Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG KHÓA HƯ LỤC CỦA TRẦN THÁI TÔNG

                                                                                                                            Trần Thị Băng Thanh

 

Tượng vua Trần Thái Tông  tại đền thờ ở Thái Bình

Trần Thái Tông, (tên là Cảnh, còn có tên là Bồ, sinh năm 1218, mất năm 1277), là vị vua mở đầu vương triều Trần, được sách Đại Việt sử ký toàn thư  khen là vị "Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dụng cương, chế độ nhà Trần thực là to lớn"[1]; khi nhường ngôi được triều đình dâng tôn hiệu “HiÕn thiªn thÓ ®¹o ®¹i minh quang hiÕu hoµng ®Õ" (tr.28). Ngoài sự nghiệp của vị nhân chủ xây dựng, giữ gìn đất nước ông cũng còn là một nhà trước tác. Theo một số thư tịch cổ, ông có một văn tập, một thi tập và sách Khoa hư lục, nhưng nay chỉ còn lại được 2 bài thơ và tập sách duy nhất Khoá hư lục.

Trần Thái Tông đến với đạo Phật khá sớm và cũng trước tác khá sớm. Tác phẩm sớm nhất của ông ngày nay được biết là Thiền tông chỉ nam ca, được viết khi ông mới khoảng 30-35 tuổi. Cuốn này đã thất lạc chỉ còn bài Tựa trong sách Khoá hư lục. Đó là cuốn sách văn vần, thể ca (?) ghi lại những điều ông đã giác ngộ sau khi được Trúc Lâm Đại sư thức tỉnh và nghiền ngẫm bộ Kinh Kim cương. Trong bài Tựa ông đã chỉ ra những điều quan thiết, những tư tưởng cốt lõi của đạo Thiền. Có thể tóm tắt thành mấy ý: Phật không chia xứ sở, tôn giáo, không phân biệt người trí kẻ ngu, không ở bên ngoài mà ở chính trong lòng mình. Người học đạo không cần những hình thức ồn ào, phải "lặng lẽ mà hiểu". Người tu Thiền cốt yếu phải có "vầng sáng trí tuệ" để "kiến tính" và tổng quát hơn hết là phải "hư tâm", như một câu Phật dạy trong Kinh Kim cương "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", nghĩa là không nên để lòng bám víu vào bất cứ điều gì. Cuốn sách đã được Quốc sư đánh giá cao, nhiều lần tán thưởng và nói: “Tấm lòng của chư Phật ở cả trong bài ca này, sao không khắc in thành kinh bản để chỉ dẫn cho kẻ hậu học?” Và Trần Thái Tông đã nghe lời sư “sai thợ viết chữ chân phương rồi truyền cho khắc bản”. Có thể ở thời Trần cuốn sách này cùng với Thạch thất mỵ ngữ và một số cuốn khác của Trần Nhân Tông đã được in và dùng trong việc giảng dạy tu trì của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Một cuốn khác, như anh em sinh đôi với Thiền tông chỉ nam ca Kinh Kim cương chú giải. Sách này cũng chỉ còn bài Tựa được giữ trong Khoá hư lục. Nếu như Thiền Tông chỉ nam là bài ca của sự ngộ đạo thì Kinh Kim cương tam muội chú giải lại là lời chú thích, giảng giải trực tiếp hướng dẫn việc tìm hiểu một bộ kinh quan trọng của Thiền học. Bài Tựa viết: “Kinh Kim cương tam muội lẽ nào không phải là loại viên mãn, đốn thực hay sao? Nếu không thế thì sao đủ đem vô sinh pháp yếu trổ phương tiện thần thông?... Kinh này vừa gặp, trăm cảm đã sinh; sâu kín mối manh, suy đi nghĩ lại. Nhấm nháp mùi nghĩa lý, thu thập vẻ văn hoa. Làm rỡ ràng lời nói thánh nhân, để giúp ích ít nhiều cho hậu học. Lạm đem chút kiến thức “vằn báo” hẹp hòi, hòng mở mang tâm chí “vượn đàn” giận ngốc. Do đó rộng tỏ cõi lòng, tự thân chú giải. Dò nghĩa thẳng ở Long cung, tìm nghĩa sâu nơi Thứu Lĩnh. Khơi giọt nước ở tận nguồn chính giác, đắp bụi sa nơi cửa ngõ chân như. Phát huy ý chỉ, mở rộng chân tâm. Khiến cho vừa thoáng xem văn, đã hiểu rõ ràng nghĩa lý. Phá phên giậu bền vững của bọn tà, làm mẫu mực lễ nghi cho môn đệ”[2].

Hai bài Tựa này cũng thể hiện quan điểm của Trần Thái Tông đối với Phật học. Đó là ý nguyện muốn xâm nhập sâu vào bản chất giáo lý Thiền học, kết hợp với giáo lý kinh điển Nho gia, Đạo gia để rộng mở chân tâm, giáo hoá dân chúng nhằm xây dựng một đất nước vững mạnh, tự cường, nhân tâm yên ổn. Cả hai bài Tựa đều nhắc đi nhắc lại điều đó. Nếu như ở Thiền tông chỉ nam tự, Thái Tông đã luôn tâm niệm lời Đại sư Trúc Lâm: “Phàm đã là bậc nhân chủ tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng chủa thiên hạ làm tấm lòng của mình” cùng với việc không xao lãng “nghiên cứu nội điển”, thì đến Kim cương tam muội kinh tự, Thái Tông càng nhấn mạnh: “Trẫm lượng đức chủ trì ngôi báu; rõi trước sau chăn dắt muôn dân. Từng lo vất vả; chẳng ngại sớm hôm. Tuy một ngày trăm việc; cũng trộm lúc rảnh rang. Chăm việc tiếc giờ; học càng tăng tiến. Một chữ “đinh” lo chưa biết đến; đêm canh hai còn gắng tìm xem. Đã duyệt phần điển Khổng Khâu; lại xét sách kinh đạo Thích”. Nhận định về điều này Nguyễn Lang viết: “Thái Tông đã học Nho như một môn học chính trị và xã hội cần thiết cho việc trị dân, và học Phật như một đường hướng siêu thoát cho tâm linh và tình cảm. Là nhà chính trị, vua có nhu yếu học Nho. Là người có chiều sâu tâm linh, vua có nhu yếu học Phật. Khuynh hướng dung nhập Phật Nho của thời Tống sơ do Thiền phái Vô Môn đề xướng đã ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ dung hợp tam giáo của vua”.[3]

Với hai cuốn sách trên, Thái Tông bày tỏ những điều đã thu nhận được từ kinh điển Phật giáo, đặc biệt là từ bộ Kinh Kim cương, có thể coi đó là giai đoạn “tự giác” của ông trên đường tu tập. Nhưng nguyện vọng của ông đối với Phật pháp không dừng ở đó mà muốn vươn tới sự “giác tha”: “Chẳng riêng để chỉ dẫn đường mê cho đời sau mà còn muốn mở mang công nghiệp của thánh nhân thuở trước”. Khoá hư lục, chính là bộ sách nhằm thực hiện ý nguyện ấy của Thái Tông. Như nhan đề đã ghi rõ, bộ sách dạy cho người học đạo cả hai phương diện nhận thức và tu tập để đạt đến sự hư tâm - “lòng không bám víu vào bất cứ điều gì”. Và để thực hiện mục tiêu cần truyền đạt đó, Khoá hư lục có hai phần rất rõ rệt.

Phần thứ nhất của bộ sách giải quyết những vấn đề về nhận thức. Để đạt tới sự hư tâm, khác nhiều thiền gia đời Lý, ngoài những lời giải đáp về phật, tổ, đạo, pháp, vô ngôn..., Trần Thái Tông tập trung lý giải về sắc thân con người, về lẽ sinh tử. Ông dắt dẫn đệ tử từ gần đến xa. Trước hết ông dắt dẫn họ tự chiêm nghiệm hành trình bốn giai đoạn của cuộc đời sinh học mà bất kể ai cũng đều trải qua. Ông hình dung mỗi người đi hết cuộc đời mình cũng như một lữ hành đi đường núi, phải trèo hết bốn quả núi "sinh, lão, bệnh, tử". Bốn quả núi, bốn “tướng” của cuộc đời ấy được tượng trưng bằng hiện tượng thiên nhiên, bốn mùa xuân hạ thu đông trong một năm. Tướng sinh, giai đoạn bắt đầu của cuộc đời, là niềm vui, hạnh phúc nên được coi là mùa xuân: “Khoẻ khoắn thay sự thịnh vượng của dương xuân; mới mẻ thay vẻ tốt tươi của muôn vật. Một trời sáng đẹp, xóm thôn liễu biếc đào hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh ca bướm múa”. Con người sinh ra rất bình đẳng, hết thảy đều: “Gửi hình hài ở tinh anh cha mẹ, nhờ thai nghén nuôi dưỡng ở khí âm dương. Hơn hết tam tài mà đứng giữa, là loài khôn nhất trong muôn loài.” Nhưng ông cũng cảnh cáo ngay: dù vua sáng tôi hiền, dù văn hay võ giỏi, trai đẹp gái xinh, rút cuộc “Xem ra không lọt lưới luân hồi, rút lại khó tránh vòng sinh hoá”. Và rất “hiện sinh”, ông chỉ ra rằng con người sống trên trần thế chỉ là một cuộc lưu đầy, là một lữ khách:

                     Phong trần thất thểu làm thân khách,

                     Ngày một xa quê vạn dặm đường.

                     (Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,

                     Nhật viễn gia hương vạn lý trình)

Cũng "may", sau khi cất tiếng khóc chào đời con người chỉ còn phải vượt qua ba núi nữa mà thôi, giống như con lừa đã cất được một chân, chỉ còn ba chân nữa:

                               Tứ sơn tiếu bích vạn thanh tùng,

                               Ngộ liễu đô vô vạn vật không.

                               Hỷ đắc lư nhi tam cước tại,

                               Mịch kỳ (kỵ) đả sấn thướng cao phong.

                               (Cheo leo bốn núi vạn chòm xanh,

                               Muôn vật đều không, hiểu rõ rành.

                               Mừng chú lừa còn ba cẳng đó,

                               Đỉnh cao, roi vút vó tung nhanh.)

Tiếp theo tướng sinh là tướng già, như mùa hạ trong năm. “Hình dung dần đổi, khí huyết đã suy”, dù tai tinh như Sư Khoáng cũng không còn phân biệt rõ âm thanh, dù dung mạo đẹp như Phan Lang cũng thành da mồi tóc bạc... Dẫu con người có luyến tiếc thì “Mặt trời vẫn ngả về tây và nước cuồn cuộn về đông”. Tướng già là một bước chuyển nhanh gấp để con người đi đến tướng bệnh, mùa thu trong năm. Lúc này “Tuổi đã già lắm, bệnh nhiễm cao hoang”, “hình hài ốm yếu” “thân thể gầy mòn”, dù thày thuốc giỏi Biển Thước, linh đan tiên nhiệm màu cũng không thể cứu được. Và Thái Tông chỉ có lời khuyên: “Hãy sớm rời xa cõi ma quỷ, hồi tâm về đạo, nuôi dưỡng thiên chân”. Chặng cuối cùng của đời người là tướng chết, tương ứng với mùa đông. Đến lúc này thì: “Tuổi trời mong hưởng đến trăm năm, thân thể bỗng nhiên thành giấc mộng. Thông minh tài trí, tránh sao ngày hạn lớn đến nơi; dũng lực oai hùng, khó trốn lúc vô thường đã tới. Thiếp thuận vợ trinh, trở thành nỗi đau đứt ruột; anh nhường em kính, vội nên ly biệt suốt đời”. Và mọi cố gắng của con người trong suốt cuộc đời, mọi thành công dù rực rỡ huy hoàng, mọi tình cảm dù thiết tha chung thuỷ ... cũng đều trở thành vô nghĩa. “Nát thân đập đất, rập sọ kêu trời. Tường hoa nhà rộng có bàn chi; ngọc đụn vàng kho thôi cũng bỏ. Dạ đài khép kín, luống nghe gió bấc vi vu; cửa suối đóng dài, những thấy mây sầu ảm đạm”.

Sau khi chứng minh cho mọi người thấy hành trình nhọc nhằn và vô nghĩa của cuộc đời, Trần Thái Tông tiếp tục bàn rộng về sắc thân con người. Tấm thân mà mỗi người đều tự yêu quý trọng vọng đó chẳng qua chỉ là "giả tướng", là "con rối", khi giật dây thì đi lại múa may cười nói sinh động tươi tắn nhưng khi buông ra thì rã rời chỉ còn là "một bọc máu mủ tanh hôi". “Thân là gốc khổ; chất ấy nghiệp nhân. Nếu tự coi thân ấy quả là chân; tức đã nhận kẻ thù làm ruột thịt”. Rốt ráo lại, cái thân trong con mắt thế nhân tưởng là “rất thật”, chỉ là cái “sắc thân”, “cái có tạm thời”, còn “cái có nơi hư không” mới thật vĩnh hằng:

Các vị chân nhân chưa có ngôi vị cũng chỉ là khối thịt đỏ hỏn,

Đỏ đỏ trắng trắng, chớ lừa dối nhau.

Ai hay khi mây cuốn đi thì tầng không trong sạch,

Hiện rõ nơi chân trời một dặng núi biếc.

          Và rồi khi đã giảng giải rõ cái “giả tướng sắc thân”, hành trình cuộc sinh hoá nhọc nhằn đau khổ, Thái Tông mới khuyên mọi người mở rộng lòng bồ đề. Điều ấy ai ai cũng làm được, bởi “Bồ đề giác tính, ai nấy viên thành”, “trí tuệ thiện căn, người người đầy đủ”. “Người chưa hiểu chia bừa làm tam giáo, giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm. Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được rõ tính thành Phật” (Phổ khuyến phát bồ đề tâm).

          Trần Thái Tông thực hiện phương thức truyền đạo với một tinh thần “khai phóng” (chữ dùng của Nguyễn Lang), ngoài hình thức trực tiếp tỏ bày quan điểm, ông còn sử dụng phương pháp vấn đáp thông qua các “thoại đầu”được rút ra từ kinh sách Phật giáo. Niêm tụng kệ, Ngữ lục vấn đáp môn hạ là tác phẩm thực hiện cách truyền thụ đó. Chẳng hạn bàn về hữu vô, ông dẫn công án về sư Triệu Châu. Có đệ tử hỏi Triệu Châu “Con chó có Phật tính không?”, sư đáp “Không!”. Lại hỏi nữa, sư đáp “Có!”. Lần khác cũng vẫn Triệu Châu nói về Phật: “Phật vàng không qua lò, Phật gỗ không qua lửa, Phật bùn không qua nước, Phật thật ngồi trong nhà”, Thái Tông kết luận:

                               Võng Xuyên phong cảnh đã vào tranh,

                               Ngày ấy Vương Duy tự nổi danh.

                               Uổng phí mực son nơi khó vẽ,

                               Trời cao, gió mát với trăng thanh.

          Giải về “đại ý Phật pháp”, Thái Tông dẫn câu hỏi của Thiền sư Hành Tư, học trò Lục tổ Tuệ Năng: “Giá gạo ở Lư Lăng ra sao?”, và ông nêu một hình tượng:

                               Bóng trúc quét thềm, bụi chẳng động,

                               Vành trăng xuyên biển, nước không nhăn.

          Như vậy Phật pháp là một bản chất tĩnh lặng, mọi sự lý giải, mọi diễn đạt bằng ngôn từ đều bất lực, như bóng trúc, bóng trăng dù có “quét thềm”, “xuyên biển” thực chất cũng không thể tác động gì đến bản chất sự vật. Thậm chí dù nghĩ rằng mình đã đạt được trình độ hiểu “đạo” là “tâm không” thì cái “tâm không” chấp trước ấy vẫn chưa phải là giác ngộ, vẫn còn “cách đạo muôn trùng cửa quan!”...

          Thông qua những câu chuyện, những lời đối đáp “khó hiểu”, kẻ nói xuôi người nói ngược, Thái Tông muốn dắt dẫn học trò phải tự nghiền ngẫm, suy tư để đạt tới sự giác ngộ tự thân, để hiểu được điều cốt yếu: tinh thần Thiền tông là không được bám víu vào khái niệm, phải lấy cái tâm mà lĩnh hội; mỗi người mỗi vật đều có Phật tính, “Phật ở trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu thì đó chính là chân Phật” (Thiền tông chỉ nam tự). Con người ta phải tuỳ theo tư chất của mình mà tìm con đường riêng đi tới giác ngộ:

                               Đây, đó cùng rung một điệu cầm,

                               Lòng riêng nhắn nhủ bạn tri âm.

                               Mây “không” trăng “có” tuy cùng dạng,

                               Khác ấy sơn cao và thuỷ thâm.

                               Hừ!

                               Chạy vạy suốt ngày trong bụi đỏ,

                               Trong nhà, của báu có không hay.

                               Hừ!

                               Buông tay, không dựa, tính phơi bày,

                               Thuyền ẩn hoa lau, chài ngủ say.                            

Đó là “Một con đường tiến lên” (Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ) để đạt đến giác ngộ (tuệ), thoát khỏi vô minh. Con đướng ấy hoàn toàn không dễ. Vì vậy người tu hành cần đến những biện pháp hỗ trợ, tu tập, đó là thụ giới, thiền định, niệm Phật. Nhưng để có thể niệm Phật và thiền định được kết quả, người tu hành còn cần đến những biện pháp tỉ mỉ và một tinh thần siêng năng, cần mẫn. Phần thứ hai của bộ sách, Thái Tông dành để hướng dẫn những biện pháp tu tập cụ thể. Người tu hành phải thực hiện sáu khoá lễ trong một ngày đêm, gọi là Lục thì sám hối khoa nghi. Các thì ứng với các khoảng thời gian cố định trong một ngày đêm: sáng sớm, giữa trưa, lúc mặt trời lặn, chập tối, nửa đêm, lúc tang tảng sáng. Mỗi khoá lễ đều có các bài: kệ thức tỉnh chúng sinh, bài khấn dâng hương, kệ dâng hoa, kệ dâng hương, lời tâu bày, lời sám hối, (mỗi thì sám hối một tội, lần lượt từ mắt đến mũi, tai, lưỡi, thân, ý), kệ khuyên mời, kệ tuỳ hỷ, kệ phát nguyện và kệ vô thường. Đọc năm điều răn và sáu điều sám hối, ngoài tinh thần về Phật giáo còn thấy rõ sự am hiểu về tâm lý con người và ý thức trách nhiệm của Thái Tông trên cương vị một ông vua. Răn đừng mê đắm sắc đẹp, ông viết: "Tóc mượt lưng ong dễ khiến mịt mờ tâm tính; mặt hoa da phấn dễ xui rời rã tinh thần. Mắt đưa lấp lánh như dao, ai không đứt ruột; lưỡi uốn ngọt ngào tựa sáo, hết thảy nghiêng tai. Người đắm đuối nghĩa tình xa bỏ, kẻ ham mê đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm, dưới thì cửa nhà táng loạn" (Giới sắc văn ).

Răn đừng uống rượu, ông nêu rõ tác hại của rượu: "Hoặc điếm chợ huyên thiên, hoặc ngõ đường lảo đảo. Chửi trời mắng đất, chê Phật gièm tăng. Miệng lảm nhảm mà hát ca, thân loã lồ mà nhảy múa. Chẳng riêng tiếp Phật cúng dàng những để khăn thâm lệch lạc, hại thân mệnh cũng từ đấy mà ra, mất nước nhà cũng từ đây mà đến." (Giới tửu văn).

Nói về ý nghĩa của nghi thức lễ Phật sám hối sáu thì trong ngày do chính tay mình soạn ra một cách vắn tắt, ông viết: “Cho nên không dùng những lời phù phiếm nhét cho đầy quyển, mà khiến người đọc đều vui, người nghe dễ hiểu. May chi những kẻ có lòng tin ngày đêm nảy sinh lòng chí thành, dùng khoa nghi này làm phương tiện lễ sám”. Bởi vì cái bản tính sẵn có của chúng sinh vốn là thanh tịnh tròn đầy, trong trẻo như bầu trời không gợn một mảy bụi. Những điều xấu ác mắc phải chẳng qua là do ý niệm sai lầm chợt nổi lên, so với bản chất trong sạch của con người cũng chỉ như chiếc bọt nước mong manh, rất dễ khắc phục. Do đó lòng thành quy y lễ sám sẽ nhanh chóng giúp họ thân tâm thanh tịnh, trắng trong như xưa, như “gió yên sóng lặng, bụi sạch gương trong”; “Lòng ác trước như bóng mây che khuất mặt trăng; dạ thiện sau xuất hiện như ngọn đuốc làm tan đêm tối” ...Viết Khoa nghi lễ Phật sám hối sáu thì trong ngày, Thái Tông nhằm thực hiện ước nguyện “tự làm lợi mình để làm lợi người”, ông không sợ người sau chê cười chìm đắm trong “mối khác” (dị đoan), mà tự nguyện làm người khởi xướng: “Không vì ngõ tía hoa cười sớm, sao có oanh vàng đậu liễu xanh”.    

Trần Thái Tông quan niệm Phật và Thánh đều cùng một đường, chỉ khác nhau trách nhiêm cụ thể. Trong Thiền Tông chỉ nam tự ông đã viết:

"Trẫm thầm nhủ: Phật không chia nam bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cùng nhờ giác ngộ mà thành đạt.Vì vậy phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường làm sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên Thánh. Cho nên Lục Tổ có nói: "Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau". Như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời. Thế thì lẽ nào ngày nay trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật là giáo lý của mình ư?". Bàn về chính giác, Trần Thái Tông cũng lại đề cập đến quan niệm các giáo đồng nguyên. Theo ông, hệ tư tưởng Nho Phật đều thấu triệt bởi chữ tâm. Vì thế thiện tâm chính là tư tưởng Phật giáo mà Thái Tông xây dựng và theo đuổi. Hoà đồng và thiện tâm, vì thế, chính là nguồn gốc của tư tưởng “hoà quang đồng trần” của Phật giáo thời Trần.

Trong các lãnh tụ Thiền học đời Trần, chỉ có Thái Tông là người chú ý truyền dạy cách tu tập. Không phải ông không hiểu Thiền tông vốn chủ trương vô ngôn, lấy tâm truyền tâm nhưng ông lại hiểu rằng đối với chúng nhân, trên con đường giải thoát rất cần có "thang bậc nâng đỡ " (Niệm Phật luận). Do vậy, niệm Phật, tụng kinh, trì giới, lễ Phật, dâng hương..., chính là những bậc thang, con thuyền, chiếc bè đưa chúng sinh đến bờ giác. Còn đến khi đã hiểu được "Phật là không mà Tổ cũng là không thì giới chẳng cần trì, kinh chẳng cần tụng"(Phổ thuyết sắc thân). Đây cũng chính là điều mà thiền sư Viên Chiếu đời Lý đã từng nói :

Qua sông phải dùng bè,,

Đến bến bỏ thuyền ghe".

 (Tham đồ hiển quyết).

          Khoá hư lục là một tác phẩm Thiền học có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng và mở đầu cho truyền thống tốt đẹp của Phật giáo đời Trần. Thông qua việc giải nghĩa tên tác phẩm - Khoá hư lục - Nguyễn Lang đã chỉ ra được nhiều điều chân xác về tư tưởng Thiền học của Trần Thái Tông: “Chữ khoá (trong khoá hư) có nghĩa là hành trì học tập. Chứ có nghĩa là với thái độ không cố chấp vào hình thức giáo điều. Nhu yếu của Khoá là việc siêng năng thực tập Thiền học không để cho thời gian luống qua; nhu yếu của là thái độ phá chấp tự do không kẹt vào khái niệm và hình thức. Hai nhu yếu tổng hợp lại thành tinh thần thực tiễn và khai phóng của đạo Phật: thực hiện một cách tinh tiến đạo lý giác ngộ trong tinh thần phá chấp tự do và vô niệm.” (Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr. 261) Đó cũng là đặc trưng của Phật giáo đời Trần, ở đó thể hiện tư tưởng minh triết cũng như quan niệm đạo đức, nhân văn mà Trần Thái Tông tha thiết muốn xây dựng nhân cách con người Đại Việt thời ông. Và đó cũng chính là tinh thần nhập thế của Phật giáo, Thiền học Trúc Lâm thời đại Đông A nhà Trần.

                                                                                              Ô Đồng Lầm - Hà Nội,  tháng 3- 2021

                                                                                   

           

 



[1] Nh÷ng tµi liÖu vÒ sö trong bµi chóng t«i theo §¹i ViÖt sö ký toµn th­ (§VSKTT), b¶n ChÝnh Hoµ thø 18 (1697), Nhµ xuÊt b¶n Khoa häc x· héi (Nxb.KHXH), Hµ Néi, 1985. Câu trích trên ở TËp II, tr.5

        Bài này đã trích đăng mt phn trong Trn Thái Tông, đường đời no đạo Gương mt văn hc Thăng Long (b mi), Nxb Hà Ni, 2010.

[2] Những dẫn chứng về Khoá hư lục trong bài đều trích từ, Tập 2, Quyển thượng, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb Khoa học xã hội công bố năm 1988

[3] Nguyn Lang, Vit Nam Pht giáo s lun, in ln th 3, Nxb. Văn hc, Hà Ni, 1992, tr. 262.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét