Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

VỀ HAI CHỮ THIỀN VÀ TÂM TRONG BÀI PHÚ CƯ TRẦN LẠC ĐẠO

Kết quả hình ảnh cho cư trần lạc đạo
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nguyên Hiệp
          Bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông quả là một viên ngọc lưu ly lấp lánh nhiều hào quang, mỗi mặt cắt là một giá trị lớn. Về lời lẽ, chữ nghĩa là cái biểu kiến bên ngoài, là cái “bình” đựng nội dung chân lý đã nên là của quý báu của Dân tộc, vì đó là tiếng nói, là chữ viết của Dân tộc xuất hiện từ thế kỷ XIII. Về nội hàm bài phú, nó tựa như một khối đa diện mà mỗi lát cắt được mài giũa khác nhau, là một giá trị đẹp đẽ khiến ta càng chiêm ngưỡng càng “dấu”. (Dấu nghĩa là yêu dấu, từ tiếng Việt được Trần Nhân Tông dùng trong bài phú). Đó chính là prajna paramita Việt.)
          Nay, chỉ xin nói về sự tìm học hai chữ Thiền và Tâm đã được đúc kết trong bài thi-kệ ở cuối bài phú.
                             Sống đời vui đạo cứ  tùy duyên,
                             Lúc đói cứ ăn, mệt ngủ liền.
                             Trong nhà có Báu, đừng tìm kiếm,
                             Đối cảnh Tâm không, chẳng hỏi Thiền.     
          Trước hết là hai chữ “vấn Thiền”. Vấn Thiền nghĩa đơn là hỏi Thiền, nghĩa kép là tìm học để biết, để tu tập, rèn theo, sống theo. Và rốt ráo (cứu cánh) là để đạt tới cái Tâm Vô, là đạt tới Niết - bàn, tới Phật, tới Chân như. Hai câu đầu của bài thi kệ, nói rõ cái cứu cánh của “vấn Thiền” là Sống Đời và Vui Đạo. Thiền là để sống ở đời và vui lẽ Đạo. Cái phương cách để “Vấn Thiền“ (tu thiền, đắc thiền, đạt tới thiền) là phải (tắc) theo tự nhiên, theo nhân tính, bẩn tính. Nó là chuyện bình thường, tự nhiên như đói thì ăn, mệt thì nghỉ. Đó là sự nương theo qui luật tự nhiên, vũ trụ. (Vừa cao xa lại vừa rất đỗi bình thường). Suzuki sống sau Trần Nhân Tông đến 700 năm, mở đầu bộ Thiền luận 3  tập đã viết: Thiền, cốt yếu nhất là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta, nó chỉ con đường từ triền phược (mọi trói buộc) đến giải thoát”. Trần Trung Phượng trong bài Mạch Thiền trong Văn hóa – Tư tưởng Việt Nam, cũng viết: “Thiền là một pháp môn giải thoát”, “là một thái độ, một phong cách sống của người thực hiện được sự huyền đồng, giữa tiểu ngã và đại ngã”, “là sự tỉnh thức trước ảo mộng trần gian” v..v.
          Trần Nhân Tông bảo các “Thiền khách” (Hội thứ 6) Thiền tử (Hội thứ 9) tuy đừng “nhọc hỏi Thiền kinh Nam Bắc” nhưng tự mình thì “Sách Dịch xem chơi”, hơn nữa lại “Kinh nhàn đọc dấu”. Dấu không có nghĩa hiện nay như giấu giếm, mà là một từ cổ, có nghĩa là yêu, là mến, là thích (ngày nay nó chỉ còn trong từ kép yêu dấu). Trần Nhân Tông còn bảo “Học đạo thờ thày”, “tham thiền kén bạn” ... Như thế Người chẳng những không bài bác chữ nghĩa, mà còn khuyên phải nên “Xem Kinh đọc lục” (các ngữ lục, thực lục của các Thiền sư, Cổ đức, những bậc thày), “làm cho bằng thửa thấy thửa hay”. Đó cũng được coi là nét riêng, là một đặc sắc của Thiền học Việt Nam. Đạt cho được “thửa thấy, thửa hay”, điều này về sau ngôn ngữ Phật học thích nói chữ là “tri kiến” (tri và kiến – hay (biết) và thấy). Ngài cũng khuyến khích “cùng nơi ngôn cú” (đi cho đến tận cùng chữ nghĩa), thật sự là một yêu cầu rất mới lạ, sâu sắc, giờ đây lại càng thấy thật là cấp bách, là cần thiết, trong tất thảy mọi bình diện, lãnh vực của xã hội! Ngầy nây, trong rất nhiều lãnh vực thật là cơ bản, thật là quan trọng,chúng ta cũng chưa hề “cùng nơi ngôn cú”!
          Tuy thế, Trần Nhân Tông lại nhắc nhở, phải coi trọng nhiều hơn đến tu tập, để đạt tới “an nhàn thể tính”, “tự tại thân tâm”, “dứt trừ nhân ngã”, “dừng hết tham sân”, “Tham ái nguồn dừng”, “Thị phi tiếng lặng”. Phải làm sao “Nhận biết làu làu lòng vốn”, “Dồi cho vặc vặc tính gương”. “Vàng chửa hết quặng”, “Xá tua chín phen đúc, chín phen rèn”. Phải cố gắng hết mức, bền bỉ thường xuyên, phải chín phen đúc, chín phen rèn may ra mới lấy hết vàng từ trong quặng (!). Trong Hội thứ 9, Ngài cũng dạy về gương, về truyện, về điển tích tu Thiền của người xưa, của những Thiền sư nổi tiếng Trung Hoa, như Mã Tổ, Tiêu Hoàng, Vương Lão, Thày Hồ, Lâm Tế, Bí Ma, Triệu Lão, Thiều Dương, Tào Khê, Thiếu Thất, v..v..Thế mà như bánh, như trà ”Bày Thiền tử vẫn còn đói khát”. Lại như ruộng như vườn mà “chúng nạp tăng những để lưu hoang”.Dù sao vẫn chớ quên, chớ bỏ “dùng đòi nếp cũ ông ang” (Ông cha – nếp cũ của Việt tộc). Sự tu tập phải quyết liệt đến mức “Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước”. Hơn nữa lại “cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thủa nay”. “Rừng tà và tính thức phải xua, phải quét, phải đốt, phải chém để đạt cho tới cái “không” – cái thật tướng, không còn bị níu kéo (triền phược) bởi các nhân duyên.
          Để đi tới cái gì?
          - Để đi tới cho được “lòng”.
          - Đi tới cho được tính sáng. Riêng chữ “Tính sáng” được ngài nhắc đi nhắc lại 5 lần trong 3 Hội - “Yêu tính sáng, yêu hơn châu báu” (Hội thứ nhất), “Gìn tính sáng tính mới hầu an”, “Di Đà là tính sáng soi (Hội thứ 2), “Gìn tính sáng mựa lạc tà đạo, “Áng tư tài tính sáng chẳng tham”(Hội thứ 3).
          Tính sáng là một phạm trù lớn của Phật học mà Thiền học Việt Nam đề cao, coi trọng. Đạt được tính sấng thì “Chỉn (chỉ) Bụt là lòng”. Bụt ở cong (trong) nhà (ta) chẳng phải tím xa”. “Rèn”, “đúc” cho được cái chất vàng (được lòng rồi) của cái tâm đã thành tính sáng, cõi người sẽ là cõi tịnh độ, chẳng cần hỏi đến Tây phương hay cực lạc (Hội thứ 2). Bởi vì “Trần tục mà nên, phúc ấy cầng yêu hết tấc”.
          Tu theo Thiền, đạt cho tới “được lòng rồi”, tới được tính sáng của tâm thì chính mình là Bụt. “Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca.” Ngài khẳng định cái bình đẳng tướng “Mày ngang mũi dọc tướng tuy lạ, xem ắt bằng nhau” (Hội thứ 10).
          Ai cũng có cái tâm Bụt trong người; ai cũng có thể thành Bụt, thành Thích Ca Mâu Ni, trở nên người “thánh trí” (Hội 10).
          Đó là những con người “Sống Đời và Vui Đạo”. Cái tùy duyên của họ không chỉ là ăn và ngủ, mà còn là hành động của những con người biết “dựng cầu đò, dồi chiền tháp”, nghĩa là những con người vừa biết xây dựng cuộc sống vật chất tốt đẹp vừa biết bồi dưỡng một đời sống tâm linh, tinh thần cao quý, làm nên những con người “trượng phu”, “trung hiếu”.
          Những lời dạy đầy tinh thần triết mỹ, sâu sắc như thế, ngẫm ra hôm nay càng hợp thời, càng kim nhật kim thì khi chúng ta đang đối mặt với biết bao nhiêu “tà kiến”, “tà đạo” đang làm méo mó dị dạng xã hội này, dân tộc
này, khiến nỗi “ma cung không quản thậm” được, nên một Phật quốc (xã hội giàu sang, tự do, bình đẳng, bác ái, văn hiến, đạo hạnh) vẫn còn là việc ở đời hôm nay.
          Nhất tâm đảnh lễ Phật hoàng Điều Ngự Trúc Lâm Đệ nhất tổ.
          Nhất tâm “sạch giới lòng, dồi giới tướng” nên Bồ Tát trang nghiêm, mới trượng phu trung hiếu!
          Nhất tâm cầu nguyện Điều Ngự trượng phu hùng trí, hùng lực độ trì Dân tộc siêu việt vào Thiên niên kỷ thứ 3.
          Ô Đồng Lầm Mùa Nhiều Người Minh Triết
          Nguyên Hiệp (Nguyễn Khắc Mai) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét