Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

HỒ HOÀN KIẾM DỊCH HỌC – CHỮ VUÔNG VÀ TRUYỀN THUYẾT

TMT: Hưởng ứng lời mời viết bài cho Hội thảo khoa học TÌM LẠI CỘI NGUỒN KINH DỊCH do Trung tâm Minh triết và Trung tâm nghiên cứu Lý học phương Đông phối hợp tổ chức, nhà nghiên cứu Viên Như – người luôn khẳng định “Người Việt là chủ nhân của Dịch học và Chữ vuông” đã gửi tới Ban biên tập bài viết “Hồ Hoàn Kiếm – Dịch học – Chữ vuông và Truyền thuyết”, xin cảm ơn tác giả và trân trọng giới thiệu cùng quý vị.
Để tiện theo dõi, chúng tôi chia bài viết công phu này ra làm 3 phần:
HỒ HOÀN KIẾM DỊCH HỌC – CHỮ VUÔNG VÀ TRUYỀN THUYẾT

......
II. GIẢI MÃ

Truyền thuyết này, ngoài sách Lam Sơn thực lục, từ sau thời Lê nó không chỉ là câu chuyện được nhân gian truyền tụng, mà còn được các thức giả quan tâm ghi lại, như Tang Thương Ngẫu Lục - Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án, Sơn Cư Tạp Thuật – Đan Sơn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Hà Thành Kim Tích Khảo – Lê Dư. Năm 1916, khi in bản đồ Hà Nội, người Pháp cũng in thêm phần giải thích sự tích này.
Tất nhiên câu chuyện cũng thay đổi theo tác giả thuật lại, vì nó là truyền thuyết thì chẳng ai băn khoăn chuyện nào đúng, chuyện nào sai. Theo tôi, người xưa sáng tác ra truyền thuyết này là kế tục dòng chảy của các truyền thuyết trước đó, có nghĩa là, bên cạnh việc gởi đến mọi người thông điệp hiếu hòa, yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh như nhiều người cho rằng đó là thông điệp của câu chuyện, người xưa còn muốn gởi gắm một thông điệp khác, đó là người Việt là chủ nhân của Dịch học và chữ Vuông. Thông qua việc giải mã các di tích liên quan đến hồ Hoàn Kiếm, ta sẽ xâu chuổi các câu chuyện ấy với truyền thuyết trả gươm, từ đó ta mới xác định truyền thuyết đó viết ra với mục đích gì và câu chuyện ấy viết ra sao. Đây là điều cần thiết và quan trọng, bởi vì nếu mỗi sách giải thích một đàng, mỗi người nói theo mỗi nẻo, thì làm sao đem ra dạy cho con trẻ, thậm chí nó lại trở thành một câu chuyện mua vui khi kể cho người nước ngoài, trong khi đó người xưa sáng tác ra câu chuyện ấy không phải để giải trí hay làm vừa lòng Lê Thái Tổ, ta biết điều này vì trước đây, chung quanh hồ hoàn Kiếm, suốt thời gian hơn 400 năm không hề có di tích nào liên quan đến vua Lê. Cho đến năm 1.888, 455 năm sau sự ra đi của người anh hùng áo vải Lam Sơn, tượng của ông mới được dựng ở hồ Hoàn Kiếm.
        1. Ý NGHĨA TÊN HOÀN KIẾM
        Hoàn kiếm hay Hoàn gươm có nghĩa là trả lại thanh kiếm. Cái tên này được hình thành từ câu chuyện nói trên, tất nhiên người xưa sáng tác ra câu chuyện ấy phải có mục đích, ta không biết chính xác họ nghĩ gì, nhưng qua câu chuyện ta có thể nghĩ rằng:
            - Trả lại kiếm có nghĩa là thôi không còn dùng tới bạo lực nữa, chẳng còn chuyện chém giết nữa, đất nước đã thanh bình, phải dùng đức trị mà thôi.
            - Trả kiếm cũng có nghĩa là chuyện can qua thực ra là bất đắc dĩ, chứ tự lòng người ai cũng muốn sống đời hòa bình, vì kiếm là biểu tượng cho quyền uy nên nó còn là hình ảnh nói lên chuyện chiến tranh.
“Chín từng gươm báu trao tay, [1]
Nửa đêm truyền hịch, rạng ngày xuất chinh”
            Trả kiếm cũng có nghĩa trả lại quyền lực, sức mạnh ấy lại cho nhân dân, vì nếu không có dân làm sao đánh đuổi được quân xâm lược, cũng như truyện Thánh Gióng, sau khi đuổi giặc Ân rồi, lên núi Sóc Sơn mà về trời. Về trời là về với bản thể (Dịch) mà nước thì lấy dân làm bản thể “Quốc dĩ dân vi bản”.
            Có thể người ta muốn Việt hóa nên gọi kiếm là gươm, thực ra cứ gọi Hoàn Kiếm cũng là Việt đấy thôi, sang tàu mà nói “Hoàn Kiếm” đố ông nào hiểu. Nhưng thôi cứ gọi là gươm cũng được, nhưng sao không gọi là Hoàn Gươm (Le lac de Hoan Guom) như cách gọi đã ghi vào bản đồ Hà Nội năm 1886. Đành rằng nguyên tắc của ngôn ngữ là từ ghép nào đã dùng lâu, người ta có khuynh hướng nói ngắn lại cho tiện, nên dần hồi Hoàn Gươm chỉ còn lại Gươm thôi. Nhất định cách gọi ấy đến từ quần chúng, nhưng những nhà quản lý chẳng nên dùng như thế, vì Hoàn Gươm là chấm dứt chiến tranh, sống đời hòa bình, nay cứ cầm gươm mãi đâm ra ngứa ngáy tay chân, nhất là gặp lúc bực tức, không chặc cái này thì cũng chém cái kia, khiến cho những người chung quanh luôn lo sợ. Không nên dễ dãi mà cho rằng chẳng sao, vì dân ta thường nói “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nói hoài thành ra nó vận vào mình như số phận của Kiều khi quá thương xót Đạm Tiên.
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”
Quan rằng: “Chị nói hay sao,
Một lời là một vận vào khó nghe!
            Số phận của Kiều về sau ai cũng biết rồi, còn Hà Nội là thủ đô, là linh hồn của nước Việt, thế mà cái Gươm cứ sừng sửng ra đấy, mỗi khi đã vận vào hồn thì nhất định có ảnh hưởng tới tư tưởng, đây là điều đáng nên suy nghĩ vậy.
Theo tôi câu chuyện này, người xưa đã kế thừa truyện  Hồ Tinh và Thần Kim Quy để sáng tác. Truyện Thần Kim Quy là câu chuyện chuyển từ Tĩnh sang Động, tức là Hà Đồ  - Tiên Thiên Bát Quái sang Lạc Thư  – Hậu Thiên Bát Quái, còn câu chuyện Hoàn Gươm này là chuyển từ Động sang Tĩnh hay từ Dương sang Âm, từ chiến tranh sang hòa bình. Chính sách đương thời của Lê Lợi là một minh chứng.
"Cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh trả lại đất cho ta, không xâm phạm bờ cõi của ta, đó là điều ta cần. Hà tất phải giết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì?"[2]
Ta có thể vẽ lại hình ảnh câu chuyện theo sơ đồ dịch học như thế này:
Vua Lê Thái Tổ là Càn - Hành Hỏa - Phương Nam, dạo chơi trên hồ, nước thuộc hành Thủy – Khôn - Phương Bắc. Rùa là con vật tượng trưng cho phương Đông (Sứ Thanh giang) –Hành Mộc – Ly, Kim (Kiếm)là hành của hướng Tây – Khảm. Như vậy, hình ảnh Lê Thái Tổ dạo chơi trên hồ vẽ ra một sơ đồ của bản thể gồm hai trục Tung - Hoành, tượng trưng cho Hà Đồ  mà cũng là đất nước Đại Việt, nơi mà đã mười năm[3] qua ông đã tung hoành.
Theo dịch học, mọi chuyện xung khắc chỉ có trong Lạc Thư, nơi ấy mới có chuyện biến dịch, kẻ lên, người xuống, người thắng, kẻ thua, trong vòng biến dịch ấy, do sự xung khắc không ngừng diễn ra, gây nên bao cuộc tang thương, dâu bể. Tham vọng của vua quan nhà Minh, kháng chiến của Đại Việt, sự xung khắc ấy gây ra biết bao khổ đau cho cả đôi bên, đó là bản chất của chiến tranh, người Việt vốn không muốn có chiến tranh nhưng buộc vào thế phải đứng lên kháng chiến, vì sự tồn vong của dân tộc mình, đa số quân Minh, vốn là những nông dân chất phát, thế mà phải sang nước Việt, phơi mình nơi trận địa chỉ vì cái vô minh của bọn hôn quân. Tuy nhiên, từ sâu xa trong tâm thức của mỗi con người, ai cũng ghét chiến tranh, chuộng hòa bình, nên hết can qua rồi thì cất gươm vào kho, chứ cứ kè kè thanh kiếm bên hông làm cho không khí luôn đầy sát khí, thế thì đâu phải là cách hành xử của đấng quân vương, cho nên trả gươm là một hành động nói lên tính hòa hiếu của nước Việt; đồng thời làm cho sĩ phu lúc bấy giờ yên tâm ủng hộ triều đình, chuẩn bị xây dựng lại giang sơn sau mười năm bị tàn phá bởi chiến tranh khốc liệt.
Như đã nói trên, những người sáng tác ra câu chuyện này nhất định đã có đọc hoặc biết câu chuyện Thần Kim Quy trong sách Lĩnh Nam Trích Quái, mà cũng có thể câu chuyện ấy vẫn thầm lặng tồn lưu trong giới trí thức của dân tộc,  làm cảm hứng cho việc sáng tác ra câu chuyện Hoàn Kiếm này. Ta biết trong truyện Thần Kim Quy, An Dương Vương xây thành mãi mà không được, lúc ấy có ông già cao 9 thước, mặt vuông, bụng phệ, râu tóc bạc phơ hiện ra nói sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp[4]. Theo dịch học đó là hình ảnh Lạc Thư  thay thế Hà Đồ , ông già tượng trưng cho Vô cực – hướng Tây – Khảm, rùa tượng trưng cho Thái cực – hướng Đông – Ly. Khảm Ly theo Hà Đồ  là trục Hoành – Âm. Khi Âm làm cuộc chỉnh lý khiến cho cục diện của vũ trụ thay đổi, Khảm Ly thế Càn Khôn, tức là thế giới của Thái cực, Thái là hanh thông, nên thành chỉ xây nửa tháng là xong. Còn ý nghĩa của Vô cực –Tây – Âm, tượng trưng cho sức mạnh của dân, cái sức mạnh ấy ngày thường dường như chẳng thấy đâu cả, vì nó tiềm ẩn trong lòng dân, những sĩ phu, nông dân, công nhân, thợ thuyền, nhưng đúng thời, nó bùng phát ra ngoài thì sẽ cuốn phăng đi tất cả, lịch sử đã biết bao lần chứng minh cho điều ấy[5]. Cho nên An Dương Vương chưa xây được thành vì chưa thay đổi được lòng dân, hay dân chưa theo. Lê Lợi cũng thế, buổi đầu kháng chiến.
            “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
             Lúc Khôi Huyện quân không một đội”.
 Nhưng rồi, dần hồi cố kết lòng dân, giặc từng ngày lâm vào tuyệt lộ, chiến thắng là tất yếu, nhưng con đường chiến thắng trải đầy máu xương, vì vậy  thắng rồi thì thôi chẳng nên dùng kiếm nữa.
Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.[6]
            Là bậc minh quân, Lê Thái Tổ nhất định nhận thức hết sức sâu sắc về vị trí và quyền hành của mình, tất cả là do dân, của dân. Cho nên trả lại gươm thiêng cho rùa có nghĩa là trả lại gươm ấy cho dân, trước hết ở đây là trả lại cho Lê Thận, một dân chài, một người bạn keo sơn, chí cốt từ thuở làm dân của Lê Lợi, sau nữa là trả lại sức mạnh, quyền lực cho nhân dân, bởi vì trên thanh gươm đó vẫn còn hai chữ “Thuận thiên” thuận thiên là thuận với ý trời, mà như ta biết ý dân là ý trời, nên thuận theo dân cũng là thuận theo trời vậy. Tất nhiên câu chuyện ấy do các trí thức thời ấy dựng nên để nhắc nhở đấng quân vương, còn chuyện vua có ý thức được điều đó hay không còn tùy, ở đây chỉ theo câu chuyện mà bình thôi.   
2.  CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU
Như đã đề nghị trên, hình ảnh vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa vẽ nên hai trục tung hoành, nói khác hơn là Khảm Ly hóa Càn Khôn hay hiện tượng trở về với bản thể, vì Hà Đồ  dụng âm nên chuyện diễn ra trên hồ nước. Nói như thế có nghĩa là chuyện diễn ra dưới hồ hay nước là thuộc về bản thể tức Hà Đồ, còn những chuyện diễn ra trên bờ là chuyện của hiện tượng tức Lạc Thư, đây là cốt lõi của truyền thuyết này. Ta có thể khẳng định điều đó khi nghiên cứu các di tích còn lại quanh hồ, cho dù những công trình này được xây dựng rất lâu sau truyền thuyết Hoàn kiếm; đồng thời qua đây ta biết việc cho rằng sách Lĩnh Nam Trích Quái được kết tập vào thế kỷ 14 là có cơ sở. Với truyền thuyết và những công trình vẫn còn tồn tại quanh hồ; qua khảo cứu ta biết nó thể hiện những khái niệm rất xa xưa về Dịch học, cụ thể là khái niệm phồn thực, đại diện là hai con vật thuộc loài lưỡng cư cóc – nhái, vẫn tồn tại trong giới nho sĩ vào thời điểm đó, những khái niệm này phương bắc chưa từng hay biết. Điều đó nói lên rằng cho đến thời Nho sĩ  Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu (1865) cho xây dựng đài Nghiên, tháp Bút, nguồn gốc dịch học của nước ta vẫn được tồn lưu trong giới trí thức của dân tộc.
Như đã nói trên, chuyện diễn ra dưới hồ, hay công trình dưới nước thuộc Hà Đồ, còn chuyện trên bờ là chuyện của Lạc Thư hay cuộc đời với vô vàn thăng trầm, buồn vui, tất cả đều do hai yếu tố Âm - Dương tương xung, tương khắc, tương thành mà ra cả. Căn cứ vào hướng của các công trình trên bờ, ta có thể khẳng định rằng các công trình chính chủ yếu bắt đầu từ chính bắc tới chính đông, bởi vì đây chính là giai đoạn âm suy, dương thịnh theo Lạc Thư  – Hậu thiên bát quái. Từ quan điểm này, trước tiên ta hãy tìm hiểu các công trình, dưới nước bắt đầu từ Tháp rùa, trên bờ bắt đầu từ hướng Bắc tới Đông.
2.1. Quy sơn tháp 龜山塔hay Tháp rùa:
Nằm ở trung tâm hồ, nhìn từ hướng Đông, được xây dựng khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật. Tầng một: Dài 6,28 mét (của 2 mặt hướng Đông và Tây), mỗi mặt có 3 cửa. Rộng 4,54 mét, mỗi mặt có 2 cửa. Các cửa đều được xây cuốn, đỉnh thuôn nhọn. Tầng hai: Dài 4,8 mét, rộng 3,64 mét và có kiến trúc giống như tầng một. Tầng ba:  Dài 2,97 mét, rộng 1,9 mét. Tầng này chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68 mét, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh vuông vức, mỗi bề 2 mét.(*)[7]
Như đã nói trên, người xưa đã lấy ý tưởng từ dịch học để đưa vào các biểu tượng tại Hồ Hoàn Kiếm, tất nhiên Tháp Quy Sơn cũng được xây dựng trên cơ này. Rùa tượng trưng cho Thái cực, ở hướng Đông. Tháp gồm ba từng, tượng trưng cho Tam Tài. Hai cửa hướng Đông Tây, tượng trưng cho trục Hoành, mỗi hướng có ba cửa, tượng trưng cho hai quái, Ly hướng Đông và Khảm hướng Tây, các thông số chiều dài chiều rộng của mỗi tầng, theo tôi đều phản ảnh các số dịch lý, như: 4,54. = 4-9. 4,8 = 4 tượng + 8 quái. 3,64 = Tam tài – 6+4 = 10 Lý số bản thể. 2,97 = Nhị Nghi, 9+7=15 Ma phương Lạc Thư . 1,9 = Trục Tung - Dương, Bắc Nam 1 Bắc – 9 Nam. 0,68 = Tổng các phạm trù dịch lý. 2 nghi+4 tương+8 quái. Tầng trên cùng Vuông = Tròn, 2m = Vô cực và Thái cực, tức thể hiện câu “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” Đạo là âm dương nhất thể vậy. Có nghĩa là vạn hữu không gì ngoài hai yếu tố Âm – Dương.
2.2. Đền Ngọc Sơn 玉山 : Đền nằm ở phía Bắc hồ, nhìn từ trên bờ Nam, xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi). Vua Lý Thái Tổ đặt tên là Ngọc Tượng khi dời đô ra Thăng Long và đến đời Trần thì đảo được đổi tên là Ngọc Sơn. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra đền Ngọc Sơn trên nền cung Thuỵ Khánh cũ. Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo.(*)
Đền được xây dựng căn cứ vào các công trình làm về sau lấy cảm hứng từ truyền thuyết Hoàn Kiếm với ý tưởng như đã phân tích trên, tuy nhiên, về sau người ta định vị từ hướng chính bắc, do đó đền Ngọc Sơn xem như thuộc hướng chánh nam. Vì sao như vậy? Vì đền Ngọc Sơn nằm ngoài hồ, do đó khi đứng ở bờ bắc nhìn ra thì nó thuộc hướng nam, hành hỏa - quái Càn, tượng trưng cho Cha (Hà Đồ  - TTBQ). Đây là lý do để người xưa đặt tên là Ngọc Sơn.
Với những thông tin trên bức tranh “Thầy đồ Cóc” ta biết chữ Sơn được hình thành từ hình ảnh của sinh thực nam qua câu “Đem gan cóc tía đối sơn hà”. Cóc là con vật tượng trưng cho phương Nam, bức tranh “Tứ quý” với hai câu thơ “Trai tài ôm cóc tía, gái sắc bế rùa xanh” chứng minh cho điều đó. Tía là đỏ, màu của phương nam, ngày xưa là Đế, như Đế Nghiêu, Đế thuấn tức là Tía - Cha Nghiêu, Tía - Cha Thuấn. Chữ Đế này ngày xưa đọc là Tia, xuất phát từ các tia sáng của mặt trời, [8] về sau là từ dùng để gọi cha, ngày nay Trung quốc vẫn gọi Tia là cha. Vì lý do đó mà gọi đền ấy là Ngọc Sơn, tức núi quý. Vì quý như vậy nên người xưa gọi là Bửu bối.
Đền Ngọc Sơn là một cụm công trình với nhiều gian thờ cũng như câu đối hoành phi, ở đây chỉ bàn về tên gọi và hướng của công trình theo dịch học của người Lạc Việt mà thôi.
2.3. Cầu Thê Húc 棲旭: Cầu nằm ở hướng Bắc, dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Cầu có 15 nhịp, 32 chân cầu chia làm 16 cặp. (có thể rộng 1m8 đoán).
Vai trò của cầu Thê Húc là nối đền Ngọc Sơn với Đài Nghiên, nói khác hơn là nối quái Càn với quái Khôn. Có nghĩa là cầu Thê Húc chính là Trục tung – Dương, cho dù ở Hà Đồ  hay Lạc Thư . Tất nhiên các số đo của cầu đều căn cứ vào các lý số của dịch học, như 15 = Ma phương Lạc Thư . 16 cặp chân = 8+8. Chiều rộng của cầu hiện nay chưa tìm thấy so đo, tuy nhiên theo tôi nghĩ là 1.8m. Vì nó đại diện cho trục Tung – Dương nên người xưa mới đặt cho cái tên Thê Húc 棲旭 có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm".
Như trên đã nói, cầu Thê Húc tượng trưng cho trục Tung, nối Nam - Bắc, Càn- Khôn, tức Hà Đồ  hay Vô cực, đại diện cho Bản thể - Đạo. Từ Bản thể sinh Nhị nghi, có nghĩa là có hai nghi âm dương tách biệt từ đó có thế giới của hiện tượng, tức Thái cực. Người Việt dùng hai con vật thuộc loài lưỡng cư để tượng trưng cho hai nghi này, đó là: Nhái tượng trưng cho Âm, Cóc tượng trưng cho Dương.  Đây là phần mà các khái niệm được thể hiện theo tinh thần của Lạc Thư  – HTBQ, có nghĩa là Hà Đồ  - TTBQ đã thành Lạc Thư  – HTBQ, do đó các công trình này được xây dựng trên bờ, tất nhiên là theo chiều kim đồng hồ. Trước hết ta hãy tìm hiểu vì sao gọi là Thư , (vấn đề này xin đọc phần Lạc Thư , trang 21), ở đây xin nói vắn tắc để dễ hình dung mà thôi.
Chữ thư gồm: Duật : Cây bút và Viết  - Nói rằng. Hình ảnh của chữ Thư là hình ảnh của trục tung theo Lạc Thư , trên Duật – Khảm - Dương, dưới Viết – Khảm - Âm. Dương Âm là Ly Khảm, nó tương đồng với Càn Khôn ở Hà Đồ . Từ hình ảnh này, tiền nhân chúng ta, cụ Nguyễn Văn Siêu đã xây dựng thành hình ảnh  các công trình, cụ thể là:
   Duật - Càn – Ly - Cây bút . Thành Tháp Bút - Dương
   Viết  - Khôn - Khảm. Thành đài Nghiên - Âm.
Tất nhiên, việc phân tích theo lối chữ Khoa đẩu về lý tính của các con chữ không phải vì Nho sĩ NguyễnVăn Siêu đưa ra, mà nó được tổ tiên nước Việt sáng tác theo nguyên tắc dịch học và đã có từ ngàn xưa. Nói cụ Siêu xây dựng như vậy có nghĩa là cụ hiểu rất rõ các con chữ ấy được sáng tác để biểu ý cho khái niệm gì; đồng thời qua đó cho ta biết chuyện nguồn gốc dịch học của người Lạc Việt đến thời cụ Siêu vẫn còn bàng bạc trong nhân gian. Những gì cụ hiểu và thể hiện qua công trình đài Nghiên, tháp Bút là những khái niệm mà chưa có một sách vở nào của Trung Hoa đề cập đến, điều này cho ta biết họ không phải là chủ nhân của Dịch học và chữ Vuông. Như đã nói trên, từ khái niệm nội tại của chữ Thư, cụ Siêu đã kế thừa tiền nhân sáng tác ra hai công trình đài Nghiên và Tháp Bút. Ta hãy tìm hiểu.
3. Biểu tượng Âm Dương của Đài nghiên  & Tháp bút
Vì Lạc Thư , quẻ của nó là Âm Dương (Khôn – Càn) nên ta bắt đầu từ Âm trước.
         3.1. Đài Nghiễn. 臺硯 
Ở đầu cầu Thê Húc thuộc hướng chánh bắc là Đài Nghiên, nghiên được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền, nghiên mực bằng đá xanh đẽo tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m, có ba con cóc đội nghiên như ba cái chân kiềng, trên thân của nghiên có khắc một bài minh 64 chữ Nho, do Nguyễn Văn Siêu sáng tác và viết chữ. (*)
Theo tôi, cụ Siêu dùng chữ đài này có dụng ý. Một là chữ này cũng đọc là thai. Hai là chữ này có dị thể là đọc là đài vừa có âm thai, đồng âm với thai nghén, vừa là sao thai như cụ đã viết trong bài minh trên nghiên mực. Chữ Nghiễn là nghiên mực, qua kết cấu của chữ này, ta càng khẳng định thêm rằng chữ Vuông là do người Việt làm ra, cụ thể chữ Nghiễn gồm: Chữ Thạch, và Kiến .
Chữ Thạch gồm: Bộ Hán – Sườn núi, Khẩu – Miệng. Thực chất chữ Thạchlà phần dưới –Âm của chữ Nham , một con chữ thể hiện sơ đồ vũ trụ như hình minh họa, từ đây ta biết rằng bộ Hánlà trục Hoành của Hà Đồ 河圖và chữ Khẩuchính là quái Khôn (Ở trên là Sơn – Càn).
Chữ Kiến thực chất là hình ảnh con Ếch, xem hình minh họa ở bên, chuyện này tiền nhân nước Việt đã chỉ ra trong bài thơ trên bức tranh “Thầy đồ Cóc” khi mô tả chữ Cóc, tức Giác Thấy học xem bằng ếch thấy hoa”. Xưa nay ta chỉ biết nghĩa của chữ Kiến là thấy thôi, nếu không có sự chỉ bày của người tiền nhân nước Việt thì không làm sao chúng ta biết được chữ Kiến được vẽ ra từ hình ảnh của con ếch, đồng loại với Nhái. Con Nhái tượng trưng cho Âm hay Vô cực, nơi sinh ra con người và vạn hữu, vì vậy mà trên nghiên mực, người xưa khắc cái đùi nhái với sáu lá tượng trưng cho quái Khôn.
Như vậy chữ Nghiễn là một chữ hội ý khoa đẩu, do người Lạc Việt sáng tác ra, từ sơ đồ dịch học qua hình ảnh con ếch. Chữ và hình ảnh hoa văn khắc trên nghiên tượng trưng cho dịch học, tất nhiên các số đo của cái nghiên cũng tương thích với lý số của dịch học, cụ thể là: Dài 0, 97m, 9+7 = 15 – Ma phương Lạc Thư . Rộng 0,8m = Bát quái. Cao 0,3m = Tam tài. Chu vi 2m = Thái cực và Vô cực.
Có một yếu tố rất thú vị cần phải làm rõ ở đây, xin đừng nghĩ xấu cho cụ Siêu, vì cụ thật quá thông minh và cả óc hài hước nữa, đó là Nghiên được cụ đặt trên cổng “Đài Nghiên”, có nghĩa là nam, nữ, vua quan gì gì chăng nữa cũng vào cửa đó, rồi ra cũng chổ đó mà thôi.
3.2. Tháp Bút 塔筆
Tháp nằm trên bờ, hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865. Tháp dựng trên ngọn núi do đá xếp gọi là núi Độc Tôn, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông mỗi cạnh 2m. có 5 tầng, cao 10m gồm cả bút lông[9]. Đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược. Cả cán và ngòi bút cao 0,9m. Tháp có khắc ba chữ lớn “Tả Thanh Thiên” nghĩa "Viết vào trời xanh".  Ở tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí.
Các số đo nói trên là căn cứ vào lý số các khái niệm dịch học, như: 12m = 12 địa chi – Âm, 4m = Tứ tượng, 2m = Nhị nghi, 5m = Ngũ hành, Tháp cao 9m = Cửu cung + (10cm đế?) Bút = 90cm = 10 Lý số tuyệt đối của dịch học. Khôn tượng trưng cho mẹ - Khôn, nhưng chỉ mình mẹ thôi thì sao sinh con cái được, nhất định phải có cha - Càn, cụ Siêu đã thể hiện chữ Sơn thành tháp  Bút塔筆. Chức năng của Bút là viết, do đó ta mới có chữ Viết dưới chữ Duật là bút, tức chữ Thư . Viết còn gọi là Chép, tức là dùng bút để tiếp xúc với cái gì đó để chép, như con người thì Dương dùng viết để chép lên Âm thành Sách – Thư, sách thì có nhiều dòng, nên người ta có nhiều dòng họ, Trần, Hoàng, Lý, Lê, Nguyễn v.v..
Tháp Bút đặt trên một ngọn núi gọi là Độc tôn. Sao lại gọi là núi Độc tôn? Tại vì các ông cả thế giới này chỉ có một ngọn núi thôi nên gọi là độc tôn. Trên núi này có cây bút chỉ thẳng lên trời, trên đó ghi ba chữ “Tả thanh thiên” có nghĩa là “viết vào trời xanh”. Trời ở đây là Vô cực, cụ thể là Hà Đồ . Người xưa nói “Hà Đồ  thể viên nhi dụng phương – Hà Đồ  thể dương mà dụng âm”. Khi một người qua đời, ta nói người ấy lên trời là nói về với bản thể, còn nói giờ này họ đã ở trong cõi âm là nói về cái dụng của Hà Đồ . Cho nên Bút viết vào Trời là Thái cực – Thuộc Dương viết vào Vô cực - thuộc Âm, khái niệm thông thường là “Khảm Ly hóa Càn Khôn” có nghĩa hiện tượng trở về với bản thể, bản thể là âm dương nhất thể vậy, nên muốn sinh thì âm dương phải hòa thành một, từ đó mới sinh. Các ông không gặp mấy bà thì lấy gì mà sinh. Nói tóm lại Tả thanh thiên là Dương viết vào Âm, từ đó Âm lại tiếp tục sinh nhị nghi. Tại tầng ba của tháp có bài “Bút tháp chí” nói về nguyên nhân làm tháp, do Nguyễn Văn Siêu biên soạn. Toàn văn như sau:
Trên đỉnh núi Độc Tôn có Tháp Bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi. Khoảng Lê Vĩnh Hựu (1735-1739) nghịch Phương lén chiếm núi Độc Tôn ở huyện Phổ Yên xứ Thái Nguyên, Vương sư  đi đánh dẹp, đóng quân ở núi Ngọc Bội, liên tiếp phá giặc. Ngày khải hoàn, nhân gò đất cao, đắp núi để ghi công, đặt tên là núi Độc Tôn. Sau cuộc chính biến núi bị gai góc phủ đầy. Trong hồ có miếu Văn Xương. Vào dịp trùng tu miếu, ngó sang bờ Đông, thấy có núi, bèn phát cỏ dọn cây, xây tháp Bút, đối diện với đài Nghiên. ấy núi là biểu tượng của chiến công mà tháp là biểu tượng của văn hóa. Cả hai cái đó dựa vào nhau mà tồn tại”.
Bài minh trên tháp bút giải thích nguyên nhân và ý nghĩa làm tháp bút, tương truyền rằng sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương, Chúa Trịnh Doanh cho đắp núi Độc Tôn ở phía Đông hồ Hoàn Kiếm; đồng thời cho đắp núi Ngọc Bội ở phía Tây hồ, có thể từ hai tên gọi này mà Nguyễn Văn Siêu đã nghĩ ra chuyện xây dựng tháp Bút và đài Nghiên. Trong bài này cụ Siêu chỉ nói lý do xây tháp Bút mà không hề nói tới vì sao xây đài Nghiên, tất nhiên phải có lý do cho việc xây đài Nghiên chứ không phải bỗng dưng mà có việc ấy. Lý do đó là Ngọc Bội, cụ đã đặt tháp lên núi Độc Tôn, còn núi Ngọc Bội thì cụ lờ đi, không trùng tu, thay vào đó cụ sáng tác ra cái Nghiên. Vậy cái nghiên này có liên quan gì tới núi Ngọc Bội? Xin thưa là có, đó là vì Ngọc Bội là thứ ngọc mà người xưa thường mang nơi ngực hay thắt lưng, theo tôi kì thực Ngọc Bội là miếng ngọc ban đầu có hình tròn có lỗ ở giữa tượng trưng cho Hà Đồ. Hà Đồ  thuộc âm, con vật tượng trưng là con Nhái, một loài lưỡng cư như Ếch. Đồng thời, theo lưu truyền, ngày xưa ở đền Ngọc Sơn có hai mô đất nhỏ là nơi vua thường ra câu cá, gọi là Điếu đài 釣臺. Điều đài釣臺gồm Ngọc Bội玉珮và Đào Tai桃腮 (má đào), tức là mô tả sinh thực nam, gồm cần câu, thuộc dương và hai mô đất tức là hai hòn dái (Ngọc Bội và Đào Tai) thuộc âm, tất nhiên câu ở đây là câu cá (chép) tức là cái nghiên hình trái đào. Hiện chúng ta không biết Trịnh Doanh cho xây hai núi Độc Tôn và Ngọc Bội ngoài ý nghĩa như đã nêu trong bài minh trên tháp còn có nghĩa gì khác không, tuy nhiên với những gì Nguyễn Văn Siêu thể hiện, ta biết nhất định nó có liên quan đến nguồn gốc dịch học. Vì vậy khi được phép trùng tu đền Ngọc Sơn, cụ Siêu đã kết hợp làm nên một công trình, tuy không lớn nhưng giá trị văn hóa của nó vô cùng lớn. Việc khắc bài minh trên tháp, tuy có sự nhầm lẫn về chuyện Ngọc Bội[10], nhưng có giá trị vừa để giải thích lý do làm tháp, vừa là cách chống chế với những người lắm chuyện, nhất là khi các người đó có vị trí trong triều đình nữa thì dễ nguy đến tính mạng, chuyện đục bỏ mấy chữ “Ứng thượng thai nhi thổ vân vật” chứng minh cho điều đó, may mà mới đục mấy chữ chứ đập cả nghiên thì nước Việt vĩnh viễn mất đi một kiệt tác về văn hóa.



[1] Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch. Chinh phụ ngâm khúc. 
[2] Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn.
[3] Tung Hoành cũng chính là chữ Thập - .
[4] Xem Truyện Thần Kim Kim Quy, tr 239.
[5] Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh. Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Thiền sư Không Lộ
[6] Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi – Ngô Tất Tố dịch.
[7] Tất cả các đoạn (*) lấy từ nguồn https://vi.wikipedia.org
[8] Xem phần chữ Đế, trang 56.
[9] Có sách nói 28m, có sách lại nói 9,9m. Con số 10 là tôi đề nghị. Cần đo lại, có thể 8,2m + 9 thôi.
[10] Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục 41. Ngọc Bội là núi mà Nguyễn Phương Doanh đóng quân chứ không phải Trịnh Doanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét