Hà Văn Thùy
Là kẻ
hậu sinh, đọc sách rồi nghe các vị trưởng thượng nói “Việt Nam bị Hán hóa,”
không biết từ bao giờ, tôi đã tin như một lẽ tự nhiên.
Nhưng
mới đây, không hiểu sao, một câu hỏi chợt gợi lên từ tâm thức: Có đúng Việt Nam bị Hán hóa? Trong khi
tìm lời giải, tâm trí tôi lại gợi lên hai câu hỏi khác: “Nguyên do nào và từ bao giờ xuất hiện ý tưởng Việt Nam bị Hán hóa?”
Khi đi tìm lời đáp, tôi nhớ câu truyền ngôn nghe từ thời thơ trẻ ở làng quê
“Hoa Việt đồng văn đồng chủng.” Một khi đã đồng văn đồng chủng thì làm gì có
chuyện Hán hóa? Tĩnh tâm kiểm lại những văn bản của thời Trung đại mà mình từng
đọc, tôi dường như không thấy tài liệu nào đề cập chuyện này. Không tin vào trí
nhớ mong manh của mình, tôi bấm máy hỏi một học giả uyên bác. Đang chuyện trò
ngon trớn, nghe câu hỏi, ông sựng lại ngỡ ngàng. Lát sau ông trả lời: “Ờ, ờ…
mình cũng chưa thấy. Nhưng để suy nghĩ thêm…” Mấy bữa sau, ông xác nhận là chưa
từng đọc được ý tưởng nào như thế vào thời Trung đại. Chỉ có vua Trần dặn quần
thần không được bắt chước Trung Quốc!
Tôi đồ
rằng, ý tưởng đó xuất hiện khoảng thập kỷ 1930. Sau hơn 20 năm hoạt động, Viện
Viễn Đông Bác cổ công bố nhiều kết quả khảo cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam. Năm
1912, trong công trình đầu tiên và có ảnh hưởng lớn tới tiếng Việt: “Các nghiên
cứu về ngữ âm lịch sử của tiếng An Nam” (Etudes sur la phonétique historique de
la langue annamite: Les initiales), Viện sỹ Henri Maspéro cho rằng, tiếng Việt
vay mượn khoảng 75% từ ngôn ngữ Hán. Tuy nhiên, ông không phải người đầu tiên đề
xuất điều này. Trước đó, vào năm 1838 Giám mục Taberd (tác giả cuốn Nam Việt-Dương
Hiệp Tự vị) từng phát biểu: “tiếng Việt chỉ là một nhánh bị thoái hoá của tiếng
Hán”. Nhiều học giả cho rằng, cơ sở để Taberd đưa ra ý kiến này là trong vốn từ
của tiếng Việt, từ vựng có nguồn gốc Hán chiếm đa số. Tuy nhiên, mặc dù có tới
75% từ vựng tiếng Việt có gốc Hán nhưng đại đa số những từ đó đều là những từ
văn hoá (những từ thể hiện trình độ phát triển của xã hội). Do đó, chúng phải
là những từ vay mượn, chứ không phải là những từ mang tính nguồn gốc.
Tiếp
đó, Aurousseau tuyên bố: “Năm 333 TCN, do
nước Sở diệt nước Việt, con cháu của Việt Vương Câu Tiễn chạy xuống Bắc Việt
Nam, làm nên người Việt Nam hôm nay.” Những kiến thức của các bậc thầy khai
hóa khẳng định rằng người Việt là một nhánh của người Tàu từ mấy trăm năm trước
Công nguyên. Không chỉ vậy, trong nghìn năm Bắc thuộc, người Tầu sang, đồng hóa
tiếp khiến cho tiếng nói phải vay mượn tới 75% từ tiếng Tàu! “Tri thức khoa học”
tân kỳ ấy được những học giả tiên phong người Việt như Trần Trọng Kim, Nguyễn
Văn Tố… biên thành sách sử dạy dỗ dân Việt. Phải chăng, ý tưởng Việt Nam bị Hán
hóa nảy sinh như vậy? Rồi từ đó ăn sâu trong tiềm thức người Việt. Học theo thầy
Tây, ông Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngữ học hàng đầu, “khám phá”, trong tiếng Việt có lớp từ Hán cổ và lớp từ Hán Việt Việt hóa, đẩy tỷ lệ vay mượn của tiếng Việt lên cao
thêm. Ông Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ của nền Sử học đương đại tuyên bố
dõng dạc trên BBC tiếng Việt: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng rằng,
chúng ta có một nghìn năm Bắc thuộc, tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan
sang này, rồi lính tới này. Chúng ta bị đồng hóa đứt đuôi!”
Cũng
phải nói đến một sự thật là, suốt thời Trung đại, kẻ sỹ người Việt đều nhuần thấm
Tứ Thư, Ngũ Kinh, đều thuộc Sử, Tử, đều hiểu và vận dụng thành thạo Dịch lý, Tử
vi, Phong thủy… Không chỉ vậy, tri thức được coi là của Tàu đó cũng thấm đẫm
trong cuộc sống của người bình dân ít học. Điều này mặc nhiên gợi cho người ta
nếp nghĩ: vào thời Bắc thuộc, người Trung Quốc mang những thứ đó sang để khai
hóa người Việt. Và đấy là sự Hán hóa!
Tuy
nhiên, sau hơn 10 năm khảo cứu tới tận cùng lịch sử văn hóa Việt, tôi phát hiện
là hoàn toàn không có chuyện Việt Nam bị Hán hóa. Xin trình bày như sau.
Hán
hóa là việc người Hán đồng hóa một cộng đồng khác, khiến cho cộng đồng này trở
nên giống người Hán về di truyền và văn hóa. Có thể dẫn những thí dụ trong lịch
sử: người Mông Cổ xâm chiếm Trung Hoa, lập nhà Nguyên và đưa hàng triệu người sang
định cư. Tự hào là tầng lớp thống trị, người Nguyên vỗ ngực xưng: “ta là Nguyên nhân.” Nhưng rồi khi triều
Nguyên bị lật đổ, những người Mông Cổ trên đất Trung Hoa hòa huyết với người bản
thổ, trở thành người Hán với mã di truyền Mongoloid phương Nam. Họ nói tiếng Bắc
Kinh và theo phong tục tập quán của người Hán. Con cháu họ quên nguồn gốc của
Thành Cát Tư Hãn mà xưng là người Hán, và cũng như mọi người Hán khác, nhận là hậu
duệ của Hoa Hạ. Người Mãn Thanh cũng là thí dụ tương tự. Sau 300 năm dùng “văn
hóa đuôi sam” thống trị Trung Quốc, nay tất cả họ đã thành người Hán và không
còn ai nói được tiếng Mãn Châu. Điều này cũng xảy ra gần như tương tự với đại bộ
phận cộng đồng Bách Việt ở Nam Dương Tử. Tuy từ hơn 2000 năm TCN, về mặt di
truyền, người Bách Việt cùng chủng Mongoloid phương Nam với người Hán nhưng về
mặt tiếng nói và văn hóa vẫn làm nên cộng đồng người Việt riêng. Nhưng chỉ 50
năm cuối của thế kỷ trước, sau khi Trung Cộng chiếm Hoa lục, hầu hết người Nam
Dương Tử nói tiếng Bắc Kinh, theo phong tục tập quán Hán và tự xưng là người
Hán. Rõ ràng sự Hán hóa đã thành công.
Muốn
xem Việt Nam có bị Hán hóa hay không, cần phải khảo sát trên ba hệ quy chiếu: về
con người, về ngôn ngữ và về phong tục tập quán.
1.
Về
con người:
Khảo
sát 70 sọ từ thời đồ đá tới thời kim khí được phát hiện ở Việt Nam (khoảng
30.000 đến 2000 năm TCN), Giáo sư Nguyễn Đình Khoa công bố: “Suốt thời đồ đá,
dân cư Việt Nam gồm hai chủng Indonesian và Melanesian, cùng thuộc loại hình
Australoid. Nhưng sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện, trở
thành chủ thể dân cư, người Australoid biến mất dần, không hiểu do nhập cư hay
đồng hóa.” (1) Năm 2005, từ khai quật di chỉ Mán Bạc Ninh Bình, các nhà khảo cổ
Việt-Úc nhận định: “Có quá trình chuyển hóa dân cư Việt Nam từ Australoid sang
Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, việc chuyển hóa hoàn thành.” Như vậy,
từ 2000 năm TCN, hầu hết dân cư Việt Nam là chủng Mongoloid phương Nam. Trong
khi đó, các khảo cứu dân cư Trung Quốc cho thấy, trước cả thời điểm trên, đại bộ
phận dân cư Trung Quốc là người Hán chủng Mongoloid phương Nam. (2) Điều này khẳng
định một sự thật: từ 2000 năm TCN, người Trung Quốc và người Việt Nam cùng một chủng tộc
Mongoloid phương nam. Nếu năm 333 TCN có chuyện người nước Việt tới nước
ta thật thì về mặt di truyền, họ cũng giống như người Việt Nam. Còn tiếng nói của
họ cũng là tiếng Việt nên không thể xảy ra chuyện đồng hóa. Vào đầu Công
nguyên, khi nước ta bị Bắc thuộc, người Trung Quốc sang cai trị thì cả người Việt
và người Hán cùng một mã di truyền. Việc hòa huyết Hán Việt là có nhưng hòa huyết
nội chủng không phải là đồng hóa.
Mặt
khác, từ khảo sát ADN dân cư châu Á, S.W. Ballinger cho biết: “Người Việt Nam
có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á.” (3) Điều này nói rằng,
dân cư châu Á cùng một nguồn gốc, trong đó người Việt Nam gần tổ tiên nhất. Khám phá này cho thấy, do có chỉ số đa dạng di
truyền thấp hơn nên khi hòa huyết, người Hán không thể đồng hóa người Việt mà
ngược lại, chính họ bị hòa tan vào người Việt. Có thể ví, người Việt Nam là một
biển nước mặn mà mỗi người Hán là một thùng nước lợ. Đem thùng nước lợ hòa vào
biển nước mặn không làm nước biển nhạt đi mà lại làm cho thùng nước lợ biến mất
trong biển mặn.
Từ đó khẳng định:
không
có chuyện Hán hóa người Việt Nam về di truyền học.
2.
Về tiếng
nói:
Từ khảo
cứu của mình, chúng tôi đã chứng minh rằng, 40.000 năm trước, người từ Việt Nam
đi lên chiếm lĩnh Hoa lục, trở thành dân Trung Hoa. Một khi dân cư Trung Hoa là
người Việt thì tiếng nói Trung Hoa cũng là tiếng Việt. Khảo cứu ngôn ngữ Trung
Hoa, các nhà ngữ học phát hiện: tám phương ngữ trên đất Trung Quốc đều là tiếng
Việt mà không hề có cái gọi là “phương ngữ Hán”. Tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến là gốc của ngôn ngữ
Trung Hoa. Người đặt chân đầu tiên tới Quảng Đông, Phúc Kiến là người Nghệ Tĩnh.
Do vậy, tiếng nói vùng Nghệ Tĩnh trở thành ngôn ngữ gốc của Trung Hoa. Ở Nam Hoàng
Hà, do người Việt tiếp xúc với người Mông Cổ nên tiếng nói chuyển hóa theo cách
nói và giọng điệu Mông Cổ. Vào thời Chu, thấy tiếng nói bị biến dạng khiến cho
người trong nước không còn hiểu được nhau nên nhà Chu khuyến khích người dân
nói Nhã ngữ - là ngôn ngữ thanh nhã của phương Nam. Vào đầu thời Bắc thuộc, người
Hán sang nước ta nói tiếng nói gần giống với tiếng Việt. Nhưng sau đó, do nhiều
người phương Bắc (gọi là người Hồ) tràn vào, tiếng nói của quan quân Trung Quốc
không còn giống tiếng Việt nữa. Vốn có tiếng nói thanh nhã chuẩn mực nên người
Việt Nam không học tiếng của người Trung Quốc.
Từ những
khai quật khảo cổ chữ Giáp cốt và khảo cứu quá trình hình thành chữ viết Trung
Hoa, chúng tôi cũng chứng minh được rằng: người Việt sáng tạo chữ tượng hình từ
9000 năm trước tại văn hóa Giả Hồ. Sau đó, ở nhiều nơi khác. Khi nhà Thương chiếm
đất An Dương Hà Nam của người Việt, đã chiếm luôn chữ tượng hình rồi cải tiến
thành chữ thời Tần. Như vậy, chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa. Chữ
tượng hình do người Việt chế ra để ký âm tiếng Việt. Do vậy, mọi chữ Hán chỉ
khi đọc bằng âm Việt cổ và giải nghĩa bằng nghĩa tiếng Việt mới chính xác.
Những
học giả hàng đầu thế giới trước đây như Taberd, Maspéro đã sai lầm nghiêm trọng
khi cho rằng, tiếng Việt mượn từ tiếng Trung Quốc. Chính sai lầm này góp phần tạo
nên ý tưởng Việt Nam bị Hán hóa.
3.
Về
phong tục tập quán
Có sự
thực là, giữa người Việt và người Trung Hoa có nhiều phong tục tập quán gần
gũi: tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, lễ tế Đàn Xã tắc, thờ ông
Táo... Do vậy, từ lâu có ý kiến cho rằng, những tập quán đó do người Trung Quốc
đem sang vào thời Bắc thuộc. Tuy nhiên khi khảo cứu kỹ, chúng tôi thấy, đấy là
những tập quán của người Việt trồng lúa nước hình thành từ xa xưa và phổ biến
trên đất Việt Nam và Trung Hoa, những nơi người Việt sinh sống.
Nhiều
nhà khảo cứu cho rằng, lễ tế Xã tắc được nhập từ Trung Quốc. Nhưng sự thực, đó
vốn là lễ tế Thần Lúa và Thần Đất của người Việt cổ. Tại Quảng Tây vẫn còn những
đàn tế từ 6000 năm trước. Dân trong làng chung sức đắp khoảnh đất cao hình tròn
gần làng đề hàng năm làm đàn tế thần lúa và thần đất. Còn khi lụt lội thì dân
làng lên ở tạm. Tục tế Thần Đất và Thần Lúa theo chân người Việt tới Nam Hoàng
Hà. Vào thời Chu, vua nhà Chu chuyển thành lễ tế tổ nhà Chu là Hậu Tắc nên gọi
là tế Xã Tắc. Khi các quan cai trị Trung Quốc thực hành lễ tế Xã Tắc ở Việt Nam
thì người Việt nhận ra nội dung lễ tế của mình nhưng hiểu chữ “tắc” là một loại
lúa. Do vậy, lễ tế lớn này được các chính quyền quân chủ Việt Nam tiếp tục thực
hiện, để tế Thần Đất và Thần Lúa mà không còn là tế tổ nhà Chu. Có việc một số
nhà nước quân chủ Việt Nam học theo những quy chế, luật pháp Trung Quốc nhưng
đó thuộc về thượng tầng kiến trúc mà không thuộc cơ sở văn hóa. Có sự thực là,
trong tâm thức người dân Việt luôn cho rằng, người Việt ưu tú hơn người Tàu, gọi
người Trung Quốc là thằng Ngô, chú Khách… Ngay Khổng Tử cũng nhận ra điều này trong chương
thứ mười của sách Trung Dung. Tử Lộ hỏi về sự cang cường. Khổng Tử nói: “Là cái
cang cường của người phương nam ư? Hay là nói cái cang cường của người phương bắc?
Hay là nói cái cang cường (theo kiểu) của riêng ngươi? Dạy bảo người ta một
cách khoan dung dịu dàng, không trả thù kẻ vô đạo đó là cái cang cường của người
phương nam, người quân tử giữ sự cang cường đó. Còn ngày đêm bạn cùng giáp bền
gươm sắc, dẫu chết cũng không ngán, đó là cái cang cường của người phương bắc,
những kẻ thượng võ hiếu đấu thì giữ sự cang cường này! Người quân tử sống hoà mục
với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục, đấy mới là sự cang cường
chân chính.”
Chính
do sở hữu một bản sắc văn hóa cao hơn nên người Việt Nam không bị Trung Quốc đồng
hóa về văn hóa.
Kết
luận:
Việt
Nam là cội nguồn của văn hóa nông nghiệp phương Đông nên Việt Nam và Trung Quốc
có nhiều nét gần gũi về con người, tiếng nói và phong tục tập quán. Nội dung
kinh Thi, kinh Dịch, kinh Nhạc, kinh Lễ… bàng bạc trong cuộc sống và tâm linh
người Việt. Đó là văn hóa tinh thần do tổ tiên người Việt sáng tạo nhưng do
chưa có chữ viết nên không ghi lại được mà chỉ truyền lưu một cách vô thức
trong dân gian. Khi người Hán mang văn bản những kinh đó sang, người Việt cảm
thấy dễ học, dễ nhớ như gặp lại những gì quen thuộc. Ngay chữ Hán, người Việt
Nam cũng thấy gần gũi với tiếng nói của mình. Do vậy, suốt trong thời Bắc thuộc,
người Việt luôn chống Trung Quốc xâm lăng nhưng không hề bài bác văn hóa Trung
Hoa. Từ xa xưa, tổ tiên ta cho rằng, những nét tương đồng đó là do đồng văn đồng
chủng mà không hề nghĩ tới chuyện người Việt bị Hán hóa. Chỉ sang thế kỷ XX, từ
những công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, người Pháp theo quan
niệm Hoa trung (Trung Hoa là trung tâm) cho rằng, người Hán mang văn minh Hoa Hạ
xuống đồng hóa các sắc dân dã man phương Nam nên đã truyền cho dân ta quan niệm
Việt Nam bị Hán hóa. Sự gần gũi về văn hóa giữa người Việt và người Hoa xuất hiện
từ xa xưa, thuộc về nguồn gốc. Do không hiểu điều này nên các học giả Pháp cũng
như Việt Nam cho rằng, đó là do người Trung Quốc mang tới vào thời Bắc thuộc.
Ngày
nay, từ nghiên cứu khám phá sự thật về cội nguồn dân cư và văn hóa phương Đông,
chúng ta khẳng định không hề có chuyện Việt Nam bị Hán hóa. Sự thực là, Việt
Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông nên những sự giống
nhau giữa con người và văn hóa Việt Nam và Trung Quốc là sự giống nhau từ nguồn
gốc mà Việt Nam là gốc. Theo nguyên lý nước chảy từ nơi cao xuống nơi thấp, Việt
Nam có nền văn hóa cao hơn nên dù có 1000 năm cai trị thì người Trung Quốc cũng
không thể đồng hóa được điều gì về con người và văn hóa Việt Nam. Cũng theo chiều
lưu chuyển đó, người Triều Tiên và Nhật Bản nhận được dòng gen và văn hóa văn
hóa Việt xa hơn so với người Trung Quốc.
Nhiệm
vụ của chúng ta là làm rõ sự thật này để giải tỏa những sai lầm ngộ nhận trong
quá khứ đang đè nặng tâm trí dân tộc!
Tài
liệu tham khảo:
1. Nguyễn
Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á.
(NXB DH&THCN, H. 1983)
2. Zhou
Jixu. The Rise of Agricultural
Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the
Documentary Record and Its Explanation.
SINO-PLATONIC PAPERS Number 175
December, 2006.
3. S.W.
Ballinger et al: Southeast Asian
mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid
migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét