Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

CUỐN SÁCH KÌ VĨ XƯA NAY HIẾM

                                                                                                                                       VŨ NHO


       Tôi quen biết một số nhà giáo nhà văn nhà giáo và đã được tặng những tuyển tập dày dặn để đời như của các giáo sư: Phan Trọng Luận, Nguyễn Khắc Phi, Mã Giang Lân, tiến sĩ Đỗ Khánh Tặng,… Trong số sách tặng ấy có một số  tập chỉ in các  bài viết  về  tác giả như  là món quà tri ân bạn bè và đồng nghiệp của các  bạn văn như Nguyễn Hiếu, Nguyễn Ánh Tuyết, Hữu Đạt,... Tuy vậy, nhận được tập  Nguyễn Ngọc Thiện VĂN & ĐỜI, nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2021, sách gồm 1072 trang khổ  14,5 x 20,5 cm, đóng bìa cứng, được trình bày trang nhã với bức ảnh tượng đồng tác giả  cùng 7 cuốn sách tiêu biểu gắn với con số 7 may mắn. Dù được biết trước quá trình hình thành,  tôi vẫn  vô cùng kinh ngạc về sự đồ sộ, kì vĩ, tính chuyên nghiệp và sự độc đáo của nó. Có thể nói hiếm có nhà văn nào có thể có một cuốn sách độc đáo như thế! Các vị tiền bối và đàn anh cũng đã có tuyển tập các bài viết của nhiều người về VĂN của mình, nhưng thường là  do sau hội thảo kỉ niệm ngày mất, hoặc do đồng nghiệp, cơ quan làm nhân dịp mừng thọ. Ở đây nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện cá tự tập hợp tư liệu làm sách. Các bài viết đều có xuất xứ trên báo, tạp chí. Rất tiện lợi cho việc tra cứu.


          Đặt tên cuốn sách là VĂN và ĐỜI, nhưng sách được chia thành bốn phần,  phần thứ nhất  nhan đề Từ góc nhìn khoa học chuyên ngành chiếm 520 trang chọn lọc 75 bài của 45 cây bút các thế hệ nghiên cứu phê bình viết về các tác phầm  chính của Nguyễn Ngọc Thiện. Phần này cho người đọc thấy được cống hiến của nhà nghiên cứu cho văn chương. Có thể coi đó là phần VĂN. Phần thứ 2 nhan đề Trong tình đồng nghiệp, liên tài, tri kỉ, gồm  46 bài viết, chiếm 321 trang, cho thấy mối quan hệ đồng nghiệp liên tài tri kỉ. Các bài viết vừa cho thấy phần ĐỜI, nhưng cũng phần nào cho thấy phần VĂN của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện. Phần thứ ba có nhan đề Tự thuật - Hồi ức - Đối thoại  hơn 100 trang với 22 bài viết của tác giả về mình, các thầy mình, chủ yếu cho thấy đời sống tình cảm, sự tri ân các thầy. Phần  phụ lục  gồm các mục Cùng một tác giả, Thư mục nghiên cứu về tác giả, Hợp tác khoa học thầy trò (Danh sách cácThạc sĩ, Tiến sĩ do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện hướng dẫn đã bảo vệ thành công). Các bài thơ, câu đối, các bức tranh chân dung do họa sĩ  vẽ tặng, tượng,  các bức ảnh. Phần này cho thấy những nét cơ bản của ĐỜI  PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện.

       Đọc cả bốn phần của cuốn sách, người đọc sẽ thấy được phần VĂN và phần ĐỜI soi chiếu,  hỗ trợ, bổ sung cho nhau, và có thể hình dung  khá trọn vẹn về chân dung và đóng góp của một con người cả đời chỉ có một đam mê nghiên cứu phê bình văn học.

         Như đã nói trên, phần thứ nhất  có sự góp mặt của 45 cây bút chuyên ngành Lí luận phê bình với các tên tuổi quen thuộc trên văn đàn. Đó là GS.Viện sĩ Hoàng Trinh, GS.TS.Trần Đình Sử, GS.Hà Minh Đức, GS.Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh, các PGS.TS.  Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Hưũ Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thanh Tú, Văn Giá, Lê Đình Cúc, Lê Thị Bích Hồng, Trần Hoài Anh…Các nhà nghiên cứu, nhà văn Lại Nguyên Ân, Bùi Việt Thắng, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Phượng, Ngô Vĩnh Bình,…Riêng PGS.TS Nguyễn Thanh Tú có 7 bài viết về các công trình khác nhau của Nguyễn Ngọc Thiện. Cuốn “Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và Lí luận, thực tiễn Nghệ thuật  của Nguyễn Ngọc Thiện có 11 tác giả viết bài. Tất cả các bài viết đều tập trung khẳng định những đóng góp của một cây bút nghiên cứu cần mẫn, thực chứng, nghiêm  cẩn thông qua những chuyên luận của cá nhân hay công trình mà tác giả làm chủ biên.

           GS. Viện sĩ Hoàng Trinh  dành những lời  tốt đẹp để đánh giá không chỉ Nguyễn Ngọc Thiện, mà cả một thế hệ nghiên cứu “đã tạo ra được con đường đi của mình, nghiêm túc trong khoa học mà linh động trong tư duy, tìm kiếm vấn đề, nâng cao chất lượng. Đọc nhiều, tham khảo nhiều, coi trọng thực tiễn đời sống, kế thừa những người đi trước mà có những đóng góp riêng” ( tr. 23). Quả thật, đây là một nhận xét sâu sắc, có tính chất tiên tri đối với nhà nghiên cứu trẻ khi mới có tác phẩm đầu tay.

           Đánh  giá bộ sách đồ sộ do Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, GS.TS. Trần Đình Sử khằng định  đó là “cuộc mở đầu biến thông ngoạn mục”,  là bộ sách đáng quý”;  Nó bao quát một quãng thời gian gần nửa thế kỉ. Dài hơn bất cứ tuyển tập nào cùng loại. Nó gồm 4 tập với 2.600 trang khổ 13 x 19 cm, gồm 90 tác giả với 199 tác phẩm và đoạn trích khá phong phú và đa dạng” ( trang 57).

      Về cuốn tiểu luận phê bình thứ tư của Nguyễn Ngọc Thiện, PGS. TS. Phùng Gia Thế nhận xét  khách quan và chính xác:

Có thể nói Nguyễn Ngọc Thiện là nhà nghiên cứu khước từ mọi nhận định mang tính phỏng đoán xa rời văn bản gốc. Trong công tình của mình, các trích dẫn từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau ( trong đó có nhiều tài liệu quý) đều được ông chú mục rõ ràng, minh bạch, ngõ hầu tạo sự tin cậy cao nhất cho giới chuyên môn và bạn đọc. Đánh giá các vấn đề lí luận, phê bình văn học một thời qua từ góc nhìn hôm nay, nhà nghiên cứu luôn đặt văn bản trong bối cảnh văn hóa và kiểu diễn ngôn của thời đại để từ đó có những chứng giải khách quan, thuyết phục.” (tr.259).

       Phần thứ hai tập hợp các bài viết của bạn bè, đồng nghiệp trong tinh thần liên tài, tri kỉ. Các bài viết nghiêng về phần cuộc đời, con người tác giả Nguyễn Ngọc Thiện. Nhưng nhiều bài viết nhờ biết VĂN, tiếp xúc với VĂN của Nguyễn Ngọc Thiện mà nảy sinh tình cảm liên tài. Phần này có những bài viết của bậc đàn anh, các bạn bè đồng nghiệp, các môn sinh  của  tác giả. Tất cả các bài viết đều khẳng định sự thân gần, dễ hòa đồng, dễ mến trong đời sống, thái độ nghiêm cẩn, thực chứng, khách quan trong nghiên cứu khoa học của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện. Nhà báo Đồng Thị Mừng nói về “Người cầm bút đã từng cầm súng”. Nhà báo Kiều Mai Sơn khẳng định “ PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện : trăm năm bia sách chẳng mòn”. Nhà văn Nguyễn Tự Lập  đánh giá: “PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện, một nhà khoa học có Tâm- Tầm - Đức”. Nhà thơ Phạm Tâm Dung, cô giáo Hạnh An, chị Hoàng Tuyên viết về những kỉ niệm đep với Nguyễn Ngọc Thiện.  Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình,  nhà thơ Nguyễn Long, An Nguyễn,  tác giả N.B.  Nhà thơ Phan Thanh Vân tặng thơ. Các môn sinh Nguyễn Mạnh Quỳnh, Bùi Như Hải, Đỗ Phương Thảo, Nguyễn Thị Lan, Mỹ Hạnh, Hà Vinh Tâm, Lương Kim Phương,… đều có bài thể hiện lòng biết ơn với người thầy khả kính.  Còn PGS. TS. Trần Thị Việt Trung thì vừa thể hiện tình cảm phần ĐỜI, vừa đánh giá phần VĂN của bậc đàn anh trong bài viết giàu tính học thuật : “Nguyễn Ngọc Thiện, nhà lí luận, phê bình thực chứng, nghiêm nhặt”. Chúng tôi muốn dẫn ra khổ thơ của  nhà thơ Phan Thanh Vân vẽ chân dung  Nguyễn Ngọc Thiện khá thú vị : “Sinh năm bốn bảy, chàng Đinh Hợi/ Nội tướng đồng niên số bảy may!/ Rước bằng Tiến sĩ năm tám bảy/ Chín bảy Hội văn viết càng say!/ Nguyện làm “phu chữ” từ thời trẻ/Vạn quyển “Thư trai “ thật đủ đầy/ Làm báo , dạy văn và viết sách/ Nhân cách tài năng hiếm có thay” (tr. 541).

          Và không thể không dẫn mấy dòng đánh giá rất tinh tế của nhà văn Ma Văn Kháng về tài năng  của  Nguyễn Ngọc Thiện thể hiện trong VĂN và ĐỜI: “Cái tài ở anh khiến anh nhận ra những cái tốt đẹp trong sự bình dị thường ngày. Cái tài của  anh là cái tài ẩn mình trong sự giản dị. Trong sự đọc thiên kinh vạn quyển, học nhiều hiểu rộng. Trong năng lực khái quát. Trong sự nhạy cảm. Trong những chia sẻ và nhận biết tinh tường. Trong tình thương mến ấm áp bạn bè” (tr. 621).

        Phần thứ ba gồm các bài viết tự thuật, tự nhận xét của tác giả. Đặc biệt có 10 bài viết về những người thầy, người anh đã động viên, giúp đỡ, dìu dắt và để lại ấn tượng sâu sắc cho Nguyễn Ngọc Thiện. Đó là các thầy  Hoàng Xuân Nhị, Hà Minh Đức, Đinh Gia Khánh,  các bậc đàn anh Hoàng Trinh,  Hoài Thanh,  Nam Mộc, Phương Lựu, Phong Lê, Nguyễn Phúc,  Ma Văn Kháng. Các bài viết đó  đầy ắp sự biết ơn, trân trọng và sự ngưỡng mộ những người thầy, những bậc đàn anh.  Hai người thầy có ảnh hướng lớn đến việc học tập và nghiên cứu là GS. Đinh Gia Khánh và GS. Hà Minh Đức chủ nhiệm lớp.  Về ấn tượng với GS. Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc Thiện viết: “Thầy nhấn mạnh, điều căn cốt thuộc phẩm chất của người nghiên cứu là tạo lập một tư duy khách quan, thực chứng, “ nói có sách mách có chứng” như dân gian đã dạy. Phải trực tiếp đọc, xem, nghe, khảo chứng “ thực mục sở thị” đối tượng nghiên cứu là tác phẩm văn học và những công trình mà thiên hạ đã bàn về tác phẩm ấy, vấn đề ấy trước mình, để từ đó khổ công hình thành, động não, vắt óc mình ra để nhen nhóm ý kiến riêng của mình góp vào. Trong đó, nhà nghiên cứu phải phát huy bản lĩnh khoa học độc lập, dám phản biện, tranh luận với những ý kiến khác, bất luận họ đến từ đâu, đang ở vị trí nào, để xem xét lại, bảo vệ hay sửa chữa ý kiến của mình” (tr. 921). Chắc chắn thái độ, tình cảm đó   đã được Nguyễn Ngọc Thiện ứng xử trong công việc của mình, ứng xử với các môn sinh của mình sau này và đã nhận được  nhiều sự mến mộ, tôn kính.

          Ngay trong 3 phần trên,  Nguyễn Ngọc Thiện đã dày công sưu tầm ảnh chụp bìa sách ( phần 1), ảnh chân dung của các bạn viết, các tác giả,  các môn sinh cùng  làm việc, khiến cho người đọc không chỉ thấy tên người viết mà còn thấy cả dung nhan của họ ( phần 2). Mười người thầy và các bậc đàn anh đều có ảnh chân dung rất đẹp làm cho  bài viết thêm sinh động, thú vị.

Những bức chân dung do các họa sĩ vẽ tặng, những bức ảnh gia đình, bức ảnh trong các thời điểm quan trọng ở phần phụ lục làm cho cuốn sách hoàn hảo. Đúng là cuốn sách VĂN & ĐỜI của một nhà nghiên cứu được biên soạn công phu, chu đáo, khoa học, chặt chẽ!

          Xin chúc mừng đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Thiện ở tuổi 75 thêm một cuốn sách để đời trong những cuốn sách để đời của mình!

                                                          

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét