Minh triết trong thế kỷ 21*
(Trích
từ: Một Thời đại của Tiến bộ - Age of Process), Tg. Walter G.Moss-Anthem Press, 2008.pp263-266
Càng về
cuối thế kỷ thứ 20, trí tuệ, sự khôn ngoan và phẩm hạnh của con người càng khó
bắt kịp với những đổi thay của công nghệ. Ngày xưa, khi quá trình đổi mới còn
diễn ra chậm chạp thì quan niệm đạo đức của các thế hệ cũng gần với nhau hơn, bởi
lẽ xã hội của người trẻ lúc bấy giờ không quá khác biệt so với thời cha chú của
mình. Khi thế giới trở mình bước vào kỷ nguyên hiện đại hóa của thế kỷ 20, công
nghệ phát triển với tốc độ ngày một chóng mặt, dẫn đến hệ lụy là: những giá trị
đạo đức và truyền thống của thế hệ đi trước không còn được giới trẻ ngày nay
trân trọng nữa. Vào thập niên 60, Bob Dylan, một trong những người tiên phong
trẻ tuổi, đã cất lời ca trong bài hát “The times they are a-changin” (tạm dịch:
“Thời đại luôn luôn thay đổi”), để nói với thế hệ đi trước rằng “con đường cổ lỗ”
của họ đã trở nên lạc hậu và họ không thể buộc con cái mình phải tuân phục mọi
lời nữa. Bob cho rằng thay vào đó, các bậc làm cha mẹ nên tạo điều kiện cho con
mình phát triển và không nên phê phán những điều họ chưa hiểu hết.
Trong những thập niên
cuối của thế kỷ 20, ở các nước phát triển, vai trò của cha mẹ trong việc định
hình tính cách của trẻ vị thành niên ngày càng giảm, thay vào đó là sự bành trướng
của các phương tiện truyền thông. Các nhà xã hội học cho rằng vô tuyến truyền
hình là nguyên nhân chính của hiện tượng này, họ chỉ trích những ảnh hưởng mà
nó mang lại cho những người trẻ tuổi. Marshall McLuhan, giáo sư người Canada nổi
tiếng với các học thuyết về truyền thông và văn hóa, đã nói về chiếc vô tuyến
như sau, “Bạn muốn cứu lấy những nền văn
minh Do Thái, Hy Lạp, La Mã, hay Thiên Chúa giáo ư? Trước hết hãy phá nát cái cỗ
máy đáng sợ ấy đi.”. Nghệ sĩ hài Dave Barry cũng từng chia sẻ, “Một cách định hướng thế hệ trẻ chính là sử dụng
vô tuyến truyền hình. Nhưng những thông điệp của nó khiến ta cảm thấy sự thật,
trí tuệ, hòa bình không đáng quan tâm bằng một loại kem đánh răng giúp răng trắng
sáng và hơi thở thơm mát.”. Năm 1993, Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an
ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Jimmy Carter, cũng viết, vô tuyến truyền hình
đã “trở nên thiết yếu trong định hình văn
hóa và tín ngưỡng của Hoa Kỳ”, và nó đã góp phần tạo nên “một nền văn hóa đại chúng, bị chi phối bởi
những kẻ trục lợi và tập trung khai thác những ham muốn tầm thường, những dục vọng
và thậm chí là sự man rợ của con người.”
Trong bối cảnh kẻ đi
sau phủ nhận người đi trước ấy, những lý luận về minh triết, dù là trong lời
răn của người xưa hay trong bất kì nguồn nào khác, cũng đều bị coi nhẹ. Từ điển
Tiếng Anh Oxford (tái bản lần thứ 2, năm 1989) đã định nghĩa minh triết là “the capacity for judging rightly in the
matters relating to life and conduct; soundness of judgment in the choice of
means and ends.” (Tạm dịch: “là sự
đánh giá đúng đắn về các vấn đề chủ yếu của đời sống ,để định hướng cho sự lựa
chọn đúng đắn phương tiện và mục đích”). Triết gia người Đức Spinoza của thế
kỷ 17 cũng từng ám chỉ rằng minh triết có nghĩa là nhìn cuộc đời một cách sub specie eternitatis, có nghĩa là nhìn
từ khía cạnh của cõi trường tồn.
Thậm chí, ngay từ những
năm 1930, nhà thơ T.S Eliot đã từng viết:
“Where is the wisdom we have lost in knowledge?
Where is the knowledge we have lost in information?”
(Tạm dịch:
“Đâu là sự minh
triết thất lạc trong kiến thức?
Đâu là kiến thức
thất lạc trong thông tin?”
Theo Hà Thủy Nguyên)
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cũng đã dịch:
“Đâu rồi minh
triết, chỉ còn lại tri thức.
Đâu rồi tri thức, chỉ
còn lại thông tin.”
Cũng trong thập kỷ này, một
nhà sử học trứ danh người Đức, Jan Huizinga, đã viết về tốc độ phát triển khoa
học kĩ thuật đến chóng mặt đầu thế kỷ 20, và nhận định rằng, “chưa bao giờ con người có cơ hội tiếp cận
với một lượng lớn thông tin ở mọi loại lĩnh vực như bây giờ”. Nhưng thêm
vào đó, ông có nói “sự đồng hóa ấy dường như không ổn” và “tri thức dồi dào nhưng không hoàn toàn thấu suốt có thể làm ảnh hưởng
đến các phán xét và ngăn không cho con
người ta đến với minh triết.”. Tóm lại, Huizinga cho rằng thời đại của ông
đang phản chiếu sự thoái hóa của văn hóa, các chuẩn mực đạo đức và sự cảnh tỉnh
của loài người. Tướng Omar Bradley sau này cũng đồng ý với điều đó khi ông phát
biểu: “Chúng ta đang sống trong thế giới
của những tên khổng lồ hạt nhân với ý thức đạo đức chỉ ngang với những đứa trẻ
sơ sinh. Nếu ta cứ tiếp tục phát triển công nghệ một cách bất cần và dại dột,
rồi đây chính công nghệ sẽ khai tử cho con người.”
Trong tập luận văn Small Is Beautiful viết năm 1973 của
mình, nhà kinh tế người Anh gốc Đức E.F. Schumacher cho rằng các thành tựu khoa
học, công nghệ và kinh tế của thế kỷ 20 là sai lầm khi không phục vụ những mục
đích khôn ngoan hơn. Ông viết:
“Ta
có thể tạm chấp nhận sự thiếu vắng của minh triết trong các phương án phát
triển kinh tế, khoa học nếu ta thất bại; nhưng giờ đây, khi ta đã đạt được
nhiều thành tựu, vấn đề về đức tin và đạo đức đang dần dần tiến tới vị trí
trọng tâm ...
Sự tham lam ngày càng lớn của con
người đang đi ngược lại các nguyên tắc minh triết, và còn trái với tự do, hòa
bình. Càng tham lam, con người càng phụ thuộc vào những lực lượng khách quan
nằm ngoài tầm kiểm soát của họ... Chỉ khi ta học cách kiềm chế những ham muốn
của mình, ta mới có thể tránh được những mâu thuẫn, nguyên nhân sâu xa nhất của
mọi cuộc chiến tranh.
Máy móc ngày càng đồ sộ, tổng hợp
nên ngày càng nhiều nguồn lực kinh tế và đặt ra những áp lực ngày càng lớn cho
môi trường, không phải là sự phát triển: mà là phản minh triết. Minh triết mới là
định hướng mới cho khoa học công nghệ, tới sự thân thiện, hiền hòa, thanh tịnh
và cao đẹp hơn.”
Nhưng rõ ràng, cho đến tận cuối
thế kỷ 20, ý tưởng của Schumacher không tạo ra nhiều thay đổi đáng kể. Với sự
thúc đẩy của quảng cáo và toàn cầu hóa, “lòng tham” của con người lớn dần,
khiến môi trường ngày càng tồi tàn hơn. Đồng thời, khi các quốc gia và đại
chúng bớt bị gò bó hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn, minh triết là vô cùng cần
thiết để con người có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Điều này thể hiện rất
rõ thông qua những chính sách bảo vệ môi trường hay cách con người tiêu khiển
thời giờ. Truyền hình cáp và vệ tinh, mạng toàn cầu, điện thoại di động, cung cấp nhiều phương tiện
giải trí hơn. Những người yêu thể thao giờ đây chỉ cần ngồi lì ở nhà cả ngày là
đã có thể theo dõi mọi sự kiện thể thao
mình thích.
Minh
triết vẫn được trân trọng, nhưng chỉ ở một vài ngoại lệ đáng trọng như Nelson
Mandela của Nam Phi trong cuốn hồi ký của ông, còn phần đông mọi người vẫn chưa
nhận thức được giá trị của minh triết. Thế mà đã từng có thời, giá trị này được
trọng vọng ở khắp nơi trong xã hội. Một học giả nghiên cứu văn hóa Phương Tây
đã phát hiện ra, “từ cổ chí kim, từ khi
loài người mới khai sinh đến thời Trung Cổ rồi thời Phục Sinh, minh triết vẫn
luôn là một giá trị quan trọng.”. Nhiều tôn giáo khác cũng nhấn mạnh tầm
quan trọng của Minh triết. Cuốn kinh cổ Bhagavad-Gida
của Hindu nói rằng, “không gì thuần khiết
hơn minh triết... Nếu anh có đức tin, anh có được minh triết và làm chủ được
các giác quan của mình, minh triết đưa anh vào cõi bình yên cao nhất.” .
Phật giáo cũng đề cao minh triết và cho rằng minh triết chân chính là cánh cửa
dẫn đến cõi Niết bàn, nơi mọi khổ ải, tham lam và thất vọng không còn tồn tại.
Bước vào thế kỷ 20, một số nhà hiền triết lớn của Châu Á như Tagore và Gandhi
cũng chịu ảnh hưởng của các tôn giáo và do đó, dành cho minh triết một lòng
ngưỡng vọng nhất định. Ví dụ, Tagore từng viết:
“Khi bị
những tham vọng và đam mê mù quáng chi phối, ta không còn biết cho đi cũng như
nhận lại bất cứ điều gì. Nhưng ta vẫn có thể tìm lại hồn ta bằng cách kiềm chế,
dung hòa những điều đối nghịch, nối lại những gì đứt quãng. Khi ấy, tất cả
những quan điểm cá nhân ta đều là minh triết, toàn bộ những ham muốn nhất thời
sẽ được lấp đầy bằng tình yêu, những điều vụn vặt trong cuộc đời rồi sẽ phục vụ
một điều lớn lao lắm, và những suy tư, phẩm chất đến với nhau trong hài hòa
vĩnh cửu.”
Cũng
có nhiều lần, những con người mới của phương Tây thế kỷ 20 đi tìm minh triết
trong tôn giáo Đông Phương. Nhưng nói tóm lại, kể từ thế kỷ 17, ảnh hưởng của
khoa học kĩ thuật tới quan niệm sống của xã hội phương Tây đã bắt đầu đi vào
quỹ đạo. Dần dà, giá trị của minh triết bị suy giảm, trong khi những thành tựu
khoa học và sự bùng nổ thông tin của thế giới hiện đại được đánh giá cao hơn.
Nhưng nếu minh triết không còn được nhớ đến, đạo đức của con người rồi sẽ đi về
đâu?./.
***
Mai Ngân Hà dịch Khắc Mai hiệu đính.. * Đầu đề do dịch
giả đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét