dương Chấn Ninh, Tiền Vĩ Trường, Quý Tiễn Lâm, Hồ Thích. Ông chỉ hoàn toàn khẳng định Yeltsin, Chu Dung Cơ, Hồ Thích, còn lại đều hoàn toàn phủ định, riêng với Mao Trạch Đông lại càng phủ định toàn bộ, thậm chí gần như nguyền rủa.Tuy có những phát biểu trái quan điểm chính thống nhưng Châu Hữu Quang vẫn được đánh giá cao. Tại lễ mừng thọ ông 100 tuổi, hiệu trưởng Đại học Phục Đán Vương Sinh Hồng nói : “Châu Hữu Quang là biểu tượng tinh thần của vô số nhân sĩ Trung Quốc có chí khí trong 100 năm qua”. 

     Năm 2010, trang mạng của Bộ Giáo dục Trung Quốc giới thiệu Châu Hữu Quang là “Học giả ngôn ngữ văn tự lỗi lạc”, “có phẩm chất nhân cách hoàn mỹ”. Năm 2015 nhân dịp mừng thọ ông 110 tuổi, nhà thơ Thiệu Yến Tường nói: “ Châu Hữu Quang là bậc trí giả, nhân giả và dũng giả hiếm có đời nay.” Cùng dịp đó, mạng china-review.com viết : “Châu Hữu Quang có tư tưởng tự do, nhân cách độc lập, có suy nghĩ “Lịch sử tiến thoái, thất phu hữu trách” của nhà trí thức truyền thống Trung Quốc, và có lối sống yên lặng đạm bạc, thanh bần giản dị, có tư tưởng vô cùng phong phú”. Năm 2015, mạng people.com.cn của Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ) nói Châu Hữu Quang là nhà trí thức Trung Quốc thông thoáng [nguyên văn thông đạt], lạc quan.

     Những năm gần đây, biết mình không tránh khỏi cái chết, Châu Hữu Quang thường pha trò: "Thượng đế quá bận, Ngài quên tôi rồi!" Ông sống lâu quá, vợ và con (1/2015, 80 tuổi) đều ra đi trước ông. Mới đầu ông tưởng rằng sẽ không chịu đựng nổi cái chết của vợ, người bạn đời từng chung sống 70 năm với ông. Nhưng rồi ông cũng vượt qua. Cuối cùng Thượng đế cũng nhớ tới ông. Đêm đầu tiên sau sinh nhật lần thứ 112, ông đang trò chuyện với cô cháu gọi ông bằng cậu thì ngủ thiếp đi rồi không bao giờ tỉnh lại.

     Báo TQ cho biết bí quyết sống lâu của Châu Hữu Quang là: Ít ăn thức ăn bổ và ít dùng thuốc bổ; sống có quy luật; già không lập di chúc, không mừng sinh nhật, không mừng Tết tất niên. Vợ chồng không chỉ yêu nhau mà phải kính trọng nhau ; ngày nào hai người cũng uống trà hoặc cà phê hai buổi sáng chiều, nâng chén nhìn nhau, động tác nhỏ này rất có tác dụng, làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Mấy năm cuối đời ông chủ yếu uống nước dinh dưỡng và xúp trứng gà, người gày nhưng tỉnh táo, hàng ngày vẫn đọc báo. Ông từng nói người ta chết vì ăn nhiều chứ không vì ăn ít.

     Cụ Châu là nhà ngôn ngữ học hàng đầu Trung Quốc, được gọi là “Cha đẻ của phương án phiên âm Hán ngữ”. Cụ là nhà trí thức hiếm có trên thế giới: sống lâu và vẫn tỉnh táo như thường cho đến trước khi mất. Cụ biết quá nhiều và dám nói sự thật, dám nói những điều mọi người biết cả mà không dám nói. Lãnh đạo ghét cụ lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào, vì cụ nói đúng cả, không nói điều gì cực đoan, và cụ được dân tin yêu. Cụ chẳng có học vị, học hàm gì, nhưng các quan điểm của cụ đều được tôn trọng, cả đến Mao Trạch Đông cũng chấp nhận kiến nghị của cụ (về việc dùng chữ cái Latin để phiên âm hoá chữ Hán). Năm 1955, khi đang làm việc trong ngành tài chính tiền tệ, cụ được Chính phủ Trung Quốc mời tham gia Uỷ ban Cải cách chữ viết Trung Quốc và lập tức chủ trì công tác phiên âm hoá chữ Hán. Cụ làm ở Ủy ban này cho đến 85 tuổi mới nghỉ hưu. Sau đây là một phỏng vấn báo chí:

DÁM NỔI GIẬN NHƯNG KHÔNG DÁM NÓI

- NỖI KHỔ CỦA TRÍ THỨC TRUNG QUỐC

     Nhà báo hỏi: Khái niệm “Người trí thức” đến từ phương Tây, từ này không có trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1921, Đảng Cộng sản thành lập, trong Điều lệ Đảng mới chính thức dùng hai từ “Người trí thức” và “Tầng lớp trí thức”. Năm 1933, Chính phủ Dân chủ Công nông Trung ương ở khu căn cứ địa cách mạng của Đảng Cộng sản đã quy định rõ ràng người trí thức là một tầng lớp xã hội, thuộc vào “Người lao động trí óc”.

     Châu Hữu Quang đáp: Tại các nước tư bản tôi đã đi qua, tôi chưa nghe thấy người ta bàn về vấn đề người trí thức hoặc người lao động trí óc thuộc tầng lớp nào. Họ cố gắng làm cho mọi người đều được hưởng giáo dục đại học. Giai cấp trung lưu ở Mỹ chiếm 80% số dân toàn quốc, đều là người trí thức. Họ có vấn đề giáo dục chứ không có vấn đề người trí thức.

     Hỏi: Liên Xô tuy đã tan rã nhưng cho tới nay vẫn ảnh hưởng tới Trung Quốc, kể cả cái gọi là “vấn đề người trí thức” do Liên Xô tạo ra.

Đáp: Mao Trạch Đông có một thời từng muốn kế thừa Stalin làm người dẫn đầu Quốc tế Cộng sản. Về sau các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) chỉ trích lẫn nhau, tôi không thừa nhận anh, anh không thừa nhận tôi. Các sử gia bèn ấn định một tiêu chuẩn hòa cả làng: Ai tự xưng là XHCN thì thừa nhận họ là XHCN. Thời Liên Xô có 40 nước tự xưng là XHCN. Hiện nay [2011] chỉ còn lại 6 nước: Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cuba, Libya.

     Hỏi: Giới trí thức Trung Quốc những năm gần đây có hình ảnh tổng thể không tốt đẹp. Thậm chí có người phê bình các nhà trí thức hiện nay, nhất là trí thức ở các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, đã bị quyền lực và lợi ích “mua chuộc rồi”. Cụ có đồng ý với nhận xét ấy không ?

     Đáp: Theo tôi, họ chưa bị mua chuộc. Ít nhất là phần lớn họ chưa bị mua chuộc. Họ không dám nói thật lòng, không phải là họ thích nói dối, mà là họ “dám nổi giận mà không dám nói”. Nếu có một ngày người nói không có tội thì họ sẽ thổ lộ những lời nói thật lòng.

     Hỏi: Những người trí thức trong các cơ quan giáo dục bị phê bình nhiều hơn cả. Theo cụ, ngành giáo dục Trung Quốc có những vấn đề tồn tại nào?

Đáp: Cải cách mở cửa đã đưa khoa học tự nhiên vào Trung Quốc nhưng chưa đưa khoa học xã hội vào, trừ kinh tế học là một ngoại lệ. Nếu mở cửa tiếp, đưa khoa học xã hội vào, kể cả giáo dục học, thì tình hình sẽ thay đổi.

Phát biểu ngày 5/11/2013 của Châu Hữu Quang:

     Chúng ta thường nói phải trở lại các kiến thức cũ. Tôi cảm thấy Lý Thận Chi [李慎之] nói đúng. Ông ấy bảo phải trở về Ngũ Tứ, phải học. Ngũ Tứ là một cao trào hiện đại hoá Trung Quốc, nhưng về sau bị ngăn cản. Cần phải học dân chủ. Quốc Dân Đảng chẳng những có chủ nghĩa Tam Dân mà còn có một cuốn sách tên là “Sơ bộ về nhân quyền”, giảng giải dân chủ là gì. Cần phải học khái niệm dân chủ, học phương pháp dân chủ. Ở nước ngoài có một môn học gọi là Công dân giáo dục, tiểu học và trung học đều có môn học này. Trung Quốc không có, tại sao thế?

Nhiều nhà trí thức Trung Quốc có đầu óc, hiểu biết, nhưng không dám nói. Tôi xem báo, thấy có viết Mâu Vu Thức [茅于] nói lý luận Giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác là sai lầm. Ông ấy vừa nói thế liền bị đả kích mạnh. Từ lâu mọi người đã biết lý luận Giá trị thặng dư là sai; điều đó ở nước ngoài đã trở thành thường thức. Mác đâu phải là Thượng đế, sai nhiều lắm. Nhiều bạn Mỹ của tôi là giáo sư đại học, họ nói ở các trường đại học Mỹ vốn có một môn học là nghiên cứu chủ nghĩa Mác, bây giờ không còn nữa, vì đó là môn học tự chọn, khi không ai chọn học nữa thì không mở lớp học môn đó.

     Vì sao vậy? Người Mỹ dùng thái độ khoa học nghiên cứu chủ nghĩa Mác, họ cho rằng lý luận của Mác là sai lầm, các dự đoán của Mác đều thất bại. Mác cho rằng công nghiệp hoá càng mạnh thì công nhân càng nhiều. Nhưng ông chưa nghĩ tới chuyện ngày nay công nghiệp hoá càng mạnh thì lại không còn công nhân nữa.

     Cho nên tôi nói, Mác chưa nhìn thấy toàn bộ bộ mặt của chủ nghĩa tư bản. Cuốn “Tư bản” của ông chỉ có thể là suy luận triết học chứ không thể là chứng cứ khoa học thực tế. Trong nghiên cứu chủ nghĩa Mác, ta có thể thảo luận, nhưng nếu coi nó là một tôn giáo để tín ngưỡng thì là hoàn toàn sai lầm. Chủ nghĩa ấy thường bị coi là một loại tín ngưỡng, chỉ cho phép tin theo, không được nghi ngờ. Đó là một con đường khác với con đường học thuật. Học thuật mong bạn phê bình tôi, mong bạn nói ra chỗ sai của tôi. Phê bình là thức ăn nuôi học thuật. Không có phê bình thì học thuật không thể tiến lên được. Cho nên người nước ngoài cho rằng tiến bộ học thuật có một quy luật gọi là Thử sai, một mặt thử, một mặt phạm sai lầm; có sai thì sửa, phát hiện thấy sai lại sửa. “Học thuật” mãi mãi tiến hành như vậy. Nhưng nếu chỉ cho phép tín ngưỡng, không cho phép hoài nghi thì sẽ chẳng có toàn bộ khoa học nữa.

 

(Nguyễn Hải Hoành dịch)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét