Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

TẤM LÒNG VUA TỰ ĐỨC VỚI VỊ ANH HÙNG DÂN TỘC TRƯƠNG ĐỊNH

 Hàng năm, vào ngày 20 tháng 8 dương lịch, tại Di tích mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công, đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông và đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đều tổ chức lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc Trương Định. Đó là dịp để người dân Quảng Ngãi, người dân Nam bộ tỏ lòng tri ân đối với Bình Tây đại nguyên soái Trương Định - người con ưu tú xứ Quảng, người anh hùng trung nghĩa đất Gò Công.

Ngày lễ tưởng niệm Trương Định 20 tháng 8 năm 2021 sắp đến, Thôn minh triết chọn tái bản bài viết của Nguyễn Hường  trên trang mạng Lưu trữ quốc gia năm2020.

Vua Tự Đức (嗣德 - 1829 – 1883) là vị vua thông minh, lãng mạn, có tâm hồn thi sĩ và đặc biệt rất có hiếu với cha mẹ. Chân dung ông được vẽ truyền thần, báo thời Pháp đã chụp ảnh và đăng tấm hình quý hiếm này. Trong khoảng 36 năm kế vị ngai vàng nhà Nguyễn.; khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, anh hùng dân tộc Trương Định khởi binh đánh đuổi.

     Trương Định sinh năm 1820, tại xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Gia Định Trương Cầm. Năm 1844, ông theo cha vào Nam. Sau đó hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Nguyễn, ông đã chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở đất Gò Công. Khi quân Pháp tấn công vào Gia Định, Trương Định đã chiêu mộ nghĩa sĩ, phối hợp với quân thứ đánh lại quân Pháp. Chính sử Đại Nam thực lục chép: “Phó quản cơ Gia Định là Trương Định (người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con viên Lãnh binh Trương Cầm) chiêu mộ những thủ dõng, có nhiều người đi theo, thường cùng quân Tây dương chống đánh nhau đắc lực. Thự Tuần phủ là Đỗ Quang đem việc tâu lên. Vua cất nhắc cho làm Quản cơ, rồi lĩnh chức Phó Lãnh binh. (Khi ấy Đỗ Quang chiêu vỗ Trương Định mộ thành 6 cơ, gần hơn 6.000 người)[1].

     Trương Định vốn được dân tin yêu nên được kiêm làm đầu mục quân mộ nghĩa ở Gia Định. Ông “đóng đồn ở xứ Gò Thượng (thuộc huyện Tân Hòa) thường ra đánh úp quân Tây dương. Nghĩa sĩ nhiều người đi theo[2]. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã giành nhiều thắng lợi.

     Tuy nhiên, lúc bấy giờ, đối với việc đánh Pháp, triều đình Huế chia thành 2 phe: chủ chiến và chủ hòa. Tháng 6 năm 1862, triều đình Huế kí Hiệp ước Nhâm Tuất, cắt cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Triều đình lệnh cho Trương Định giải tán nghĩa quân. Về việc này, chính sử chép: “Từ khi hòa ước đã thành, thông dụ cho Nam kỳ nghỉ quân, đổi Trương Định về Phú Yên. Khi ấy những người ứng nghĩa ở Gia Định, Định Tường, Biên Hòa không chịu theo, tụ họp đoàn kết, sau tôn Trương Định làm người đại đầu mục, tâu bày xin ra đánh giặc. Đình thần cho rằng việc miền Bắc đang khẩn mà việc miền Nam chưa có cơ hội. Lại sai Phan Thanh Giản đi hiểu dụ. Trương Định lâu không đến nhận chức, bèn cách chức hàm[3].

Mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công (Tiền Giang)

      Thực tế, lòng dân quyết tâm đánh giặc Pháp nên suy tôn Trương Định làm đại đầu mục, là Bình Tây đại nguyên soái thống lãnh nghĩa quân đánh giặc. Vì nhân dân, ông đã kháng mệnh vua Tự Đức, không nghe theo lời hiểu dụ của Phan Thanh Giản và ở lại đất Gò Công cùng nhân dân chống lại quân Pháp.

     Cuộc khởi nghĩa của ông kéo dài tới năm 1864 thì bị thất bại. Ngày 19/8/1864, căn cứ của ông bị quân Pháp đánh úp. Ông cùng nghĩa quân đã chống trả quyết liệt. Tuy nhiên, rạng sáng ngày 20/8 ông bị trọng thương nên đã tuẫn tiết.

     Dẫu cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Trương Định chưa đi được tới đích cuối cùng như ông mong đợi nhưng tấm lòng trung nghĩa vì dân vì nước đó đã khiến nhân dân đất Gò Công và Nam bộ luôn coi ông là anh hùng dân tộc. Thậm chí, chính vua Tự Đức cũng luôn coi trọng nghĩa khí của ông. Vì vậy, dù Trương Định không chịu bãi binh theo mệnh vua ban và sau khi ông không chịu về nhận chức, Phan Thanh Giản lại xin cho dụ ông nhưng vua Tự Đức nói: “Lòng người như thế, cũng là một sự giúp cho cuộc mưu tính lấy lại, há lẽ nào cứ răn dụ lặt vặt mãi[4].

     Theo Châu bản triều Nguyễn, vua Tự Đức nghĩ tới tấm lòng trung nghĩa của Trương Định nên đã không trách tội kháng mệnh vua mà còn dành nhiều ưu ái đối với vợ con ông. Bản tấu ngày 22 tháng 8 năm Tự Đức thứ 23 (1870) của Viện Cơ mật về tình cảnh của vợ con Trương Định cho biết: “Nguyên vợ Trương Định là Lê Thị Thưởng, con gái Trương Thị Lòng, con dâu Trần Thị Ba ngầm đến địa hạt phủ Hàm Thuận nương thân, đợi tin tức Trương Tuệ[5]. Cơm áo của họ rất khó khăn. Bọn Nguyễn Chính Tâm bí mật khuyên Lê Văn Đinh quyên tiền được 500 quan cấp cho chi dùng, mấy lần nhận chi tiêu đã hết. Ngày tháng 4 năm nay, lại đến ở nhà Phan Trung phủ Ninh Thuận, viên Điển nông ấy lại trích lấy 20 đồng bạc của người miền Nam tạm cấp cho họ chi tiêu sinh sống. Số tiền này chỉ còn 97 đồng. Xin để viên này giữ cấp dần, đợi sau thanh toán theo thực chi. Lại trình rằng bọn Nguyễn Chính Tâm thăm dò thám báo: Ngày tháng 12 năm ngoái, Trương Tuệ bị bọn Mán giết chết. Viên ấy đã hỏi Phan Văn Thiểu cũng nói giống như vậy. Trộm nghĩ, cha con Trương Định vì nước quên thân, mà vợ con họ phải phiêu lưu đi nơi khác, không nơi nương tựa, tình cảnh rất đáng thương. Bọn Phan Trung đã linh hoạt quyên góp chi cấp cho sinh sống, rất thoả đáng hợp lý, xin chuẩn y khoản này. Từ nay về sau, vẫn do Phan Trung trích tiền lạc quyên cấp tiếp, không để đói rét[6]. Trên bản tấu này, vua Tự Đức châu phê với nội dung: “Việc quan trọng không ngần ngại gì, đều do Phan Trung hậu cấp[7]. Lời phê này cho thấy vua Tự Đức rất ưu ái, quan tâm tới vợ con của Trương Định.

     Năm Tự Đức thứ 27 (1874), vợ Trương Định là Nguyễn Thị Thưởng được chỉ chuẩn cho “cấp mỗi tháng 20 quan tiền, 2 phương gạo, hết đời thì thôi[8]. Năm Tự Đức thứ 31 (1878), các quan tỉnh Quảng Ngãi là Lãnh Bố chánh sứ Đoàn Dao, Lãnh Án sát sứ Ngô Trọng Tố dâng tấu xin ban cấp năm mẫu ruộng cho người kế tự để thờ cúng. Bản tấu trình bày: “Đã tiếp nhận được cung lục của Viện Cơ mật. Viện đó dâng phiếu trình về một bản văn phúc trình của quan Phiên ty Trà Quý Bình. Phụng xét phúc trình thì quê quán Trương Định thuộc hạt thần, còn Gia Định là nơi đến cư ngụ vậy. Nay vợ con nhà cửa, tộc thuộc của viên ấy đều ở hạt thần mà trích ruộng xã Hoà Bân, Tư Cung để cấp cũng được gần và thuận. Nếu như được phê chuẩn ban cấp tự điền xin do tỉnh thần xét hai xã Hoà Bân, Tư Cung xem xã nào đinh ít, ruộng nhiều sẽ lượng trích ra năm mẫu cấp cho con nối dõi của viên đó là Văn Hổ cai quản cày cấy để phụng thờ, chiểu theo lệ nạp tô[9].

     Sau đó, bản tấu ngày 24 tháng 3 năm Tự Đức thứ 33 (1880) của Viện Cơ mật, Thương bạc khẳng định rõ việc cấp cho Văn Hổ năm mẫu ruộng để lo thờ cúng Trương Định. Bản tấu ghi: “Vâng xét ngày tháng 2 năm Tự Đức thứ 31 (1878) tỉnh thần Quảng Ngãi Trà Quý Bình dâng tập tâu trình bày: Vợ cố nguyên Lãnh binh Trương Định là Lê Thị Thưởng làm đơn trình chồng thị không có người nối dõi, thị đã bẩm rõ với dòng họ nhà chồng, chọn được người con trai thứ của anh ruột Trương Văn Lương tên là Trương Văn Hổ làm con nối dõi chồng quá cố của thị, bẩm xin giấy chứng nhận giữ làm bằng chứng. Tỉnh ấy xét thấy đúng thực đã phê duyệt đồng ý, và tuân trích ra năm mẫu ruộng công, giao Văn Hổ cai quản trồng cấy để thờ cúng[10].

     Không những thế, năm Tự Đức thứ 34 (1881), nhà vua cho lập đền thờ Trương Định ở xã Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi để tỏ lòng thương xót người trung nghĩa. Đại Nam thực lục chép: “Làm đền thờ viên Lãnh binh đã chết tỉnh An Giang là Trương Định. Vua thương Định là người trung, năm trước đã cấp cho năm mẫu ruộng thờ cúng, đến nay lại sai làm đền ở xã Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi để thờ[11].

     Bản tấu ngày 05 tháng 10 năm Tự Đức thứ 31 (1878) của Lãnh Bố chánh sứ Đoàn Dao, Lãnh Án sát sứ Ngô Trọng Tố tỉnh Quảng Ngãi về việc xin chọn ruộng ở xã Hòa Bân, Tư Cung để ban cấp tự điền cho con nối dõi của cố nguyên Lãnh binh Trương Định. Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

     Trương Định là một người từng kháng lại mệnh vua nhưng ông lại không bị trách tội, thậm chí vợ con còn nhận được sự ưu ái, sau đó còn được cấp tự điền và lập đền thờ trên quê hương. Tất cả những điều này đủ cho chúng ta thấy vua Tự Đức đã rất coi trọng và dành nhiều ưu hậu đối với vị tướng trung nghĩa một lòng vì dân vì nước này. Và, cho dù cuộc khởi nghĩa của Trương Định chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng tấm lòng trung nghĩa với mảnh đất Gò Công, tấc lòng son với nhân dân mãi là một tấm gương cho hậu thế.


[1]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr.751.

 [2]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr.779.

[3]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr.803.

[4]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr.817.

[5] Con trai Trương Định

[6] TTLTQG1, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 220, tờ 140.

[7] TTLTQG1, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 220, tờ 140.

[8]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 8, tr.83.

[9] TTLTQG1, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 306, tờ 150.

[10] TTLTQG1, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 342, tờ 239.

[11]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 8, tr.473.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét