Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

PHẠM QUỲNH NHÀ NGÔN NGỮ HỌC ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC TA

                                                                                            NGUYỄN HẢI HOÀNH

  Khoa học ngôn ngữ đến nước ta khá muộn. Trong các tác phẩm của Thượng Chi Phạm Quỳnh, chúng tôi chưa thấy ông dùng từ ngôn ngữ, chỉ thấy các từ quốc văn, quốc ngữ, quốc âm… Nhưng ông viết rất nhiều về tiếng nói và chữ viết của các dân tộc Việt, Hán, Pháp, tỏ ra có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực ngôn ngữ, đích thực là nhà ngôn ngữ học đầu tiên của nước ta. Điều đó không có gì lạ: ông vốn là người vô cùng yêu quý và giỏi sử dụng tiếng mẹ đẻ, cũng như giỏi chữ Hán và tiếng Pháp, là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử diễn thuyết bằng tiếng Pháp trước Viện Hàn lâm Pháp Quốc khi ông mới 30 tuổi.

 Trước hết, Phạm Quỳnh nhận thức đúng vai trò vô cùng quan trọng của ngôn ngữ đối với dân tộc. Ông là tác giả câu nói bất hủ “Tiếng ta còn (thì) nước ta còn”, cho rằng tiếng nói gắn liền với vận mệnh dân tộc, tổ quốc. Nhận định đó dựa trên một sự thực lịch sử ông phát hiện: nhờ giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ trong suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc mà dân tộc ta không bị Hán hoá về ngôn ngữ như các bộ tộc Bách Việt ở miền Hoa Nam, và do đó không trở thành một dân tộc ít người của Trung Quốc. Ông viết: Người Tàu cai trị ta hơn ngàn năm; văn hoá Tàu, ta đổi theo; phong tục Tàu, ta bắt chước; duy tiếng ta, ta nói; ta không nói tiếng Tàu.

     Đúng thế, để ta không nói tiếng Tàu, tức không đọc chữ Hán bằng tiếng Tàu, tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng âm Việt (còn gọi là từ Hán Việt), tức Việt Nam hoá phần ngữ âm của chữ Hán. Rốt cuộc dân tộc ta mượn được chữ Hán để dùng, nhưng vẫn nói tiếng mẹ đẻ, không nói tiếng Hán. Bằng cuộc đấu tranh khôn ngoan ấy trên lĩnh vực ngôn ngữ mà dân tộc ta tránh được thảm hoạ bị đồng hoá, đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.

Ngay từ hơn 100 năm trước, Phạm Quỳnh từng nhận định rất sâu sắc về mối quan hệ giữa ngôn ngữ với tư duy: Lời nói tuy là cái áo của tư tưởng, nhưng tư tưởng phát biểu ra được cũng nhờ ở lời nói; tư tưởng không thể rời lời nói được. Ngôn ngữ học hiện đại cũng có giải thích tương tự: ngôn ngữ là công cụ tư duy và là cái vỏ vật chất [cái áo] của tư duy, con người tư duy bằng ngôn ngữ, tư duy không thể tách rời ngôn ngữ; các dân tộc khác nhau chủ yếu ở tiếng nói; ngôn ngữ thể hiện khả năng trí tuệ của dân tộc, là linh hồn của dân tộc.

     Rõ ràng, một thứ quan trọng như thế mà để mất thì còn đâu dân tộc nữa. Nền văn hoá Hán có sức đồng hoá cực mạnh. Sau khoảng hơn 100 năm bị Hán hoá, dân tộc Mãn ở Trung Quốc bỏ mất tiếng Mãn, chỉ còn nói tiếng Hán. Nhưng Việt Nam sau hơn 1000 năm bị Hán hoá, tiếng Việt chẳng những không mất đi mà càng thêm giàu sức sống, dần dần trở nên thích hợp với xu hướng quốc tế hoá, toàn cầu hoá. Chẳng rõ trên thế giới còn có dân tộc nào lập được kỳ tích như vậy?

    Thứ hai, Phạm Quỳnh đánh giá tiếng Việt bình dân [ông gọi là tiếng Nôm, tiếng ta] rất phong phú về ngữ âm và từ ngữ. Ông viết: Người nào hay chê tiếng Việt là nghèo hãy về nơi dân thôn hay ra chốn chợ búa, nghe bọn phụ nữ nói năng. Tôi tưởng các bậc tu mi [đàn ông] phải ghê cái tài hùng biện của các bạn quần trồi [đàn bà]… [điều đó] đủ chứng minh rằng tiếng Việt ta giàu biết bao nhiêu. Hãy thử nghe hai người đàn bà nhà quê nói chuyện hay cãi nhau, từ đầu chí cuối toàn là phương ngôn tục ngữ cả, cứ từng hồi, từng tràng, như một bài diễn thuyết trường thiên. Trong quốc âm ta có nhiều tiếng rắp đôi hay lắm [ví dụ láo nháo, xoen xoét], hay vô cùng, tưởng không có tiếng nước nào bằng.

    Văn tiếng Nôm thường là văn truyền khẩu trong dân gian; ông nhận xét: Tuy không có sách nào biên chép, nhưng tôi dám quyết đó là một thứ văn chương rất phong phú, tưởng không nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như nước ta. Tiếng ta thật giàu có mà lại tinh tế nữa.

     Ông mạnh dạn vạch ra sai lầm suốt mấy nghìn năm của giới trí thức nước ta –– coi thường ngôn ngữ mẹ đẻ, tức tiếng Nôm, văn Nôm; họ “chung kiếp học mướn viết nhờ” (suốt đời học đạo Khổng Mạnh, viết chữ Hán); người coi trọng văn Nôm như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm quá ít. Các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ Tàu nên lãng bỏ tiếng Nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn. Ông kêu gọi: Các cụ đã xao lãng, bọn ta phải chăm chú. Ngày nay người nào chịu viết văn Nôm là làm một việc công đức; người nào chịu đọc văn Nôm là làm một việc nghĩa vụ vậy. Công đức, nghĩa vụ ấy, người có lòng có dạ với nước nhà, há lại chẳng nên vui vẻ mà làm ư? Quan điểm tiến bộ, yêu nước ấy của ông trái với quan điểm của nhiều trí thức Hán học và Tây học đương thời: coi thường văn tiếng Việt, sùng bái văn Tàu hoặc Pháp.

     Phạm Quỳnh nhận định đúng về mặt mạnh của tiếng Việt là ngữ âm rất phong phú. Ngôn ngữ học hiện đại cho biết tiếng Việt có số lượng âm tiết không xét thanh điệu (tức “khuôn âm tiết”, syllable) nhiều gấp chục lần tiếng Hán (4312 so với 415), nhờ thế tiếng Việt thích hợp dùng loại chữ viết dễ học là chữ biểu âm (phonogaph), còn tiếng Hán thì không. Kết quả là từ giữa thế kỷ 17 dăm vị giáo sĩ người Âu đã thành công chuyển đổi chữ Nôm thành loại chữ biểu âm Latin hoá (về sau gọi là chữ Quốc ngữ). Trong khi đó ở Trung Quốc, chính phủ và toàn dân bỏ ra ngót 100 năm tiến hành Latin hoá chữ Hán mà bất thành, rốt cuộc đành phải bỏ dở (từ 1986).

     Tiếng Việt cũng rất phong phú về từ ngữ, bởi lẽ khi dùng ngôn ngữ biểu âm, ai cũng có thể tự do chắp các ngữ âm lại thành từ ngữ mới. Còn Hán ngữ có kho chữ Hán làm sẵn từ mấy nghìn năm trước, tất cả mọi người chỉ được dùng trong phạm vi số chữ ấy, không được làm chữ mới.

     Tuy bênh vực tiếng Nôm nhưng Phạm Quỳnh cho rằng Tiếng ta giàu về phần cụ tượng [hình tượng] mà nghèo về phần trừu tượng…Bởi vậy tiếng ta sở trường về lối vận văn [văn vần, như thơ ca, vè, hát nói], còn lối tản văn [văn xuôi] là văn nghị luận thuyết lý thì vụng lắm. Những danh từ về nghĩa lý nếu không mượn chữ Nho [tức từ Hán Việt] thì không đủ tiếng mà dùng… Nói đến nghĩa lý thì các cụ ta toàn dùng Hán văn cả, cho rằng tiếng nước nhà là nôm na thô thiển. Thành ra tiếng ta [hiểu là chữ Nôm] xưa nay không bao giờ được cái danh dự dùng làm văn tự [chữ viết] để truyền bá học thuật. Danh dự ấy toàn thuộc về chữ Hán. Thật là những nhận xét rất xác đáng về ngôn ngữ học. Đúng thế, văn học chữ Nôm chủ yếu là thơ ca, hiếm có tác phẩm văn xuôi. Tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học nước ta – Truyện Kiều, là truyện thơ, mượn nội dung của Trung Quốc, chủ yếu hay ở ngôn ngữ.

     Phạm Quỳnh cho rằng tiếng Việt có sức sống vô cùng lớn, vì có thể mượn từ ngoại lai để làm giàu kho từ ngữ của mình. Nhờ mượn chữ Tàu [hiểu là từ Hán Việt] mà tiếng Việt mỗi ngày một giàu thêm; mượn chữ Tàu thì mượn bao nhiêu cũng có thể tiêu hoá được… không kể ngày nay đôi khi có thể mượn thêm chữ Tây nữa. Đúng vậy, ngót nghìn từ Hán-Nhật do người Nhật đặt ra vào cuối thế kỷ 19, khi du nhập nước ta cũng được người Việt Nam tiếp nhận, sử dụng toàn bộ.

     Thứ ba, Phạm Quỳnh nhận thức rất đúng về tính chất ngôn ngữ Việt. 100 năm trước, ông viết: Tiếng Việt Nam ta là một thứ tiếng độc vận, khác với các tiếng Âu Mỹ là những tiếng liên vận. Độc vận là đọc rời từng vần một, mỗi chữ là một vần [tức âm tiết]… Tiếng ta và tiếng Tàu mỗi vần là một tiếng, mỗi tiếng là một chữ. Cách giải thích như thế thật mạch lạc, dễ hiểu, uyên bác.

     Ngày nay ta biết rằng tiếng Việt và tiếng Hán thuộc loại ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic, ông gọi là độc vận), mỗi tiếng một âm tiết. Vì thế hai thứ tiếng này “ngốn” rất nhiều âm tiết. Như trên đã nói, tiếng Việt vốn dĩ giàu âm tiết, cho phép làm được chữ viết biểu âm. Tiếng Hán quá nghèo âm tiết, chỉ thích hợp dùng chữ biểu ý (ideograph). Phần lớn ngôn ngữ trên thế giới thuộc loại đa âm tiết (multisyllabic, ông gọi là liên vận), ví dụ từ tiếng Nhật “Bushido”, tiếng Anh “Potato”, tiếng Nga “Rodina” đều có 3 âm tiết ghép theo kiểu tổ hợp (chỉnh hợp), có thể làm ra rất nhiều âm đọc, vì thế thích hợp dùng chữ biểu âm.

     Phạm Quỳnh đánh giá đúng: nước ta không tồn tại nhiều tiếng địa phương khác nhau quá xa: Cứ thực mà nói, dân Việt Nam ta thật được hơn các dân tộc khác là chỉ có một thứ tiếng trong cả nước, người Việt Nam đi đến đâu cũng có thể nghe hiểu được không khó gì. Ấy là ta chưa có văn chương sách vở gì nhiều, nếu có nhiều sách vở văn chương thì tiếng nói còn nhất trí hơn nữa. (Trong khi đó, tại Trung Quốc đến cuối năm 2000 mới có 80% số dân dùng Tiếng Phổ thông thống nhất toàn dân).

Thứ tư, Phạm Quỳnh nhận thức đúng về chữ Hán và mối quan hệ giữa chữ Hán với tiếng Việt: Chữ Hán tuy phát tích từ Tàu mà từ thượng cổ đã không phải là văn tự riêng của một dân tộc Tàu. Chính nước Tàu ngày xưa cũng không phải là một nước, thực là một “thế giới” gồm nhiều nước. Mỗi dân có một tiếng nói riêng, có dân độc lập rồi vẫn chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Chữ Hán là khí cụ để truyền bá cái văn hoá ấy. Nó là một thứ chữ viết, không phải là một thứ tiếng nói, đem vào nước nào thì đọc theo thanh âm của nước ấy; chữ là chữ chung, nước nào cũng học chữ ấy mà đọc khác đi, nghe nhau không hiểu, phải viết ra chữ mới hiểu được.

     Đúng thế, người Việt Nam, người Nhật, người Triều Tiên đều đọc chữ Hán theo âm của mình. Ông cho rằng nước ta chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa lâu đời quá nên tiếng Việt có quan hệ mật thiết với chữ Hán, vì vậy Ai muốn gây dựng tiếng ta thành một nền quốc văn xứng đáng thì không thể nào đoạn tuyệt được cái cổ điển của ông cha ta, mà cái cổ điển ấy, ngoài chữ Nho thì không kiếm đâu được. Người nước ta không thể bỏ chữ Nho [tức từ Hán Việt]. Văn kỹ thuật, văn nghị luận càng cần phải mượn từ Hán Việt, vì tiếng Nôm không đủ dùng; chớ nên vì ghét người Tàu về chính trị, kinh tế mà ghét cả từ Hán Việt có gốc chữ Tàu. Thật là một quan điểm sáng suốt!

Rõ ràng, từ Hán Việt chiếm khoảng một nửa vốn từ tiếng ta, vả lại ngày nay đã Việt Nam hoá tới mức khó phân biệt với từ thuần Việt, càng không thể bỏ được.

Thứ năm, Phạm Quỳnh ra sức đề cao chữ Quốc ngữ và đi đầu phong trào dùng chữ Quốc ngữ. Ông nói chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ của người Việt Nam, là cái bè cứu vớt chúng ta trong biển trầm luân. Học giả Dương Quảng Hàm đánh giá các bài viết bằng chữ Quốc ngữ của Phạm Quỳnh đã “luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới”. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ tuy mới chính thức sử dụng được hơn 100 năm nhưng đã góp phần quyết định đưa nền văn minh Việt Nam lên một tầng cao chưa từng thấy, hoà nhập văn minh nhân loại, giành được những thành tựu bỏ xa mấy nghìn năm trước.

     Cuối cùng, Phạm Quỳnh đưa ra đường lối đúng đắn phát triển ngôn ngữ Việt: xây dựng nền Quốc học Việt Nam trên cơ sở nền Quốc văn bằng tiếng Việt có kết hợp sử dụng đúng mức từ Hán Việt và từ Pháp văn. Ông nói nước ta tất phải có nền  quốc học riêng của mình, có thế nước nhà mới thật là được độc lập về đường tinh thần. Ta xưa nay chưa có nền quốc học, đó là do Kẻ thượng lưu thì học mướn viết nhờ, chung kiếp làm nô lệ tinh thần cho người [người nước ngoài]. Kẻ bình dân thì để mặc cho tối tăm dốt nát, không hề được chịu cái ảnh hưởng giáo hoá của người trên, vì trên dưới cách biệt nhau, dường như không cùng nhau nói một thứ tiếng vậy.”

     Đúng vậy, ngày xưa nước ta tồn tại tiếng nói của tầng lớp trên (kiểu “nói chữ”, bắt chước lối nói “văn ngôn” của người Hán, chỉ dùng từ gốc Hán, ai không biết chữ Nho nghe không hiểu), và tiếng Việt bình dân mà Phạm Quỳnh gọi là tiếng Nôm. Ông nêu ví dụ: Bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo rất hay, nhưng tiếc thay lại làm bằng chữ Nho, dẫu trong hàng tỳ tướng có lẽ cũng nhiều người không hiểu hết lời lẽ, nói chi đến trong dân gian. Nếu bài đó viết bằng tiếng [chữ] Nôm thì giọng văn hùng tráng đó lại còn thấm thía biết bao nhiêu, không những cảm các tỳ tướng mà lại cảm đến cả ba quân… còn cảm đến cả dân chúng nữa.

     Đúng thế! Các học giả Việt Nam thời xưa rất ít viết bằng chữ Nôm. Đó là do Các cụ đời trước quá sùng thượng chữ Hán, không chịu viết bằng tiếng nước nhà. Văn thơ chữ Hán không phải là thứ của ta, phải dịch ra tiếng Nôm thì dân chúng mới hiểu. Vì thế ông chủ trương Muốn cho nước Nam có quốc học thì phải có quốc văn bằng tiếng Nam, và kịch liệt phản đối quan điểm xây dựng nền quốc học trên cơ sở mượn dùng tiếng nước ngoài, bởi lẽ mượn tiếng người thì mượn cả tư tưởng của người, mượn cả học thuật của người rồi đến mượn cả tính tình phong tục của người nữa.

     Dĩ nhiên, đã đề cao tiếng Nôm thì tất nhiên phải đề cao vai trò của văn chữ Nôm. Hàn Thuyên, tác giả đầu tiên của chữ Nôm, được ông ca ngợi “Vơ vẩn tơ vương hồn Đại Việt. Thanh tao thép lột giọng Hàn Thuyên”…Hai câu ấy thực là gồm cả các hy vọng tối thiết của bọn ta. Than ôi, vì sao mà ta khắc khoải trong lòng, băn khoăn trong dạ, vì sao ta mong mỏi mà tủi thương? Chẳng phải là từ xưa tới nay ta chưa từng được đem cái giọng Hàn Thuyên này mà diễn cái hồn Đại Việt kia ư? Khi được ngâm văn thơ Nôm, trong lòng ông có cái cảm vô hạn, tưởng như hồn xưa của đất Việt ta còn phảng phất đâu đây.

     Chữ Nôm dù chưa được hoàn thiện do bị tầng lớp vua quan không thừa nhận, nhưng nhờ có chữ Nôm mà Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v… đã viết nên một trang sáng ngời trong lịch sử văn học nước nhà. Không có chữ Nôm thì ta không thể biết tổ tiên mình mấy trăm năm trước nghĩ gì, nói thế nào, dùng từ thế nào. Hãy đọc mấy câu thơ chữ Nôm “Chơi cho liễu chán hoa chê, Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời….Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như nước suối mới sa nửa vời.” thì đủ biết tiếng Việt ngày xưa đã rất phát triển, chẳng khác gì lắm tiếng Việt hiện nay. Cho nên phát minh chữ Nôm thực là một sáng tạo kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ tiên ta.

     Tuy đề cao tiếng Việt nhưng Phạm Quỳnh chủ trương rất đúng là nên sử dụng thêm từ Hán Việt ở mức vừa phải. Ông phản đối quan điểm cực đoan vì muốn bảo tồn tiếng thuần Việt mà bỏ hết từ Hán Việt (ông gọi là chữ Nho). Ông nêu ví dụ: Nếu nói “Ông vua Việt Nam đi chơi Bắc Kỳ nay đã về kinh rồi”, nghe sống sượng quá… Nếu dùng mấy chữ Nho [hiểu là từ Hán Việt] mà nói “Hoàng thượng ngự giá Bắc Kỳ, nay đã hồi loan”, có phải là lời văn trang trọng biết bao!

     Những khảo sát trên đây của chúng tôi dù còn chưa đầy đủ và sâu sắc nhưng cũng đủ chứng tỏ Thượng Chi Phạm Quỳnh đích thực là nhà ngôn ngữ học của nước ta, hơn nữa, là người đi đầu nghiên cứu ngôn ngữ Việt, đề cao ngôn ngữ Việt. Những tìm tòi, sáng tạo và quan điểm của ông trên lĩnh vực ngôn ngữ đáng để chúng ta nghiên cứu học hỏi.

Tài liệu tham khảo chính:

1- “Luận giải văn học và triết học”, Phạm Quỳnh, NXB Văn học, 2016.

2- “Âm tiết và loại hình ngôn ngữ”, Nguyễn Quang Hồng, ĐHQG Hà Nội, 1995.

3- “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”, Nguyễn Hải Hoành. Tạp chí Tia Sáng số 11 (8/6/2020).

http://nghiencuuquocte.org/2021/07/01/pham-quynh-nha-ngon-ngu-hoc-dau-tien-cua-nuoc-ta/#more-40645

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét