Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

TỔ TIÊN TA GÓP PHẦN LÀM RA CHỮ QUỐC NGỮ

 NGUYỄN HẢI HOÀNH

I.

Cho tới nay mọi người đều nói chữ Quốc ngữ là do các nhà truyền giáo người châu Âu làm ra. Sách báo thời thuộc Pháp viết: Cố đạo Alexandre de Rhodes là cha đẻ chữ Quốc ngữ. Bài viết này nhằm chứng minh các vị giáo sĩ ấy chỉ làm phần cuối trong công trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, họ chủ yếu chỉ thực hiện phần việc Latin hóa chữ Nôm — loại chữ biểu âm (phonograph) do tổ tiên ta làm ra từ thế kỷ XII; chữ Nôm là nền tảng họ dựa vào để tạo bộ chữ mới; chữ Quốc ngữ là chữ Nôm được Latin hoá, hiện đại hoá.

      Phát minh chữ viết đã đưa loài người ra khỏi thời tiền sử, tiến sang thời đại văn minh có sử sách ghi chép. Ở thời xưa, phát minh vĩ đại đó cần thai nghén trong nhiều thế kỷ, và chỉ một số ít dân tộc làm được chữ viết. Dân tộc ta ra đời đã lâu mà mãi đến thế kỷ II TCN mới biết tới chữ viết, tức sau khi Triệu Đà chiếm nước ta và đưa chữ Hán vào. Nhưng trong hơn 2000 năm qua, người Việt Nam đã sử dụng tới ba loại chữ viết: chữ Nho, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Đây có lẽ là một kỷ lục thế giới. Ba loại chữ này ra đời cách nhau chừng 500 1000 năm theo một trình tự hợp logic, có tính kế thừa, loại trước làm nền tảng cho loại sau, và loại sau tiên tiến hơn loại trước.

     Sau khi tiếp xúc Hán ngữ, tổ tiên ta chỉ tiếp nhận chữ viết mà không tiếp nhận tiếng nói. Muốn vậy họ đã Việt hóa phần ngữ âm của chữ Hán và gọi thứ chữ vuông đọc âm Việt ấy là chữ Nho, coi như chữ của ta, không phải là ngoại ngữ. Nhờ sáng tạo thông minh này, nước ta có chữ để ghi chép, giao dịch đối nội đối ngoại, chép sử, viết văn thơ, giáo dục, tiếp thu văn hóa Hán, phát triển văn hóa Việt. Nhờ có chữ viết, xã hội Việt Nam ra khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại văn minh. Mặt khác do chỉ nói tiếng Việt, không nói tiếng Hán, nên sau 1000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ cùng phong tục tập quán của mình, không bị người Hán đồng hóa. Tiếng ta còn, nước ta còn! Đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta.

     Nhưng chữ Nho có nhược điểm lớn là không ghi âm được tiếng Việt. Vì thế, ngay từ rất sớm (thế kỷ II, thời Sĩ Nhiếp), tầng lớp tinh hoa nước ta đã có ý định biến đổi thứ ký tự hình vuông ấy thành loại chữ ghi âm được tiếng mẹ đẻ. Nhưng phải sau 1000 năm, đến thế kỷ XII, họ mới hoàn tất quá trình dựa trên nền tảng chữ Hán làm ra chữ Nôm, một loại chữ biểu ý kết hợp biểu âm có tính tiên tiến mà người Hán chưa từng biết. Đây lại là một sáng tạo kiệt xuất về ngôn ngữ học của người Việt Nam. Cho dù chữ Nôm đã làm nên một nền văn học sáng ngời trong lịch sử dân tộc, nhưng tiếc thay, do bị hầu hết các chính quyền phong kiến nước ta khinh rẻ, không thừa nhận, cho nên chữ Nôm không được hoàn thiện, cuối cùng bị loại bỏ sau 8 thế kỷ tồn tại.

     Làm chữ viết cho tiếng mẹ đẻ mà mất cả nghìn năm, từ đây suy ra một nhóm nhỏ giáo sĩ người Âu sao có thể trong vài chục năm (nhiều nhất từ 1615 đến 1649) tự mình làm ra cho tiếng Việt xa lạ với họ một loại chữ viết hoàn thiện tới mức biên soạn ngay được từ điển? Câu hỏi này dẫn đến suy đoán: Chắc hẳn họ đã tận dụng được một thuận lợi lớn sẵn có nào đấy? Bài viết này xin trả lời: Thuận lợi đó là: chữ Nôm có tính biểu âm, thích hợp Latin hóa.

II.

Chữ Quốc ngữ ra đời là ngẫu nhiên lại vừa là tất nhiên lịch sử. Ngẫu nhiên ở chỗ: Năm 1498, Giáo Hoàng dàn xếp cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ký hiệp ước Tordesillas chia vùng truyền giáo, theo đó châu Á chia cho Bồ Đào Nha. Năm 1612, Nhật bất ngờ cấm truyền giáo và trục xuất giáo sĩ. Vatican chủ trương truyền giáo tại Việt Nam. Từ năm 1615 trở đi, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, như Francisco de Pina, António Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes, Cristoforo Borri, Girolamo Maiorica, Alexandre de Rhodes v.v… lần lượt đến nước ta.

     Số giáo sĩ này thuộc Dòng Tên, đều là những nhà truyền giáo sẵn sàng tử vì đạo, những học giả có bằng tiến sĩ, tới đâu đều nghiêm chỉnh nghiên cứu ngôn ngữ, tuân theo phong tục tập quán bản xứ. Họ đã nhanh chóng dùng tiếng Việt giảng đạo, dùng chữ Nôm viết tài liệu giáo lý. Francisco de Pina năm 1617 đến nước ta, 3 năm sau đã cùng các giáo sĩ soạn bài giảng đạo bằng chữ Nôm. Thời gian 1632-1656 Maiorica đã viết 45 tác phẩm chữ Nôm, trong đó Thư viện Quốc gia Pháp hiện giữ 15 tác phẩm với tổng số 1,2 triệu chữ, gấp 52 lần số chữ Nôm trong Truyện Kiều. Một số nơi còn giữ nhiều tài liệu chữ Nôm của các vị đi đầu làm chữ Quốc ngữ như Amaral, Barbosa. Trong hơn 200 năm trước khi bị chữ Quốc ngữ thay thế (1919), chữ Nôm vẫn được người Công giáo nước ta dùng để biên soạn tài liệu giáo lý. Tóm lại chữ Nôm đã được dùng khá rộng rãi.

     Khi các giáo sĩ-bậc thầy chữ Nôm kể trên định làm loại chữ mới cho tiếng Việt, họ không thể không thấy rõ một sự thực là chữ Nôm đã được người Việt Nam thành công sử dụng lâu tới 500 năm, được gọi là Quốc âm, Quốc ngữ, tức tiếng nói, chữ viết của đất nước; chữ Nôm đúng là loại chữ biểu âm ghi được âm tiếng Việt. Sự thực ấy chứng tỏ tiếng Việt thích hợp dùng chữ biểu âm. Từ khám phá rất quan trọng này các giáo sĩ hiểu rằng nếu dùng chữ cái Latin thay cho các ký tự hình vuông của bộ chữ Nôm, tức Latin hoá chữ Nôm, thì chắc chắn sẽ tạo được loại chữ biểu âm rất tiện dùng cho việc truyền giáo, và chỉ người châu Âu như họ mới có tri thức ngôn ngữ học làm được sứ mệnh vẻ vang đó. Niềm tin ấy đã cổ vũ họ say mê nghiên cứu làm ra loại chữ mới cho tiếng Việt. Đây là một tất yếu lịch sử. Chữ Nôm là hệ thống ký hiệu thị giác cố định ghi lại cả chục nghìn âm tiếng Việt. Do thạo chữ Nôm, lẽ tất nhiên các giáo sĩ đó không thể không sử dụng hệ thống ký hiệu có sẵn ấy vào việc tạo ra chữ viết Latin ghi âm tiếng Việt.

     Trước đó ít lâu, các nhà truyền giáo người Âu ở Trung Quốc (TQ) từng thất bại trong việc Latin hóa chữ Hán nhằm làm ra loại chữ biểu âm cho tiếng Hán, bởi lẽ Hán ngữ bản chất không thích hợp dùng chữ biểu âm, chỉ thích hợp dùng chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ideograph). Điều này càng cho thấy chữ Nôm biểu âm là một thuận lợi tiên quyết cực lớn bảo đảm nếu được Latin hóa thì chắc chắn sẽ thành công. Giả thử thời ấy ta chưa có chữ Nôm, chỉ có chữ Nho, thì các giáo sĩ sẽ không thể làm được chữ viết biểu âm cho tiếng Việt, vì chữ Nho vốn là chữ Hán.

     Các ghi chép cho thấy, năm 1617 de Pina đến Đàng Trong, năm 1619 viết xong bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ Latin. Năm 1631 Amaral đến Đàng Ngoài, năm sau đã ghi âm rất tốt tiếng Việt, năm 1634 làm xong bộ từ vựng tiếng Việt. Phần việc dùng chữ Latin ghi âm tiếng Việt làm được nhanh như vậy chứng tỏ rõ ràng họ đã dựa trên nền tảng chữ Nôm. Nhưng việc tạo ra một loại chữ hoàn chỉnh thì mất rất nhiều công sức, phải giải quyết nhiều khó khăn về ngôn ngữ học, như xác định tính đơn âm tiết (monosyllabic) cùng 6 thanh điệu của tiếng Việt và sáng tạo ra các ký hiệu thể hiện 6 thanh điệu ấy (các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng). Đến năm 1649 Alexandre de Rhodes mới hoàn tất bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) và mang về Roma. Năm 1651 ông xuất bản Từ điển này, đánh dấu sự ra đời chữ Quốc ngữ Việt Nam.

     Rốt cuộc Việt Nam trở thành nơi duy nhất sự nghiệp Latin hóa chữ viết vùng Đông Á do các giáo sĩ Dòng Tên tiến hành hồi thế kỷ XVI-XVII gặt hái thành công. Dân tộc ta trở thành chủ nhân của loại chữ viết tiên tiến nhất vùng, thứ chữ được tầng lớp tinh hoa nước ta gọi là linh hồn của đất nước, là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt, và đánh giá Nước Nam ta sau này hay dở cũng là ở chữ Quốc ngữ. Trên thế giới hiếm có chữ viết nào được tôn vinh như vậy. Đúng thế, chỉ sau 100 năm chính thức dùng chữ Quốc ngữ, nền văn minh Việt đã tiến những bước kỳ diệu vượt xa mấy nghìn năm trước.

     Để đánh giá đúng việc Latin hoá chữ Nôm, hãy xem việc người TQ Latin hoá bộ chữ ghi âm của họ. Năm 1918 họ làm bộ Chú âm phù hiệu: dùng 40 chữ cái kiểu ㄅㄆㄇㄈ… ghi được toàn bộ âm Hán ngữ. Về sau vì các chữ cái ấy không có tính quốc tế, nên họ đã động viên cả nước nghiên cứu thay bằng các loại chữ cái thế giới đã dùng như chữ Latin, chữ Slavơ. Tới 8/1955, có 633 người đưa ra 655 phương án. Trên cơ sở đó, và có tham khảo kinh nghiệm làm chữ Quốc ngữ Việt Nam, Uỷ ban Cải cách chữ viết TQ (UBCCCV) đã làm ra Phương án Pinyin Hán ngữ bằng chữ cái Latin, sử dụng từ 2/1958. Chữ Pinyin rất tiện cho việc ghi âm chữ Hán, dùng máy tính hoặc smartphone đánh chữ Hán; ghi địa danh và tên người TQ, làm index trong từ điển... Nhưng phương án này chỉ là công cụ bổ trợ để ghi âm chữ Hán mà không thể hình thành một loại chữ dùng thay chữ Hán. Năm 1986, TQ đã từ bỏ mục tiêu làm chữ biểu âm Latin hóa cho Hán ngữ.

     Thực ra UBCCCV TQ chỉ làm công việc Latin hoá bộ chữ Chú âm phù hiệu, tức dùng 26 chữ cái Latin thay cho 40 chữ cái của bộ chữ đó, kết quả ghi âm được toàn bộ hơn 400 âm tiết tiếng Hán. UBCCCV lớn như một Bộ, có mọi phương tiện hiện đại của thế kỷ XX, lại huy động học giả cả nước, thế mà mất 3 năm (1955-1958) mới làm xong công việc trên. Điều đó cho thấy việc Latin hoá chữ biểu âm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

     Ở thế kỷ XVII, nhóm giáo sĩ tại Việt Nam đã Latin hóa hơn chục nghìn ký tự chữ Hán (chữ sẵn có và chữ tự tạo) trong bộ chữ Nôm, kết quả ghi âm được nhiều nghìn âm tiết tiếng Việt. Dù chỉ có hơn chục người và làm việc một cách phân tán; thế mà họ làm xong công trình trong có vài chục năm. So sánh với việc UBCCCV TQ đã làm kể trên, có thể thấy các giáo sĩ ở ta đã hoàn thành một lượng công việc lớn hơn nhiều và đạt kết quả cực kỳ xuất sắc. Từ đây suy ra: trong điều kiện khó khăn như vậy, phần việc họ đã làm được chỉ có thể là Latin hoá bộ chữ Nôm mà thôi.

III.

     Tóm lại, có thể coi quá trình tạo chữ Quốc ngữ gồm công đoạn làm chữ Nômcông đoạn Latin hóa chữ Nôm, kết quả hoàn thành hai công đoạn không thể thiếu ấy là làm ra chữ biểu âm Latin hóa cho tiếng Việt. Không có chữ Nôm thì nhóm giáo sĩ kể trên sẽ không thể làm được chữ Quốc ngữ trong điều kiện khó khăn của họ. Nhưng nếu không được Latin hóa, thì cho tới khi bị đào thải, chữ Nôm sẽ không có đóng góp vào việc tạo chữ viết cho dân tộc ta. Nhờ được các giáo sĩ Latin hóa mà chữ Nôm trở thành nhân tố quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ.

     Kết luận

Thế hệ chúng ta dứt khoát phải gánh lấy nghĩa vụ đánh giá đúng công lao mà tổ tiên tài giỏi của ta đã đóng góp vào việc sáng tạo chữ Quốc ngữ — di sản văn hóa vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1- Quá trình Latinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo
2-
Những nhân vật đầu tiên trong tiến trình chữ Quốc ngữ
3-
Chữ Nôm với đạo Công giáo từ thế kỷ XVII-XX
4-
Một vài tìm tòi về ngôn ngữ
5- Chữ Nôm và văn học chữ Nôm. Tạp chí Hán Nôm số 6 (67) 2004
6-
Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét