Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

CẢM NHẬN DI SẢN KHẮC ĐÁ SAPA TỪ NHẬT KÝ TRẢI NGHIỆM

                                                LÊ THỊ HỒNG ĐIỆP
 I. Cảm nhận họa tiết khắc trên đá cổ ở Sa Pa

     Có lẽ những ai đã đến thăm khu đá cổ ở thung lũng Mường Hoa, tại SaPa, Lào Cai đều sẽ thắc mắc một cách kinh ngạc rằng:
     1- Những họa tiết tuyệt vời đang hiện hữu trên những tảng đá ở khu vực này được khắc từ bao giờ?  
      2 - Những hoạ tiết ấy mang thông điệp gì?
      3 - Phàm nhân hay Thiên nhân đã làm được cái việc siêu đẳng ấy?
     Vấn đề thứ nhất, những hoạ tiết được khắc trên đá từ bao giờ?
      Đá vốn vô cùng cứng cáp, luôn vững vàng trước mọi phong ba, bão táp, lửa nóng, băng lạnh. Vì vậy kẻ tạo tác khi đã hết lòng kiên trì với đá và giành cho đá những nét chạm khắc từ tâm hồn thì đá cũng sẽ hết lòng lưu giữ những nét chạm khắc đó đến muôn đời. Đã khắc được vào đá thì người xưa cũng đã hiểu đá như hiểu chính những nét chạm khắc thiên thần tinh xuất từ tâm, từ trí của họ. Nhiều quan điểm chỉ ra rằng, việc chạm khắc đã diễn ra cách đây khoảng 5000 năm nhưng theo cảm nhận của riêng tôi, việc đó còn diễn ra sớm hơn hàng nghìn năm nữa. Cảm nhận không chỉ là cảm nhận mà đó sẽ là một giả thuyết cần được chứng minh.
Thí dụ thác bản HT-141 rất nhiều đường nét dường rất khó hiểu nhưng có đậm nhạt, có hình khối, có bố cục…, tổng thể không bị cảm giác rối rắm - ắt hẳn phải mang ý nghĩa nào đó?
     Vấn đề thứ hai, những hoạ tiết trên đá mang thông điệp gì?
     Nếu quan sát toàn bộ những hoạ tiết được khắc trên đá thì sẽ thấy thông điệp là vô cùng đa dạng. Nhưng nếu khái quát lại thì tất cả những hoạ tiết đó đều được hình thành từ hai nét vẽ cơ bản là nét thẳng và nét cong. Hai nét vẽ này đại diện cho sự kết hợp giữa cứng cáp, vững vàng với uyển chuyển, mềm mại; giữa âm và dương; giữa trời và đất. Tất cả những gì thuộc về sự sống, bao gồm cả tự nhiên và xã hội đều có trong những bức hoạ bằng đá thật đặc biệt nơi đây. Đặc biệt hơn cả đặc biệt nữa là, trong tất cả những hoạ tiết ấy, có một hoạ tiết được thể hiện rất nhiều lần, ở nhiều tảng đá khác nhau, đó là hoạ tiết hình vòng tròn xoáy ngược chiều kim đồng hồ. Nhìn vào vòng xoáy đó cảm nhận ngay được thông điệp về một tiến trình phát triển của cả vũ trụ, bao gồm cả con người. Đó là sự phát triển xoáy trôn ốc, phát triển để ngày càng phát triển hơn. Muốn như thế, quá trình phát triển phải luôn hướng về cội nguồn, gốc rễ, bản thể. Đó chính là cảnh giới Thiên - cảnh giới cao của sự phát triển. Đó cũng chính là cảnh giới tự dođể phát triển bền vững. 


Thí dụ HT-13: Những vòng tròn xoáy hình trôn ốc ngược chiều kim đồng hồnhư là biểu tượng về một hành trình phát triển không ngừng từ cội rễ và phải hướng về cội rễ?

     Vấn đề thứ ba, phàm nhân hay Thiên nhân đã khắc lên những hoạ tiết tuyệt vời ấy?
     Với những thông điệp bao quát cả không gian và thời gian, bao quát cả mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân cho một hành trình phát triển bền vững như thế thì ai, phàm nhân hay thiên nhân là người có đủ khả năng về kỹ thuật tối tinh xảo và tri thức tối tinh hoa để chạm khắc và lưu giữ nghìn đời trên đá? Câu hỏi này chỉ có đá là biết rõ nhất. Người nào hiểu đá nhất, yêu đá nhất và có duyên với đá nhất sẽ được đá thiêng quý thường xuyên "sang tai" cho tất cả mọi thông tin, dù là những thông tin bí mật nhất, xa xưa nhất.



Thí dụ HT-165: có đường nứt rõ theo chiều dọc của thân đá: vô tình đi qua giao điểm của hai mảng khắc, hay cũng nằm trong tầm bao quát của hiểu biết và kỹ năng?

II. Sơ thuật du lịch nghiên cứu di sản đá khắc Sa Pa
     Hành trình du lịch nghiên cứu di sản đá khắc Sa Pa đầu tiên của chúng tôi diễn tiến trong ba ngày, từ 03/11/2018 đến 05/11/2018. Ba ngày với ba địa điểm đã gợi mở những điều lý thú, có ý nghĩa khoa học và tính logic siêu đẳng của của tạo hóa và sáng tạo của các bậc tiền nhân.
Ngày I - thứ bảy 03/11/2018:Khởi hành từ nhà hát lớn Hà Nội, chúng tôi đi ô tô một mạch tới Bình Lư của Tam Đường (Lai Châu), tập trung khảo sát tại khu vực thác Tác Tình. Các thành viên trong đoàn, nhóm đi lên phía thác, nhóm đi xuống phía thung đối diện. Từ thác Tác Tình kẻ một đoạn thẳng qua một tảng đá lớn tầm 5 mét, vuông vắn và bằng phẳng - có một hang đá khá rộng. Nước từ dòng thác chảy xuống thung lũng một địa bàn dân cư. Tại đây còn có nhiều tảng đá khác, trong đó có bốn tảng đá lớn gần nhau, hòn nào cũng có những nét khắc vuông vắn, dường như đồng dạng với cả một nếp địa hình khu vực. Thác Tác Tình nằm dưới chân một đỉnh núi có độ cao hơn 2.400 mét so với mực nước biển, được kết nối với đỉnh Phan Xi Pang và Phu Tra. Lần khảo sát thực địa này đã dần mở ra một tầm nhìn văn hoá bản nhiên rộng lớn.

Những nét khắc vuông vắn tương đồng với các nếp địa hình khu vực này.

Ngày II -chủ nhật 04/11/2018:Bãi đá cổ SaPa ở độ cao khoảng 1.000m trên mực nước biển, nhưng núi đá Homestay cao khoảng 1.300m và đỉnh núi đá có lòng chảo Tả Phời ở độ cao khoảng 2.000m. Lên cao hơn, cảnh quan hùng vĩ của núi và mây, đã thấy ít nhiều dấu vết đá khắc, gợi lên câu chuyện hang động... Trên đỉnh vách đá dựng đứng có thể đi quanh vách đá lòng chảo, nhìn xuống hai phía, ẩn chứa những bí mật văn hóa mà ai cũng có thể hình dung.
     Bà thầy cúng họ Vàng nói khu mộ trưởng lĩnh họ Vàng là di sản văn hóa khắc đá. Khu mộ ở ngay phía sau nhà ở của con cháu trong họ. Nhiều tảng đá được con người sắp đặt, một tảng đá lớn có tên rất hiện đại là“Máy bay” - hình dáng kỳ lạ, trên đó có khắc vạch và tròn. Những nét khắc này phải chăng là sự tiếp nối ghi dấu mạch chảy văn hóa hòa hợp từ cổ xưa?

Tảng đá “Máy Bay” nằm sát khu vực bãi đá cổ Sa Pa có hình khắc vạch và tròn: tương đồng với địa hình lòng chảo Tả Phời thuộc thành phố Lào Cai.

    Ngày III -thứ hai 05/11/2018: Một ngôi đền nhỏ bên Ngòi Hoa, đằng sau đền hương khói thờ cây. Cây nhỏ mang hình hài một cô bé rừng xanh, cành tựa thân cây lớn, rễ vun gốc cây lớn. Đây là thông điệp người trồng để lại, hay là đạo lý vốn tự nhiên? Một hòn đá nhỏ như một cô bé ở ngay trước cửa đền cô bé mường Và Tả Van, thế nhưng  nội dung bản đồ của viên đá không nhỏ. Người ta đã không đào hẳn lên hay chôn sâu xuống, không dẹp hẳn sang bên trái hay bờ phải, thật là kỳ diệu. Bên hòn đá, có sẵn một lá cờ ngũ sắc. Khi tiến hành việc thử nghiệm lấy mẫu 3D đá khắc thì trời đã nắng to.Trời nắng to, máy quét hoạt động không được như ý.


Hòn đá nhỏ ngay trước cửa đền cô bé Mường Và – Tả Van nhưng mang hình khắc nội dung bản đồ không nhỏ.

III. Vài điểm trọng quan sau hành trình du khảo đá cổ Sa Pa:
     Chúng tôi đã trao đổi và thống nhất công bố phát hiện mới, từ những tảng đá có hình khắc - trong tương quan giữa các về khắc đá ở miền bắc Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin từ các địa điểm mới khảo sát, góp phần làm giàu thêm tiềm năng du lịch văn hóa:
      Thứ nhất, cho đến nay không chỉ ở Sa Pa có nhiều địa điểm có hình khắc và đã được công nhận di tích cấp quốc gia. Đối chiếu với cơ sở dữ liệu bản dập lớn nhất của viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội, thì những hòn đá có hình khắc này cũng mang thuộc tính bản đồ phù hợp với địa hình khu vực. Đặc biệtvới những hòn đá khắc chúng tôi mới khảo sát, có thể khẳng định mối tương quan giữa khu vực bãi đá cổ Sa Pa(Lào Cai) và điểm đá khắc Thác Tình (Lai Châu) cách nhau khoảng 60km.

Bản đồ đối chiếu HT-141: Khu vực đã được đánh giá là trọng tâm của văn hóa đá khắc, hứa hẹn nhiều giá trị nghiên khảo.

     Thứ hai,nghiệm chứng mới từ các tầng biểu hiện thông tin văn hóa: Từ trước đến nay chúng ta thường tập trung chú ý các hình khắc trên tảng đá, và các bản dập cũng cho thông tin biểu hiện dưới dạng 2 D. Tuy nhiên thông tin văn hóa còn biểu hiện dưới các hình thức 3 D như là hình dạng tảng đá, sắp đặt các tảng đá, tương quan giữa những tảng đá khắc với cảnh quan… Thực địa đã có những nghiệm chứng khẳng định giả thuyết. Thí dụ bước đầu khảo sát cho thấy ở khu vực cửa ngõ lòng chảo Tả Phời có khu đá được sắp đặt theo nguyên tắc phong thủy. Tảng đá được tạo tác mang đường nét địa hình khu vực, dấu ấn được khắc trên tảng đá có trên bản dập hòn đá khác (HT-159, HT160…) thuộc cơ sở dữ liệu từ Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội. Thời gian sắp tới trên nền tảng dự án hợp tác chúng ta có thể tiếp tục khảo sát cao, rộng và sâu hơn di sản đá khắc ở tất cả các tầng biểu hiện thông tin văn hóa khả dĩ.


Trong cái nhìn từ trên trời xuống dường như mọi điều đều dễ dàng, ẩn dưới một dấu chấm nhỏ nơi đây lại có thể liên hệ đến một ý nghĩa tìm thấy nơi khác?

   Thứ ba phác thảo mới cho hoạt động du lịch bảo tồn di sản: Thông qua hành trình Du lịch nghiên cứu di sản đá khắc Sa Pa, thực tế không chỉ có thêm những thông tin mới về di sản đá khắc, mà còn xác thực khả năng gia tăng giá trị của các địa điểm du lịch đã có, và có thể thiết kế sản phẩm du lịch mới, nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm sâu sắc của du khách. Thí dụ với tuyến du lịch vào bản Tả Van, tại địa điểm đền cô bé mường Và ở Tả Van, thông qua hiện vật đá khắc mang tính chất bản đồ, du khách có thể thêm một lần được dẫn dắt mong muốn khám phá trọn vẹn hơn hệ thống di sản văn hóa Tây Bắc – Đông Nam. Di sản đá khắc Sa Pa hoàn toàn có thể được bảo tồn tốt, nếu có biện pháp gia tăng ý thức bảo vệ và gìn giữ giá trị văn hóa đá khắc.



… du khách có thể thêm một lần được dẫn dắt mong muốn khám phá trọn vẹn hơn cung đường văn hóa Đông Nam – Tây Bắc

                    Điện thoại TG:  0983600201, email: lethihongdiepvnu@gmail.com)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét