Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

SỰ PHẢN BỘI MÙA THU

Kết quả hình ảnh cho mùa thu buồn
Sự phản bội Mùa Thu!
Nguyên Hiệp
TMT: Lại một Mùa Thu đang đến, Mùa Thu thời tiết thường rất đẹp, buổi đêm về sáng trời se lạnh, ban ngày có thể có nắng nhưng không gắt. Cảnh thu đem đến một nỗi buồn man mác, có lẽ làm người ta chạnh lòng nhớ cố nhân hay nhớ về một mùa thu buồn, mùa thu thất vọng.
Có một lần ngồi nơi thềm nhà ở Ô Đồng Lầm. Bấy giờ, nhà cửa còn lúp xúp dưới tán cây, nên bầu trời thu Hà nội nhìn không bị cắt nham nhở như hình tượng tranh trừu tượng, méo mó, xô xảm. Tôi nhìn thấy một đàn cò bay mải miết về phương nam. Tôi làm bài thơ Heo May có mấy câu:
            Mùa Thu về, cùng bầy chim di trú.
 Cánh khỏa bồng bềnh, man mác heo may.
 Tưởng đất trời vẫn như ngàn năm,
            Ngỡ lòng mình vẫn như ngàn năm…


Tôi nghiệm ra lòng người có hai ngã. Trong văn thơ, tâm tình của con người, đón Thu, gặp Thu, chờ Thu, nhớ tiếc Thu, đều một lòng chung thủy.
Khá xa trong lịch sử có Nguyễn Trãi:
“Nước mấy trăm Thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn đầy”.
hay
“Kho Thu phong nguyệt đầy qua nóc,
 Thuyền chở yên hà nặng vạy then”
hay
“Lừa tìm ngàn bá nhờ mai bảo,
 Thuyền chở dòng Thu có nguyệt bao”…
Còn Nguyễn Du, để lại cho ta một tình chung thủy kỳ lạ: “Rừng phong Thu đã nhuộm màu quan san”, khiến mỹ cảm của ta lại còn xao xuyến cả khi găp “Mùa Thu vàng” của trời Âu. Cận kề hơn có Lưu Trọng Lư:
Em không nghe Mùa Thu,
Dưới trăng vàng thổn thức.
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng Thu.
Gần gũi ta hơn, một cặp tình nhân “Chỉ còn anh và em. Cùng Mùa Thu ở lại”. Biết bao tình yêu, nhớ, thương, cảm Mùa Thu. Đây là ngã của tâm hồn đằm thắm, của cái nhân tính hồn nhiên hòa hợp với Đất Trời làm một! Vì thế nó có chung có thủy, là sự gắn bó tự nhiên. Con người nhìn nơi cõi nhân sinh, luôn thấy “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”.
Còn cái ngã khác, một lối rẽ phụ phàng, tệ bạc. Đó là những lời thề nguyền, chợt hứng vào một mùa thu cũ. Có chàng thi sĩ lãng mạn “Ai về gặp lại mùa Thu cũ. Nhặt hộ cho ta chiếc lá vàng”. Còn tôi, đang ngồi hối tiếc cho mùa thu cũ.
”Thu đi cùng năm tháng”. Còn con người thì những thế hệ đổi thay. Nó đổi thay luôn lời thề cũ với Mùa Thu. Mùa Thu ấy, biết bao thề nguyền, biết bao hứa hẹn, biết bao những lời có cánh (nay vì có cánh nên chúng đã bay vuột mất hút con mẹ hàng lươn!). Tôi còn nhớ, bấy giờ có cuộc “Ân khoa” (khoa thi ơn huệ) của Chính phủ Trần Trọng Kim cho phép học trò lớp nhì nhị (cours moyen deux)-còn một năm nữa mới hết Tiểu học cũng được thi primaire, nhờ đó tôi thi được vào Trung học Khải Định. Mỗi buổi sáng trước giờ học đứng ngay ngắn giơ nắm tay trái ngang trán hô những lời thề.
Trong trường thì như thế, ngoài phố, những đoàn nông dân từ các huyện ngoại thành vừa đi vừa vung tay hô những lời thề cảm động. Nhưng đó là những lời thề gió bay của dân. Còn năm đứa chúng tôi (thằng Thanh, thằng Nghị, thằng Quế, thằng Điền và tôi), một chiều chạng vạng bí mật họp ở góc đường Âm Hồn Huế đã cùng nhau thề Việt minh đánh Pháp giành độc lập chúng mình phải theo đến cùng. Hai đứa, Nghị hy sinh ở Dương hòa-Huế, Điền ở Củ chi. Nghị mất không tìm được mộ, tôi từng xin với Lãnh đạo thành phố Huế cho lập một mộ gió ở nghĩa trang thành phố mà không được, đành nhờ anh bạn thợ mộc làm cho cái bài vị, đặt thờ ở nhà người em trai, từng là Đại úy quân lực Cộng hòa, còn Điền cũng chỉ có mộ gió ở Thủ Đức!
Chúng tôi tự hào đã giữ được thề nguyền qua “Chín năm”. Hai đứa đã hy sinh, còn Qué, gặp lại tôi và Thanh ở Gài gòn, hắn bảo, năm 1955 mới được ra tù, nhưng em biết cải cách ruộng đất ở miền Bắc tàn nhẫn quá, nên quyết bỏ Việt minh, chỉ đi dạy học. Tôi và Thanh trong nhóm Việt Dũng Huế ra Bắc đi dạy học và làm nhiều việc khác.
Cuộc đời khắc nghiệt, éo le, đầy nghịch lý. Cứ mỗi Mùa Thu về lòng lại thấy phân tâm. Mùa Thu của đất trời thì vẫn thế, vẫn heo may, vẫn còn những cánh cò di trú, vẫn thấy màu nắng vàng xao xuyến trong sắc hoa cúc, đôi lần về vùng quê vẫn còn hy vọng được thấy lại những giải tơ trời, lại đọc thơ mùa thu cổ điển, lại nhớ khúc Buồn tàn Thu của Văn Cao… Nhưng trong sâu thẳm của tâm tưởng lại luôn thấy, mỗi năm lại mỗi nặng nề hơn. Chúng ta đã phản bội Mùa Thu rồi. Gì thì gì, thế hệ trẻ Mùa Thu năm xưa chúng tôi không thể cho là mình vô can trong mọi chuyện thị phi sau này. Tôi và bạn bè trang lứa vẫn bảo nhau, chúng mình không thể tránh cái “cộng nghiệp” (cùng chịu nghiệp báo khi cùng tham dự với cộng đồng tạo nghiệp ác), như nhà Phật dạy.
Có những lời thề trang trọng, bút mực và dấu son đỏ lọi ngôi sao 5 cánh. Chúng ta nhớ lại lời thề của Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. và nữa: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn dược tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Còn nhiều những tuyên bố đầy khát vọng cao thượng “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đây là lời tuyên bố trong Thư gửi Ủy Ban Nhân dân các Kỳ Tỉnh, Huyện và Làng. (công bố ngày 17-10-1945).
Cái Hiến Pháp 1946 của mùa Thu xưa trang trọng thế, tiến bộ thế, kép công thế. Bởi vì Nó đã được xây dựng trong tinh thần vô ngã của hiện thực đa nguyên đa đảng tinh thành, chữ tinh thành là chữ của mùa Thu ấy. Sau này ít thấy dùng. Thật sự Nó là bản Hiến pháp của những khát vọng của Đông Kinh Nghĩa Thục, của Phong trào Duy Tân, Đông du, của hồn thiêng Hoàng Hoa Thám, của Nguyễn Thái Học, của Phạm Hồng Thái, của biết bao liệt sĩ anh hùng đã bỏ mình vì một nền Đôc lập, một nền Dân chủ, nhân quyền…
Nó ra đời trong tiếng hát say mê của cả một dân tộc thật sự khao khát “Tiến lên Nền Dân chủ Cộng Hòa”. Biết bao gởi gắm, biết bao kỳ vọng cho cuộc đời, cho con người, cho một “Tổ quốc vinh quang sánh vai được với cường quốc Năm Châu”… Bây giờ đọc lại những văn kiện cam kết, tương nhượng lẫn nhau, đảng Cộng sản (Việt Minh) 2 ghế, đảng Đại Việt 2 ghế, đảng Quốc dân 2 ghế, đảng Dân chủ 2 ghế và 2 ghế để giành cho hai nhân sĩ Nam bộ, sao lại thấy bồi hồi cái không khí hòa hợp đẹp đẽ đến thế. Cả một Chính Phủ thề sẽ làm đầy tớ của Dân quyết không phải là lũ tham quan ô lại, đè đầu cởi cổ dân như thuở xưa hủ bại.
Nước ta từng có Hiến Pháp Cọng hòa đại nghị, Nhà nước tam quyền phân lập đa nguyên. Nhân sĩ, trí thức yêu nước đầy tình yêu Dân tộc, đầy tinh thần tiến bộ của Thời đại,đâu có lú lẫn, đần độn, đã cùng nhau phát thảo một con đường hợp lý hợp thời, hợp lòng người.Lịch sử thì không có chữ: “Nếu”. Nhưng lâu nay tôi vẫn nghĩ Nó vẫn có một khái niệm tựa như khái niệm “phản hạt, phản vật chất” vậy. Bởi vì từng có một thế giới chưa thành hiện thực nhưng đã được hình dung khá rõ rệt,đã chớm nở như những chồi nụ ban đầu.
Vì thế cái Phản Mùa Thu chính là sự nuối tiếc khôn nguôi, là sự phản tĩnh, là nỗi sám hối, là sự ân hận, là sự tự vấn lương tâm, cũng là sự oán trách, mà cũng còn là sự kết án khó tha cho những tội lỗi phản phúc!
Thì đấy, bắt đầu từ năm 1959, chính những người chủ xướng Việt Minh năm xưa, chính mình chứ không ai cả, đã xé ném vào cái “Spam lịch sử Bản Hiến Pháp của Mùa Thu cũ 1946! Bây giờ thì cái tinh thần Đa nguyên, hòa hợp đã bị xé bỏ rồi. Thay cho nó là một thái độ độc nguyên độc tài. Cớ sao nền văn hóa Việt nam cứ quyết không sang trang, dẫu Thời Đại đã đổi thay, cái ý chí, cái dã tâm phong kiến quân chủ vẫn y nguyên, chỉ những hình thức thì có khác hơn. Lịch sử đang lặp lại, dẫu ông Mác nói nó lặp lai ở một vòng xoáy ốc cao hơn. Trong các triều đại cũ của Việt Nam từng thấy lặp lại như chu kỳ, mấy vua khởi nghiệp, giỏi giang, nhưng cũng tru di những công thần khai quốc. Rồi đám vua sau tha hóa nhanh chóng, có kẻ còn bị khinh là “vua quỹ”, “vua lợn”. Nhiều công thần của Mùa Thu cũng bị “tru di” vì trái ý “thiên tử”.
Trong thiên cách ngôn của Kinh Thánh có một câu rất hay: “Như thế đó, sấm chớp nhiều mà không có một giọt mưa. Những lời hứa hẹn cũng như vậy”. Tự do. Hạnh phúc của nhân dân, quyền lực của Dân… cứ như tấm da lừa ngày một co lại. Khi Nguyễn Khuyến ngậm ngùi “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ. Đời trước làm quan cũng thế a?!” Tôi phải đánh một dấu ? thêm một dấu than!, bởi vì không còn là hiện tượng, mà nay nó đã là bản chất cái thể chế, nó đã là như vậy rồi.
Chính những người viết “Những vấn đề của Dân cày”, những người từng hô hào ruộng đất về tay nông dân… thì nay chính họ lại chủ trương ruộng đất là trong tay đảng, trong tay nhà nước, là công hữu. Về vấn đề này, họ không chỉ phản bội lời hứa với nhân dân mà còn là sự phản bội trắng trợn tư tưởng của Các Mác, người mà họ luôn suy tôn là vị tổ sư của chủ nghĩa. Chính Mác đã cải chính cái quan niệm hồ đồ về “phải viết trên lá cờ khẩu hiệu xóa bỏ tư hữu”. Cuối đời, ông đã sám hối: “Những nhà sản xuất (doanh nhân) chỉ có tự do một khi họ có quyền sở hữu về: đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tín dụng…” Biết bao nghị định công nhận quyền báo chí tư nhân, tự do. Riêng về quyên lập hội ngày nay còn thua xa cái thời nhà vua Bảo Đại vừa tuyên bố Độc Lập tháng 3-1945, thì tháng bảy đã ra một loạt nghị định trong đó có nghị định thả hết tù chính trị và nghị đinh về quyền lập Hội của Dân!
Sau Hiến Pháp 1959 do chính Hồ Chí Minh chủ trương soạn thảo, tiếp theo là một loat những Hiến pháp xóa bỏ tinh thần đa nguyên hòa hợp dân tộc, thượng tôn pháp luật, thu hẹp quyền của Dân ngày càng nống lên quyền của đảng, khẳng định đường lối theo chế độ Xã hội chủ nghĩa đã bị nhân loại lên án, đã và đang làm cho Việt Nam ngày càng lạc hậu, xã hội băng hoại, suy đồi. Nhân dân lao động càng bần cùng, làm không đủ sống nhưng quan chức của đảng thì quyền lực mỗi ngày càng to, tài sản mỗi ngày một lớn, đẩy tới mâu thuẫn xã hội ngày thêm trầm trọng. Sự lệ thuộc vào Trung hoa bá quyền Đại Hán ngày một sâu, chủ quyền Đất nước ngày càng bị uy hiếp. Có một lần, Anh Tư Sang nói muốn nghe điều cay đắng, bấy giờ tôi dẫn Hồ: “Cay đắng chi bằng mất tự do”. Bây giờ khi chúng ta kỷ niệm Mùa Thu Xưa, thì phải thấy rằng cái cay đắng nhất là ta đã phản bội Mùa Thu. Vì chúng ta (xin tha tội cho tôi dùng chữ chúng ta), vì chúng ta đã bỏ “dân chủ cộng hòa”, lại đi xây dựng một kiểu chế độ mà nhân loại tiến bộ, văn minh đã lập Tòa án kết tội!
Phản phúc, bội bạc, đổi trắng thay đen, lọc lừa, dối trá, xưa cũng như nay, trong chế độ phong kiến hay “cộng sản” chung quy cũng ở ba điều: Nhà Phật bảo tham, sân, si. Cái ông Liệt Ninh, cộng sản Nga thì nói toẹt ra là: dốt, tham và độc tài.
Kẻ phản phúc bao giờ cũng tráo trở, chúng đánh tráo khái niệm, lấy ngụy biện làm phương pháp tư duy, coi sự lừa dối như là phương thức chính thống, bắt cả thiên hạ tuân theo sự ngụy trá, lừa dối của mình. Mọi danh xưng không còn chính xác nữa. Ngày nay, ngay cả cái ông Mác bên Đức cũng phải than thở: “Một khi chính phủ lừa dối họ buộc dân phải tin theo sự lừa dối của mình, khi đó dân chúng hoặc trở thành những người mê tín chính trị, hoặc sẽ trở thành nhóm người quay lưng lại với đời sống quốc gia mà chỉ còn lo cho việc cá nhân của riêng mình”.
Vì thế minh triết xưa của Á Đông rất coi trọng chính danh, chính thống, chính nghĩa. Có điều trong lịch sử vẫn vô khối kẻ phản chính danh, phản chính nghĩa, phản chính thống. Có lẽ tôi cho rằng cái câu này về thuyết “chính danh” trong Lã Thị Xuân Thu là rất đáng nghiền ngẫm. “Danh chính thì trị, danh mất thì loạn. Kẻ làm cho mất danh, là kẻ nói, chủ trương quá mức. Nói, chủ trương quá mức, tức là biến cái có thể, cái cho phép, thành cái không có thể, không cho phép, nên cái phải biến thành cái không phải: biến cái đúng thành cái không đúng, nên cái sai thành cái không sai…”
Sự phản bội Mùa Thu còn có điều này nữa. Đó là người ta đã đánh mất cái chính danh trước hết là của mình (đảng, chính phủ, quốc hội, mặt trận nền kinh tế …) rồi tiếp theo là chính danh của chế độ chính trị, của các thang bậc giá trị… Sự rối loạn bắt đầu nảy sinh rồi phát triển liên tục. Nói giả dụ như cái danh xưng là “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa”, thì chữ cộng hòa may ra hàng mấy trăm năm nay người ta đã nghiên cứu giải thích, hiểu được, chứ cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” nhất là cái gọi là “chế độ xã hội XHCN” thì hiện nay chỉ có các quý ông Mác, Ăng ghen, Lê nin, Hồ Chí Minh. Mao Trạch Đông ở dưới cõi âm may ra mới giải thích được. Nhưng hiện nay họ giải thích bằng lời lẽ, ý nghĩ của cõi âm thì làm sao chúng ta có thể hiểu được. Ngay cả tiến sĩ Fidel may còn sống, quyết cũng không thể biết gì để giải thích, nên mới cho mời anh Trọng sang để lên lớp. Ai ngờ riêng cả Mỹ La tinh thì quyết sập cửa, không nghe. Cho nên người xưa nói danh không chính thì ngôn không thuận là vậy.
Bây giờ thì sao đây! Tôi ngẫu nhiên nhớ tới lời nói ấy trong một quãng cáo trên TV. Con người thì vẫn khỏe, nhưng vi khuẩn đã đổi gien thì phải thay đổi xà phòng để diệt vi khuẩn. Có ý nghĩa triết lý đường phố đấy chứ. Phải diệt lũ vi khuẩn mới, phải diệt cả một bầy sâu, xà phòng mới chính là một năng lượng xã hội mới. Ông Trọng bảo phải có trí thức có khí phách. Có lẽ phải nói tri chứ không phải trí. Đó là những hiểu biết mới, trí tuệ mới để hiểu đúng các “danh” – khái niệm, phạm trù, lĩnh vực… Phải làm cho danh đúng với thực, để khỏi bị dân Nam bộ chọc quê: nói zậy mà không phải zậy!
Còn khí phách thì phải dám nhận sai lầm, tội lỗi. Cái tội phản bội Mùa Thu, rồi áp đặt một lý thuyết hồ đồ, một mô hình xã hội trái với đạo lý dân tộc, trái với lẽ tiến hóa của thời đại, của một Nhân Loại mới, hơn nữa lại còn cường điệu mọi cái xấu xa của chế độ vua chúa đã trở thành phản động kéo lùi cả dân tộc lạc hậu xa so với những nước mà trước đây ta chẳng thua kém gì. Tôi từng nhớ Mác nói rằng “nếu sám hối thật tâm thì có cơ cứu rỗi”.
Vì đây không phải là bài luân thuyết, tôi chỉ muốn giải bày chút tâm tình khi Mùa Thu đến. Tôi chợt nghĩ tới bài tạp bút cua Lỗ Tấn, bài Hy vọng. Bấy giờ ông hình dung dân tộc Trung hoa như một người ngủ say trong một cái lồng pha lê kín, nếu cứ để anh ta ngủ yên thì cũng chết, nếu đánh thức anh ta dậy thì anh ta cũng không thể nào thoát ra được. Ông chỉ còn cách đặt niềm hy vọng. Ông bảo hy vọng cũng giống như con đường. Trái đất xưa không có đường, nhân loại cứ đi rồi thành đường, cứ hy vọng thế nào cũng thành. Dân Trung hoa nay đã thức dậy, nhưng họ lại đang làm ta thất vọng.
Bây giờ thì sao đây! Cái câu vu vơ trên tivi giờ đang trở thành câu hỏi lớn. Tôi cũng hy vọng như Mác, “một khi lịch sử có câu hỏi thì nhất định sẽ có câu trả lời”.
Mùa Thu này Hà Nội có trả lời tôi không?
Trong trông chờ, tôi gởi tặng các Bạn hai bài thơ của Nguyễn Trãi như một câu trả lời từ lịch sử.
Bài I : TRĂNG THU NGẪU HỨNG*
 Buồng không ngủ dậy nhẫn trầm ngâm,
 Lòng khách lâng lâng đỉnh hết trầm.
 Khoảng lặng đất trời kinh vạn biến,
 Cảnh nhàn ngày tháng giá thiên câm (kim).
 Thói nho lạnh nhạt tình đời bạc,
 Cõi thánh rong chơi vị đạo thâm.
 Đọc hết sách pho đều vậy cả,
 Mai già bên cửa dạo cung cầm.

Bài II : BẢO KÍNH CẢNH GIỚI, BÀI V. **
 Phúc của chung thì họa của chung,
 Nắm thì (1) họa khỏi, phúc về cùng,
 Văn chương chép lấy đôi câu thánh,
 Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung.
 Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược,
 Có nhân có trí có anh hùng.
 Nhìn cho biết nơi dường ấy,
 Chẳng thấp thì cao ắt được dùng.
Ghi chú:
*Ức Trai Thi Tập, bài 83. Đào Duy Anh dịch. Nguyễn Trãi Toàn tập NXBKHX 1976.
**Sách đã dẫn. (1): Nắm thì, nắm được thời cơ, thời thế. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét