Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

TẠI SAO TA PHẢI ‘’THOÁT TRUNG’’?


Gần đây trong khi toàn thế giới đang tập trung mọi nguồn lực để chống đại dịch covid thì Trung Quốc lại lợi dụng tình thế, gây hấn với Việt Nam trên biển Đông. Nhà văn Hoàng Quốc Hải có một bài viết công phu trên trang mạng TỄU, nhà nghiên cứu kinh tế Trần Đình Thiên có cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh chủ đề, và nhà Trung Quốc học Nguyễn Hải Hoành biên dịch một bài nghiên cứu có tính tổng hợp. Bạn đọc có thể thấy ở đây mỗi tác giả có một chủ kiến khác nhau, nhưng tôn trọng các tác giả, THÔNMINHTRIẾT gộp lại đăng cùng lúcgửi đến bạn đọc những gợi cảm tùy ý.


HOÀNG QUỐC HẢI
 

Kính gửi nhà văn Ngô Thị Kim Cúc.
   Bạn có nhã ý mời tôi viết bài cho ‘’Văn Việt’’với một số câu hỏi gợi ý đề tài. Trong đó có phần về lịch sử rất thú vị.  Đang chuẩn bị viết thì trên mạng xã hội rộ lên các đề xuất với Nhà nước, nhân dịp nạn Covid-19 xuất xứ từ Vũ Hán, làm cho nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, khiến ta cũng đứng ngồi không yên.Vì rằng, nhiều ngành sản xuất của ta có tới 80% nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện nay nguyên liệu dành cho sản xuất chỉ dự trữ được 2 tháng. Qúa hạn đó, hàng loạt nhà máy đóng cửa.Tức là nếu Trung Quốc có sự cố, thì cả nhập lẫn xuất của kinh tế Việt Nam đều lao đao.
   Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan gợi ý Nhà nước phải nhanh chóng nắm lấy cơ hội này, cơ cấu lại nền kinh tế, phải đa phương và đa dạng hóa các đối tác đầu vào cũng như đầu ra.

   Thật vậy, ngoài Trung Quốc, ta còn nhiều đối tác tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Đặc biệt ta vừa ký hiệp định EVFTA với EU. Đó là cơ hội vô cùng thuận lợi cho ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

   Nhiều người cho đó là cơ hội "Thoát Trung’’. Đúng vậy, đây chính là cơ hội vàng để ta gỡ cái ách phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc từ mấy chục năm nay. Việc này nếu Nhà nước quyết liệt cùng với khối doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh, trong ngắn hạn ta có thể làm được. Nhưng chớ để khối quốc doanh làm chủ đạo, sẽ thất bại, sẽ mất cả chì lẫn chài, không chừng còn bị cột chặt vào Trung Quốc như một cái đuôi.

   Tuy nhiên, muốn ‘’Thoát Trung’’chỉ riêng về kinh tế không thì sẽ không bao giờ thoát nổi. Muốn ‘’Thoát Trung,’’ là phải thoát về mặt văn hóa, về ý thức hệ, về tư duy độc lập.

   Vấn đề là ở chỗ đó, chỉ khi nào ta có tư duy độc lập, khi đó ta mới thoát ra khỏi sự ràng buộc vô hình của văn hóa Trung Hoa. Chỉ khi ấy,ta mới thật sự là ta.

   Bạn Ngô Thị Kim Cúc thân mến,nhân chuyện này,tôi xin chuyển đề tài sang việc ‘’Thoát Trung’’.Nhưng thoát về ý thức hệ,về tư duy độc lập; nói chung là phải ‘’Thoát Trung’’ về mặt văn hóa.

   Xin thưa, đây là việc làm nghiêm túc có quan hệ đến vận mệnh của cả dân tộc,chứ không phải chuyện phiếm nơi bàn trà,hoặc chém gió nơi xó bếp.Và cũng nói luôn, bàn đến vận mệnh đất nước là quyền của mọi công dân theo đúng Hiến Pháp hiện hành, không ai được phép độc quyền yêu nước.

   Nhớ khi ta toàn thắng quân xâm lược nhà Minh thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết ‘’Bình Ngô đại cáo,Người đã khẳng định: “Duy ngã Đại Việt chi quốc. Thực vi văn hiến chi bang.Sơn xuyên chi phong vực ký thù.Nam-Bắc chi phong tục diệc dị.’’ (Nghĩa là: Như nước Đại Việt ta từ trước.Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Non sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc-Nam cũng khác. – (Ngô Tất Tố dịch).

   Phong tục chính là biểu hiện của văn hóa. Điều Nguyễn Trãi khẳng định, có nghĩa là văn hóa nước ta với văn hóa Trung Hoa là hai dòng chảy khác nhau. Độc lập về bờ cõi, phải đi đôi với độc lập về văn hóa mới là một quốc gia độc lập hoàn chỉnh. Không những thế, Nguyễn Trãi còn khẳng định nước ta là một nước văn hiến. Quốc gia ấy ‘’Cùng với Hán – Đường hùng cứ một phương’’.

   Tiếc rằng tinh thần độc lập tự chủ đó, cứ dần dần mai một, do chính quyền các đời nối tiếp không đủ tầm vóc duy trì, và từng bước ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Hoa.Đặc biệt từ khi giới cầm quyền Việt Nam thiên trọng về Nho giáo,rồi độc tôn Nho giáo,tiến tới nô lệ cho Nho giáo cả về tư duy triết học lẫn nhân sinh quan xã hội.

Vậy là cả thế giới quan lẫn nhân sinh quan của tầng lớp trí thức phong kiến Việt Nam, từ nhà Lê kéo tới nhà Nguyễn (hơn 500 năm) đều bị trói chặt vào tư duy Khổng-Mạnh.Do đó,tuy ta có thắng quân xâm lược nhà Minh,nhà Thanh, độc lập tự chủ về mặt bờ cõi,nhưng cả thế giới quan và nhân sinh quan vẫn bị chi phối bởi Nho giáo.Đặc biệt nhà Nguyễn,không chỉ ảnh hưởng mà còn sao chép từ việc tổ chức bộ máy đến luật lệ,thậm chỉ cả y phục và tên làng xã, từ tên Nôm phải đổi thành tên Hán-Việt. Ví dụ, Kẻ Mơ phải đổi thành Hoàng Mai. Làng Neo đổi thành Xuân Nẻo v.v… Nghiã là mọi thứ nhà vua đều bắt toàn dân toa rập theo kiểu người Trung Hoa, như một tên đầy tớ mong bắt chước sao cho thật giống ông chủ.Sở dĩ có tình trạng thảm hại trên,là bởi giai cấp thống trị nước ta không đủ tầm vóc văn hóa để thoát Trung từ cái nhỏ nhất.

   Vua Minh Mạng bắt phụ nữ cả nước phải vận áo quần cho giống với người Trung Hoa, rất may là nhân dân ta đủ thông minh để âm thầm chống lại, nhằm bảo tồn sắc thái dân tộc.Cho dù đã hai lần nhà vua xuống dụ khiển trách quan lại từ Linh Giang (sông Gianh) ra Bắc, vẫn còn để dân chúng mặc “quần một ống”(váy), mà không chịu cải đổi cho có mĩ quan như người Bắc quốc.

   Lịch sử nước ta phải thừa nhận Minh Mệnh là một vị vua giỏi.Thời Minh Mệnh trị vì địa vị nước ta nổi nhất Đông Nam Á, cường thịnh nhất Đông Nam Á; và bờ cõi cũng rộng lớn nhất so với trước kia và cả ngày nay. Tuy vậy, vua Minh Mệnh cũng không đủ tầm vóc để vượt khỏi tư duy Khổng-Mạnh.

   Trái lại, người dân có ý thức tự bảo tồn văn hóa dân tộc, cho nên tới trước 1945, trên 90% phụ nữ phía bắc nước ta vẫn còn vận váy. Đặc biệt phụ nữ nông thôn thì 100% vận váy. Chính vì có sức mạnh văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong nông thôn, nên dù có trải qua đêm trường Bắc thuộc, thực dân Trung Hoa cũng không tài nào đồng hóa nổi nhân dân Việt Nam.

 Thật vậy, ngoài cái rừng phong tục, chúng ta còn có ngôn ngữ, huyết thống, truyền thống, lịch sử và nhiều thứ khác nữa vẫn được nhân dân, đặc biệt là người dân trong các làng xã bảo tồn; mà mỗi làng xã tựa như một pháo đài bất khả xâm phạm. Bọn thực dân nắm quyền cai trị, chỉ có một dúm quan lại người bản xứ làm tay sai cho chúng tại các lỵ sở làm các công việc hành chính,còn nông thôn vẫn giữ được tính độc lập tương đối.

   Có một chuyện hết sức cảm động, và cũng là một tấm gương về bảo tồn văn hóa dân tộc, để giữ gìn quốc thể. Đó là vào khoảng năm 1788, khi biết ngôi nước của mình bị lung lay, vua Lê Chiêu Thống bèn chạy sang Tàu, cầu cứu nhà Mãn Thanh. Trong số các cận thần tòng vong có Lê Quýnh.Nhưng khi quân Thanh bị vua Quang Trung đánh bại.Và Càn Long cũng thấy sức mạnh của Đại Việt lúc này là không thể xem thường.Nên Càn Long đã chính thức giao thiệp với Quang Trung mà coi vua tôi Lê Chiêu Thống như những kẻ tị nạn chính trị.Họ chu cấp cho Lê Chiêu Thống còn tạm được, nhưng những người tòng vong bị đuổi về một miền quê xa xôi,cấp cho đất đai tự cấy trồng lấy mà sinh sống.Biết thân phận của kẻ sa cơ, nên họ cũng chẳng phản ứng gì.Nhưng khi nhà Thanh bắt họ phải gọt tóc và thay đổi y phục, cho giống với dân Tàu thì họ không chịu.Lê Quýnh đã phản ứng quyết liệt,không cho chúng đụng đến thân thể mình.Ông nói:’’Ngã bối đầu khả đoạn,phát bất khả thế.Bì khả tước,phục bất khả dịch dã’’( nghĩa là-Có thể chặt đầu ta,nhưng không thể cắt được tóc ta.Có thể lột da ta,nhưng không thể bắt được ta phải cải đổi y phục.)Đương nhiên là giặc giết Lê Quýnh.

   Lê Quýnh nhẹ dạ mà nhất thời chịu tiếng ngu trung,nhưng trước sau ông vẫn ý thức được mình là người Việt Nam, phải bảo vệ văn hóa Việt Nam. Do vậy, lịch sử nước nhà không chỉ cảm thông mà còn kính trọng ông như một người yêu nước-người có lòng tự trọng dân tộc,người biết giữ gìn quốc sỉ.

   Thật vậy, nước Việt Nam sở dĩ hiên ngang tồn tại cho tới ngày nay, là nhờ nhân dân có ý thức lưu giữ và biết bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Khác xa với những kẻ vong bản làm tay sai cho giặc,luôn thỏa hiệp với giặc, thậm chí vào hùa với giặc, tiếp tay cho giặc để mạt sát nền văn hóa của chính tổ tiên mình.

   Việc không thủ tiêu nổi nền văn hóa Việt Nam, khiến người Tàu đến nay vẫn còn hậm hực. Ta nhớ,vụ giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014, tờ Hoàn Cầu thời báo, phụ bản của Nhân Dân nhật báo đảng cộng sản Trung Quốc lên tiếng than vãn:’’Không hiểu tại sao tổ tiên ta trước đây lại không đồng hóa được người Việt Nam. Nếu đồng hóa được họ, thì Biển Đông bây giờ còn kẻ nào dám tranh chấp với Trung Quốc.’’Ôi, giọng lưỡi kẻ xâm lăng!

   Rút kinh nghiệm đó, nhà cầm quyền Trung Quốc đang hối hả đồng hóa người Uygur (Duy-ngô-nhĩ). Duy-ngô-nhĩ mới bị nhà Thanh thôn tính năm 1785. Nước này có diện tích tới 1.600.000 km2, có biên giới với 8 quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…Vì là miền đất mới chiếm được, nên Càn Long cho tên gọi Tân Cương.Tức biên cương mới.Tên này được đặt vào năm 1821.

   Còn như Tây Tạng thì mãi 1950,Trung Quốc mới đem quân vào thôn tính. Đây là một quốc gia Phật giáo lâu đời, coi việc tu dưỡng tâm linh là mục đích tối thượng của cả dân tộc, nên việc binh bị là thứ yếu. Vì vậy, họ không đủ tiềm lực quân sự chống lại đội quân xâm lược Trung Hoa với cả một biển người hung bạo.

Hai dân tộc này đang bị đồng hóa với tốc độ chóng mặt. Ví dụ năm 1949, số lượng người Hán ở Tân Cương mới chỉ có 4% thì năm 1995, người Hán chiếm tỉ lệ 46%, năm 2000 người bản xứ chỉ còn chiếm 46%, người Hán 54%. Nhưng hiện nay như Phương Tây thông báo, thì họ lập những trại tập trung cực lớn, nhốt cả triệu đàn ông Duy-ngô-nhĩ vào đó lấy cớ là dạy nghề. Còn các gia đình người Duy-ngô-nhĩ thì cho lính Trung Quốc đến ở cùng.

   Chính sách man rợ này y hệt lũ giặc Minh tàn bạo đối với nhân dân ta thế kỷ 15.( Ai muốn rõ hơn tội ác của giặc Minh, xem trong Đại Việt sử ký toàn thư).Nghĩa là chúng sát phu hiếp phụ,nhằm thay máu người bản địa.

   Còn đối với Tây Tạng, họ đang cải đổi truyền thống tâm linh của xứ này.Tức là vị Đại Lạt Ma, theo truyền thống là sau khi tìm được hậu thân của Ngài.Tức là chờ Ngài tái sinh ở đâu đó.Có thể là trên đất Tây Tạng,cũng có thể là ngoài Tây Tạng.Vì thế việc tìm kiếm hậu thân của Ngài với cả dân tộc,như thể chuyện mò kim đáy biển.Nhưng chưa bao giờ người Tây Tạng lại không tìm ra vị thủ lĩnh tôn giáo của mình.Ngày nay Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong,nhưng vẫn giữ vị trí là bậc tối đẳng tối giác của nhân dân Tây Tạng.

   Dường như nhà cầm quyền Trung Quốc không chịu nổi việc này.Họ đang tìm cách thay thế chế độ hậu thân.Trước mắt,các cấp trưởng trong tổ chức hành chính của Tây Tạng,họ đã thay bằng người Hán,và các chức sắc tôn giáo Tây Tạng cũng có người Hán kèm cặp.Và họ cũng cấp tập di dân Hán tới Tây Tạng.Dần dần họ không chỉ pha loãng máu của các dân tộc Hồi ( người Duy-ngô-nhĩ theo đao Hồi), Tạng; biến họ thành dân tộc thiểu số, mà cơ bản là họ triệt tiêu văn hóa của các dân tộc này.Vì chỉ có thủ tiêu nền văn hóa của một dân tộc, thì mới biến được họ thành tộc người khác.

   Việc biến các dân khác thành dân của mình, người Trung Quốc có kinh nghiệm từ cả mấy ngàn năm rồi.Nghĩa là việc đầu tiên phải tước đoạt cho bằng được văn hóa của kẻ bị chinh phục,khiến dân đó chỉ còn cái thân xác rỗng tuyếch; từ đó họ mới thổi hồn Trung Hoa vào.Và chỉ vài thế hệ sau, dân đó tự nhận tổ tiên mình là Hoa Hạ hoặc Hán.Ví dụ sinh động nhất là từ thế kỷ thứ 12 trở về trước,người Trung Hoa khốn đốn với các dân tộc phương Bắc,mà họ gọi xách mé là ‘’Rợ Hồ’’.Đến nỗi nhà Tần phải đắp Vạn lý trường thành để ngăn chặn sự xâm nhập của người phương bắc.Nhà Hán phải đem cả cung phi nhan sắc bậc nhất là nàng Chiêu Quân sang cống cho người Hồ, để mua lấy sự yên ổn.Thế kỷ thứ 10-12 hết người Liêu đến người Kim chèn ép.Nhà Tống phải nhận triều cống thường niên,phải cắt đất cho nhà Kim để cầu hòa;thậm chí vua nhà Tống phải chấp nhận gọi Kim Ai tông là bá phụ ( bác-anh của bố),trong khi cậu vua nhà Kim nhóc con này mới 12 tuổi. Sang thế kỷ 17, người Kim đánh bại nhà Minh lập ra nhà Mãn Thanh.

   Nhà Thanh thống trị Trung Hoa từ năm 1649 đến cách mạng Tân hợi (1911),Trung Hoa mới trở thành Trung Hoa dân quốc.Nhưng năm 1939,nước Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu, đó là đất cũ của người Thanh,lập ra Mãn Châu quốc.

   Từ tháng 10/1949, Mãn Châu trở thành các tỉnh cực bắc của Trung Hoa.Nếu tính đến 1966,ngày 29 tháng 8 là ngày nhà văn Lão Xá nhảy xuống hồ Hòa Bình ở Bắc Kinh tự tử trong thời Cách mạng văn hóa, thì chỉ có 17 năm mà người Trung Hoa làm tiêu tan cả một nền văn hóa của người Mãn. (Trong khi người Mãn thống trị Trung Hoa tới 262 năm mà vẫn trắng tay. Không những mất hết mà còn bị đồng hóa thành giống dân khác ).Lão Xá chết là bởi ông không chịu nổi sức ép và cả sự kỳ thị của người Hán. Lão Xá chết,có nghĩa là nền văn hóa của người Mãn cũng cáo chung.Lão Xá là người cuối cùng viết tiểu thuyết bằng ngôn ngữ Mãn.Độc giả Việt Nam hẳn còn nhớ tiểu thuyết ‘’Tường Lạc Đà’’ nổi tiếng của ông.

   Vậy đừng có ai mơ hồ về lòng tốt của nhà cầm quyền Trung Hoa về tất cả mọi phương diện. Họ chưa hề hợp tác với ai một cách trung thực,dù cam kết đến mấy cũng vậy thôi.Các nước xung quanh họ, lớn nhỏ mặc lòng, họ đều tìm cách gậm nhấm biên giới đất đai của nước láng giềng. Họ kiên nhẫn đớp từng centimet. Thì cứ quan sát các vùng biên giới Việt-Trung là rõ. Thật đau lòng, khi ta biết khá nhiều quan chức Việt Nam chỉ biết nước mình trong các lâu đài hoặc các đô thị sầm uất, hoặc chỉ nhìn thấy hình hài Tổ quốc trên bản đồ, nhưng cũng chẳng hình dung nổi nó to nhỏ thế nào được ghi chú qua tỉ lệ xích. 



**


   Sau 1945, cả dân tộc Việt Nam vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập. Đây là cơ hội lớn để dân tộc ta vừa ‘’thoát Pháp’’vừa ‘’thoát Trung’’ một các vĩnh viễn.
   Nhưng vẫn không thoát nổi. Vừa tự chủ được nửa nước, thì tư tưởng lụn bại mới của Trung Hoa lại quàng vào dân tộc ta như một cái ách. Điển hình là cuộc ‘’Cải cách ruộng đất long trời lở đất’’. Cuộc cách mạng ruộng đất mang tầm hủy diệt văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Sức tàn phá của nó vẫn còn âm ỉ tới ngày nay. Đó là cái giá phải trả, (đắt khủng khiếp) của một thứ tư duy không độc lập. Nói cho chính xác là tư duy nô lệ. Và nên nhớ, nọc độc tư duy của giới cầm quyền Trung Hoa mọi thời đại đối với nước ta chưa bao giờ giảm thiểu. Sau cú đòn ngầm cải cách ruộng đất, là hai cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước, đều do người Tàu là kẻ thủ ác. Tưởng đây là bài học để giới lãnh đạo nước nhà tỉnh ngộ. Kíp đến các năm từ 1989-1991 khi khối XHCN Đông Âu và Liên Xô tan rã. Đây lại là thời điểm lịch sử có một không hai để Việt Nam thoát ra tất cả mọi thứ trói buộc. Đặc biệt là sự trói buộc về ý thức hệ. Ngày ấy, giới trí thưc Việt Nam đang hồ hởi đón nhận một thời cơ mới, có thể cải đổi vận mệnh dân tộc.

   Than ôi! Cái thời cơ ấy chẳng bao giờ tới nữa, bởi nó đã kịp trùm chụp lên đầu cả một dân tộc bằng ‘’Mật ước Thành Đô’’.Luồng gió độc hại ấy ầm ầm thổi tới,làm héo úa cả một đất nước vĩ đại, đang có đủ cơ hội trở thành một quốc gia hùng cường.

   Mật ước Thành Đô treo số phận dân tộc ra sao, tới nay tròn 30 năm, trên 90 triệu dân này chưa hề biết một tẹo nào, trừ một chi tiết được hé lộ qua hồi ký của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ. (Đó là trong Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc ép ta phải ký một số điều khoản mà theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là không thể chấp nhận được. Ông đề nghị phía ta nên khước từ để giữ tư thế một nước có chủ quyền. Nhưng lãnh đạo đoàn ta là các ông Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư Đảng cộng sản VN), Đỗ Mười, (Thủ tướng chính phủ VN) cứ quyết định ký.

   Thất vọng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch buồn bã giơ hai tay lên trời than: “Thế là lại Bắc thuộc lần thứ V rồi!” Tại sao lại đến nông nỗi này? Có gì khó hiểu đâu. Chung qui cũng bởi tầm nhìn không vượt thoát ra khỏi lối mòn, không lấy Tổ quốc và dân tộc làm mục tiêu trước hết và trên hết, nên cứ phải dựa dẫm thôi. Thậm chí dựa vào chính kẻ thù của dân tộc, mà bàn tay sắt máu của chúng sát hại đồng bào mình còn chưa kịp lau khô. Có người hỏi, đất nước ta hiện dẫn đầu Đông Nam Á, kể cả châu Á về tốc độ tăng trưởng GDP, và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì:’’Cả thế giới bị mây đen che phủ, riêng bầu trời nước ta sáng sủa’’.Như vậy thì văn hóa Việt Nam đáng tự hào lắm chứ. Nào là các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế, đoàn Việt Nam luôn xếp thứ hạng cao. Nào giáo sư toán học Ngô Bảo Châu là người trẻ nhất nhận giải thưởng toán học Field-một giải thưởng danh giá của giới toán học toàn thế giới.

   Và cũng là lần đầu tiên ở nước ta, có một đương kim thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) ra tận sân bay đón một tân khoa trẻ măng (Ngô Bảo Châu), khi vị tân khoa đó về thăm nhà. Đúng là suốt hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, ông Dũng lần đầu tiên (và cũng là duy nhất) thể hiện một hành vi từa tựa một người có văn hóa. Những thành tựu vừa kể đều rất đáng tự hào, nhưng những thứ đó chưa đạt tới tầm chiến lược vĩ mô về văn hóa của một quốc gia. Chưa đủ sức tự vệ lâu dài trước sức công phá của cơ man nào là đối thủ. Nhiều người còn lo lắng cho rằng, nền văn hóa Việt Nam chưa bao giờ mong manh và bị Trung Quốc chế áp mãnh liệt tới thô bạo như hiện nay. Nhiều người cùng quan điểm với nhận thức này. Nhưng cũng không ít người cho nhận thức đó có chiều hướng bi quan. Vâng, ta khoan phê phán, mà hãy bình tĩnh xem xét vấn đề một cách thật tỉnh táo,thật thấu đáo, thật là nhân văn, khoa học, nhưng cũng thật là quốc tế trên bình diện một thế giới phẳng. Tuyệt đối không sa đà vào tính kỳ thị hoặc dân tộc cực đoan.Nhưng phải căn cứ trên thực tế những gì đang diễn ra hằng ngày trên đất nước chúng ta từ vài chục năm nay, có tham chiếu quá khứ, có dự báo tương lai.

   Vậy những gì khiến ta phải lo lắng?-Với trách nhiệm là một công dân đã tham gia tới 3 cuộc chiến tranh (chống xâm lược Pháp; chống can thiệp Mỹ; chống xâm lược bành trướng Trung Hoa), tôi thật sự lo lắng cho tương lai của nền văn hóa Việt Nam đang có nguy cơ bị biến chất, kiểu biến đổi gien, khiến không phải một mai một chiều mọi người đều nhận ra gương mặt thật của kẻ thủ ác. Những đề cập sau đây là nhận thức của riêng tôi, có thể nhiều người không đồng tình. Ai đó không đồng tình, cứ bình tĩnh trao đổi trên cơ sở đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. (Xin lỗi, tôi nói trước, tôi sẽ không đối thoại mang tính phi học thuật, phi văn hóa) .

   Mời các bạn hãy cùng tôi khảo sát một vài tiệm sách trong các thành phố lớn.Sách nhiều vô số kể.Nhiều tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước, trước đây bị cấm xuất bản, nay thì in thoải mái. Đặc biệt, tất cả các loại sách của Trung Quốc thì thượng vàng hạ cám, không gì của Trung Quốc là người ta không in. Loại sách vô cùng độc hại là mê tín, dị đoan, phong thủy, thần bí…trước đây cấm ngặt, nay mặc sức tung hoành. Loại kiếm hiệp cổ, cận, hiện đại từ Phong thần đến Chinh Đông, Chinh Tây và Chưởng hiện đại. Bói toán thì từ Qủy Cốc, Chu Dịch,Tứ trụ đên Tử vi đẩu số,Tử vi hàm số…cơ man nào là sách thuộc các loại này.Từ triết học, lịch sử nghiêm túc đến các loại nhố nhăng giả cầy đều nghiễm nhiên chiếm phần lớn thị phần sách Việt Nam. Sách khảo cứu, sách chân dung nhân vật, tiểu thuyết đủ mọi trường phái…Nói chung các loại sách từ nghiêm túc đến độc hại; nhưng đa số là độc hại và vô bổ, chúng chiếm tới non nửa tổng số sách đang lưu hành trên thị trường sách nước ta hiện nay.

   Như vậy là nước ta đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, tự in những thứ nọc độc đó để đầu độc các thế hệ người Việt mình. Đây là sự tiếp tay hết sức ngoạn mục cho giặc ngoài. (Hẳn mọi người thấy hiện nay mọc ra rất nhiều nhà phong thủy giả cầy, nhiều nhà tử vi bói toán kiểu thầy bói vỉa hè. Họ tự do gieo rắc mê tín khiến nhiều dân lành khốn đốn vì họ. Nhiều người chết trong ngu tín mà không có định chế xã hội nào khống chế kẻ gây ác. Mà nguồn tội ác đó lại từ sách nhảm nhí Trung Hoa.)
   Trên kia là điểm về thị phần sách, nay thử điểm về thị phần phát sóng trên các kênh truyền hình của nước ta từ Đài truyền hình Trung ương đến Đài Truyền hình của hơn 60 tỉnh,thành phố.

   Suốt 24/24 giờ, mọi người thử mở xem, có lúc nào vắng bóng phim ảnh và các hình ảnh về Trung Quốc trong hệ thống truyền hình của cả nước? Thậm chí Đài Trung ương có khi cùng lúc tới hai, ba kênh cùng chiếu phim Trung Quốc.

   Còn về phát thanh thì sao? Phát thanh, tuy ta không tự nguyện dâng sóng cho Trung Quốc như Truyền hình, nhưng họ phát liên tục bằng tiếng Việt về đủ các thứ vào không gian nước ta. Đặc biệt với các tỉnh biên giới, từ phim ảnh đến tin tức thì với dân tộc nào, họ phát thanh và thuyết minh bằng ngôn ngữ dân tộc đó.

   Năm ngoái lên Hà Giang, tôi đã ở một bản người Mông và một bản người Khơ- mú, bà con mở ti vi hoặc mở radio bất cứ lúc nào cũng có chiếu phim Trung Quốc, lồng tiếng của đúng dân tộc đó,tin tức phát thanh cũng vậy.

   Đối với đồng bào các dân tộc nơi biên giới giáp với Trung Quốc, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi theo xe tuyên truyền văn hóa của Bộ văn hóa lên biên giới, thì người Trung Quốc đã làm việc này. Hồi đó, họ mới làm được phần phát thanh, còn truyền hình thì sau này mới có.Tức là việc xâm thực văn hóa, họ đã làm tới trên 50 năm rồi. Nhưng chưa hề thấy ta có một chủ trương nào để chống lại sự thôn tính văn hóa này của của người bạn láng giềng hiểm độc.

  Tới đây có người sẽ phản ứng:Trong một thế giới phẳng thì việc giao lưu văn hóa hoặc giao thoa văn hóa là chuyện bình thường. Hoặc Đài phát thanh của một quốc gia phát thanh bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, nhằm giới thiệu văn hóa và các thành tựu khoa học của nước mình với bạn bè Năm Châu cũng là chuyện bình thường.
     Đúng vậy, đó là tiêu chí của một thế giới văn minh. Nhưng ở đây người Trung Quốc đã cư xử một cách không văn minh. Với các dân tộc thiểu số của nước ta, rõ ràng họ đã dùng văn hóa để chiếm lĩnh mất phần hồn của bà con. Vì vậy, hiện nay văn hóa hóa chính thống của nước ta vào các vùng dân tộc ít người, một bộ phận không nhỏ coi như là thứ văn hóa xa lạ đối với họ. Điều đó có khác gì Trung Quốc đã làm việc này với người Mãn, và đang làm với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng. Nhiều người hẳn còn nhớ, trong những cuộc thi của Đài truyền hình Trung ương về ‘’Đường lên đỉnh Olympia’’cách đây khá lâu, với câu hỏi:’’Bạn hãy kể tên một vài anh hùng dân tộc’’. Ứng viên không cần một giây suy nghĩ, đáp luôn:’’-Thưa chị, Quan Vân Trường ạ’’. -Còn ai nữa? Đáp: -’’Thưa chị, Hai Bà Trưng và Trưng Trắc, Trưng Nhị ạ’’. (ở đây em học sinh đó hiểu Hai Bà Trung là một nhân vật. Và Trưng Trắc, Trưng Nhị là một nhân vật khác).

   Cách đây vài tuần, tôi xem trên mạng một youtube, trong đó Ban giám khảo là một vài nghệ sĩ có tên tuổi quen thuộc làm giám khảo cho mấy em nhỏ, khoảng từ 7-10 tuổi diễn vai các nhân vật Vương Triều, Mã Hán, Triển Chiêu trong phim Bao Công xử án của Trung Quốc. Các giám khảo gật đầu lia lịa và thích thú cười đến nghiêng ngả, khen các em không ngớt lời.

   Qủa thật các em bắt chước các vai diễn trong phim Bao Công xử án một cách hết sức ngoạn mục, từ lời thoại đến các hành động phim, nó là một bản sao không thể hoàn chỉnh hơn.

   Qua vài ví dụ trên, ta thấy:

   1/Một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số của ta chỉ quen với những gì họ tiếp nhận từ cách làm mang tính xâm thực văn hóa của người Trung Quốc, mà thực chất nó là một thứ xâm lăng văn hóa đúng nghĩa. Dần dần nó tẩy não cho sạch trơn những gì thuộc về Việt Nam. Cuối cùng là thân xác đồng bào thì sống trên đất ta, nhưng hồn cốt của họ đã thuộc về Trung Hoa.

   2/Trường hợp chú em học sinh thông minh, học giỏi dự ‘’Đường lên đỉnh Olympia’’, em thuộc nhân vật lịch sử Trung Hoa rất chính xác, và tưởng đó là anh hùng dân tộc của nước mình. Còn nhân vật lịch sử của ta, em nhớ rất mơ hồ.
   3/ Với trường hợp mấy thầy nghệ sĩ (phía Nam) làm giám khảo cho mấy bé diễn trò bắt chước các vai diễn trong phim ‘’Bao Công’’của Trung Quốc, thì cả thầy và trò đều tiếp nhận văn hóa Trung Hoa một cách ngọt ngào, hồn nhiên, tự nguyện với vẻ đầy hứng thú. Và sử dụng nó như một thứ hương hỏa, cha truyền con nối một cách hết sức hãnh diện.

   Qua 3 ví dụ trên cho ta rút ra nhận xét: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã sử dụng các loại hình nghệ thuật phức hợp một cách có hệ thống, thâm nhập vào đầu óc người Việt Nam một cách hết sức tinh vi, nhẹ nhàng, bền bỉ; khiến bên bị tiếp nhận nhầm tưởng mình đang được thụ hưởng một thứ văn hóa quen thuộc của chính dân tộc mình. Kỳ thực, ÂM MƯU CỦA NÓ LÀ LÀM MỜ NHÒE RANH GIỚI, THẬM CHÍ LÀM MÙ NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI TIẾP NHẬN. Chừng mực nào đó, họ đã bước đầu thành công.


***


   Vậy qua chiến lược xâm lăng văn hóa tổng lực nhưng trường kỳ này của nhà cầm quyền Trung Hoa, phía nhà nước ta đã làm gì, tựa như tạo ra một chất men đề kháng để tự bảo vệ nền văn hóa của dân tộc mình?

   Việc này có thể Nhà nước đã có kế sách, nhưng chưa công bố công khai.Cũng có thể các nhà hoạch định chiến lược văn hóa tầm vĩ mô còn đang tư duy.

   Nhưng những gì đã thể hiện trên mặt bằng xã hội, không khỏi gây lo ngại cho người dân. Ví dụ, Cục xuất bản là cơ quan gác cửa, nhằm ngăn chặn những loại văn hóa độc hại làm suy yếu sức đề kháng văn hóa của chúng ta. Sự thật các loại sách xuất bản có nguồn từ Trung Quốc đã không được sàng lọc mà cứ để nó mặc sức tung hoành.Vì thế, có cả sách viết tuyên dương đám lính Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta tháng 2 năm 1979. Đó là tác phẩm lá cải có tựa đề ‘’Ma chiến hữu’’của nhà văn Mạc Ngôn. Điều hài hước, nhưng cũng là sự nhục nhã vì nó còn được tái bản. Vậy là không hề có nhầm lẫn. Ngay cả Đặng Tiểu Bình, tên khát máu đối với nhân ta.Trong Hội thảo về Biển Đông gần đây, có vị tướng quân đội đã nói: «Từng sợi tóc, từng lỗ chân lông của Đặng Tiểu Bình đều có dính máu của nhân dân Việt Nam.’’

   Ấy thế mà Cục xuất bản đã cấp phép cho in tác phẩm Cuộc đời Đặng Tiểu Bình-nhà kinh tế chính trị lỗi lạc.Và  Đặng Tiểu Bình cha tôi do con gái y viết. V.v…Ấy là chưa kể mấy tiểu luận gần đây của mấy vị giáo sư, tiến sĩ hết lời tụng ca Đặng Tiểu Bình.   Với người Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình quả là vị cứu tinh của nước họ. Nhưng với dân tộc Việt Nam, lịch sử Việt Nam mỗi khi nhắc đến cái tên này không có danh xưng nào khác:’’Tên khát máu trong cuộc xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979’’.
   Napoleon Bonaparte là một nhân vật vĩ đại không chỉ của nước Pháp, nhưng khi ông đem đại binh xâm lược nước Nga, thì Lev Tolstoi mô tả trong tác phẩm Chiến tranh và hòa bình, Napoleon không hơn một tên hề của lịch sử.

   Quan hệ hai Đảng cộng sản Việt Nam-Trung Hoa tiến triển thế nào mặc lòng, nhưng không được phép xuyên tạc lịch sử. Không được phép thủ tiêu xương máu của cả chục vạn người con ưu tú của dân tộc đã hiến cả sinh mạng mình để bảo vệ Tổ quốc.
   Thử hỏi tội ác của Đặng Tiểu Bình xua hơn 60 vạn quân sang xâm lược nước ta tháng 2 năm 1979 ; có khác gì tội ác chiến tranh của tên Minh Thành tổ, xua 85 vạn quân sang hủy diệt nước ta năm 1407, và kéo dài sự chiếm đóng tới 20 năm, cho tới khi Lê Lợi và toàn thể nhân dân ta đánh bại, và sinh phúc cho hơn 10 vạn quân giặc bị bắt, được phép hồi hương trong run sợ.

   Hãy xem viên tướng Hứa Thế Hữu được Đặng Tiểu Bình cử làm tổng chỉ huy đội quân xâm lược, dẫn hơn 60 vạn quân vào 6 tỉnh biên giới nước ta. Y hiệu triệu cho lính tráng dưới quyền: “Là Việt Nam dù già hay trẻ, nam hay nữ, chúng đều là kẻ địch phải giết hết.(Sát cách vô luận). Phải phá nát Lạng Sơn thành bình địa, một căn nhà cũng không để lại’’.

   Thật là ghê tởm, 572 năm sau mà lời lẽ của bọn xâm lược nhà Minh và nhà Đặng không mảy may thay đổi. Âý là chưa kế chúng còn kêu ta là “đồng chí !”

Ghê tởm hơn nữa, là tháng 3 năm 1979 vì thất bại, nên Đặng Tiểu Bình buộc phải rút quân, nhưng y còn giữ lại mặt trận Vị Xuyên; trong 10 năm tiếp theo, chúng đã điều 10/12 đaị quân khu của chúng lần lượt đến khu vực bé nhỏ này làm chiến trường thực tập; và tại đây chúng đã gây không biết bao nhiêu tội ác man rợ.

   Nhưng cũng thật đau lòng, trong khi các nhà văn Việt Nam viết về cuộc chến tranh vệ quốc này thì không bao giờ được cấp phép xuất bản. Những từ, hoặc nhóm từ có chữ “Quân bành trướng hoặc Quân xâm lược Trung Quốc” đều phải kiêng như kiêng húy ông bà mình.

   Thấy nói lệnh này được ban ra từ Ban tuyên giáo. Và đến tận bây giờ vẫn thấy hằng năm Ban tuyên giáo sang Bác Kinh trao đổi học tập. Có năm, tỉnh Quảng Đông còn phê bình công khai trên mạng rằng, thời gian mở lớp học đến nơi rồi, mà vẫn chưa thấy phía Việt Nam gửi danh sách học viên sang ?! Họ dạy các vị học gì vậy? Mà sao quan hệ quốc gia lại để một tỉnh nó chi phối? Lòng tự trọng dân tộc để đâu? Quốc sỉ để đâu? Xét ra còn thua cả một kẻ tòng vong như Lê Quýnh. Và không mảy may xứng đáng là con cháu của sứ thần Giang Văn Minh.

   Ngành văn hóa cũng lén lút gửi cán bộ sang Trung Quốc học tập. Có năm, tất cả các trưởng phòng văn hóa của tỉnh Lạng Sơn kéo nhau sang Trung Quốc học tập, khi về đến sân bay Nội Bài, trưởng đoàn thu lại tất cả các tài liệu học tập và ghi chép của từng học viên.

   Còn giáo sư tiến sĩ sử học Phạm Hồng Tung hiện đang giảng dạy tại trường Đại học KHXH & NVQG, chủ biên chương trình lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; đồng thời là viện trưởng Việt Nam học và khoa học phát triển thuộc Đại học quốc gia Hà Nội lại có quan điểm riêng. Theo ông Tung: “Giới sử học hai nước (VN và TQ) nên ngồi lại thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề có liên quan đến lịch sử hai nước”.Và, ông Tung còn thuyết phục các nhà làm sách: “Cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh lối trình bầy mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị như  “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “khát máu”… không thể giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục”.

   Trời cao đất dầy ôi, giáo sư sử học của nước tôi! Kẻ thù kéo hơn 60 vạn quân vào xâm lược nước mình, và nó luôn mồm vu cáo là “Cuộc đánh trả tự vệ”; mà bây giờ mình viết sử nước mình lại phải bàn với nó, (lỡ nó không thèm bàn và cũng không cho phép thì làm thế nào đây giáo sư?) và phải kiêng các từ như kiêng tên húy tổ tiên dòng họ nhà mình.

   Thật bất hạnh cho dân tôi, phải đóng thuế nuôi bọn “sử nô”, bọn “bút nô” như thế này thì con em chúng tôi làm sao mà có nổi tư cách một con người!

   Thưa quý bạn đọc, với tầm nhận thức như thế, tư duy như thế của giới cầm quyền và giới trí thức nhà nước, thì làm sao có thể ngóc đầu lên được mà dám nghĩ đến việc "Thoát Trung về văn hóa”?  

****

   Muốn "Thoát Trung toàn diện”, không phải học đâu xa cả. Học chính tổ tiên mình. Đừng có ngạo mạn, coi Tổ tiên mình là phong kiến, lạc hậu. Muốn thoát Trung toàn diện, trước hết giới lãnh đạo đất nước phải có tinh thần tự cường dân tộc, tự trọng dân tộc, và phải truyền được cảm hứng đó cho toàn dân. Phải có tư duy văn hóa ở tầm cao thời đại. Phải cao thượng, vị tha, tôn trọng tự do và nhân cách của mỗi công dân. Người cầm cân nảy mực phải biết hy sinh lợi ích cá nhân để vun vén cho lợi ích quốc gia. Tựa như vua Lê Hoàn hỏi Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, làm thể nào để quốc gia trở lên thái bình thịnh trị.Thiền sư đã trả lời bằng một bài kệ :

Quốc tộ như đằng lạc         國 祚 如 藤 絡

Nam thiên lý thái bình        南 天 裏 太 平

Vô vi cư điện các                無 為 居 殿 閣

Xứ xứ tức đao binh             處 處 息 刀 兵

Tạm dịch:
Ngôi nước như vua dân vấn vít
Muôn dặm trời Nam hưởng thái bình
Chốn miếu đường tham sân xả bỏ
Bốn phương giặc cướp tự nhiên tàn

   "Chốn miếu đường tham sân xả bỏ”, nhà Thiền khuyên như vậy. Nhưng cha con vua Lê Hoàn, Lê Long Đĩnh không đủ trình độ nhận thức, nên không có khả năng tiếp nhận.

   Phải chờ đến nhà Lý, khi các bậc đại trí thức trong giới thiền sư trực tiếp hoặc gián tiếp tham chính, mới đủ tầm vóc vực cho thế nước đi lên. Cứ xem cung cách các vị vua nhà Lý vận hành bộ máy nhà nước, thì đúng như lời khuyên vua Lê Hoàn của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận: “Vô vi cư điện các”. Mọi việc triều đình làm đều xuất phát từ lợi ích của muôn dân.Vì vậy chỉ trong một thời gian vài chục năm, từ chính trị, kinh tế, giáo dục, binh bị, ngoại giao không việc nào không đạt thành tựu mang tính chuẩn mực cao.Và chỉ trong một thời gian ngắn, nhà Lý đã làm cho Đại Việt trở thành một quốc gia giàu mạnh.Vượt lên cả nhà Tống. Và nhà Tống cũng phải học cách tổ chức việc binh, việc nông. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Qúy Đôn có chép việc này.Và trong cuốn nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam của Toàn quyền Đông Dương Pierre Paskier, về chính sách “ngụ binh ư nông” của nhà Lý, ông ta viết một câu khá chính xác và có phần tâm phục: “Annam a connu le soldat labour avant la Rome antique”(Nước Nam đã biết đưa binh lính vào việc cày ruộng trước cả nước La Mã cổ xưa).

   Sang nhà Trần, tuy lấy ngôi nước từ nhà Lý, nhưng không loại bỏ bất cứ một thành tựu nào của nhà Lý. Vì biết khai thác những ưu việt từ quá khứ, nên nhà Trần có sức mạnh tăng lên rất nhiều lần. Người khai sinh ra nhà Trần là thái sư Trần Thủ Độ, cho tới khi về hưu, chưa hề làm bất cứ một việc gì tư riêng cho mình trên cương vị thái sư. Đến nỗi vợ ông xin cho một người cháu làm chức câu đương ở cấp xã, tương ứng với chức chủ tịch xã ngày nay cũng phải được xem xét kỹ lưỡng. Khi trực tiếp gặp; biết người cháu bất tài, không đảm đương được chức quan nhỏ, ông gọi người cháu vợ ra bảo: “-Thiên Cực công chúa xin cho mày làm câu đương, nhưng để phân biệt mày là người nhà công chúa với người thường, tao phải chặt của mày một ngón chân. Người cháu kinh hoàng không dám nhận. Do vậy, hàng trăm năm sau, không nghe thấy nói quan lại nhà Trần, kể cả vợ con họ lạm dụng chức quyền để mưu việc riêng. Đó chính là “Vô vi cư điện các”. Và trong ứng xử với người có lỗi,kể cả lỗi lớn,các vua nhà Trần cũng hành xử trên tinh thần khoan dung, cao thượng. Chính vì thế, kẻ có lỗi tự thẹn mà quyết tâm sửa mình.

   Đại Việt sử ký toàn thư còn chép lại một việc khá cảm động.Đó là năm 1285, giặc Mông-Nguyên kéo vào nước ta với lực lượng kinh hoàng, tưởng như nó sẽ làm cỏ cả nước mình.Nhiều người nhát gan ra hàng giặc; trong đó có quan lại, tướng tá, thân vương. Nhiều kẻ viết thư xin hàng, hoặc hẹn ngày ra hàng giặc. Tất cả thư từ đó, Thoát - Hoan để trong một chiếc tráp. Khi quân ta đánh vào Thăng Long, tướng giặc hốt hoảng tháo chạy về nước, không kịp đem theo hoặc thiêu hủy. Tới khi dọn lại cung thất, viên quan nội hầu mở ra xem, thấy nhiều thư xin hàng giặc của các quan lớn trong triều. Y hốt hoảng, đem dâng lên vua Trần Nhân Tông. Nhà vua không xem, ngài sai đốt đi, và nói cho mọi người yên tâm: “Thế giặc mạnh, đến ta còn hoang mang, nói chi người khác”. Thật ra, có thế đưa những kẻ đó vào tội phản quốc để trị. Nhưng nhà vua đã tha bổng tất cả, trên tinh thần khoan dung, độ lượng.

   Sơ qua vài nét trong phép trị nước của hai nhà Lý-Trần, để biết vì sao họ tạo ra được sức mạnh siêu thần nhập hóa cho toàn dân tộc. Và suốt 400 năm lịch sử của hai thời đại này, không thấy một bậc quân vương hoặc bậc trí huệ nào nói đến phải ‘’thoát Trung’’. Bởi cả trong tư duy lẫn trong vận hành bộ máy nhà nước, họ đã bỏ xa tầm tư duy và hành xử của tất cả các nước lân bang, kể cả Trung Hoa.

   Tư tưởng của nhà Lý,thực ra họ đã vượt qua tầm thời đại,họ thực hiện đa nguyên chính trị bắt nguồn từ đa nguyên tôn giáo.Và chắt lọc những gì tinh túy nhất của mỗi dòng đạo đưa vào việc trị nước.Vì thế mà trong thì ổn định,ngoài thì lân bang nể trọng.Đại Việt nổi lên thành một quốc gia cường thịnh nhất trong khu vực.

   Hãy xem cùng thời đó, nhà Tống suy yếu, lụn bại. Châu Âu chìm nghỉm trong chiến tranh tôn giáo, mà chỉ trong nội bộ đạo Ki-tô. Nhưng nhà Lý lại thực thi “Tam giáo đồng nguyên” hết sức êm đẹp.

   Sang nhà Trần, khi đế quốc Mông Cổ nổi lên với Jenzis Khan (Thành-cát Tư-hãn) thì cả châu Âu, châu Á run sợ. Khắp bốn phương không nước nào dám đương đầu với kỵ binh Mông Cổ. Mênh mông như nước Nga, cũng bị Mông Cổ thống trị tới mấy trăm năm. Đông dân nhất thế giới mọi thời đại như Trung Quốc, cũng bị Mông Cổ tiêu diệt và chịu sự cai trị của sắc dân du mục này tới cả trăm năm.

   Nhưng đế quốc Mông Cổ và sau này là đế quốc Nguyên, trong suốt 30 năm (1258-1288) với 3 lần kéo đại binh vào xâm lược Đại Việt, đều thất bại cả ba lần. Đặc biệt trong các lần xâm lược 1285 và 1288 là cực kỳ tàn khốc.Bởi khi đó,Mông Cổ đã đặt nền thống trị yên vị trên đất Trung Hoa từ 1279.Nên tiềm lực kinh tế và binh bị của họ là vô cùng lớn. Nhưng cuối cùng, nhà Trần đã chiến thắng. Nước Đại Việt đã chiến thắng kẻ xâm lược hung bạo nhất hành tinh.

   Cho nên ngày nay muốn “Thoát Trung” về mặt văn hóa, trước hết ta phải hành xử đối với dân mình như một nhà nước có văn hóa. Phải biết tôn trọng dân, biết khai thác triệt để các tài năng và trí tuệ tiềm ẩn trong dân. Phải biết yêu cái dân yêu, chứ đừng yêu cái dân ghét. Bởi vạn sự xuất ư dân. Không có dân đồng hành, tài năng siêu việt đến mấy, nhà Lý cũng bất lực. Không có dân đồng hành, tướng lĩnh nhà Trần giỏi dang dũng cảm đến mấy cũng bó tay. Ngược lại, dù người dân yêu nước đến mấy mà gặp vua ngu hèn, nhẫn tâm ngoảnh mặt làm ngơ trước tai họa và khổ đau của muôn dân; cùng một lũ khuyển quan, một phường giá áo, túi cơm chỉ biết sống cho mình, vì mình thì đất nước vẫn suy tàn và sớm muộn cũng rơi vào tay ngoại bang mà thôi.

   Chiến lược văn hóa, suy cho cùng là chiến lược về con người, vì con người. Chiến lược phục hưng các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đã bị đánh cắp, đã làm thất thoát, nay phải phục dựng lại. Đó còn là một nền giáo dục toàn diện, nâng tầm vóc công dân không chỉ có bổn phận là công dân của quốc gia mình, mà còn có bổn phận là công dân của cộng đồng nhân loại. Đó là đạo đức không chỉ là con ngoan, trò giỏi mà còn là tình thương không chỉ dành cho đồng bào mình mà dành cho cả đồng loại.Đó còn là lòng tự trọng cá nhân và tự trọng dân tộc. Đó còn là con người có nhân cách, biết liêm sỉ, không những biết cách bảo vệ danh dự của chính mình, mà còn có nghĩa vụ bảo vệ phẩm giá quốc gia. Nền văn hóa ấy suy cho cùng là xây dựng cho bằng được phẩm cách con người, trên cơ sở đó xây dựng phẩm cách quốc gia. Chứ như nhìn vào thứ hạng hộ chiếu của nước mình hiện nay thì rất khó giải thích, và nói sao cho hết nỗi buồn nhân thế.

   Nhưng trước hết, các quyền con người của công dân như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do thư tín và quyền riêng tư v.v…đã được Hiến định từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và truyền thừa đến tận Hiến pháp 2013 mà tới nay Nhà nước vẫn gác xó. Quốc hội hoàn toàn bất lực trong việc luật hóa các quyền Hiến định.

   Tính từ 1946 tới nay là 75 năm, trọn một kiếp người (không phải ai cũng sống được tới tuổi này), công dân Việt Nam chưa được hưởng các quyền cơ bản của mình.Thử hỏi trên thế gian này có chính quyền nào dám lộng hành, coi khinh dân nước đến như vậy? Nói tóm lại, muốn xây dựng một chiến lược văn hóa, trước hết Nhà nước phải hành xử như một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, và phải gương mẫu chấp hành luật lệ, trước hết là tôn trọng con người và các quyền thuộc về con người.

   Muốn kiến tạo được chiến lược văn hóa để “Thoát Trung”, không thể không dựa hẳn vào những trí thức hàng đầu của dân tộc, đang sinh sống ở cả trong và ngoài nước. Nhưng phải tôn trọng họ, đặt niềm tin vào họ. Phải hết sức cầu thị, phải lấy tương lai của Tổ quốc và dân tộc làm mục tiêu tối thượng. Gạt bỏ mọi vướng mắc trên bước đường cải cách. Ngay cả cơ chế và thể chế,phải được xem như là phương tiện, là công cụ chứ không phải là mục đích. Mục đích của chúng ta là văn minh,tiến bộ, tự do, dân chủ, công bằng xã hội, tiến tới một quốc gia phồn thịnh, một quốc gia đáng sống.

   Tôi nhắc lại, “Thoát Trung” không có nghĩa là bài Trung. Tuyệt đối không sa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đó là con đường tự sát của những kẻ thiển cận.Trái lại, phải khai thác, học tập ngay những kinh nghiệm thành công của Trung Quốc trong phát triển kinh tế. Phải thâm nhập thật sâu vào thị trường Trung Quốc. Đó là một thị trường khổng lồ, không chen chân vào được là chưa biết làm kinh tế. Nhưng phải độc lập, không phụ thuộc, không để họ chi phối.

   Và phải loại bỏ ngay những cái dở của Trung Quốc, như thiếu trung thực trong luật chơi, không tôn trọng cả luật lệ quốc tế mà chính Trung Quốc cũng là một bên ký kết ;hơn nữa TQ còn là Uỷ viên thường trực HĐBALHQ. Người TQ cũng hay lừa đối tác, tráo hàng kém phẩm chất, không tôn trọng các hợp đồng với đối tác. Cái này thì Việt Nam đang là túi đựng khổng lồ của những thương vụ lừa đảo của Trung Quốc. Cướp thương hiệu, ăn cắp bản quyền, và quyền sở hữu trị tuệ của đối tác v.v… Đó là những cái dở nhất của Trung Quốc, nếu không tỉnh táo mà học lấy, sẽ mất hết bạn bè và đối tác.

   Ngoài ra, tuyệt đối tránh xa lối tư duy và thể chế chính trị của giới cầm quyền của Trung Hoa. Bởi nó cực kỳ bảo thủ, cực kỳ xảo trá. Xét về thực chất văn minh Trung Hoa hiện nay vẫn mang nặng hình hài của Trung Hoa khoảng trên dưới 3.000 năm trước. Vấn đề này phải xét trên bình diện triết học, trên nhân sinh quan và thế giới quan của giới thống trị Trung Hoa.

   Hãy so sánh từ triết học cổ đại Hy Lạp đến triết học Phương Tây khoảng thế kỷ 17 tới nay, có biết bao tiến triển. Còn triết học Trung Hoa vẫn bám lấy chủ thuyết của Khổng Tử. Tới nay, họ đã đặt được trên 400 viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Nhưng có ai học. Nơi thì hoang vắng, nơi thì nước chủ nhà xua đuổi, yêu cầu đóng cửa. Về nhân sinh quan thì người Trung Quốc hiện nay vẫn chưa thoát ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế. Thực chất nhà nước Trung Hoa hiện nay là nhà nước phong kiến độc tài kiểu mới. Nó không có một gram cộng sản nào hết.

   Và tới tận hôm nay, người Trung Hoa vẫn tự coi mình là giống dân thượng đẳng hơn mọi giống dân khác. Hệt như Hitler. Giống như Khổng Tử xưa coi dân Trung Quốc là Hoa Hạ, còn bốn phương ngoài Trung Quốc đều là “Tứ di”. Trong đó phân ra: Nam man. Bắc địch. Tây nhung. Đông di. Chữ man có bộ trùng. Chữ địch có bộ khuyển. Có nghĩa là ngoài Trung Quốc văn minh, các giống dân khác chỉ thuộc loại sâu bọ, chó má. Đó là quan điểm phân biệt chủng tộc cực kỳ phản động.

    Cho tới nay, họ vẫn giữ nguyên hệ giá trị phản nhân văn ấy. Hãy xem bài nói chuyện của viên tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng Trì Hạo Điền về giống dân Trung Quốc và chiến tranh sinh học để tiêu diệt nhân loại, nhằm chiếm lấy nước Mỹ, làm bá chủ thiên hạ. Rõ ràng người Trung Hoa đã bắt kịp nhân loại về văn minh kỹ thuật, nhưng không theo được nhân loại về tính nhân văn cao thượng,lấy tự do, bình đẳng, bác ái làm tiêu chuẩn hành xử trong kết cấu xã hội.

   Cho nên, muốn xây dựng một nền văn hóa dân tộc lành mạnh để ‘’Thoát Trung,’’phải có tư duy độc lập. Phải lấy truyền thống dân tộc làm điểm tựa,tham chiếu những nét tiến bộ nhất của các dân tộc văn minh,và tuyệt đối tránh xa mọi học thuyết chính trị của Trung Hoa thì mới thành công.Thật ra, cứ học được những bài học thành công và thất bại từ tổ tiên mình, cũng khá phong phú.Và phải có quyết sách “Thoát Trung hay là chết”.

   Nếu lại có đủ tầm vóc mà học được những bài học xây dựng đất nước từ các thời đại Lý-Trần, thì ta đã dự vào tầm cao văn minh nhân loại của mọi thời đại.

ĐÓ LÀ THƯỢNG SÁCH ĐỂ THOÁT TRUNG!

ĐÓ LÀ THƯỢNG SÁCH ĐỂ CHẤN HƯNG ĐẤT NƯỚC!

Hà Nội ngày 9 tháng 3 năm 2020

H.Q.H

ĐÃ ĐẾN LÚC TA PHẢI“THOÁT TA” ?

(Huỳnh Phan phỏng vấn giáo sư Trần Đình Thiên, VietTimes Thứ Năm, ngày 7/5/2020)


Tôi sực nhớ đến chuyện, cách đây gần 6 năm, ngày 1/5/2014, khi Trung Quốc đưa Hải Dương 981 vào gần Hoàng Sa tiến hành thăm dò dầu khí, trên mạng và trong một số hội thảo người ta đã nói và bàn đến “thoát Trung”.

Vậy thuật ngữ “thoát ta” của ông khác gì so với “thoát Trung”?

- “Thoát Trung” là khái niệm có nội hàm phong phú, độ “nhạy cảm” cao, và còn gây tranh cãi. Tuy vậy, đây lại là một vấn đề đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển hiện đại của các nước Đông Á. Do đó, nó cần phải được làm rõ, với một thái độ khoa học khi thảo luận.

Câu chuyện sẽ rất dài dòng. Ở đây, tôi chỉ xin nêu một số ý vắn tắt.

“Thoát Trung” trước hết là thoát khỏi những trói buộc xã hội kiểu Phương Đông truyền thống, là giải phóng các cá nhân và xã hội khỏi những tập tục trói buộc, những quy định đè lên họ, làm triệt tiêu khát vọng tự do, dân chủ, nỗ lực sáng tạo của các cá nhân, kìm hãm sự phát triển nhân cách.

Điểm lưu ý là những trói buộc đó có hạt nhân “Nho giáo”, bắt nguồn từ Trung Quốc, lan tỏa và thâm nhập vào các nước châu Á bằng nhiều cách, kể cả thông qua con đường xâm lược, cai trị và “đồng hóa”, hóa thân thành “cốt cách văn hóa”, thành “tập tục xã hội” của quốc gia tiếp nhận. Thoát khỏi những thứ “bóng đè” có nguồn gốc Trung Hoa đó, vì thế, được gọi là “thoát Trung”, thực chất là thoát khỏi những trói buộc xã hội có gốc gác Trung Hoa, là “tự thoát khỏi chính ta”.

Không bàn đến “thoát Trung” theo nghĩa thoát khỏi sự đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, khái niệm “thoát Trung” gần đây còn một hàm ý khác. Đó là thoát khỏi sự lệ thuộc phát triển, lệ thuộc kinh tế, thoát khỏi “bẫy nợ”, “bẫy đầu tư” mà Trung Quốc “cài đặt”, thoát khỏi tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc…, hiện đang là vấn đề đặt ra cho nhiều nước, kể cả những nước phát triển.

“Thoát Trung” ở khía cạnh thoát khỏi cái bẫy phụ thuộc này, mà một bên “cài đặt” là phía Trung Quốc, là rất không dễ dàng.

Nền kinh tế Việt Nam, cả mấy chục năm trời, không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ - do quen nhập khẩu “đầu vào” từ Trung Quốc – vừa rẻ, vừa sẵn, lại “tiện đường”. Thế là có một nền công nghiệp “ăn sẵn”, thiếu hụt nền tảng, chỉ gia công, lắp ráp. Bây giờ, muốn trỗi dậy, vươn lên trên chuỗi cung ứng cũng rất khó. Vì doanh nghiệp Việt Nam mấy chục năm không được chuẩn bị năng lực đó, bây giờ không thể có năng lực đó. Thế là phụ thuộc nặng vào nhập khẩu “đầu vào” từ thị trường Trung Quốc, và khó thoát bẫy lệ thuộc.

Liệu ta có thoát được cái bẫy đó không? Rất khó. Nhưng phải khẳng định: tự ta cả thôi, tất cả tùy thuộc vào chính ta. Ta có thực sự muốn thoát lệ thuộc hay không, có dám chịu trả giá để có nền kinh tế tự chủ, tự cường – tất nhiên là tương đối – tất cả là do ta cả. Chả có “ông bạn vàng” nào sẵn lòng giúp ta việc đó.

Phải “thoát Ta” để “thoát Trung” chính là như vậy. Đó cũng là cách hiểu “thoát ta” với sắc thái nghĩa khác “thoát Trung”. Ta phải chịu trách nhiệm với chính ta. Phải biết cắn răng chịu đau, không hèn, không sợ, để có quyết sách vươn lên tự chủ thì mới được. Chỉ nói “thoát Trung”, khi gặp khó, toàn đổ cho bên ngoài, còn mình đúng cả, e rằng nền kinh tế Việt chẳng bao giờ vươn dậy được.

Tôi không muốn đề cập đến loại ý kiến cho rằng “làm sao có thể thoát Trung” – với lý lẽ ta ở cạnh Trung Quốc, không thể không đi lại giao thương buôn bán với họ, phải chung sống với Trung Quốc. Không ai tranh luận học thuật về “thoát Trung” theo nghĩa thô thiển như vậy, dễ sa vào ngụy biện, và đánh lạc hướng vấn đề. 

Vậy các nước khác muốn phát triển, nhất là những nước có hoàn cảnh giống Việt Nam, đã “thoát” như thế nào?

Nhật Bản thời Minh Trị dùng khái niệm “thoát Á” – cốt lõi là “thoát Nho – thoát Trung” với nội hàm như trên - để diễn tả quá trình tự mình vượt thoát chính mình. Nước Nhật phải tự “lột xác”, từ bỏ cả một hệ thống thủ tục, lề thói, nhân lõi là Nho, là Khổng, bứt khỏi “phương thức sản xuất Châu Á” kìm hãm phát triển. Họ đã chọn cách phát triển của phương Tây, chọn kinh tế thị trường – tư bản chủ nghĩa.

Không riêng gì nước Nhật. Một loạt nước Đông Á đều làm như vậy và thành công. Hồng Kông, Ma Cao, sau này Đài Loan, đã “thoát Trung” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhờ đó tiến vượt lên. Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore tiếp theo, cũng đều “thoát Á”, “thoát Trung” như vậy, làm nên điều thần kỳ Đông Á, trở thành những quốc gia độc lập tự cường, không nước lớn nào “bắt nạt” được.

Tôi muốn nhấn mạnh trường hợp Singapore, quốc đảo có 2/3 dân số gốc Hoa. Ông Lý Quang Diệu, khi mới cầm quyền, định hướng phát triển cho Singapore với lập luận rằng Singapore là nước nhỏ, nếu cứ tồn tại trong “vũng lầy kém phát triển châu Á”, sẽ là cực kỳ rủi ro. Chỉ có một cách để Singapore đứng vững và độc lập là “vươn lên gia nhập vào thế giới phát triển”, nghĩa là phải “thoát Á” theo nghĩa rộng. Mà thoát Á ở Singapore, thực chất là “thoát Trung”, là tự thoát của ít nhất 60-70% dân số gốc Hoa.

Mạch logic “thoát Á”, “thoát Trung” đó dẫn tôi tới một luận điểm được coi là rất quan trọng về mặt phương pháp luận và chiến lược: không chỉ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan…. muốn phát triển đều phải “thoát Trung”. Ngay cả Trung Quốc, muốn phát triển được theo logic hiện đại, cũng phải “thoát Trung”.

Việc ông Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, đội mũ cao bồi, mặc quần áo bò, tuyên bố từ bỏ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung”, đi theo kinh tế thị trường, chính là đọc lời tuyên ngôn đoạn tuyệt với nước Trung Hoa cũ. Chính nhờ đó, Trung Quốc trỗi dậy – một sự trỗi dậy phi thường, ghê gớm mà lịch sử loài người chưa từng thấy.

Trung Quốc còn phải thoát khỏi chính Trung Quốc mới phát triển được, huống hồ Việt Nam. Không có lý gì để Việt Nam phải “né” khái niệm “thoát Trung”. Lịch sử đã từng như vậy. Hiện đại càng là như vậy. Phải có khí phách như vậy.

Nhưng như đã nói, Việt Nam “thoát Trung” phải chính là “thoát ta”. Không thoát ta thì làm sao có thể “thoát Trung” triệt để được?

Điều này gợi nhớ lại khái niệm “anh hùng”. Hóa ra khái niệm “anh hùng” thể hiện hai phẩm chất khác nhau: phẩm chất “hùng” – là thắng người; còn phẩm chất “anh” là thắng chính mình. “Anh” mới thực là khó, cao hơn “Hùng” nhiều. Đạt đến “hùng” tuy rất khó, nhưng cơ bản cũng chỉ là đến trình độ “lấy thịt đè người” thôi.

“Thoát được ta” giống như đạt đến phẩm chất “anh” trong khái niệm “anh hùng”.

Tôi nghe nói người hình thành ra khái niệm “thoát Á” là Fukuzawa?

Không chỉ riêng Fukuzawa, mà một nhóm những nhà tư tưởng, mà Fukuzawa nổi trội nhất. Bản thân xã hội Nhật Bản thời đó, đi đầu là Vua Minh Trị - Duy Tân - cũng tự phát hiện nước Nhật thực sự “có vấn đề”, khi bắt đầu mở cửa tiếp xúc với tàu chiến phương Tây. Nước Nhật hiểu rằng đóng chặt cửa là chết; cứ ôm khư khư nền văn hóa “gia trưởng” thì sẽ không có cơ gì khi đối mặt với tàu buôn và hàng hóa phương Tây.

Hiểu như vậy nên nước Nhật bắt đầu thức tỉnh. Tôi nhấn mạnh “nước Nhật”, chứ không chỉ một vài người thức tỉnh. Nhưng các nhà chí sĩ như Fukuzawa đúc kết lý luận, khái quát thành phương châm “thoát Á”. Trên cơ sở đó, Vua Minh Trị phất cờ, cung cấp các điều kiện pháp lý bảo vệ cải cách, khuyến khích những người tiên phong đưa nước Nhật “thoát Á”, thoát khỏi những trói buộc kiểu Phương Đông.

Cách phát triển phải được nhận thức một cách lý luận như vậy, phải dựa trên sự hiểu biết lý luận, không thể mãi là kinh nghiệm, gặp chăng hay chớ. Lý luận đi trước dẫn đường, đánh thức cả nước Nhật. Nhờ đó mà nước Nhật thoát khỏi chính họ - một cách thực chất, để xác lập một nước Nhật mới – mới về cách thức phát triển, mới về con người, về cấu trúc xã hội, và về hệ giá trị. Mới cả về bạn bè, đối tác và các mối quan hệ. Không phải là “thoát khỏi” một nước nào theo nghĩa “rời xa” về địa lý hay là đoạn tuyệt về lịch sử - dân tộc và văn hóa.

Đây cũng là bài học rất lớn để Việt Nam “thoát ta”, trước hết, về mặt nhận thức lý luận con đường phát triển.

Xin ông hãy cho biết kinh nghiệm “thoát ta” của các nước trên thế giới.

Chính Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình cũng phải “thoát Trung” đó.

Trung Quốc đã từng là nước dẫn đầu thế giới – cả về phương diện sản xuất GDP lẫn phát minh sáng chế. Tính đến thế kỷ XVI, 80% số phát minh của loài người là do Trung Quốc, hay Trung Quốc đã sản xuất 35% GDP thế giới. Nhưng sau đó, đến đời cuối nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc rơi vào trì trệ.

Châu Âu bắt đầu vượt lên, nhờ Phục hưng, nhờ Thế kỷ Ánh sáng mà thoát khỏi “đêm trường Trung cổ”. 

Châu Á tụt lại. Trung Quốc bị “coi thường”, với cả “bách niên quốc sĩ”.

Người Nhật phát hiện ra cách của Châu Âu hay, nên Nhật Bản cũng chủ trương “thoát Á”, chấp nhận cách phát triển của Phương Tây, áp dụng kinh tế thị trường tự do, mở cửa ra với thế giới, nhờ đó vượt lên.

Nhưng sau đó, Nhật Bản lại bị quá đà, lại thoát ly các giá trị “tự do, dân chủ”, sa vào chủ nghĩa quân phiệt - phát xít cực đoan. Và lại bị phương Tây chinh phục lần thứ hai.  Đấy là một câu chuyện “thoát” khác nữa của lịch sử.

Khi chấp nhận đầu hàng Mỹ, những gì nước Nhật muốn “thoát”, mà chưa “thoát” được, Mỹ làm nốt. Mỹ xé tan chế độ quân phiệt và hệ thống độc quyền kinh tế, làm lại hiến pháp, đẩy dân chủ hóa lên, suốt từ 1945 đến Thế vận hội Tokyo 1964. Nhật Bản lại trỗi dậy thần kỳ, giống như Tây Đức ở châu Âu – cũng từ bỏ chế độ phát xít, khôi phục kinh tế thị trường tự do, xã hội dân sự và nền pháp trị.

Hàn Quốc, Đài Loan, và Hồng Công, cũng vậy. Hồng Kông chính là của Trung Quốc, nhưng để Anh “cai trị” 99 năm nên mới phất lên như vậy, chứ nếu vẫn thuộc về Trung Quốc thì chắc bây giờ hãy còn vất vưởng. Singapore cũng thế, bùng lên được là do ông Lý Quang Diệu dẫn dắt theo mô hình Phương Tây.

Đó là những bằng chứng cho thấy rằng nước nào “thoát” được những trói buộc kiểu cũ, hay theo định nghĩa là “cổ truyền Trung Hoa”, mới có thể trỗi dậy được.

Trung Quốc phát triển được như ngày nay cũng phải “thoát Trung”. Thế còn khái niệm “Phục hưng Trung Hoa”, gần đây được giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng thì sao?

Kinh nghiệm Nhật Bản nêu trên cung cấp một gợi ý để xem xét câu chuyện “Phục hung Trung Hoa”. Việc từ bỏ hệ thống dân chủ - thị trường và trở lại chế độ quân phiệt – phát xít, với tham vọng xâm lược, bành trướng và đề đầu cưỡi cổ nước khác, bắt nước khác thần phục và lệ thuộc dẫn tới kết cục nước Nhật phải chấp nhận nỗi nhục “đầu hàng”.

Trung Quốc trỗi dậy, mong muốn “Phục hưng Trung Hoa”, nghĩa là tạo dựng lại một nước Trung Quốc đứng đầu thiên hạ, với các giá trị Trung Hoa. Giá trị Trung Hoa đó là gì vậy? Cách Trung Quốc triển khai hang nghìn Học viện Khổng Tử ở nước ngoài, với sứ mệnh truyền bá văn hóa Trung Hoa, các giá trị Trung Hoa có gợi cho anh điều gì không?

Tôi nghĩ chúng ta đang dõi theo một quá trình chuyển biến cực kỳ thú vị của Trung Quốc hiện đại: Đặng Tiểu Bình đưa Trung Quốc “thoát Trung”; còn Tập Cận Bình đang “Phục hưng Trung Hoa”. Điều gì sẽ xẩy ra đây?

Thôi, hãy đợi đấy.

Thế câu chuyện của Việt Nam thì sao? Tại sao ta vẫn chưa “thoát ta”, theo cách nói của ông?

Tự mạch câu chuyện ở trên đã hàm chứa gợi ý hành động cho Việt Nam: phải cải cách thị trường triệt để, và chọn đối tác rõ ràng. Phải can đảm trả giá, chịu đau – mà rất đau đấy - để thoát khỏi lệ thuộc phát triển. Vô cùng khó khăn. Nhưng càng để chậm sẽ càng khó. Nếu không thì sẽ muộn, sẽ bị loại khỏi cuộc đua hiện đại.

Gắn với vấn đề “thoát Trung”, có một vấn đề dễ được coi là “nhạy cảm”: mở cửa với ai, cho ai và chọn cách phát triển nào?

Việt Nam mở cửa và làm bạn với cả thế giới. Chiến lược đó là tuyệt đối đúng. Nhưng không đủ. Chúng ta phải biết chọn đối tác chiến lược. CPTPP hay EVFTA là những định hướng lựa chọn đối tác chiến lược “chuẩn”.

Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập là những nước “thoát Trung” – kể cả Trung Quốc đã chọn cách và hướng phát triển nào để đạt được thành công?

Câu trả lời cho các câu hỏi đó – sự phân tích ở trên đã chứa đựng gợi ý khá rõ.

Điều làm tôi băn khoăn là sao sau đến 35 năm “đổi mới thành công”, Việt Nam vẫn bị “tụt hậu phát triển” thậm chí vẫn “tụt hậu xa hơn”? Điểm khác cơ bản trên phương diện mô hình tăng trưởng và phát triển và định hướng đối tác chiến lược của ta so với các nền kinh tế “thần kỳ Đông Á” là gì?

Tôi còn nhớ khi Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại song phương giữa Hoa kỳ và Việt Nam, cuối năm 2001, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có qua Mỹ, và gặp bà Ngoại trưởng Condoleeza Rice. Theo một người bạn của tôi, quan chức sứ quán Việt Nam tại Mỹ, và có tham dự buổi tiếp, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ quan tâm đến cá basa, bị đối xử bất bình đẳng ở Mỹ, trong khi đó bà Rice lại quan tâm đến mối quan hệ chiến lược giữa hai nước, vốn vừa đạt được mối quan hệ bình thường trong quan hệ kinh tế, sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trên bình diện toàn cầu.

Bạn tôi nhận xét bà Rice có vẻ không vui, khi hai bên quan tâm đến những vấn đề khác tầm. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại và cùng tham dự cuộc gặp đó, đã xác nhận điều đó.

Theo ông, có lẽ chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội “xích lại gần” với Mỹ?

Tôi không biết chuyện này. Nhưng nếu đúng như vậy thì có thể “chỉnh lại” theo giả định thế này: ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn nói về cá basa, vì đó là lợi ích xuất khẩu của Việt Nam, của các chủ trang trại và nông dân Việt Nam, không nên và không được phép bỏ qua; nhưng sau đó, phải nối ca basa vào “chuỗi” câu chuyện chiến lược, “tầm vóc” hơn, với liều lượng thích hợp. Nếu như vậy, có thể mọi chuyện đã diễn ra theo một chiều hướng khác tích cực hơn. Chỉ dùng 1/3 thời gian cho cá ba sa thôi, còn 2/3 thời gian phải nói với bà Rice về mối quan hệ toàn cầu, mối quan hệ chiến lược.

Tư duy là cực kỳ quan trọng, và cách tiếp cận thế giới liên quan như thế này. Như Napoleon nói Trung Quốc là con sư tử, và tốt nhất là đừng đánh thức nó. Nhưng chính kinh tế thị trường đã đánh thức con sư tử đó, và người tỉnh giấc đầu tiên là Đặng Tiểu Bình. Ông đã không bị trói buộc bởi cách nghĩ của Trung Hoa cổ truyền, theo kiểu thánh hiền, và ông vượt lên, đón luồng gió mới, từ kinh tế thế giới.  Ông chủ động đi ra ngoài để làm việc đấy, để thu hút đầu tư từ nước ngoài, và con sư tử đó đã mạnh lên kinh khủng.

Việt Nam, nhờ kinh tế thị trường, cũng đã thức dậy rồi. Bây giờ còn việc phải nối đúng mạch vào đâu để lớn mạnh nhanh.

Kinh nghiệm của thế giới, của chính ta có thừa cho một câu trả lời “chuẩn”.

Vấn đề chỉ là ta có chịu “thoát ta”, có quyết thoát khỏi lối tư duy cũ, vượt qua những trói buộc ngàn đời hay không thôi.

Tôi nhớ là nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM Lương Văn Lý có nói rằng hồi đó Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào nửa sau những năm ’80 của thế kỷ trước rất quan tâm đến kinh tế thị trường. Đi đến đâu ông cũng nói về Samuelson (người đoạt giải Nobel về kinh tế), người viết cuốn sách về kinh tế thị trường hiện đại, và bắt Bộ Ngoại giao dịch ra tiếng Việt cho các lãnh đạo khác và các cán bộ ngoại giao đọc để hiểu về kinh tế thị trường. Tôi nghĩ nếu ông còn tại vị, sau khi Việt Nam bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có lẽ Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn, gần hơn với kinh tế thị trường.

Xin cảm ơn ông!




      VIỆT NAM CÓ THỂ HOÀN TOÀN “THOÁT TRUNG” ĐƯỢC KHÔNG?

                                                         



Sau sáu năm, tôi lại đến Việt Nam lần nữa; chuyến đi này nhằm mục đích chính là tìm hiểu tình hình tiến trình “Thoát Trung” của Việt Nam thời cận đại và hiện đại cũng như các ảnh hưởng của tiến trình đó.


Cho dù chỉ là một du khách bình thường đi tham quan kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì bạn cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đối với Việt Nam: những biển chữ Hán  
ngoài cổng các kiến trúc cổ trên đường phố, những đôi câu đối nghiêm chỉnh trên cột các đền chùa, môn cờ tướng Trung Quốc là trò giải trí được nhiều người ưa thích nhất ở các công viên,   chữ Song Hỷ màu hồng trong các lễ cưới….
   Thế nhưng sau khi đi sâu quan sát thì bạn sẽ phát hiện thấy chỗ nào cũng có dấu tích của tiến trình “Thoát Trung”: một số bảng biển chữ Hán ở các đền chùa bị thay bằng các bảng biển viết chữ Quốc ngữ La tinh hóa, thậm chí cả đến câu đối cũng đều đã “La tinh hóa” như vậy, những chữ La tinh của đôi câu đối viết dọc từ trên xuống dưới đem lại cho người ta một cảm giác cười ra nước mắt; trong các viện bảo tàng, những phần trưng bày về kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hầu như không thấy nói gì về viện trợ của Trung Quốc; các cửa hiệu trên đường phố đều treo biển “Hàng Việt Nam”, “Hàng Nhật”, “Hàng Hàn Quốc” “Hàng Mỹ” thậm chỉ “Hàng Canada” mà hầu như chẳng thấy biển hiệu “Hàng Trung Quốc”, cho dù Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất vào Việt Nam.

Chưa thấy nhiều tác phẩm nghiên cứu có hệ thống về vấn đề Việt Nam “Thoát Trung”. Trong mấy tài liệu tôi sưu tầm được, các tác giả chưa nhất trí về nguồn gốc và tình hình phát triển của tiến trình Việt Nam “Thoát Trung”, việc phân tích động cơ “Thoát Trung” cũng khá đơn giản, và đó lại chính là nguyên nhân thúc đẩy tôi đến Việt Nam tìm hiểu.

“La tinh hóa” chữ viết của Việt Nam

Trong tác phẩm “Khối cộng đồng tưởng tượng – nguồn gốc và sự truyền bá chủ nghĩa dân tộc” [Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism] của Benedict Anderson có viết: “Các tưởng tượng về nhà bảo tàng và quá trình tổ chức nhà bảo tàng đều có tính chính trị sâu sắc”. Tôi luôn cho rằng nếu muốn tìm hiểu lịch sử một nước, hoặc nói chính xác hơn, nếu muốn tìm hiểu một quốc gia đã hướng dẫn người dân của họ nhìn nhận lịch sử của nước mình như thế nào thì cách tốt nhất là hãy đến thăm viện bảo tàng lịch sử của quốc gia đó.

“Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam” là một tòa kiến trúc kiểu Pháp mang đặc sắc thuộc địa rõ ràng. Nơi đây từng là viện nghiên cứu khảo cổ có tên “Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc (École française d’Extrême-Orient, EFEO)”. Viện này có đóng góp to lớn cho công cuộc nghiên cứu các lĩnh vực lịch sử học, khảo cổ học, nhân học vùng Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á; trong đó cống hiến được truyền tụng nhất là thành tựu nghiên cứu về đền Angkor Wat ở Campuchia và về Hán học Viễn Đông cũng như Đôn Hoàng học. Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc còn phát minh ra một bộ chữ ghi âm Hán ngữ La Tinh hóa, từng một thời được dùng rộng rãi ở các nước nói tiếng Pháp hoặc dùng La Tinh ngữ.

Bộ chữ cái ghi âm ban đầu do Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc thiết kế chắc là không khác mấy so với chữ Quốc ngữ Việt Nam La tinh hóa do các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha phát minh hồi thế kỷ 16, nhằm tạo thuận tiện cho người phương Tây học Hán ngữ và tiếng Việt, cũng như cho việc truyền giáo và giao tiếp hàng ngày. Thế nhưng, cùng với tiến trình toàn cõi Việt Nam biến thành thuộc địa của Pháp còn Trung Quốc thì chưa hoàn toàn trở thành thuộc địa, hai loại chữ viết La tinh hóa ấy có số phận khác nhau. Sau khi Hệ thống Pinyin Hán ngữ do nhà nước Trung Quốc triển khai được Liên Hợp Quốc thừa nhận là Hệ thống Pinyin tiêu chuẩn quốc tế thì bộ chữ ghi âm Hán ngữ do Viện Viễn đông bác cổ của Pháp Quốc phát minh và bộ chữ ghi âm Hán ngữ kiểu Wade–Giles [Wade–Gilles system] do người Anh phát minh cũng như một vài kiểu chữ phiên âm Hán ngữ khác đều dần dần mất đi địa vị quốc tế, không còn được sử dụng nữa.

Nhưng từ thế kỷ 19 thực dân Pháp lại ra sức đẩy mạnh sử dụng chữ Việt Nam La tinh hóa (chữ Quốc ngữ), dần dần trở thành chữ viết chính thức của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Người Pháp làm thế nhằm mục đích chính là để tầng lớp tinh hoa người Việt thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, cắt đứt mối liên hệ văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Cho nên một số học giả coi việc La tinh hóa văn tự Việt Nam tiến hành trong thời kỳ Pháp đô hộ nước này là sự khởi đầu quá trình “Thoát Trung” của Việt Nam.

Thế nhưng ngay cả trong thời kỳ Pháp thuộc thì chữ Hán và chữ Nôm (một loại chữ Việt Nam hóa dựa trên nền tảng chữ Hán) cũng không hoàn toàn biến mất trong đời sống người Việt. Trên rất nhiều lĩnh vực, chữ Hán vẫn dùng song song với chữ Quốc ngữ. Sau khi thành lập chính quyền Bắc Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo thì chữ Hán hoàn toàn bị thay thế, trở thành vật hy sinh của “Phong trào xóa nạn mù chữ” do nhà nước triển khai. Đối ngoại, chính phủ Việt Nam tuyên bố sở dĩ phải đẩy mạnh dạy chữ Quốc ngữ chứ không dạy chữ Hán, đó là do chữ Quốc ngữ La tinh hóa đơn giản dễ học. Nhưng trên thực tế cho dù là tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hay tầng lớp tinh hoa trong xã hội Việt Nam thời ấy, ai cũng đều hiểu rõ bỏ chữ Hán là bước đi cốt lõi của tiến trình “Thoát Trung” nhằm để Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng mấy nghìn năm của Trung Quốc.

Tự thuật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam [Vietnam National Museum of History] ở Hà Nội, phần lớn các văn bản thuyết minh và lời thuyết minh vật trưng bày đều dùng tiếng Việt và tiếng Anh; một số ít “nội dung nhạy cảm” thì chỉ giới thiệu bằng tiếng Việt. Mặc dầu Trung văn không được dùng ở đây nhưng rất nhiều văn bản lịch sử và hiện vật lịch sử lại đều thể hiện bằng chữ Hán, nhất là phần lịch sử cổ đại.

Theo cách nói của giới sử học Trung Quốc thì lịch sử Việt Nam có thể sơ lược chia làm 5 thời kỳ: 1) Thời tiền sử và các truyền thuyết;  2) Thời kỳ Bắc thuộc, tức thời kỳ Việt Nam là một bộ phận của Trung Quốc, bắt đầu từ khi tướng nhà Tần là Triệu Đà bình định Bách Việt và lập nước Nam Việt tại Phiên Ngung [Panyu] thuộc tỉnh Quảng Đông thời nay cho tới năm 938 sau CN thời Ngũ đại thập quốc [907-979], khi Ngô Quyền của Việt Nam đánh bại quân Nam Hán, lập triều đại nhà Ngô độc lập;  3) Thời kỳ quốc gia độc lập, từ năm 938 đến năm 1884 khi nước Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa; suốt thời kỳ đó, Việt Nam là nước phiên thuộc của nhiều vương triều Trung Quốc, trong đó có 20 năm Việt Nam bị nhà Minh thu hồi thành thuộc quốc;  4) Thời kỳ là thuộc địa của Pháp;  6) Thời kỳ độc lập sau Thế chiến II.

   Các ghi chép lịch sử thường có nội dung khác nhau bởi lẽ chủ thể viết sử khác nhau, điều đó không khó hiểu. Trong Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ở phần thời kỳ tiền sử, văn hóa Đông Sơn được giới thiệu nhiều nhất, coi là tiêu biểu của thời này, nhưng ở thời kỳ thứ hai thì nền văn hóa đó lại bị lược bỏ. Trên thực tế, phần giới thiệu duy nhất về thời kỳ thứ hai là một bảng biểu “Chống xâm lược” xuyên suốt thời kỳ này, toàn bộ đều viết bằng chữ Quốc ngữ. Thế nhưng khi đọc kỹ bảng biểu đó người ta có thể thấy một số “nội dung nhạy cảm”: chống Đông Hán, chống Lưỡng Tấn, chống Nam Triều, chống quân nhà Đường v.v… Theo ghi chép của lịch sử Trung Quốc thì các nội dung này đều được định nghĩa là những sự kiện lịch sử “dân địa phương nổi dậy [dân biến]” hoặc “làm loạn [tác loạn]”, còn tại bảo tàng này thì tất thẩy đều được coi là nghĩa cử “chống ngoại xâm”.

   Bảo tàng Lịch sử quốc gia dành cho thời kỳ thứ ba phần giới thiệu rất chi tiết nhưng sợi chỉ chính xuyên suốt phần này thì không thay đổi, vẫn là chủ đề “Chống xâm lược phương Bắc” như chống quân Tống, chống quân Nguyên, chống quân Minh, chống quân Thanh… song le lại không một chữ nào nói đến mối quan hệ giữa chính quốc [tông chủ, tức Trung Quốc] với nước phiên thuộc [tức Việt Nam]. Trong đó có một đoạn khá thú vị nói về thời kỳ 20 năm Minh thuộc. Theo ghi chép trong Đại Việt Sử ký toàn thư, sách sử chính thức của triều Hậu Lê Việt Nam thì những năm đầu nhà Minh, trong triều đình nhà Trần ở Việt Nam có xảy ra sự kiện một người họ Hồ [Hồ Quý Ly?] thuộc bên ngoại của nhà vua định cướp ngôi, nhà Minh phái quân đội Nam tiến sang Việt Nam để lập lại sự công bằng về đạo lý; sau khi diệt xong Hồ, các quan lại và người cao tuổi bản địa cho biết hoàng tộc nhà Trần đã bị tuyệt diệt không còn người nối dõi, yêu cầu nhà Minh thu hồi quốc hiệu An Nam Quốc (Việt Nam), khôi phục chế độ đãi ngộ “quận huyện” của vương triều Trung nguyên trước kia. Trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đoạn lịch sử này cũng được giới thiệu là “Nhà Minh xâm lăng Việt Nam, phạm tội ác tầy trời”.

   Tự khoe là “chính thống Trung Hoa”

   Cho dù phần tự thuật trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tràn đầy tinh thần “Chống phương Bắc” nhưng từ quá trình lịch sử Việt Nam được thể hiện trong mọi trưng bày ở đây rất khó có thể nói các đời vương triều Việt Nam có một quá trình chủ động “Thoát Trung”. Trên thực tế, vào các thời Nguyên Mông, Mãn Thanh làm chủ vùng Trung nguyên Trung Quốc, các văn bản thư tịch của vương triều Việt Nam từng [có ý khinh bỉ] gọi hai kẻ thống trị phương Bắc ấy là “Mông Thát”, “Mãn Di”, mà tự khoe mình là “Chính thống Trung Hoa”. Trong bảo tàng có một bản chiếu thư bằng gấm do hoàng đế triều nhà Nguyễn sắc phong một vị tướng chống quân Thanh, trên tờ chiếu đó thậm chí có mấy chữ Hán: “Kiến công Vạn lý tráng Trường thành”.

   Vào cuối thời đại phong kiến, Việt Nam ra sức mở rộng lãnh thổ, dần dần chiếm lĩnh một vùng đất rộng ở châu thổ sông Mekong vốn thuộc Campuchia. Trong quá trình cưỡng chế đồng hóa người Cao Miên, Việt Nam càng cưỡng bức người “Cao man” (người Cao Miên) mặc Hán phục, học chữ Hán. Sách sử chính thức của triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” chép: “… Tai nghe nhiều thi quen, mắt thấy nhiều thì thuộc, cứ thế [người Miên] dần dà hòa nhập với phong tục người Hán; nếu lại có thêm sự giáo hóa của chính quyền, dùng văn hóa Hoa Hạ để biến đổi các dân tộc man di, xem ra sau vài chục năm thì có thể làm cho họ chẳng khác gì người Hán [Hán dân].” Ở đây triều Nguyễn tự xưng là “Hán”, “Hạ” [tên cũ của Trung Quốc], “Hán dân”, khoe mình là dòng chính thống [đích hệ] của văn hóa Trung Hoa.

   Nhà văn chuyên mục lịch sử Quách Hoa Mân từng viết trên mục Tư gia lịch sử mạng Bloomberg về sự cai trị đất nước của vương triều phong kiến nhà Nguyễn như sau: “Nước Đại Việt dù ở xa trung tâm thống trị của vương triều Trung nguyên nhưng lại toàn lực bắt chước và cấy ghép các chế độ văn hóa, kinh tế, chính trị của Trung Quốc. Triều Lý (1010-1225) chia chế độ quan lại làm hai ban văn võ, mỗi ban có cửu phẩm; các địa phương có Tri phủ, Phán phủ, Tri châu; trung ương còn có các trọng chức như Thái sư, Thái phó, Thái úy, Thái bảo. Thời kỳ đầu triều Lý đã xây dựng Văn miếu để thờ Khổng Tử và Chu Công, bắt chước chế độ khoa cử nhà Tống Đường…

   Phương thức sao chép các chế độ của Trung Quốc kéo dài suốt cho tới đêm trước ngày Việt Nam rơi vào vòng thuộc địa của Pháp. Chịu sự cai trị trực thuộc của Trung Quốc trong hơn 1.000 năm cộng thêm hơn 900 năm bê nguyên xi mọi thứ của Trung Quốc về dùng, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa quá ư sâu xa (sâu và rộng hơn nhiều so với Triều Tiên, Nhật). Trong “Khối cộng đồng tưởng tượng”, Anderson luận bàn thế này: “Tuy rằng vương triều thống trị Hà Nội và Huế (kinh đô triều Nguyễn) mấy thế kỷ qua đều bảo vệ được nền độc lập, không bị Bắc Kinh xâm phạm, nhưng rốt cuộc họ vẫn cứ dựa vào bè lũ quan liêu dốc lòng bắt chước người Trung Quốc để cai trị đất nước. Cơ quan nhà nước dựa vào chế độ “khoa cử” – kiểu thi viết về chủ đề là các kinh điển Nho giáo để lựa chọn và đề bạt người tài; các văn bản của triều đình đều viết bằng chữ Hán; về mặt văn hóa, mức độ Trung Quốc hóa của giai cấp thống trị cũng rất sâu.

   Rồi Anderson phân tích: Sau năm 1895, các trước tác của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và sau này là của Tôn Trung Sơn… truyền vào Việt Nam khiến cho “mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam với Trung Quốc có tính chất không được [chính phủ thực dân Pháp] hoan nghênh”. Bởi thế nên vào khoảng năm 1915, chế độ khoa cử bị bãi bỏ, thay bằng hệ thống giáo dục thuộc địa với tiếng Pháp là môn học chính. Ngoài ra, chữ Quốc ngữ Việt Nam La tinh hóa được hết sức đề xướng, qua đó làm cho các thế hệ mới của người Việt Nam thuộc địa do không thể tiếp xúc với thư tịch của thời đại các vương triều cũng như văn học cổ xưa mà bị cắt đứt mối liên hệ với Trung Quốc – cũng có thể gồm cả quá khứ của bản địa Việt Nam.

   Theo phân tích của Anderson, đối với tầng lớp tinh hoa bản xứ Việt Nam, sự “Thoát Trung” do người Pháp cưỡng chế tiến hành không phải là chủ ý của người Việt, mà là một quá trình bị động. Như vậy sau khi đã đánh đuổi thực dân Pháp (nhất là dưới sự giúp đỡ của quân đội Trung Quốc), Việt Nam hoàn toàn có thể trở lại con đường truyền thống “Trung Quốc hóa”, điều đó chẳng những có thể tăng cường mối quan hệ “láng giềng hữu hảo” giữa Việt Nam với Trung Quốc mà cũng có thể giúp cho người Việt Nam lập lại mối liên hệ với tổ tiên mình.

   Song le sự thực lại không như vậy.

   Phần tự thuật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đến năm 1945 thì chấm dứt. Chỉ có thể tìm hiểu thời kỳ tiếp theo của lịch sử Việt Nam từ một bảo tàng khác – “Bảo tàng Cách mạng Việt Nam” ở bên kia đường phố. Viện Bảo tàng này trưng bày thời kỳ từ khi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thức tỉnh cho tới ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ, người Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp; về cơ bản có thể coi là lịch sử giai đoạn đầu quá trình phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó tràn ngập sự tuyên truyền mang màu sắc thần thoại, điều này không có gì khó hiểu.

   Tiền đề cấu tạo quốc gia dân tộc

   Điều khác biệt rõ ràng với các vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là các vật trưng bày trong Bảo tàng Cách mạng hầu như không có chữ Hán, thậm chí hầu như không có hai chữ “Trung Quốc”. Tại đây, phong trào Việt Nam độc lập chống Pháp hoàn toàn do người Việt Nam tự thực hiện, không một chữ nào nhắc tới sự viện trợ của Trung Quốc. Có điều đáng chú ý là ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà lãnh đạo xuất thân từ một gia tộc Nho học nhiều đời, có vốn hiểu biết chữ Hán vững vàng này đã đọc trước công chúng bản “Tuyên ngôn Độc lập” viết bằng chữ Quốc ngữ Việt Nam La tinh hóa. Sau đó không lâu, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của Việt Nam.

   Cuốn sách Khối Cộng đồng tưởng tượng của Anderson không quan tâm nhiều tới lịch sử “Thoát Trung” của Việt Nam, nhưng trong sách có riêng một chương bàn về sự thức tỉnh của chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia thuộc địa sau Thế chiến II và con đường xây dựng nhà nước dân tộc. Trong đó, tìm kiếm sự thừa nhận thân phận dân tộc mình là bước đi tất yếu để xây dựng quốc gia dân tộc, là cơ sở logic để thực hiện “Khối cộng đồng tưởng tượng”, mà quá trình tìm kiếm đó ắt phải là quá trình chủ động, tỉnh táo.

   Đối với tầng lớp lãnh đạo Việt Nam sau ngày độc lập, trở lại “Trung Quốc hóa” tuyệt đối không phải là con đường đúng đắn để xây đắp sự đồng thuận của dân tộc. Ngược lại, “Thoát Trung” mới là điều kiện tất yếu để xây dựng một quốc gia dân tộc. Nói cách khác, nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia hiện đại độc lập thì “Thoát Trung” là nền tảng, là cốt lõi, là một sứ mệnh lâu dài. Điều đó về cơ bản nhất trí với nhận thức “Thoát Trung” của Nhật Bản, Triều Tiên vốn là các nước trong vành đai văn hóa Trung Hoa, cho dù quá trình “Thoát Trung” của Việt Nam cần thời gian dài hơn, và quá trình đó càng đau khổ hơn đối với hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

   Nguyện vọng của tầng lớp lãnh đạo Việt Nam

   Sau Thế chiến II, 200 nghìn quân Quốc Dân Đảng Trung Quốc tiến vào Việt Nam với danh nghĩa tiếp thu sự đầu hàng của quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam. Không lâu sau, quân đội Pháp cũng đổ bộ vào Việt Nam, yêu cầu phục hồi chủ quyền của quốc gia cai trị thuộc địa trước chiến tranh. Tưởng Giới Thạch lấy việc Pháp trả lại cho Trung Quốc một số lợi ích kinh tế như các tô giới trong lãnh thổ Trung Quốc làm điều kiện trao đổi để rút quân Quốc Dân ra khỏi Việt Nam.

   Phần lớn các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời ấy đều phản đối việc trao trả Việt Nam cho thực dân Pháp, nhưng Hồ Chí Minh lại ký vào Hiệp định.[1] Vì thế mới có chuyện trong ghi chép của nhà báo Mỹ Stanley Karnow có viết “I prefer to sniff French shit for five years than eat Chinese shit for the rest of my life.” [2]

   Trong thế giới Trung văn, câu nói này của Hồ Chí Minh có những bản dịch khác nhau, có thể từ ngữ có chút dị biệt, nhưng ý nghĩa đại để như vậy. Mặc dầu về sau giáo sư Liam Kelley ở Đại học Hawaii có nghi ngờ về xuất xứ câu nói ấy của Hồ Chí Minh mà Karnow trích dẫn, thế nhưng qua liên hệ với hồi ký của một số nhà lãnh đạo Trung Quốc thì những phát biểu của Hồ Chí Minh đại loại như “Biểu hiện ngạo mạn của quân đội Trung Quốc thì giống như biểu hiện của quân đội Trung Quốc thời xưa từng thường xuyên xâm phạm Việt Nam”, và liên hệ tới chuyện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam xóa sạch sự viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp, thì chẳng nói cũng biết tầng lớp lãnh đạo Việt Nam đúng là có xu hướng mạnh mẽ “Thoát Trung”.

   Điều thú vị là Anderson sinh ra ở Côn Minh, từ nhỏ gia đình ông có thuê một bà bảo mẫu người Việt Nam; tuy sách của ông không bàn luận sâu về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc song ông lại nói chính cuộc chiến tranh Trung Quốc-Việt Nam năm 1979 đã “trực tiếp gợi ý tôi viết cuốn Khối cộng đồng tưởng tượng”.

   Hồi đó toàn thế giới đều cho rằng cuộc chiến ấy có nguyên nhân là sự đấu tranh phe phái trong thế giới cộng sản (Liên Xô và Việt Nam một phe, Trung Quốc và Campuchia một phe), hoặc là cuộc xung đột địa chính trị của ba nước lớn Trung Quốc, Mỹ, Nga. Nhưng Anderson thì nhìn thấy rõ nguyên nhân lịch sử ở tầng sâu hơn phía sau cuộc chiến ấy – đó là chủ nghĩa dân tộc vượt qua ý thức hệ, vượt qua địa chính trị.

Việt Nam có thể triệt để “thoát Trung” được chăng?

Những năm gần đây, do xung đột trên vấn đề Biển Đông [nguyên văn Nam Trung Quốc hải] và do nỗi đau vết thương còn lại sau cuộc chiến 1979 ấy, một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam có lẽ sẽ tăng cường độ “Thoát Trung”. Năm 2010 một bộ phim truyền hình cổ trang của Việt Nam quay tại trường quay ở Trung Quốc vì “quá ư Trung Quốc hóa” mà bị chính quyền Việt Nam cấm chiếu.[3] Năm 2014, Bộ Văn hóa Việt Nam gửi công văn kiến nghị các địa phương không bày biện, không sử dụng, không thờ cúng các loại tượng điêu khắc, sản phẩm, linh vật và vật phẩm quái dị không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Nghe nói những vật phẩm ấy chủ yếu là các loại sư tử đá “Trung Quốc hóa” nhập từ Trung Quốc.

Thế nhưng các cố gắng “Thoát Trung” về văn hóa của Việt Nam xem ra không có hiệu quả lớn. Suy cho đến cùng, quá trình hơn 2000 năm ngấm văn hóa Trung Quốc đã đặt nền móng văn hóa cho bản thân Việt Nam, triệt để “Thoát Trung” sẽ tương đương với sự cắt đứt lịch sử của chính mình. Ở Việt Nam ngày nay, tam giáo Nho, Thích, Đạo đều có mảnh đất của mình, mà cả ba đều từ Trung Quốc truyền sang, các tín đồ của họ vẫn chiếm tuyệt đại đa số trong số dân tin theo tôn giáo ở nước này.

Về kinh tế, hầu như chẳng ai tin rằng trong một thời gian ngắn Việt Nam có thể thoát khỏi sự dựa dẫm vào Trung Quốc. Cho dù nội bộ chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng có thảo luận vấn đề “Cố gắng Thoát Trung về kinh tế” nhưng ngành chế tạo của Việt Nam chỉ là một khâu trong chuỗi sản xuất công nghiệp do Trung Quốc làm chủ, sản phẩm làm ra lại cần lấy Trung Quốc làm nước nhập khẩu lý tưởng. Thoát khỏi Trung Quốc về kinh tế hầu như là một “nhiệm vụ không thể thực hiện”.

Lĩnh vực Việt Nam có khả năng nhất để thực hiện “Thoát Trung” là chế độ chính trị. Mặc dù rất khó có thể nói thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam là bản sao của Trung Quốc, nhưng mỗi lần Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột thì hầu như lần nào mâu thuẫn cũng đều được hóa giải với lý do “giữ cho toàn vẹn mối tình giữa hai đảng, hai chính phủ”. Tuy nhiều báo đài từng đưa tin với tiêu đề đại để như “Công cuộc cải cách thể chế chính trị của Việt Nam tiến nhanh hơn Trung Quốc” song tình hình thực tế lại không như vậy, hoặc có thể nói việc cải cách thể chế ở Việt Nam chưa có những đột phá thực chất.

   Tháng 8/2014, hãng tin Bloomberg đưa tin: 61 thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có một cựu đại sứ tại Trung Quốc, cùng ký tên vào một bức thư ngỏ gửi Chính phủ Việt Nam. Bức thư viết: Các nhà lãnh đạo nên “xây dựng một nhà nước thực sự dân chủ, pháp trị”, cho phép tự do ngôn luận chính trị ở mức độ rộng hơn, “thoát khỏi” sự dựa dẫm vào Trung Quốc. Bản tin cho biết, một số người, kể cả các cựu quan chức chính phủ đã dự thảo một bản Hiến pháp yêu cầu triển khai sự “cạnh tranh về chính trị”. Mặc dù kết quả bầu cử lãnh đạo mới đây không thể hiện Chính phủ Việt Nam có dấu hiệu “thoát khỏi Trung Quốc”, nhưng việc vấn đề này có thể được bàn luận trong thư ngỏ là đủ tỏ rõ nguyện vọng của một bộ phận khá đông đảo trên chính trường Việt Nam.

   Bất kể là trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay vấn đề kinh tế, Việt Nam đều tính toán khả năng dựa vào phương Tây, thậm chí từng có thời đã xem xét vấn đề lập liên minh quân sự với quốc gia cựu thù là Mỹ, song le lại khó có thể vượt qua trở ngại về ý thức hệ. Nếu Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ với phương Tây để chống Trung Quốc thì tiền đề ắt phải là về chính trị nên mở cửa hơn, bỏ chế độ chuyên chế một đảng, về thể chế chính trị cần triệt để cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Bước đi này tuy không gian nan như sự “Thoát Trung” về văn hóa nhưng lại chẳng dễ dàng thực hiện.

(Bài không ghi tên tác giả, có lẽ là một nhà báo Trung Quốc giấu tên. Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú trong ngoặc)

                             Nguồn tiếng Trung:  越南能否彻底去中国化 2017-05-10

———————

[1] Có thể tác giả muốn nói Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt, ký tại Hà Nội ngày 6/3/1946. Tham khảo: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/hiep-dinh-so-bo-631946-nuoc-co-sac-sao-cua-ho-chu-tich-va-dang-ta-486107.vov

[2] Câu cuối này trong tiếng Anh là “I prefer to sniff French shit for five years than eat Chinese shit for the rest of my life.” – Theo: Stanley Karnow’s Vietnam: A History (New York: Viking Press, 1983).

[3] Có lẽ là phim “Lý Công Uẩn – Đường dẫn tới thành Thăng Long” Tham khảo: https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/khong-chieu-ly-cong-uan-duong-toi-thanh-thang-long-la-hop-le-20110609102020887.htm

(Nghiên cứu quốc tế 15/02/2019)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét