Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

TỌA ĐÀM NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DI SẢN ĐÁ KHẮC SA PA

     Được sự hỗ trợ về tài chính và cố vấn về khoa học của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, ngày 15 tháng 12 năm 2018 vừa qua đại diện một nhóm nghiên cứu trẻ đặt vấn đề khảo sát lại và bước đầu công bố những nhận thức, kết luận có ý nghĩa khoa học trong cuộc tọa đàm TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DI SẢN ĐÁ KHẮC SAPA tại Hà Nội. Với những thành tựu nghiên cứu cơ bản trước đây, các bậc lão thành đã đặt nền tảng, gợi mở những hướng nghiên cứu trên  trên tất cả các khía cạnh xung quanh đề tài, cách khai thác, bổ sung tư liệu chuyên môn và từng bước hoàn thiện các báo cáo có nội dung chất lượng khoa học.

      Giám đốc Nguyễn Khắc Mai rất vui mừng vì cuộc sinh hoạt khoa học thường xuyên lần này, phần lớn các báo cáo viên là nam nữ thanh niên trên dưới tuổi 30 đã có bằng cấp, học vị cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Song, ông cũng tha thiết kêu gọi các nhà khoa học lớn tuổi, các giáo sư tiến sĩ…có tâm huyết nghề nghiệp hãy tiếp tục cộng tác; trực tiếp nhận hướng dẫn, phụ đạo các nhà nghiên cứu trẻ hướng tâm vào đề tài giá trị văn hóa của di sản khắc đá Việt Nam.
      TMT xin trân trọng giới thiệu hai bài sau; cùng với bài đã đăng trước khi tọa đàm, trong số tham luận tại cuộc tọa đàm.



              BÃI ĐÁ CÓ HÌNH KHẮC CỔ Ở ĐỒNG VĂN, HÀ GIANG

VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI BÃI ĐÁ CỔ SAPA, LÀO CAI

PGS. TS. Trình Năng Chung

(Viện Khảo cổ học)

I. BÃI ĐÁ CÓ HÌNH KHẮC CỔ Ở ĐỒNG VĂN, HÀ GIANG

Cuối năm 2013, trong đợt khảo sát khảo cổ học ở Hà Giang, cán bộ viện Khảo cổ học và Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đã phát hiện bãi đá có hình khắc cổ tại địa phận mỏ Vonfram nằm gần trung tâm xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, cách đường biên giới Việt –Trung khoảng hơn 20km về phía nam. Bãi đá có tọa độ địa lý: 230 8’47’’ Vĩ độ Bắc, 105014’ 39” Kinh độ Đông.
     Địa hình nơi đây là những dải núi đất cao xen kẽ những thung lũng lớn, nhỏ.Hiện tại, trên bề mặt những dãy núi đó còn lại rất ít rừng, do tập quán canh tác của cư dân hiện tại chủ yếu là người Mông.
    Tại dãy núi không tên cách trung tâm mỏ Vonfram khoảng 1,5km về phía tây bắc, có ngọn núi với đỉnh cao 1500m so với mực nước biển.Tại đây trên gần đỉnh núi đã phát hiện được 5 tảng đácó hình khắc vẽ nằm xen kẽ giữa hàng chục tảng đá lớn nổi trên bề mặt. Những tảng đá này thực chất làđá gốc trồi lên, loại đácát kết, tương tự như loại đá có hình khắc ở thung lũng Mường Hoa, Sapa tỉnh Lào Cai. Tuy tập trung liền khoảnh, nhưng khoảng cách giữa 5 tảng đá có hình khắc không đều nhau, khoảng từ 5-150m.Cả 5 tảng đá không có hình dáng xác định và kích thước không đều nhau.Tảng to nhất có kích thước dài 1,8m, rộng 1,3m, cao 0,9m.Tảng nhỏ có kích thước dài 1,0m, rộng 0,90m, cao 0,70m.
     1.    Miêu tả di tích:
     Tảng thứ nhất: Có kích thước dài 1,8m, rộng 1,3m, cao 0,9m có hình dáng giống chiếc phản, với bề mặt hơi cong khum. Trên bề mặt đá có tất cả hơn 40 hình khắc,một số hình chồng lấn lên nhau. Motifhình khắc gồm: Hình tròn giữa cómột lỗkhoét vũm: 3 hình; hình tròn giữa có hai lỗ vũm khoét: 1 hình; hình vòng tròn xoáy ốc: 1 hình; hình zic zắc: 2 hình; hình khắc vạch song song dạng bậc thang: 2 hình; hình chữ nhật ở giữa có lỗ khoét vũm: 2 hình. Số còn lại là những hình không xác định. Xen giữa các hình có khoảng hơn 20 lỗ vũm khoét tròn cóđường kính từ 3-5cm. Mặc dù, có một số hình khắc chồng lấn nhau, nhưng theo chúng tôi, các hình trên được tạo khắc trong cùng thời gian, có sớm muộn chút ít (hình 1).

 


                                                Hình 1: Tảng đá có hình khắc số 1
     Tảng thứ hai: nằm cách tảng thứ nhất khoảng 2m về phía đông nam, tảng đá có hình kim tự tháp. Motip khắc thể hiện đơn giản, trên bề mặt là những nét khắc hình sin quấn theo chu vi thân tảng đá, thoạt trông giống hình ảnh những con đường mòn đi lên đỉnh núi (hình 2).


                                                    Hình 2: Tảng đá có hình khắc số 2
      Tảng thứ  ba: Nằm cách tảng thứ nhất khoảng hơn 150m về phía đông nam. Các hình khắc trải dài theo chiều nghiêng của tảng đá. Đó là những đường ngấp khúc hình sin, xen kẽ là những hình tròn có lỗ vũm ở giữa, những đường thẳng rời riêng lẻ, những hình không xác.định và rất nhiều lỗ khoét vũm(hình 3).






                                                   Hình 3: Tảng đá có hình khắc số 3
     Tảng thứ tư: Nằm cách tảng thứ nhất khoảng 150m về phía tây bắc. Tảng đá có hình dáng như hòn non bộ to, cao dựng đứng. Các hình khắc được thể hiện từ đỉnh tảng đá xuống thân tảng đá là những đường ngấp khúc, xen kẽ là những khắc vạch ngang song song giống ruộng bậc thang. Trên đỉnh tảng đá là những lỗ vũm được khoét tròn với đường kính trung bình  từ 4-5cm (hình 4).
     Đáng chú ý là ở mặt phía bắc của tảng đá, ngang tầm tay với của người lớn có đục khắc một hình tam giác cân với đỉnh nhọn quay lên trên, hai cạnh bên dài 12cm, cạnh đáy dài 6,5cm (hình 5). Đây có thể là biểu tượng của sinh thực khí nữ giống những hình khắc ở Xín Mần (Hà Giang). 
                                   Hình 4: Tảng đá có hình khắc số 4




                                               Hình 5:Hình khắc tam giác có rãnh ở giữa


 Tảng thứ năm:  Nằm cách tảng thứ nhất khoảng 160m về phía tây bắc, cách tảng đá thứ tư khoảng 15m. Đây là tảng đá có kích thước khá lớn.Có gần40 hình khắc thể hiện trên bề mặt tảng đá. Đó là những hình vòng tròn đồng tâm, vòng tròn đơn có tia,hình chữ nhật, đường khắc vạch song song, đường ngấp khúc hình sin, những vạch thẳng rời riêng lẻ và những lỗ vũm.
                                                                       Hình 6: Tảng đá có hình khắc số 5








2.    Kỹ thuật khắc:

Để tạo những hình khắc này, người xưa đã sử dụng kỹ thuật đục khắc còn rất thô sơ, dùng đục có sự trợ giúp của búa, đục trực tiếp trên bề mặt tảng đá.Các hình khắc được tạo bằng cách đục khắc trên bề mặt tảng đá thành những rãnh sâu hình lòng máng đáy hơi nhọn với chiều rộng từ 1,5-2,2m, sâu từ 1,0-1,5cm. Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ đục khắc này phải có chất liệu là kim loại: sắt. Các hình khắc có thể được phác hoạ trước, đặc biệt là những hình tròn, hình chữ nhật. Khi nghiên cứu kỹ thuật đục khắc trên bãi đá cổ Sapa, tác giả Nguyễn Việt có nhận xét loại đục khắc tạo rãnh có mặt cắt hình chữ U đáy khum lòng máng đặc trưng cho giai đoạn hình khắc sớm nhất ở Sapa (Nguyễn Việt 2007: 26-27). Theo chúng tôi, nhận xét này còn đúng cho những hình khắc cổ trên những bãi đá cổ ở vùng núi Bắc Việt Nam, trong đó có Đồng Văn.

3.    Những họa tiết và đồ án thể hiện

Tất cả có khoảng gần 130 hình khắc, phân bố không đều trên các tảng đá. Motif thể hiện gồm: Những hình tròn đồng tâm có khoét lỗ vũm ở giữa, hình tròn đơn có tia, hình tròn xoắn ốc, hình chữ nhật có lỗ vũm ở giữa, hình sin, hình khắc vạch song song dạng bậc thang. Đáng chú ý hơn cả là hình sinh thực khí nữ giới với hình tam giác khá cân xứng với lỗ đục sâu ở giữa tại tảng đá số 4. Số còn lại là những hình không xác định.Ở đây không có các cảnh săn bắn hay biểu tượnghình người hay các con thú.

Đứng trên vị trí phân bố bãi đá cổ, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn không gian rộng lớn bên dưới, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối uốn lượn, thấp thoáng đây đó những mái nhà ẩn dưới những lùm cây.Trong một không gian bao la như vậy, thì những hình khắc trên đá có tính cổ xưa này đem lại cho ta cảm giác như chúng là một sự họa đồ lại những bức tranh khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Nó có ý nghĩa thực tiễn như việc đánh dấu vị trí các khu rừng, suối, đồi núi, cụm cư trú, hay ruộng nương.

Khi so sánh những hình khắc cổ ở đây với các hình khắc tương tự tìm thấy ở Nậm Dầu, huyện Xín Mần (Hà Giang), ở Lao Chải, Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái), ở Khe Hổ, huyện Bắc Yên (Sơn La) và đặc biệt ở Sapa (Lao Cai) cho thấy có nhiều điểm tương tự về motif, đồ án thể hiện và kỹ thuật tạo khắc. Có thể thấy, những hình khắc trên đá ở Hố Quáng Phìn, Đồng Văn là những tác phẩm tạo hình thực sự của người đời xưa, chứa đựng những họa tiết và đồ án mang tính biểu tượngcao.

4.Về chủ nhân:

Xung quanh những hình khắc cổ trên đá ở Hố Quáng Phìn có tồn tại những truyền thuyết liên quan không?Kết quả khảo sát dân tộc học trong vùng cho thấy câu trả lời là Không. Cư dân hiện tại sống ở khu vực này phần lớn là người Mông, tiếp đến người Nùng và Dao và một số dân tộc khác. Bằng phương pháp phỏng vấn dân tộc học, các cụ lão niên cao tuổi ở địa phương cho biết, đã từ bao đời nay, sự tồn tại của bãi đá cổ với những hình khắc luôn là điều bí ẩn, họ cũng không rõ những tảng đá có hình khắc đó có từ bao giờ. Hiện vẫn chưa tìm thấy mối dây liên hệ giữa đời sống của cư dân ở đây với những hình khắc bí ẩn trên những tảng đá.Như vậy, những tác phẩm trên đá ở đây đã bị chìm sâu vào trong quên lãng của ký ức dân gian vùng và vấn đề chủ nhân đích thực của những hình khắc trên vẫn còn là điều bí ẩn.

Trước mắt chưa thể xác định được tộc thuộc chủ nhân các hình khắc ở Đồng Văn. Song một điều chắc chắn dòng nghệ thuật này là thuộc về một hoặc vài nhóm cư dân thiểu số, sống du canh, du cư, nay đây, mai đó. Theo sử sách cho biết vào thời điểm trước sau Công Nguyên, khu vực phía bắc Đông Dương giáp nam Trung Quốc hiện nay là một phần cương vực cư trú của khối người Bách Việt xưa. Đây là khu vực chứng kiến nhiều biến động xã hội đương thời. Lúc đó do sự thôn tính, bành trướng của các lãnh chúa phong kiến Hán tộc, các tộc người Bách Việt đã tiến hành nhiều cuộc thiên di lớn từ nam Trung Quốc xuống. Họ men theo các thung lũng, triền sông, tiến hành nhiều đợt, toả rộng xuống khu vực phía nam. Đặc biệt, vào khoảng từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ 9 do sức ép của các triều đình lớn ở phía bắc (Đông Hán, Tuỳ, Đường) gây nên những đột biến lớn về quốc gia - tộc người ở vùng nam Trung Quốc, đặc biệt ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu (Tưởng Bính Chiêuchủ biên 2005). Nhiều đợt di dân xuôi theo các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Mê Kông...đã tạo ra một diện mạo dân cư mới ở bắc Đông Dương và Đông Nam Á cổ đại (Nguyễn Duy Thiệu 1997). Những tộc di dân phần lớn đã từng có thể chế xã hội thủ lĩnh đỉnh cao với nền tảng kinh tế chính là trồng lúa nước. Họ đã nắm vững các kỹ thuật luyện kim rèn sắt, kỹ thuật thuỷ lợi, chăn nuôi, trồng trọt… Rất có thể là một nhóm tộc người nào đó trong khối Bách Việt đã tiến xuống cư trú vùng thung lũng Hố Quáng Phìn và là chủ nhân của những hình khắc trên đá.

Mặc dù chưa xác định được chính xác tộc thuộc chủ nhân các hình khắc, nhưng sự có mặt của biểu tượng sinh thực khí nữ cho chúng ta biết có nhiều khả năng xã hội của chủ nhân các hình khắc vẽ đang trong chế độ mẫu hệ được coi trọng với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa, làm vườn trên sườn dốc thung lũng.

5. Về niên đại    

Việc xác định niên đại cho bãi đá có hình khắc cổ ở Hố Quáng Phìn, Đồng Văn cũng gặp nhiều khó khăn.Qua so sánh về phong cách nghệ thuật, về motif thể hiện và kỹ thuật tạo tác với các bãi đá có hình khắc cổ ở khu vực miền núi phía Bắc như bãi đá cổ Sapa (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang), M Căng Chải (Yên Bái), Khe Hổ (Sơn La), bước đầu chúng tôi cho rằng bãi đá cổ Hố Quáng Phìn- Đồng Văn có niên đại khoảng trên 1000 năm cách ngày nay.

II. Bãi đá cổ Đồng Văn trong mối liên hệ với bãi đá cổ Sapa.

Đến nay, trong các di tích bãi đá có hình khắc cổở Việt Nam, việc nghiên cứu những hình khắc cổở Sapa đãđạt được nhiều thành tựu nhất về nhiều phương diện. Bãi đá cổ Sapa đã trở thành hệ quy chiếu khi nghiên cứu những bãi đá có hình khắc ở những địa phương khác, đặc biệt những tỉnh miền núi phía Bắc.

Tại bãi đá cổ Sapa đến nay đã phát hiện gần 240 tảng đá có hình khắc cổ phân bố trên 3 xã Hầu Thào, Tả Van, Tả Phìn (Sở VHTTDL Lào Cai, Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội 2012).  Đây là khối tư liệu đồ sộ, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu khá đầy đủ về nội dung các hình khắc cũng như xã hội và chủ nhân của chúng.

Khi nghiên cứu đối sánh một số nội dung hình khắc ở bãi đá cổ Đồng Văn với bãi đá cổ Sapa, chúng tôi dựa vào kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Việt khi ông nghiên cứu những họa tiết cơ bản và đồ án cơ bản các hình khắc ở Đồng Văn (Nguyễn Việt 2007: 27). Chúng tôi lập bảng so sánh như sau:




Địa điểm
Họa tiết
Đề án


Bãi đá cổ Sapa
(Nguyễn Việt 2007:27)

Bãi đá cổ Đồng Văn


Họa tiết
Họa tiết rãnh song song (90% số đá đơn lẻ có hình khắc)
 Có (10%)
Họa tiết ô vuông đục lõm và đường ô vuông (30%).
Họa tiết hình chữ nhật (20%).
Họa tiết đường dài rộng bản (12%).
Có (30%)
Họa tiết đường tròn đơn hoặc tròn xoắn ốc (3%).
Có (10%)






Đồ án
Đồ án mang tính sơ đồ (90%).
Có (30%)
Đồ án hình người (3%).
Không có
Đồ án sinh dục nữ (tam giác và bầu dục) (4%).
Có (0,76%)
 Đồ án mặt trời hoặc mặt cối xay (2%).
Không có
Đồ án máy bay quân sự (2%).
Không có
Đồ án xe quân sự (2%).
Không có
Đồ án hình nhà (2%).
Không có
Đồ án ký tự chữ viết (2%).
Không có
Đồ án động, thực vật (?)”.
Không có



Qua kết quả so sánh cho thấy họa tiết các hình khắc ở Đồng Văn có nhiều điểm tương tự cũng như khác biệt với những hình khắc ở Sapa. Điểm tương tự biểu hiện ở các họa tiết cơ bản như: Họa tiết rãnh song song, họa tiết đường dài rộng bản, họa tiết đường tròn đơn hoặc tròn xoắn ốc đều có mặt ở hai bãi đá cổ. Điểm khác nhau chính là tỷ lệ các họa tiết giữa hai bãi đá cổ Đồng Văn và Sapa.Ví như họa tiết rãnh song song gợi hình ảnh ruộng bậc thang ở Sapa có tỷ lệ rất lớn:90%, Đồng Văn là 10%, trong khi họa tiết đường dài rộng bản và đường tròn đơn hoặc xoắn ốc ở Đông Văn cao hơn ở Sapa v.v…Ở Đồng Văn không có họa tiết ô vuông đục lõm và đường ô vuông mà thay vào đó là họa tiết hình chữ nhật.

Một số đồ án cơ bản như: Đồ án mang tính sơ đồ, đồ án sinh dục nữ ở hai nơi đều có nhưng ở Đồng Văn có tỷ lệ thấp hơn nhiều rất nhiều so với Sapa. Ở Đồng Văn hoàn toàn vắng mặt các đồ án hình người, máy bay quân sự, xe quân sự, hình nhà, ký tự chữ viết, động thực vật. Hãy tạm gác một bên những hình khắc mang yếu tố tượng hình thời hiện đại như máy bay, ô tô, xe tăng, tầu thủy, anh bộ đội, nhà cao tầngv.v.., thì những đồ án hình khắc trên đá Sapa vẫn giầu biểu tượng hơn ở Đồng Văn.

Nếu chúng ta mỗi khi có dịp nghé thăm di tích bãi đá cổ Sapa đều có ấn tượng mạnh mẽ về sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật tạo hình trên đá, chắc hẳn sẽ có cảm xúc khác, nhẹ nhàng hơn khi đến thăm bãi đá cổ Đồng Văn bởi tính đơn sơ, thuần phác của những hình khắc nơi đây.

Trong những nghiên cứu trước đây về các bãi đá cổ Nậm Dầu, huyện Xín Mần (Hà Giang), ở Lao Chải, Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái), ở Khe Hổ, huyện Bắc Yên (Sơn La), các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy có hiện tượng tương tự bãi đá cổ Đồng Văn khi so sánh với bãi đá cổ Sapa (Trình Năng Chung 2006, 2007, 2017,Bùi Văn Mạnh, Phạm Văn Tuân 2013). Điều này cho thấy nghệ thuật khắc đá ở những di tích nói trên có mối dây liên hệ chặt chẽ với bãi đá cổ Sapa và có chung một truyền thống. Đồng thời cũng phản ánh tính phức tạp và đa dạng ở mức phát triển cao hơn của bãi đá cổ Sapa so với các bãi đá cổ khác.Mặt khác, nó cũng biểu hiện tính cổ sơ mang tính niên đại của những di tích này so với di tích Sapa.Niên đại của các di tích đá cổ Sapa cho thấy lớp cư dân sớm nhất có niên đại cổ hơn 890 năm cách ngày nay (Nguyễn Việt 2007: 24).Niên đại của các di tích Xín Mần, Đồng Văn (Hà Giang), Mù Căng Chải (Yên Bái), Bắc Yên (Sơn La) có thể sớm hơn Sapa một chút.

Tại vùng thung lũng Nậm Dầu, Xín Mần (Hà Giang) mới chỉ phát hiện được 6 tảng đá có hình khắc.Ở Đồng Văn phát hiện được 5 tảng đá có hình khắc.Tại Mù Căng Chải (Yên Bái) có khoảng hơn 10 hiện tượng tương tự.Ở địa điểm Khe Hổ (Sơn La) phát hiện 9 tảng đá có hình khắc.Chủ nhân của chúng có thể là những nhóm người sống phân tán trên những rẻo vùng cao phía Bắc có mối quan hệ tộc thuộc với cộng đồng cư dân-chủ nhân của bãi đá có hình khắc cổ Sapa.Về cấu trúc xã hội của nhữngnhóm cư dân này vẫn là dấu hỏi chưa có lời giải.

Với số lượng rất lớn và mật độ tập trung cao những di tích có hình khắc trên đá, thung lũng Mường Hoa ở Sapa được xem như một trung tâm kinh tế, xã hội, văn hóalớn của những chủ nhân sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tạo hình trên đá và di tích cự thạch. Trong cộng đồng cư dân sinh sống ở thung lũng Mường Hoathủa ấy chắc hẳn đã có tổ chức xã hội ở trình độ cao, với nền kinh tế chính là trồng lúa trên những ruộng bậc thang và vùng trũng thung lũng. Hiện tượng hơn 90% hình khắc đá ở Sappa mang biểu tượng đồ họa ruộng bậc thang, phân bố trên một khu vực rất rộng.Những hình khắc này phản ánhmột nhu cầu biểu đạt có tính xã hội và tính thực tiễn cao, mang nặng tính quy ước nào đó về mốc giới ruộng, nương, nhà ở.Điều nàyphải chăng phản ánh về một xã hội phân quyền mà quyền sở hữu ruộng đất thuộc về nhiều chủ nhân, những người có công khai phá thung lũng Mường Hoa mầu mỡ?

Có một câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Những hậu duệ của chủ nhân những hình khắc trên đá ở Sapa, Xín Mần, Đồng Văn, Mù Căng Chảiv.v..có nối tiếp truyền thống khắc tạo hình trên đá của những bậc tiền nhân? Hiện chúng ta còn thiếu rất nhiều, rất nhiều tư liệu để làm sáng tỏ vấn đề này. Tất cả trông chờ vào nỗ lực khám phá và nghiên cứu của các nhà khoa học trong tương lai.

Kết luận:

Những kết quả nghiên cứu bước đầu về bãi đá có hình khắc cổ ở  ĐồngVăncho thấy di tích này có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa. Những motif và những đồ án biểu tượng, cũng như kỹ thuật chạm khắc ở Đồng Văn có chung truyền thống nghệ thuật tạo hình trên đá ở Sapa. Điều nàygóp phần tìm hiểu nghệ thuật tạo hình thời xa xưa ông cha ta.

Từ những hình chạm khắc trên bãi đá cổ ở Đồng Văn, Xín Mần, Mù Căng Chải, Bắc Yên và đỉnh cao là bãi đá cổ Sapa, những bậc tiền nhân đã gửi cho chúng ta nhiều thông điệp, trong đó còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều cơ quan chức năng, nhiều nhà nghiên cứu dành nhiều công sức, trí lực trong việc khám phá và nghiên cứu truyền thống nghệ thuật tạo hình trên đá ở Sapa- Xín Mần- Đồng Văn v.v…



Tài liệu dẫn và tham khảo

Bùi Văn Mạnh, Phạm Văn Tuân 2013.Bãi đá có hình khắc cổ tại Sơn La. Trong Những phát hiện khảo cổ học mới năm 2012. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 129-131.

Nguyễn Duy Thiệu chủ biên. 1997: Các dân tộc ở Đông Nam Á. N x/b Khoa học xã hội .1997.

Nguyễn Việt 2006: Niên đại và Chủ nhân những hình khắc trên đá ở Sapa. Trong Sách “Bãi đá cổ Sapa dưới con mắt tạo hình”. Nxb Thế giới, tr.19-27.

Goloubew. V. 1926: Roches gravees dans la region de Chapa(Tonkin). Bulletin I’Ecole francaise d’Extreme-Orient. Hanoi-Paris. Vol XXV.p 423-433.

Sở VH-TT-DL Lào Cai, Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội 2012. Bãi đá có hình khắc cổ huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Nxb Thế giới. Hà Nội.

Trình Năng Chung 2006.Những hình khắc trên đá ở Hà Giang.Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật.số 3, tr. 33-37.

Trình Năng Chung 2007.Những hình khắc cổ trên đá ở Xín Mần, Hà Giang.

Tạp chí Khảo cổ học, số 5, tr 76-84.

Trình Năng Chung và nnk 2017.Những hình khắc trên đá ở Đồng Văn (Hà Giang) và Mù Căng Chải (Yên Bái). Trong “Những phát hiện khảo cổ học mới năm 2016. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 84-86.

Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Viện Mỹ thuật 2007.Bãi đá cổ Sapa dưới con mắt tạo hình. Nxb Thế giới. Hà Nội

Tưởng Bính Chiêu chủ biên 2005.Nghiên cứu văn hoá dân tộc Bách Việt.

Nxb Đại học Hạ Môn.炳钊 (主编)  2005. 百越文化研究. 夏门大学出版社.







GIÁ TRỊ DI SẢN BÃI ĐÁ CỔ SA PA HIỆN NAY



Ths. Lưu Ngọc Thành 

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội



1.    Vài nét về di sản bãi đá cổ Sa Pa

Có thể nói, nằm lọt trong thung lũng Mường Hoa, bao bọc là những núi cao trên dưới 2.000m, bãi đá cổ lớn gợi sự chú ý với nhiều bản khắc phong phú. Có hình vạch tròn khá giống Mặt trời, hình nam nữ giao phối, hay những vạch kẻ song song...Hai bãi đá cổ nằm trên địa phận xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van, quanh con suối Mường Hoa (suối Hoa) trong thung lũng Mường Hoa, cách thị trấn Sapa 7km theo hướng Đông Nam.

Tại Hầu Thào, các viên đá tập trung thành hai bãi lớn: 

- Bãi một nằm cạnh bản Pho - một bản của người H‘Mông trên sườn núi sát đường cái - kéo dài xuống gần lòng suối. Số lượng đá có chạm khắc ở đâu không nhiều, nhưng đều là những khối đá lớn, có khối dài tới 13m. Các bản chạm khắc có quy mô mật độ dày, cấu trúc hình khắc phức tạp [1, tr.15].

- Bãi hai nằm giáp ranh biên giới xã Hầu Thào và Lao Chải, trên con đường mòn từ đường cái qua các thửa ruộng bậc thang lên bản Hầu Chư Ngài, bản H‘Mông trên đỉnh núi còn gọi là đường lên Hang đá. Đây là một bãi đá rộng trên 100 hòn đá có nhiều hình chạm khắc thuộc nhiều loại, có những hình độc bản (chỉ xuất hiện trên một viên duy nhất [1, tr.16].

Ở các vùng ngoại vi như khu vực dưới chân Cầu Mây nổi tiếng của xã Tả Van, hay sang địa phận xã Tả Van và Sử Pán rải rác có một vài hòn đá đơn lẻ, chạm khắc với hoa văn không khác biệt nhiều so với hai bãi kể trên.

Nhìn tổng thể, các hình chạm khắc có thể quy về vài nhóm chính: Hình tròn khắc vạch tương đối giống cấu trúc hoa văn thời kỳ văn hóa Hoa Lộc có thể dùng để tượng trưng cho Mặt trời, hình nam nữ giao phối, nhấn mạnh vào các bộ phận sinh dục, các đường vạch song song tựa như những quẻ Kinh Dịch, ngắn hoặc có thể kéo dài ôm lấy viên đá dường như thể hiện những cánh đồng, hoặc thửa ruộng bậc thang, các hình vuông, chữ nhật đục chìm là nhà cửa hoặc tượng trưng cho khu dân cư sinh sống... Đại bộ phận đều mang đậm dấu ấn của tư duy tạo hình giản đơn và khúc triết, xuất phát từ những con người nguyên sơ đời sống gắn bó sâu sắc với tự nhiên.

Theo một số tài liệu lịch sử và dân tộc học, lịch sử hình thành dân cư vùng thung lũng Mường Hoa có hai giai đoạn. 

Giai đoạn sớm cách nay chừng 900 năm, nơi đây từng là khu vực sinh sống của một xã hội Tày cổ, có tổ chức và thiết kế hoàn chỉnh, phát triển đời sống vật chất và tinh thần tới trình độ cao. Sau đó không rõ lý do nào đã xảy ra một cuộc di cư lớn, toàn bộ cộng đồng này chuyển đi, bỏ lại thung lũng hoang vắng. Hiện ở Sapa vẫn có một vài nhóm nhỏ người Tày sinh sống tại những vùng đất phẳng phía Nam thuộc các xã Bản Hồ, Thanh Phú, Nậm Sài.

Giai đoạn muộn chính là sự hình thành của lớp dân cư hiện đại, mà những cư dân sớm nhất là người H‘Mông, đến đây lập nghiệp chừng 300 năm trước [1, tr.9]. Vậy xảy ra hai giả thuyết về nguồn gốc hình thành bãi đá, một thuộc về nhóm cư dân hiện đại đa sắc tộc và sống rải rác; một thuộc về nhóm cư dân cổ mà những hiểu biết về họ còn nhiều mơ hồ, song dường như đây là một cộng đồng lớn, có tổ chức xã hội và từng đạt đến một trình độ văn minh nhất định.

Có thể nói, giá trị nổi bật nhất là giá trị đa dạng văn hoá của các cư dân cổ đã từng sinh sống ở đây. Qua nhiều năm nghiên cứu, dù chưa giải mã được về niên đại, chủ nhân của bãi đá, nhưng các nhà khoa học đều công nhận về giá trị mỹ thuật và văn hoá của nó. Có người cho rằng văn hoá ở đây có từ thời kỳ tiền Đông Sơn, có người cho rằng thời kỳ Đông Sơn. Tuy nhiên, tất cả các cư dân đã từng đến đây đều để lại dấu vết trên bãi đá, như là những chứng tích rõ ràng nhất.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra những nhận định chính xác về nguồn gốc hình thành và chủ nhân địch thực của bãi đá này.

2. Thực trạng quản lý khu di sản bãi đá cổ Sa Pa

Hiện nay, bãi đá cổ Sa Pa với 211 phiến đá lớn nhỏ ghi dấu những hoa văn, ký tự, hình chạm khắc khác nhau như: hình người, hình ruộng bậc thang, nhà sàn, dấu vết chữ viết… Những phiến đá cổ có khắc hình chạm khắc nằm rải rác trên diện tích 4 km vuông, hàng trăm năm qua dãi dầu cùng mưa nắng. Có phiến đá nằm ngay gần đường đi, có phiến đá nằm sâu trong rừng. Du khách đến thăm bãi đá này thoải mái trèo lên ngồi, nằm, rồi dùng dao hoặc đinh khắc lên đó nhiều hình khắc, phá hoại một cách nghiêm trọng di tích. Người dân địa phương trèo lên các phiến đá này để phơi phóng, bổ củi. Do ảnh hưởng của thời gian và tác động của con người đã làm cho những vết chạm khắc trên các phiến đá mờ dần, rất khó xác định niên đại.

2.1. Những khó khăn trong công tác quản lý di sản bãi đá cổ Sa Pa

Trong thực tế, bãi đá cổ Sa Pa là điểm đến tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân tới vùng đất Lào Cai. Một số chuyên gia chữ viết từng nhận định rằng, tổng thể bãi đá cổ này là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự đồ họa cổ. Bên cạnh đó, cũng có những nhà nghiên cứu cho rằng, các hình vẽ này thuộc nhiều thời đại khác nhau. Ở đây, người ta nhận thấy có rất nhiều nét tương đồng với văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách đây 2.300 - 3.000 năm [2, tr.15].

Trong thời gian qua, thông tin có người cố tình hay vô ý tẩy xóa những hoa văn, ký tự trên một số phiến đá cổ rộ lên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tẩy xóa này chỉ xảy ra trên một số phiến đá nằm gần nhà trưng bày các bản dập của khu chạm khắc đá cổ Sa Pa. Theo đại diệnBan Quản lý di tích huyện Sa Pa cho biết: “Việc tẩy xóa trên các phiến đá cổ là hoàn toàn không đúng. Phiến đá được phản ánh bị tẩy xóa chỉ là vết sơn của người dân địa phương chơi Tết năm 2017 để lại, khi ban bảo vệ di tích phát hiện đã lấy khăn ướt lau nhằm làm sạch. Do nhiều năm phơi sương, phơi nắng, những phiến đá này không còn được như nguyên thủy nên xảy ra hiện tượng ở vị trí được làm sạch có đổi màu so với những phần khác của phiến đá. Thực tế, phiến đá này nằm ở vị trí mà ban bảo vệ di tích có thể quan sát nên sẽ không có ai cố tình tẩy xóa được” (Tư liệu phỏng vấn ngày 25 tháng 7 năm 2018). Cũng theo đại diện của Ban quản lý cho biết thêm, vị trí phiến đá được ban bảo vệ làm sạch vết sơn trước đây không hề có hoa văn hay ký tự nào, một số nét nguệch ngoạc như hiện nay là do du khách hoặc người dân viết lên. Minh chứng là trong bản dập mà các nhà nghiên cứu thực hiện năm 2005, vị trí này không hề được ghi lại. Phiến đá còn có vết bùn đất do trẻ con nghịch ném lên, lâu ngày bong ra làm đổi màu.

Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, ngay sau khi có thông tin phản ánh về việc tẩy xóa trên đá cổ, sở đã cho người đến kiểm tra. Hiện nay, sở có những đề án nhằm bảo tồn di tích cấp quốc gia này. Rất nhiều lần, Sở đã kiên quyết giữ bằng được bãi đá cổ khi nhiều công ty muốn vào khai thác nguồn lợi từ thủy điện.

Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Bãi đá cổ Sa Pa là một tài sản lịch sử lâu đời. Các chuyên gia Pháp và Viện Khảo cổ Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ nhưng đây vẫn là một bí mật chưa thể khám phá. Từ đó, việc bảo vệ nguyên trạng bãi đá cổ này là cần thiết và phải làm nghiêm túc. Để việc tổ chức bảo tồn được hiệu quả, Bộ VH,TT&DL cần phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lào Cai thực hiện các phương án cụ thể” (Tư liệu phỏng vấn ngày 25 tháng 10 năm 2018). Cũng theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Hiện nay, tình trạng vẽ, viết bậy diễn ra ở nhiều di tích trên cả nước. Lâu nay, các cơ quan, ban ngành đã vào cuộc nhưng tình trạng xuống cấp của nhiều di tích, trong đó có bãi đá cổ Sa Pa, vẫn xảy ra, việc bảo tồn rất khó vì thiếu nhân lực cũng như vật lực. Tuy nhiên, các ban ngành liên quan vẫn phải kết hợp chặt chẽ để tìm ra cách bảo tồn, không thể để các di sản bị hao tổn theo thời gian” (Tư liệu phỏng vấn ngày 11 tháng 12 năm 2018).

Trên thực tế, do địa bàn quá rộng với hơn 200 phiến đá trải rộng trong03 xã nên việc thực hiện các hoạt động quản lý của Ban Quản lý di tích gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, trình độ quản lý, trang thiết bị, ý thức của người dân và sự tác động của thiên nhiên… đến khu di sản đặc thù này.

2.2. Các hoạt động cụ thể được thực hiện tại khu di sản bãi đá cổ Sa Pa

Đầu năm 2005, UBND tỉnh Lào Cai đã có công văn gửi Bộ Văn hoá -Thông tin (Nay là Bộ VH,TT&DL) đề nghị thỏa thuận Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa. Trước thực trạng này, sau khi được tỉnh Lào Cai chấp nhận, tháng 7 năm 2005, Công ty Tu bổ Di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương đã hoàn thiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu chạm khắc bãi đá cổ Sa Pa”.Những tưởng, với bộ hồ sơ dự án dày hàng trăm trang bao gồm các giải pháp gìn giữ, phát huy giá trị di tích sẽ làm cho khu bãi đá cổ trở nên an toàn hơn trước mối đe dọa thường nhật.





H.1: Chi tiết mặt bằng một “viên đá độc lập” theo thiết kế của dự án

[Nguồn: Trích từ tự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu chạm khắc bãi đá cổ Sa Pa”]



Trong phần thuyết minh của mình. Dự án cho biết, đối với từng hòn đá, giải pháp bảo tồn, tôn tạo là: “trước tiên đào thám sát quanh hòn đá, hạ cốt đất, bộc lộ toàn bộ phần bề mặt hòn đá có hình chạm khắc, sau đó làm nền, đổ bê tông mác 100, dày 70 lưới thép đường kính 4mm một dải rộng 800 bao quanh toàn bộ hòn đá, trên bề mặt quét màu giả đất”. Sau khi làm “hạ tầng cơ sở” giả cho từng hòn đá, dự án còn đề nghị “mỗi hòn đá đều được phủ quét dung dịch silicat (hoá chất kiến nghị sử dụng là dung dịch Penetrat seler của hãng Aquamix-USA, là loại hoá chất đã được sử dụng bảo quản các tượng đá ngoài trời ở Italia) để hạn chế sự phong hoá, bào mòn của tự nhiên”.

Tuy nhiên, các giải pháp có nguy cơ làm “bê tông hoá” di tích bãi đá cổ Sapa, bởi khu bãi đá cổ nơi đây từ lâu được giới chuyên môn xem như một bảo tàng ngoài trời mà hiện vật quan trọng nhất của nó chính là những hòn đá lưu giữ các hình chạm khắc cổ của người thời xưa. Vì vậy, giải pháp bảo tồn cũng phải đặc biệt lưu ý đến giá trị này để không chỉ gìn giữ được nét chạm khắc cổ mà còn bảo tồn được giá trị tự nhiên hàng nghìn năm nay của di tích.

Nếu chúng ta tiến hành đào xung quanh, hạ cốt đất rồi đổ bê tông giả đất thì chẳng khác nào biến nó thành “hiện vật” trong bảo tàng. Nguy hiểm hơn tự phá bỏ đi yếu tố tạo dáng tự nhiên của các hòn đá cổ.Hơn 200 hòn đá cổ ở đây đều bị “biến dạng” và mất đi nét đẹp của tạo hoá nữa. Thêm vào đó, công tác đào thám sát không phải của các nhà trùng tu mà thuộc chuyên môn của các nhà khảo cổ.

Bên cạnh việc bảo tồn, tôn tạo các hòn đá cổ, dự án còn đưa ra hướng xây dựng khác nữa mà khi nhìn vào từng hạng mục thì thấy có thêm một công viên trong không gian văn hoá cổ nơi đây.Dự án đề xuất dựng các ngôi nhà truyền thống của nhiều dân tộc như: H’mông, Dao, Giáy trong khuôn viên bãi đá cổ. Trong mỗi một nhà truyền thống như vậy, phía Dự án còn đề nghị bổ sung các hiện vật sinh hoạt thường nhật và kể cả những giá trị văn hoá dân gian.Sở dĩ phải làm như vậy vì các tác giả cho rằng, khách tham quan sau khi thăm các hòn đá cổ thì còn vào những ngôi nhà này để được hiểu sâu hơn giá trị kiến trúc của ngôi nhà của nhiều dân tộc bản địa. Khu di tích bãi đá cổ nằm trên địa hình không được bằng phẳng, bao xung quanh là không gian, cảnh quan rất hữu tình. Chính sự kết hợp của cả hai giá trị khoa học và thiên nhiên ấy mới tạo nên sự đặc thù của di tích.

Một vấn đề khác nữa nằm trong “công viên” này là sẽ có một số nhà dịch vụ được dựng lên trong những khoảng trống của di tích làm chỗ dừng chân và phục vụ du khách. Trong khuôn viên di tích rộng hàng chục ha thì làm những ghế đá để khách dừng chân nghỉ ngơi.

Trong những năm 2005 - 2008, tiến sĩ Phillipe Le Failler (Viện Viễn đông Bác cổ) đã tiến hành chương trình bảo tồn khu bãi đá cổ Sa Pa bằng cách thống kê, định vị, chụp lại hình ảnh và đưa tất cả những thông số này vào máy vi tính để nghiên cứu. Để sao chụp được những hình khắc trên đá lên giấy bản một cách chính xác, ông và các cộng sự đã sử dụng phương pháp rập bia của người Việt cổ là dùng chuối làm chất kết dính để in vào giấy dó. Nhóm của Tiến sĩ Phillipe Le Failler đã lập bản đồ và rập được 240 phiến đá ở xã Hầu Thào, lập thành gần 3.000 bản dập (gần 1.500 mét vuông) và trên 3.000 bức ảnh. Nhóm làm việc đã phải treo lơ lửng trên khoảng giữa độ cao 975 mét và 125 mét, có khi cao hơn 1.250 mét. Với mỗi phiến đá, phải gạt bỏ hết phần đất cát phủ lấp trên phiến đá mới làm được.

Cuối năm 2008, Viện Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với Sở Văn hoá và Thông tin tỉnh Lào Cai và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tổ chức chương trình giới thiệu về Bãi đá cổ Sa Pa có chủ đề “Bãi đá cổ Sa Pa dưới con mắt tạo hình”. Tại Trường Mỹ thuật Việt Nam trưng bày các bản rập khác nhau và hình ảnh các góc độ khác nhau về hình khắc và bãi đá mà các đơn vị đã in rập được từ năm 2003 nhân kỷ niệm 100 năm Sa Pa. Hơn 150 bản rập khác nhau, nhỏ nhất 0,25 mét vuông, lớn nhất lên tới 20 mét vuông, với các hình khắc hiện lên trên bề mặt, như những tác phẩm nghệ thuật với đầy đủ ý niệm tư duy tạo hình.Theo tác giả Tiến sĩ Trương Quốc Bình cho biết, để chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận khi bãi đá cổ là di sản thế giới, cần phải có sự quan tâm, hợp tác giữa các cơ quan Trung ương và tỉnh Lào Cai có các biện pháp bảo vệ di sản này. Tỉnh Lào Cai phải xác định được khu vực bảo vệ của di sản (khu vực nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu nào là vùng đệm) để có qui chế trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác. Không nên để xảy ra tình trạng ngành văn hoá thì cứ bảo vệ, còn ngành du lịch thì cứ đưa khách đến, ngồi, nằm vô tư lên bãi đá, thậm chí vạch lên bãi đá nhiều hình thù khác làm tổn hại đến di tích. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Lào Cai cũng cần phát huy tính chủ động của người dân địa phương trong việc bảo vệ di sản này.

3. Vấn đề bàn luận trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của khu di sản bãi đá cổ Sa Pa hiện nay

Từ những vấn đề nêu ra trên đây về giá trị và thực trạng quản lý tại khu di sản văn hóa tư liệu ký ức đặc sắc này, tác giả bài viết nêu ra một số vấn đề có tính chất trao đổi với mục đích góp phần bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa giá trị của di sản này tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai hiện nay, cụ thể như sau:

3.1. Đối với quản lý nhà nước tại huyện Sa Pa, cụ thể là Ban Quản lý di tích cấp huyện

Một là, Cần nghiên cứu, vận dụng các văn bản về quản lý di sản văn hóa của nhà nước và các công ước quốc tế, từ đó, ban hành và tổ chức thực thi, tuyên truyền sâu rộng thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp tới cộng đồng cư dân đang sinh sống tại trong và cạnh khu di sản đặc biệt này. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần tuyên truyền các quy định đến với khách du lịch trong nước và quốc tế để họ hiểu và tôn trọng di sản ký ức đặc thù này.

Hai là, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ hiện đang công tác tại Ban Quản lý di tích, trên thực tế, đội ngũ cán bộ này đều tốt nghiệp hệ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp từ các chuyên ngành khác nhau, không có cán bộ, nhân viên nào tốt nghiệp từ ngành Di sản văn hóa và đến nay họ cũng chưa được đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn về di sản văn hóa tại một cơ sở giáo dục cụ thể như: Đại học Văn hóa Hà Nội… Do vậy, vấn đề bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin của ngành di sản văn hóa là điều hết thức cần thiết hiện nay.

Ba là, cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch dài hạn từ 5 đến 10 năm, trung hạn từ 3 đến 5 năm và ngắn hạn từ 1 đến 2 năm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của khu di sản này. Bởi trên thực tế, việc xây dựng kế hoạch sẽ góp phần định hướng tốt cho nhiệm vụ triển khai của cơ quan quản lý di sản nơi đây. Có thể dẫn ra trường hợp như kế hoạch dài hạn 10 năm là đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ban Quản lý; kế hoạch trung hạn là cử một số cán bộ, nhân viên theo học lớp hệ vừa học vừa làm trong 4 năm; kế hoạch ngắn hạn là liên kết, tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ di sản văn hóa và quản lý di sản văn hóa…

Bốn là, liên kết và chia sẻ quyền lợi với cộng đồng vềkinh tế, cụ thể ở đây là nguồn kinh phí thu được từ các nguồn dịch vụ và phí thu vé vào tham quan khu di sản văn hóa. Khi cộng đồng có được quyền lợi kinh tế thì họ sẽ tích cực hơn trong việc bảo vệ và gìn giữ di sản được tốt hơn. Song bên cạnh quyền lợi được hưởng thì cơ quan quản lý di sản cũng cần gắn trách nhiệm của cộng đồng với di sản như: Cử đại diện tham gia vào đội bảo vệ an ninh, soát vé và phục vụ trong khu di sản…

Năm là, đa dạng hóa các chương trình và nội dung quảng bá trên nhiều phương diện khác nhau như: 1. Quảng bá bằng hình thức trực tiếp gồm in ấn sách chuyên khảo, sổ tay du lịch, tờ rơi, tờ gấp, catalog…; 2. Quảng bá bằng hình thức gián tiếp như: Xây dựng trang website với tên miền “BaidacoSaPa.org.vn” để khách du lịch có thể truy cập và tìm đọc thông tin trước khi đến với khu di sản. Trang website này cần chia thành các nội dung như: 1/Giới thiệu chung; 2/Cơ cấu tổ chức nhân sự, chức năng, nhiệm vụ; 3/Các hoạt động diễn ra tại khu di sản; 4/Các kết quả nghiên cứu được công bố; 5/Hình ảnh về khu di sản; 6/Liên hệ… Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các trang mạng xã hội như: facebook, zalo để quảng bá thông tin và hình ảnh về di sản văn hóa. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt công việc quảng bá gián tiếp này, thì cơ quan quản lý cần giao nhiệm vụ cho một nhân viên chuyên trách để thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh về di sản. Có như vậy thì việc quảng bá di sản bãi đá cổ Sa Pa mới có thể mang lại hiệu quả cao.

3.2. Đối với tự quản cộng đồng

Một là, Đề cao vai trò của cộng đồng cư dân sinh sống trong và cạnh khu di sản bãi đá cổ Sa Pa. Họ chính là chủ thể địa phương, sinh sống tại khu di sản, do vậy họ hiểu rõ về di sản bãi đá cổ này.

Hai là, Tổ chức giáo dục cộng đồng về di sản văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh đến các hoạt động được làm và không được làm của cộng đồng ứng xử với di sản văn hóa tại địa phương. Hướng dẫn cộng đồng trong việc tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch khi khách tham quan có nhu cầu.

Ba là, Gắn trách nhiệm của cộng đồng với di sản văn hóa đặc thù này trong việc giữ gìn, bảo vệ, tuyên truyền về hình ảnh, giá trị của di sản văn hóa địa phương như: Tham gia cùng Ban Quản lý di tích thực hiện các hoạt động bảo tồn di tích; tham gia đón tiếp khách tham quan; làm hoạt động du lịch cộng đồng theo quy định của nhà nước đặt ra (Có thể tham khảo kinh nghiệm gắn vai trò của người dân với di sản văn hóa tại khu thắng cảnh thác Bản Giốc, tỉnh Cao Băng).

Bốn là, Huy động các nguồn lực từ phía các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa bàn các xã có di sản bãi đá cổ. Trong đó, tranh thủ nguồn lực tài chính vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá tri di sản ký ức này.

Kết luận: Bảo vệ và phát huy giá trị khu di sản văn hóa ký ức bãi đá cổ Sa Pa là việc làm cần thiết hiện nay, bởi trên thực tế đây là khu di sản có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ - mỹ thuật. Những giá trị ẩn chứa trong các ký tự khắc vạch trên các phiến đá đến nay đã được nhiều nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác giải mã, song kết quả chưa thỏa đáng. Dưới góc độ quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng đã chung tay cung bảo vệ và khai thác giá trị của di sản đặc thù này. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý tại khu di sản vẫn còn bộc lộ những tồn tại cần khắc phục. Từ đó, tác giả bài viết đã nêu và bàn luận các vấn đề có tính chất trao đổi với mục đích góp phần bảo vệ và phát huy tốt hơn giá trị của di sản bãi đá cổ Sa Pa, đặc biệt là gắn với việc khai thác hoạt động du lịch tại địa phương.

Tài liệu tham khảo

1. Sở Văn hóa và Thông tin - Công ty Tu bổ Di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương(2005), Dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu chạm khắc bãi đá cổ Sa Pa”, Hà Giang.

2. Nguyễn Thành (2005), Bãi đá cổ Sa Pa có nguy cơ bị biến dạng, báo Tiền Phong đăng ngày 08 tháng 12 năm 2005.

3. UBND tỉnh Lào Cai (1998), Quyết định số 322/1998/QĐ-UBND về việc thu phí tham quan du lịch bãi đá cổ và khu thác bạc - Sa Pa, Lào Cai.














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét