Trần Thị Băng Thanh
|
(Trích từ tập Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh)
Vũ Trinh (1752 – 1757), thời Gia Longlà một soạn giả của Bộ Hoàng Việt luật lệ, còn gọi là Luật Gia Long. Bộ luật cũng được người Pháp đánh giá cao. Khi mới đặt ách đô hộ lên nước ta, ngay từ năm 1875 một viên chức người Pháp là P.L.F Philastre đã dịch bộ luật Gia Long ra tiếng Pháp với chủ ý muốn dùng làm cơ sở luật pháp để điều hành chính sự ở Việt Nam, bởi ông đánh giá bộ luật này “có tầm mức của nền văn minh hiện đại”. Nhiều người cho rằng thực chất bộ Hoàng Việt luật lệ được sử dụng trong việc hành pháp của Việt Nam suốt triều Nguyễn và cho đến năm 1949 mới hoàn toàn bác bỏ hẳn. Trước khi làm quan với nhà Nguyễn, Vũ Trinh là một bề tôi trung của nhà Lê. Thời Tây Sơn, ông ẩn lánh viết truyện, nghiên cứu đạo Phật, là một thành viên trong Thiền viện Trúc Lâm của Ngô Thì Nhậm. Trong thời gian ẩn lánh ông viết tập truyện truyền kỳ, đặt tên là Lan Trì kiến văn lục, (ngờ rằng có thể ông cũng đã viết những lời bình sắc sảo về tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du). Dưới đây nhân năm Dần, xin trích mấy truyện về hổ của ông trong tập, mời quý vị đọc.
1. HỔ CÓ NGHĨA* I
Huyện Đông Triều[1] có một bà đỡ đẻ họ Trần. Một đêm nghe tiếng gõ cửa, bà ra mở thì không thấy ai. Đang nhìn quanh, bỗng một con hổ nhảy tới cõng bà đi. Thoạt tiên bà sợ gần ngất đi, sau tỉnh lại thấy hổ ôm bà vào bụng bằng một chân rồi đi như bay. Mỗi khi qua chỗ rậm rạp thì lấy tay gạt gai góc mở lối. Đi dần dần, tới một bụi rậm trong núi sâu, hổ đặt bà xuống. Nhìn thì thấy có một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất. Bà nghĩ hổ sắp ăn thịt mình nên sợ run không dám nhúc nhích. Lát sau hổ cầm tay bà dắt lại, nhìn hổ cái mà rơi nước mắt. Nhìn kỹ, bà thấy trong bụng hổ cái có vật gì đang động cựa, biết là hổ sắp đẻ. May vừa có liều thuốc “thôi sinh”[2] dắt trong vạt áo, bà liền múc nước suối hòa thuốc cho uống, thấy hổ mẹ bớt đau, bà lại lấy tay ấn xoa lưng bụng hổ, một lát thì hổ đẻ được. Nhìn hổ đực sắc mặt vui mừng, đùa giỡn với con, hổ cái nằm lả xuống, dường như mệt lắm. Hổ đực đến bên gốc cây, chống tay quỳ xuống đất, vừa quỳ vừa nhìn bà, lát sau đưa ra một lạng bạc trắng. Bà mụ biết là hổ trả ơn, liền nhận lấy, buộc vào thắt lưng. Thế rồi hổ đực đứng dậy, vừa đi thong thả vừa ngoái nhìn bà, bà liền đi theo. Ra khỏi rừng được vài mẫu thì trời tang tảng sáng, bà giơ tay nói:
- Xin chúa rừng trở lại!
Hổ mới dừng lại từ tạ, còn cúi đầu, vẫy đuôi như tiễn biệt bà. Chờ cho bà đi đã hơi xa, hổ mới gầm lên một tiếng to rồi đi. Bà về tới nhà, đem cân thỏi bạc thì được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, bà nhờ số bạc ấy mà được sống.
II
Một người tiều phu nọ ở Lạng Giang[3] hái củi dưới chân núi. Nhìn xa xa phía thung lũng ở ngọn núi trước mặt, thấy cây cỏ lay động không ngừng, anh liền vác búa đến xem. Lúc đầu thấy một con hổ trắng to bằng con trâu, khi thì cúi đầu đập đất, khi thì nhảy lên nhảy xuống, thỉnh thoảng thò tay móc họng, miệng há to như cái sàng, máu chảy lênh láng. Nhìn kỹ trong miệng hổ, thấy một chiếc xương nằm ngang cổ họng. Tay hổ móng to, càng moi chiếc xương càng thụt vào sâu. Người tiều phu vừa uống rượu nên bạo gan, từ trên cây nói to:
- Họng ông đau à? Đừng cắn, tôi sẽ lấy xương ra cho.
Lập tức hổ phủ phục xuống đất, há mồm quay về phía người tiều phu như cầu cứu. Anh tiều phu trên cây từ từ tụt xuống, thò tay vào họng hổ, lấy ra chiếc xương trâu to như bắp tay. Hổ nhìn khúc xương liếm mõm, vừa thong thả bước đi vừa ngoảnh lại nhìn người tiều phu. Anh chàng hái củi hô to lên rằng:
- Nhà tôi ở thôn ấy, có được mồi ngon của rừng hãy nhớ nhau nhé!
Người tiều phu về được mấy ngày, một đêm khuya nghe ngoài cửa có tiếng kêu dữ dội. Sáng hôm sau mở cửa, thấy một con hươu chết nằm đó. Mấy năm sau, người tiều phu chết. Lúc sắp chôn, hổ bất chợt đến trước mộ nhảy nhót vật vã, những người đến đưa tang chạy tản đi hết. Đứng nhìn từ xa thấy hổ húc đầu vào áo quan gầm hét, rống lên một tiếng to, chạy quanh mấy vòng rồi đi. Từ đó mỗi khi đến ngày giỗ người tiều phu, hổ đều đem dê hoặc lợn đến để ngoài cửa từ hôm trước.
Lời bình (không rõ của ai): “Khả dĩ người không bằng hổ chăng?”
Trần Thị Băng Thanh dịch
2 HỔ NGHĨA HIỆP*
Huyện Bảo Lộc[4] có thôn dân tên là Hoàng Mỗ, nhà khá giả, lấy vợ họ Nguyễn, người cùng ấp, được mấy năm, vợ ốm chết, để lại một đứa con trai bốn năm tuổi, gửi cho bà ngoại là cụ Nguyễn nuôi nấng. Thỉnh thoảng Hoàng đến nhà bà nhạc thăm con, hoặc bế con về nhà, mươi ngày lại đem sang gửi.
Ấp bên có một người góa chồng, Hoàng chợt có việc qua ấp đó, trông thấy ưng ý lắm, nhờ bà mối đánh tiếng. Người đàn bà ấy từ chối rằng:
- Tái giá mà được người như ông ấy là tốt rồi. Hiềm vợ trước để lại đứa con trai, vợ kế cùng ở chung với con vợ trước là việc rất khó. Để mặc cho nó bướng bỉnh, lêu lổng thì người ta bảo là mình ghẻ lạnh với nó, còn nếu động đến roi vọt một tí thì những lời gièm chê mẹ kế ác sẽ om sòm lên ngay[5]. Nhờ bà thay tôi tạ lỗi với ông Hoàng rằng tôi không thể làm vú nuôi cháu thay người trước để bị người ngoài bình phẩm được.
Bà mối về nói lại lời từ chối ấy. Sau đó Hoàng vẫn ưng cô ta, không bỏ được, nghĩ mãi chỉ có cách làm mất đưa con đi thì mới lấy được cô ta, bèn nảy ý độc ác.
Mấy ngày sau, Hoàng dắt con vào trong núi sâu, lừa con rằng mình đi tìm quả cho con ăn rồi bỏ con ở lại về thẳng. Núi ấy có nhiều hổ, Hoàng về đến nhà nghĩ bụng con thế nào cũng bị chôn trong bụng hổ, sợ bị bà nhạc tra hỏi, bèn đắp một ngôi mộ ở ngoài đồng giả làm nơi chôn con.
Bấy giờ đã nửa đêm. Bà Nguyễn ở nhà nghe tiếng gõ cửa, ngờ là hổ, đóng chặt cửa không dám ra. Kế đó bà nghe tiếng trẻ khóc gọi, lấy làm lạ, mở ra xem thì thấy cháu đứng ngoài cửa. Bà vừa sợ vừa mừng hỏi:
- Cha cháu đâu? Sao cháu lại đến một mình vào lúc khuya khoắt thế này?
Thằng bé đáp:
-Lúc chiều tối cha dắt một mình cháu lên núi. Cháu ngồi ở gốc cây đợi cha, mãi không thấy cha trở lại, cháu sợ, cháu khóc, bỗng một con mèo vàng to bằng con trâu cõng cháu đến đặt ở đây rồi bỏ đi, cháu không biết là nhà bà.
Bà cụ lấy làm kinh lạ, ôm cháu mà khóc. Ngay lúc đó nghe tiếng hổ gầm gừ ngoài cửa, bà ở trong nhà nói vọng ra:
- Đa tạ sơn quân cứu cho cháu tôi được sống. Già này không có gì tạ ơn ngài, chỉ có con lợn trong chuồng, kính mời ngài một bữa.
Tức thì nghe thấy tiếng bắt lợn. Gà gáy xong lại nghe tiếng lợn kêu từ xa sau đến gần, vào đến chuồng thì thôi. Sáng ra xem thấy có nửa con lợn chết nằm ở sân, trong chuồng lại có một con lợn nữa, to hơn con của nhà nhiều. Bà cụ ngạc nhiên quá, ngay sáng hôm ấy sang nhà con rể hỏi cháu đâu. Hoàng đáp:
- Cháu bị cảm đột ngột, chạy chữa không khỏi nên mất lúc nửa đêm rồi.
Hoàng lại dẫn bà cụ ra đồng chỉ nấm đất nói:
- Cháu nằm ở nơi đây.
Bà Nguyễn sai đào lên thì chẳng có gì cả, bà vờ khóc bảo:
-Chắc lúc chôn cháu, con chôn theo nhiều quần áo nên bị kẻ gian trông thấy chúng đã đào lên vất xác đi rồi. Ở bên mẹ còn vài cái áo của cháu, anh theo mẹ về lấy rồi đốt cả đi. Mẹ đã ở tuổi xế chiều, vãn bóng không nỡ nhìn thấy những vật thương tâm ấy nữa.
Hoàng đi cùng mẹ vợ, vào đến cửa thấy con vịn ngưỡng cửa tươi cười luôn miệng reo “cha đến rồi!” Hoàng biến sắc lùi ra, bà Nguyễn níu lại, Hoàng giằng đứt vạt áo bỏ đi.
Bà cụ đem việc đó thưa lên quan, Hoàng bỏ trốn sang thôn khác. Người làng ghét hắn vô hạnh, dò theo dấu vết bắt được, tra hỏi, hắn phải nhận tội. Quan cho đó là hành động thương luân bại lý, định ghép tội nặng. Hoàng hối lộ nhiều nên chỉ bị đánh đòn rồi tha. Hắn ra về, tối đến cổng làng có con hổ nấp trong bụi rậm gầm lên nhảy ra vồ rồi chạy thật nhanh. Nghe tiếng Hoàng kêu cứu, dân làng cầm đuốc đuổi theo, cách làng chừng một dặm thấy thi thể Hoàng đã nát vứt trên đường, cách đó hơn một trăm bước thấy một con hổ mắt sáng như đuốc đang thong thả đi vào núi.
Việc này xảy ra năm Canh Tuất (1790), em họ tôi là Trần Danh Lưu lên Lạng Sơn thấy được việc đó.
Lan Trì Ngư giả bàn rằng:
Nhân nghĩa lẫm liệt thay vị chúa sơn lâm này! Đối với đứa bé thì ôm ấp, bảo hộ, che chở, yêu thương như với con nhỏ; đối với bà mẹ thì làm ơn nhiều, nhận báo đáp ít, như đối đãi với người nhà; còn đối với Hoàng thì quyết liệt, dứt khoát như hiệp khách kiếm tiên trị tội kẻ bất nghĩa. Làm sao có được trăm nghìn vị chúa sơn lâm như thế để trừ diệt hết mọi sự bất bình cho nhân gian!
Đương lúc Hoàng mang con vào bỏ trong rừng, lẽ nào hổ không tru diệt được hắn ngay mà vẫn lưu lại, bởi vì để cho mọi chuyện diễn biến khúc chiết, khiến tội ác của hắn lan truyền khắp làng xóm, quan trên có thể hiểu rõ sự xấu xa của hắn. Vị chúa sơn lâm này cũng có tấm lòng vậy!
Có người nói: Hổ là loài vật, làm sao biết được [Hoàng là kẻ bạc ác] việc này chắc là ma trành[6]nghĩa hiệp dắt dẫn vậy. Nói rằng: Tất cả loài có lông có khiếu đều có tính người, huống nữa lại là bậc nghĩa hiệp, sao có thể là ma trành được? Há rằng trong buổi trời long đất lở, tính ngũ thường lại không được phú bẩm cho người mà chỉ phú bẩm cho loài vật sao?
Phạm Tú Châu dịch
3 GẤU, HỔ CHỌI NHAU*
Huyện Lục Ngạn[7] có người dân miền núi Nguyễn Mỗ sống bằng nghề lấy gỗ. Mỗi chuyến đi anh ta thường sắp đủ gạo, muối, chùy, búa, rồi ở lại trên núi hoặc mươi ngày hoặc một tháng mới về. Lâu dần thành quen, gặp rắn độc, thú dữ, khi thì đuổi, khi thì tránh, vì quen nên cũng không thấy sợ.
Một hôm, Nguyễn ở trong núi sâu, xẻ gỗ làm thuyền độc mộc. Bấy giờ trời rét lắm, Nguyễn trải cỏ khô để nằm, úp thuyền lên trên, bên cạnh gom một đống cành khô đốt để sưởi.
Nửa đêm, Nguyễn nghe hơi tanh xộc vào mũi, hé mắt nhòm ra, thấy một con hổ ngồi chồm hỗm bên cạnh đống lửa, to bằng con trâu, dãi nhỏ xuống đến hàng đấu, nhắm mắt mà ngủ. Lát sau một con gấu ngựa cũng đến ngồi trước đống lửa đối diện với hổ. Cả hai đều như không trông thấy nhau.
Nguyễn xem hồi lâu đã chán mắt, bèn nghịch ngợm, qua khe thuyền lấy que khều một hòn than hồng to dúi thẳng vào cửa mình hổ. Hổ bị bỏng vùng tỉnh dậy mở mắt thấy gấu, cho là gấu làm mình bỏng, giận dữ gầm lên, chồm cắn cổ gấu. Gấu giơ móng cào vào bụng hổ. Hai con xoắn lấy nhau, lăn lộn lúc trên lúc dưới, thuyền xuýt lật ngửa.
Nguyễn vừa buồn cười vừa sợ, bám chặt lấy mạn thuyền, không dám nhúc nhích. Một lúc lâu sau, tiếng động nhỏ dần rồi im. Nguyễn từ từ trở dậy ra xem, thì cổ gấu đứt rời, ruột hổ lòi ra, cả hai cùng chết bên tảng đá.
Phạm Tú châu dịch
4 HỔ CÓ LÒNG NHÂN[8]
Vương phủ có cuộc tế lớn, các trấn đều đem dâng thú rừng. Thái Nguyên dâng một con hổ mẹ rất to, lông vàng vằn đen, trán và hai vai đều có chấm trắng to bằng bàn tay, nhốt ở cũi đá bên hành lang. Lễ xong, cho người vào xem. Bỗng có người đem đến mười cân thịt, đặt trước mặt hổ, rơi nước mắt vái lạy. Mọi người hỏi vì sao, người ấy nói:
- Đây là ân chúa của tôi ba năm trước. Năm đó tôi đi gánh thuê cho người ta được ít tiền mang về. Khi qua đường núi thì trời tối, không có chỗ nào nghỉ trọ, mới trèo lên cây cao gác cành làm giá mà nằm. Chập tối thấy bà hổ này đến dưới gốc cây nhìn lên gầm mãi. Tôi nghĩ không có đường nào thoát chết nên quay về phía hổ, chắp tay khấn rằng: “Tôi một mình nơi đất khách, tính mệnh treo ở miệng ngài. Duy cuộc sống của cả nhà chỉ trông vào một mình tôi, nếu ngài không tha thì tôi xin lết đến nộp mạng. Nhưng như vậy già trẻ của cả một nhà sẽ bị đói rét mà chết!”. Nghe nói xong, hổ cúi đầu nép mình nằm xuống gốc cây, ngủ ngáy như sấm. Đêm khuya, nghe tiếng người từ xa đi lại, gọi hỏi:
- Dì ung dung quá! Đêm nay được mồi ngon, có cho cháu ăn với không?
Hổ đáp:
- Ta mệt nghỉ ở đây, các con đi chỗ khác kiếm ăn!
Bấy giờ tôi nhìn xuống thì hổ đã biến hình, đội khăn trắng, mặc áo đỏ, rõ ra một người đàn bà đàng hoàng.
Tôi ở trên cây, suốt đêm không dám thở. Gà gáy, hổ từ từ trở dậy rồi đi. Đến khi trời sáng rõ, trên đường có người đi lại, tôi mới vin cành tụt xuống.
Hôm qua thấy bà hổ này sắc lông như thế, tôi hỏi chuyện cũ, hổ nhìn tôi rơi nước mắt, gật đầu hai cái. Tôi cảm ơn sâu cứu mạng của hổ, sửa chút lễ mọn để tỏ lòng thành của mình.
Nói xong lại vái năm vái, khấu đầu ba lần rồi đi.
Lan Trì Ngư giả bàn rằng:
Hổ là loài ác thú mà còn không nỡ nghe tiếng kêu ai oán của người. Thế mà những kẻ ngồi cao ngất trên công đường nhai xương hút tủy người ta, thấy những lời kêu oan thảm thiết dưới thềm lại bỏ ngoài tai chẳng đoái, táng tận nhân tâm như thế mà chẳng thẹn với bà hổ này hay sao! Ước gì có thể thả bà hổ này ra mà mời những vị quan cao kia vào trong rọ!
------------ Trần Thị Băng Thanh dịch
*Nguyên văn: 義虎Nghĩa hổ, có 2 truyện.
[1] Đông Triều: Thuộc trấn Yên Quảng, nay là tỉnh Quảng Ninh.
[2] Thuốc “thôi sinh”: thuốc kích thích cơn co dạ con giúp sản phụ đẻ nhanh.
[3] Lạng Giang: là một vùng đất cổ, từ thời xa xưa thuộc lộ Vũ Ninh, trải qua các đời đều có sự thay đổi, hiện là một huyện miền núi thấp, nằm ở phía Bắc tỉnh Bắc Giang, bắc giáp huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn, tây là huyện Tân Yên, Yên Thế, nam là thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng, đông giáp huyện Lục Nam.
*Nguyên văn:俠虎Hiệp hổ
[4] Bảo Lộc : thuộc phủ Lạng Giang; trấn Kinh Bắc, nay là vùng đất Bắc Ninh, Bắc Giang.
[5] Mẹ kế ác: Chỗ này tác giả dẫn điển Mẫn Tử Khiên. Ông tên là Mẫn Tốn, người nước Lỗ, học trò Khổng Tử, một trong 24 tấm gương hiếu nghĩa. Mẫn Tử mồ côi mẹ, cha lấy vợ kế, sinh thêm được hai em. Người mẹ kế cay nghiệt, bạc đãi Mẫn Tử, bà chỉ lo chăm chút con mình. Trời rét hai con bà áo bông áo kép, còn Mẫn Tử chỉ mặc áo lót bông hoa lau. Một hôm trời rất rét, tuyết dầy, Mẫn Tử bị sai đẩy xe, ông cóng tay đánh rơi càng xe. Người cha lúc đó mới biết, định đuổi mẹ kế đi. Nhưng Mẫn Tử xin cha để mẹ lại, vì nếu mẹ đi rồi thì cả ba anh em ông đều sẽ khổ. Mẹ kế lúc đó hiểu ra mới yêu quý Mẫn Tử. Trong truyện Nhị thập tứ hiếu có câu: Chẳng thương chút phận long đong/Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân! (BT chú thích)
[6] Ma trành: người bị hổ ăn thịt có khi thành tinh, làm tay sai cho hổ, chuyên dẫn hổ đi bắt người, có tên gọi là “ma trành”; ở đây ý nói Ma trành dắt dẫn hổ làm việc nghĩa hiệp.
[7] Huyện Lục Ngạn: thời Lê thuộc phủ lạng Giang, trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
[8] *Nguyên văn: 仁虎 Nhân hổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét