Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

VÀI NÉT VỀ TÁC PHẨM SỬ HỌC DƯƠNG SỰ THỦY MẠT



TRƯƠNG SỸ TÂM

(Đại học Văn Hóa Hà Nội)

Dương sự thủy mạt 洋事始末 tạm dịch: Đầu đuôi việc Tây dương [đánh chiếm Đại Nam]) là một tác phẩm sử học viết bằng chữ Hán, rất đáng chú ý trong kho tàng thư tịch Việt Nam. Sách được biên soạn theo thể kỷ mạt 始末 một trong những thể tài cơ bản trong việc biên soạn sử học có kết cấu giống như Thông giám kỷ sự bản mạt 通鑒紀事本của Viên Khu 袁樞 (1130-1205) đời Tống. Tác giả đã trích sao, cải biên những ghi chép lịch sử dài 1362  năm, trong  bộ lịch sử đồ sộ Tư trị thông giám 資治通鑒 của nhà sử học Tư Mã Quang 司馬光  khuôn vào các đề mục, phân theo loại từ thành 239 chuyên đề. Mỗi sự kiện lịch sử đều trình bày quá trình phát sinh phát triển từ bắt đầu đến kết thúc rất ngắn gọn mà đầy đủ.
     Dương sự thủy mạt ghi chép các sự kiện về quá trình xâm lược Đại Nam của thực dân Pháp, từ năm 1848 đến năm 1888. Những sự kiện biểu hiện thái độ và sự phản kháng của triều đình nhà Nguyễn, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân và sĩ phu yêu nước, các chính sách về kinh tế-văn hóa-xã hội mà chính quyền thực dân áp đặt trên toàn lãnh thổ Việt Nam được tóm lược khá rõ ràng, minh bạch.
     Trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp, do Thư viện quốc gia Việt Nam xuất bản năm 1970 cho biết:Dương sự thủy mạt 洋事始末 1 cuốn; không ghi tên tác giả; sách chép tay, giấy bản thường (28x16cm) 156 tờ, tờ 2 trang, chữ viết thảo xấu và nhiều chữ không đúng cách viết nên khó đọc. “Trước hết về hình thức, ngay đầu trang mặt sách, đề tên sách có chua rõ “sách chép xong ngày 26 tháng 2 năm 1962, do Hoàng Hải chép”, có đóng dấu, nhưng không nói chép từ sách nào hay từ tủ sách của người nào. Trang cuối sách  (tờ 156) có ghi tên hai người kiểm duyệt: Nguyễn Khắc Xương và Nguyễn Tấn Minh. Việc kiểm duyệt làm xong ngày 08/3/1962. Cả hai người đều đỗ tú tài và làm Thừa phái dưới thời Pháp thuộc. Việc kiểm duyệt tuy có vẻ cẩn thận, nhưng vẫn còn nhiều chữ chữa sai và chấm câu cũng vậy, không hoàn toàn bảo đảm.
     “Sách chép các việc người Pháp đến xâm lược đánh chiếm nước ta; chép các việc xảy ra từ năm Đinh Mùi, mùa xuân tháng 2, niên hiệu Thiệu Trị thứ bảy (1847) việc hai chiến thuyền Pháp vào Đà Nẵng. Phần chữ son ở đầu trang đã chua không chính xác “thuyền người Tây đến nước ta lần đầu.” Thân sách: từ tờ 1 đến 146 chép bắt đầu từ năm 1847 như đã nói trên. Tờ cuối (tờ 146) chép đến tháng 11 năm Đồng Khánh thứ ba (1887). Đoạn này chép các việc người Pháp đưa vua Hàm Nghi sang đày ở An- giê- ri, việc trợ cấp cho Hàm Nghi do triều đình Huế chịu trả và một vài việc về tổ chức Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Sau cùng từ tờ 147 đến 150 chép bản điều ước – bản dịch chữ Hán – giữa triều đình Huế và Pháp. Điều ước đề ngày 15/3/1874, gồm 22 khoản. Tờ 151 đến 156 chép một bản điều ước khác – bản dịch chữ Hán –  giữa triều đình Huế và Pháp đề ngày 31/8/1874, gồm 29 khoản     
“Ngoài ra ở trên đầu một số trang có tiêu đề bằng chữ son một số việc lớn chép trong sách:
     “Tờ 1: Việc chiến thuyền Tây đến nước ta trước nhất. Tờ 8: thời Tự Đức chiến thuyền Tây lại đến Đà Nẵng. Tờ 13: thành Gia Định bị hãm. Tờ 29b: thành lớn ở Gia Định không giữ nổi. Tờ 30: Nguyễn Bá Nghi được sung làm Khâm sai đại thần ở Biên Hòa. Tờ 40: chia cho ở từng nơi, bọn dân theo đạo Thiên Chúa và theo giặc – gọi là tù dân. Tờ 41: thành Biên Hòa bị hãm. Tờ 45: thành Vĩnh Long bị hãm. Tờ 47: gởi sứ thần bàn việc hòa giải. Tờ 48b: cắt cho Pháp ba tỉnh: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và hòa ước 12 khoản – cùng Pháp và Y-pha-nho ngày 09/5 năm Nhâm Tuất (1862). Tờ 50: tha bọn tù dân. Tờ 51: tạm mở Sứ quán Pháp ở Huế. Tờ 82: quan Kinh lược Nguyễn Chánh đóng ở đất Sơn Tây. Tờ 83: triệt bỏ đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc. Sung Nguyễn Hữu Độ làm Tĩnh biên (phó sứ). Tờ 86: quân Mãn Thanh đóng nhiều ở nội địa - giáp biên giới Trung Quốc và Việt Nam. Tờ 86: Trương Quang Đản dâng sớ xin đánh Pháp. Tờ 88: thư của Lý Hồng Chương gởi tới; thành Nam Định bị hãm. Tờ 94: quan quân nhà Thanh đóng nhiều ở Bắc Kỳ. Tờ 93: chiến thắng ở Cầu Giấy. Tờ 99: triệt quân thứ Bắc Kỳ về; quân Pháp kéo lại đánh Sơn Tây. Tờ 102: tướng Mi-lô Pháp đánh thua quân Thanh ở tỉnh Bắc. Tờ 103: quân Pháp đóng ở Tuyên Quang. Tờ 104: hòa ước 19 khoản, ngày 06/6/1874. Tờ 105: quân Thanh đánh thua quân Pháp ở Lạng Sơn. Tờ 110: Kinh thành Huế bị mất. Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra phía bắc. Tờ 114: Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình từ Bắc Kỳ về kinh bàn với quân Pháp đón lập Kiên Giang quận công lên làm vua (Đồng Khánh). Tờ 122: Toàn quyền Pháp nghĩ ba điều lệ đem thi hành. Tờ 124: vua Đồng Khánh về kinh. Tờ 125b: sai Nguyễn Hữu Độ ra Bắc Kỳ bàn bạc mọi việc. Tờ 130b: đặt trường học chữ Pháp tiếng Pháp. Tờ 131b: bàn thêm bốn điều về trộm cướp. Tờ 135b: duyệt binh trước cửa Ngọ Môn.     
     “Sách  Dương sự thủy mạt mới xem qua phần nhiều tưởng là trích lược ở bộ Đại Nam thực lục. Nhưng xem kỹ sẽ thấy sách này có ghi chép một số việc lặt vặt không có trong Thực lục. Vậy ta có thể coi sách này là một bộ dã sử về thời quân Pháp mới xâm lược nước ta, tiếc rằng không biết rõ tên người biên soạn.”
     Trên trang mạng Văn hóa Nghệ An, thứ bảy, ngày 25 tháng 12 năm  2010  có bài “Văn bản DƯƠNG SỰ THỦY MẠT và quan hệ của chúng với ĐẠI NAM THỰC LỤC” của Vu Hướng Đông. Bài viết cho biết tác giả đã: “sang nghiên cứu ở Hà Nội mấy tháng, tôi lại có điều kiện tiến hành khảo sát văn bản của bộ sử liệu này và quan hệ của chúng với Đại Nam thực lục, nay xin nêu những kết quả đã khảo sát, mong được sự chỉ giáo của các nhà nghiên cứu.
     “1. Văn bản, niên đại và tác giả của Dương sự thủy mạt: Thủy mạt ra đời khoảng cuối thế kỷ XIX về sau, có lẽ chỉ được lưu truyền qua bản chép tay và các bản sao, chưa được khắc in, 3 bản đã biết đều không ghi họ tên tác giả, có thể do nguyên bản chép tay đã thiếu các phần tựa, bạt... nên rất khó căn cứ vào bản sao chép hiện còn để đoán định tác giả và niên đại cụ thể của sách. Thủy mạt chủ yếu ghi chép theo lối biên niên (…). Việc ghi chép sự kiện trong khoảng thời gian hơn 40 năm ấy, có khi lấy, có khi bỏ, có sự kiện tường tận, có sự kiện sơ lược. Từ niên đại kết thúc ghi chép sự kiện, chúng ta có thể sơ bộ biết được thời gian sách soạn xong là sau năm 1888.
     “Chúng tôi đã thấy có 3 bản Thủy mạt, tình hình cụ thể như sau:     
    “Một là “Bản Hoàng Hải” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.2373, sao chép trên giấy trắng thông thường, gồm 156 tờ, vốn không ghi số tờ. Mỗi tờ 2 mặt, mỗi mặt 8 dòng, mỗi dòng từ 18 đến 20 chữ, dòng ghép rất nhiều, chữ viết theo lối thảo (…). Từ tình hình thời gian, họ tên người kiểm duyệt ghi ở cuối quyển đều dùng bút mực và kiểu chữ thống nhất với chính văn, nhưng nhận xét ở lề sách và sửa chữa ở chính văn lại dùng bút son, kiểu chữ cũng khác, thì thấy, nhận xét ở lề sách, sửa chữ chính văn và chấm câu có thể là do người khác làm. Thứ hai, từ dấu tàng thư đóng trên trang tên sách có thể biết, sau khi sao chép vào những năm 60 của thế kỷ XX, bản sao này sớm nhất có thể do Thư viện Khoa học Xã hội thu giữ, sau chuyển đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ, vẫn còn mấy dấu niên đại kiểm duyệt của đơn vị tàng thư, sớm nhất là năm 1967. Những dấu tàng thư và dấu niên đại này đã cung cấp thông tin cho người đọc. Sau khi khảo sát quá trình lưu truyền và thời gian của bản sao sách này, chúng tôi cho rằng, bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể chính là nguyên bản bản Hoàng Hải mà Trần Văn Giáp đã thấy.
     Hai là bản của Phòng Tư liệu Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Bản này ký hiệu là Hv.246, sao chép trên giấy kẻ ô dọc để in ván gỗ, lề giữa có 4 chữ “Long Cương tàng bản”, trong lề giữa còn ghi niên hiệu các sự kiện xảy ra ở trang đó, như “Thiệu Trị năm thứ 7”, “Tự Đức năm thứ 9”...  Bản này viết theo lối hành thảo, chữ viết khỏe đẹp, thanh thoát, nhưng nét chữ không thống nhất, hình như không phải do một người viết. Toàn sách có 146 tờ, 292 mặt, mỗi mặt 8 dòng, mỗi dòng từ 21 đến 25 chữ. Những điều ước, văn thư thương lượng giữa Việt Nam và Pháp, một số tên người, tên đất và chú thích chép ở bản này đều ghi bằng chữ nhỏ, xen vào giữa dòng. Trong sách có không ít chữ thông tục và chữ kiêng húy, như để kiêng húy Thánh Tổ hoàng hậu triều Nguyễn họ Hồ, dùng chữ “hư” thay chữ “thực”, kiêng húy của Nguyễn Phúc Thì (vua Tự Đức), dùng chữ “thìn” thay chữ “thì"”... Từ 4 chữ “Long Cương tàng bản” có thể biết, bản này do thư viện Long Cương, vốn là tàng thư của Cao Xuân Dục sao chép. Cao Xuân Dục là một học giả nổi tiếng, một vị quan ở hậu kỳ triều Nguyễn, có tàng thư rất phong phú. Để giáo dục thế hệ sau, ông đã thuê người sao chép số lượng lớn sách vở, có cống hiến không nhỏ trong việc bảo tồn văn hiến cổ tịch Việt Nam. Bản này chắc là sách do ông thuê người sao chép. Bản này đã được học giả Trần Lê Hữu dịch sang tiếng Việt từ rất sớm (dịch xong ngày 20 tháng 10 năm 1964), hiện bản dịch cũng lưu giữ ở Phòng Tư liệu Khoa Sử của trường này, ký hiệu Vt.30. Nhưng đáng tiếc chỉ còn tập 2. Nếu còn tập 1, chúng ta có thể biết được nhiều thông tin và nghiên cứu tác phẩm này của ông và đồng nghiệp.
      Thứ ba là bản sao của Viện Sử học, thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, ký hiệu Hv.418/1-2, sao chép bằng bút sắt, chữ viết khá đều đặn, rất dễ đọc. Bản sao này gồm 152 tờ, chú thích ngắn gọn, bằng chữ nhỏ viết xen vào giữa dòng, còn những văn thương thuyết khá dài giữa hai bên Việt-Pháp thì chép vào trong dấu ngoặc đơn, cuối sách chú rõ: “Chép theo nguyên bản của Thư viện Khoa học xã hội, ký hiệu VHv.2373”. “Chép xong tháng 5 năm 1965”, không thấy có thông tin họ tên người sao chép. Như vậy bản sao này là chép theo bản của Thư viện Khoa học xã hội, cũng tức là bản Hoàng Hải, nhưng bản này lại không có những nhận xét bên lề như bản Hoàng Hải. Điều này cũng có thể, từ một mặt khác, chứng minh cho suy đoán của chúng tôi về nhận xét và lời chú của bản Hoàng Hải có lẽ do người khác thêm vào. Đương nhiên, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng người sao chép đã lược bỏ lời nhận xét ở lề sách, xét từ thời gian sao chép, đây là một bản sao xuất hiện muộn nhất.
     2. Về những ghi chép ở quyển đầu của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội: Trong nghiên cứu văn hiến cổ tịch, những tự, bạt, đề từ ở quyển đầu và những lời bình, lời phê, chú thích ở quyển giữa đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu biên soạn sách cổ và lưu truyền bản sao. Trong mấy văn bản của Thủy mạt, ở quyển đầu của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ có 2 trang ghi chép mà ở hai bản kia đều không có. Những ghi chép này mang tính chất gì, có quan hệ gì với chính văn, có giá trị đối với việc tìm hiểu các bản sao của Thủy mạt hay không? Rất đáng được chú ý.”
      Sau đó, Vu Hướng Đông chỉ ra những sai khác về tên người, tên đất, thời gian và ghi chép một vài sự kiện giữa Thực lục và Thủy mạt:
     1. Khác nhau về tên người như: tháng 2 năm Tự Đức thứ 16 (1863), Thủy mạt ghi: “Sứ hai nước Phú-lãng-sa, Y-pha-nho là bọn Phô-na, Pha-lăng-y-ca (Pháp soái kiêm sứ) đến kinh sư”. Thực lục cũng ghi chép như vậy, nhưng, “Pha-lăng-y-ca” lại viết là “Pha-lăng-ca”, “Pháp soái kiêm sứ” viết là “giải sư kiêm sứ”. Lại như trận đánh ở tỉnh thành Sơn Tây tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: “Đề đốc Tam Tuyên Lưu Vĩnh Phúc và Thống lĩnh quân Thanh Đường Cảnh Tùng đôn đốc Lưu Vĩnh Thanh ra thành nghênh chiến”. Thực lục ghi là “Trương Vĩnh Thanh”. Có 5 chỗ khác nhau như vậy.
     2. Khác nhau về tên đất như: tháng 4, năm Tự Đức thứ 14 (1861), Thủy mạt ghi: “Nay Gia Định, Định Tường đường sá đã tiện, Vĩnh Long, Biên Hòa địa thế trơ trọi cách trở”. “Biên Hòa”, Thực lục ghi là “An, Hòa”, tức An Giang, Hà Tiên. Lại như tháng 2 năm Tự Đức thứ 15 (1862), Thủy mạt ghi: “Văn Uyển biết (chúng) định gây mầm loạn, liền nghiêm lệnh cho quan Lãnh binh Tôn Thất, quyền sung Lãnh binh Nguyễn Đài, Lê Đình Cửu (đều phái đi trú đồn Vĩnh Long)...”, “đồn Vĩnh Long” Thực lục ghi là “đồn Vĩnh Tùng”. Có 9 chỗ khác nhau như vậy, có một số chỗ có thể nhìn ra là do Thủy mạt viết sai.
     3. Khác nhau về thời gian chép việc: Mục tháng 5 năm Tự Đức thứ 17 (1864), Thủy mạt ghi: “Sứ thần toàn quyền Phan Thanh Giản trao đổi sắc văn với viên soái Pháp là Ha-ba-li. Sứ Pháp đã trở về, bọn Phan Thanh Khoa dâng sớ xin chịu tội”. Cùng nội dung này, Thực lục ghi vào tháng 6 cùng năm, tường thuật khá tỉ mỉ. Có 6 chỗ khác nhau về thời gian như vậy. Trong đó có 3 chỗ thời gian ở Thủy mạt sớm hơnThực lục 1 năm, tháng cũng không giống nhau; một chỗ số ngày khác nhau, đó là sự kiện tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 (1883), quân Pháp tấn công cửa Bắc thành Hà Nội, quân giữ thành cầm cự với quân Pháp, Thủy mạt ghi là “cầm cự nhau 4, 5 ngày”, Thực lục ghi là “cầm cự nhau 17 ngày”.
     4. Khác nhau về tên quan chức: Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Thủy mạt ghi: “Cho viên soái Pháp là Lê-na đặt dinh thự ở bờ nam Sông Hương của Kinh thành”. Thực lục ghi: “Cho Khâm sứ Pháp là Lê na...”. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: “Tá Viêm cùng bọn Tán tương Lê Tư Thứ đóng đồn ở ngoài cửa nam La thành”. “Tán tương” Thực lục chép là “Tham tán”. Chỉ có 2 trường hợp như thế này.
     5. Khác nhau về số người chết và bị thương khi chiến đấu, về số lượng binh dõng, dinh quân, thuyền chiến như: tháng 10 năm Tự Đức thứ 11 (1858), Thủy mạt ghi: “Vua thấy trận này quân ta chết và bị thương ngang với giặc, nên miễn”. Thực lục ghi: “Vua thấy quân ta bị thương (10 người), bị chết (22 người, 2 cỗ voi), nhưng quân Tây cũng chết nhiều (45 tên), nên miễn.” Lại như tháng 3, năm Hàm Nghi nguyên niên (1885), Thủy mạt ghi: “Bấy giờ soái phủ Pháp bàn trích 6 nghìn lính của tỉnh này, trao cho súng diễn tập để lúc cần sai đi tiễu trừ”. Thực lục thì chép là “bàn trích 1 nghìn quân của tỉnh này”. Những con số khác nhau như vậy có 8 chỗ.
     6. Khác nhau trong ghi chép sự kiện như: tháng 4 năm Tự Đức thứ 12 (1859), Thủy mạt ghi: “Gia Định thì số thuyền hiện đậu ít, mà ở xa ngoài biển, tiến sát thực khó”. Thực lục ghi: “Gia Định thì số thuyền hiện đậu nhiều, mà ở gần mặt biển, tiến sát rất khó”. Chỗ này ghi chép ở hai sách khác nhau rất lớn. Có những chỗ chỉ là sai khác nhỏ, như tháng 6, năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: “Tháng 6 (ngày 16 tháng này Hoàng đế nước Anh băng), thuyền Pháp (1 to, 1 nhỏ) đi qua sông Hát Giang đến sông Nhật Chiếu”. Thực lục ghi: “Ngày 6, thuyền Pháp (1 to, 1 nhỏ) đi qua sông Hát Giang đến sông Nhật Chiếu”. Sai khác nhỏ của một vài sự kiện có khoảng hơn 10 chỗ.
     Qua so sánh trên đây, có thể thấy, Thủy mạt là trích lục chuyên đề về nội dung “Dương sự” ghi chép trong Thực lục, nhưng hai sách không hoàn toàn giống nhau, chỗ khác nhau, có thể là do trích lục sai, có thể là do người trích lục gia công giản hóa, có thể là do có căn cứ khác. Xét về mặt nội dung sử liệu chuyên đề về  “Dương sự”, Thủy mạt vẫn có giá trị đáng được coi trọng.”
     Ngoài ra, Vu Hướng Đông còn dẫn hai tài liệu nghiên cứu về Dương sự thủy mạt ở Trung Quốc như: Đới Khả Lai, Vu Hướng Đông: “Về Dương sự thủy mạt, sử liệu chuyên đề Pháp xâm lược Việt Nam” (Tập san Đông Nam Á tung hoành, số 1, năm 1998, phát hành tại Nam Ninh), và Lư Tiểu Lợi: “Nghiên cứu bước đầu về Dương sự thủy mạt” - Luận văn thạc sĩ tại Đại học Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, năm 1995.
     Ghi nhận những nghiên cứu bước đầu của cố học giả Trần Văn Giáp và những nghiên cứu mới của một người bạn Trung Quốc, bản dịch trọn vẹn Dương sự thủy mạt của nhóm dịch giả: Đông Hào-Trương Sỹ Hùng-Hàn Khánh, theo nguyên bản ký hiệu VHv.2373 đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm là một sự cố gắng. Dĩ nhiên, nhóm dịch giả có tham khảo phần nửa bản dịch tư liệu của cụ Trần Lê Hữu như Vu Hướng Đông đã đề cập. Mặt khác, khi dịch theo bản VHv.2373 thì cấu tạo nội dung và hình thức văn tựDương sự thủy mạt khác nhau nhiều điểm, kể cả nội dung và dạng tự so với hai bản của Viện Sử học và Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Giải đáp một nghi vấn về người kiểm duyệt bản Dương sự thủy mạt này có ghi: “người kiểm duyệt: Nguyễn Khắc Xương và Nguyễn Tấn Minh. Việc kiểm duyệt làm xong ngày 08 tháng 3 năm 1962”. Tháng 9 năm 2016, nhóm dịch giả đã cử người đến thành phố Việt Trì, mang theo cả bản chữ Hán photo, đề nghị nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương xem giúp; ông khẳng định: “năm ấy tôi đã 40 tuổi, nhưng đây là người khác trùng tên.” Nguyễn Khắc Xương sinh năm 1922 tại Hà Nội, trưởng nam của thi sĩ Tản Đà, nguyên quán Khê Thượng - Ba Vì - Hà Nội. Ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân gian như: Truyền thuyết Hùng VươngNữ tướng Hai Bà Trưng, Hát Xoan Phú Thọ…, và đã được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét