Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

CẢM THỨC THI CA VIỆT NAM CỦA TRƯƠNG SỸ HÙNG MỘT ĐÓNG GÓP MỚI TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC




Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU


     Mấy vần thơ nhật trình của Hồ Chí Minh, Thoáng gặp thơ xưa, Thơ nhạc trong ký sự lịch sử của Phạm Việt Long là ba phần trong cuốn sách Cảm thức thi ca Việt Nam ( Tập I) của giáo sư, tiến sỹ Trương Sỹ Hùng. Cho dù đây chỉ là tập 1, nghĩa là sẽ còn những tập khác, nhưng tôi thấy tác giả đã dựng lên một cấu trúc thời gian trọn vẹn cho lịch sử thi ca Việt Nam. Từ một số nhà thơ cổ điển mà đại diện là thi hào Nguyễn Du đến nhà thơ, nhà văn hóa, nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh và tác giả đương đại Phạm Việt Long. Mỗi một giai đoạn thi ca Việt Nam mà cuốn sách đề cập đều gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Cũng như mỗi nhà thơ trong tập này làm nổi bật một nét đẹp của ngôn ngữ thi ca. Đó là vẻ đẹp văn hóa Việt và minh triết Việt.
     Bàn luận về một số bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sáng tác trong những chuyến đi của người là giáo sư, tiến sỹ Trương Sỹ Hùng bàn đến văn hóa và tư tưởng trong một nhà chính trị lỗi lạc, một danh nhân văn hóa. Mỗi bài thơ trong mỗi chuyến đi của chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản tuyên ngôn về văn hóa và tình yêu con người của dân tộc Việt Nam, vừa mới giành được độc lập sau một thời gian dài làm nô lệ và kể cả trong những ngày bị tù đày. Lúc đó, thế giới có thể chưa hiểu nhiều về Việt Nam thì qua những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ sẽ thấy được từng nét bản chất văn hóa, tư tưởng và khát vọng của con người Việt Nam. Và những bài thơ như vậy chính là những diễn văn tin cậy nhất của một lãnh tụ cao nhất, công bố về tổ quốc mình. Khi chúng ta hiểu được tình thế của Việt Nam trong bối cảnh lịch sử đó, chúng ta sẽ hiểu giá trị lớn lao trong những chuyến đi và những bài thơ được sáng tác trong hoặc từ những chuyến đi đó để tạo nên khát vọng của một con người và một vị thế mới của dân tộc.
     Bàn về những tác phẩm thi ca của thi hào Nguyễn Du, chọn Truyện Kiều là một lẽ đương nhiên. Nhưng ở đây giáo sư, tiến sỹ Trương Sỹ Hùng đã chọn Văn chiêu hồn và đã làm sáng tỏ vô cùng sâu sắc một áng văn thực sự bất hủ không chỉ của thi ca Việt Nam, mà còn là của thi ca nhân loại. Với sự am hiểu sâu sắc về thể loại, với những đặc tính và ngôn ngữ thể loại của Văn chiêu hồn, tác giả đã cho người đọc thấy được tư tưởng nhân loại của thi hào Nguyễn Du. Với cách tiếp cận đầy cảm hứng và khoa học, giáo sư, tiến sỹ Trương Sỹ Hùng cho thấy thơ ca của đại thi hào Nguyễn Du chứa đựng tính nhân bản cao cả của người Việt Nam, ở đó cho thấy độ sâu của tư tưởng, sự huyền diệu của tiếng Việt
     Mỗi bài thơ được giáo sư, tiến sỹ Trương Sỹ Hùng mở rộng ra với tất cả những gì liên quan trực tiếp và gián tiếp đến bài thơ đó. Chính vì thế nhà nghiên cứu đã cho chúng ta nhìn thấy một chiều kích khác của những bài thơ mà chúng ta đã từng đọc. Ngoài những vấn đề của văn hóa và lịch sử liên quan đến bài thơ hoặc là thời đại mà bài thơ ra đời, những phân tích, theo “cảm thức” của Trương Sỹ Hùng còn cho chúng ta thấy được tuổi thơ, gia đình, công việc, bạn bè của nhà thơ. Tất cả những điều đó nhằm dựng lên một bộ hồ sơ hoàn hảo nhất về chủ thể sáng tạo. Bởi tất cả những điều đó đều có tác động, ảnh hưởng đến cảm quan, tư duy, ngôn ngữ và tư tưởng của nhà thơ và rồi nó được hiện ra trong ngôn từ, hình ảnh, biểu tượng và cấu trúc của tác phẩm.
     Giáo sư, tiến sỹ Trương Sỹ Hùng thấu hiểu sự sinh ra của một bài thơ. Đó chính là lý do ông dựng lên một bộ “hồ sơ” quan trọng về cuộc đời nhà thơ, về các mối quan hệ xã hội, về những biến cố lịch sử trong thời đại nhà thơ sống, về môi trường văn hóa mà nhà thơ tiếp nhận….Tất cả những điều đó trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên cảm hứng và tư tưởng cho những sáng tạo của nhà thơ. Và để hiểu một cách đầy đủ nhất một tác phẩm thi ca, người đọc cần hiểu rõ mọi liên quan đến đời sống tinh thần của nhà thơ đã sáng tác ra tác phẩm thi ca ấy.
     Thông qua những cảm nhận, những nghiên cứu và việc giải mã các hình ảnh, biểu tượng…của tác phẩm thi ca, nhà nghiên cứu Trương Sỹ Hùng đã từng bước làm sáng tỏ và cho người đọc thấy được lịch sử, văn hóa, tư tưởng và chiều kích của tiếng Việt. Người đọc không chỉ được tiếp tận vẻ đẹp thi ca Việt, ngôn ngữ Việt, tâm hồn Việt mà còn tiếp cận với cả một nền văn hóa, một lịch sử dân tộc được tác giả dựng lên từ những tác phẩm thơ cụ thể. Với cách cảm nhận và nghiên cứu của mình, tác giả Trương Sỹ Hùng đã dựng lên tinh thần tôn vinh văn hóa dân tộc thông qua tôn vinh những giá trị thơ ca cũng như kêu gọi sự tôn kính với văn hóa truyền thống và kêu gọi lòng yêu nước. Cách tiếp cận thi ca của ông khác với cách tiếp cận thi ca của những nhà phê bình, nghiên cứu văn học khác. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho bạn đọc nhận ra những góc nhìn mới mẻ của những tác phẩm thi ca, tưởng như đã được mặc định một cách nhìn trong hàng chục, hàng trăm năm qua.
     Đóng góp của giáo sư, tiến sỹ Trương Sỹ Hùng là một đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học về thi ca Việt Nam hay nói rộng hơn là nghiên cứu về ngôn ngữ Việt, tâm hồn Việt, minh triết Việt và văn hóa Việt.


    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét