Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

NHÀ VĂN TRẦN VĂN THƯỚC Ở THÁI BÌNH

 Trần Văn Thước sinh ngày 15 - 4 - 1954 tại xã Vũ Lăng (Tiền Hải) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1999. Từng là thợ nguội Nhà máy toa xe Hữu Nghị, bị tai nạn lao động liệt hai chân từ năm 1979. Đã xuất bản 8 tập truyện ngắn và 2 tiểu thuyết về đề tài nông thôn, nông dân.

 


 

Anh đã được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn học. Cuối năm 2011, anh là một trong hơn chục nhà văn được Bộ Nông nghiêp - Phát triển nông thôn và Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng cho thành tựu xuất sắc viết về đề tài nông thôn mấy chục năm qua. Cống hiến của anh cho nền văn học đất nước đặc biệt đáng trân trọng. Anh là một trong số ít các nhà văn Việt Nam viết về nông thôn đang được bạn đọc yêu mến hiện nay.

Cứ nghĩ cái anh nhà văn mấy chục năm không ra khỏi làng, ngày ngày đứng tựa vào cây nạng gỗ  vừa viết văn vừa giúp vợ bán hàng tạp hóa, tính nết lại hiền hòa, thơm thảo như củ khoai hạt lúa, được dân làng và bạn bè xa gần thương mến  thì thanh thản và yên ấm lắm. Ấy vậy mà cũng mấy phen lao đao vì cái vạ văn chương.

Lần thứ nhất là năm 1988, khi đó Trần Văn Thước mới về quê nghỉ dưỡng thương tật được 3 năm. Bút ký “Xin hãy nghe” đăng 2 kỳ báo Văn nghệ viết về tệ nạn cường hào mới ở nông thôn của Thước gây chú ý và cảm tình của bạn đọc cả nước, nhưng lại làm một số cán bộ địa phương bất bình. Họ kết tội Thước lợi dụng đổi mới bôi nhọ cán bộ.  Một buổi sáng, người ta tổ chức  cuộc  “tiếp thu báo chí “ tại hội trường làng, có đông đủ cán bộ, đảng viên tham dự. Trên nóc hội trường đặt bốn loa nén công suất lớn chĩa ra bốn hướng truyền đi những ý kiến lên án anh nhà văn  ăn cơm của làng mà dám “vạch áo cho người xem lưng”. Có người còn đòi truy tố. Dân làng đứng chật xung quanh hội trường và dọc đường làng. Tôi được Thước báo tin  từ chiều hôm trước, nên sáng  đó cũng có mặt ở làng, chứng kiến một sự kiện khá điển hình của nông thôn thời kỳ đầu đổi mới. Không khí làng xóm  căng như dây đàn,  người ngoài cuộc cũng thấy hãi, huống hồ một người mới cầm bút  như Thước. Khoảng nửa buổi sáng thì cuộc họp bỗng đổi chiều. Một số cán bộ lão thành lên tiếng bảo vệ Thước, lên án những sai trái được nêu trong bài bút ký. Nhiều dân làng ùa vào cuộc họp cướp diễn đàn  ủng hộ tác giả. Loa truyền thanh tắt. Cuộc họp giải tán không có kết luận.  Cũng thời điểm ấy, Phùng Gia Lộc ở Thanh Hóa viết bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” đã phải trốn ra Hà Nội tá túc ở nhà bạn bè.  Bài bút ký gây sóng gió ấy sau được báo Văn nghệ trao giải nhì, là nguồn động viên không nhỏ với Thước.


Vùng biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình lấp lánh ánh bạc trong bình minh. Khung cảnh biển được điểm xuyết bởi những chòi canh, nơi ngư dân trông coi bãi nuôi ngao, quây trên bãi biển bùn pha cát thoai thoải. Bức ảnh trên nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp biển đảo dọc chiều dài Việt Nam” của tác giả Phạm Huy Trung, hiện làm việc tại TP HCM. Đây là một trong những bộ ảnh anh gửi đến VnExpress trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang thực hiện các chương trình kích cầu, người Việt đi du lịch nội địa khi Covid-19 được kiểm soát.

Mười năm sau, một buổi sáng, có  một đoàn các cụ râu dài tóc bạc đến nhà, đặt tờ báo lên bàn và trải tấm gia phả bằng cái chiếu đôi ra trước mặt, nói với Thước: “Dòng họ chúng tôi sinh ra Công chúa mà anh viết thế này chẳng hóa ra họ chúng tôi loạn luân à?”. Đó là truyện ngắn “Họ Chu Đức làng Trình” của Thước mới in. Khổ nỗi tình cờ  làng Trình Phố xã bên cũng có họ Chu rất danh giá, thời nào cũng  nhiều người đỗ đạt và làm quan, mà các cụ là những bậc trưởng lão của dòng họ ấy. Thước hoảng quá, vội phân trần với các cụ rằng đây là truyện ngắn hư cấu chứ không phải bút ký. Nhưng các cụ không chịu, vì tại sao anh lại viết đúng tên làng, tên họ chúng tôi?  Sự việc còn căng thẳng hơn lần trước, vì vụ này đụng chạm đến những con người cụ thể, một dòng họ lớn. Các cụ tuyên bố sẽ gọi con cháu các nơi về làm cho ra nhẽ. Tôi nhận điện thoại của Thước mà lo thay cho anh. Tôi phải vào cuộc bằng cách trực tiếp gặp các cụ, với tư cách là nhà văn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, xác nhận bằng văn bản rằng truyện ngắn của Thước là thể loại văn học hư cấu, những điều viết ra trong đó không có giá trị pháp lý, nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy là đáng tiếc, Thước phải xin lỗi các cụ và rút kinh nghiệm. Qua mấy lần gặp gỡ, trao đổi kéo ra đến nửa năm,  rồi các cụ cũng nguôi ngoai bỏ qua cho Thước. Những “tai nạn” kiểu ấy vốn không  qua khỏi một cách dễ dàng, mà thường để lại hậu quả xấu trong các mối quan hệ về sau. Nhưng với một người chân thành, dại khờ đáng yêu và hồn nhiên như Trần  Văn Thước thì không ai nỡ oán giận. Từ đấy, Thước đã được bài học nhớ đời về những hệ lụy của người cầm bút sống ở làng quê như anh.

Một cái dầm sắt rơi, đè ngang lưng chàng trai Trần Văn Thước khi anh mới 25 tuổi. Các thầy thuốc Bệnh viện 91 Cấp cứu, rồi chuyển  qua các bệnh viện  Việt Đức, bệnh viện Đường Sắt, rồi bệnh viện phục hồi chức năng Ba Vì. Vết thương quá nặng dập tủy sống khiến anh bị liệt nửa người từ đấy. Khi còn trẻ Thước đã làm thơ, viết truyện ngắn nhưng đó là niềm đam mê dấu kín, vì nghĩ nghiệp văn chương quá cao với mình không thể với tới. Mấy năm nằm viện, Thước lại viết, và truyện ngắn “Xin kể chuyện này” được in trên tuần báo Văn Nghệ như mở ra cho anh một chân trời mới. Tháng 7 năm 1985, Thước được đưa về làng nghỉ chế độ thương tật vĩnh viễn sau 6 năm chữa trị qua nhiều bệnh viện. Thông thường, đây là giai đoạn khó khăn, khủng hoảng tâm lý khi con người biết chắc mình đã thành phế nhân bị tách khỏi môi trường xã hội. Khát vọng càng nhiều thì sự tuyệt vọng càng lớn. Nhưng Thước đã kiên cường vượt qua được trạng thái ấy. Có lẽ vì anh vốn hồn nhiên yêu đời, và đã nghĩ suy nghiền ngẫm nhiều qua những năm dài nằm viện.

Về quê ít lâu Thước bắt đầu cầm bút. Tìm hiểu về sự nghiệp văn chương của Trần Văn Thước, tôi coi đây là dấu mốc quan trọng nhất của cuộc đời anh. Anh đã khởi đầu nghiệp văn với vốn liếng duy nhất là niềm đam mê văn học, tình yêu cuộc sống, yêu con người và lòng tin vào  bản thân. Tôi là người đầu tiên được đọc những truyện ngắn của Thước viết sau khi về làng. Đó là những trang bản thảo viết trên giấy có dòng kẻ của học sinh, nét chữ không đẹp, nhưng tròn trặn và rất có hồn. Qua nhiều lần thư từ và sau khi chọn in một truyện ngắn của Thước trên tạp chí Văn Nghệ địa phương, tôi đạp xe theo địa chỉ bưu điện về quê thăm Thước. Nhà Thước bên đường làng, có cây bàng râm mát trước cửa và con sông nhỏ chảy qua. Căn nhà tranh có cái cửa sổ  hình vuông trổ ra đường, nơi dường như lúc nào gương mặt Thước cũng lấp ló phía trong. Người làng  ghé qua mua ấm chè, bao thuốc, gói thuốc lào, gói bột canh hay quyển vở cho con trẻ. Họ thường đứng ngoài  cửa sổ, thò tay đưa tiền, nhận hàng, rồi kẻ trong người ngoài vui vẻ chuyện vãn với nhau về chuyện mùa màng, đồng áng, con cái, ma chay, cưới hỏi của làng. Hình ảnh đầu tiên của Thước còn in đậm trong tâm trí tôi là gương mặt hao gầy tươi cười của anh trong khung cửa sổ ấy, khi tôi dừng xe đạp bên gốc bàng hỏi thăm nhà anh. Gian nhà ngoài đơn sơ kê một cái giường, một  giá gỗ mộc bày hàng tạp hóa, là nơi Thước vừa bán hàng, vừa viết văn và nghỉ ngơi, vợ con anh ở gian trong. Trên kệ bán hàng có tập giấy thếp học sinh và cái bút bi, Thước đứng tựa cây nạng gỗ, vừa bán hàng vừa viết, lúc mệt thì với cái điếu cày bắn một điếu thuốc lào và ngả xuống giường nghỉ giải lao, có khách gọi lại nhỏm dậy.

Vì thương tật anh không thể ngồi như mọi người, chỉ đứng tựa cây nạng hoặc nằm ngả người trên gối. Lần đầu gặp nhau, thấy Thước sống và làm việc trong hoàn cảnh ấy, tôi thật sự xúc động và ái ngại. Nhưng Thước thì rất vui vẻ và hồn nhiên, như thể anh hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của mình. Cái bút bi và tập giấy viết dở luôn để trên  kệ gỗ, Thước có thể viết bất cứ  lúc nào rảnh rỗi. Tôi hơi ngạc nhiên vì sau khi làm quen, Thước rủ: “Anh em mình làm ván cờ đi anh”. Hóa ra nhà Thước là cái câu lạc bộ cờ tướng của xóm. Hàng ngày  mấy ông mê cờ thường đến đây uống trà, hút thuốc lào và chơi cờ, cũng để đàm đạo  chuyện đời, chuyện làng xóm.  Đôi khi vắng khách, Thước cũng cầm quân, nhưng chủ yếu anh xem đánh cờ và nghe chuyện. Rất nhiều cảnh sống, chuyện làng quê và những tính cách, số phận nhân vật   trong các tác phẩm của Thước được rút ra từ những chuyện anh được nghe hàng ngày. Thước không có điều kiện học ở trường, cũng không  có nhiều sách để đọc về lý luận văn học, phương pháp sáng tác và tiếp cận với các trường phái, trào lưu văn học.

Anh viết văn như lưu giữ những ký ức của làng quê với bao vui buồn, mong ước trong cái không gian văn hóa ngàn đời đang có những biến động dữ dội của thời toàn cầu hóa đã len lỏi vào tận từng ngõ xóm. Văn hóa Việt bắt nguồn từ văn hóa làng, làng quê là nơi lưu giữ văn hóa vô cùng bền vững và có những quy luật riêng. Vì vậy hàng nghìn năm Bắc thuộc, Nước mất nhưng làng không mất, kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn với dã tâm  đồng hóa nhưng văn hóa của cha ông vẫn bất tử trong văn hoá làng. Làng vẫn âm thầm nuôi giấu những anh hùng hào kiệt, những sĩ phu để rồi họ từ những chân tre mái rạ lớn lên ra đi đòi lại nước. Hiện thực của làng với lối sống, phép ứng sử, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nuôi dạy con cái, thờ phụng tổ tiên diễn ra bình thường, tự nhiên như trời đất, nhưng ẩn chứa bao điều minh triết khôn ngoan, hài hòa với Thiên Địa và sâu thẳm nhân văn.

Thước như cái cây hút nhựa sống từ chính cái minh triết ấy qua chuyện buồn vui của làng anh được nghe, được thấy hàng ngày và anh đã viết nên những trang văn về nông thôn Việt Nam thời đổi mới như một thứ đặc sản của riêng anh. Những truyện như “Tháng ba thương mến”, “Trạm xá làng”, “Tráng sĩ gà”, “Về một miền khắc khoải”... là những trang văn viết về nông thôn mới với tính cách, số phận người nông dân thời hiện đại tươi rói một hiện thực mới lạ. Trên văn đàn lúc đó và cả hiện nay, vẫn có người viết về nông thôn nhưng không khí làng quê và các nhân vật nông dân còn dáng dấp của nông dân, nông thôn của những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Nông dân của Thước là nông dân mới, vừa làm ruộng, vừa buôn bán hoặc làm công nhân theo thời vụ. Làng quê của Thước có nhà hàng, quán caraoke, một làng quê đang mơ giấc mơ đô thị hóa nhưng vẫn có lễ hội đình làng, cúng bái đền miếu và thờ phụng tổ tiên, giữ lễ nghĩa gia tộc. Nhân vật của Thước thường là những số phận nhỏ nhoi như anh thợ cày, ông đun te, anh riu tép, chị thợ cấy, ông thầy cúng, người làm vàng mã. Họ sinh ra ở làng, thảo thơm chăm chỉ làm lụng, yêu đương, sinh con đẻ cái, ước mong chỉ là được sống yên vui, no đủ, con cái ăn học nên người. Chỉ thế thôi mà đằng sau mỗi số phận có biết bao điều chi phối, giằng xé,  những yêu thương và thù hận, những may mắn và tai ương luôn đan cài trong thế giới nhân vật của Trần Văn Thước.

Làng quê bình lặng với những cánh đồng, dòng sông bến nước, nhưng ẩn chứa bên trong là  những cảnh đời không đơn giản được Trần Văn Thước chắt lọc nên những trang văn thấm đẫm tình yêu và lòng nhân ái. Đọc Trần Văn Thước, người ta cảm nhận được một vùng nông thôn đang biến động mãnh liệt do tác động của kinh tế hàng hóa, một thế hệ nông dân mới với lối sống mới, cách ứng xử mới, với những mâu thuẫn, va chạm lợi ích mới, nhưng tựu chung lại anh vẫn dựng lên một bức tranh về nông thôn thời hiện đại với nét đẹp được lưu giữ bằng văn hóa làng truyền thống của riêng anh.

Từ khi về quê năm 1985 đến nay, vừa bán hàng vừa đứng tựa cây nạng gỗ viết văn, Trần Văn Thước đã xuất bản 10 tác phẩm, trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết và 8 tập truyện ngắn. Tận mắt nhìn thấy Thước gầy gò đu mình trên cây nạng  gỗ viết từng nét chữ, mới hiểu được sự lao động khổ công của anh đến dường nào để sáng tạo ra từng ấy tác phẩm. Có thể nói anh đã vắt kiệt sức mình cho văn chương.

Đức Hậu

(Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét