Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

BÀI HỌC LẠC QUAN CÁCH MẠNG VÀ DỰ BÁO CHIẾN LƯỢC QUA NHẬT KÝ TRONG TÙ


Hướng tới 130 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sáng 17 tháng 5 năm 2020, viện Trí Việt thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học Tinh hoa tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Khá nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu…từ các trường đại học và các viện chuyên ngành trong Nam, ngoài Bắcđã tham dự. TMT xin giới thiệu  bài một tham luận đã được trình trong cuộc họp.


TRƯƠNG SỸ HÙNG
                                               (Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết)

Khổ thứ ba bài thơ Song thập nhất (双十一) trong Nhật ký trong tù là bốn câu thơ chữ Hán, tương đương tiếng Việt là:

 Kháng Nhật cờ bay khắp Á châu

Cờ to cờ nhỏ chẳng đều nhau

Cờ to đã hẳn là nên có

Cờ nhỏ dù sao thiếu được đâu!

                                     (Nam Trân) (1)

Nguyên văn:

满亚洲  Kháng Nhật tinh kỳ mãn Á châu

   Tinh kỳ đại thiểu hữu sai thù

   Tinh kỳ đại đích cố tu hữu

        Tiểu đích kinh kỳ hữu khả vô

     Đó là cảm xúc của một nhà chiến lược cách mạng vĩ đại, một thi sĩ lớn, nhân dịp kỉ niệm 26 năm ngày 11 tháng 11, kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Đây không phải tùy hứng ngẫu nhiên, do tác giả bắt gặp lượng thông tin báo chí mà chính là sự nắm bắt thực tế, suy ngẫm thời thế, bởi trước khi xảy ra chiến tranh ba năm - năm 1911 Hồ Chí Minh thời trẻ có tên là Nguyễn Văn Ba, đã làm công nhân phục vụ trên tàu Amiral Latouche Tréville, lênh đênh trên đại dương và đã ghé khắp các miền lục địa Âu, Á. Vả lại, trưởng thành ở tuổi 25 - 30 lại thông minh sắc sảo khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra, Người thực sự là nhân chứng sống. Giờ đây nhà thơ Hồ Chí Minh hiện đang bị giam trong nhà tù địa phương. Tưởng Giới Thạch (蔣介石1887 - 1975) đương chức là Đảng trưởng Quốc dân đảng. Trên “vũ đài lịch sử rất phức tạp này, Tưởng Giới Thạch đã diễn xuất khó khăn lạ thường. Ngoài việc phải tranh giành thiên hạ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông không những phải chiến thắng với những người đứng đầu Quốc dân đảng có tư cách và danh vọng cao như Uông Tinh Vệ, Hồ Hán Dân, mà còn phải đánh bại các phái thực lực ở địa phương đang ôm binh quyền giữ thế…mà Tưởng muốn tước cõi, cắt quân số, dồn tất cả quyền lực về trung ương” cũng chưa được. Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã và đang diễn ra gay gắt. Với châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đánh đuổi Pháp - Nhật từng bước trở thành nhu cầu cấp bách, nhằm mục đích giải phóng dân tộc.

Những năm ba mươi của thế kỷ XX,  Hồ Chí Minh lúc ấy lấy tên Nguyễn Ái Quốc để giữ bí mật khi hoạt động trong phong trào Quốc tế Cộng sản. Đế quốc thực dân Pháp - Anh đã liên kết với nhau bắt giam (1931 - 1933), và định sát hại Người tại Hồng Kông nhưng không thành. Cùng lúc đó, Tưởng Giới Thạch đã và đang tiến hành nhiều cuộc vây quét đánh chiếm các căn cứ địa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tiến hành cuộc di chuyển quân đội, gọi là cuộc Vạn lý trường chinh, rút về khu căn cứ Thiểm Tây, rồi tụ lại ở Bắc và Tây Bắc Trung Quốc. Thực chất đây là một cuộc nội chiến dai dẳng. Vùng Nam, Đông Nam gần như là vùng tạm thời kiểm soát của chính quyền Quốc Dân đảng. Đế quốc Nhật đẩy mạnh hoạt động xâm lược Trung Quốc. Ba lần Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương bắt tay thân thiện với Quốc dân Đảng để cùng nhau đánh đuổi ngoại xâm, chương trình còn có tên gọi "Quốc Cộng hợp tác" để chống Nhật, nhưng Tưởng Giới Thạch không hợp tác. Khi xảy ra “sự biến Tây An”, Trương Học LươngDương Hổ Thành làm cuộc binh biến, bắt giữ Tưởng Giới Thạch, nhằm gây áp lực buộc Tưởng Giới Thạch hợp tác, song không có kết quả như ý muốn. 42 tướng lĩnh chỉ huy của Quốc dân Đảng bỏ sang đội ngũ quân xâm lược Nhật Bản. Dù đã tuyên chiến với Đức và Ý nhưng chính quyền Quốc dân Đảng vẫn không vận động chủ trương chống chủ nghĩa phát xít. Tình trạng hỗn độn về an ninh xã hội và tư tưởng chính trị bất hòa kéo dài trong nội địa Trung Quốc đến ngày 01 tháng 10 năm 1949; khi nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập mới tương đối ổn định. Đúng là: “Toàn bộ lịch sử ngoại giao và lịch sử kinh tế Viễn Đông đã làm cho người ta hoàn toàn tin chắc rằng trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản, không thể nào ngăn cản được sự thay đổi sâu sắc ngày càng chín muồi giữa Nhật Bản và Mỹ.”(2). Vì thế kiểu ngoại giao con thoi thường diễn ra với nhiều góc độ quan hệ, nhiều đảng phái, nhiều xu hướng chính trị, kinh tế khác nhau lẻ tẻ xuất hiện. Hồ Chí Minh là thành viên của Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội chống xâm lược quốc tế đang trên đường đến Trùng Khánh, nhưng bị chính quyền địa phương bắt giữ, không hiểu do vô tình hay hữu ý do nguyên tắc máy móc. Xem ra những hình thức cấu tứ trữ tình trong Nhật ký trong tù cũng có bóng gió chỉ trích:

 

Mỹ đoàn khứ liễu Anh đoàn đáo


 Đáo xứ hân phùng nhiệt liệt tình

 

Ngã dã “phóng Hoa đoàn” nhất bộ


 Khước tao đặc chủng đích hoan nghênh

Bản dịch:

Đoàn Mỹ đi rồi đoàn Anh đến

Khắp chốn mừng reo tỏ nhiệt tình

Ta cũng “một đoàn” thăm quý quốc

Lại dành riêng một lối hoan nghênh.

 (Nam Trân - Hoàng Trung Thông)

Trên đường giải đi bị xiềng xích chân tay khổ ải như thế mà tác giả dùng thủ pháp thơ trào phúng để phô diễn tình cảnh của mình vẫn là được “giành riêng một lối hoan ngênh” thì quả là lạc quan cách mạng, chỉ có ở những bậc chiến sĩ  kiên cường quả cảm. Khi các đại biểu Mỹ, Anh trong phe đồng minh chống phát-xít đến Trung Quốc, đều được chính quyền Tưởng tiếp đãi nhiệt tình; còn Hồ Chí Minh là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội, cũng là đồng minh của Trung Quốc chống phát-xít Nhật, nhưng lại bị chính quyền địa phương của Tưởng giải loanh quoanh đi đến 13 huyện và “mười tám nhà lao đã ở qua”. Sự nhiễu loạn ở Trung Quốc làm cho nhiều phe phái, đảng lập có biết đâu rằng, tiềm ẩn trong tâm trí Hồ Chí Minh đang ngày đêm trăn trở với sự nghiệp cách mạng độc lập dân tộc của Việt Nam. Tìm thêm giải pháp hỗ trợ chưa thấy, lại bị ngược đãi tàn nhẫn, cho nên:

  

 Hoàn cầu chiến hỏa thước thương thiên

  

 Tráng sĩ tương tranh phó trận tiền

   

 Ngục lý nhàn nhân nhàn chiếu mệnh

    

Hùng tâm bất trị nhất văn tiền.

Bản dịch:

Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận

Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh

Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi

Chí cao mà chẳng đáng đồng trinh

                                             ( Nam Trân)

Tự trách mình như thế, Hồ Chí Minh nhận thức sáng suốt là do hoàn cảnh nhất thời, nên luôn tự nhắc nhở mình không ngừng rèn luyện trí tuệ, mài sắc ý chí cách mạng sáng tạo linh hoạt:

   

Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ

綿 

Ký thung chi hậu, bạch như miên

     

Nhân sinh tại thế dã giá dạng

 

Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên

Bản dịch:

Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công

                          (Văn Trực – Văn Phụng)

Ý chí ấy, tâm nguyện ấy, được nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh bộc lộ lúc đang bị giam giữ:


 Ninh tử bất cam nô lệ khổ

    

 Nghĩa kỳ đáo xứ hựu phiêu dương

 

 Khả liên dư tố tù trung khách

 

Vị đắc cung thân thướng chiến trường

Bản dịch:

Thà chết chẳng cam nô lệ mãi,

Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền;

Xót mình giam hãm trong tù ngục,

Chưa được xông ra giữa trận tiền.

                                           ( Nam Trân)

Chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam Hồ Chí Minh vì tình nghi Người là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là một nhà hoạt động lâu năm trong phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh nắm bắt rất chắc mọi thông tin về tình hình thế giới nói chung và sâu sát hơn cả là những diễn biến từng ngày, từng giờ ở Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, tính danh Hồ Chí Minh mới lần đầu xuất hiện trên đất Trung Quốc, nên quan lại các cấp huyện, tỉnh của Quốc dân Đảng cũng chưa có cơ hội tìm hiểu. Mặt khác với kinh nghiệm dày dạn trong hoạt động bí mật của Người, nên suốt thời gian bị giam giữ, rồi chúng lại giải Người đi khắp các nhà lao mà vẫn không tìm được chứng cớ buộc tội. Hồ Chí Minh không lạ gì gương mặt chính trị của bản thân Tưởng Giới Thạch trước khi đối lập với  Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi còn tại thế, Tôn Trung Sơn đã từng cử Tưởng Giới Thạch sang Liên Xô học tập kinh nghiệm xây dựng đất nước, và thời trẻ, ông ta cũng đã học sĩ quan quân đội tại Nhật Bản. Không chỉ có thế, Tưởng Giới Thạch còn là người sáng lập và là hiệu trưởng Trường quân sự Hoàng Phố - chính là nơi Nguyễn Ái Quốc từng có quan hệ. Rất biết, nhưng tình thế éo le, lúc này Người đang “bị hiềm nghi tố Hán gian” mà chưa rõ tung tích. Hồ Chí Minh đã chủ động vận dụng lợi thế tự do nhân thân, giữ thế im lặng nhất thời, coi đó như là nguyên cớ duy nhất trong cử chỉ, phát ngôn và xử trí linh hoạt để chiến thắng kẻ thù trước mắt. Vì vậy thời điểm sáng tác tập thơ Nhật ký trong tù đã ghi lùi lại 10 năm (29.8.1932 - 10.9.1933); cũng là thủ pháp nghệ thuật nhằm bịt kín mối nghi ngờ bất thường của đối phương có thể xảy ra. Và rất có thể, tất cả các thi phẩm mang tính “nhật ký” trong tập thơ, luôn luôn là lời tâm sự riêng tư, tự nhắc mình luôn cảnh giác bằng tất cả vốn sống từng trải. Bài học cụ thể trên dưới 10 năm trước, Nguyễn Ái Quốc đã từng chịu đựng tra tấn trong nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Kông, không tạo điều kiện gì thuận lợi hơn khi bị Quốc dân Đảng Trung Quốc bắt giam.

Về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc, những năm bốn mươi của thế kỷ XX tập thể Bộ chính trị đã tập kết ở Diên An lo củng cố lực lượng kháng Nhật cứu nước. Nhật ký Diên An ngày 18 tháng Tư năm 1943 của P.P. Vla-đi-mi-rốp có nhận định: “Nhật Bản vẫn chuẩn bị tấn công Liên Xô như trước và chú trọng củng cố vị trí của mình ở Hoa Bắc. Quan hệ ngày càng đặc biệt căng thẳng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng đang khuyến khích Nhật Bản tấn công Liên Xô. Nếu cuộc xung đột ấy biến thành nội chiến, thì hậu phương của Nhật ở Trung Quốc sẽ được đảm bảo vững chắc. Ngoài ra, Nhật có thể đưa thêm nhiều sư đoàn tăng cường cho đạo quân Quan Đông. Các sự kiện đang phát triển theo chiều hướng ấy. Bọn chiếm đóng đang lợi dụng thời cơ và ra sức loan truyền những tin đồn có tính chất khiêu khích Về cuộc đấu tranh chung với Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại Quốc Dân đảng.

Bọn đặc vụ Quốc dân Đảng không chỉ len lỏi vào Diên An, mà vào cả đặc vụ toàn khu. Việc vạch trần bọn đặc vụ đang biến thành một chiến dịch được phát động từ trên xuống. Mao Trạch Đông, Khang Sinh đang cổ vũ chiến dịch ấy. Cả một số lãnh đạo khác cũng bắt đầu hoạt động cảnh sát. Những vụ bắt bớ hàng loạt gây ra một tâm trạng u buồn. Chỉnh phong lại mang thêm những nét quái gở mới.”(3) Không một diễn biến chính trị nào của châu Á và thế giới có thể khiến cho Hồ Chí Minh sao nhãng; nhưng lại phải giữ bí mật nên mối quan tâm sát sao của Người lúc này phải bảo toàn sinh mệnh. Mâu thuẫn lớn nhất trong tâm trí Người là:

       Thân thể tại ngục trung

       Tinh thần tại ngục ngoại

       Dục thành đại sự nghiệp

       Tinh thần cánh yếu đại

Bản dịch của Nam Trân:

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần phải càng cao

Bị giam giữ trong khắp các nhà tù của Quốc dân Đảng, nhưng  những suy nghĩ lao lung của Hồ Chí Minh vẫn “canh cánh bên lòng” nỗi niềm yêu nước, làm sao đây khi vận mệnh dân tộc đang có cơ hội giành độc lập dân tộc để người dân được hưởng tự do có quyền dân chủ, làm chủ xã hội. Làm gì đây khi bị bắt vì nhà chức trách nghi oan làm gián điệp. Hồ Chí Minh đang giữ Thẻ hội viên đặc biệt của quốc tế tân văn xã, một Chứng minh thư do Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội phản xâm lược quốc tế cấp, và Giấy thông hành do tổ chức Đệ tứ chiến khu cấp. Vin cớ cả ba hình thức giấy tờ tùy thân đều đã quá hạn, Người bị tạm giữ để điều tra, xét hỏi hơn một năm. “Vì vậy mà cụ gầy như que củi. Tóc chóng bạc và rụng nhiều. Mắt nhìn kém. Nhưng cụ khổ nhất là mất thì giờ ngồi không. Trong khi cụ Hồ la lết tấm thân mệt lử từ nhà giam này đến nhà giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế giới. Ai khuyên bảo đồng chí ? Ai giúp đỡ đẩy mạnh việc tổ chức ? Có lẽ các nước đồng minh đã đổ bộ lên Đông Dương ? Có lẽ Pháp - Nhật đã cắn nhau ? Có lẽ các đồng chí Đảng Cộng sản Đông Dương và các hội viên Việt Minh đương đau đớn hỏi nhau cụ Hồ đã bị tai nạn gì.

Lòng cụ Hồ rối như tơ vò vì phải ngồi im vô ích trong khi công việc đang đòi cụ và thời gian đi qua không chờ người.”(4)Bên ngoài, ngày 15-5-1943, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra quyết định giải tán. Ngày 8-6-1943, Hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra nghị quyết từ 10-6-1943, tất cả các hoạt động của Quốc tế Cộng sản kết thúc. Dù sao, Quốc tế Cộng sản đã đóng vai trò lịch sử lớn lao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ khi thành lập, đã tạo nên một mốc son sáng ngời trong lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, và đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình là tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản, thiết lập chuyên chính vô sản ở một số nước, thúc đẩy sự ra đời hàng loạt các Đảng Cộng sản ở các nước. Các Đảng Cộng sản đó đã trưởng thành về lý luận chính trị, đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng ở từng  nước mà không cần sự lãnh đạo từ một trung tâm quốc tế. Ảnh xạ của Quốc tế Cộng sản vẫn còn dọi sáng đến các Đảng Cộng sản châu Âu, châu Á, châu Phi, và Mỹ Latinh.

Thật là trớ trêu, là “người khách tự do”, là “khách tiên”, là “đại biểu dân Việt Nam”… mà bỗng dưng Người bị bắt giam:

使       

Túc Vinh khước sử dư mông nhục

 

Cố ý trì diên ngã khứ trình
             
 

Gián điệp hiềm nghi không niết tạo
             

Bả nhân danh dự bạch hy sinh
Tương đương tiếng Việt:

        Túc Vinh mà để ta mang nhục,
                  Cố ý làm cho chậm bước mình;
                  Bịa đặt vu ta là gián điệp,
                  Không dưng danh dự phải hy sinh.

                             ( Bản dịch của Nam Trân)

Bình tĩnh lạc quan suy xét, Hồ Chí Minh không một chút tỏ ra bi lụy hay oán trách số phận theo lẽ thường tình, Người vẫn bộc lộ thái độ dứt khoát, tin vào công lý và đòi tự do chính đáng:

       

Tẩu biến cao sơn dữ tuấn nham
     

Na tri bình lộ cánh nan kham
    

Cao sơn lộ hổ chung vô dạng           

 

 Bình lộ phùng nhân khước bị giam

 
   

 Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân
 
 

 Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân
 
    

Vô nại phong ba bình địa khởi
 
 

 Tống  dư nhập ngụ tác gia tân

 
  

  Trung thành ngã bản vô tâm cứu
 
    

Khước bị hiềm nghi tố Hán gian
 
   

Xử thế nguyên lai phi dị dị
 
    
            Nhi kim xử thế cánh nan nan.

Người viết:

Đi khắp đèo cao, khắp núi cao
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao

Ta là đại biểu dân Việt Nam
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió
Phải làm “khách quý” ở nhà giam

Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng
Lại bị tình nghi là Hán gian
Xử thế từ xưa không phải dễ
Mà nay, xử thế khó khăn hơn

Biết rằng “nhất nhật tù thiên thu tại ngoại” - nhưng trong hoàn cảnh thực tại -  Hồ Chí Minh đang bị Quốc dân đảng bắt giam vì bị tình nghi là “Hán gian”, dù là tạm giữ thì cũng là mất tự do. Chính ở lý do này, nhà thơ vĩ đại Hồ Chí Minh đã vận dụng khôn khéo nhất, những tri thức luật pháp về quyền tự do của con người, đã được hệ thống hóa ở phương Tây để đưa vào nghệ thuật sáng tạo văn chương. Những câu thơ vừa lấp lánh chút ít ngôn từ triết lý, vừa đậm đà tính nhạc thi ca gây xúc động tâm tư tình cảm của con người ở bất cứ vị trí nào trong xã hội. Không để thời gian trôi đi vô tích sự, những câu thơ như đôi cánh vô hình của Nàng Thơ đã chuyên chở ý nghĩ tự do của tác giả đến với thế giới tự do của con người, đến với chân lý nghệ thuật. Tự nói lên suy nghĩ của mình khi ghi lại nhật ký bằng thơ, Người mở đầu:

        

     Lão phu nguyên bất ái ngâm thi

       

     Nhân vị tù trung vô sở vi

        

    Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật

        

    Thả ngâm thả đãi tự do thì



Bản dịch:

Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng vì trong ngục biết là chi đây

Ngày dài ngâm đợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

                                       (Nam Trân)

Làm thơ hay viết văn đối với Hồ Chí Minh là công việc thường nhật, dường như người siêng năng lau chùi vũ khí văn hóa cho ngày càng sắc bén, tạo ra lợi ích cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mang lại tự do cho nhân loại. Nghệ thuật viết của Người ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” càng nhạy bén tinh tường hơn với hiện thực cuộc sống. Dĩ nhiên hình ảnh hiện thực được tái tạo bởi sáng tạo nghệ thuật của Hồ Chí Minh dù là lãng mạn cách mạng hay thù tạc cá nhân thì mỗi câu thơ, mỗi bài thơ vẫn vút lên một hào khí yêu cuộc đời chân chính, yêu tự do với thái độ dân chủ tự cường. Bị nhà chức trách “giải đi sớm” thì:

     

     Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng

         

     U ám tàn dư tảo nhất không

   

     Noãn khí bao la toàn vũ trụ

           

    Hành nhân thi hứng hốt gia nồng

Bản dịch:

 Phương đông màu trắng chuyển sang hồng

           Bóng tối đến tàn quét sạch không

 Hơi ấm bao la trùm vũ trụ

  Người đi thi hứng bỗng thêm nồng                                

                    (Nam Trân)

Hoàn cảnh bất đắc dĩ vô tình đẩy Người vào vòng lao lý, nhưng ý chí cao cả của Hồ Chí Minh vẫn nổi lên rất rõ:

          Thân thể tại ngục trung

          Tinh thần tại ngục ngoại

          Dục thành đại sự nghiệp

          Tinh thần cánh yếu đại

      Bản dịch:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần phải càng cao

                        (Nam Trân)

Tinh thần lạc quan cách mạng của Người lúc nào cũng tỉnh táo, cảnh giác giữ mình, hướng cho đồng chí mình luôn nhìn nhận cách mạng Việt Nam nằm trong diễn biến của tình hình thế giới.

 

Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt
舊山

Nội thương Việt địa cựu sơn hà

Ngục trung hại bệnh chân tân khổ
 

Bản ưng thống khốc khước cuồng ca

Bản dịch:

“Ngoại cảm" trời Hoa cơn nóng lạnh

“Nội thương" đất Việt cảnh lầm than

Ở tù mắc bệnh càng cay đắng,
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn
                                 
(Nam Trân)

Bài thơ Học đánh cờ gợi mở cho người đọc một tầm suy nghĩ chiến lược bao gồm cả cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), chiến tranh Thái Bình Dương, và cuộc cách mạng tháng Tám ở Việt Nam, nằm trong bối cảnh “Kháng Nhật cờ bay khắp Á châu”.

Sau bốn ngày thủ đô Paris thất thủ, bị quân Đức chiếm đóng, ngày 18 tháng 9 năm 1940 phát xít Nhật đã gửi tối hậu thư cho toàn quyền Catơru ở Đông Dương, yêu cầu Pháp phải đóng cửa biên giới Việt - Trung, đình chỉ tiếp tế xăng dầu cho Tưởng Giới Thạch trên đường sắt Hải Phòng - Vân Nam. Tập kích bất ngờ vào cảng Trân Châu sáng ngày 8 tháng 12 năm 1941, phát xít Nhật tuyên chiến với Anh - Mỹ - Úc và Canada; đồng thời đổ bộ quân vào đảo Bornéo, đánh chiếm tô giới Anh ở Thiên Tân, Thượng Hải. Ngay từ đầu năm 1942, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt. Phát xít Đức huy động lực lượng quân sự cao nhất, tấn công tàn sát vào miền Tây Nam Liên Xô. Núp sau danh nghĩa “phòng thủ chung Đông Dương” ngày 29 tháng 7 năm 1941 Nhật ép Pháp ký Hiệp ước quân sự mới, không hạn chế quân số và người Nhật đổ vào Đông Dương; được tự do đi lại trên khắp lãnh thổ. Ngày 8 tháng 12 năm 1941 văn bản Hiệp định quân sự Pháp - Nhật chính thức trao phần lớn quyền cai trị thuộc địa cho Nhật. Rõ ràng Pháp đã gián tiếp giúp sức phát xít Nhật chống phá Trung Quốc, dựa vào Nhật để đối phó với phong trào yêu nước của nhân dân Đông Dương.(3) Tình hình biên giới Việt - Trung và các nước Đông Dương thật là rối ren. Đưa quân ồ ạt vào Đông Dương, phát xít Nhật ôm mộng làm bá chủ Đông Nam Á, xâm chiếm từng phần phía Nam Trung Quốc.

Trên báo Việt Nam độc lập, số ra ngày 21 tháng 12 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài Thế giới đại chiến và phận sự dân ta chỉ rõ nhiệm vụ của toàn dân lúc này là phải đoàn kết trong các tổ chức của Việt Minh “đồng tâm hiệp lực, muôn người một lòng nhân cơ hội này mà khôi phục Tổ quốc, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập.” Bàn cờ thế giới do các nước lớn đã bày ra thế trận. Pháp thua, Nhật cuồng vĩ, Trung Quốc chưa gỡ xong nội chiến… Mọi chuyện diễn ra mau lẹ, ấy thế mà vô tình người có vai trò chủ chốt nhất trong lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập của Việt Nam lại đang phải tạm thời im lặng. Thực tế im lặng là để cho thế lực thù địch mải mê đi tìm Nguyễn Ái Quốc lừng danh trên diễn đàn chính trị và cách mạng, còn Hồ Chí Minh đang giữ vị trí “trọng tài” trong bàn cờ chiến tranh Thái Bình Dương, mà Người đang giương cao ngọn cờ chiến thắng cho các dân tộc bị áp bức bóc lột trong khu vực. Liên hệ như thế, người đời đương đại và mai sau thấy rõ từng bài thơ trong Nhật ký trong tù đều là thành tựu lao động sáng tạo nghệ thuật của Hồ Chí Minh là ở tầm vĩ nhân, thần thánh của dân tộc Việt Nam hiện đại:


Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ
 

Thiên binh vạn mã cộng khu trì
退   

Tấn công thoái thủ ưng thần tốc
 

Cao tài tật túc tiên đắc chi

     

Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế
     

Kiên quyết thời thời yếu tấn công
     

Thác lộc song xa dã một dụng
     

Phùng thời nhất tốt khả thành công
     

Song phương thế lực thản bình quân
     

Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân
     

Công thủ vận trù vô lậu trước
     

Tài xưng anh dũng đại tướng quân

Bản dịch:

Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi,
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người

Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết, không ngừng thế tấn công
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công

Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công, phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xứng danh

                           (Văn Trực – Văn Phụng)

Con Người thi nhân Hồ Chí Minh thoát thai từ một dân tộc “phận nghèo nước mất dân nô lệ”(5) đã và đang muốn “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (6) trước toàn thể loài người. Cũng có lúc Hồ Chí Minh xác định mình là người lính trực tiếp xung trận đấu tranh:

      

Ninh tử bất cam nô lệ khổ
      

Nghĩa kỳ đáo xứ hựu phiêu dương
      

Khả liên dư tố tù trung khách
      

Vị đắc cung thân thướng chiến trường

Bản dịch:

Thà chết chẳng cam nô lệ mãi
Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền
Xót mình giam hãm trong tù ngục
Chưa được xông ra giữa trận tiền.

(Nam Trân)

Hồ Chí Minh là người chiến sĩ kiên cường trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bị áp bức bóc lột. Người đã hoạt động lâu năm nên kinh nghiệm dày dạn của Người đã hun đúc được đức tính “Kiên trì và nhẫn nại/không chịu lùi một phân/ Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần.” Bài Tự miễn (Tự răn mình) Người viết:

    

Một hữu đông hàn tiều tụy cảnh
    

Tương vô xuân noãn đích huy hoàng
    

Tai ương bả ngã lai đoàn luyện
使     

Sử ngã tinh thần cách kiện cường

Bản dịch:

Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

                                             (Nam Trân)

Suy nghĩ trong lúc bị cùm kẹp trong nhà giam là vậy, khi bị lính áp tải di chuyển đến nhà lao khác, Hồ Chí Minh vẫn ung dung tự tại, coi thường hiểm nguy, vẫn hướng tới một niềm tin thắng lợi ngày mai của cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại quyền sống, giành lại quyền độc lập dân tộc. Nhân chuyện đi đường, Người đã khái quát một một hành trình tri thức cuộc sống từng trải:

     

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
    

Trùng san chi ngoại hựu trùng san
     

Trùng san đăng đáo cao phong hậu
     

Vạn lý dư đồ cố miện gian.

Bản dịch:

Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

Trên thực tế diễn biến sự kiện Hồ Chí Minh bị Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giam hơn một năm là do phương tiện liên lạc lúc đó còn bị hạn chế. Thứ nữa, Tưởng Giới Thạch cũng đang xử lý mọi việc “rối như canh hẹ”, chắc cũng không thể quan tâm được cụ thể từng việc, hoặc cũng có khi quan lại địa phương ủy thế cậy quyền mà làm càn. Mặc dù chỉ ngay sau khi Hồ Chí Minh bị bắt khoảng hơn một tháng, với danh nghĩa Phân hội Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo (cơ quan thuộc Hội chống xâm lược quốc tế) đã gửi điện cho Viện trưởng Viện Lập pháp của Quốc dân Đảng Trung Quốc tại Trùng Khánh yêu cầu thả Hồ Chí Minh. Chánh văn phòng TW Ngô Thiết Thành lệnh cho chính quyền Quảng Tây “xét và phóng thích”. Ngày 9-8-1943, Trương Phát Khuê ở Đệ tứ chiến khu cũng nhận được yêu cầu thả Hồ Chí Minh. Chỉ vì quanh co uẩn khúc nhiều chặng đường di chuyển nhà giam hay còn một lý do nào khác mà mãi đến ngày 10-9-1943, Hồ Chí Minh mới được trả tự do. Căn cứ vào văn bản Nhật ký trong tù thì có thể từ đầu tháng 2 năm 1943, Người chỉ còn bị quản thúc tại Cục Chính trị của Đệ tứ chiến khu. 12 bài thơ trước bài Trời hửng được sáng tác trong khoảng thời gian này.

   Nhật ký trong tù ra đời đã được 70 năm. Con người và sự kiện lịch sử đã đánh dấu một trang sử vàng thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Bài học lạc quan cách mạng, kiên trí chịu đựng mọi gian lao thử thách nhất định sẽ góp phần củng cố niềm tin vào tương lai huy hoàng của công cuộc đổi mới tư duy kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam. Vấn đề dự báo chiến lược trong thương trường, trong bảo vệ và xây dựng đất nước, trong quan hệ ngoại giao, trong định hướng xây dựng nền quân sự hiện đại, nền văn hóa mới đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đang là thiết thực.







 (1) Những bản dịch thơ Nhật ký trong tù chúng tôi sử dùng trong bài đều căn cứ theo bản in năm 1960, Nxb. Văn học, H. và công trình Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, Nxb. Giáo dục, H,1995

(2) Lênin toàn tập, tập 27, Nxb. Sự thật, H, 1963

(3) Nhật ký Diên An ngày 18 tháng Tư năm 1943 của P.P. Vla- đi- mi- rốp có nhận

(4) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Văn học, H, 1970

(5) Lịch sử hiện đại, tập II, Nxb. Sự thật, H, 1963

(6) Thơ Tố Hữu

(7) Thơ Nguyễn Đình Thi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét