ĐÀO TRẦN QUANG CÁT
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng tướng Đào Trần Nguyên Cát
với một số cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN viếng thăm đền Hùng
Thời kỳ thực dân Pháp đô
hộ các nước Đông Dương, người Pháp dã lập ra một cơ sở nghiên cứu gọi là Học viện
Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, nay thuộc viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam. Tại đây
lưu trữ rất nhiều hiện vật khảo cổ học và tài liệu nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Sau
khi có hiệp nghị Giơnevơ về Đông Dương (ngày 20 tháng 7 năm 1954), nước ta tạm
bị chia cắt làm hai miền. Thực dân Pháp và ngụy quyền tay sai đã phân chia một số tài liệu và hiện vật ở đây chuyển vào Sài Gòn và đưa sang Pháp. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, số tài liệu được nhập vào kho bảo quản thư viện KHXH tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1985, trong thời gian công tác ở Cămpuchia, tôi có dịp về thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Thấy tôi ham thích nghiên cứu lịch sử, một người quen tặng tôi một bản dịch sách Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền do dịch giả Hà Ngọc Xuyên biên dịch. Bộ Giáo dục chính quyền miền Nam Việt Nam xuất bản năm 1968. Tôi đọc xong muốn tìm nguyên bản chữ Hán để đối chiếu nhưng không sao tìm được dịch giả để hỏi. Cho đến năm 2008, sau khi nghỉ hưu, tôi mới có thời gian vào lại thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm tài liệu nghiên cứu, tôi thu thập được một số sách lịch sử liên quan đến thời Hùng Vương trong đó có tập sách rất có giá trị là Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền nguyên bản chữ Hán đã từng lưu giữ tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội trước đây (số A227) nay lưu tại thư viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh và một số tập bản đồ lịch sử Trung Quốc. Đọc Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền đối chiếu với bản đồ lịch sử Trung Quốc và các sách sử của Trung Quốc, các di chỉ lịch sử ở Việt Nam có thể thấy rõ những biến đổi của lịch sử Việt Nam từ nguồn cội trở về sau.
Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền là tập sách cụ thể hóa chương Hồng Bàng kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư, quốc sử của Việt Nam. Để tránh những từ ngữ thuộc chuyên ngành địa lý khó hiểu, tôi đến Viện Hán Nôm liên hệ nhờ giúp đỡ, được tiến sĩ Hán Nôm Vương Thị Hường giúp hiệu đính lại cho dễ hiểu hơn. Kết hợp với các tài liệu lịch sử đã có, sách này giúp ta làm sáng tỏ nhiều điều rất đáng trân trọng về thời đại các vua Hùng. Với mong muốn để nhiều người cùng hiểu rõ lịch sử nước nhà, như lời Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” tôi xin trân trọng giới thiệu lại nội dung bản dịch kèm nguyên văn và những điều thu hoạch được để độc giả cùng thưởng lãm.
雄 王 事 积玉 谱 古 传
HÙNG VƯƠNG SỰ TÍCH NGỌC PHẢ CỔ TRUYỀN
Xưa, cháu ba đời của Viêm Đế là Đế Minh. Đế Minh sinh Đế Nghi. Đế Minh tuần du phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (nay ở địa giới quận Giao Chỉ, động Bạch Hổ, tỉnh Vân Nam Trung Quốc) gặp nàng Vụ Tiên và lấy làm vợ. Hai người sinh ra Kinh Dương Vương.
Kinh Dương Vương là người có tài trí thông tuệ hơn Đế Nghi, vì thế Đế Nghi muốn nhường ngôi cho em cai quản muôn dân, nhưng Kinh Dương Vương lại từ chối. Do đó vua cha mới để Đế Nghi nối ngôi cai trị phương Bắc. Còn Kinh Dương Vương làm vua cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. (1)
Kinh Dương Vương kính vâng lệnh cha, phụng mệnh trời cai trị phương Nam, đi về miền núi Nam Miên, tìm nơi có hình thế tốt đẹp để lập đô ấp. Đường vòng qua Châu Hoan (nay là các xã Thiên Lộc Tả, Thiên Lộc Hữu ở huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang xứ Nghệ An)(2). Xem xét thấy nơi này có cuộc đất rất quý: núi non hiểm trở, dãy núi xòe rộng cao đến ngàn thước tên là Hùng Bảo Thứu Lĩnh Sơn gồm 99 ngọn núi tụ hội(3), nằm kề bên cửa biển Hội Thống(4). Núi cao chót vót, dòng nước mềm mại, uốn lượn bên dưới, thế đất như rồng cuộn hồ nằm, bốn bề chầu về. Thế là nhà vua chọn làm nơi đóng đô, mệnh cho thiên hạ bốn phương về đây triều cống.
Một hôm nhân khí xuân mát mẻ, cảnh sắc tươi thắm, nhà vua đi tuần du ngoài biển, ngắm xem phong cảnh, (vua bình sinh thích cảnh sơn thủy), không ngờ thuyền thuận buồm tiến thẳng tới hồ Động Đình (thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay). Vua dừng thuyền ngắm cảnh bỗng thấy một người con gái rẽ nước từ dưới hồ đi lên. Trông nàng thắt đáy lưng ong, nhan sắc tuyệt trần, thật là cuộc gặp gỡ kì lạ xưa nay chưa từng có. Vua sai người chèo thuyền tới gần và cất tiếng hỏi:
- - Đẹp thay, Tiên nữ ở chốn nào vậy?
Người con gái thưa rằng: - Thiếp tên là Thần Long, con gái vua Động Đình, lâu nay ở chốn cung vàng điện ngọc chờ đợi một đấng anh hùng. Hôm nay trời xui khiến tạo ra cuộc gặp gỡ này, vậy thiếp xin theo ngài.
Nhà vua vui vẻ mời vào thuyền cùng về kinh đô, lập làm vợ.
Lại một lần sau, nhà vua đi tuần du ngắm núi sông thì thấy vùng Nghĩa Lĩnh là một cuộc đất có khí mạch từ trên núi Côn Lôn đổ xuống, đến cửa ải thì tỏa rộng giống như long ngai vươn xa, vượt qua núi Tụ Long rồi đến châu Thu Vật xứ Tuyên Quang lại đột ngột vươn cao muôn trượng, đi tiếp qua phủ Lâm Thao núi Hạ Hòa qua huyện Thanh Ba, Tây Lan, Phù Khang đến sông Bạch Hạc, chùa Long Hoa thôn Việt Trì thì dừng lại.
Mạch bên trái từ núi Lôi Hà, núi sông chảy theo đến núi Đông Lan qua đạo Dương Đương huyện Tam Dương lại đột ngột vươn cao lên dãy Tam Đảo. Cung tiên bên trái là tay ngai Thanh Long đi qua Kinh Bắc, Hải Dương, Đông Triều qua núi Yên Tử rồi đổ ra 8 xã cửa biển Đồ Sơn, hình thành tay ngai chầu lại.
Mạch bên phải từ các sông Hán, Nhị Hà, Sông Lô, sông Thao, núi cao sông lượn ngay dưới chân chạy đến tận Tuyên Quang, Hưng Hóa, mười châu đến Bất Bạt lại vươn lên núi Tản Viên. Cung tiên bên phải là tay ngai Bạch Hổ đi qua Sơn Nam, Ái Châu đổ ra cửa biển Thần Phù đến núi Chích Trợ, qua cửa Trà Lý hình thành ngai phải chầu về.
Lấy sông Bạch Hạc làm nội minh đường, sông Đại Giang huyện Nam Xương làm trung minh đường, núi Tượng Sơn biển Nam Hải làm ngoại minh đường cùng nghìn núi triều phục, muôn sông chầu về núi tổ Nghĩa Lĩnh.
Hình thế nước non vùng núi Nghĩa Lĩnh hơn hẳn thành Hoan Châu cũ nên vua lệnh cho xây dựng chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh thường xuyên ra ngự ở đấy.
Bên ngoài lập đô thành Phong Châu nay là thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc huyện Bạch Hạc. Thế là việc đóng đô lúc đầu ở núi Thứu Lĩnh (5), sau là núi Nghĩa Lĩnh, nay lấy núi Nghĩa Lĩnh lập đô ấp của họ Việt Thường vậy.
Vua tuần thú trở về thì bà Thần Long đã có thai, có điềm lành hiển hiện ra hào quang đỏ rực, lúc sinh ra Long Quân trong nhà dưới trướng hết thảy phảng phất hương thơm. Long Quân tư chất thông minh không phải người thường, có khí chất của bậc Đế Vương, vua lập làm Hoàng Thái tử.
Thời ấy có người con gái vua… (Đế Lai) tên là Âu Cơ về ở quê mẹ trong động Lăng Sương ra châu Trường Sa (6) chơi. Long Quân thấy nàng có sắc đẹp bèn lấy lập làm Hoàng phi.
Kinh Dương Vương trị vì được 205 năm, thọ 216 tuổi thì mất. Con là Lạc Long Quân lên ngôi, đổi hiệu là Hùng Hiền Vương.
Bấy giờ bà Âu Cơ có thai đã 3 năm 30 ngày, bỗng trên núi Nghĩa Lĩnh có điềm mây lành 5 sắc rực rỡ, rồi bà sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai, tất cả đều có tư chất hơn người, anh hùng cái thế. Đến khi các con trưởng thành, vua chia đất nước thành 15 bộ, giao cho các con cai quản.
1- Sơn Tây
2- Sơn Nam
3- Hải Dương
4. Kinh Bắc
5- Ái Châu
6. Hoan Châu
7. Bố Chính
8. Ô Châu
9. Ai Lao
10. Hưng Hóa
11. Tuyên Quang
12. Cao Bình
13. Lạng Sơn
14. Quảng Tây
15. Quảng Đông
Trước hết vua Long Quân bảo với bà Âu Cơ rằng: Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, chủng loại khác nhau, nhân thế cùng chia biệt. Chia 50 con theo cha về biển làm Thủy Thần, 50 con theo mẹ về núi làm Sơn Thần. Đặt các Vương trấn giao cho các con trấn thủ ở khắp các vùng biển, núi. Lại đặt tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan
Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan Hữu Ty (quan đứng đầu các ty) gọi là Bố Chính.
Thời bấy giờ, trên thì lo dìu dắt cho chính đính lòng người, dưới thì dốc lòng theo giáo hóa nhà vua, các chính lệnh ban ra đều thích hợp nên vua rũ áo chắp tay, vui vẻ ở chốn cung điện lầu son. Dân thì đào giếng cày ruộng, vui vẻ ở chốn thôn dã, không một người dân nào là không toại ý, không một giống vật nào là không yên vui. Sự thành công về việc trị dân định quốc, hơn cả các vua thời trước, tục thuần hóa của đời Thái cổ cũng không sánh kịp vậy. Vua hưởng nước lâu dài, cha truyền con nối, đời đời làm vua, lễ nghi văn hóa nhất thống sơn hà là ông thủy tổ của Bách Việt vậy. Vua Hùng Hiền Vương - Lạc Long Quân - ở ngôi 400 năm, đời đời về biển, sinh hóa bất diệt.
Con là Hùng Quốc Vương nối theo nghiệp lớn, lên ngôi vua chăm về đức hóa khuyến khích cày ruộng trồng dâu khiến dân chúng không còn lo thiếu thốn, kho dự trữ của nước luôn dư thừa, bốn bể bình yên, dân không gian dối, phong tục chất phác đời Hồng Bàng lại được trông thấy, công trình bồi đắp phép tắc trị bình được vẻ sáng hơn thuở trước, đời bấy giờ đều khen là bậc vua hiền vậy.
Vua tưởng nhớ lại việc vua cha đã vạch ra ngày trước bèn vạch đất rẽ cỏ phân chia ranh giới, lập thành các bộ Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm trăm vua, cải thành trăm họ, chia ra các đầu non góc biển mà mỗi người hùng cứ một phương. Năm mươi con trấn giữ đầu non gọi là Phiên thần Phụ đạo; năm mươi con trấn giữ góc biển gọi là Thủy thượng Thần linh để bảo hộ cho dân sinh, chăm lo cho tôn miếu xã tắc. Vua hưởng nước được 221 năm.
Sau đến Thái tử Hùng Hoa Vương nối theo chính thống của vua cha. Muốn làm vẻ vang công đức đời trước, vua lấy giáo hóa để khuyến khích phong cách kẻ sĩ, đem nhân nghĩa mà đào luyện mĩ tục cho dân, tu sửa miếu điện phong sắc cho bách thần. Dưới ánh trời quang đức sáng, không đất nào là không nảy nở nhân tài. Trong bầu gió xuân đầm ấm không chốn nào là không vui vẻ, cảnh tượng thái bình thịnh trị không khác gì đời trước. Vua ở ngôi 300 năm, lập Thái tử Hùng Hy Vương lên giữ giường mối nước nhà.
Vua Hùng Hy Vương lên ngôi, nhân sẵn có bề thế đường hoàng đến nay là 4 đời, bèn hăng hái hết lòng cho ngày thêm hưng vượng thanh bình. Bề trong thì sửa sang văn đức để thu phục lòng người, bên ngoài thì chấn hưng võ bị để gương oai khiến xã tắc bình yên, biên cương bền vững. Từ đấy trên rừng dưới bể đâu cũng xưng thần; nơi hang cùng ngõ hẻm hết thảy đều thấm đẫm ơn đức. Công trị bình lớn lao không thẹn với các vua đời trước, thực là ông vua hiền vậy. Vua trị vì được 200 năm!, dựng Thái tử Hùng Huy Vương lên trông coi việc nước.
Vua Hùng Huy Vương lên ngôi, lấy qui chế trước làm gương, trị nước nuôi dân, trị bình thiên hạ cũng đều có chí. Nhưng ở thời thịnh trị đã lâu, cũng như ngòi rạch lâu ngày bị đầy lấp dần, cuộc sống lúc đó chỉ ham cảnh yên vui mà không có cần cù lo toan việc nước.
Khi ấy có một cô đồng, tinh thông địa lý, hiểu biết thiên văn, hay dùng phép mầu nhiệm mà báo với vua nhiều điều, vua khen là người tiên, cho vào chầu trong nội cung, thường khi có việc thì hỏi. Ít lâu sau có đình thần tâu rằng: “cô đồng hoang đường, trước đây chỉ là một người đàn bà ngu si, có biết gì công việc của trời đất thế mà sau khi được vào chầu vua lại nói những chuyện thần linh, chúng tôi thiết tưởng người đó chỉ lấy những sự vu vơ mà mê hoặc Bệ hạ đấy thôi”.
Vua nhận là phải, bắt cô đồng nhốt vào trong cung, sai lập đàn, giả làm một con voi trắng không có răng, con voi đen 3 chân, con ngựa đỏ 5 chân để làm lễ cầu trời.
Vua bảo quần thần rằng: “Trẫm dùng kế này thử xem cô đồng có biết thật giả hay không”.
Thế nhưng trời dẫu cao mà tai nghe thấu dưới thấp, soi xét đến đàn lễ vật giả dối lại có thái độ khinh nhờn của vua như thế bèn gieo rắc tai vạ để cảnh tỉnh vua không có đức. Vua biết là đạo trời báo ứng trước mắt bèn sai gọi cô đồng đến bảo rằng: “Ngươi đã biết cơ trời, nay trong nước có điềm chẳng lành, ngươi có thể lên trời, hỏi nguyên do tự đâu về báo cho trẫm biết chăng?”
Cô đồng xin đi. Nửa đêm lúc canh ba, người cô lơ mơ như giấc mộng, thẳng đến cửa đức Ngọc Hoàng quỳ tâu rằng:
“Tôi vâng mệnh đức vua tôi, đến đây xin tâu với Thiên đình, nay dưới trần có tai họa, từ đâu mà ra như thế?
Đức Ngọc Hoàng phán rằng: “Ngươi gấp về báo với vua nhà ngươi rằng lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt, trần thế tầm thường cầu nguyện gì thì được nấy, vua nhà ngươi kiêu căng làm càn, lễ bái giả dối vì thế đạo trời báo cho tai vạ đấy, không những tai vạ mà 3 năm sau còn có giặc dã”.
Ngọc Hoàng phán xong cô đồng tỉnh lại đem chuyện báo với vua. Nhà vua sợ hãi vô cùng, cố giữ cô đồng ở trong cung để xem việc đó có ứng nghiệm không. Vua lại sai các quan lập đàn ở giữa đô ấp, lấy voi ngựa, vàng bạc cùng các đồ vật trong cung ra làm lễ vật và đích thân cúng tế, khấn rằng: “Kẻ ngu muội này phạm nhiều lầm lỗi, khiến thiếu lễ với Thiên đình, việc hình phạt đã bày ra trước mắt thật rõ rệt. Vậy cúi xin Thượng Đế chuyển điều tai họa thành ra tốt lành, thì kẻ hèn mọn này được ngửa trông ơn đức cao rộng của trời”.
Khấn xong chợt thấy gió mây cuồn cuộn, trời đất mịt mù, trên đàn hương tỏa mùi thơm lạ lùng và khói bay lên thành áng mây lành rực rỡ sắc màu. Vua bàng hoàng sợ hãi lạy tạ, xa giá về cung, lại sai cô đồng lên trời tâu Ngọc Hoàng xin phù hộ cho nước. Cô đồng về nói: Ngọc Hoàng phán rằng: Nhà vua biết hối lỗi, trời dã soi xét rồi. Tuy nhiên sau này có giặc đến, trời lại sinh người tài giúp cho, Quốc Vương đừng lo. Vua lúc ấy mới thật tin.
Ba năm sau, chợt thấy thư ngoài biên cấp báo: giặc Ân là Thạch Linh Thần tướng dấy binh từ phương Bắc đến xâm chiếm, giáo mác đầy trời, tinh kỳ rợp đất đúng như lời cô đồng đã nói.
Vua lập tức chay tịnh thắp hương, lập đàn cầu đảo, hội họp các quần thần. Ba ngày sau gió mưa to lớn sấm sét ầm ầm, chợt thấy một cụ già, mình cao hơn chín trượng, râu tóc bạc phơ, ngồi chỗ ngã ba đường, cười nói múa may, những người trông thấy đều cho là bậc kì nhân vào tâu với vua. Vua thân ra đón rước vào trước đàn và hỏi rằng: “Nay có quân giặc đến xâm lược, sự thắng thua thế nào xin cụ dạy bảo cho”. Cụ già thong thả gieo một quẻ rồi nói với vua rằng: “Nếu cầu được người giúp thì giặc này không đánh cũng tan”. Nói xong cụ bay lên không trung đi mất, lúc đó mới biết đấy là vua Lạc Long Quân đến chỉ giáo cho như vậy, vua bèn sai sứ giả đi cầu người hiền tài.
Nguyên làng Phù Đổng có một nhà giàu, sinh được một người con trai đã hơn ba tuổi đặt tên là Thiết Xung Thần Vương, ăn uống nhiều, người to béo mà không biết nói biết khóc. Bà mẹ nghe thấy sứ giả đến làng nói đùa rằng: “Con ta chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để lấy phẩm tước của triều đình đền ơn bú mớm cho mẹ”. Nghe lời mẹ nói, cậu bé bỗng thốt lên bảo mẹ rằng: “Mẹ mời sứ giả đến đây cho con”.
Sứ giả đến. Thần Vương bảo sứ giả rằng: “Kíp về tâu vua cho xin một con ngựa sắt cao 10 thước, một cái búa sắt dài 10 thước thì không lo gì giặc giã nữa”. Sứ giả về tâu hết với vua. Vua mừng lắm sai lấy 50 cân sắt đúc thành ngựa và rìu sắt mang cho Thần Vương.
Thần Vương nhảy lên ngựa thét to lên rằng: Ta là Thần Tướng nhà trời. Ngựa chạy như bay, phút chốc thẳng đến chân núi Vũ Ninh đất Yên Việt, đánh nhau với Thạch Linh Thần tướng ở bên núi, bắt sống được Thạch Linh Thần tướng đem chém đầu còn dư đảng chưa kịp bắt nốt thì cây rìu rơi mất, Thần Vương bèn nhổ những bụi tre bên đường làm khí giới đánh tan quân giặc rồi kéo thẳng đến núi Sóc Sơn ở xã Vệ Linh, huyện Kim Hoa, trút áo giáp để lại, cưỡi ngựa bay lên mây đi thẳng. Nay còn vết chân ngựa ở trên núi này.
Vua Hùng Huy Vương nghĩ đến công lao của Thiết Xung Thần Vương đánh giặc giúp nước mà chưa từng trông thấy mặt, không biết lấy gì báo đền bèn lập đền thờ ở ngay làng ấy (nay là xã Phù Đổng, huyện Tiên Du và thôn Đối Mã, xã Vệ Linh, huyện Kim Hoa). Vua lại cấp 100 khoảnh ruộng để dùng cho việc thờ tự. Sau đó vua lập điện Cửu Trùng Tiêu ở núi Nghĩa Lĩnh gọi là điện Kính Thiên Linh, thời thường đến đó cầu nguyện yên bình.
Từ đấy nhà Ân trải 27 đời vua, trong hơn 640 năm không dám đem quân xâm lược đến nữa. Vua hưởng nước được 81 năm thì mất. Hoàng tử Hùng Chiêu Vương lên nối nghiệp lớn
Vua Hùng Chiêu Vương lên ngôi, mở đầu chăm lo sửa nền chính trị, nhân sẵn có thanh thế lớn để lại, vua cho treo cung cởi giáp không dùng đến binh, chỉ nghĩ việc yên dân, tu sửa văn hóa chính trị mà thôi. Lại soi gương các vết xe đổ thuở trước như làm lễ nhảm nhí khiến cho thiên tai tác hại, giặc giã xâm lấn, nay sang đời thứ 6 sao cho khắp nơi đều được bình yên. Vì vậy vua vâng theo đạo trời, kính thờ quỉ thần, phàm các núi sông nơi nào có đền thờ thiêng ứng, ban chiếu cho các quan văn võ sửa sang, tô vẽ thánh tượng các đền miếu để phụng thờ. Vua lại ngự điện Kính Thiên, xây dựng thêm lầu vàng gác ngọc, sơn vẽ cung tường, trang hoàng lại miếu điện nhất nhất đều tỏ ra oai vệ trang nghiêm, các đồ thờ đều vẽ hình rồng mây, đêm ngày đèn hương không ngớt, Mỗi tháng vào ngày sóc vọng, vua ra điện ngự thị triều bái. Bên tả lại có một cái điện do vị Thượng thánh Đại bảo đời trước tu luyện thần tâm, khéo dùng linh đan đắc pháp mà thành tiên, hóa sinh bất tuyệt, giữa ban ngày có thể bay lên trời, chuyện đó phát tích ngay ở điện này nên mới được các thần tiên xuống trần mà phù giúp non sông. Nhưng cái khí thiêng chung đúc, như là mặt trời mặt trăng cùng các ngôi sao, bốn vị Đại Thiên Vương, tám bộ kim cương, hai mươi tám vì tinh tú, các Bách thần hội cùng Sơn Tinh, Thủy Tinh ở chốn núi non sông biển, cùng là trăm giống thú đều chầu về một nơi là chùa Thừa Long tự ở hạt Từ Sơn (nay là Thiên Quang thiền tự) nên vua lại ra ngự ở chùa ấy, truyền tả hữu các quan sửa sang tường vách, bốn bên tô vẽ để chùa chiền tăng sắc, cùng trồng cỏ hoa trăm giống cho phong cảnh thêm đẹp đẽ.
Rồi lại truyền hịch khắp các châu huyện đâu có tăng ni đạo sĩ đều đến đấy để hội đồng tuyển thí. Quan Lục ty phát mũ áo cho để hội giảng kinh sách mà khai thác nguồn gốc của đạo, tiến cúng hương hoa, bốn mùa ngào ngạt. Vua sai quần thần dùng lễ chay tiến cúng, ngày mồng một và ngày rằm hai bên văn võ đứng chầu nghiêm trang. Vua dâng tờ sớ có câu: “Chín tầng trời tuy xa thẳm, khói hương dễ thấu đến mây lành. Một dạ tỏ tinh thành, cảm cách cũng thông cùng trời đất. Cầu thì tất ứng, nguyện được thỏa lòng”.
Bỗng thấy một cụ già, hào quang rực rỡ, cưỡi gió che mây mà đến, vua quì lạy đón rước vào chùa. Cụ già nói: Ta là thần bên Tây Vực, lâu nay tiêu dao con thuyền Bát nhã trên bể giác ngộ, chẳng nhiễm lòng trần mà đi vào con đường niết bàn tiêu sái, nay nghe chuông trống hồi vang, kệ kinh tiếng tụng mà ta hiển ứng về đây.
Vua mừng thầm nghĩ rằng: Người thanh tịnh trời đất cũng cảm thông. Bỗng thấy ông cụ già sờ vào tay áo lấy ra cho vua một cái móng rồng và một vật báu. Chớp mắt đã thấy mây ánh năm sắc, sáng rực đầu non, cụ già lên trời đã bay đi mất, vua mới biết đức Phật ngự, bèn vọng bái theo.
Lập tức ngày hôm ấy, vua sai các quan phải thành kính trai giới, lập đàn ở chùa, kính thỉnh bách thần, hội ở trên núi Linh Sơn mà khấn rằng: “Hôm nay may được cụ già cho vật lạ, không biết sự quý giá của vật báu ấy thế nào, bách thần anh linh nếu có biết xin chỉ bảo cho”. Khấn xong, thấy trên trời đỏ rực, một đám mây lành bay đến. Bốn vị Đại Thiên Vương hiện ra trên đàn, người cao 7 thước, đầu đội mũ sáng rực, râu tóc bạc phơ, vua rước vào điện và sửa lại mũ áo chỉnh tề rồi hành lễ. Bốn vị đó liền bảo vua rằng: “bảo vật cụ già ban cho trước đây là báu vật của trời, một để làm chuôi kiếm, một để khắc quả ấn nên chế tạo ngay để làm vật báu của đất nước”. Nói xong bốn thần cưỡi mây bay đi.
Vua ra đầu núi bái vọng, nhân tạc Thánh tượng để trong chùa thờ phụng, rồi ngự giá về cung, lấy vật báu của trời khắc thành chiếc ấn, lấy móng rồng làm thành chuôi kiếm. Từ đấy xã tắc vững bền, triều đình yên ổn, vua nghiệm thấy lẽ trời rất huyền diệu nên lòng sùng kính ngày càng coi trọng.
Một hôm nhân khí trời mát mẻ, muôn cảnh tràn tiết xuân, đầy thành hoa hồng hoa tía đua nở, dưới khí xuân bao phủ quần thần cùng nhau tâu lên rằng: “Nghe nói trên núi Tam Đảo thường có quần tiên tụ hội”. Vua vốn tôn trọng việc quỷ thần, bèn ngự giá đi xem phong cảnh. Xe rồng tới chỗ. Mừng thấy núi non gấm vóc như lâu đài trùng điệp ngàn tầm, khe suối trong xanh, lạch nước chảy ngọn muôn phương, phong cảnh đua sắc, hoa cỏ khỏe tươi, chốn đầu non nhỏ có một ngôi chùa cổ là Tây Thiên tự. Vua sai lập đàn tràng, sắm sửa lễ chay, quần thần đứng chầu, vua đến làm lễ bái yết và mở một trường học ở chùa, sớm tối cầu đảo, bảy ngày bảy đêm, khách bốn phương tới xem đông như chảy hội, chim trên rừng ngừng bay đến nghe kinh, cá dưới khe cũng lặng nghe tiếng kệ, thật là vẹn toàn công đức. Vua lại đứng lên phiến đá phẳng phiu mà ngắm cảnh thì chợt thấy đình miếu nguy nga, khói sương lấp lánh, bốn vách rồng mây tưởng như lâu đài Tây Trúc trên đất Phật, một bầu non nước ngỡ chốn Tiên cảnh Bồng Lai. Vua vào chùa Phù Nghi quay về hướng lập đàn mà mật đảo với trời. Cả triều đình đứng trang nghiêm, vua vào lễ khấn rằng: “Xin trời cho thần tiên xuống để cơ duyên gặp gỡ đính ước ba sinh, ấy là nguyện ước của trẫm vậy”. Khấn rồi lạy tạ.
Trong ba ngày không thấy tông tích thần tiên đâu cả, lòng dạ bồi hồi không biết sự thể ra sao, bèn ngự ra đầu núi trông về tiên đài thành tâm mật đảo. Đêm nằm mộng thấy thần linh cho bài thơ rằng:
Tây Thiên trên có người tiên,
Lòng riêng chưa thấy ước nguyền cùng ai.
Nơi Đông lộ gặp anh tài,
Thành ra cũng ở chốn này, này chăng!
Vua được bốn câu thơ thần cho, xe rồng trở về đến chân núi, thấy một người con gái phong tư xinh đẹp, cốt cách thanh nhã, đang đứng bên miếu xem vua ngự. Vua thấy nàng có sắc đẹp rước đưa về cung hỏi rằng: “nàng ở đâu vậy?”
Người con gái thưa rằng: “Thiếp là người tiên, trời cho giáng sinh xuống Đông Lộ vào làm con ông trưởng giả, đã mấy năm nay ở chốn nhà tranh tụng kinh đọc sử, giữ ngọc gìn vàng để đợi một người anh hùng. Nay nghe tiếng bệ hạ giá Tây Thiên, thiết lập đàn chay chí cầu tiên tử, thiếp không ngại xa xôi đi đến đây xem, may mà duyên trời định trước, gặp gỡ nhà vua thiếp xin được chầu gần dưới trướng, thì thật không phụ duyên ba sinh vậy”. Vua nghe nói mới hiểu trời đem người thần tiên đến cho mình, sai quần thần sắm đủ lễ vật đưa xe nàng về nhà ông trưởng giả làm lễ cưới đón nàng về kinh đô làm Hoàng phi chính thất.
Chưa đầy một năm, Hoàng phi Ngọc Tiêu có thai sinh được một con trai tư chất thông minh, tài năng lỗi lạc. Khi đến tuổi đội mũ, vua cho lập làm Hoàng Thái tử, nối ngôi trị nước, đặt hiệu là Hùng Vĩ Vương.
Sau vua cùng Hoàng phi học phép tiên, hưởng nước 200 năm nhưng tuổi thọ lại sánh với Bành Tổ, Kiều Tông, sinh hóa bất diệt.
Vua Hùng Vĩ Vương lên ngôi, noi gương báu đời trước, bắt đầu thi hành chính trị có nhiều điểm khả quan. Vua từng đem ấn kiếm ra bảo với triều thần rằng: Ta có chiếc linh bảo này lo gì thiên hạ không bình trị. Từ đấy oai thần càng lớn, thanh thế càng to, những kẻ gian ác đều sợ mất mật, trong nước thái bình, ngoài biên vô sự, thiên hạ đều khen là vua hiền, hưởng nước được 100 năm thì mất. Các vua tiếp theo nối đời trị nước là:
Vua Định Vương ở ngôi 80 năm;
Vua Uy Vương ở ngôi 90 năm;
Vua Trịnh Vương ở ngôi 107 năm;
Vua Vũ Vương ở ngôi 96 năm;
Vua Việt Vương ở ngôi 105 năm;
Vua Anh Vương ở ngôi 99 năm;
Vua Triều Vương ở ngôi 94 năm;
Vua Tạo Vương ở ngôi 92 năm;
Trải 16 đời đều được gọi là trị bình cả.
Đến đời thứ 17 là Hùng Nghị Vương lên ngôi trị nước, thừa hưởng một thiên hạ đã lâu đời bình trị. Vua đam mê rượu ngon gái đẹp, vui thích rong chơi, không sửa sang võ bị. Thục Vương nghe thấy trong nước thường không chăm lo võ bị nên có ý muốn xâm chiếm cơ đồ, nhưng lại sợ nước Nam có kiếm thần nên còn do dự chưa quyết. Thời bấy giờ, chúa Phụ đạo bộ Ai Lao có tài lược lớn, cũng thuộc tông phái vua Hùng. Thục Vương nghe thấy bèn đem quân đánh bộ Ai Lao để cướp chúa Phụ đạo. Ai Lao không chống cự nổi sai người đi cầu cứu Hùng Nghị Vương. Vua đem 10 vạn tinh binh đến thẳng dưới thành Ai Lao cứu giúp. Thục Vương thấy thế đưa thư cho Nghị Vương nói rằng: Thục Vương sang phía tây là chỉ muốn cướp bộ tướng để truyền ngôi báu cho đấy thôi chứ có dám lấy sức cánh tay con bọ ngựa mà địch với số xe mười vạn đâu. Nghị Vương xem thư xong rồi rút quân về. Thục Vương truyền đem bộ chủ về nước Thục, gả con gái và truyền ngôi cho rồi sai sứ đến tạ ơn Nghị Vương mà nguyện rằng: “Nam triều làm anh, Bắc triều làm em, lập định ước giảng hòa, hai nước cùng giao hảo”. Nghị Vương thuận cho. Từ đấy Tây, Nam đều rút quân về. Nghị Vương ở ngôi được 160 năm, lập Thải tử Hùng Duệ Vương lên nối ngôi.
Duệ Vương tư chất thông minh hiền trí, tài năng anh hùng, nhân được hưởng cơ đồ thịnh trị 17 đời của tổ tông để lại nên trong thì sửa sang võ bị, ngoài thì phòng ngự biên cương, dốc lòng vào việc trị bình để yên trong nước, noi gương đời trước trị dân, sùng kính đạo trời, tôn thờ thần thánh nên trời ban điềm lành, phù hộ cho nước. Vì thế vua càng sùng tín, kính trọng thần nhân, truyền lệnh khắp thiên hạ, tu sửa đền miếu, tô điện vẽ cung sao cho oai vệ nghiêm trang, ngày ngày dâng hương hoa, thành kính phụng sự. Các quan châu huyện một tháng hai lần đến chầu đền miều sở tại, mật đảo Bách thần cho vận nước được dài lâu. Vua thân chinh đến núi Nghĩa Lĩnh xem xét các điện thờ tổ tông, các miếu thờ danh tướng khai quốc các triều đại, tất cả đều sửa sang tu bổ, thật là:
Mấy tầng vây bọc, chọc trời muôn trượng lâu đài.
Bốn vách điểm tô, khắp đất một bầu phong nguyệt.
Vua sai lập đàn kính lễ, đôi bên văn võ áo mũ chỉnh tề đứng chầu.
Sau xa giá đi Tam Đảo, Tản Viên xem hình thể, núi xinh cảnh đẹp, xây dựng đền miếu cầu đảo cầu tự.
Bấy giờ cõi trời gần hết, vận hạn nước Hùng đã tàn, vua nằm mộng thấy điềm sinh con gái, sau sinh được hai người con gái đều có đức hạnh thảo hiền, phong tư yểu điệu, dù cho người đẹp nước Tề là Tề Khương hay Tống Nữ, người đẹp nước Tống cũng chỉ là tầm thường, hai nàng phải sánh với các bậc tiên. Một người là Mị châu Tiên Dung công chúa, một người là Mỵ châu Ngọc Hoa công chúa, vua cha yêu hai con gái vô cùng.
Mỵ châu Tiên Dung gả cho Chử Đồng Tử (người xã Đa Hòa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam). Còn công chúa Ngọc Hoa, vua đợi tìm được bậc anh hùng hào kiệt mới định. Vua cho xây dựng hai ngôi lầu ở núi Việt Trì trước cửa treo biển “đãi hiền lầu” để công chúa thứ hai ra ở đấy. Vua phát hịch đi khắp bốn phương, đâu có văn nhân tài tử thì hội về kinh thành để vua thi tài kén rể. Vì thế hào kiệt bốn phương vui mừng nô nức về hội họp ở kinh đô.
Vua ngự ra chấm thi, nào là thi tài văn: nghìn kinh vạn quyển thấu cùng học thuyết Khổng Tử, Mạnh Tử; nào là thi tài võ: bốn khoa ba truyền lầu suốt thao lược của Tôn Vũ, Ngô Khởi. Các vị hiền tài trong thiên hạ đều đua nhau dự thi. Nhưng người đạt cái này lại hỏng cái khác, vẫn chưa ai đạt được toàn tài như yêu cầu.
Duy có Sơn Tinh ở núi Tản Viên và Thủy Tinh ở hồ Động Đình trước học cùng thầy và cũng là bạn chưa kịp đến dự thi. Hai ngày sau họ mới đến kinh thành, vào tâu với vua rằng: “Lũ chúng tôi tài hèn sức mọn được lạm sinh ra trên đất của vua, nghe thấy Thánh thượng mở khoa thi kén rể nên bọn chúng tôi đến tham dự nhưng lại bị đến muộn, nếu được cho vào ứng thí thì thật may mắn cho chúng tôi không bị bỏ sót ra ngoài cái lệnh chiêu hiền vậy”.
Vua rất mừng, xa giá về tận sông Bạch Hạc ngự thí. Khi Sơn Tinh đến đầu sông thì thấy Thủy Tinh quay về đáy nước, rồi bỗng thấy lòng sông mây cuộn mưa tuôn, mặt nước cát bay gió thổi, ù ù đáy biển sóng ran, sèn sẹt trên mây sét đánh, thuồng luồng cá giải, trùng trùng theo muôn dặm nước dâng lên, côn ngạc kình ngao đầy rẫy dưới muôn triệu làn sóng vỗ. Một bầu trời đất muôn dặm ba đào, trong khí u hiển như thế ai không run lòng bạt vía. Còn Sơn Tinh thì tay thư phù, tay cầm trượng, niệm thần chú, chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan, biến hóa mầu nhiệm huyền bí, không ai lường được.
Vua thấy hai người đều có phép thần tiên cả chưa biết gả công chúa cho ai. Xa giá về cung, vua gọi cả hai người vào và bảo rằng: “Trẫm chỉ có một viên ngọc Lam điền(7) mà hai người đều là anh hùng cả, chả lẽ kẻ mừng người tủi, kẻ vui người buồn, vậy hễ ai đưa lễ đến trước thì ta gả cho”. Nghe xong Sơn Tinh, Thủy Tinh cùng hẹn với nhau rằng: Chúng ta cùng về sắm sửa lễ vật xem ai đến trước.
Thủy Tinh về Động Đình đi tìm vật lạ còn Sơn Tinh về thẳng dưới lầu, lấy cây gậy tre chỉ thẳng lên trời mà xin lễ cưới. Chợt có con voi trắng chín ngà và các hạt châu lạ, ngọc quí từ trên trời rơi xuống. Sơn Tinh thu lấy, nửa đêm giờ Tý đã đem lễ vật vào nộp trước sân rồng.
Vua gọi công chúa ra gả cho Sơn Tinh. Sơn Tinh rước công chúa về động Tản Viên.
Đến giờ Mão(8 vua thấy Thủy Tinh đem lễ vật đến,
vua phán rằng: Sơn Tinh đã đến rước công chúa đi rồi.
Thủy Tinh hối hận bèn quay về Thủy Cung.
Vua Duệ Vương trị nước được 115 năm, nhường ngôi cho Sơn Tinh núi Tản Viên. Tản Viên không chịu nhận. Vua bảo: Vận nước nhà Hùng đã hết, ngươi nên thay vào. Tản Viên còn do dự chưa quyết.
Thục Vương là chúa Phụ đạo Ai Lao cũng là tông phái vua Hùng, nghe tin vua định nhường ngôi cho con rể là Tản Viên bèn đem quân về phía Nam đánh Duệ Vương để cướp nước. Vua Duệ Vương có quân tinh nhuệ nên Thục Vương thua chạy. Duệ Vương bảo Thục Vương rằng: “Ta có sức thần, Thục Vương há không sợ hay sao? Từ đó Duệ Vương bỏ bê võ bị không luyện tập, đam mê sắc đẹp, ham thích rượu ngon để mua vui.
Quân Thục đến nơi, Duệ Vương vẫn say chưa tỉnh, một số quân sĩ trở giáo hàng Thục.
Vì thế Duệ Vương phải đắp thành ở đất Việt Thường(9) rộng hàng ngàn trượng xoáy tròn như con ốc đặt tên là Loa thành. Khi đắp thành, đắp lên lại lở xuống. Chợt thấy rùa Kim Quy (rùa vàng) ở sông phía đông nổi lên xưng là Giang sứ. Vua đem Kim Quy bỏ vào chậu vàng hỏi duyên cớ vì đâu mà thành lở.
Vua đem Kim Quy theo mình đến một gian quán ở núi Thất Diệu, giả làm người ở trọ, Đến đêm quả nhiên nghe thấy Quỷ gọi mở cửa. Kim Quy thét lên, quỷ không
vào được, Đến lúc gà gáy thì quỷ tẩu tán. Kim Quy xin vua cho đuổi theo. Đến núi Thất Diệu thì tinh khí đi đâu gần hết. Vua sai đào núi được các nhạc khí thời xưa và
hài cốt, liền đem đổ xuống sông. Từ đấy yêu khí tiêu tan, việc đắp thành không đầy nửa tháng đã xong.
Kim Quy xin về, trước khi về trút một cái móng đưa cho vua và bảo: “Quốc gia an, nguy tuy tự số trời nhưng người cũng phải phòng bị, nếu có giặc đến dùng cái móng thiêng này làm máy nỏ bắn giặc thì không lo gì cả”.
Vua sai bề tôi là Cao Lỗ chế cái nỏ thần lấy móng Kim Quy làm máy, gọi tên là Linh Quang Kim trảo thần nỏ.
Vua Hùng Duệ Vương đã có nỏ thần, bèn thu thập dân binh, viết thư đưa cho Tản Viên rằng: “Nay quân Thục chiếm thành của ta, ngươi nên đem theo binh mã tiếp viện cho ta”. Tản Viên bèn đem binh mã tới Loa thành cùng Duệ Vương bày trận để phô trương thanh thế..Ít ngày sau, Đức Thánh Tản Viên nói với Duệ Vương rằng: “Cơ đồ nhà Hùng hưởng nước đã lâu, chắc là lòng trời cho có từng ấy thôi, nên mới giúp cho Thục Vương vào chiếm. Vả lại Thục vốn là Quân chủ Ai lao cũng là dòng dõi vua cha đời trước. Thế nước chẳng ở yên mãi, số người là do tiền định, sao vua cứ luyến tiếc cõi Nam này mà trái ý trời, đối địch với nhau để hại sinh linh. Huống hồ Bệ hạ với thần đã có phép tiên, sao bằng: tiêu dao tiên cảnh chốn Bồng Lai, thà bỏ cõi phàm trần tục, gác phượng lầu rồng, bạc vàng ngôi báu xem tựa chiếc lông, Ngọc Nữ Tiên Đồng thỏa nhìn con mắt, tưởng như thế mới là đại cao vậy”.
Vua nghe theo, đưa thư cho Thục Vương rồi nhường nước cho Thục Vương. Thục Vương sai sứ đến tạ ân, nhân tiện vua cho Thục Vương cái nỏ thần rồi về núi Nghĩa Lĩnh cùng hẹn ước với Đức Thánh Tản Viên, hóa sinh mãi mãi.
Thục An Dương Vương được nước, cảm cái đức nhường của Duệ Vương như trời đất bèn ra núi Nghĩa Lĩnh xây dựng đền đài để lấy chỗ quốc gia phụng sự. Lại dựng hai trụ đá ở trong núi, rồi ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Nguyện trời cao lồng lộng, soi xét gần xa để cho miếu vua Duệ Vương này được trường tồn mãi mãi. Nếu các vua sau này nối ngôi trị nước mà trái lời nguyện thì phải chịu hình phạt đao búa, để khỏi phụ tấm lòng kính thờ người trước”.
Khấn xong lạy tạ, lên xa giá về Phong Đô, cho gọi những người thuộc chi phái Duệ Vương, ban cấp cho ngành trưởng là dân Tạo Lệ ở làng Trung Nghĩa 500 mẫu ruộng ở xã Nghĩa Cương và ngành thứ Tạo lệ 200 mẫu ruộng ở xã Vy Cương. Lại cấp thuế ruộng các xứ, trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, dưới đến Việt Trì, dân các xã phải đến nộp số thuế để làm hương hỏa phụng sự 18 đời vua Hùng từ Thánh tổ Cao Hoàng Đế và các vua nối ngôi trở xuống, cùng vận nước hưởng phúc lành, muôn năm không dứt.
Vua An Vương trị vì được 60 năm. Thời bấy giờ nhà Tần đem những kẻ lưu vong, những kẻ vô dụng và những người buôn bán ở các đạo tụ tập cho làm quân lính, lại sai Hiệu úy là Đồ Thư đem lính ấy xuống thuyền làm quân sĩ dưới thuyền, đến đào kênh vận chuyển lương thực đi sâu vào đất Lĩnh Nam, cướp đất Lục Lương mà đặt ra Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Lại cho Nhâm Hiêu làm Nam Hải úy, cho Triệu Đà làm Long Châu lệnh.
Nay trong biển ở miếu khai vật tế nhân có câu đối rằng:
Hội Nghĩa Lĩnh khai cương, cảnh nhĩ sổ lý thanh sơn lưu cao trạch nhi thành đô hội.
Tưởng Việt thành thâu túc, thùy sử nhất hoằng bích thủy tiễn vãn nghịch dĩ khải hồng đồ.
Dịch:
Nghĩ đến Nghĩa Lĩnh mở cõi bờ, đất này mấy dặm non xanh, đội ơn trạch mà thành ra đô hội,
Tưởng việc Việt thành chuyển thóc lúa, cải tạo một vùng nước biếc, thu nghịch dân để dựng cơ đồ. Sau Nhâm Hiêu, Triệu Đà thừa cơ gây hấn đến xâm lược, đem quân đến Tiên Du, Bắc Giang cùng với An Vương đánh nhau. Vua An Vương lấy nỏ thần bắn. Triệu Đà thua chạy. Triệu Đà biết Thục Vương có nỏ thần không thể địch được, sai con là Trọng Thủy vào chầu vua và xin được cầu hôn. Vua đem công chúa Mỵ Nương gả cho. Trọng Thủy dụ dỗ Mỵ Nương rồi ngầm đổi máy nỏ thần về bảo Triệu Đà đem quân đánh. An Vương không biết máy nỏ thần đã mất, cứ ngồi đánh cờ cười mà bảo rằng: “Đà không sợ nỏ thần của ta hay sao?”. Quân Triệu Đà kéo đến gần, An Vương đem nỏ bắn thì máy nỏ đã gãy, thế rồi thua chạy. Thế là cơ đồ nhà Hùng đến đây thì mất vậy..
Từ Triệu Vũ Vương đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn trở lại đây, các triều đại đều chuẩn y các miếu điện cùng các trưởng thứ dân Tạo Lệ làng Trung Nghĩa, phàm các việc binh, lương, thuế, sưu, dịch nhất nhất theo lệ cũ, phụng sự Tổ Quốc bền lâu, để tiếng thơm lại muôn đời, thực là vẻ vang thay.
Trên đây tính từ Kinh Dương Vương đến Duệ Vương cộng là 2.663 năm. Tính trở lên cơ đồ nhà Hùng 18 đời (thập bát diệp 十 八 叶 nghĩa là 18 ngành vua), ấn ngọc truyền ngôi báu, 180 vua(nhất bách bát thập đại Đế Vương一 百 八 十 代 帝 王)thay nhau trị vì thống nhất Sơn hà, văn hóa trị nước, xây dựng 122 đền miếu.
Niên kỉ 18 đời trị nước, vua thánh truyền lại cho con thánh cháu thần, các triều đại làm vua cộng hưởng nước được 2.665 năm; tuổi thọ cộng được 8.678 tuổi, sinh được 986 chi, hoàng tử công chúa, nòi giống sinh ra cháu chắt cộng cả thảy 14.370 người, sinh sống khắp chốn rừng núi, miền biển nước Nam. Muôn đời trường tồn, nối nhau không bao giờ dứt
Ngày tốt tháng mạnh xuân (tháng Giêng) năm Hùng Vương thứ 32.
_________________________
(1) Tên hai ngôi sao ứng với vùng đất Kinh Dương.
(2) Tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay.
(3) Núi Hồng Lĩnh ngày nay
(4) Của Hội ở Nghệ An ngày nay(5) Tức Hùng Bảo Thứu Lĩnh sơn
(6) Thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay.(7) Tức công chúa Ngọc Hoa
(8) Từ 5 đến 7 giờ ngày nay
(9) Cần khảo cứu thêm, Việt Thường là tên Trung Quốc gọi nước Văn Lang.
Người dịch: Hà Ngọc Xuyên
Hiệu đính: Tiến sĩ viện Hán nôm
Vương Thị Hường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét