Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Minh triết Trong Cái Nhìn Tương Quan Với Triết Lý và Triết học



Nguyễn Khắc Mai
Tôi được GS Tô Duy Hợp mời trình bày tại Hội thảo này, với gợi ý nói về mối quan hệ giữa Minh triết, Triết lý và Triết học, tựa như thầy đã ra đề, và trong phạm vi một dúm kiến thức của mình, tôi xin trình bày đôi điều đã học hỏi được.
Tôi cho rằng, người đầu tiên ở nước ta, mà có khi là cả ở tầm thế giới đề cập đến ba mối quan hệ này là Cố Giáo sư Lương Kim Định, Người đã sáng lập ra Học phái An Vi ở nước ta. Trong quyển sách xuất bản vào năm 1960 Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết lý Đông Tây Lương Kim Định nói rõ: ”Chúng ta nên cùng nhau ước định về nội dung một số danh từ sau đây:
- Thế nào là Minh triết?
- Thế nào là Triết lý?
- Thế nào là Triết học?”.
Về Minh triết, Lương Kim Định cho rằng “Nói về hình thức thì Minh triết chỉ sự khôn sáng của các Thánh Hiền đã được kết tinh vào những câu triết ngôn thuộc truyền thống tinh thần... Những lời huấn đức của các ngài tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời... Phương pháp các ngài là thể nghiệm, trực giác, không dùng đến lý luận, phân tích hoặc dùng rt ít...
Có thể Lương Kim Định cũng là người đầu tiên trong thời hiện đai, lại dùng chữ quốc ngữ đễ viết hai chữ Minh triết. Xưa hơn theo tôi biết thì Ngô Thì Nhậm đã viết về khái niệm Minh triết bằng chữ nho, trong bài phú “Thiên Quân Thái Nhiên”, nghĩa là Trái Tim Thanh Thản, nói về cái chí và vai trò, thái độ của kẻ Sĩ (giới trí thức). Trong bài phú này Ngô Thì Nhậm viết: “Minh triết dĩ bảo thân, vô cứ vu lê, khốn vu thạch” nghĩa là Minh triết để giữ gìn thân mệnh, không bị quàng vào dây, vấp vào đá. Dây và đá là biểu tượng của những khó khăn, chướng ngại trên đời. Đ là cái nhìn tích cực đối với Minh triết.
Lương Kim Định là người có công, lần đầu tiên sử dụng một khái niệm cổ kính trong văn hóa Việt nho (Kinh Thi) đ chỉ một phạm trù của văn hóa, chng những liên quan đến triết học, mà đến cả Tâm lý học, đến Tôn giáo-phạm trù Minh triết. Khác với một nhà trí thức có tên tuổi ở nước ta là GS Nguyễn Tài Thư (Viện Triết học, chớ lầm với GS Nguyễn Tài Thu - y khoa), Cụ Kim Định rất đề cao Minh triết. Còn GS Tài Thư chỉ biết đến một nghĩa tiêu cực của Minh triết trong thành ngữ “Minh triết bảo thân” nhằm nói về những kẻ khôn ranh ăn người chỉ biết giữ mình, tránh mọi thiệt hại. Người ta chê những kẻ ấy là kẻ “Minh triết bảo thân” tuy nhiên cái ý nghĩa ban đầu của nó trong Kinh Thi lại rất tích cực!. Mấy chữ ấy là để nói về một vị quan nhà Chu, vừa có trí, vừa giỏi giang việc nước, biết thương người, lại không sợ kẻ cường quyền. . . Kinh Thi kết luận ông ấy ký minh, thả triết dĩ bảo kỳ thân”, một con người tài trí như vậy, vừa có minh lại có triết nên giữ được thân mệnh. Ngày nay chúng ta hiểu thân mệnh không chỉ là của một cá nhân, mà còn có thân mệnh của một cọng đồng, một gia tộc, một công ty, một ngành. một chính đảng, một dân tộc... Biết bao cọng đồng vì không biết Minh triết, không dùng được Minh triết mà đã suy thoái, tiêu vong (xem Kinh Thi, bài Chưng Dân Thiên Đại Nhã, NXB Văn học ). Như thế Minh triết đâu chỉ duy có một nghĩa tiêu cực như GS Tài Thư rao giảng (khiến khá nhiều người gần đây đã ngộ nhận!).
Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối thế kỷ 20 ở Âu Mỹ đã có khuynh hướng đi sâu nghiên cứu và ứng dụng Minh triết. Nhà nghiên cứu khả kính đã quá cố Hoàng Ngọc Hiến cũng cho rằng Âu Mỹ đang đi tìm trạng thái văn hóa Phục hưng mới tư Minh triết cổ truyền Hy La và nhất là từ Phương Đông. Thật ra cuộc “xoay trục’ về văn hóa và về tư tưởng, triết học sang phương đông đẫ có từ lâu, khi Phương Tây khám phá ra một nhân loại phương đông kỳ vĩ, đến nỗi Voltaire đã thốt lên đầy thán phục rằng Đạo Đức Kinh đã chứa toàn bộ những vấn đề triết học của nhân loại. Chính trong quyển sách ấy Lương Kim Định cũng nhận định “đã có một cuộc thiên di của triết học Phương Tây sang Phương Đông”.
Về thuật ngữ, khái niệm, phạm trù “Minh triết”, chắc là còn phải tìm hiểu, giải thích nhiều nữa. Không phải vô cớ mà Đại học Chicago (Mỹ) đã bỏ ra một kinh phí 2 triệu đô la để mời goi tham gia định nghĩa Minh triết. Gần đây tôi thường gặp một câu hỏi Minh triết là gì? Không phải chỉ của các em sinh viên, mà cả của nhiều vị trí thức. Có người bảo tớ chẵng hiểu Minh triết là gì, tôi chỉ vào một câu trong tác phẩm của vị ấy có hai chữ Minh triết và bảo nó có cái nghĩa như anh hiểu. Có vị trí thức ở nước ngoài cũng nói như thế. Khi tôi bảo nó có nghĩa tương đồng như Sagesse, Ông ta liền bảo nói sagesse thì tôi hiểu. Điều ấy không lạ. Vì phương Tây cho đến nay vẫn còn cật vấn nhau Philosophie là gì.
Trung tâm Minh triết đã nêu ra như một giả thiết để nghiên cứu: ”Minh triết là phần tinh hoa trong tài sản tư tưởng và văn hóa của nhân loại, đặc biệt là của Phương Đông và nước Việt Nam chúng ta. Những giá trị Minh triết của Việt Nam được hình thành qua tiến trình Văn hóa-Lịch sử hàng ngàn năm, rất phong phú, sâu sắc. Nó chính là sợi chỉ đỏ, là cốt lõi, là chất tủy của văn hóa Việt. Minh triết thể hiện ra trong những câu chữ, mệnh đề, lời nói, câu chuỵện…bao hàm những ý nghĩa có tính chân lý phổ quát, sâu sắc. Chúng từ cái “ngộ” của những người hièn tài, vua hiền, tướng giỏi, nhà văn hóa lớn, hoặc là những hạt ngọc được mài giũa tinh tế của văn hóa dân gian (Folklore)…Trích Đề cương nghiên cứu Minh triết trong tiến trình Lịch sử-Văn hóa Việt Nam.
Về Triết Lý, Lương Kim Định viết: ”Triết lý giống Minh triết ở đối tượng… Lấy cứu cánh con người làm trọng tâm suy nghĩ, lấy sự thực hiện đến rốt ráo cái tính bản nhiên của con người làm mục tiêu. Nhưng khác với Minh triết ở phương pháp. Minh triết nhìn thẳng, trực nghiệm, nói như thánh phán. Vì thế gọi Minh triết là sang suốt, thấu triệt. Còn Triết lý, phải đưa lý sự, biện chứng, bàn giải, Triết lý là thấu triệt bằng sự lý chứ không bằng trực thị. Xét về nội tại nó thấp hơn Minh triết” (nhưng nó giúp nhiều người hiểu cái thâm thúy của Minh triết).
Khác với Tây phương, họ chỉ có một thuật ngữ Philosophie để tùy ngữ cảnh mà ta phải hiểu là triết lý hay triết học. Việt Nam và cả ba nước Á Đông (Trung, Triều, Nhật) có cả khái niệm Triết lý, lại có cả khái niệm Triết học. Trước khi nói về quan niệm của mình trong sự phân biệt hai khái niệm này, xin dẫn cách hiểu Triết học của Lương Kim Định.
Về Triết Học, ông nêu: ”Tây Âu không phải không có Minh triết hay Triết lý, nhưng Tây Âu hướng về triết học. Triết học khác triết lý ở ba đầu mối:
- Triết học không lấy con người, mà lấy thiên nhiên, sự vật làm trung tâm suy nghĩ (về bản thể, về chung hữu…)Các triết gia Hy lạp ban đầu được gọi là những nhà tự nhiên học –naturalistes.
- Triết học coi trọng phương pháp khoa học, phê phán, phân tích, lien kết kiến thức tìm ra hệ thống mạch lạc, chặt chẽ…lấy tri thức làm cùng đích.
- Triết học đạt tới cùng lý ( vì thế kinh viện, nhà trường…nằm chình ình bên lề cuộc sống…) Chưa bao quát tới tâm linh. tiềm thức…Tuy nhiên triết học hiện đại đang tìm tới hòa nhập “Minh” với “Triết” làm một. Lương Kim Định dẫn lời của Lyotard “ Nous ne pouvons suprimer la philosophie qu, en la realisant. Nous avons realise’ c’ést pourquoi avons suprime’ la philosophie. ”Lương Kim Định cũng cho rằng Marx cũng có ý tưởng như vậy. Tôi hiểu là Cụ nói về câu nỗi tiếng của Marx “vấn đề không phải là giải thích thế giới, mà là cải tạo nó”.
Lương Kim Đinh cho rằng, ngày nay triết học cũng đang đi tìm lai chính mình với thiên chức đích thực của triết học như Alcuin nói, mà Nietzche thán phục nhắc lại: ”Thiên sứ đích thực của triết học là điều chỉnh những điều thiên lệch, kiện tráng những điều chính nghĩa, thăng hoa những điều thánh thiện”. (La veritable vocation royale pour une philosophie: Prava corrigere et recta corroborare et saneta sublimare)”.
Trong truyền thống văn hc, Tây Âu, khi nói những gì trang trọng vẫn hay dùng tiếng La tinh giống như ở Việt Nam xưa dùng chữ nho vậy. Cái mệnh đề “Prava corrigere et recta corroborare et santa sublimare. ” đáng được treo cao ở cổng của viện Triết học cũng như ở cổng học viện Nguyễn Ái Quốc! Chưa bao giờ ta lại thấy cần biết bao cái năng lực Prava, Recta, Saneta của triết học nói riêng và của tri thức nói chung như hôm nay. Ba chữ ấy cũng tương đồng như Chân, Thiện, Mỹ của chúng ta vậy. Chúng ta đang có quá nhiều những tư duy “thiên thẹo”, ”tà ngụy”, ”thấp hèn”.
Cả ba phạm trù ấy-Minh triết, Triết lý, Triết học tuy có sự phân rõ bản thể, ai là ai. Nhưng chúng cũng giao thoa với nhau, làm tiền đề lẫn nhau. Trong một triết học ắt phải có một hệ thống những triết lý làm nội hàm, làm bộ khung, làm xương cốt. Trong những triết lý ấy nếu không có hoặc không tìm thấy những hạt châu minh triết, chắc chắn cái triết học ấy là thiếu vắng tâm hồn, thiếu cái chất tủy tinh túy để tạo ra hồng cầu, để đưa dẫn những sợi thân kinh. . . Chúng ta đang quan sát thấy có cái gọi là triết học mà hệ thống triết lý dẹo dọ ông chẵng bà chuột, điều nọ đá điều kia. Hơn nữa người ta cố tình ném vứt những hạt châu và thay vào đó là vô vàn những thứ tuồng như là lấp lánh, một loại giả kim tráo trở. Tây phương có một câu ngạn ngữ : ”không phải những gì lấp lánh cũng là vàng”.
Minh triết làm cho triết lý có hồn. Triết lý làm cho triết học có cốt. Trong một thông báo triết học và minh triết, nhà nghiên cứu Phạm Khiêm Ích khẳng định : Theo nhà triết họcPháp Luc Ferry, triết học có ba chiều kích (ba lĩnh vực) có quan hệ mật thiết với nhau:
- Thông hiểu điều kiện hiện hữu (lý thuyết),
- Khao khát chính nghĩa (đạo đức),
- Kiếm tìm sự cứu rỗi, (Minh triết)”.
Luc Ferry nói ”Đã đến lúc có thể nghĩ tới xây dựng một minh triết hiện đại và thế tục”. Ý tưởng này đã được Lương Kim Định đề xướng rất sớm, từ giữa tk20, và hin nay nhiều nhà nghiên cứu ở nước ta cũng đề cập đến, như Hoàng Ngọc Hiến, Tô duy Hợp (trong ý kiến đổi mới và hiện đại hóa Minh triết).
Phạm Khiêm Ích cũng thông báo, vào tháng Tám năm nay 2013 ti Athene, sẽ có Đại Hội Quốc tế Triết học lần thư XXIII và trong phiên họp toàn thể sẽ thảo luận đề tài: ”Triết học với tư cách là Minh triết thực tiễn”(Philosophy as Practical Wisdom).
Có thể nói như một học giả Pháp (dẫn theo wikipedia), Apres une certaines phases de desinteret sur les philosophes, la Sagesse redevient aujourd’hui le principal sụjet de la rèflection comtemporaine. (Sau một hồi thất vọng đối với các triết thuyết, ngày nay, Minh triết đang trở thành chủ đề chính của tư duy đương đại).

Tôi nghĩ rằng Minh triết với ba cấp độ: nội dung tư duy, phương thức tư duy, và tố chất con người, liên quan đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của Dân tộc Việt Nam hôm nay, cần được quan tâm. Nói như Lloyd Bruce (ANH Quốc) ”Các nhà lãnh đạo, điều hành (vĩ mô và vi mô) nếu không biết minh triết và sử dụng nó, sẽ trả giá đắt cho sự vô tâm của mình. Ở nước ta hiện nay vấn đề biết hay không và vận dụng minh triết như thế nào đang là việc liên quan đến mỗi chúng ta!. Còn Minh triết của tổ tiên Việt tộc vẫn còn như ngọc đang vùi lấp trong đá./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét