Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

NHỚ MÃI TIẾNG CƯỜI SẢNG KHOÁI, GIỌNG NÓI TRẦM VANG CỦA CHỦ TỊCH NGUYỄN KÝ

                                                                                                                             PHẠM QUANG ÁI
Sở văn hóa Hà Tĩnh




   Qua điện thoại một người bạn báo tin: ông Nguyễn Ký, nguyên các chức: Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (1989-1991), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (1991-1996), Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (1998-2004) đã từ giã cõi tạm về chốn thiên thu vào lúc 7h NGÀY 21 THÁNG 4 NĂM 2020. Nghe tin buồn mà thấy thảng thốt trong người. Mấy hôm trước, tôi còn gọi điện cho ông hỏi xem đợt cấm túc phòng dịch này ông có ở nhà không, để đưa ông xem mấy tài liệu về danh nhân Trần Trọng Kim mà học giả, giáo sư sử học Phạm Cao Dương đã gửi cho tôi từ California (Hoa Kỳ) về vào dịp cuối năm 2019. Nói đến tài liệu mới về Trần Trọng 
Kim, ông háo hức lắm. Ông cười khà khà một cách khoái trá, bảo rằng đợt này thì mình ở nhà không“chạy rông” (khẩu ngữ ông hay dùng để trỏ những chuyến đi thực tế của mình)như dạo trước, cứ chờ cho khi nào Chính phủ có lệnh dỡ bỏ phong tỏa cậu đến, anh em ta đàm đạo với nhau. Về địa vị xã hội, ông là một cựu quan chức cao cấp rất được mọi người kính trọng, về tuổi tác, ông đáng bậc cha chú của tôi, nhưng ông thường giản dị, xuề xòa bảo cứu gọi nhau là anh em cho thân tình, dễ gần, dễ đối thoại. Cung kính không bằng tuân lệnh, tôi chọn cách gọi ông là bác và xưng em cho thân mật.    

 Ông và tôi có duyên gặp gỡ và thân nhau cũng từ đầu mối cùng quan tâm đến danh nhân Trần Trọng Kim. Chả là, từ năm 2005, khi tôi được điều về làm ở Ban Dự án Đại học Hà Tĩnh, có dịp được làm việc trực tiếp và thường xuyên gần gũi anh Hà Văn Thạch, lúc đó là đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách khối văn xã, tôi có tâm sự với anh Thạch về việc tổ chức nghiên cứu, hội thảo để chuẩn bị cho việc kỷ niệm 130 năm sinh và 60 năm mất cụ Trần Trọng Kim (1882-1953). Anh Thạch cũng rất quan tâm về cụ Trần, anh sốt sắng bảo, việc này chú đến gặp Võ Hồng Hải (đương là Giám đốc Sở VHTHDL) và cụ Nguyễn Ký. Tôi đến tìm gặp ông Nguyễn Ký tại nhà riêng và cảm thấy rất bất ngờ vì trong lúc sơ ngộ đã được ông tiếp đón một cách rất thân tình nhưng cũng rất trọng thị. Trước đó khá lâu, tôi đã nghe khá nhiều chuyện về ông, giai thoại có, thị phi có nhưng đến khi trực diện đàm đạo tôi cảm nhận rất rõ: ông là một người rất “thường dân”, toát lên từ thần thái của người đối diện là một con người chân tình, lão thực, lịch thiệp và có phong độ trí thức thực sự. Ông có một tri thức sống phong phú, đa dạng, sâu sắc và luôn quan tâm đến nhiều mặt của xã hội. Từ con người ông tôi không nhận thấy bất cứ một biểu hiện quyền uy, quan cách,  bất cứ dạng nào ông cnũg ân cần, tận tâm 
tiếp đón niềm nở,
chăm chú lắng nghe và ôn tồn trao đổi lại một cách rất từ tốn, khiêm nhường mặc dù đối với ông, tôi chỉ là một nhà giáo đáng tuổi con cháu. Ông có một gương mặt rất dễ mến, vầng trán cao, giọng nói trầm vang, ấm áp và đôi mắt như biết cười, luôn ánh lên tia sáng thông tuệ.
                                                                
   Trong buổi ban đầu gặp gỡ, khi trao đổi về Trần Trọng Kim, lắng nghe tâm nguyện của tôi, ông sôi nổi đồng tình và hối tôi lập tờ trình để cùng ông lên tham vấn lãnh đạo tỉnh. Sau nhiều lần trình bày, cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, được Bí thư TU bút phê chỉ đạo các cơ quan hữu quan tham mưu cho thường trực tỉnh ủy lên kế hoạch hội thảo, kỷ niệm. Nhưng rủi thay, công quả của chúng tôi đã đổ sông đổ bể vì một sự phản đối kỳ quặc của ông Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam thời đó với Ban Tuyên giáo TW. Tuy việc tốt không thành nhưng sự kết giao của chúng tôi ngày càng bền chặt. Hễ có vấn đề thời sự gì nổi bật, chúng tôi lại gặp nhau hoặc điện đàm trao đổi với nhau. Không chỉ vậy, trong đời thường luôn quan tâm đến nhau. Vào dịp lễ tết, tôi thường chủ động đến nhà hoặc gọi điện chúc mừng ông và gia đình. Cũng có lúc do công việc lu bu, tôi chưa kịp gọi thì ông đã gọi chúc mừng, hỏi han tôi trước. 
                     
   Ông Nguyễn Ký sinh ngày 27 tháng 11 năm Canh Thìn (tức 25 tháng 12 năm 1940). Theo tử vi thì người tuổi này có tính độc lập, sáng tạo trong lối sống và suy nghĩ, thích tranh luận, đối thoại, cả quyết, dám nghĩ, dám làm nhưng không độc đoán, có thiên hướng làm thủ lĩnh, lãnh đạo nhưng không quan liêu, quan cách. Đời sống tâm hồn cởi mở, có năng lực khám phá, phán đoán, có tư chất nghệ sĩ, dễ dàng thích nghi với các hoàn cảnh sống khác nhau và có sức hấp dẫn, thu hút người khác. Qua ấn tượng, sự tri nhận trực tiếp và gián tiếp về ông, tôi thấy những luận đoán tử vi này khá đúng. 

     
   Là một quan chức cao cấp trưởng thành từ cơ sở, tuần tự nhi tiến mà lên nhưng qua chuyện trò thân tình, tôi chưa thấy ông tỏ ý khoe chính tích, khoe tài giỏi, cũng như chưa thấy ông phàn nàn, nói xấu một ai, mặc dù đời ông chắc gặp không ít kẻ chơi xấu. Điều ông quan tâm nhất là những giá trị di sản lịch sử - văn hóa của quê hương và những vấn đề nhân sinh cấp bách hiện nay. Ông là người sớm tỏ ý băn khoăn về lợi hại của Khu liên hợp gang thép Vũng Áng từ khi nó mới manh nha. Ông viết hẳn mấy bài về vấn đề này, trực tiếp hoặc gián tiếp tham luận để lãnh đạo tỉnh và TW quan tâm. Thậm chí, ông đã cho công bố một bài trên một trang mạng xã hội nổi tiếng chuyên phản biện các vấn đề chính trị - xã hội. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến vốn văn hóa cổ truyền của địa phương và những vấn đề văn hóa đương đại. Năm 2012, khi viết bài về ý tưởng xây dựng du lịch làng cổ ở Hà Tĩnh (qua trường hợp làng Trường Lưu) để đăng tạp chí Văn  hóa và dự thi Giải báo chí Trần Phú, tôi tham bác ý kiến ông và được ông nhiệt tình chỉ bảo nhiều điều giá trị, trong đó, ông rất tán đồng quan điểm của tôi về việc bảo tồn cảnh quan làng cổ từ đường đi, cây cối, lối ngõ, các công trình kiến trúc công cộng vốn có từ xưa,…Sau này, tronng cuộc họp cộng tác viên Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh vào cuối năm 2018, một cộng tác viên gạo cội đặt vấn đề Tạp chí nên chủ trương tổ chức cộng tác viên viết về việc bảo tồn cây cổ thụ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, khi rất nhiều hàng cây đẹp, có giá trị cảnh quan văn hóa đã bị chặt phá để xây dựng hàng rào bê tông theo lối đô thị hóa. Ông Ký ngồi cạnh tôi nhếch mép cười, nhắc khẽ: Chú có nhớ bài viết của chú về làng cổ du lịch năm 2012 nữa không?!                                            
   Những năm sau này, khi Hà Tĩnh chia tách huyện Kỳ Anh (cũ) thành huyện Kỳ Anh (mới) và Thị xã Kỳ Anh, ông Nguyễn Ký có nhiều băn khoăn, trăn trở về tính thống nhất của đơn vị hành chính này từ quan điểm văn hóa, về số phận của huyện lỵ Dinh Cầu (trong quá khứ, có lúc đã là tỉnh lỵ). Ông thường xuyên đi về thăm viếng làng quê Kỳ Khang của ông, quan tâm, gợi ý tôi viết về những di tích, di chỉ như giếng vuông ở Kỳ Khang, núi Bàn Độ, suối Việt Tỉnh (khe Vọt),…để tổng hợp lại mà chỉ ra tính thống nhất từ xa xưa về văn hóa của địa phương này. 

   Mặc dù công quả của chúng tôi về hội thảo, kỷ niệm để hoằng dương giá trị văn hóa, giáo dục của Trần Trọng Kim chưa thành, nhưng ông vẫn rất kiên trì, luôn nhắc tôi sưu tầm tư liệu để nghiên cứu và viết thêm thật nhiều về cụ. Ông cũng rất tâm đắc về minh triết bảo quốc an dân trong các thư tịch, truyền thuyết về các danh nhân văn hóa-lịch sử ở Hà Tĩnh như Thánh mẫu Bích Châu, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, cha con danh nhân Đặng Tất - Đặng Dung, anh em danh sĩ Lê Quảng Chí – Lê Quảng Ý, những truyền thuyết xung quanh núi Hồng Lĩnh, núi Hoành Sơn và Đèo Ngang,…Trong dịp Tết năm Canh Tý này, ông còn hẹn gặp tôi để bàn về việc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết để thành lập một câu lạc bộ Minh triết xứ Nghệ tại Hà Tĩnh. Than ôi, bao nhiêu dự định tốt đẹp đang chờ để cùng nhau thực hiện mà Người đã đột ngột ra đi chỉ vì một cơn nhồi máu cơ tim! Vẫn biết cuộc đời là vô thường, sinh hữu hạn tử vô kỳ, ông cũng đã lên bậc đại thọ mà sao tôi thấy bàng hoàng, hụt hẫng đến thế! Từ nay không được nghe giọng cười sảng khoái, tiếng nói trầm vang; không được thấy đôi mắt tinh anh luôn nheo cười trên bộ mặt thường rạng rỡ, tự tin của ông nữa, ông Nguyễn Ký ơi! 

Khói hương dẫn nẻo Người đi, 
hồn còn ở lại vân vi với đời.
Từ nay trong cuộc rối bời,
Ai người gỡ mối, ai người sẻ chia.
Người về thế giới bên kia,
Hồn còn vương vấn miền quê khó nghèo.
Khi hôm sớm dạo đỉnh đèo,
Ngang hay dọc, sóng biển neo khối tình !
   Vô cùng thương tiếc một cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh  - người có tầm nhìn chiến lược văn hóa, có quan hệ tình người bình dị, nồng ấm - Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết đã gửi bức trướng kính viếng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét