Diễn giả chính là nhà nghiên cứu, bác sĩ Nguyễn Đức Tôn. Theo kế hoạch tổ chức tọa đàm dự định thì số lượng người tham gia là khá đông – như hội thảo lần 1 (017) và lần hai (2018) – có đến hơn 100 người đến dự, nhưng do tình hình phòng tránh dịch bệnh Covid 19, nên BTC phải hạn chế số người theo quy định.
Buổi tọa đàm diễn ra với sự có mặt của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, học giả là những thành viên, cộng tác viên của viện Minh Triết như trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo, viện nghiên cứu Nhân học & văn hóa, trung tâm bảo tồn & phục chế di sản văn hóa tộc Trần, trung tâm Cổ học phương Đông thuộc UNESCO Việt Nam, cán bộ biên tập nhà xuất bản Hội nhà văn, các nhà nghiên cứu Dịch lý độc lập…
1. Diễn giả Nguyễn Đức Tôn, phác thảo những vấn đề cơ bản của Kinh Dịch và sự lan tỏa những kiến giải của Kinh Dịch trong văn hóa. Ông chia sẻ cách tiếp cận Kinh Dịch và nhấn mạnh, Dịch lý là Thiên lý/Đại lý thuyết về vũ trụ trong mối quan hệ giữa vạn vật và con người, giữa các hành tinh khác với trái đất.
Trong thời lượng cho phép của cuộc tọa đàm, bác sĩ Nguyễn Đức Tôn đã gợi ý, chia sẻ cách tiếp cận Kinh Dịch từ góc độ bản nguyên, bản thể với những nguyên lý cơ bản mang tính hàng dọc, để có thể tiếp cận, thấu hiểu và đạt mục đích nhanh nhất. Còn vô số những vấn đề liên quan mang tính hàng ngang và chuyên biệt để dành cho các chuyên gia chuyên ngành.
2. Nhà nghiên cứu cổ ngữ Nguyễn Thế Bình, trung tâm Cổ học phương Đông trình bày ngắn gọn nguyên lý dùng lối “kết thừng” thời tiền sử đã thể hiện nguyên lý Dịch lý áp dụng trong giao tiếp, giải thích, quy ước, quy định, tổ chức đời sống trong cộng đồng người Việt cổ. Đây là đề tài nghiên cứu chuyên biệt, mang tính nguyên lý cơ bản, sơ nguyên của vũ trụ tác động trực tiếp đến đời sống con người từ cổ tới kim trong việc lý giải, mã hóa & dự báo các sự vật, hiện tượng tự nhiên.
3. Học giả, Nguyễn Khắc Mai chia sẻ tư duy hiện thực hóa những nguyên lý Dịch vào khoa học & phục vụ đời sống con người của phương Tây. Đơn cử, sự ra đời của môn toán vi tích phân & nhị phân do nhà toán học, triết gia tự nhiên người Đức, Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) khởi xướng, dựa trên nền tảng của sự biến hóa các con số, các sự vật, hiện tượng theo Dịch lý. Và từ lý thuyết nhị phân, mở đường cho hàng loạt các phát minh, sáng chế trong kỷ nguyên số 4.0. (Dữ liệu lớn Big Data, kết nối vạn vật IoT, trí tuệ nhân tạo AI…)
4. Nhà nghiên cứu Hoàng Sơn Cường – đại học Văn hóa Hà Nội tham gia phát biểu ý kiến, đồng thời giới thiệu tác phẩm mới được in Kinh Dịch trong đời thường của ông.
5. Trong cuộc tọa đàm, diễn giả Nguyễn Đức Tôn trân trọng kính tặng các vị khách tham dự 2 tác phẩm của ông đã xuất bản: Tản mạn trí tuệ trong Kinh Dịch Đạo đức kinh và văn hóa Việt (2019), Mạn đàm một vài khái niệm Dịch học (2020). Đăc biệt là chuyên khảo Kinh Dịch (2016) đã ghi nhận một bước tiến mới.
Buổi Tọa đàm diễn ra trong bầu không khí thân thiện, ấm áp với tinh thần khoa học nhân văn. Ban tổ chức hy vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt để kính mời các quý khách, các độc giả của diễn đàn hội tụ đông đủ hơn trong những buổi sinh hoạt tới.
LÊ AN VI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét