TRẦN DIÊN LINH
0387143212
I.Hiện tượng Hòa Thượng thích Thông Lạc
Do khoảng cách về địa lý và hoàn cảnh
xã hội, cũng như sự khó khăn về phương tiện tiếp cận thông tin mà cho tới nay
tôi mới được biết rất ít về thân thế và Đạo nghiệp của Hòa Thượng Thích Thông Lạc.
Tuy vậy tôi rất ấn tượng và cảm kích về Hòa thượng, đó là Hòa thượng đã khởi xướng
việc chấn chỉnh những sai lạc rườm rà, thậm chí là ngụy tạo trong việc tu phật
từ xưa cho đến thời hiện đại. Hòa thượng đã viết sách, đã thuyết giảng để khai
ngộ cho phật tử tìm về tu theo giáo lý chánh pháp của phật giáo nguyên thủy.
Hòa Thượng phê phán việc tu theo giáo lý phật giáo “Bắc truyền” hay còn gọi là
“Bắc tông” có nhiều điểm sai lạc, bóp méo thậm chí là mê hoặc chúng sinh, trái
với những gì mà đức phật đã truyền dạy. Không có Phật Di Lặc mà cũng chẳng có
phật bà Quan Âm mà chỉ có duy nhất Đức Thích Ca Mâu Ni, người khai sáng ra đạo
phật mà thôi, đến con người ta sau khi chết thì cũng chẳng có cái gọi là “Linh
hồn” nữa. Tôi đã vào mạng để nghe một số bài
thuyết giảng của Hòa Thượng, điều khiến tôi khâm phục đó là bản lĩnh của ngài.
Hòa thượng đã dám phê phán và bác bỏ, chống lại cái đã mặc định trong đầu của những
lớp, lớp người tu phật đến cả ngàn năm nay rồi thì quả là dũng cảm. Nếu như
không đủ bản lĩnh và trí tuệ thì rất dễ bị thân bại danh liệt trong Đạo nghiệp
của Hòa Thượng. Việc làm ấy của ngài không chỉ làm thay đổi một nhận thức cố hữu
của rất nhiều người mà còn đe dọa đến vị thế và tầm ảnh hưởng của các Tăng Ni đối
với đại chúng phật tử thì không khỏi không bị công kích, chống đối mãnh liệt từ
nhiều phía với số lượng rất đông đảo, nói theo thuật ngữ thế tục hiện đại là sẽ
bị “ném đá hội đồng”. Bởi thế cho nên cũng cần phải bàn lại một cách cẩn trọng
để cho những Tăng Sĩ nào muốn nối theo chí hướng của Hòa thượng đó là phải làm
sao cho thật uyển chuyển, khéo léo và thấu đáo hơn nữa để dễ dẫn nhập cho các
phật tử tỉnh ngộ mà quay về tu theo chánh đạo của Đức Thế Tôn. Đồng thời đó
cũng là cách đề kháng tốt nhất đối với những tư tưởng đối lập công kích.Việc
làm của Hòa Thượng Thích Thông Lạc đã thành một hiện tượng trong phật giáo hiện
đại của nước ta.
Phải sang: Trương Sỹ Hùng, Trần Diên Linh, Mạc Khải Tuân và con trai tác giả bài viết. Ảnh: Đinh Công Vỹ
II.
Một số suy nghĩ của tôi về Phật giáo.
Tôi vốn không phải là phật tử nhưng lại
có duyên với phật giáo và rất thích thú ý nghĩa của giáo lý phật giáo. Bởi lẽ
ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã được cha tôi giảng giải cho nghe đôi điều về phật
giáo và nho giáo, tuy chỉ lõm bõm mang tính sơ đẳng mà thôi, nhưng đã in đậm
vào trí não tuổi thơ và vô hình chung đã gieo một duyên lành cho cuộc đời của
tôi. Lại nói về cha tôi Ông sinh năm 1924, có lẽ Ông là lớp nho sinh cuối cùng
của đạo nho tàn trên đất Việt, Ông thụ giáo người cậu ruột của mình là đầu xứ
phổ (đỗ đầu xứ). Sau này khi tôi trưởng thành thì lại có duyên được gặp gỡ rất nhiều
tu sĩ phật giáo và lại được học hỏi ở một số cư sĩ uyên thâm về phật giáo. Tôi
không thường xuyên lễ chùa cũng không học kinh hay tụng niệm mà chỉ viếng
thăm chùa mỗi khi có dịp thuận tiện với
lòng ngưỡng kính đức phật một bậc đại trí tuệ. Trong cuộc sống hàng ngày tôi vẫn
cố gắng noi theo và ứng xử hướng thiện theo giáo lý của đức phật. Trong tôi phật
giáo là một phần của tâm thức. Qua những gì học hỏi được cùng với những trải
nghiệm thực tế trong đời sống và tư duy của bản thân về phật giáo thì trong tôi
có những phân vân thậm chí là ghi vấn về cách hiểu theo lối mòn trong phật giáo
xưa nay. Khi tôi tiếp cận các thông tin về đạo nghiệp của Hòa Thượng Thích
Thông Lạc thì thấy những chỉ giáo của Hòa Thượng phần nào đã thỏa mãn những tồn
nghi, những suy nghĩ ấy của tôi. Với tôi “Phật” là một khái niệm về hệ tư tưởng,
một trạng thái tinh thần, khi tư tưởng đạt được sự thức tỉnh đến độ tuyệt đối gọi
là “giác ngộ” chính vì thế mà đạo phật mang tính triết lý mà Đức Thính Ca Mâu
Ni là một đại triết gia đồng thời ngài cũng là một nhà giáo dục thiên tài. Giáo
lý của đức phật mang tính khoa học chứ không mang tính tâm linh thần bí huyền ảo
gì cả. Đức phật đã nhận ra cái đạo của tự nhiên, cái quy luật “Sinh, lão, bệnh
tử” của con người và của cả muôn loài đã có hình tướng “Hữu hình tất hữu hoại”.
Đồng thời đức phật cũng chỉ ra mọi phiền não đau khổ cũng đều bởi cái tâm “Tham
sân si” vốn là bản năng, bản chất phần “Con” trong mỗi con người chúng ta. Thật
vậy triết gia cổ đại nho giáo là Tuân Tử cũng từng nói “Con người ta sinh ra
thì đã có lòng ham muốn, ham muốn thì tìm đòi, tìm đòi thì sẽ tranh mà tranh
thì loạn, loạn thì khốn cùng, nên đấng Tiên Vương ghét loạn nên chế định ra lễ
nghĩa mà ngăn dữ”. Xuyên suốt tư tưởng của phật giáo đó là thuyết “Nhân quả”
nguyên nhân nào thì kết quả đó. Nguyên nhân sai tức là suy nghĩ và hành động khởi
phát sai thì nhận kết quả thất bại. Nguyên nhân càng sai thì kết quả càng thảm
khốc, đó là khoa học biện chứng nó đúng với mọi sự việc từ đời sống con người
cho đến tự nhiên cũng vậy. Con người ta sinh ra chịu sự chi phối bởi quy luật
“Sinh, lão, bệnh, tử” ngoài ra còn phải chống chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên và chính giữa quan
hệ của con người với nhau và vô vàn những nguyên nhân khác không mang tính quy
luật, đức phật gọi là “Vô thường”. Cũng chính vì thế dân gian mới có câu “Đời
là bể khổ” Đúng như uy viễn tướng quân Nguyên Công Trứ từng cảm thán
“Mới sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì”.
Để giải thoát được những phiền não đau
khổ cho chúng sinh. Đức phật đã tìm ra con đường tu luyện và đã đạt được cảnh
giới tuyệt đối. Rồi ngài hệ thống lại để truyền cho các đệ tử tựu thành mà truyền
dạy cho chúng sinh, cho đời sau với hy vọng chúng sinh tu tập mà ngộ ra mà được
giải thoát, cuộc sống được an lạc. Chúng sinh khi đã ngộ ra thì không vì những
điều trái với ý muốn mà phiền não, hãy an nhiên mà đón nhận hoặc tìm giải pháp
thích ứng hoặc khắc phục có thể. Khi thông hiểu đã là con người thì không thể
khác được với quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử” thì tâm không còn sợ hãi hoảng loạn
nữa. Trong nho giáo cũng từng nói “Con người ta mới biết sống là vui mà chưa biết
sống là khổ. Mới biết già là nhọc mà chưa biết già là nhàn, mới biết chết là hết
mà chưa biết chết là yên”. Còn như chúng sinh tu tập đạt được kết quả như thế
nào thì còn tùy thuộc vào cách truyền dạy
của tăng sĩ và năng lực tiếp nhận tu tập của từng cá nhân phật tử và các điều
kiện khách quan khác nữa nên gọi là “Duyên” và “Tùy duyên”. Điều tuyệt vời của
giáo lý phật giáo là không có sự áp đặt mang tính thần quyền mà là sự “Giác ngộ”
tức là tự cảm nhận, tự nhận thức và tu luyện theo con đường đức phật đã chỉ dẫn
mà tự thay đổi. Bởi thế cho nên có quan điểm cho rằng “Đạo phật không phải là
tôn giáo” mà là một chủ thuyết duy vật biện chứng. Đạo vốn có và hằng có, nó là
cái lý của tự nhiên hiểu thấu cái lý của nó và làm chủ được tâm mình tức là
thành đạo, thành chính quả. Đức phật chỉ ra tam độc là cái nguyên nhân, tam học,
tứ diệu đế là luận giải, bát
chánh đạo là phương pháp. Tất cả những cái đó là phương tiện cần phải hiểu, cần
phải đạt để mà “Ngộ” mà “Giác” tâm. Tôi đã từng trình bầy trong các bài viết
trước đây đó là lúc sinh thời Đức Thích Ca cũng chẳng phân chia dòng phái, tông
phái nào cả. Cũng chẳng có tới mức quá thể kinh sách truyền đến ngày nay như thế.
Đạo vốn có và hằng có trong tự nhiên, trong cõi nhân gian. Đức Thích Ca nhận ra
và thấu triệt tinh thần cái đạo của tự nhiên, cái lý của thế gian. Ngài
tu tập tựu thành rồi hệ thống lại để truyền cho hậu thế nhân sinh theo đó mà
làm. Còn phần nhiều đều do người đời sau làm ra, hoặc tưởng tượng thêm, hoặc để
làm phương tiện tu tập cho phật tử hoặc ngộ ra các phương pháp tu học hiệu quả
hơn, dễ tiếp thu hơn và kể cả là vẽ vời cho huyền bí, gắn linh thiêng hóa mang
mầu sắc dị đoan để mê hoặc người đời. Để thu hút tạo ảnh hưởng đến chúng sinh
vì một mục đích sai lạc nào đó. Đạo phật với mục đích khai ngộ giải thoát phiền
não khổ ải cho chúng sinh, vậy mà núi kinh biển kệ thì phật tử nào lĩnh hội cho được. Thuộc và hiểu một cuốn
kinh đã là trở ngại đối với rất nhiều người vậy thì kinh kệ lắm như thế phỏng
có ích gì? Chẳng qua chỉ làm phức tạp thêm, dối dắm thêm một vấn đề vốn đơn giản
để quan trọng hóa, linh thiêng hóa tạo nên ảo giác vi diệu mà thôi. Tu tập mà cứ phép thuật thần
thông, cứ cầu đảo, xin cho, ban phát thì chỉ càng u mê thêm mà thôi.
III. Phật giáo nước
ta ngày nay và sự cần thiết xiển dương việc làm của Hòa Thượng Thích Thông Lạc.
Bức tranh
phật giáo hiện nay của nước ta thực sự là trăm hoa đua nở. Phật giáo phát triển
lan tỏa rộng khắp trong cả nước. Chùa chiền mọc lên với tốc độ rất nhanh và vẫn
tiếp tục đà gia tăng với những công trình tiền tỷ, thậm trí là nhiều tỷ đồng.
Sơn son thiếp vàng choáng lộn, cảnh trí muôn màu độc và lạ, kiến trúc nhiều
chùa được xây dựng theo kiểu “Tân cổ giao duyên” lai căng phi truyền thống còn tăng
ni phát triển đông đảo về số lượng, đến nỗi cách đây gần hai mươi năm đã có một
cư sĩ am tường về phật giáo đã phải thốt lên rằng “ Phật giáo nước ta đang lạm
phát sư”
Ngày rằm,
ngày mùng một hàng tháng, đặc biệt là các ngày lễ trọng trong năm và dịp đầu
xuân người đến lễ chùa đông như nêm cối, xe sang xếp cả dãy dài. Họ thi nhau lễ
lạy rườm
rà, cúng dường chư phật, chư
tăng tiền bạc để cầu lộc, cầu phúc, cầu danh vọng và có lẽ cầu đủ thứ mà họ muốn.
Vậy thì điều đó nên buồn hay nên vui? Theo thiển ý của tôi thì thực sự đáng buồn
cho phật giáo nước nhà đang đi sai lạc giáo lý của đức phật, đã bị pha tạp hóa
nhiễm màu độc hại. Ngày nay đi tu với nhiều người đã trở thành một nghề làm
kinh tế. Tăng ni thì ăn trắng mặc trơn dùng xe sang, sài đồ hiệu…..Không còn
khái niệm khổ hạnh để mà chiêm nghiệm mà diệt dục. Thay vì tu tập sửa mình trở
thành khuôn thước mô phạm, cho phật tử noi theo mà tu học. thay vì dùng những lời
lẽ giản dị, ví dụ gần gũi với đời sống mà giảng pháp cho phật tử dễ hiểu thì
quay lại làm u mê phật tử bằng những thuật ngữ, những ngôn từ mang tính ảo diệu
huyền bí. Tăng ni còn kiêm cả tử vi, tướng số, phong thủy, cúng đám hầu đồng, bắt
ma dâng sao giải hạn…Cửa thiền nay đã đậm màu “Tham, sân, si” cả từ tăng ni cho đến phật tử. Có những
cơ sở chùa chiền chẳng khác gì như một doanh nghiệp kinh tế, một vốn và
rất nhiều lời được hình thành bằng những mối quan hệ cộng sinh núp bóng đức phật
để kiếm lợi. Nếu phật còn ham chùa to, tháp lớn sơn son thiếp vàng lộng lẫy,
còn chứng quả cúng dường tiền tỷ thậm chí là tiền bất chính, tiền không rõ nguồn
gốc, thì đó có còn phải là phật nữa không. Những cái đó chẳng phải là dục vọng
đó sao? Các tăng ni cho rằng đấy chỉ là phương tiện giúp cho phật tử tu tập
chiêm bái được thuận lợi hơn, chẳng qua cũng chỉ là xảo biện mà thực chất là
cách chiêu dụ, tiếp thị, thị trường. Chính những cái đó lại là nguồn cơn là mầm
mống sinh ra tâm “tham, sân, si” mà thôi. Đáng ra nơi tu hành phải là nơi đơn
giản nhưng nghiêm cẩn và tĩnh lặng để cho con người ta lắng lại mà suy tư mà kiểm
điểm lại tâm tính và hành động thường nhật của mình. Nương vào tượng phật mà
chú tâm nghe pháp, nghiền ngẫm ý nghĩa lời kinh dạy từ đó mà hiểu ra lý sự thì
mới mong đạt được ít nhiều kết quả, giúp cho thân tâm phần nào được nhẹ nhàng hơn.
Người xưa gọi đó là “Ninh tĩnh chi viễn chí” tức
là yên lặng mà chí đi xa là vậy, như thế việc tu phật mới mong mang lại lợi lạc
quần sinh. Đấy mới là mục đích lý tưởng cao cả của đức phật muốn hướng tới. Nhiều
lúc tôi tự hỏi; Bây giờ các tăng ni khai sáng cho phật tử hay là đang làm u mê
cho phật tử. Sự u mê ấy đã đến độ đáng báo động, nó không chỉ ở đại bộ phận
bình dân mà nó còn phổ biến cả ở giới trí thức có học hàm, học vị, cả ở giới
quan chức nhà nước không kể cao thấp. Điều này nó làm giảm đi động lực sáng tạo
phát triển, giảm hiệu quả, hiệu lực của bộ máy công quyền. Họ đã đặt niềm tin
tuyệt đối vào thế lực siêu nhiên . Họ cho rằng
thần thánh, phật tiên, có thể giải quyết được mọi vấn đề, đây là một sự đánh mất
nghiêm trọng niềm tin nhân sinh. Đã có học giả phương tây nói rằng “Một dân tộc
sống dựa dẫm vào tâm linh là một dân tộc bạc nhược” mà đã là bạc nhược thì thực sự đáng lo ngại lắm
sao? Chẳng lẽ xã hội ta đang lâm vào cảnh huống như thế. Vậy thì xiển dương việc
làm của Trưởng Lão Thích Thông Lạc là rất cần thiết đối với phật giáo nước ta
hiện nay. Tôi mong muốn rằng các bậc chân tu hãy vì đất nước hãy vì lý tưởng của
Đức Thế Tôn, hãy vì lợi ích của đại chúng mà dấn thân chấn chỉnh phật sự, dẫu
biết rằng trong tôn giáo là rất khó khăn, rất gian nan. Nhưng âu đó cũng là thử
thách của đức phật để các quý tăng ni đạt được chính quả trong đạo nghiệp của
mình. Tạo nên một xã hội nhân sinh hài hòa nhân ái thì chính đó là “Cõi niết
bàn nơi dương thế”. Còn như cứ tuyệt đối hóa tin
vào những viễn cảnh mang tính ảo diệu, ảo vọng thì điều đó cũng chẳng có ích gì
thiết thực cho cuộc sống. Cả mấy ngàn năm nay lớp, lớp người tu phật có nhiều bậc
cao tăng mà dân gian mặc nhiên coi thành phật cũng chẳng thấy có ai quay về mà
bảo với thế gian rằng cõi “Niết bàn” ra sao “cực
lạc” như thế nào “âm ty địa ngục” khủng khiếp cỡ nào. Sống mà lương tâm phiền
não, sống mà chịu hình phạt của pháp luật chính là âm ty là địa ngục trần gian
chứ phải tìm ở đâu. Mục đích của đức phật là muốn chúng sinh tu mà giác ngộ cho
bớt khổ, bớt phiền não trong cuộc sống, vậy thôi thì cứ cố gắng thực hiện thiết
thực cho cuộc sống hiện sinh đã. Còn như các thứ, xứ phật niết bàn, cực lạc ra sao, có hay không có âm ty địa ngục và chết
rồi linh hồn còn không, thì hãy cố đợi cơ may có một ai đó tiền nhân tu phật
quay về báo với thế gian, còn như cứ tranh cãi luận giải có hay không cái mà không có hình tướng, không có màu sắc, không có mùi
vị thì có lẽ là bất tận không có hồi kết.
Thay lời kết của bài viết tôi được
trích dẫn lời nói của các vĩ nhân, tiền nhân trong đạo và ngoài đời như sau.
Xa, thì có đức Khổng Tử, ông tổ đạo
nho khi có học trò hỏi. “Thưa thầy con người ta sau khi chết thì linh hồn có
còn không, Khổng Tử trả lời, nếu ta bảo sau khi chết linh hồn không còn thì e rằng
những kẻ bất hiếu, chúng chẳng còn thờ cúng tưởng nhớ cha mẹ, tổ tiên. Còn như
ta bảo chết, linh hồn vẫn còn thì e rằng con thảo, cháu hiền tranh nhau chết
thay cho ông bà, cha mẹ. Thôi; hãy đợi khi nào ngươi chết thì ngươi sẽ rõ”. Còn
triết gia đạo nho Thường Tung lúc sắp chết dặn học trò có câu “đi qua cây cao
thì phải ngả mũ, gặp miếu đường thì phải bước rảo, các con có hiểu là thế nào
không? Học trò đáp; Thưa thầy như thế có phải là kính cẩn và biết ơn công lao của
tiền nhân không, Thường Tung đáp. Đúng rồi”.
Còn gần đây nhất đó là lời của đức
pháp chủ Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ nói với phật tử “Đến đức Thích Ca còn chết nữa
là, các thánh tăng cũng chết có còn ai đâu. Xá lợi cũng chẳng tiêu biểu được chỉ
là kỷ niệm thôi, chẳng qua cũng chỉ là nắm xương người. Sống lâu hay chóng không quan trọng,
quan trọng là mang lại lợi ích gì cho đại chúng. Đức phật Hoàng Trần Nhân Tông
thọ có 51 năm, Đức pháp Loa thọ 47 năm mà công đức, đạo nghiệp thì bất khả tư
nghì”. Thật là chỉ lý của bậc cao tăng chân tu, công đức và đạo hạnh để lại cho
đời đó chính là linh hồn, là “Chính quả” của người tu phật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét