NGUYỄN MINH VŨ
Làng Cót vốn là làng khoa bảng, Đất tứ danh hương, dân rất chuộng việc học và có truyền thống khuyến học. Từ xa xưa làng đã đặt quan văn trông nom việc học, lại cắt ruộng công làm độc thư điền thưởng cho người học hành đỗ đạt cao, bên cạnh đình chùa đền miếu lại xây cả văn chỉ thờ Khổng Tử, ông tổ đạo Nho và các bậc tiên hiền. Cảnh vợ trẻ thức khuya dậy sớm canh cửi vá may, bên người chồng chăm chỉ đọc sách, làm văn, không phải hiếm, những mong có ngày được hưởng cảnh “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”.
Hội Khuyến học phường Yên Hòa ra đời năm 2002, tích cực phối hợp với các trường, các gia đình, khuyến khích con em chăm chỉ học tập, đã đạt được nhiều thành tích tốt đẹp, nhiều lần được phường, quận, thành phố biểu dương, khen thưởng. Gần đây nhất, trong ngày lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến Học Hà Nội vào tháng 12 – 2013, Hội Khuyến Học phường Yên Hòa là phường duy nhất được UBND thành phố tặng Bằng khen.
Gia đình tôi nhiều người làm nghề dạy học, 2 vợ chồng tôi cũng vậy. Từ khi nghỉ hưu về sống ở quê hương làng Cót (1997), tôi đã đề xuất với họ Nguyến Quang thành lập Ban Khuyến học, được cử làm trưởng ban, rồi làm chi hội trưởng chi hội dòng họ, vợ tôi cũng làm chi hội trưởng chi hội dân cư số 32. Gia đình tôi tích cực hoạt động khuyến học, 4 lần được mời báo cáo kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm xây dựng Gia đình hiếu học và được mời đọc tham luận ở lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Hà Nội. Năm 2008, gia đình đã được dự đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ Khuyến học tiêu biểu thủ đô lần II, được tặng giấy khen của hội và một tấm phù điêu. Năm 2013 được dự lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Hà Nội, được tặng giấy khen của sở GD ĐT thành phố. Đặc biệt, tháng 10 – 2013, được tham gia đoàn đại biểu thủ đô (8 người) dự đại hội Hội Khuyến Học toàn quốc, được tặng bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam và một cái đồng hồ để bàn; sau đó được cử làm đại biểu của Hà Nội cùng 62 đại biểu khác của 62 tỉnh thành trong cả nước vào phủ chủ tịch gặp chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chụp ảnh cùng chủ tịch và được chủ tịch tặng một mô hình phủ chủ tịch. Nhân dịp này, Hội phát động cuộc thi viết về đề tài Khuyến học, tôi vận động cả gia đình cùng viết, đóng thành một tập san 28 trang gửi dự thi.
Kết quả: - Về văn xuôi: 2 bài của tôi Yên Hòa, đất hiếu học, đất khoa bảng và Kinh nghiệm xây dựng Gia đình Hiếu học được tặng giải Nhất, được Hội KH Hà Nội tặng giấy khen kèm 500 ngàn đồng, Hội Khuyến học quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận, kèm 250 ngàn đồng, được đăng trong tập Kỷ yếu của Hội Kuyến học Hà Nội.
- Về thơ: 1 bài của bà Nguyệt và 2 bài của tôi được tuyển, in trong tập Khuyến học - Những vần thơ của Hội.
Tôi còn làm một đôi cấu đối chúc mừng. Nhân nhớ đến hồi đầu năm, tháng 3 – 2013, gia đình tôi được đài Truyền Hình Hà Nội mời tham gia làm một chương trình chủ đề Gìn giữ gia phong đưa vào chuyên mục Chuyện tuổi già chiếu vào 16 giờ ngày chủ nhật hàng tuần, và năm nay tôi đã sang tuổi 81, nên tôi nghĩ được đôi câu đối sau, cũng đưa vào trong tập san gửi dự thi:
Mười lăm năm phát động phong trào cùng xây dựng gia đình hiếu học
Tám mốt tuổi bền gan phấn đấu quyết giữ gìn nền nếp gia phong.
Đầu tháng 12 – 2013, chủ tịch Nguyễn Minh Hiếu triệu tập họp đại biểu các dòng họ, thông báo quyết định xây dựng lại văn chỉ vốn đã bị san bằng trong CCRĐ, trên thửa đất ước 300 m2 bên cạnh đình làng, tôn vinh các tiến sĩ, cử nhân Nho học của làng và những danh nhân người làng có các công trình đóng góp được xã hội công nhận. Nhận thấy đây là một việc làm cao đẹp, có ý nghĩa trọng đại, lâu dài đối với cư dân làng Cót, nên tôi về suy nghĩ, viết một bài văn theo thể biền ngẫu để ghi lại sự kiện này, đem ra trụ sở UB gửi tận tay chủ tịch Nguyễn Minh Hiếu.
LÀNG CÓT ĐẤT HIẾU HỌC KHOA BẢNG
Làng Cót ta, theo khảo cổ, có từ hàng ngàn năm về trước; đất địa linh nhân kiệt nằm trải dài bên hữu ngạn sông Tô.
Kể từ khi lập làng Bạch Liên rồi Yên Quyết, bao gồm hai thôn Thượng, Hạ; sau này lớn dần lên thành hai làng Giấy, Cót, vẫn luôn gắn bó cùng nhau.
Thế cục đổi thay, hai làng đôi ba lần tách nhập; vận hội xoay vần, làng Cót vẫn vững cội nguồn xưa.
Xưa, tổ tiên ta,
Cùng với việc xây dựng quê hương an cư lạc nghiệp, đã lo ngay mở mang dân trí khuyến khích học hành.
Làng cử quan Văn Chưởng chăm lo việc học, lại xây văn chỉ thờ ông tổ đạo Nho; xét trong hương ước đã quy định rõ ràng: dành Độc thư điền thưởng cho người đỗ đạt.
Con em các họ Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn, Công, Kim…đua nhau dùi mài kinh sử; mười một Tiến sĩ được ghi tên trên bảng vàng, bia đá, rạng rỡ ngàn thu.
Cụ Hoàng Quán Chi sớm đỗ Thái học sinh, khai khoa cả huyện; cụ Nguyễn Như Uyên một nhà ba tiến sĩ, phúc lớn cho làng.
Làng quê nào có từ mười tiến sĩ, được vinh danh Làng Khoa bảng; Hạ Yên Quyết với mười một tiến sĩ, thật xứng đáng được vinh danh.
Rạng rỡ thay! Ngàn năm dựng nước, đất nước ta sản sinh nhân tài lớp lớp;
Huy hoàng lắm! Bao đời lập nghiệp, quê hương mẹ nêu cao truyền thống thi thư.
Nay, kỷ nguyên mới,
Nước nhà độc lập, khó khăn chồng chất, vẫn không quên việc học; lòng luôn tâm niệm: hiền tài là nguyên khí quốc gia.
Thế nước đi lên, đoàn kết toàn dân, vượt gian khó trùng trùng; đuổi Pháp, thắng Mỹ, đưa non sông về liền một dải.
Trước Cách Mạng, một trường hàng xã, ba lớp một thầy, dẫu đói ăn vẫn ươm mầm trí tuệ;
Sau đổi mới, kinh tế cải thiện, một trường mỗi cấp, lòng hiếu học luôn hướng tới tương lai.
Văn chỉ, trong biển dâu biến động, dấu vết chẳng còn, lòng đau khôn xiết;
Dân làng, trước vận nước đang lên, quyết xây dựng lại, khí thế dâng cao.
Đảng ủy, Ủy ban chỉ đạo chọn đất, xuất quỹ công, quyết tâm tỏ rõ;
Nhân dân, Dòng họ nhiệt huyết tràn đầy, cùng nhập cuộc, quyên góp hăng say.
Sự kiện lớn lao, trăm năm một thuở, công đức muôn đời;
Nay ghi chép lại, khắc trên bia đá, gìn giữ nghìn thu.
Ngày Bính Thìn, tháng Giáp Tý (14 – 11 âm lịch)
năm Quý Tỵ, tức 6 - 12 – 2013
|
Ghi chú: Cho đến nay (18 – 7 – 2014) không thấy nhắc nhở gì đến chủ trương này nữa, không biết tại sao, trong khi chủ tịch Hiếu đã chuyển công tác lên quận Cầu Giấy.
LÀNG CÓT QUÊ TÔI
Làng tôi nằm cạnh sông Tô,
Như cô gái đẹp bên hồ soi gương.
Đình, chùa, đền, miếu khói hương,
Bốn mùa nghi ngút, vấn vương đôi bờ.
Đất học có tiếng từ xưa,
Cháu con trong xã thi đua học hành.
Cử nhân, tiến sĩ thành danh,
Thời nào cũng có, rạng danh xóm làng.
Trước Cách Mạng chỉ một trường,
Ba lớp dạy ghép, lĩnh lương một thầy.
Ngày nay trường mới được xây,
Bốn cấp riêng rẽ, tường quây đàng hoàng.
Học trò ríu rít râm ran,
Hằng ngày hai buổi đến tràng vui sao !
Tuổi ấu thơ đẹp xiết bao,
Trăm năm lợi ích, mừng nào mừng hơn ?
Thành phường đường rộng đẹp hơn,
Nước trong, điện sáng, nhà sơn, tường dầy.
Toàn dân phấn khởi hăng say,
Lao động sáng tạo dựng xây quê nhà.
Đón thiên niên kỷ thứ ba,
Chúc phường thịnh vượng, nhà nhà yên vui.
1 – 2001
TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG
Thấm thoắt xa quê bốn chục năm
Trở về háo hức, dạ băn khoăn.
Cây si (1) toả bóng, đâu rồi nhỉ,
Cầu gạch (2) bên dòng, biến mất tăm.
Mả Cẵng (3) tha ma thành đất ở,
Mỏ Quang (4) ruộng cấy hoá tha ma.
Văn chỉ (5), ô hay... không dấu vết,
Đình chùa, may quá... vẫn còn nguyên.
Bồi hồi tìm lại ngôi trường cũ,
Đôi bàng sân trước chẳng còn chi.
Vẳng nghe đâu đó trong tâm tưởng
Lời giảng thầy Thơm (6) vẫn vọng về.
4 – 1997
|
(1)(2) Trước CCRĐ, bên phải cầu Cót có cây si cổ thụ mấy trăm năm tuổi mọc trên bờ sông Tô, bên cạnh gốc cây có xây mấy bậc gạch xuống sát mặt nước gọi là cầu Gạch.
(3) Tên một bãi tha ma ở cuối làng, gần chỗ chợ Hợp Nhất bây giờ.
(4) Tên một cánh đồng ngày xưa, bây giờ được dùng làm nghĩa trang,song không có quy hoạch gì nên trông như một bãi tha ma.
(5) Văn chỉ, nơi thờ Đức Khổng Tử, trước được xây ở bên cạnh đình làng, nay bị phá sạch, không còn chút vết tích gì.
(6) Tên một thầy giáo dạy ở trường làng Cót vào những năm 40.
HOÀI NIỆM
Bài 1
Bao năm lưu lạc xa quê
Già rồi mới được trở về quê hương.
Quê hương biết mấy thân thương
Xa quê, xa mẹ dạ vương vấn sầu.
Cuộc đời biến đổi bể dâu
Vui buồn sướng khổ chẳng đâu bằng nhà.
Nhớ con đường nắng chan hòa
Nhớ đình miếu cũ, cây đa, giếng chùa.
Nhớ từng tiếng võng đu đưa
Nhớ hương nan nứa tối trưa làm vàng.
Nhớ ngôi trường cũ hai gian
Nhớ thầy giáo giọng ấm vang giảng bài...
Nhớ dòng Tô Lịch cùng ai
Chạy chơi đùa nghịch, lội bơi chiều hè.
Nhớ cây si cổ bên bờ
Mấy trăm năm tuổi bây giờ còn đâu.
Cuộc đời quả thật bể dâu...
Bài 2
Bao năm xa cách, ngóng cùng trông
Trường cũ đây rồi, có phải không?
Lớp học hai gian, bền tuế nguyệt
Đại bàng đâu mất, dạ sầu đong.
Bạn bè cùng học, ai còn mất?
Thầy cũ xa rồi, hết mỏi mong.
Trẻ nhỏ một bầy ra đón khách
Trong veo cặp mắt, đẹp vô song!
7 - 1997
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét