Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

TIẾN SĨ ĐINH CÔNG VỸ MỘT YẾU NHÂN “CỔ LAI HY” SÁNG GIÁ

     TRƯƠNG SỸ HÙNG


                                             Đinh Công Vỹ, Trương Sỹ Hùng, Hữu Thỉnh tham quan bảo tàng văn học Nga 

của Thúy Toàn tại Từ Sơn, Bắc Ninh – tháng 6 năm 2019. Ảnh Nguyễn Văn Lưu

     Mở rộng tầm suy nghĩ, hoạt động chuyên môn được đào tạo chính quy, ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và tạp chí, kỷ yếu ngành hẹp; Đinh Công Vỹ đã, đang và hiện vẫn theo đuổi những ý tưởng nghiên cứu khoa học xã hội, góp phần sáng tác văn học ở dạng ký sự lịch sử và thơ ca. Anh say mê với ngôn từ, chữ nghĩa bằng tất cả mọi sinh lực, trong mọi hoàn cảnh xã hội, trong mọi mối quan hệ gia đình, để có được khá nhiều thành tựu.

     Sinh trưởng ở Sơn Tây, vốn có nguồn gốc xuất thân từ xứ Đoài xưa thuộc ngoại, nội thành Hà Nội; một thời gian dài cư ngụ tại khu Khâm Thiên (quận Đống Đa) rồi lại trở về ở Sơn Tây khi đến tuổi nghỉ hưu, để suốt ngày, tháng, năm liên hoàn, Đinh Công Vỹ làm thơ, viết văn khảo cứu, tìm hiểu thế giới tâm hồn, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của các bậc cổ nhân nước Việt. Gặp những vấn đề tư liệu tiểu sử tác giả hay tác phẩm bi ký của các danh nhân văn hóa còn chưa được minh bạch, anh kỳ cục mày mò viết bài tôn vinh, góp phần khẳng định nhiều mặt giá trị lịch sử, nhắc lại những chiến tích, những công trạng làm ăn, đánh giặc, dựng nước và giữ nước của các bậc tiên tổ. Gần đây, hàng loạt công trình nghiên cứu, sưu tập của Đinh Công Vỹ được tái bản, in mới, góp thêm những bằng chứng về đức tính kiên trì, cần cù lao động sáng tạo của một tiến sĩ khoa học lịch sử. Vì hiểu công việc của nhau, tâm đầu ý hợp với nhau trong nhiều vấn đề khoa học, đôi khi cứ gặp nhau ở một hội thảo khoa học nào đó, hoặc là hội thơ Việt Nam hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng, tôi thường gọi anh là “tiến sĩ kép”, Đinh Công Vỹ cười tít mắt, rồi bắt lời vui vẻ.

    Những năm anh Vỹ làm luận án tiến sĩ sử học là lúc tôi làm “chân chạy”- cách gọi thân mật của thầy Đinh Gia Khánh – trong nhóm biên tập và tổ chức biên soạn bộ Tổng tập văn học Việt Nam; (42 tập đã xuất bản trọn bộ, Nxb. KHXH, năm 2000). Anh Phạm Ngọc Hy cán bộ biên tập thường sai tôi đi gặp, giao dịch tài liệu, bản thảo với các nhóm chủ biên, trong đó có giáo sư Văn Tân chủ biên tập 1. Khoảng thời gian ấy, Đinh Công Vỹ được ban đào tạo sau đại học viện Lịch sử cử đến nhà riêng số 21 Hòa Mã, gặp giáo sư Văn Tân xin được thầy hướng dẫn luận văn. Vốn có tính hăng hái, xông xáo, được tiếp cận người thầy nổi tiếng có “cái gu” viết nghiên cứu lịch sử và văn chương na ná nhau về phong cách, anh lao vào đọc; đọc và viết ngay từ khi giáo sư chưa có nhiều thì giờ hướng dẫn. Chờ đến lúc giáo sư Văn Tân xem lại bản đề cương, đọc nội dung sơ thảo luận án, ông nhận ra ngay sự năng động, sáng tạo của nghiên cứu sinh Đinh Công Vỹ.

   Rủi thay, duyên phận đã đưa đẩy nghiên cứu sinh Đinh Công Vỹ sang thầy khác hướng dẫn vì sức khỏe của giáo sư Văn Tân sau độ tuổi 80 bị suy giảm nhanh chóng. Thế là đương nhiên anh phải thay đổi đề tài, sao cho tương thích với sở trường tư duy của mình. Song, đúng là trong mỗi đời người thường có những bước thăng trầm, biến đổi gần như thiên định đã “gắn chip”. Sưu tầm, đọc chọn, thiết kế tư liệu, vận dụng và chọn lọc điểm kế thừa, phê phán và loại bỏ hay lấy phương pháp tiếp cận nào làm chủ đạo… với hàng loạt thao tác khoa học đâu phải chuyện tùy hứng. Tình thế buộc Đinh Công Vỹ phải lựa chọn, hoặc là từ bỏ ý nguyện làm luận án tiến sĩ hoặc tiếp tục thực hiện thì phải tìm ra một đề tài khác, với thầy khác có thể có một vài nét tương đồng trong tư duy khoa học.

              

Trương Sỹ Hùng và Đinh Công Vỹ tại Quốc Tử Giám (Hà Nội)

đầu xuân Tân Sửu (2021). Ảnh: Phương Văn

      Đinh Công Vỹ quyết tâm làm luận án tiến sĩ bằng chủ đề khác, nhưng cũng gắn liền với những đóng góp của nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII. Đúng là “Trời có mắt, chẳng bao lâu sau cả hai bản luận văn tiến sĩ của anh; một bản sau đẫ được bảo vện chính thức tại hội đồng chấm luận án tiế sĩ cấp quốc gia năm 1991. Phải nói thêm rằng, Đinh Công Vỹ và Cung Khắc Lược là hai vị tiến sĩ đầu tiên của viện nghiên cứu Hán Nôm, các anh thuộc tốp thứ hai sau khi Việt Nam chính thức có hệ đào tạo sau đại học.

     Hồi tưởng của bạn cùng quê, đồng tuế, đồng môn Lê Văn Chung có nói đến chi tiết gần 10 năm Đinh Công Vỹ không dự thi vào đại học, vì quan niệm ấu trĩ tả khuynh thời ấy từ cả hai phía chủ quan và khách quan. Một chút hơi hướng lý lịch có thể có lãnh đạo địa phương vin cớ, nhưng điểm nhấn mạnh hơn nếu cần là thuở nhỏ cậu bé Đinh Công Vỹ là đứa trẻ thông minh kèm theo đức tính bộc trực, thẳng thắn và táo bạo đôi khi. Những trang viết Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960) của Nguyễn Huy Tưởng, truyện thơ Phù Đổng Thiên Vương (1970) của Huy Cận, Quận He khởi nghĩa (1963), Nguyễn Trung Trực (1964) Bên bờ Thiên Mạc (1967) của Hà Ân… đã ngấm dần, ảnh hưởng sâu sắc trong tâm tư tình cảm và biến đổi thành chất là tinh thần yêu nước của Đinh Công Vỹ. Chỉ có điều vì tính bồng bột, hiếu thắng của lứa tuổi mới lớn, thích phưu lưu mạo hiểm, Vỹ đã lấy bông lau, tầu lá chuối làm cờ, bắt chước Phù Đổng, Đinh Tiên Hoàng hòa mình cùng lũ trẻ trong làng cầm quân đánh trận giả và xưng vương... Thực chất đó chỉ là biểu hiện non nớt của tuổi vị thành niên, có thể coi là mầm mống của ý chí rèn luyện tự giác để vượt qua trở ngại, đặng giành được thắng lợi trên những chặng đường đời về sau, chẳng may gặp phải sự kỳ thị, có vị cán bộ xã lúc bấy giờ cho là hành động nổi loạn nên có ý kiềm chế.

     Sự cảm hóa tư tưởng, sự hình thành nhân cách, sự hun đúc tình cảm của mỗi con người cụ thể, là tổng hòa bền bỉ, thường xuyên của nhiều yếu tố tác động khách quan, nhưng những người yêu thích đọc sách báo, lao động cần cù bao giờ cũng có một cách sống giản dị, hăng say sáng tạo.

     Phải chăng khi chớm tuổi trưởng thành, Đinh Công Vỹ đã mê mẩn với hình ảnh Thúy Kiều, tưởng là nàng chỉ có sắc đẹp “chìm đáy nước cá lờ đờ lặn/ Bổng lưng trời nhạn lửng lơ sa”; với cảnh “chị em thơ thẩn dan tay ra về” trong “lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” qua đoạn trích giảng thầy truyền đạt từ sách giáo khoa. Rồi ấn tượng ấy cứ bám lấy tâm trí anh, Đinh Công Vỹ lớn lên cùng thời cuộc, trải nghiệm lẽ đời, chứng kiến cảnh bom đạn, loạn ly tang tóc thời chống Mỹ, anh hiểu sâu sắc hơn về giá trị hiện thực của truyện Kiều. Đó là nguyên cớ khiến anh viết được những trang xúc tích, sử dụng tư liệu lịch sử khá chính xác, góp phần là sáng tỏ nhiều sự kiện bị chép sai hoặc chưa rõ ràng. Các tác phấm tiêu biếu của Đinh Công Vỹ đã xuất bản như: Thảm án các công thần khai quốc triều Lê (1991) Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn (1994), Các bậc khai quốc triều Lê – còn có tên là Bí sử một vương triều (2003) Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam(2004), Bên lề chính sử (2005) Nguyễn Du đời và tình (2006),  Trái tim đồng điệu (2007), Chuyện lạ về 12 con giáp (2011) Nhà sử học Lê Quý Đôn (2012), Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam (2016)…Ngoài ra, Đinh Công Vỹ còn là tác giả của hơn 200 bài báo, hội thảo và một số công trình nghiên cứu khoa học đồng tác giả có giá trị, như: Cội nguồn (viết chung với Nguyễn Văn Thành-  6 tập - 1996), Nhìn lại lịch sử, in lần đầu năm (viết chung vối Phan Duy Kha và Lã Duy Lan - 2003) Nguyễn Trực từ cội nguồn tới ngôi sao rực sáng trên văn đàn Tháng Long (viết chung với Nguyễn Quốc Khánh – 2005)…v.v.

     Mở đầu những năm hai mươi của thế kỷ XXI, tiến sĩ Đinh Công Vỹ đã thực thụ trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa nghiêng theo ngành sử học và Hán Nôm, có tận dụng tư liệu điền dã dân gian. Thành tựu đáng biểu dương ấy, âu cũng là một điển hình mẫu người cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội áp dụng thành công phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành đã chiếm lĩnh được niềm tin yêu của đông đảo công chúng, học giả và thi nhân.

     Tiến sĩ Đinh Công Vỹ là một yếu nhân “cổ lai hy” sáng giá.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét