TRƯƠNG SỸ HÙNG
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phu nhân Đặng Bích Hà và người con gái thứ hai
là Võ Hạnh Phúc và hai cháu trong vườn nhà ở Hà Nội
Ảnh: Jean-Claude Labbe chụp năm 1983
Giáo sư Đặng Bích Hà là kế phụ phu nhân đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay sau cách mạng tháng Tám (1945); trong không khí “cả nước ra quân, bồi hồi trống trận”, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc “chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.” Lúc đó người lính quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp mới được Đảng và Bác Hồ giao cho phụ trách Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gần hai năm. Tương truyền chủ tịch Hồ Chí Minh là người vun đắp mối tình đẹp “trai tài gái giỏi”này. Lúc còn là binh nghiệp thời chống Mỹ cứu nước, trên bước đường hành quân chúng tôi thường đọc sách báo, hỏi han về lai lịch vị đại tướng và vị phu nhân kính yêu. Thống nhất đất nước năm 1975, về Hà Nội công tác, thật may mắn là chúng tôi – những anh chị em cán bộ nghiên cứu lịch sử văn hóa – được cùng cơ quan với bà Đặng Bích Hà.
Có thể nói phần lớn lực lượng cán bộ nghiên cứu được đào tạo những năm tám mươi của thế kỷ XX là những “nam thanh nữ tú”, vừa từ các chiến trường Trung, Nam, Bắc… trở về. Một số người đã nổi danh trong lĩnh vực sáng tác thơ ca, hò vè, ký, phóng sự bài và ảnh… trên sách báo. Trong số anh em có quan hệ gần gũi hàng ngày ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam – nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - thường họp hành, trao đổi công việc với giáo sư Đặng Bích Hà, lúc thì ở Viện Sử học, lúc thì ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Quan sát nếp sinh hoạt, giao tiếp của bà ai cũng dễ dàng cảm nhận được sự giản dị chân tình mà vẫn toát lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người mẹ, người chị trung hậu đảm đang, sinh trưởng từ vùng quê hương xứ Nghệ. Khi chưa có dịp gặp mặt cũng có người suy tưởng ra bà phải là người quý phái, kiêu sa khó mà tiếp xúc. Sự thật hoàn toàn trái lại. Có công chuyện gì hay cần trao đổi góp ý trong chuyên môn, lại là Bí thư chi bộ nên lúc nào bà cũng nhã nhặn vui cười, tế nhị, khiêm cung. Có lẽ hòa trong niềm hạnh phúc lớn lao của đời tư, đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một cộng sự, một người bạn lớn chính là người vợ thân yêu. Một số anh em cựu chiến binh càng tự hào là có thời gian được là đồng nghiệp của phu nhân người thủ trưởng vĩ đại, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ngồi (phải sang): Phạm Xuân Nam, Nguyễn Tương Lai, Mai Văn Bảo, Nguyễn Duy Thiệu, Vũ Công Quý.
Đứng giữa: Nguyễn Huy Thanh, Trương Sỹ Hùng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Bích Hà.
Đứng sau: Trần Khánh, Khánh Vân.Ảnh: PV
Đông đảo giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ trong cơ quan của bà, như các anh Phạm Đức Dương, Cao Huy Đỉnh, Phạm Xuân Nam, cũng như các nhà nghiên cứu thường mua thêm một số sách do mình viết, mới được xuất bản để ký tặng đồng nghiệp. Quan hệ với giáo sư Đặng Bích Hà thực sự còn là được biết đến một đại gia đình trí thức lớn, nổi tiếng ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nay. Giáo sư Đặng Bích Hà còn cho biết, “tủ sách gia đình của anh Văn ngày càng nhiều lên. Bản thân anh Văn là người thường xuyên duy trì thói quen đọc sách!” Biết được thông tin ấy, có một số tác giả còn trang trọng ghi tặng ở trang đầu cuốn sách là: - Kính tặng giáo sư Đặng Bích Hà và Người thủ trưởng vĩ đại của tôi.
Trên đà thượng thọ đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ trọng trách về khoa học và công nghệ - một lĩnh vực mũi nhọn trong công cuộc xây dựng đất nước văn minh hiện đại. Mặc dù tuổi cao nhưng đúng là sức chưa yếu, đại tướng Võ Nguyên Giáp hằng xuyên đi sâu đi sát, nắm vững tình hình, kịp thời chỉ đạo cứ như “kế hoạch huấn luyện” hay “tác chiến chiến lược” như những năm xưa. Ông thường nêu lại chính sách chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề biển đảo, chiến trường sông biển thời chiến và thương trường thời bình. Nhiều lần đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến thăm hỏi, phát biểu ý kiến, động viên cán bộ nghiên cứu Khoa học xã hội Việt Nam. Các tác phẩm hồi ký như Những chặng đường lịch sử, Đường tới Điện Biên phủ…những công trình nghiên cứu khoa học quân sự như: Điện Biên Phủ - Những bài học lịch sử, Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh…khi mới in hoặc tái bản; đại tướng Võ Nguyên Giáp thường dùng bút ký chữ tươi gửi tặng những người lính cũ đã trở thành nhà nghiên cứu khoa học.
Ngày 4 tháng Tư năm 1998, viện nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức buổi gặp mặt có liên hoan nhẹ bằng bánh kẹo và rượu vang tại 27, Trần Xuân Soạn, Hà Nội để mừng giáo sư Đặng Bích Hà thượng thọ 70 tuổi. Viện tự tổ chức không cho giáo sư Đặng Bích Hà biết trước “sợ lộ bí mật”; đến lúc cận ngày viện mới báo tin mời. Giáo sư Đặng Bích Hà cũng bất ngờ chưa kịp nói gì với chồng. Lúc bà sửa soạn đi đến cơ quan, đại tướng Võ Nguyên Giáp vội hỏi, bà mới cho biết là cơ quan tổ chức mừng thọ. Không chần chừ, ông nói giọng hiền từ chấn chất “- Cô cho tôi đi với!” Khoảng 8 giờ hơn, đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Đặng Bích Hà đến trụ sở viện nghiên cứu Đông Nam Á. Không chỉ đầy đủ cán bộ công nhân viên trong viện mà một số các bộ lãnh đạo cấp bộ cũng kịp thời có mặt từ lúc nào để đón chào cả hai người. Ai cũng hào hứng vui mừng ra mặt. Đại tướng có nói ngắn gọn về “lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc giao trọng trách lâu dài cho nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Mọi người cần phấn đấu hết mình, làm tốt nhiệm vụ được giao. Cả cô Hà nữa, vui duyên thọ, không quên nhiệm vụ.”
Chuẩn bị kết thúc buổi họp, ai cũng có ý muốn được chụp ảnh kỷ niệm với đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Đặng Bích Hà, nhưng hình như không ai dám bộc lộ ý tưởng. Rồi đại tướng Võ Nguyên Giáp giơ tay trái dắt tay giáo sư Đặng Bích Hà cùng đứng lên trước; tay phải vẫy nhẹ và nói nhỏ nhẹ: “- Mời các đồng chí cứ ngồi yên tại chỗ”. Chưa ai kịp hiểu diễn biến như thế nào thì đại tướng đã chỉ định phóng viên kịp thời chụp nhiều ảnh, khi hai ông bà chuyển bước đi vòng quanh phía sau bốn dãy ghế quây bàn hình chữ nhật cho hết lượt. Ai ai trong cuộc cũng đều xúc động vô cùng, thầm cảm ơn mình đã được bắt tay và chụp ảnh với đại tướng. Đó là những kỷ niệm sâu sắc đối với mỗi cựu chiến binh, với từng người dân nước Việt, khi may mắn có được những phút giây kỷ niệm nhớ đời.
(Theo mạng Pháp luật & đời sống ngày 17 tháng 10 năm 2013 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét