Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

THƯ NGỎ CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GỬI CHỦ TỊCH TẬP CẬN BÌNH

 

 HÀ VĂN THÙY

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11. 6. 2022

Kính gửi Ngài Tập Cận Bình

 Chủ tịch NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN Trung Hoa

    Thưa Ngài, được biết ngày 27. 5. 2022, Ngài đã chủ trì phiên họp lần thứ 39 của Đảng Cộng sản Trung Quốc về “Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia nhằm tìm hiểu nguồn gốc và cội nguồn của nền văn minh Trung Hoa để nâng cao nhận thức của đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân trong nước về các giá trị lịch sử và nền tảng văn hóa Trung Hoa,” tôi rất mừng nên viết thư này thưa với Ngài câu chuyện.


 


                      Tượng Viêm Đế và Hoàng Đế cao 106 m tại Trịnh Châu (Hồ Nam, Trung Quốc)

    Thưa Ngài, người Việt Nam có câu: “Con chim có tổ, con người có tông” ngụ ý rằng nguồn cội tổ tiên là điều tối quan thiết với con người cũng như một dân tộc. Một con người chưa biết tổ tiên là con người chưa trưởng thành. Một dân tộc chưa biết tổ tiên cũng là dân tộc chưa trưởng thành. Đáng buồn là, dù luôn tự hào có 24 bộ Quốc sử (nhị thập tứ sử) thì cho tới nay người Trung Quốc vẫn chưa biết tổ tiên mình là ai! Năm 2007, Trung Quốc dựa theo truyền thuyết đã bạt ngọn đồi ở thành phố Trịnh Châu bên Hoàng Hà để tạc tượng hai người đàn ông rồi tuyên bố đó

là Viêm Đế và Hoàng Đế, hai vị tổ của người Trung Quốc. Nhìn bức tượng, người cả nghĩ tự nhiên đặt ra những câu hỏi:

   1. Hoàng Đế xuất hiện 4698 năm trước, Viêm Đế sống khoảng 5300 năm trước, cách nhau 600 năm thì làm sao gặp gỡ để sinh ra người Trung Quốc?

   2. Tổ của bất kỳ ai thì cũng là một cặp nam và nữ. Làm thế nào mà hai người đàn ông lại sinh ra đàn con đông đảo hàng tỷ người?

   3. Là con cháu của Hoàng Đế thì người Trung Quốc đến nay mới được 4698 tuổi, quá non  trẻ. Điều này có mâu thuẫn với việc quý vị cho rằng Trung Quốc có 5000 năm lịch sử?

   4. Nhiều nguồn tư liệu cho thấy, Viêm Đế là người phương Nam nóng bức nên nước da đen. Vậy người trên tượng có phải là Viêm Đế?!                               

Phải sang: Huy Thông, Hà Văn Thùy, Bùi Thanh Quất, Trương Sỹ Hùng, Trần Văn Đoàn

 Trần Thị Băng Thanh, Tô Duy Hợp, Nguyễn Xuân Diện tại hội luận Kinh dịch do Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết tổ chức tại Hà Nội. 09.05.2017 Ả anvi

   Truyền thuyết là những câu chuyện ảo huyền sương khói. Chỗ của nó là ở trong trí tưởng tượng ảo huyền. Một khi chưa thực sự hiểu mà vội dựng tượng đồng bia đá khiến nó chết khô trước ánh sáng trần tục! Hàng nghìn năm, người Trung Quốc khẳng định, đồng bằng miền Trung Hoàng Hà là nơi phát tích của con người và văn minh Trung Quốc. Rồi từ đây văn minh Hoa Hạ lan tỏa xuống khai hóa các sắc dân man di phía Nam. Nhưng năm 2016, sau 80 năm khảo cứu văn hóa Lương Chử, học giả Trung Quốc tuyên bố: “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.”(1) Sao lạ vậy, thưa Ngài? Một cộng đồng sinh ra tại lưu vực Hoàng Hà, cho đến trước thời Tần chưa bao giờ vượt sông Dương Tử, thì làm sao mà cội nguồn văn hóa của nó lại ở Hàng Châu? Tiếp đó khi phát hiện văn hóa Tam Tinh Đôi vùng Tứ Xuyên, học giả Trung Quốc lại nói: “Tam Tinh Đôi cũng là một cội nguồn của văn minh Trung Quốc (?!)” Làm thế nào mà hiểu được khi một dân tộc được sinh ra từ nhiều cội nguồn? Chẳng những thế, thưa Ngài, khảo cổ học xác định văn hóa Tam Tinh Đôi 4800 tuổi, tức nền văn hóa này xuất hiện trước khi Hoa Hạ ra đời tại vùng đất rất xa thì làm sao lại thuộc về Trung Quốc?!

   Thưa Ngài Chủ tịch, khoa học thế giới đang áp dụng nhân học phân tử để tìm hiểu lịch sử phương Đông. Rất mừng là Trung Quốc đã thành cường quốc khảo cổ và di truyền học. Tuy nhiên, giữa việc khám phá di tích khảo cổ và xác định mã gen với việc đưa ra nhận định từ khám phá đó là khoảng cách xa. Từ khảo cứu di truyền dân cư Đông Á, hai học giả Chuan-Chao Wang và Hui Li thuộc Đại học Phúc Đán đưa ra nhận định: “Có hai con đường di cư của người châu Phi làm nên dân cư Đông Á. Con đường phía Nam làm nên dân cư Đông Nam Á mã di truyền Australoid. Trong khi đó con đường phía Bắc làm nên người nông dân Trung Quốc mã di truyền Mongoloid. Một lượng lớn nông dân Trung Quốc tràn xuống, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Đông Nam Á hiện đại.” (2)

   Với kết luận “khoa học” như thế, đương nhiên người Việt Nam phải là con cháu của người Trung Quốc. Người Trung Quốc hài lòng với kết luận này vì nó chứng minh cho tư tưởng “Hoa tâm” xa xưa! Diễn dịch từ kết luận này, học giả Trung Quốc cho rằng, người từ lưu vực Hoàng Hà xuống Nam Dương Tử, làm nên chủ thể của cộng đồng Bách Việt. Trong khi đó, một bộ phận Bách Việt chạy xuống Bắc Việt Nam, trở thành dân cư Việt Nam. Vì vậy Hoàn cầu thời báo kêu gọi người Việt Nam “lãng tử hồi đầu”- đứa con đi hoang hãy trở về nhà! Tuy nhiên, đáng tiếc là, khi đưa ra kết luận như trên, hai học giả Wang và Li đã quên mất nguyên lý sơ đẳng của di truyền học: “Tổ tiên có độ đa dạng sinh học cao hơn con cháu.” Theo nguyên lý này, vì là con cháu nên người Việt Nam phải có đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc! Nhưng trên thực tế, mọi khảo cứu di truyền dân cư châu Á đều khẳng định: “Người châu Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Trong đó người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất, có nghĩa là, người Việt Nam là cộng đồng già nhất trong dân cư châu Á.” (3)

   Như vậy, dù phát hiện chính xác sự phân bố của haplogroup bốn dân cư Đông Á (O, C, D, N), khi nhận định về nguồn gốc của họ, hai nhà di truyền danh tiếng của Đại học Phúc Đán đã sai một cách thê thảm. Không chỉ đảo lộn cương thường, biến tổ tiên thành con cháu, họ còn bất chấp sự thật: là vùng đất thoát khỏi băng hà muộn nên dân cư lưu vực Hoàng Hà hình thành muộn, không thể có số lượng người đủ lớn để thay thế dân cư Đông Nam Á lục địa vốn rất đông. Trong khi đó, bằng nghiên cứu của mình, tôi đã phát hiện: 70.000 năm trước, hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo con đường phương Nam tới Việt Nam. Tại đây họ gặp nhau, sinh ra người Việt cổ mã di truyền Australoid. 50.000 năm trước, người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á, tới châu Úc và Ấn Độ. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu tốt hơn, người Việt cổ đi lên khai phá Hoa lục. Một bộ phận tới Siberia rồi qua eo Bering chiếm lĩnh châu Mỹ. Một nhánh từ Tây Hoa lục qua Trung Á vào châu Âu làm nên tổ tiên người châu Âu European. Khảo sát di cốt người đàn ông ở hang Điền Nguyên Chu Khẩu Điếm, di truyền học xác nhận: “Ông từ Hòa Bình Việt Nam tới 40.000 năm trước, là tổ tiên người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và là thủy tổ người bản đia châu Mỹ.” (4)

   Trên Hoa lục, con cháu cụ Điền Nguyên xây dựng văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, Hà Mẫu Độ 7.000 năm trước, Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước… Tại văn hóa Ngưỡng Thiều, người Việt Australoid hòa huyết với người Mongoloid phương Bắc (cũng từ Việt Nam lên), sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam (South Mongoloid), được gọi là người Việt hiện đại. Người Việt hiện đại tăng số lượng, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà, xây dựng hai trung tâm kinh tế văn hóa Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên) và Thái Sơn. 5.300 năm cách nay, tổ của người Việt là Thần Nông xây dựng nhà nước đầu tiên ở phương Đông bao gồm lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà với kinh đô Lương Chử. Khoảng 4.698 năm trước, người Mông Cổ phương Bắc do họ Hiên Viên dẫn đầu đánh vào Trác Lộc, chiếm miền Trung Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Trong nhà nước Hoàng Đế, người Việt hòa huyết với người Mông Cổ sinh ra lớp con lai được gọi là Hoa Hạ. Do người mẹ Việt sinh ra, bú sữa Việt, nói tiếng Việt, thấm nhuần văn hóa Việt, nên Hoa Hạ là người Việt. Nhận được hai nguồn gen và hai nền văn hóa Mông - Việt, người Hoa Hạ có tư chất ưu tú. Khi trưởng thành, đã thay cha ông Mông Cổ, lãnh đạo xã hội, làm nên thời hoàng kim trong lịch sử phương Đông. Cộng đồng sống trong vương triều Hoàng Đế sau được gọi là người Trung Quốc. Vì uy tín quá lớn của Hoàng Đế, người dân quy cho ông rất nhiều công trạng của tiền nhân đồng thời tôn ông là tổ tiên của mình. Huyền thoại “Người Trung Quốc là Viêm Hoàng tử tôn” ra đời. Tuy nhiên, đó là lầm lẫn lớn. Người Mông Cổ vào Trung Nguyên cùng Hoàng Đế tạo nên người Hoa Hạ. Hoa Hạ không phải tộc người mà là lớp con lai sinh ra khi hai cộng đồng dị chủng gặp gỡ. Một thời gian sau, Hoa Hạ bị người Việt đông đảo đồng hóa trở thành người Việt. Cũng giống như người Nguyên theo Hốt Tất Liệt, người Thanh theo Ái Tân Giác La vào Trung Quốc sinh ra lớp Nguyên nhân, Thanh nhân. Chỉ thời gian sau, tất cả thành người Trung Quốc. Hốt Tất Liệt và Ái Tân Giác La không phải là tổ tiên người Trung Quốc nên Hoàng Đế cũng không phải là tổ tiên người Trung Quốc. “Viêm Hoàng tử tôn” là lầm lẫn do sự mù mờ về lịch sử!

   Vì cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, một bộ phận người Việt ở Thái Sơn và Trong Nguồn chạy xuống Nam Dương Tử rồi đi tiếp xuống Việt Nam, mang nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Nam Dương Tử và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Di truyền học và khảo cổ học xác nhận, đây là cuộc chuyển hóa di truyền hòa bình, diễn ra trong khoảng nửa thiên niên kỷ. Cho đến 2.000 năm TCN, dân cư từ Nam Hoàng Hà tới Việt Nam cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Trong cuộc chuyển hóa di truyền này, một lượng nhỏ người Mongoloid phương Nam từ lưu vực Hoàng Hà xuống, bổ sung nguồn gen Mongoloid cho dân cư Việt Nam vốn có sẵn lượng gen Mongoloid từ 70.000 năm trước. Do vậy, người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á.

Do quá trình hình thành như trên nên dân cư Việt Nam và Trung Quốc cùng là người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam, mà tổ tiên được sinh ra tại làng Bán Pha thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước. Tuổi của người Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đại phải được tính từ thời điểm này. Lớp người Hoa Hạ được sinh ra sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế 4.698 năm trước có nước da sáng hơn nên gọi người bản địa là “lê dân” với nghĩa là người da đen. Nhưng sau đó, do hòa huyết liên tục với người Việt bản địa, toàn bộ người Hoa Hạ trở nên đen: Đế Khốc, đời thứ tư của Hoàng Đế có nước da đen như chim Cốc. Vua Thành Thang đen như than. Lão Tử có nước da đen bóng… Hoa Hạ hòa tan trong cộng đồng người Việt.

   Quá trình hình thành dân cư Đông Á cho thấy: người Việt cổ chiếm lĩnh Hoa lục, sinh ra dân cư Trung Quốc. Cố nhiên, tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng Trung Quốc. Trước khi Hoàng Đế xuất hiện, người Việt cổ đã sáng tạo những nền văn hóa rực rỡ như Giả Hồ, Hà Mẫu Độ, Lương Chử…Từ 6.500 năm trước, với vị tổ Phục Hy, người Việt đã hoàn thành việc sáng tạo Kinh dịch. Cũng thời gian này, văn giáp cốt đã gần trưởng thành, được dùng trong bói toàn, cúng tế và được đưa lên vùng An Dương Hà Nam. Năm 1400 TCN, khi chiếm đất An Dương của người Việt, nhà Ân với chính quyền quân chủ mạnh và sáng tạo, đã tận dụng công sức và trí tuệ của người Việt để hoàn thiện và phát triển giáp cốt văn thành chữ Nho. Chữ Nho là sáng tạo kiên trì của người Việt từ 10.000 năm trước, bắt đầu trên bãi đá Sapa cho tới lưu vực Dương Tử, Hoàng Hà rồi được nhà Thương hoàn thiện, đưa phương Đông vào thời có sử…

   Thưa Ngài Chủ tịch, những ý tưởng trên tôi đã trình bày trong những cuốn sách: The Formation Process Of The Origin And Culture Of The Viet People

(https://www.amazon.com/dp/1989993303), Out Of Vietnam Explore Into The World (https://www.amazon.com/dp/B09BL6NBGD?ref_=pe_3052080_397514860).      

   Vấn đề của lịch sử phương Đông là thời kỳ tiền sử, trước đây khoa học chưa bao giờ với tới. Điều không ngờ là, trong khi đi tìm cội nguồn và văn hóa của người Việt Nam, tư liệu khảo cứu đã soi sáng lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Nhờ đó giúp tôi hoàn thành cuốn Viết lại lịch sử Trung Hoa.(Rewriting Chinese History -https://www.amazon.com/Rewriting-Chinese-History-Thuy- Van/dp/1989993680). Có thể nói, trong đó, những vấn đề cơ bản của lịch sử, văn hóa Trung Quốc được trình bày một cách nhất quán, khoa học. Tuy nhiên, dù sao thì đó cũng là lịch sử của một nhà. Rất vui nếu được các học giả Trung Quốc đọc và phản biện để được học hỏi thêm.

   Văn hóa phương Đông giống như cây đại thụ mà gốc sâu rễ bền mọc trên đất Việt Nam còn cành lá sum suê cùng hoa thơm trái ngọt nảy nở trên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà. Hoàng Đế tuy không phải tổ tiên người Trung Quốc nhưng là nhân vật lịch sử vĩ đại. Ngài thực hiện cuộc giao hòa tuyệt vời những nhân tố tốt đẹp của văn minh du mục Mông Cổ với văn hóa nông nghiệp Việt tộc, tạo ra triều đại Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu – thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông. Văn hóa Việt Nho được kết tinh trong Tứ thư, Ngũ kinh với những bậc thầy như Lão Tử, Khổng Tử cùng Bách gia chư tử. Đó chính là minh triết phương Đông, đỉnh cao của văn minh nhân loại. Nền Minh triết phương Đông là ngọn đuốc soi đường mà mọi thế hệ sau này phải đến xin lửa từ đó. Đó cũng chính là cái mà Ngài chủ tịch đang dẫn dắt nhân dân Trung Quốc tìm kiếm. Công việc hôm nay là khảo cứu để hiểu thật đúng lịch sử tộc Việt, ngõ hầu tìm lại đạo Việt rồi dùng đạo Việt làm kim chỉ nam khai thác vốn minh triết do tổ tiên để lại, dẫn dắt các dân tộc phương Đông cùng nhân loại đi tới.

   Con người Đông Á được hình thành theo hai thời kỳ, bắt đầu từ 70.000 năm trước. Thời gian quá xa đã xóa đi hầu hết dấu vết. Những cốt sọ xưa nhất tổ tiên để lại cũng chỉ là 32.000 năm. May mắn, nhờ cuốn thiên thư DNA mà tạo hóa ghi lại trong máu huyết, chúng ta tìm được thủy tổ 70.000 năm sinh ra người Việt cổ. Nhờ DNA và khảo cổ, ta biết, vị tổ 7000 năm trước bên bờ Hoàng Hà cho ra lớp chúng ta hôm nay. Do vô minh lịch sử, do lòng tham, hàng thiên niên kỷ, tuy cùng một dòng giống, chúng ta phân biệt Hoa, Di để tranh chấp chém giết khiến cho máu Việt chảy thành sông. Mong rồi có một ngày, nhờ tìm lại được cội nguồn, người Việt, người Hoa, người Hàn, người Nhật nắm tay nhau tới làng Bán Pha đất Thiểm Tây, xây ngôi đền thờ vị tổ 7.000 năm trước để con cháu đời đời hương khói. Tiếp đó, trở về Hòa Bình Việt Nam xây Ngôi Đền Tổ Tiên Nhân Loại, thờ vị thủy tổ 70.000 năm trước, sinh ra không chỉ dân Đông Á mà là toàn thể nhân loại ngoài châu Phi. Mong rằng, với lòng thành của chúng ta, được hồn thiêng của tổ tiên phù hộ, con cháu dòng giống Việt trên khắp thế gian sẽ hành hương tìm về chiêm bái để cùng nhau xây dựng thế giới Thái Bình Minh Triết.

   Kính mong Ngài Chủ tịch nhiều sức khỏe và thành công.

                                                   Tài liệu tham khảo:

1. 良渚文化浙江首次发现墓主”http://www.epochtimes.com 2001-07-27 12:15 AM

2. Chuan-Chao Wang and Hui Li. Inferring human history in East Asia from Y

chromosomes. https://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-

2223-4-11

3. S.W. Ballinger et al. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic

Continuity of Ancient Mongoloid Migrations.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1204787/pdf/ge1301139.pdf)

4. Melinda A.Yang et al. 40,000-Year-Old Individual from Asia Provides Insight into Early

Population Structure in Eurasia.

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0960982217311958.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét