Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

VÀI NÉT VỀ NGUYỄN DU TRONG THỜI THẢM DỊCH

 

PHẠM QUANG ÁI

 


Nguyễn Du chào đời trong thời loạn lạc:
                             

Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra:
Khóc vì nỗi xót xa sự thế,
Khóc vì trò bãi bể nương dâu;
Trắng răng đến thưở bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần

     Đó là những câu thơ đầy ảo não, bi quan yếm thế của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) viết trong tuyệt tác Cung oán ngâm khúc. Nguyễn Gia Thiều hơn Nguyễn Du đến 24 tuổi và mất trước Nguyễn Du 22 năm. Rất có thể khi Nguyễn Du trông thấy ánh mặt trời thì Nguyễn Gia Thiều đã khởi bút viết khúc ngâm tê tái của mình. Cung oán là sự ánh xạ xanh xao, vàng vọt tâm trạng con người bế tắc cùng cực trong một bối cảnh xã hội rối ren, đen tối.

                
     Có lẽ cái trạng thái nhân thế đó đã nhập vào hồn cốt, máu thịt Nguyễn Du từ khi ông được hoài thai qua những điệu hát ru quan họ buồn man mác của người mẹ thân phận lẻ mọn vốn là một người đẹp đàn hát hay nổi tiếng xứ Kinh Bắc, rồi lớn lên lại được/bị bồi đắp bởi cảnh ngộ “quốc phá gia vong”. Cha mất khi ông vừa 10 tuổi, 13 tuổi lại mồ côi mẹ, 5 anh em đắt díu nhau ăn nhờ ở đậu người anh Nguyễn Khản (1734- 1787, hơn Nguyễn Du 31 tuổi) và đàng ngoại. Qua 10 năm gió bụi (1786-1796) và 6 năm lánh ẩn ở quê nhà (1796-1802), Nguyễn Du lại trải nghiệm thấm thía thân phận thất cước tha hương và cuộc sống tăm tối, đói nghèo, bệnh tật, cô độc nên ở ông sự bi quan yếm thế đã đông đặc và lặn sâu vào trong cõi hạ ý thức. Điều đó được thể hiện đậm đặc trong thơ chữ Hán và truyện Kiều. Trong quãng “thập tải phong trần”, những năm sống lê thê ở quê vợ, tình cảnh và tâm sự của ông bộc lộ trong thơ thật thê lương, bi thiết. Trên đất Quỳnh Côi (Thái Bình), vợ mất con dại, gặp đêm trăng xuân đẹp, đầy xuân sắc xuân tình, cũng không khơi dậy ở ông một tí ti lạc quan nào:


Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên.


                  Dịch thơ:

Nguyên tiêu, sân vắng, trăng đầy,

Hằng Nga nguyên vẻ đẹp này, chẳng phai.

Trời xuân gõ cửa nhà ai?

Quỳnh Châu vạn dặm đêm nay trăng tròn.

Hồng Sơn, huynh đệ lìa tan,

Bạc đầu, nhiều hận, năm tàn tháng trôi.

Cùng đường, trăng vẫn thương tôi,

Tuổi ba mươi, khắp biển trời lênh đênh

.
                                                                      Phạm Quang Ái dịch thơ

     Thanh Hiên thi tập có 6 bài thơ xuân thì tất cả đều là những bài thơ buồn, không mảy may ánh lên một niềm vui nào. Khi thì bất cần đời, chán chường số phận (Xuân nhật ngẫu hứng); lúc lại khắc khoải, bế tắc trong khung cảnh đêm xuân đầy u ám và bi thương. Trong cái khung cảnh ảm đạm đó, hiện lên một con người tài hoa bạc mệnh thấm thía cảnh ngộ bệnh tật, xa nhà, không danh phận, không tìm thấy lối ra trong “đêm trường dạ tối tăm trời đất” (Xuân dạ). Mùa xuân với tiết Thanh Minh ấm áp, trai gái gần xa nô nức trong hội Đạp Thanh, lòng người hứng khởi, cảnh vật đầy sắc xuân và con người như hòa quyện với nhau. Nhưng đó là Thanh Minh của nhân gian, còn Thanh Minh của Nguyễn Du trong bài thơ Thanh Minh ngẫu hứng lại là một không gian đầy gió lạnh, “nhân tự bi thê thảo tự thanh”, người cứ buồn thương cỏ cứ xanh, cảnh và người không ăn nhập với nhau. Người đã tiều tụy vì gian khổ, đau thương nên thấy cảnh lại thêm sầu. Lênh đênh một góc trời không chén rượu uống khi tết đến (Thanh minh ngẫu hứng). Trong Mộ xuân mạn hứng, Nguyễn Du lại bày tỏ một nhân sinh quan đậm màu sắc Lão Trang, xem kiếp sống như một trò mộng huyễn và công danh là một thứ ảo ảnh như ánh nắng cuối xuân.
Buồn vì phải làm một “trệ khách” nơi quê người (Trệ khách), một cảm giác bất lực dâng lên khiến ông như muốn rã rời. Thơ ông không chỉ một lần nói về cảm nghĩ này:

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên.
Xuân lan thu cúc thành hư sự,
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên…
(Tráng sĩ đầu bạc ngửng nhìn trời, lòng bi đát,
Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt.
Xuân lan thu cúc đã thành chuyện hão,
Đông rét hè nóng cướp cả tuổi xuân
)
                                                         Tạp thi I


     Thơ chữ Hán Nguyễn Du ngổn ngang nỗi buồn. Buồn vì thân thế, cảnh ngộ cá nhân, buồn vì việc cũ người xưa, buồn vì thế sự trước mắt. Vì thế, thơ ông chất chứa nhiều nỗi chua chát, đắng cay; bao trùm lên vũ trụ thơ là một màu u ám, một không khí u uẩn, se sắt dự báo một cuộc sống đầy bất trắc luôn chờ chực thi nhân. Tâm trạng đó, dự cảm số phận đó đã được ký thác trong hình tượng nhân vật Kiều ruột thịt của ông và còn được biểu hiện một cách bi thiết, tê tái trong Văn tế thập loại chúng sinh. Tương truyền, bài thiên cổ bi văn đó được viết tại Uyên Trừng Hoa tạng tự trên núi Uyên Trừng (một ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân). Chùa Uyên Trừng là một danh lam được liệt kê trong Nghi Xuân bát cảnh (Uyên Trừng danh tự). Đây là ngôi chùa thuộc loại cổ nhất (theo một số nhà khảo cổ nó có thể được xây dựng và thời Tiền Lê). Khi về ẩn dật tại quê cha, Nguyễn Du đã từng có nhiều ngày tháng lên chơi và ăn ở để chữa bệnh tại chùa này. Vào khoảng thời gian đó, vùng này xảy ra một trận đại dịch làm chết rất nhiều người. Sư trụ trì chùa này đã nhờ ông viết bài văn tế nổi tiếng nói trên để làm lễ cầu siêu cho những người bị chết dịch. 

  
     Vậy có thể nói Văn tế thập loại chúng sinh là một tác phẩm văn học Phật giáo của Nguyễn Du có liên quan đến đề tài dịch bệnh. Một trong những văn bản của bài văn được GS Lê Thước sưu tầm ở chùa Diệc (tp. Vinh) vào năm 1924. Có thể nói, gần như những chứng nghiệm về đau khổ, bệnh tật, tai ương, chết chóc mà đời ông đã trải qua đều được đúc lại tầng tầng lớp lớp trong hình tượng bài bi văn thiên cổ này. Và như theo dớp, hơn 20 năm sau, 1820, Nguyễn Du lại qua đời vì một trận đại dịch ở kinh đô Huế khi đang chuẩn bị đi sứ sang Trung Quốc lần thứ 2. Nguyễn Du đã thản nhiên mang theo nỗi buồn nhân thế dài dặc của mình trút hơi thở cuối cùng một cách lạnh lẽo tại kinh sư. Đại Nam chính biên liệt truyện đã chép một cách ngắn gọn về cái chết của ông như sau: “Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả rồi, Du bảo rằng “tốt”, nói xong thì chết, không nói câu nào đến việc sau khi chết” (ĐNCBLT, NXB Thuận Hóa, tr.357). Mấy dòng ngắn ngủi của chính sử triều Nguyễn cho ta biết hai điều: một là Nguyễn Du không chịu chữa trị (không chịu uống thuốc) mà cứ mặc nhiên để ôn thần lệ quỷ mang đi, hai là ông không thèm đoái hoài gì việc đời, việc hậu sự. Như vậy, chứng tỏ tâm trạng của Nguyễn Du đã bi quan, chán nản đến tột độ, không thiết sống nữa mặc dù tuổi đời mới 56. Tâm thế đó cũng phù hợp với hai câu kết bài Độc Tiểu Thanh ký mà có người bảo rằng đó là lời khẩu chiếm của ông trước khi tạ thế: “Bất tri tam bách dư niên hậu,/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Không biết ba trăm năm lẻ nữa/Thiên hạ ai người khóc Tố Như?). Cái chết đột ngột dường như cố ý tự kết liễu đời mình của ông đã khiến cho người cháu tài danh là Nguyễn Hành phải bàng hoàng thốt lên: “Thập cửu niên tiền Tố Như tử/Nhất thế tài hoa kim dĩ hĩ!/Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn/Dịch lệ hà năng tốc công tử?”(Mười năm về trước, ông Tố Như/Nhất đời tài hoa nay đã hết!/Phúc lớn nhà ta, ông khéo trồng/Ôn thần sao nhanh khiến ông chết?).  

     Và hôm nay, khi dòng họ, quê hương, đất nước và cả nhân loại đang xốn xang chuẩn bị kỷ niệm 200 năm mất vì dịch bệnh của ông thì đất nước ta cũng như cả thế giới lại một lần nữa khốn đốn vì trận đại thảm dịch tràn ra từ cái đất nước mà hơn 200 năm trước ông đã đặt chân tới trong vai trò một vị chánh sứ và gửi lại cho đời sau những tri nhận rất ít thiện cảm về cái xứ sở đó trong tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục. Dường như anh linh của ông đã dự báo điều này từ 200 năm trước!

     Tập thơ Bắc hành tạp lục là một cuốn “sách trắng” về lịch sử tàn bạo của Trung Hoa trong đối nội và đối ngoại. Đối nội thì các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, sát hại lẫn nhau; áp bức, tàn sát người dân, những kẻ sĩ, trí thức lương thiện, trung trinh một cách dã man, tàn khốc. Đối ngoại thì kỳ thị, bành trướng xâm lược các lân bang, ngoại tộc mà họ miệt thị gọi là “tứ di” theo một quan điểm vô cùng phản động là “tôn Hoa nhương Di” với những chủ trương bóc lột, tàn sát con người, tận diệt văn hóa của các nước đó một cách man rợ(*). Không phải ngẫu nhiên mà một chánh sứ đi sứ thượng quốc, thiên triều như ông, không hề có trong hồ sơ của sứ đoàn trình nhà vua một bài thơ thù phụng, ngợi ca vua quan, đất nước của thiên tử nào ngoại trừ 136 bài thơ được sáng tác theo ý hướng “bài Trung” khá rõ nét lại không hề bị triều đình nhà Nguyễn trách phạt gì, hơn thế, còn được thăng thưởng, cất nhắc rất hậu hĩnh! Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép tiểu truyện về ông có đoạn viết: “Du trường ư thi, thiện quốc âm; Thanh sứ hoàn, hữu Thúy Kiều truyện dữ Bách hành thi tập hành thế” ((Nguyễn) Du giỏi về thơ, hay quốc âm; đi sứ nhà Thanh trở về có truyện Thúy Kiều và tập thơ Bắc hành truyền ra cho đời). Điều đó chứng tỏ nhà Nguyễn rất đồng tình trước thái độ, quan điểm và cách ứng xử của ông với đất nước và con người thượng quốc đã được thể hiện rõ ràng trong thơ.

    200 năm sau, khi chính người dân Trung Hoa cũng như phần lớn nhân loại đang khốn đốn vì dịch bệnh thì tập đoàn thống trị Trung Quốc dối trời, lừa dân, lừa thiên hạ tranh thủ xuất chiêu cắn trộm bằng chủ trương lập quận Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) hòng tìm cách nuốt trọn biển Đông. Đúng là “Giang sơn dị cải, bản tính nan di” (núi sông dễ đổi, bản tính khó dời), cái căn tính tham lam, nham hiểm, tàn độc của kẻ cướp thì dẫu trời có sập nữa cũng luôn hiện bản tướng ăn cướp! Ông cha ta, những anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, các vua Trần và Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung đã bao lần giáng cho chúng những đòn sấm sét, làm đại bại âm mưu xâm lược của chúng; những văn thần như Giang Văn Minh, Nguyễn Du đã bày tỏ quan điểm, thái độ bất phục, khinh bỉ bọn chúng nhưng chúng vẫn không chừa cái âm mưu xâm lược hiểm độc truyền đời. Nhưng như Nguyễn Du đã nói, các tập đoàn thống trị Trung Hoa “nhai thịt người ngọt xớt” đó thì trời không dung, đất không tha và thiên hạ sẽ không bao giờ cúi đầu khuất phục chúng!

     Tưởng nhớ Nguyễn Du, chúng ta tưởng nhớ một thi hào luôn nhạy cảm sâu sắc với những đau khổ của cuộc đời, một bậc đại nhân, đại trí với “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” không chỉ thấu hiểu nỗi khổ nhân sinh mà còn tường tận kẻ thù dân tộc, không chỉ biết bi thương cho nhân thế mà còn biết dũng cảm lên án bộ mặt xấu xa của bọn bành trướng xâm lược truyền đời. Cái chết của ông không chỉ vừa là sự kết thúc một cuộc đời niềm vui thì ít, buồn đau quá nhiều mà còn như là sự dự báo cho những thách thức mà nhân dân, đất nước của ông sẽ phải đương đầu trong lịch sử tương lai lâu dài hàng trăm năm sau. Tư tưởng thoát Hán xuyên suốt trong tập Bắc hành tạp lục là một chỉ hiệu quan trọng mà con cháu chúng ta phải nghiễn ngẫm và trân quý!

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét