Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

LẠC THƯ MINH TRIẾT

Kết quả hình ảnh cho milky way
Ảnh từ Internet
Lương Kim Định
TMT: Trung tâm Minh Triết dự kiến tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cố Triết gia, Linh mục Lương Kim Định (15/6/1915-25/3/1997) vào tháng 6/2015. Nhân dịp này chúng tôi xin được giới thiệu một đúc kết của ông về ... Vũ trụ!. 

LẠC THƯ MINH TRIẾT 
III: Ba luật lớn trong vũ trụ
          Vũ trụ quan Dịch Kinh xoay vần theo những luật tắc bất dịch gọi là “Thiên tắc” Thiên tắc có nhiều nhưng có thể rút gọn vào ba luật lớn. Ba luật đó là Biến động, Loại tụ và Giá sắc.

1.- Luật biến động
          1). Muôn vật trên đời biến động không một vật nào ngơi nghỉ. Luật biến động là luật phổ biến, vì nó làm nên cơ cấu sự vật. Sự vật có là có do sự động. Không có động thì không có vật, mỗi vật đều là sự động, hay là một cuộc chạy vòng tròn để lại trở điểm phát xuất, nên ta gọi là tuần hoàn. Động theo vòng tròn là thế cách của luật biến động nên nó cũng có tầm phổ biến như vậy. Muôn vật trong vũ trụ không vật nào ra ngoài luật đó từ mặt trời mặt trăng mọc bên Đông lặn về bên Tây để rồi lại mọc lên bên Đông. Nước biển bốc thành hơi, hơi tụ lại thành mây làm mưa xuống lại chảy ra biển để rồi lại bốc lên. Máu trong tim chảy ra nuôi thân xác rồi lại trở về trái tim để đi ra nữa. Tất cả đều đi theo vòng tròn.
Chính sự động tuần hoàn này làm nên sự vật, vậy mọi sự vật chẳng qua là những hình thái động xoáy ốc khác nhau. Bỏ sự động đi thì trên trời dưới đất không còn gì nữa cả. Không có vật nào thoát ra khỏi luật này. Chúng ta thấy sự thực theo luật biến động này đi trái ngược với giác quan cho sự vật là bất động, đông đặc, ù lì. Chính vì thế mà con người khó theo đúng được đạo nên còn cần bàn nhiều về luật này, ở đây chỉ xin rút ra một kết luận trực tiếp là:
          2). Mọi vật có là có trong một dạng thức động: những hình thức đó qui dịch do sự mau chậm của sự động, những động vật hiện ra hình tích khả giác là những vật động chậm lên giác quan “thấy”: Giác quan cũng cùng một sự tiếp nhịp với chúng nên tưởng là chúng im lìm kì thực là chúng biến động không ngừng nghỉ, vật động càng chậm thì càng cứng chắc, càng động mau thì càng nhẹ xốp... Cây sắt được phóng đi rất mau bằng sức mau của ánh sáng thì sẽ trở thành ánh sáng. Vì thế mà có nhiều đợt chất thể, nhưng cho tiện thì ta chỉ thâu vào hai loại một là tinh khí hai là khí chất. Khí chất ở trong tầm với của giác quan, có thể tiếp xúc bằng xem, nghe, sờ, mó, cảm, ngửi, đo đếm. Nếu vượt tầm giác quan thì ta gọi là tinh khí, mà con người chỉ có thể tiếp súc bằng một nhậy cảm của tâm tình.
          3). Những hình thái làm bằng tinh khí sẽ gọi là Tượng. Tượng là một hình thái quá tế vi. Khi ta có một ý nghĩ thì ý nghĩ đó liền làm nẩy ra một tượng, nếu nó ở đợt lý trí giác quan thì ta sẽ gọi là ý tượng, nếu nó thuộc đợt tâm linh thì ta sẽ gọi là linh tượng , linh tượng lẫn ý tượng đều tuân theo luật chung là biến động theo vòng tròn, rồi nó lại nguyên thủy tới nơi phá xuất của nó.
          4). Đó là đại để mấy ý niệm cần thiết về luật đầu tiên là biến dịch và đó là luật phổ biến, gọi được là tiết nhịp uyên nguyên, vì thế muốn hoà nhịp với tiết nhịp đó cần con người phải biến dịch theo, nghĩa là phải tự động, phải “tự cường tự lực” phải biến động trong mọi việc: thân xác cũng như tâm trí, ngừng nghỉ là ứ trệ là trái luật thiên nhiên và sẽ bị đẩy đi như một yếu tố làm rối loạn tiết điệu của vũ trụ. Khi có sự hoà hợp với tiết điệu thì ta gọi được là “ sự hội thông” miễn hiểu chữ sự theo nghĩa biến động của dịch “thông biến chi vị sự” H.T.V “sự chính là việc biến thông là sự động” Gọi là luật phổ biến vì nó thâu nhập mọi việc: hễ không động là ứ trệ. Xác thân thiếu vận động trở nên yếu nhược: cơ năng nào không vận dụng tới sẽ thoái bộ. Tâm trí cũng thế thiếu luyện tập suy tư tìm hiểu cũng sẽ trở nên trí độn. Muốn sống mạnh phải tự cường cả trên mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần.

2.- Loại tụ
          Luật thứ hai rất quan trọng gọi là Loại tụ, nói rộng là “các tùng kì loại”. Mỗi loại đi theo với loại của nó. Luật này cũng trình bày bằng câu:
          “đồng thanh tương ứng”
          “đồng khí lương cầu” hoặc
“thủy lưu thấp, hoả tựu táo”: nước chảy về   chỗ thấp, lửa đi đến chỗ nóng.
          hoặc
          “vân tòng long, phong tòng hổ” Mây theo rồng, gió theo hổ.
          Đó là những phương thức bày tỏ luật loại tu “loi dé affinites”: các giống loại như nhau thì tìm nhau, hội tụ với nhau. Có muôn vàn loại, nhưng chia ra được hai loại lớn và chỉ thị bằng hai chữ Thiên, Địa với câu nói “thiên cao địa ti” trời cao đất thấp. Đó là bày tỏ theo lối tĩnh , còn theo lối động là:
          “Bổn hồ thiên giả thân thượng”
          Bổn hồ địa giả thân hạ. Tắc các tòng kì loại dã “ Vật nào xuất bởi trời thì đi với trời, vật bởi đất thì đi với đất, mỗi vật theo loại của mình”. Hai chữ thiên địa ở đây là hai danh từ rất tổng quát chỉ hai loại Thiên Địa, nhưng không có giới hạn rõ rệt vì nó ăn ngoắm với nhau. Nhưng ta có thể quan niệm rằng càng lên thì càng nhẹ, càng sáng, càng trong càng mở rộng.... càng xuống thì càng nặng, càng trọc, càng tối, càng thu hẹp... Theo như được biểu thị trong lược đồ thái cực sau:

























           Khi quan niệm theo án đồ trên thì dễ có được một ý tưởng khá rõ về sự vật có hai bình diện, và một ý thức sâu đậm về nét gấp đôi mà ta có thể tính tự dưới trở lên: càng ở dưới càng nặng nề, tối tăm, được biểu thị trong hình thái cực đồ vì càng đi xuống thì hình càng rậm rạp, tối tăm, lạnh lẽo, từ 2 ra 4 xuống 8, rồi 16, 32, 64 v.v... Ngược lại càng đi vào (hay đi lên) là càng gần sự mở rộng, sáng láng, nóng nảy, 8 ô dồn lại còn có 4 rồi 4 thành 2...
          Với luật loại tụ này chúng ta thấy luật biến động đã kép lên một đợt: ở luật I mọi vật đều động theo vòng tròn, ở đây cũng thế nhưng vì có hai loại nên có hai vòng khác nhau: một vòng thiên cũng gọi là vòng đại diễn; một vòng địa cũng gọi là vòng tiểu diễn. Vòng nào cũng chia ra 4 chặng, 4 chặng của vòng thiên gọi là nguyên, hanh, lợi, trinh, 4 chặng của vòng địa là thành, thịnh suy, huỷ. Sự khác biệt nổi rõ lên ở hai đợt sau cùng: một bên là lợi, trinh, bên kia là suy hủy. Một bên còn lại, một bên suy hủy. Suy hủy vì nó lệ thuộc những cái thô đại, hiện hình nên theo trọn vẹn luật thời không. Con lợi trinh thì đi theo những cái tế vi, bất tử. Thí dụ khi con người chết thì chỉ có cơ quan, tế bào tan rã, nhưng khí năng vi thể vẫn còn nên nó khác vòng ngoài. Thế mà hai vòng đó vận hành đồng thời trong con người chúng ta nên rất khó phân biệt. Con người thế tục chỉ còn biết có vòng ngoài, nên đánh mất nét gấp đôi, nghĩa là mất ý thức về vòng trong. Để giúp vào việc nhận thức lại vòng trong này hãy thử dùng vài thí dụ rất cụ thể. Thí dụ cụ thể nhất có lẽ là cơ quan sinh dục vì nó là nơi tận cùng của hai vòng cách rõ rệt. “Suy huỷ” là nước tiểu, “lợi trinh” là tinh trùng có thể thành con người khác. Trong khi tiểu tiện con người tống ra ngoài một thức cặn bã đã làm xong một vòng hoạt động của nó, còn khi giao hợp thì tinh trùng lại là những nguyên tố tham dự vào vòng sinh sinh. Vì thế khi giao hợp con người dễ có cảm giác lâng lâng như được nhổ bật ra khỏi những hạn chế bé nhỏ cá nhận để hoà hợp trong vũ trụ bao la. Thí dụ cụ thể này đưa đến những công tác tinh thần và vật chất. Những sản phẩm của nghệ thuật của triết còn sống mãi, trong khi những chinh phục vật chất đã tan lìa. Tuy nhiên trong thực tế 2 vòng thẩm thấu vào nhau khó phân biệt. Chính sự thẩm thấu của hai vòng đại diễn (cũng gọi là vòng sinh) và tiểu diễn (cũng gọi là vòng thành) làm nên con người lưỡng thê nghĩa là có hai đời sống: đời sống miên viễn của đại ngã tâm linh và đời sống sinh huỷ của tiểu ngã cá biệt. Cần làm thế nào để giữ được thế quân bình giữa hai vòng đại diễn và tiểu diễn. Hễ giữ được thì gọi là thái hoà, tức sự bình quân chất lượng giữa thiên và địa. Chúng ta biết địa ở đây là những gì đã hiện ra hình tích làm đối tượng cho giác quan, nơi qui tụ mọi dữ kiện do giác quan thu lượm. Vậy mà lý trí lệ thuộc óc não, là những cơ năng vật chất nên ta gọi nó là cơ năng thuộc địa: cái gì phát xuất do nó sẽ phát triển theo vòng địa là thành, thịnh, suy, hủy. Sở dĩ như vậy vì càng xuống càng kép nét, càng trở nên trí tuệ nặng nề, nên nếu xuống quá độ thì sẽ không theo kịp đà biến dịch của vũ trụ Càn Khôn, mà chỉ còn biết chạy theo bộ chỉ huy của vòng tiểu diễn lý trí, nên gọi là nhị nguyên. Thí dụ rõ nhất về nhị nguyên là quan niệm của Descartes về linh hồn và thể xác, cho rằng hai đàng vận hành song song không liên hệ chi với nhau, xác thân chuyển vận như cái máy có thể tháo rời ra từng bánh xe với những hoạt động rõ rệt. Chúng ta biết rằng sự rõ rệt chính xác là thuộc về địa vị những vật đã hiện ra hình tích có mốc giới phân minh cái nọ phân biệt hẳn với cái kia. Nên khi đề cao sự minh hiển khách quan kiểu Descartes là đã ló ổ phục kích của lý trí vốn thích những xác định và ghét những gì u linh. Đây cũng là hậu quả của quan niệm im lìm về sự vật, nên không chịu “tự cường bất tức” để đưa ánh sáng tâm linh vào vùng địa lý hiện tượng. Theo loại tu thì:
          “Đồng thanh tương ứng
          Dị khí tương thù”
          Nếu không tinh tấn tự cường thì một hai tia sáng lẻ loi của tâm linh xuất hiện liền bị lý trí xua đuổi vì thuộc “dị khí” nên nó tương thù. Nó chỉ đón nhận có “đồng thanh lý trí” với nó. và vì thế nó đưa con người vào vòng lý trí ròng, chỉ còn có “đồng đồng vãng lai” tức vận hành trong cõi duy, cõi đồng nhất đánh mất nét gấp đôi. Đó là cái vòng đeo cổ những triết học nhị nguyên. Muốn thoát hì con người phải biết cách vun tưới hạt giống tâm linh để nó mạnh lên và kéo những luồng sáng tâm linh đến với mình đặng trở nên mạnh mẽ, không bị lý trí tống cổ ra ngoài, nhưng làm chủ tình thế bằng tăng cường vòng đại diễn tâm linh để bao trùm lấy vòng tiểu diễn lý trí, đặng làm nên nhất thể vâng theo nhất luật. Đây là truyện khó nên Kinh Dịch chỉ có nói tới vòng này vì vòng ngoài ai cũng chạy theo rồi nên ai cũng biết vì nó hiện hình ra trước giác quan. Còn vòng trong vi tế vì vượt giác quan nên dễ bị chối đi hay quên lãng và dầu sao cũng khó biết, vì vậy Kinh Dịch chỉ chuyên bàn về vòng số sinh, vì hễ xuôi trên là xuôi dưới, vì tổng hành dinh của con người chính là ở vòng đại diễn này, còn lý trí chỉ là tổng hành dinh cấp tiểu diễn nằm trong vòng đại diễn. Vì lẽ đó Kinh Dịch đề cao tâm linh. Khi người ta lãng quên tâm linh, hoặc chuyên chăm cho lý trí nảy nở đến độ lấn át toàn vẹn tâm linh thì là duy trí nên thiếu biến thông, và đó là tình trạng thông thường. Con người hầu hết là duy vật. Không phải chỉ có cộng sản mới duy vật, tuy có thuộc những thứ duy vật khác nhau nhưng bản chất vẫn là sấp một: không còn là “đồng dị vãng lai” mà chỉ còn là “đồng đồng vãng lai” hay nói theo luận lý vẫn là “luật đồng nhất” ròng, đánh mất trọn vẹn nét gấp đôi nên cũng mất luôn thái hoà, không còn thể biến hoá. Quẻ Thái ở cung “song ngư’ nếu giữ đúng luật thái hoà thì cá chép sẽ hoá long: song ngư mới biến hoá ra lưỡng long chầu nguyệt. Sao không chầu Nhật Dương mà lại chầu Nguyệt Âm? Cần đặt ra câu hỏi này để lộ mặt nạ một sự xuyên tạc của Hán Nho đực rựa đã dựa vào câu “thiên cao địa ti” và “nâng dương hạ âm” v.v... để hạ đàn bà lấy cớ đàn bà là âm, là khôn, là địa... Đấy là xuyên tạc, vì trong khi nói “thiên cao địa ti” là nói trong tiên thiên thì thiên chỉ tâm linh còn địa chỉ lý trí. Vậy không có nghĩa là hạ đàn bà nâng đàn ông. Nhưng ngược lại là khác vì Thái Hoà thì không có phân ranh kiểu nhị nguyên A=A; nhưng trong âm có căn dương, trong con trai có nhiều chất âm, trong con gái có nhiều chất dương: “Dương quái đa âm, âm quái đa dương” h.t.4 thí dụ trưởng nam là quẻ chấn thì 1 dương 2 âm  còn trưởng nữ là quẻ đoài thì 1 âm 2 dương.
          Như vậy thì trong nữ có nhiều tâm linh hơn nam, nên cái Qui là tâm linh lại nằm trong tay Nữ Oa chứ không trong tay Phục Hi chỉ có cái Củ thuộc địa, dùng để đo đếm. Bởi lẽ có đàn bà luôn luôn được dùng để biểu thị nền Minh triết. Vì Minh triết phát xuất từ nông nghiệp giàu tính chất mẹ nên về sau gọi là Âu Cơ, rồi đến Mỵ Nương và Mỵ Châu. Mỵ với Mễ đều chỉ Minh triết nông nghiệp là một, nên khi Mỵ Châu bị giết thì cũng là lúc nền Minh triết Việt Mễ bị đàn áp trước Hán học đực rựa và tất nhiên nó đàn áp luôn đàn bà. Và cái luật tam tòng tiên thiên chỉ sự tuân theo ba luật vũ trụ là biến dịch, loại tu, giá sắc dốc ra tòng ba cái đực rựa là:
          “Tại gia tòng phụ
          Xuất giá tòng phu
          Phụ tử tông tử”
          Thế là trật khỏi đường rầy tiến hoá: tòng ba đực là tòng ba địa, tòng ba cái củ (địa) còn chi nữa là cái qui (thiên)! Hán học nhi dĩ hĩ.
          Bi phù!

3.- Luật thứ ba là giá sắc
          Đây là luật tối quan trọng nên Lạc Thư đặt nó ở trung cung hành Thổ với câu “Thổ viên giá sắc” cốt ý để người học chú ý đặc biệt, nhưng trong thực tế người ta vẫn quên luôn mặc dầu tuân theo những chỉ thị của luật đó trên bình diện hình nhi hạ mà quên hình nhi thượng, mà thực tế ra thì hai đợt y như nhau theo luật nhất thể; “thiên nhân tương dữ ” Muốn diễn tả hai chữ giá sắc ra tiếng thông thường thì là gieo gặt. Đây là một luật rất phong phú mà ta có thể gồm vào những câu sau:
         Thứ nhất là gieo gặt;
         Thứ hai là ai gieo tất gặt;
         Thứ ba là gieo gì gặt ấy;
         Thứ bốn là gieo một gặt trăm v.v...

Đó toàn là những sự thực hiển nhiên trước mắt, đến nỗi không ai thèm chú ý đến nữa. Vì thế cũng quên luôn rằng nó hiệu nghiệm trong khắp vũ trụ hoàn trên mọi phương diện, nên bất kỳ ở đâu cũng phải chú ý tới để chọn giống, vì nó quan trọng cả trăm lần. Ngạn ngữ nói: “gieo gió thì gặt bão”. Câu nói tuyệt hay vì diễn tả được hai ý niệm then chốt của luật giá sắc một là gieo gì gặt nấy: gieo gió gặt gió, hai là gặt được gấp bội: gieo gió gặp bão. Bão là gió đã được tăng cường gấp trăm lần. Chúng ta cần giải thích ý niệm hai này trên bình diện đại diễn của linh tượng. ở đây nó cũng vận hành theo hai luật biến dịch và loại tụ đã nói ở trên.          Vậy trước hết theo luật biến dịch hễ cái gì có là có trong dạng thức, trong mô hình: thí dụ khi ta làm một cử động bất kỳ nào dù chỉ là một ý nghĩ thoáng qua thì liền tạo thành (nguyên) một mô hình đầy chuyển động tính, nên toả ra chung quanh một trường để hoặc bị thu hút bởi những ý nghĩ tương tự, hoặc nếu nó mạnh hơn hì sẽ lôi cuốn các ý nghĩ khác đồng loại mà nó gặp được trên con đường tuần hoàn (luật 1) để cùng với nó tăng thêm (hanh) và do đó lại kéo thêm nhiều ý tưởng khác để gia tăng thêm nữa hầu hướng đến chỗ gặt vào gấp trăm, nhờ đó biến thành điều lợi (lợi hay hại tùy nghi). Nếu ý nghĩ ban đầu do tâm linh thì nó sẽ kéo theo những ý nghĩ loại tâm linh. Nếu ý nghĩ do lý trí thì nó sẽ kéo theo những ý nghĩ thuộc lý trí. Và cứ như thế càng đi thì càng trở nên mạnh mẽ, để có thể trở thành một trường, một bầu khí và bao quanh người phát xuất cũng như những người cũng cùng loại ý tưởng đó, tiếng Tây quen nói “une ideé en I’air” là vô tình ám chỉ điều đó. Điều này ta đã có thể kiểm soát phần nào thí dụ nhiều khi ta có một ý tưởng như người khác: đôi khi nói lên rồi ta mới biết nhưng ít khi nói ra nên ta tưởng là ít có, mà thực ra nó có rất nhiều phát minh được phát hiện cùng một thời ở nhiều nơi... thì chính là do luật loại tu giá sắc này. Chính trong ý này mà Mạnh Tử nói về khí hạo nhiên được nuôi dưỡng thì tràn ngập trời đất. “Kỳ vi khí dã, chí đại chí cương. Dĩ trực dưỡng nhi vô hại,  tắc hồ thiên địa chi gian” (Mạnh II). Khi bầu khí này đã đạt độ mạnh đủ thì nó làm thành tác động. Vì thế nhiều việc tuy ta không đích thân làm mà vẫn mang trách nhiệm vì đã hoặc phát khởi ý nghĩ đầu tiên hoặc tham dự vào những ý nghĩ tương tự. Suy nghĩ điều trên ta mới hiểu lý do tại sao tiên hiền đặt nặng thành ý: Vì nó là đầu dây mối nhợ cho những việc rất hệ trọng. Thế nên cần phải giữ ý cho thuần thành. Để được vậy cần vươn tới đợt Tâm Linh.
          Vậy khi con người đi theo đường lý trí thì là gieo những hạt giống nặng, giống lạnh.... nên gặt những cái nặng nề, lạnh lẽo và nếu chất lý trí nhiều quá thì sẽ phá vỡ mất thế quân bình và trật ra khỏi hai đường rầy làm nên trục tiến hoá. Hai đường rầy này là thiên và địa mà con người phải tham dự cả hai ở một mức độ “bình quân chất lượng”. Có duy trì nổi mối bình quân mới giữ được cái đạo biến thông. Biến thông là sự trao đổi giữa hai vòng ngoài và trong hay là bình diện thể chấttâm linh. Có biến thông mới là nhất thể sống động. ở trên đã nói rằng vòng đại diễn bao gồm vòng tiểu diễn, nên hễ đại diễn xuôi thì tiểu diễn cũng xuôi. Nếu vậy để cho chắc ăn thì ta nên gieo toàn chủng tử thiên chăng? Thưa rằng được lắm, nhưng vì con người là vật lưỡng thê nếu không gieo xuống đất thì gieo vào đâu? và nếu không gieo xuống đất thì làm sao biến động theo tuần hoàn: tức là trước khi trở lại phát xuất điểm nó phải đi hết một vòng của địa lẫn thiên. Chính cái vòng địa này có sống cho đầy đủ mới làm chín hoa quả do hạt gieo ra, vì theo luật giá sắc thì hạt gieo xuống có thối ra mới đâm bông và nở ra trăm hạt khác. Vậy thì trốn đời cũng lại là trải luật giá sắc là luật nền móng, nên phải hiện thực nó trong hết mọi chiều kích. Vì thế điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức ra được tầm phổ biến của luật này: nó ăn sâu vào cõi tâm linh. Vì cõi này nằm bên ngoài tầm giác quan nên con người hay lơ đãng và vì đó nay mới gặt biết bao là bão do chính mình gieo ra, vô thức mà gieo ra. Ngày nay những khám phá mới của khoa học đã mở ra chân trời trên những thế giới vi trùng, luồng sóng điện, từ trường... là những cái trước kia người ta không ngờ đến là có, thì nay đã thành một thực thể thông thường. Hi vọng rằng nhờ đó người ta sẽ chú ý đến luật giá sắc để nó cũng phải trở nên một thực thể thông thường như vậy, để con người chỉ gieo những hạt giống tốt, những ý nghĩ yêu thương, công bình, kính trọng lẫn nhau, và cố tránh những ý nghĩ ghen ghét, oán hờn cừu địch, hận thù, vì không một cái gì trong trời đất dù chỉ là một ý nghĩ thoáng qua mà không nằm trong vòng ba luật của càn khôn đã trình bày ở trên. Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ và tìm hiểu trên mọi sự vật chung quanh mình thì sẽ nhận ra tầm quan trọng của luật giá sắc.
Bây giờ bàn đến điểm chót của luật giá sắc là biết chờ đợi nuôi dưỡng những hạt giống tốt mình đã gieo ra: không nên vội “vật trợ trưởng” đừng có giúp cho nó mau mọc nhưng biết tùy thời, có thời gieo rồi thời gặt nghĩa là tin chắc vào luật giá sắc. Đã có giá tất có sắc. Nếu đã gieo hạt tâm linh thì tất chính mình sẽ gặt tâm linh: những chất cao cả, sáng láng, an vui, thanh thoát... toàn là những chất giúp cho tiến hoá mạnh.

Điều quan trọng là biết  chờ đợi, chờ thời gặt. Đã có gieo thì sẽ có gặt. Vi thế mà có cả quẻ thứ 5 là Nhu trong Kinh Dịch mà Nho giáo đã đặc biệt chú ý bằng dùng tên quẻ Nhu để đặt cho Đạo là Nho: Nho là đem quẻ Nhu áp dụng cho con người, nên Nhu thêm bộ Nhơn thành ra chữ Nho. Điều quan trọng nhất trong quẻ Nhu là Hữu phu, nghĩa là tin vào khả năng tâm linh nơi con người. Đó là điều tối quan trọng cho sự tiến hoá, vì có tin như vậy thì mới đủ nhẫn nại cường kiện để đạt sự sáng láng hanh thông bền vững tốt lành. Đây là điều kiện để thành công trong mọi việc lớn mà việc lớn nhất của một đời người là tiến hoá. Lời kinh của quẻ Nhu nói “Nhu: hữu phu quang hanh trinh cát: lợi thiệp đại xuyên” : Quan trọng của đạo Nhu là hữu phu, tức tin tưởng vào khả thể vô biên của mình, thiếu đức tin đó thì một là chờ đợi một cách thụ động vô vọng, hai là không đủ dài hơi để chờ đợi. Chỉ những con người có chương trình dài hạn tin chắc vào khả năng của mình mới dễ nhịn nhục chờ đợi lâu dài. Vì lúc ấy không còn là chờ cho qua, nhưng là chờ đợi để mà vun tưới những hạt giống tốt mới được gieo ra và cần phải nuôi dưỡng, nên tượng quẻ Nhu gọi là “ẩm thực chi đạo” tượng viết: Vân thượng ư Thiên Nhu quân tử dĩ ẩm thực yến lạc. Nhu là đạo dậy nuôi dưỡng ăn uống hiểu theo cả vòng ngoài thuộc lam ăn, lẫn vòng trong thuộc làm người là nuôi dưỡng bằng tồn tâm dưỡng tính, dưỡng khí phách cho tới độ tròn đầy và luôn luôn tin tưởng vào kết quả tốt lành. Đó là ý của quẻ Nhu. Tượng quẻ Nhu là chờ đợi vì trên trời (quẻ càn) có nước (quẻ khảm) nên chữ Nhu viết với bộ văn và nhu có nghĩa là chờ vì sắp có mưa. “Vân thượng ư thiên” trên trời có mây tức sẽ có mưa. Có mưa sẽ là sẽ có gặt. Vì thế mà nói quẻ Nhu là tinh hoa của luật giá sắc. Giá sắc gồm thâu cả hai luật trước là biến dịch là loại tu. Cái lớn lao của Nho giáo nằm ở chỗ đó. Nho là áp dụng quẻ Nhu vào con người nên trong chương sau chúng ta sẽ đem ba luật trên giải minh qua đời sống con người./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét