Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018
Sách giúp nhập môn lịch sử học
https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/sach-giup-nhap-mon-lich-su-hoc-3800740.html
Thứ năm, 6/9/2018, 16:24 (GMT+7)
Sách giúp nhập môn lịch sử học
Tác phẩm của nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Thế Anh (Đại học Văn khoa Sài Gòn, 1974) vừa được tái bản.
Với 11 chương, sách giúp người đọc làm quen với những phương pháp căn bản nhất của quá trình tiếp cận môn lịch sử. Qua việc trích dẫn những tác phẩm nổi tiếng thế giới của các sử gia có sức ảnh hưởng từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, sách còn đưa độc giả tìm hiểu thêm nguồn gốc và lịch sử hình thành của sử học. Từ đó, người đọc có thể cùng phân tích xem tinh thần sử học xưa nay đã có những thay đổi biến chuyển gì, hay những quan điểm về sử học từ những tư tưởng khác nhau giữa các sử gia liệu ảnh hưởng đến kết quả của các nghiên cứu lịch sử như thế nào.
Bìa cuốn "Phương pháp Sử học: những nguyên tắc cơ bản". Khi xuất bản năm 1974, sách có tên là "Nhập môn phương pháp Sử học".
Khi nghiên cứu lịch sử, sử gia cần phải biết mục đích của các nghiên cứu. Nhiều sử gia thậm chí còn tự vấn về ngành chuyên môn của họ và tìm cách định nghĩa một cách giản lược về mục đích nghiên cứu. Chẳng hạn, sử gia người Đức Leopold von Ranke cho rằng nghiên cứu sử nhằm; "làm cho thấy các sự việc xảy ra như thế nào", hoặc nói cách khác là, lặp lại quá khứ như nó đã xảy ra. Còn sử gia Pháp Jules Michelet gọi đó là: "hoàn sinh lại tất cả sự sống". Sử gia người Anh của thế kỷ 20 R. G. Collingwood lập luận mục đích của nghiên cứu sử bằng "tái diễn lại kinh nghiệm quá khứ".
Từ các lý giải về mục đích nghiên cứu lịch sử đó, tác giả đúc kết: "Nhờ nghiên cứu sử, ta tìm được thời gian, ta hoàn lại sự sống cho một hiện tại đã thành quá khứ". Mặt khác, ông vẫn nêu ra ý kiến phủ định: "Sử không phải là bức họa tô lại từng khoảnh khắc một sự tiến hóa của nhân loại. Giữa lịch sử thực tại và lịch sử nhận thức bởi sử gia, có sự khác biệt rõ rệt" Vì vậy, theo kinh nghiệm một sử gia ông kết luận: "Làm quá khứ hoàn toàn sống lại là một việc không ai có thể làm nỗi, chỉ vì một lý do kỹ thuật: sử gia chỉ có thể bắt được hình ảnh quá khứ qua các sử liệu. Nhưng quá khứ sau khi xảy ra, đã vĩnh viễn biến đi mà chỉ để lại dấu vết ngẫu nhiên mà thôi".
Công việc nghiên cứu sử có thể thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, bao gồm bốn loại được khái quát như sau: Nghiên cứu sử theo diễn tiến thời gian, Nghiên cứu sử theo khu vực địa lý, Nghiên cứu lịch sử theo tổ chức chính trị và cuối cùng Nghiên cứu lịch sử để tập hợp những tiểu sử. Song, Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh con người không sống trong cái ngăn mang nhãn hiệu “pháp luật”, “tôn giáo”, “chính trị” hay “kinh tế”. Thành thử vấn đề không phải là nghiên cứu quá khứ theo cách thức nào, mà là nghiên cứu làm sao để nắm bắt được sự phong phú của đời sống.
Sau khi nắm bắt được mục đích của việc nghiên cứu lịch sử, trước khi làm tròn vai trò của sử gia, các nhà nghiên cứu phải định nghĩa một sự kiện lịch sử. Trong phần này, tác giả nhắc đến hai yếu tố sử gia có thể dựa vào để định nghĩa một sự kiện lịch sử: Chọn lựa, Kết cấu. "Sự kiện lịch sử là kết quả của một sự chọn lựa, vì mỗi sự kiện kết cục chẳng là gì ngoài những cử động hay những lời nói mà tài liệu lịch sử ghi lại cho ta".
Muốn đi đến quá khứ, sử gia phải thông qua con đường sử liệu. Trong thư mục này, tác giả đưa ra các giải pháp cho công việc tìm và truy cứu sử liệu. Bắt đầu với khái niệm "sử liệu là bằng chứng của quá khứ", sử gia sẽ tiến hành tìm và chọn tài liệu nghiên cứu. Khi đã có tài liệu, người sử dụng tài liệu tiến tới khai thác các khía cạnh kỹ thuật của vấn đề tài liệu. Ở góc độ này, sử gia thường có các phân biệt giữa Tài liệu đầu tay hay Tài liệu trực tiếp, bằng chứng để lại bởi chứng nhân nghe tận tai hay nhìn tận mắt. Bên cạnh là Tài liệu gián tiếp, bằng chứng để lại bất cứ một ai không phải là chứng nhân.
Cuối cùng, để đi đến giá trị của sự thật được tìm ra bởi sử học, các nhà nghiên cứu lịch sử phải qua nhiều quá trình khác nữa, như khảo cứu, sử dụng công cụ khai thác, tiếp cận các loại tài liệu khác nhau hay đặt sự hiểu biết lên những nghiên cứu đó để đưa ra kết quả cuối cùng. Ý nghĩa của lịch sử trong đời sống nhân loại là vô cùng quan trọng. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc nếu không có lịch sử, hay không biết gì về lịch sử của mình, sẽ chẳng khác gì con người sống mà không có ký ức. Vì thế, công việc của một sử gia là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, công bằng và đầy tính kiên nhẫn.
Tác giả Nguyễn Thế Anh sinh năm 1936 tại Lào. Ông là nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng ở miền Nam, từng giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Huế, sau đó, chịu trách nhiệm môn Sử học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau khi sang Pháp, ông là giáo sư ở Đại học Sorbonne (Paris).
Lê Hữu Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét