Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

CÓ PHẢI NGƯỜI HÁN LÀ “VIÊM HOÀNG TỬ TÔN?”

HÀ VĂN THÙY




Cụ Điền Nguyên, tổ tiên của Viêm Đế 40.000 năm trước

Truyền thuyết về nguồn gốc của người Hán ghi: “Ban đầu, Viêm Đế và Hoàng Đế cùng trong bộ tộc, do Viêm Đế làm chủ. Nhưng rồi Hoàng Đế mạnh lên, thay quyền Viêm Đế. Viêm Đế chấp nhận nhưng người thân của Viêm Đế là Si Vưu tạo phản, gây ra cuộc chiến khốc liệt. Hoàng Đế đã từng đánh mười trận mà chín trận không thắng. Nhưng rồi cuối cùng Hoàng Đế diệt Si Vưu, lập nhà nước Hoàng Đế. Do vậy, người Hán là con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế.” Muốn xem truyền thuyết trên đúng không, ta phải trả lời ba câu hỏi: 1. Viêm Đế là ai? 2. Hoàng đế là ai? Và 3. Người Hán là ai?
1.    Viêm Đế là ai?
Ngày nay, từ nhiều tư liệu di truyền và khảo cổ, ta biết, 40.000 năm trước, do khí hậu phía bắc ấm hơn, người Việt cổ chủng Australoid từ Việt Nam đi lên Quảng Đông bắt đầu cuộc khai phá Hoa lục. Cũng thời gian này, cộng đồng người Mongoloid từ lâu sống ở Tây Bắc Việt Nam, theo hành lang phía Tây đi lên chiếm lĩnh đất Mông Cổ, sau này được gọi là người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid). Từ Quảng Đông, người Việt tăng số lượng đồng thời sáng tạo đồ gốm, thuần hóa lúa nước, đưa lên xây dựng kinh tế nông nghiệp Giả Hồ ở lưu vực Hoàng Hà 9000 năm trước, Hà Mẫu Độ ở hạ lưu Dương Tử 7.000 trước. Khoảng 7000 năm trước, người Việt xây dựng văn hóa trồng kê, trồng lúa tại Ngưỡng Thiều miền Trung Hoàng Hà. Tại đây người Việt chủng Australoid tiếp xúc, hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sống trên bờ Bắc, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam (South Mongoloid), sau này được gọi là người Việt hiện đại. Người Việt Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Truyền thuyết nói rằng, Phục Hy (4480-4369 TCN) là vị tổ đầu tiên của người Việt ở lưu vực Hoàng Hà, là người làm ra kinh Dịch. Việc phát hiện ngôi mộ 6500 năm trước ở dốc Tây Thủy, trấn Bộc Dương, Hà Nam với những biểu trưng của nhị thập bát tú, thanh long, bạch hổ, 24 tiết khí, chứng tỏ lúc này trình độ thiên văn, phong thủy, Dịch lý của người Việt đã trưởng thành. Nhiều ý kiến cho rằng ngôi mộ đó là của Phục Hy. Truyền thuyết cũng chép, sau khi Phục Hy mất, Thần Nông ra đời (3320 TCN), dạy dân họp chợ, cày cấy. Như vậy, Thần Nông là vị tổ thứ hai của người Việt sau Phục Hy và Nữ Oa. Dù có thêm gen Mông Cổ để thành chủng Mongoloid phương Nam nhưng người Việt hiện đại vẫn mang nước da đen của tổ tiên Việt Cổ. Phục Hy đen. Thần Nông cũng đen nên có tên hiệu Viêm Đế, nghĩa là vua của dân viêm nhiệt phương Nam.
2.    Hoàng Đế là ai?
Năm 2698 TCN Hiên Viên thị dẫn các bộ lạc du mục từ bờ Bắc Hoàng Hà đánh vào Trác Lộc ở bờ Nam, chiếm đất của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Tuy chiến thắng nhưng do nhân số ít, lại vấp phải sự đánh trả mãnh liệt của người Việt nên Hoàng Đế áp dụng chính sách cai trị khôn khéo là không tiêu diệt và bắt người Việt làm nô lệ mà để họ cày cấy trên đất của mình, chịu đi lính, làm tạp dịch và đóng thuế. Ông cũng dùng văn hóa Việt phủ dụ dân bản địa. Nhờ vậy đã quy phục được người Việt. Do sống chung nên có sự hôn phối giữa người Mông Cổ và người Việt. Thế hệ con lai ra đời, được gọi là Hoa Hạ. Người Hoa Hạ tiếp thu hai văn hóa Mông-Việt, trở nên lớp người ưu tú. Sau đó, người Hoa Hạ thay thế cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, góp phần làm nên thời Hoàng kim trong lịch sử phương Đông. Tuy nhiên, lớp người Hoa Hạ chỉ tồn tại trong thời gian không lâu rồi hòa tan trong khối dân Việt đông đúc. Từ thời vua Thuấn, Hoa Hạ không còn vai trò lãnh đạo xã hội. Hoàng Đế cùng quân Mông Cổ theo ông vào Nam Hoàng Hà là người thuộc chủng Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) nên có da trắng. Để phân biệt với dân bản địa, họ gọi người Việt là Lê dân, dân đen. Do thuộc hai chủng tộc khác nhau nên cố nhiên, Hoàng Đế và Viêm Đế không thể được sinh ra trong cùng bộ lạc. Nói “Viêm Đế và Hoàng Đế cùng trong bộ tộc” là do người sau này đặt ra.
Điều đáng để suy ngẫm ở chỗ, vốn là kẻ xâm lăng đất Việt nhưng rồi Hoàng Đế được dân Việt tôn xưng lên địa vị rất cao và dâng tặng ông những công lao lớn, thậm chí tôn làm tổ tiên của người Trung Quốc, cùng với Thần Nông. Người Trung Quốc tự nhận là Viêm-Hoàng tử tôn.
3.    Người Hán là ai?
Cho đến nay không chỉ thế giới mà người Hán cũng không biết chính xác họ là ai! Từ những khám phá khảo cổ và di truyền mới nhất cho thấy, 7000 năm trước, người Việt chủng Mongoloid phương Nam được sinh ra tại lưu vực Hoàng Hà. Xâm lăng đất Việt, lập nhà nước Hoàng Đế, vương triều Hoàng Đế gọi dân Việt ở phía đông là Đông di, ở phía nam là Nam man. Do bị chiếm đất, một bộ phận người Việt chạy xuống Nam Dương Tử. Những lớp người di tản nối nhau xuống phía Nam, mang nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư vùng Giang Nam và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Những người ở lại lưu vực Hoàng Hà một phần thành người của nhà nước Hoàng Đế, phần còn độc lập tiếp tục kháng cự cho tới đời Thương. Sau đó giúp nhà Chu đánh nhà Thương, trở thành chư hầu của nhà Chu mà nước Sở lớn nhất. Sau khi diệt nhà Tần, Lưu Bang người nước Sở xưng vương, lập nhà Hán. Người Việt nước Sở trở thành người Hán rồi được gọi là dân tộc Hán. Tuy nhiên, trên thực tế, cùng là người Việt chủng Mongoloid phương Nam được sinh ra tại lưu vực Hoàng Hà 7000 năm trước, những người chạy tới đất Việt Nam, thành người Việt Nam. Người ở lại lưu vực Hoàng Hà thành người Hán. Khi nhà Hán mở rộng cương thổ thì cả người và đất Giang Nam bị chiếm trở thành người Hán, đất Hán.
Từ thực tế trình bày trên, có thể đưa tới nhận định sau:
i.               Viêm Đế ra đời 3320 TCN (trước Hoàng Đế 600 năm) nên không thể sống cùng Hoàng Đế trong một bộ tộc ở thời điểm 2698 TCN.
ii.             Nếu là con cháu của Hoàng Đế thì người Trung Quốc chỉ ra đời sau 2698 TCN, như vậy là quá trẻ, không phù hợp tư liệu khảo cổ và di truyền học khám phá tổ tiên họ xuất hiện tại văn hóa Ngưỡng Thiều 7000 năm trước.
Tới đây, một câu hỏi cần được trả lời: Vì sao có truyền thuyết “Viêm Hoàng tử tôn?” Có thể lý giải như sau. Người Trung Quốc vẫn ghi nhớ tổ của mình là Thần Nông. Nhưng rồi khi lớp người Hoa Hạ “vang bóng một thời,” quá oai phong nên nhiều người cũng tự nhận mình là Hoa Hạ. Nhưng nếu là Hoa Hạ thì tổ phải là Hoàng Đế. Những người “Hoa Hạ” này vừa muốn có tổ Hoàng Đế nhưng lại không bỏ tổ Thần Nông nên sáng tạo ra tổ kép chưa từng có tiền lệ Viêm - Hoàng. Từ đó, dùng quyền sáng tạo huyền thoai, bỏ qua khoảng cách thời gian giữa hai vị, “thỉnh” Thần Nông từ 600 năm trước về sống cùng Hoàng Đế trong một bộ tộc, vào đúng thời điểm của cuộc chiến Trác Lộc 2698 TCN. Thấy kẻ sang bắt quàng làm họ là chuyện người ta thường tình nên nhiều người hùa theo, đến cả con cháu Hốt Tất Liệt nhà Nguyên hay hậu duệ Ái Tân Giác La nhà Thanh sau này cũng nhận là Hoa Hạ, là Viêm Hoàng tử tôn. Từ đó cả dân tộc lầm lẫn nhận một tổ tiên ảo!
Truyền thuyết không phải là lịch sử mà là ánh xạ của lịch sử, giống như ngôi sao đã tàn gửi lại ánh sáng để vũ trụ biết về kiếp sống của mình. Vì vậy, con người từng giải mã huyền thoại để tìm lại lịch sử. Nhưng nay, khi tích lũy được tri thức cần thiết, con người dùng tư liệu lịch sử để giải mã huyền thoại, giúp cho nhận thức của của mình về thế giới sâu sắc hơn. Tuy nhiên huyền thoại muôn đời vẫn là huyền thoại. Việc chối bỏ huyền thoại hay giải thích khiên cưỡng huyền thoại sẽ khiến cho không chỉ trí tuệ mà cả tâm hồn con người trở nên nghèo nàn thô thiển. Việc người Trung Quốc dựng tượng Viêm Đế và Hoàng Đế bên bờ Hoàng Hà là một ví dụ. Khi tước bỏ phần huyền ảo của huyền thoại, bức tượng phô ra sự thật trần trụi về óc nông cạn của con người vô minh chẳng biết tổ tiên là ai!

Sài Gòn, 5. 2020




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét