TS. PHẠM TRỌNG CHÁNH
Gsts. Trần Quang Hải vừa qua đời
tại Paris ngày 29-12-2021 Lần cuối cùng gặp anh, anh nói với tôi như
trăng trối cho biết anh đang chữa trị ung thư máu bị thận và tiểu
đường không biết sẽ ra đi lúc nào, hôm nay anh đi ngủ và anh bình thản
ra đi lúc 0 giờ 46 . Gần năm mươi năm thân thiết với anh, anh xem tôi như
em trai, tôi có khuôn mặt giống anh và bác Khê nên đi đâu ai cũng
hỏi : Anh có phải em anh Hải con bác Trần Văn Khê không ? Tôi
đáp: - Tôi là học trò bác Khê, Ai cũng nói, học trò sao giống thầy
thế ! Những buổi gặp mặt chung với mọi người, anh cũng đùa với
mọi người tôi là em của anh.
Tôi chia sẻ cùng anh nhiều kỷ niệm từ những năm 1970, tôi học đàn, học nhạc với bác Khê, anh phụ tá bác hướng dẫn tôi, tôi học bài Phong Xuy trích liễu của Nguyễn Tri Khương, truyền thống gia đình anh, tôi dự định soạn luận án về hát Bội tại trường EHESS Sorbonne, học thêm mấy năm Hán Nôm, nhưng sau khi tìm kiếm tài liệu kho sách Hán Nôm về các tuồng tích cổ Việt Nam, tại thư viện quốc gia Paris, lưu trữ đầy đủ những bản tuồng của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Bùi Hữu Nghĩa… cho đến những bài hát cải lương ngày xưa bán ở chợ, cả một kho tàng văn hóa Việt Nam đang dần bị quên lãng. Có những vở tuồng như Quần Phương Hiến Thụy và Vạn Bửu tình trường gồm một trăm hồi từng diễn cả trăm ngày nơi Duyệt Thị đường cung điện Huế. Ngày nay ta chỉ biết đến kho tàng văn hoá thi ca còn kho tàng kịch nghệ hát Bội gần như bị quên lãng. Khai thác một kho tàng văn hoá ấy phải là công sức một viện nghiên cứu trong một thời gian dài, phải tinh thông Hán Nôm, một luận án chỉ là việc cỡi ngựa xem hoa, tôi thấy khó quá và lâu dài, trong khi về giáo dục thời Pháp thuộc, và miền Nam trước đây có đầy tài liệu tiếng Pháp, tiếng Việt, tôi đành quay sang soạn luận án tiến sĩ về giáo dục với giáo sư Lê Thành Khôi. Công việc đại diện thương mại lúc còn sinh viên lại dẫn tôi vào con đường kinh doanh, lập công ty kinh doanh nữ trang, đá quý.. cho đến khi hưu trí, tôi không say mê làm giàu, công việc chỉ cần làm vài ngày một tuần cũng đủ nuôi gia đình ba con học xong Y Khoa chuyên khoa và sống thong thả. Công việc làm phụ tá cho họa sư Lê Bá Đảng lại dẫn tôi đến thú đam mê học trường Mỹ Thuật và Điêu Khắc, thế là đủ thú vui cầm thư thi họa, viết nghiên cứu trở thành thú vui tiêu khiển. Việc tiếp xúc với giáo sư Hoàng Xuân Hãn để học hỏi thêm Hán Nôm lại đưa tôi vào con đường nghiên cứu Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và các nhà thơ cổ điển Việt Nam, dịch thơ lục bát các tác phẩm thi ca vĩ đại của nhân loại như Odyssée, Iliade của Homère, Thần khúc của Dante và Tiểu thuyết hoa hồng của Guillame de Lorris và Jean de Meun.
Học với giáo sư Trần Văn Khê người Việt chỉ có anh Nguyễn Thuyết Phong, anh trì chí làm việc bán hàng một tiệm tạp hoá cho đến khi xong luận án tiến sĩ về Âm nhạc Phật giáo Việt Nam và anh sang Mỹ dạy học. Tôi vẫn thường gặp anh Hải và có mặt trong các buổi anh và bác Khê diễn thuyết, trình bày. Có một lần đi diễn tại Đức anh đàn môi, đánh muỗng và tôi trình diễn đàn tranh.
Anh Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại xã Linh Đông, quận Thủ Đức Sài Gòn. Con trưởng giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015) và bà Nguyễn Thị Sương (2021-2014) nguyên giáo sư Anh văn trường trung học Gia Long, Sài Gòn. Dòng dõi Nguyễn Tri Phương và gia đình quê quán làng Vĩnh Kim, nổi tiếng nhiều đời nghề âm nhạc. Hậu duệ đời thứ 5 nhạc sĩ cung đình Trần Quang Thọ (1830-1890), đời thứ tư Trần Quang Diệm nổi tiếng đàn tỳ bà, ông nội là Trần Quang Triều, nổi tiếng đàn kìm và dây tỗ lan. Bà cô anh là Trần Ngọc Viện người lập gánh Cải Lương đồng ban đầu tiên.
Anh là trưởng nam gia đình có bốn anh em, hai trai hai gái. Em anh là anh Quang Minh ở Việt Nam và chị Thủy Tiên, Thủy Ngọc ở Paris.
Anh xem tôi là người thân trong gia đình. Ngày cháu Minh Tâm ăn thôi nôi, khoảng năm 1974, tại Limeil Brévanne, ngoại ô Paris, tôi là người thân được anh mời đến, chị vợ đầu tiên của anh phụ trách bếp danh tiếng Le Table de Mandarins, Paris, tiệm ăn Việt lâu đời và sang trọng ở quận 6, trước trường Mỹ Thuật Paris, nơi các ca sĩ Cao Thái, Bích Chiêu, Bạch Yến.. thường đến hát. Anh quen với chị khi đến trình diễn, đánh đàn ở đây. Nhưng rồi không thuận nhau chị chia tay đi tu nơi làng Mai với thầy Nhất Hạnh và mất mấy năm sau vì bệnh ung thư. Cháu Minh Tâm lớn lên học nhạc với ông nội với cha, nhưng lại nổi tiếng về nghề nấu ăn của mẹ, viết sách và trên internet dạy nấu ăn Việt. Cháu viết sách Nouille d ́ Asie nhà xuất bản Chêne 2016. Gặp anh Hải lần cuối tôi nói với anh: “- Các con tôi thường khoe và đãi ba mẹ bằng những nón ăn học của cô Minh Tâm.»
Anh cười. Minh Tâm nấu ăn ngon như mẹ cháu. Những năm sau này anh Hải thường chụp ảnh trên Facebook gửi cho tôi xem những nón ăn anh nấu mỗi ngày trình bày rất mỹ thuật cùng với chị Bạch Yến.
Anh Hải học trung học Pétrus Ký và tốt nghiệp đàn vĩ cầm với giáo sư Đỗ Thế Phiệt. Sang Pháp năm 1961 anh vào học với giáo sư danh tiếng thế giới đàn vĩ cầm Yehudi Meuhim, nhưng giáo sư bạn thân của cha anh lại khuyên anh rằng, đàn vĩ cầm có nhiều người học, có thêm một người danh tiếng nữa cũng thừa, hãy trở về nhà học với giáo sư Trẩn Văn Khê, để kế nghiệp con đường vẻ vang của cha. Anh Hải nghe lời khuyên trở về học với cha tại trường đại học Sorbonne, ngành âm nhạc dân tộc học và trường cao đẳng Khoa Học Xã Hội Paris, EHESS. Hàng trăm công trình nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam của anh được đại học Sorbonne công nhận, và cấp bằng tiến sĩ Âm nhạc dân tộc thay luận án. Anh vào làm việc tại CNRS, Trung tâm quốc gia nghiên cứu Pháp và viện bảo tàng Con Người, Musée de l ́ Homme Paris từ năm 1968 đến năm 2009 về hưu trí. Anh tập họp và giới thiệu các công trình nghiên cứu anh trong sách xuất bản tại Pháp và Mỹ: 50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam và Hát đồng song thanh.
Anh xuất bản 23 đĩa nhạc, do Prix du Disque của Accadémie Charles Cros băm 1983 và được Prix Cristal của CNRS năm 1995. 4 DVD hát song thanh, 2 DVD Âm nhạc Việt Nam. Năm 2000 và 2009, một phim về cuộc đời nghiên cứu âm nhạc của anh, và hàng trăm bài viết trên các tạp chí Âm nhạc thế giới. Anh được tổng thống Pháp Jacques Chirac trao Huân chương Hiệp Sĩ danh dự năm 2002, Huân chương danh dự Lao Động Đại Kim năm 2009, tưởng thưởng những công việc truyền bá văn hoá của anh.
Về Việt Nam anh giúp đỡ hồ sơ cho các công trình: Cồng chiêng Việt Nam. Đờn ca tài tử. Nhạc cung đình.. được Uneso công nhận là di sản văn hoá quốc tế. Anh còn là thành viên Hội đồng Âm Nhạc Truyền Thống quốc tế và nhiều hội Âm Nhạc khác.
Ngoài công việc làm chính thức, anh thường đi trình diễn khắp nơi trên 3500 buổi diễn trên 70 quốc gia trên thế giới, chưa kể những tiệc cưới, những buổi gặp mặt các hội hè người Vịệt tại Paris, diễn tại các trường học cho học sinh từ Paris đến các tỉnh. Ai mời anh cũng đi chẳng nề hà gì công lao chi phí.. Từ trình diễn với cha với cô em họ Hoàng Mộng Thúy hát dân ca. Từ năm 1978 anh kết hôn cùng ca sĩ Bạch Yến nổi tiếng với bản Đêm đông, chị chuyển sang hát các làn điệu dân ca cùng anh và theo anh đi khắp các chân trời. Chị Bạch Yến rất thương yêu cháu Minh Tâm, một lần tôi hỏi thăm chị khoe: - Cháu bây giờ lớn 60 kí !
Hôm nay, anh đã ra đi, những kỷ niệm vui bao năm gặp gỡ, với anh lúc nào cũng vui cười tươi hài hước, gặp anh, gặp bác Khê, bác Trạch về là vui cả tuần. Anh Hải đã ra đi, tôi vẫn mường tượng anh đi lưu diễn nơi xa, nơi thảo nguyên Mông Cổ, anh hát bằng song thanh bằng môi và bằng bụng, chiếc đàn môi trên miệng anh những âm thanh, những âm thanh lạ lùng vùng cao nguyên, và đôi muỗng của anh vui vẻ nhẹ nhàng như những trò chơi trẻ em rồi trở về quê hương với những bản đàn bầu, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, cây đàn nào anh cũng thông thạo. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, nghề chơi nào của anh cũng công phu ít ai sánh kịp.
Paris ngày 3-1-2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét